Nhà Bong bóng trên dòng miệt thứ

Nhà Bong bóng trên dòng miệt thứ

Mỗi khi nói đến từ “miệt” người ta thường nghĩ: "Ờ chắc đó là cái vùng xa lắc xa lơ, chim kêu vượn hú đây mà!". Thuở còn nhỏ xíu, lúc mới lên bốn, lên năm tôi thường hay nghe người ta nói nơi tôi ở là xứ “miệt thứ U Minh” và đâu đó tôi đã từng đọc qua những vần thơ của tác giả Trà Bình như những câu hò lơ, rằng:

“Em đưa anh về đất Mũi Cà Mau
Miền Tây nắng soi dòng sông lấp lánh…
Theo hương rừng về miệt thứ U Minh
Qua cầu biển đi thăm Hòn Đá Bạc…”

Đúng, tôi là dân U Minh Cà Mau, cả nhà tôi đã ba đời cắm cột dựng nhà trên mảnh đất miệt thứ này. Vùng miệt thứ của tôi đơn giản là một vùng quê thanh bình, có những con người ở gần, ở gũi với nhau gọi là hàng xóm, có những căn nhà mọc cách nhau một dây đất trống, trước nhà là con lộ mới sửa còn lên cát, cũng có dòng sông quanh năm chở nặng phù sa, tôm và cá rồi đổ ra cửa biển, cũng có trái ngọt, quả chín thơm lừng… Quanh năm người ta sống bằng nghề nuôi tôm, nuôi cua, trồng lúa, đi ghe biển, đi đặt cá mắm ở dưới sông… Đó là những gì mà tôi có thể thấy ở quê mình từ khi tôi biết nói. Cho đến năm lớp Chín, kể từ lúc bắt đầu chú ý đến bãi phế liệu bên kia sông – nơi neo đậu quanh năm suốt tháng của mấy chiếc ghe bong bóng. Lúc đó tôi mới ý thức được một điều rằng: trên bờ không phải là nơi duy nhất có thể ôm lấy những dòng người mưu sinh mà ở dưới dòng sông kia, con nước vẫn đủ sức để chở che cho những kiếp người từ phương xa. Họ đã neo đậu trên bến sông này từ rất rất lâu rồi, từ cái hồi mà tôi còn nhõng nhẽo xin tiền bà nội đi ăn hàng, mỗi khi đi ngang tôi thường hay nghe thấy tiếng “lụp bụp” chất ve chai lên bờ, tiếng người ở dưới ghe nói chuyện với nhau. Cho đến bây giờ, khi đã mười hai năm trôi qua, từ khi bà nội rời xa con cháu mà về với tổ tiên thì những chiếc ghe bong bóng ấy vẫn ở đúng cái bến đó, cái bến bên kia bờ sông ngay trước nhà của bác tư Lanh.

“Ghe bong bóng” – cái tên mà tôi đã nghe cả nhà tôi, cả xóm tôi gọi những chiếc ghe mua ve chai, chở ve chai ở dưới sông. Khoảng mấy năm về trước, mỗi lần nhà có ít vật dụng bằng nhựa không còn dùng được nữa thì mẹ đều xuống mé sông kêu: “Chị ơi, qua cân đồ nè!” là người ta bơi qua cân, lúc ấy thứ để đổi lấy đồ vụn là bằng mấy cái bong bóng đủ màu. Con nít ai mà không mê bong bóng, tôi giục mẹ đổi cho mấy cái bong bóng chơi. Bây giờ thì người ta không còn đổi bằng bong bóng nữa, vì chợ búa bây giờ sung túc nhiều rồi, muốn có bong bóng chơi thì chạy ù ra chợ mua là có. Nhắc lại làm tôi nhớ đến cái tiếng rao một thời của những người mua ve chai đổi bong bóng: “Bong bóng xanh, bong bóng vàng, bong bóng đỏ, mấy em nhỏ nghe chú Ba rao bong bóng rồi mấy em chạy về nhà xin cha mẹ một chiếc dép nhỏ chú Ba đổi cho một cái bong bóng nhỏ, một chiếc dép lớn chú Ba đổi cho một cái bong bóng lớn. Hai keo chao nhỏ chú Ba đổi cho một cái bong bóng lớn luôn. Cô bác nào có xoong nồi bể, chảo bể, lốc máy bể có bán em cũng mua hoặc đổi đồ mới em cũng được…”. Tôi chỉ nhớ được chừng đó câu rao ấy thôi, giờ thì tiếng rao khàn khàn ngày nào dường như đã mất biệt rồi, có cố tìm lại cũng thật khó khăn.


5616

Khi hoàng hôn buông xuống, đó là một khoảng thời gian mà tâm hồn con người ta được thả lỏng và tự cho phép bản thân trải lòng mình lên những dòng suy tư miên man. Buổi chiều cũng là lúc tôi với ông nội hay ngồi ở ngoài hàng ba nhìn xe cộ chạy qua lại, tiếng bóp kèn kêu tít!... tít!... và lắng nghe tiếng máy của mấy chiếc xuồng, mấy chiếc đò chở đồ ở ngoài tỉnh về muộn chạy ù ù dưới sông. Tôi ít khi nhìn vào đôi mắt của nội lắm, vì tôi sợ cặp chân mày tướng của nội, nó làm tôi nhớ đến mấy ông tướng cầm đao trên vô tuyến, ý mèn ơi! Sợ muốn chết! Còn nhớ mẹ hay nhắc hồi nhỏ mỗi lần tôi nhìn thấy ông nội là khóc um trời đất, phải bồng đi chỗ khác mới chịu nín dứt. Lần này tôi lại muốn quay sang nhìn vào đôi mắt của nội, đôi mắt ấy giờ đã ngả màu đục pha chút màu đỏ của những mạch máu nhỏ, từ sâu thẳm trong đôi mắt ấy tôi cảm nhận được một chút trầm ngâm, thoáng buồn. Đôi gò má cao mặc cho những lớp da nhăn nheo in chấm đồi mồi chảy xuống, miệng ông mím chặt lại như người móm. Lúc ấy thoáng qua trong đầu tôi những suy nghĩ cùng với những hồi tưởng : “Tính ra năm nay nội cũng đã tám mươi mấy tuổi rồi, không ngờ thời gian trôi qua nhanh như vậy. Bài tập làm văn tả ông nội ngày nào vẫn còn nhớ như in câu văn “Ông nội em năm nay đã bảy mươi sáu tuổi rồi nhưng ông nội vẫn còn minh mẫn lắm!”. Vậy mà chớp mắt có mấy cái đã qua gần chục năm…”. Tôi chỉ dám nghĩ đến đó thôi vì chiếc mũi bỗng nồng lên làm khóe mắt cay cay như vừa mới cắn ngay trái ớt hiểm. Tôi không biết chính xác nội đang nhìn cái gì nữa giữa muôn trùng những thứ đang phô bày ra trước mắt. Còn đứa cháu thì đưa mắt nhìn về mấy chiếc ghe bong bóng rồi hỏi ông nội:

- Nội ơi, nội biết mấy người ở dưới ghe bong bóng đó người ta ở đâu tới hông nội?

- Ai biết được người ta ở đâu lợi đâu con, tứ xứ hết. Chắc ở trên vùng trên, mấy tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang đồ đó con.

- Người ta đậu ở chỗ đó có mắc trả tiền mướn chỗ đậu cho bác tư Lanh hông nội?

- Hông con, bác tư Lanh cho đậu nhờ luôn, người ta nghèo mà nên tính tiền bạc mần chi!

Những người sống ở dưới ghe họ không ở cố định một chỗ, tôi để ý cách vài ngày họ lại đi đâu đó. Tờ mờ sáng đã nghe thấy tiếng giật máy chạy kêu “tạch… tạch…tạch…” rồi rời bến. Đến tận năm, sáu giờ chiều mới thấy họ về, đi một lượt năm, sáu ghe và lúc về cũng về một lượt một. Cũng có lúc họ đi đâu biệt tăm, biệt tích cả tuần lễ mới trở về, đến khi về trên ghe lại đầy ắp những bao đựng ve chai… Chắc là họ đi mua lại mấy chai nhựa, thanh sắt vụn hay những thứ mà người ta không còn dùng nữa. Tôi kết thúc câu chuyện ngắn giữa ông nội và tôi bằng hai tiếng: “Dạ dạ…” nhưng trong lòng vẫn còn lắm băn khoăn. Trong bụi cây, mấy ngọn gió tinh nghịch hớn hở chạy ùa ra làm mát cả khúc sân, làm cho sóng càng gợn để rồi những chiếc ghe bong bóng càng “lắc lẻo” trên dòng sông. Ánh nắng buổi chiều sao mà đẹp dữ vậy? Màu nắng bắt đầu ngả màu vàng hoe rồi ửng hồng, tim tím dần và rồi cũng đến lúc nào đó chúng sẽ tắt lụi. Trên nền trời bao la kia có ông Mặt Trời lặn dần phía sau đỉnh đầu của hai ông cháu, để hai chiếc bóng in hình lên mặt đất…

Từ hồi lên cấp Ba, tôi không còn hay ngồi ở ngoài hàng ba với nội nữa. Bởi vì lịch học nhiều quá, trường học lại ở rất xa, có lúc bận ôn thi phải ở lại trường. Sáng sớm, khi ông Mặt Trời còn chưa tỏ tôi đã dắt xe ra đi học, đến chiều khi ông Mặt Trời sắp sửa lặn mình sau mấy thửa ruộng, miếng vuông thì lúc đó tôi mới tèn tèn chạy về nhà. Những tưởng đã quên mất cái cảm giác “thưởng cảnh” cùng với nội. Và cho đến khi tôi gặp phải những lần vấp ngã đầu tiên, những cảm xúc thật đầu đời kéo theo nỗi buồn trầm tư, những giọt nước mắt rơi xuống không báo trước. Có lúc tôi tưởng chừng như đã làm mất đi vẻ hồn nhiên, vô ưu, vô tư của tôi thuở ngày nào. Khi đó tôi nhớ về quá khứ, nhớ đến những buổi chiều ngồi ngắm đường xá, xe cộ, xuồng ghe và ngắm cái bãi đậu ghe bong bóng bên sông.

Năm mười sáu tuổi, do áp lực học tập và buồn vì một số chuyện ở trường, hôm đó tôi một mình chạy xe gắn máy về nhà vừa chạy vừa khóc nức nở. Về đến nhà cố giấu ông nội, cố giấu cha mẹ hai hàng mắt còn in hằn trên má. Những lúc buồn bã, bất mãn về cuộc đời người ta thường đến chốn bình yên để tìm về khoảng tĩnh lặng của tâm hồn, để mong lấy thêm sức mạnh, năng lượng để vượt qua, dẫu chỉ là một chút mà thôi! Ngoài hàng ba ông nội có giăng có một cái võng dù, tôi leo lên đó nằm đưa cót két rồi lắng tai nghe những thanh âm trong trẻo của cuộc sống chung quanh – những gì bình yên, tự nhiên nhất của cuộc đời. Bất chợt tôi nghe tiếng “lụp bụp” quen thuộc, tiếng mấy đứa con nít cười giỡn giòn giã, tiếng người đàn bà la đứa con đi chơi không cho mẹ hay, tiếng những người đàn ông cười nói với nhau, tiếng ly cụng vào nhau kêu lách cách…Tôi ngồi dậy đưa mắt nhìn sang bên kia bờ sông, nơi có sáu, bảy chiếc ghe bong bóng đang neo đậu, một cuộc sống nhộn nhịp được thu nhỏ lại trên dòng sông quê. Trên bờ, mấy đứa nhỏ chơi trò rượt đuổi nhau, tiếng cười hồn nhiên, rộn vang khắp xóm. Những người đàn ông da ngăm lực lưỡng đang khiêng vác mấy bao rất to đựng ve chai từ dưới ghe lên chất chồng lên nhau, cạnh bên là mấy cái vô tuyến hư, xe đạp hư, mấy đống sắt vụn. Dưới ghe, một vài người đàn ông ngồi nhậu ở trên nóc ghe, kể nhau nghe những câu chuyện tiếu lâm rồi cụng ly ngồi cười tót tét. Thoang thoảng mùi cá kho quẹt thơm phức, cái mùi chua chua của canh chua, nghe mùi thôi cũng làm người ta thèm thuồng đến chảy nước miếng. Đó là mùi đồ ăn của người đàn bà đang nấu bữa cơm chiều ở trong ghe, mùi thức ăn ngon lành theo làn gió nhè nhẹ lan ra khắp một khúc sông.

Hình ảnh cuộc sống lao động yên bình, những thanh âm gần gũi, quen thuộc và mùi thơm ngon của những món ăn đạm bạc, đậm chất miền Tây Nam Bộ tất cả đã làm tôi quên đi những phiền muộn của một ngày dài, gạc bỏ qua một bên mà chăm chú đưa mắt nhìn những con người bên kia sông để thấy cuộc sống của họ tràn đầy niềm vui và lạc quan đến nhường nào, để lắng nghe những âm thanh đã từng là một phần của kí ức tuổi thơ tôi. Từ trong trái tim, tôi cảm nhận được lòng mình ấm áp hẳn, dòng máu chảy trong người cũng đều đều và ấm nóng dần. Cuối cùng tôi cũng thở phào, lòng này nhẹ nhõm biết bao nhiêu! Cũng như mọi khi, ánh nắng của chiều tà đến một lúc nào đó cũng sẽ tắt lụi, để màn đêm ôm ấp những kiếp người lênh đênh trên dòng. Ánh nắng tắt lịm đi, nhưng câu chuyện tiếu lâm của những người đàn ông vẫn chưa có hồi kết, mùi đồ ăn vẫn còn thoang thoảng đâu đây, mỏng dần rồi từ từ tan biến vào hư không. Thế là một buổi chiều nữa lại trôi qua, như một thước phim rất thật về cuộc sống lao động, mọi thứ từ hình ảnh, âm thanh cho đến mùi hương đã chữa lành những nỗi đau của đứa con gái mới lớn như tôi – một tấm vải trắng tinh mới trải xuống, tuy đẹp nhưng dễ nhăn và cũng thật dễ xước, dễ dơ.

Những chiếc ghe bong bóng lênh đênh trên dòng sông chở những con người nghèo khổ mưu sinh, họ coi ghe là nhà, coi nước là đất, coi mấy chiếc ghe bên cạnh là lối xóm thân thuộc. Ấy vậy mà họ vẫn mạnh mẽ, họ vẫn lạc quan, vẫn gồng mình mà sống thật tốt. Còn kẻ ở trên bờ như tôi, có nhà cửa, đất đai tại sao phải vì một chút chuyện nhỏ nhặt, một chút tác động từ xung quanh mà thất vọng, ê chề, mà buồn bã, khóc lóc chứ? Thấy có nghịch lý hay không?

Kể từ ngày hôm đó, tôi thường ra ngoài hàng ba ngồi hơn, không thì ngồi tựa đầu vào cây cột. Thỉnh thoảng lại lôi chuyện từ hồi năm thìn ra nhắc với nội, tôi sợ nội quên, vì dạo này nội hay kêu nhầm tên tôi với tên của mẹ, của các cô, các bác. Là con người, ai rồi cũng sẽ có lúc lại hóa thành trẻ thơ, rồi lẫn lộn tên của những người thân, rồi cần một người luôn theo sát, quan tâm, dìu dắt từng bước thêm một lần nữa. Cuộc sống vốn dĩ là một vòng tròn. Loay hoay cả đời cũng phải về nơi xuất phát…

Từ hồi có thông báo giãn cách xã hội, chánh quyền ngày ngày đi phát loa khuyên người dân nên ở yên trong nhà, mọi công việc, hoạt động đều tạm hoãn lại, chỉ còn chợ và một vài tiệm tạp hóa, tiệm thuốc Tây là còn bán buôn. Cuộc sống bình yên đến lạ, sự bình yên này khác hẳn sự bình yên vốn có của một vùng quê, đằng sau sự bình yên đó là ôm ấp nỗi lo lắng, sợ hãi trước đại dịch COVID – 19 của con người. Ở xứ miệt thứ U Minh tôi, mọi người đã rất cố gắng để chung tay phòng chống dịch bệnh. Thế nhưng, mỗi ngày vẫn có hàng ngàn ca bệnh, cả trăm ca tử vong. Nỗi sợ hãi, lo lắng ấy bao trùm lên xóm làng, khiến sự sống giờ đây yên ắng, buồn bã đi rất nhiều. Dạo gần đây tôi cũng chẳng còn thấy mấy chiếc ghe bong bóng đậu trước nhà bác tư Lanh nữa, cũng hơn nửa tháng nay rồi không thấy họ về. Những bao ve chai, phế liệu cũng không còn chất đống đống trên bờ nữa, họ đã dọn dẹp thật sạch sẽ trước khi rời đi. Chưa bao giờ tôi thấy bên kia bờ sông lại vắng lặng đến như vậy. Tôi hỏi ông nội:

- Nội ơi, mấy người dưới ghe bong bóng đó người ta đi đâu mất tiêu luôn rồi nội? Hổm rày con hổng có thấy họ đậu ở bển nữa.

- Người ta về xứ rồi con, dịch dã này ai mà cho đậu đông vậy nữa.

- Vậy rồi người ta có nhà, có đất hông nội?

- Chắc có mà…

Dẫu cho họ có đi đến một khúc sông nào khác đi chăng nữa, tôi cũng mong rằng họ sẽ thật bình an, vẫn sẽ vui vẻ, lạc quan, vẫn được ấm no, hạnh phúc. Tôi vẫn mong về một ngày, ngày mà cả nước Việt Nam ta sẽ chiến thắng trong trận chiến với đại dịch COVID – 19, phố thị sẽ lại huyên náo, nhộn nhịp và làng quê sẽ lại bình yên. Mọi thứ sẽ được trả về nơi vốn có.
Và bên kia con sông sẽ lại có những chiếc ghe bong bóng neo đậu.

Trịnh Ngọc Hân
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
bai du thi bong bóng trên dòng miệt thứ
2K
1
2

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top