Nhà Bố mẹ của con...

Nhà Bố mẹ của con...

Tôi chưa từng làm mẹ, cũng chưa từng thử cảm giác làm mẹ như thế nào. Nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ: Sao bố mẹ mình lại quá tài giỏi, quá giàu có?

Bố tôi chỉ tốt nghiệp trung cấp, mẹ thì cao đẳng. Tài giỏi không đánh giá bằng cấp hay địa vị xã hội. Nhà tôi chỉ là một gia đình công chức bình thường, không ông to bà lớn,bố là công nhân cơ khí, mẹ là giáo viên trung học. Nhưng trong lòng tôi, càng lớn, càng cảm thấy bố mẹ đối xử với mọi thứ trong cuộc sống, các mối quan hệ thật dung hòa. Đôi khi tôi nghĩ, nếu là tôi trong cuộc sống như vậy, sẽ biết xử lý như thế nào?

Mới chỉ làm dâu chưa đầy năm, mà có quá nhiều thứ, quá nhiều sự việc diễn ra xung quanh; làm thế này không được, thế kia cũng chẳng xong; chỉ muốn buông xuôi cho tất cả muốn ra sao thì ra. Nhưng bố mẹ thì khác, mọi thứ trong cuộc sống đều chu toàn, mọi thứ đều có cách giải quyết của riêng nó, như là vốn nó phải thế. Hay là tôi chỉ mới là đứa con gái bước vào đời lạ lẫm, cuộc sống có quá nhiều thứ phải học. Mười năm, hai mươi năm, cứ cho cuộc đời quật ngã mình, sẽ đến lúc mềm dẻo, uốn mình hòa vào nó. Như cách bố mẹ đã làm, đang làm và sẽ làm như vậy đến cuối cùng.

Nhà tôi chỉ là một căn nhà mái ngói xây từ những năm 70, một mảnh vườn nhỏ, một cái ao thả cá; không kinh doanh hay buôn bán gì, quanh quẩn chỉ có vài cân chè tươi, buồng chuối chín hay con cá rô. Tất cả chỉ yên bình như những người nông dân. Nhưng sao tôi thấy bố mẹ thật giàu có. Không để cho chúng tôi phải đói ăn từ lúc sinh ra, không phải thiếu quần áo, sách vở khi đến trường. Đến tận bây giờ, khi con cái đã lớn, đã đi làm, đã có thể lo cho cuộc sống, bố mẹ vẫn ki cóp cho tiền, cho đồ ăn, quà bánh. Đôi khi tôi sợ khi có con, tôi sẽ không đủ sức, không đủ tiền để lo cho nó cuộc sống đầy đủ. Ngay cả bây giờ, chuyện tiền nong nhiều lúc cũng làm cho tôi quay cuồng đầu óc. Bố mẹ kể ngày trước, hồi mới đi làm hay mới có chúng tôi, lương tháng chỉ được mấy nghìn đồng, ăn cơm quẹt với lá mít xếp đáy nồi cá kho cũng được hai bữa, mua vài lạng thịt ăn cả tuần. Hay cuộc sống khó khăn thiếu thốn tôi luyện con người qua năm tháng, giờ sống đầy đủ quá, sống sung sướng quá mà không thể hiểu cái cảm giác ki cóp từng đồng, từng trăm là như thế nào?

Tôi còn nhớ ngày sinh viên, từ quê lên Hà Nội cả tuần tôi mới tìm được quả táo nhét ở hông chiếc ba lô, tôi khóc mãi, không phải vì tiếc quả táo, mà là nghĩ đến lúc tôi bước xuống sân rồi mà mẹ vẫn chạy theo bỏ thêm vào vì biết tôi thích ăn.

Càng lớn, càng cảm thấy thời gian mình dành cho bố mẹ quá ít, đi học, đi làm cả tháng mới về ăn được với bố mẹ bữa cơm. Rồi chẳng được mấy tháng ngày, lại lấy chồng đi làm dâu nhà khác, thời gian được ở bên bố mẹ càng ít hơn. Ngày trước nghĩ ngô nghê lắm, nào là lấy chồng gần thì về nhà mẹ suốt, nào là bố mẹ chồng dễ tính, chồng tâm lý thì cảm giác như nhà mình. Nhưng dù có dễ thế nào, dù có thoải mái đến đâu, cảm giác của con gái đã đi lấy chồng là một thế giới khác. Đúng như người ta đã nói, dạm ngõ rồi là đã mang gai đến rào cổng trước nhà mình; bước chân theo chồng là không được ngoảnh đầu nhìn lại phía sau.

Tôi nhớ hồi Tết, năm đầu đón giao thừa xa nhà, tôi khóc suốt từ đầu tháng Chạp, vì ti vi cứ chiếu đi chiếu lại những clip quảng cáo, chia sẻ về ăn Tết xa nhà. Gần có bốn cây mà xa cả ngàn dặm vậy. Không có tôi, Tết buồn hẳn. Mặc dù mọi năm, tôi vẫn ăn hại, chỉ ăn rồi ngủ, nhưng nhà thiếu đi một người, cũng không còn tròn được nữa. Nhất là bố, người luôn tỏ ra mạnh mẽ, thực ra lại là người yếu đuối nhất nhà. “Bố chưa quen…”. Tôi không biết những gia đình khác đón Tết chỉ có hai người sẽ ra sao, hay chỉ là tôi quá yếu đuối.

Tôi không biết rồi sau này khi trở thành mẹ, tôi sẽ có suy nghĩ gì, có còn những xúc động như ngày hôm nay hay là không; hay cuộc sống quá bộn bề lo toan sẽ cuốn tôi đi; nhưng bố mẹ thì vẫn đứng đó, ở căn nhà mái ngói với vườn cây và ao cá đó. Tôi dù có lớn đến đâu, dù có già hay trưởng thành, hay gồng mình lên chống chọi lại với cuộc đời; thì đứng trước bố mẹ, tôi vẫn chỉ muốn quay về. Vẫn biết là phải sống, phải mạnh mẽ, phải lớn. Nhưng sao khó quá…

“Còn về được nhà, thì cố gắng mà về, chứ sau này, có muốn, có mong mỏi, cũng không bao giờ được trọn vẹn nữa”
bố mẹ của con - Văn học trẻ.jpg
 
Từ khóa
gia dinh nha
641
2
2

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top