Nguyễn Tuân là một trong những tác gia văn học Việt Nam. Chữ người tử tù và thiên tùy bút Người lái đò Sông Đà của ông thuộc hai thể loại khác nhau song đều được xây dựng trên cơ sở của bút pháp đối lập. Về Chữ người tử tù, thủ pháp đối lập được sử dụng ngay từ nhan đề, cách xây dựng nhân vật cho đến cảnh tượng cho chữ “có một không hai trong lịch sử” diễn ra ở cuối truyện. Còn ở Người lái đò Sông Đà, mặc dù không đậm đặc bằng song có thể nói đây cũng là thủ pháp chủ đạo của tùy bút nổi tiếng này.
Bút pháp đối lập trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân
Bút pháp đối lập trong Người lái đò Sông Đà được Nguyễn Tuân thể hiện trước nhất trong việc miêu tả thiên nhiên, khách thể trữ tình. Nguyễn Tuân đã nhận thấy ở con sông Đà ấy những nét đặc biệt mà không một dòng sông nào có được. “Chúng thủy giai đông tẩu/ Đà giang độc bắc lưu”. Một mình Sông Đà ngạo nghễ hướng về phía bắc trong khi các dòng sông đều chảy về biển lớn phía đông. Sự khác biệt về dòng chảy thực tế giữa con sông Đà với bao dòng khác trên miền Bắc đã là một phép đối lập tự thân, khách quan cho Nguyễn Tuân nương vào đó mà thể hiện thủ pháp văn chương.
Qua ngòi bút tài hoa và uyên bác của ông, dòng sông Đà hiện lên với vẻ đẹp trữ tình hiếm thấy. Vẻ đẹp này được kết hợp bởi ba vẻ đẹp. Thứ nhất, đó là cảnh sắc thiên nhiên của dòng sông Đà. Bằng sự quan sát tỉ mỉ kĩ lưỡng và mẫn cảm nhanh nhạy thiên bẩm hiếm có của người nghệ sĩ, Nguyễn Tuân đã khiến nước Sông Đà từ một dòng chảy đơn thuần trở thành một bản tụng ca những gì tinh túy, sâu lắng nhất của nghệ thuật phối màu sắc của thiên nhiên. Áng văn sau làm lòng người rung động trước vẻ đẹp của dòng nước Sông Đà: “Con Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai…Mùa xuân dòng xanh ngọc bích…Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa…”. Bên cạnh vẻ đẹp hiền hòa, êm dịu ấy, con sông Đà còn hiện lên với vẻ đẹp của hai triền sông. Hai bờ Sông Đà tuy không có sự biến đổi kì thú như dòng nước nhưng cũng là bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp với: “Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử”. Không chỉ đẹp, Sông Đà còn mang trong mình vẻ đẹp giàu có. Sông Đà nhiều sản vật quý hiếm. Trong lòng con sông mang dáng vẻ kiêu sa tung mình về phương bắc này là nơi hội tụ của nhiều loài cá quý như cá anh vũ, cá dầm xanh, là nơi có “…những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng”. Ba vẻ đẹp ấy kết hợp lại thành vẻ đẹp trữ tình huyền ảo, đối lập với vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội của chính Sông Đà. Đối lập với những triền sông đẹp như tiền sử ấy là những chỗ hang đá, vách đá dựng đứng, thâm trầm, lạnh lẽo, hoang sơ vừa gợi nên nét thâm u trầm mặc vừa gợi nên sự nguy hiểm: “Cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách dá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu”. Đối lập với dòng nước có màu sắc biến đổi theo mùa, hiền hòa chảy như mái tóc dài thấp thoáng nơi chân mây cuối trời ấy là những con gió dữ quanh năm thổi ào ào như lòi oán giận ngàn năm vọng lại: “ nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”, là những đợt sóng ầm ầm chảy ngày chảy đêm không dứt tưởng chừng như muốn nuốt chửng mọi vật trên đường đi: “Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”.
Bút pháp đối lập được Nguyễn Tuân thể hiện rõ nhất trong phần miêu tả người lái đò vượt sông. Ở trong trường đoạn này, chúng ta bắt gặp hàng loạt sự đối lập. Đó là sự đối lập giữa đối tượng miêu tả và thủ pháp miêu tả. Sự hung tợn, dữ dội của nước được Nguyễn Tuân tái hiện qua sức mạnh của ngọn lửa. Trong đoạn miêu tả ông lái đò vượt thác, Nguyễn Tuân đã hai lần sử dụng đến ánh lửa. “Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng” và “Mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng”.
Sự đối lập giữa tĩnh và động trong việc miêu tả sự hung tợn của thiên nhiên. Nước Sông Đà trong trường đoạn ông lái đò vượt thác biến động khôn lường, bọt tung trắng xóa như “muốn đội cả thuyền lên”, cuồn cuộn chảy như “hùm beo đang hồng học tế mạnh”. Đối lập với cái động vô cùng của dòng nước là cái tĩnh đến chết người của những tảng đá. Đá đứng yên, lặng lẽ đến vô cùng nhưng đó là cái lặng lẽ đáng sợ. Thạch trận gồm ba lớp, mỗi lớp chỉ có một cửa sinh còn toàn là cửa tử. Va vào đá hay xô vào con sóng dữ ắt đều gặp một kết cục bi thảm. Dù động, dù tĩnh, Sông Đà vẫn luôn ẩn chứa những nguy hiểm đối với mọi người.
Nguy hiểm từ sự đối lập giữa một bên là thiên nhiên rộng lớn vô biên, vô định, vô cùng với một bên là ông lái đò cô độc. Sông Đà với hàng trăm thác nước, hàng trăm viên đá to nhỏ khác nhau như một thạch trận trên sông đang chờ đợi ông lái đò với chiếc thuyền nan bé nhỏ. Không có thuyền bạn trợ giúp, không có người chèo phụ, mình ông lái đò đối đầu với thiên nhiên hoang dã và bạo nghiệt.
Sự đối lập giữa sự hung dữ, bạo tàn của thiên nhiên và sự bình tĩnh, tự tin pha chút hài hước của ông lái đò. Đối chọi với sông nước mênh mông hung dữ, với cảnh “ mặt nước hò la”, “sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền”, với thạch trận trên sông gồm hàng trăm hòn đá to nhỏ khác nhau lúc nào cũng muốn chực chờ ăn tươi nuốt sông con thuyền bé nhỏ là kinh nghiệm dày dặn, sự bình tĩnh, tự tin đầy bản lĩnh của ông lái đò. Ông am hiểu dòng nước, ông vật mình với sóng dữ, chịu đau đưa thuyền uốn lượn qua những thác ghềnh nguy hiểm, vượt qua trùng trùng thạch trận và nở nụ cười mãn nguyện khi nhìn thấy cái mặt của “thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy”. Bằng những vũ khí đó, ông đã đưa con thuyền vượt qua đoạn sông dữ để xuôi về bến an toàn.
Có thể nói bút pháp đối lập là thủ pháp được Nguyễn Tuân rất ưa chuộng. Chúng ta có thể bắt gặp bút pháp này trong hầu hết các sáng tác của ông. Và Người lái đò Sông Đà là một trong những tác phẩm mà bút pháp đó đã được Nguyễn Tuân đẩy đến mức tận thiện, tận mĩ.
TS.Đoàn Minh Tâm
Bút pháp đối lập trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân
Bút pháp đối lập trong Người lái đò Sông Đà được Nguyễn Tuân thể hiện trước nhất trong việc miêu tả thiên nhiên, khách thể trữ tình. Nguyễn Tuân đã nhận thấy ở con sông Đà ấy những nét đặc biệt mà không một dòng sông nào có được. “Chúng thủy giai đông tẩu/ Đà giang độc bắc lưu”. Một mình Sông Đà ngạo nghễ hướng về phía bắc trong khi các dòng sông đều chảy về biển lớn phía đông. Sự khác biệt về dòng chảy thực tế giữa con sông Đà với bao dòng khác trên miền Bắc đã là một phép đối lập tự thân, khách quan cho Nguyễn Tuân nương vào đó mà thể hiện thủ pháp văn chương.
Qua ngòi bút tài hoa và uyên bác của ông, dòng sông Đà hiện lên với vẻ đẹp trữ tình hiếm thấy. Vẻ đẹp này được kết hợp bởi ba vẻ đẹp. Thứ nhất, đó là cảnh sắc thiên nhiên của dòng sông Đà. Bằng sự quan sát tỉ mỉ kĩ lưỡng và mẫn cảm nhanh nhạy thiên bẩm hiếm có của người nghệ sĩ, Nguyễn Tuân đã khiến nước Sông Đà từ một dòng chảy đơn thuần trở thành một bản tụng ca những gì tinh túy, sâu lắng nhất của nghệ thuật phối màu sắc của thiên nhiên. Áng văn sau làm lòng người rung động trước vẻ đẹp của dòng nước Sông Đà: “Con Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai…Mùa xuân dòng xanh ngọc bích…Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa…”. Bên cạnh vẻ đẹp hiền hòa, êm dịu ấy, con sông Đà còn hiện lên với vẻ đẹp của hai triền sông. Hai bờ Sông Đà tuy không có sự biến đổi kì thú như dòng nước nhưng cũng là bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp với: “Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử”. Không chỉ đẹp, Sông Đà còn mang trong mình vẻ đẹp giàu có. Sông Đà nhiều sản vật quý hiếm. Trong lòng con sông mang dáng vẻ kiêu sa tung mình về phương bắc này là nơi hội tụ của nhiều loài cá quý như cá anh vũ, cá dầm xanh, là nơi có “…những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng”. Ba vẻ đẹp ấy kết hợp lại thành vẻ đẹp trữ tình huyền ảo, đối lập với vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội của chính Sông Đà. Đối lập với những triền sông đẹp như tiền sử ấy là những chỗ hang đá, vách đá dựng đứng, thâm trầm, lạnh lẽo, hoang sơ vừa gợi nên nét thâm u trầm mặc vừa gợi nên sự nguy hiểm: “Cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách dá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu”. Đối lập với dòng nước có màu sắc biến đổi theo mùa, hiền hòa chảy như mái tóc dài thấp thoáng nơi chân mây cuối trời ấy là những con gió dữ quanh năm thổi ào ào như lòi oán giận ngàn năm vọng lại: “ nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”, là những đợt sóng ầm ầm chảy ngày chảy đêm không dứt tưởng chừng như muốn nuốt chửng mọi vật trên đường đi: “Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”.
Bút pháp đối lập được Nguyễn Tuân thể hiện rõ nhất trong phần miêu tả người lái đò vượt sông. Ở trong trường đoạn này, chúng ta bắt gặp hàng loạt sự đối lập. Đó là sự đối lập giữa đối tượng miêu tả và thủ pháp miêu tả. Sự hung tợn, dữ dội của nước được Nguyễn Tuân tái hiện qua sức mạnh của ngọn lửa. Trong đoạn miêu tả ông lái đò vượt thác, Nguyễn Tuân đã hai lần sử dụng đến ánh lửa. “Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng” và “Mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng”.
Sự đối lập giữa tĩnh và động trong việc miêu tả sự hung tợn của thiên nhiên. Nước Sông Đà trong trường đoạn ông lái đò vượt thác biến động khôn lường, bọt tung trắng xóa như “muốn đội cả thuyền lên”, cuồn cuộn chảy như “hùm beo đang hồng học tế mạnh”. Đối lập với cái động vô cùng của dòng nước là cái tĩnh đến chết người của những tảng đá. Đá đứng yên, lặng lẽ đến vô cùng nhưng đó là cái lặng lẽ đáng sợ. Thạch trận gồm ba lớp, mỗi lớp chỉ có một cửa sinh còn toàn là cửa tử. Va vào đá hay xô vào con sóng dữ ắt đều gặp một kết cục bi thảm. Dù động, dù tĩnh, Sông Đà vẫn luôn ẩn chứa những nguy hiểm đối với mọi người.
Nguy hiểm từ sự đối lập giữa một bên là thiên nhiên rộng lớn vô biên, vô định, vô cùng với một bên là ông lái đò cô độc. Sông Đà với hàng trăm thác nước, hàng trăm viên đá to nhỏ khác nhau như một thạch trận trên sông đang chờ đợi ông lái đò với chiếc thuyền nan bé nhỏ. Không có thuyền bạn trợ giúp, không có người chèo phụ, mình ông lái đò đối đầu với thiên nhiên hoang dã và bạo nghiệt.
Sự đối lập giữa sự hung dữ, bạo tàn của thiên nhiên và sự bình tĩnh, tự tin pha chút hài hước của ông lái đò. Đối chọi với sông nước mênh mông hung dữ, với cảnh “ mặt nước hò la”, “sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền”, với thạch trận trên sông gồm hàng trăm hòn đá to nhỏ khác nhau lúc nào cũng muốn chực chờ ăn tươi nuốt sông con thuyền bé nhỏ là kinh nghiệm dày dặn, sự bình tĩnh, tự tin đầy bản lĩnh của ông lái đò. Ông am hiểu dòng nước, ông vật mình với sóng dữ, chịu đau đưa thuyền uốn lượn qua những thác ghềnh nguy hiểm, vượt qua trùng trùng thạch trận và nở nụ cười mãn nguyện khi nhìn thấy cái mặt của “thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy”. Bằng những vũ khí đó, ông đã đưa con thuyền vượt qua đoạn sông dữ để xuôi về bến an toàn.
Có thể nói bút pháp đối lập là thủ pháp được Nguyễn Tuân rất ưa chuộng. Chúng ta có thể bắt gặp bút pháp này trong hầu hết các sáng tác của ông. Và Người lái đò Sông Đà là một trong những tác phẩm mà bút pháp đó đã được Nguyễn Tuân đẩy đến mức tận thiện, tận mĩ.
TS.Đoàn Minh Tâm