Baivanhay Cảm nhận vẻ đẹp của sông Đà qua đoạn trích

Baivanhay Cảm nhận vẻ đẹp của sông Đà qua đoạn trích

Xuân Vũ
Xuân Vũ
  • Thành Viên 19
“Người lái đò sông Đà” là một tác phẩm quan trọng trong chương trình môn ngữ văn lớp 12 và là một trong những bài học trọng điểm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhắc đến tác phẩm là nhớ đến ngay hình tượng con sông Đà hùng vĩ, mang dáng vẻ của núi rừng Tây Bắc đại ngàn.

Người lái đò sông Đà.jpg

Người lái đò sông Đà. Ảnh Pinterest.​
Đề: Cảm nhận vẻ đẹp sông Đà qua đoạn trích sau

"Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện.

Lại như quăng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hang cây số nước xô đá, đá xô song, sóng xô gió. Cuốn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra.

Lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La.Trên song bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc. Trên mặt cái hút xoáy tít đáy; cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn. Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu, những cái giếng sâu nước ác ặc lên như vừa rót dầu sôi vào. Nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống. Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới. Tôi sợ hãi mà nghĩ đến một anh bạn quay phim táo tợn nào muốn truyền cảm giác lạ cho khán giả, đã dũng cảm dám ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền cả mình cả máy quay xuống đáy cái hút Sông Đà - từ đáy cái hút nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chênh nhau tới một cột nước cao đến vài sải. Thế rồi thu ảnh. Cái thuyền xoay tít, những thước phim màu cũng quay tít, cái máy lia ngược contre-plongée lên một cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thuỷ tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp vào cả máy cả người quay phim cả người đang xem. Cái phim ảnh thu được trong lòng giếng xoáy tít đáy, truyền cảm lại cho người xem phim kí sự thấy mình đang lấy gân ngồi giữ chặt ghế như ghì lấy mép một chiếc lá rừng bị vứt vào một cái cốc pha lê nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn."

Hướng dẫn phân tích chi tiết:
Bài làm cần phải đảm bảo đủ 3 luận điểm chính sau đây:

1. Đoạn trích mở đầu bằng hình ảnh hùng vĩ, hiểm trở, dữ dội của cảnh đá bờ sông dựng vách thành
a. Quan sát bằng thị giác:
* Độ cao:

- Tác giả đã khẳng định “Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá”. Thác đá là những hình ảnh chủ đạo của sự hung hiểm nhưng sự hiểm trở ấy còn được thể hiện ở nhiều thứ khác. Qua ngòi bút của Nguyễn Tuân, cảnh đá bờ sông Đà được mở ra thật hùng vĩ, tráng lệ: “cảnh đá bờ sông, dựng vách thành”. Dường như hai bên bờ sông là những bức tường đá chông chênh được xây dựng uy nghi. Hai chữ “vách thành” vừa gợi liên tưởng về câu thành ngữ “thành cao hào sâu” vừa làm hiện lên sự vững chãi, sừng sững, uy nghiêm, sắc nhọn, lởm chởm, hiểm trở như bức tường thành khổng lồ mọc từ mặt sông chọc đến trời cao. Vách đá ấy dựng đứng hiên ngang, cao vòi vọi đến mức “chỉ đúng ngọ mới có mặt trời”. Ánh sáng hoàn toàn bị triệt tiêu, dòng sông ẩn mình trong bóng tối, chỉ đến giữa trưa mới có những tia sáng hiếm hoi lọt qua.

Vẻ đẹp của sông Đà một phần làm ta liên tưởng đến dòng sông Hương dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường: “ nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo”. Cả hai tác giả đều dùng những từ ngữ so sánh độc đáo nhất để gợi tả vẻ đẹp của hai con sông, thế nhưng ở đây Nguyễn Tuân đã sử dụng hai chữ “vách thành” thay cho “thành quách” để khéo léo nhấn mạnh độ cao không tưởng của hai bên núi đá dọc lòng sông Đà. Đỉnh cao nghệ thuật ngôn từ của ông là khi cả đoạn văn không có lấy một chữ “cao” nhưng vẫn khiến người đọc nghẹt thở trước độ cao ngun ngút của vách đá. Đúng như nhà văn từng tâm sự: “ Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay (...) Cũng dùng một vốn ngôn ngữ ấy nhưng sử dụng nó sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước. Dùng chữ như đánh cờ tướng chữ nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó”.

* Độ hẹp:
- Con sông Đà tiếp tục hiện lên với độ hẹp khủng khiếp. Nghệ thuật so sánh được Nguyễn Tuân sử dụng vừa chính xác, tinh tế lại vừa bất ngờ và lạ lùng: “vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu”. Động từ “chẹt” và hình ảnh so sánh với cái yết hầu đã đem đến ấn tượng mãnh liệt cho người đọc. Động từ “chẹt” gợi ra hình ảnh lòng sông có chỗ bị đá bóp nghẹt lại, độ hẹp khủng khiếp làm ta liên tưởng đến yết hầu của con thủy quái. Lòng sông như thắt lại chật chội nghẹt thở làm dòng chảy bị nghẽn lại tạo nên sự bức bối ngột ngạt. Phép so sánh “như một cái yết hầu” gợi hình dung dòng chảy khi đi qua quãng này giống như chảy vào một nút thắt mà hai bên đều là đá hiểm trở, đầy rẫy những nguy hiểm chực chờ. Đây là nơi thuyền bè khó đi qua và dễ bị mắc kẹt.

- Độ hẹp trên bờ sông cũng rất dữ dội: “...”. Các từ ngữ “nhẹ tay ném”, “chỉ cần”, “vọt” gợi tả sự nhẹ nhàng không tốn sức, chỉ cần nhẹ nhàng là nhảy đến bờ bên kia cho thấy độ hẹp, sự gần gũi hai bên bờ.

b. Cảm giác:
- Đầu tiên là cảm giác lạnh: Nguyễn Tuân tạo ấn tượng về sự tương phản của xúc giác với chi tiết: “ ngồi trong khoang đò qua quãng ấy đang mùa hè mà cũng cảm thấy lạnh". Giữ mùa hè nóng bức ngột ngạt theo lẽ thường con người phải thấy nóng nhưng ở đây Nguyễn Tuân chỉ cảm thấy lạnh, một trạng thái đối lập chỉ gặp ở mùa đông. Sự tương phản ấy gợi ra độ sâu tối tăm, lạnh lẽo, u ám, bí ẩn, như cực tả sự âm u đến gai lạnh của quãng sông chật hẹp ít ánh sáng mặt trời này. “Lạnh” ở đây vừa là cái lạnh do không khí mát mẻ dưới lòng sông mang lại, vừa là cảm giác lạnh gáy, sởn gai ốc vì đi qua khúc sông nguy hiểm này chẳng khác gì đang đi vào miệng tử thần, đang tự dâng mình cho thủy quái.

- Cảm giác thứ hai mà sông Đà mang lại đó là cảm giác về độ cao ngút ngàn dẫn đến sự đơn độc, sợ hãi: “cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. Đó là cảm giác về độ cao khủng khiếp của hai bờ đá, đá cao ngất như “trên cái tầng thứ mấy". Quả như nhiều nhà văn từng nhận định Nguyễn Tuân mang một phong cách ấn tượng với đề tài mới lạ và lối viết độc đáo. Đang tả rừng tả sông mà nhà văn không ngần ngại liên tưởng đến nơi phố thị hiện đại, tạo ra ấn tượng của thị giác khi lấy hè phố để miêu tả mặt sông, lấy nhà cao gợi tả vách đá. Đã vậy động từ “tắt phụt" còn gợi ra cảm giác ánh sáng vụt tắt đột ngột, bất ngờ, bóng tối vây bủa, bao trùm khiến con người trở nên đơn độc, hụt hẫng, chới với giữa hai vách đá rợn ngợp. Sự tài tình của Nguyễn Tuân trong việc sử dụng ngôn từ đã khiến nhà văn Đỗ Kim Hồi phải ngạc nhiên: “Một sức bút bình thường làm sao có nổi một cái so sánh vừa chính xác, tinh tế, lại vừa bất ngờ và lạ lùng đến thế”

2. Đoạn văn tiếp theo là sự hung bạo, dữ dội, hiểm trở của quãng ghềnh Hát Loóng.
- Ghềnh là nơi ngay dưới chân thác gồm hai phần. Phần nổi là đá sắc nhọn, lởm chởm, rêu phủ trơn trượt muốn đi trên đây vô cùng khí khăn và nguy hiểm. Còn phần chìm là nước, không rõ nông sâu, nguy hiểm rình rập. Ghềnh và thác vì thế mà trở thành nơi thử thách ý chí con người.

- Câu văn mở đầu bằng lời giới thiệu: “Lại như quãng mặt ghềnh thác Loóng”. Điệp ngữ “lại như” tạo ra cảm giác những hiểm nguy như trùng điệp, tiếp nối, hết hiểm nguy này lại tới hiểm nguy khác chực chờ, rình rập khiến con người qua đây không khỏi lo lắng. Ghềnh Hát Loóng được miêu tả: “dài hàng cây số. Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió. Cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm suốt tháng như lúc nào cũng đòi nợ xuýt...” Bốn chữ “dài hàng cây số” gợi ra độ dài khủng khiếp nhưng vô định, mơ hồ khiến con người không khỏi lo sợ chẳng biết có bao nhiêu nguy hiểm phía sau chiều dài ấy.

- Phép điệp động từ “xô" kết hợp nhiều dấu phẩy liên tiếp tạo nên sự liệt kê trùng điệp của hành động “xô": xô đá, xô sóng, xô gió..., tất cả như đang và đập, xô đẩy vào nhau tạo nên những chuỗi âm vang kinh hãi kéo dài hàng cây số. Câu văn có nhịp ngắn, nhanh, dồn dập kết hợp với các thanh sắc, những từ ngữ trùng điệp nối tiếp thế chỗ nhau trong các cụm từ ngữ đã tái hiện một cách sinh động sự dữ dội đến hung bạo của con sông qua hình ảnh nước, sóng, gió, và đá sông Đà. Mặt nước sông Đà quãng này cuồn cuộn những con sóng dữ vút lên, chồm lên nhau tạo cảm giác ghê rợn, hãi hùng.

- Từ láy “cuồn cuộn” và âm thanh luồng gió “gùn ghè” suốt năm, so sánh “như lúc nào cũng đòi nợ xuýt" gợi ra hình ảnh chốn hoang dã, thâm sơn cùng cốc. Từ láy “cuồn cuộn” miêu tả những cơn gió ồ ạt, hoang dại tấn công về phía trước tạo nên sự bất an cho người đọc. “Gùn ghè” vừa tượng thanh lại tượng hình mang ấn tượng về âm thanh vang động, gầm rú, tiếng rít rùng rợn, quăng quật cả quãng ghềnh dài gây hoang mang và gieo rắc nỗi sợ hãi cho bao người qua. Đó là bản chất lì lợm, hung hãn, cuồng bạo của con sông Đà. Đoạn văn kết thúc bằng lời cảnh báo: “Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra” càng làm sự nguy hiểm tăng cấp lên.

3. Đoạn trích khép lại bằng hình ảnh hút nước Sông Đà hung bạo, gây nguy hiểm cho thuyền bè và con người.

- Điệp ngữ “lại như” tiếp tục điệp lại, nguy hiểm lại tiếp nối, chưa buông tha. Hút nước được miêu tả phong phú, sống động:

- Miêu tả bằng hình ảnh: “Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống làm móng cầu". Từ “bỗng” gợi một cảm giác đột ngột, bất ngờ gây ám ảnh, hoang mang. Cách so sánh “như cái giếng bê tông”, sử dụng động từ mạnh “xoáy tít đáy", từ láy tượng hình “lừ lừ" gợi hình ảnh hút nước lớn, lạnh lùng, đen ngòm, sâu hoắm, tối tăm.

- Miêu tả bằng âm thanh: Tác giả nhân cách hóa và so sánh “nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc” và phép điệp tăng cấp trong từ láy “ặc ặc”: “nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi". Đó là âm thanh rùng rợn, hoang dã, hung dữ gợi tả xoáy nước bạo liệt, hiểm độc. Tất cả góp phần làm hiện ra cả hình ảnh và âm thanh của hút nước như một quái vật đang trong cơn giận dữ cuồng loạn sẵn sàng gieo chết chóc cho con người.

- Cảm giác mạnh mà hút nước mạng lại:
+ Cảnh thuyền vượt hút nước: “thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu, những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rút dầu sôi vào”. Đoạn văn lại một lần nữa thể hiện cá tính sáng tạo của Nguyễn Tuân qua những liên tưởng và so sánh độc đáo. Giữa chốn núi rừng hoang sơ, tác giả thản nhiên thổi vào không khí phố thị khi so sánh chiếc thuyền với ô tô, những hút nước trên sông như “quãng đường mượn cạp ngoài bờ vực”. Tả đường nhưng lại dùng “mượn cạp” ở bờ vực thì còn gì nguy hiểm, chông chênh, tạm bợ bằng. Từ đó nhà văn khẳng định những cái hút nước này là mối đe dọa mà bất cứ ai cũng phải sợ, phải thật điêu luyện, bình tĩnh và nhanh chóng “sang số ấn ga”, “phóng qua” thì mới có thể thoát khỏi thế trận này. Nhiều động từ: chèo nhanh, lướt, vút qua, phóng qua... gợi tả tốc độ di chuyển mau lẹ để tránh hút nước. Bởi đi qua đây sự nguy hiểm luôn cận kề, mạng sống như “ngàn cân treo sợi tóc”, phải hết sức cẩn thận, mau lẹ vượt qua.

+ Hút nước gây nguy hiểm cho thuyền bè. “Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau thì mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới". "Các động từ mạnh: “lôi tuột”, “hút xuống”, “trồng cây chuối”, “vụt biến”, “dìm”, “đi ngầm”, “tan xác” tạo ra sức mạnh hủy diệt, sự bạo liệt, hung ác của xoáy nước. Bè gỗ rừng rất lớn nhưng cũng bất lực trước sức mạnh cuồng nộ của hút nước sông Đà.

-Hiệu ứng điện ảnh đặc sắc trong sự liên tưởng tới anh thợ quay phim:

+ Nhà văn liên tưởng cảnh anh thợ quay phim “táo tợn”, dũng cảm ngồi vào một cái thuyền thúng, rồi cho cả thuyền, cả máy quay vào cái hút Sông Đà: “từ đáy cái hút nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chênh nhau tới một cốt nước cao đến vài sải....Cái thuyền xoay tít, những thước phim màu cũng quay tít, cái máy lia ngược contre-plongée lên một cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan úp vào cả máy cả người quay phim cả người đang xem.”

+ Máy quay thu vào toàn bộ khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ: cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh. Hàng loạt các từ ngữ miêu tả: “cột nước cao đến vài sải”, “xoay tít", “quay tít", “ụp vào” mang đến cảm giác chóng mặt, nguy hiểm đầy chân thực.

+Anh thợ quay phim đã mang đến cảm hứng cho người xem, khiến họ “thấy mình đang lấy gân ngồi giữ chặt ghế như ghì lấy mép một chiếc lá rừng bị vứt vào một chiếc cốc pha lê nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn”... Cách so sánh, ví von, mô tả tinh tế của tác giả đã gián tiếp gây cảm giác mạnh làm cho người đọc như nghe thấy, nhìn thấy được tận mắt cái hung dữ của Sông Đà mà thót tim lại.


Trên đây là 3 nội dung chính không thể thiếu cho đề văn: Cảm nhận vẻ đẹp sông Đà qua đoạn trích sau: “Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá [...] vừa rút lên cây gậy đánh phèn.” Từ gợi ý trên các bạn hãy thử luyện tập bằng cách viết một bài văn hoàn chỉnh ngay nhé.

Tham khảo thêm những bài Phân tích hay TẠI ĐÂY
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
sông đà văn 12
  • Like
Reactions: Vanhoctre
3K
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top