“Người lái đò sông Đà” là một trong những tuỳ bút xuất sắc của Nguyễn Tuân. Thế nhưng để viết tốt một bài cảm nhận về vẻ đẹp của sông Đà là một việc làm cần phải có thời gian để luyện tập. Vì vậy, hãy cùng Triều Anh chinh phục kì thi tốt nghiệp THPT bằng việc tham khảo đề bài nghị luận văn học sau:
“…Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình mà đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh cánh hến của nước Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng cái tên Tây láo lếu, rồi cứ như thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.
Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như nhìn một cố nhân. Chuyến ấy ở từng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, thấy trước mắt loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn thấy cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm Sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bắn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy…”
(Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ Văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)
Cảm nhận hình tượng sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó, nêu nhận xét về cái tôi trữ tình của Nguyễn Tuân được thể hiện qua đoạn trích.
Hướng dẫn làm bài:
1. Mở bài
- Nguyễn Tuân có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Phong cách nghệ thuật độc đáo: tài hoa, uyên bác, ngôn ngữ điêu luyện, sở trường là thể tuỳ bút.
- Tác phẩm rút từ tập tuỳ bút “Sông Đà” (1960) – kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc của Nguyễn Tuân (1958).
- Giới thiệu tính cách trữ tình của sông Đà và trích dẫn đoạn văn.
2. Thân bài
- Luận điểm 1: Nhìn từ trên cao (tàu bay), Sông Đà mang vẻ đẹp của một mĩ nhân.
+ Luận cứ 1: Dòng chảy uốn lượn được so sánh như mái tóc người thiếu nữ Tây Bắc diễm kiều.
“con sông Đà tuôn dài…nương xuân”.
Với biện pháp nghệ thuật so sánh kết hợp với điệp ngữ, Nguyễn Tuân đã gợi lên vẻ đẹp đầy thơ mộng và tình tứ của sông Đà. Vẻ đẹp ấy được so sánh như sự yêu kiều, trẻ trung và hấp dẫn của các cô gái Tây Bắc.
+ Luận cứ 2: Nước sông biến đổi theo mùa, mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng.
. Mùa xuân, nước Sông Đà xanh màu “xanh ngọc bích” - màu sắc tươi vui, trong trẻo.
. Mùa thu, nước Sông Đà được so sánh “như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”.
Nước sông Đà biến đổi theo các mùa trong năm. Điều này đã tạo nên một ấn tượng riêng về màu nước sông Đà. Mỗi mùa, sông lại hấp dẫn và làm say đắm lòng người bởi một diện mạo mới, lúc trong sáng lúc cuốn hút say mê.
+ Luận cứ 3: Nước sông Đà còn được Nguyễn Tuân khẳng định chưa bao giờ có màu đen như thực dân Pháp đã “đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào” và gọi bằng cái tên lếu láo Sông Đen.
- Luận điểm 2: Nhìn từ bờ bãi, sông Đà mang vẻ đẹp của một “cố nhân”.
+ Luận cứ 1: Sông Đà gợi cảm theo nhiều cách.
. Sông Đà đẹp một cách hồn nhiên và trong sáng: “trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy”.
. Nắng sông Đà lại gợi nhớ đến thế giới Đường thi: “tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
+ Luận cứ 2: Vẻ đẹp của bờ bãi sông Đà lại gợi nhớ đến thế giới thần tiên trong khu vườn cổ tích.
. “bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà”.
. “trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”.
- Luận điểm 3: Cái tôi trữ tình của Nguyễn Tuân khi miêu tả sông Đà
+ Luận cứ 1: Cái tôi tài hoa của Nguyễn Tuân được thể hiện qua cách nhìn sông Đà mang vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng đến mức tuyệt mĩ.
+ Luận cứ 2: Khi miêu tả sông Đà, cái tôi trữ tình của Nguyễn Tuan bộc lộ rõ qua việc khắc hoạ dòng sông mang nét cá tính riêng, tâm hồn riêng.
+ Luận cứ 3: Cái tôi của Nguyễn Tuân còn được thể hiện qua cách vận dụng vốn ngôn ngữ uyên bác khi miêu tả sông Đà.
- Luận điểm 4: Đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích.
+ Luận cứ 1: Thành công với thể loại tuỳ bút giúp người đọc cảm nhận đầy đủ và trọn vẹn nhất hình tượng sông Đà mang vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng.
+ Luận cứ 2: Vận dụng thành công các biện pháp nghệ thuạt so sánh, liệt kê làm bật nổi vẻ đẹp gợi cảm của sông Đà.
+ Luận cứ 3: Kêt hợp nhuần nhuyễn phương thức miêu tả và biểu cảm giúp người đọc nhận ra vẻ đẹp của sông Đà qua cái tôi trữ tình của Nguyễn Tuân.
+ Luận cứ 4: Từ ngữ phong phú, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao. Câu văn đa dạng, nhiều tầng, giàu nhịp điệu, lúc thì hối hả, gân guốc, khi thì chậm rãi, trữ tình,…
3. Kết bài
- Nguyễn Tuân đã thành công khi xây dựng hình tượng sông Đà với nét tính cách thơ mộng trữ tình.
- Bằng cái tôi trữ tình tài hoa uyên bác, Nguyễn Tuân đã tái tạo nên kì công của thiên nhiên - vẻ đẹp đắm say lòng người của sông Đà.
Sửa lần cuối: