Baivanhay Chi tiết giọt nước mắt của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt - Kim Lân

Baivanhay  Chi tiết giọt nước mắt của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt - Kim Lân

Giọt nước mắt của bà cụ Tứ cho thấy tấm lòng chan chứa yêu thương con của người mẹ, những giọt nước mắt như cố kìm nén (rỉ ra hai dòng nước mắt, ngoảnh vội ra ngoài). Thương con, mừng lòng trước hạnh phúc của con, bà đào sâu chôn chặt, dấu đi nỗi lo lắng, bà khóc thầm, khóc vụng, để rồi chỉ nói những lời yêu thương, động viên con.

Giọt nước mắt khổ đau ấy như lời kết án sâu sắc thực dân Pháp, phát xít Nhật đẩy dân ta đến thảm cảnh cùng cực đó.

4772

Nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận định: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Vì vậy nó đòi hỏi phải có phong cách, tức là phải có nét gì đó rất mới, rất riêng thể hiện trong tác phẩm của mình”. Phong cách viết của Kim Lân cũng như vậy. Với tác phẩm “Vợ nhặt”, ông đã xây dựng rõ nét bức tranh nông thôn trong nạn đói cùng số phận bi thảm của người dân lao động, đặc biệt là vẻ đẹp phẩm chất của bà cụ Tứ ở chi tiết giọt nước mắt của nhân vật trong tác phẩm này.

Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn, ông thường viết về nông thôn và người nông dân, ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của những người nông dân nghèo rất gần gũi với sinh hoạt của ông. Tác phẩm “Vợ nhặt” được in trong tập “Con chó xấu xí” (xuất bản năm 1962). Nhan đề là sự kết hợp lạ lùng về mặt ngữ nghĩa: một vế biểu tượng cho khát vọng hạnh phúc của con người, một vế diễn tả hành động “nhặt” những cái người ta bỏ đi hoặc bỏ rơi, thường gợi sự tầm thường, rẻ rúng. Nhan đề gợi ra tình huống truyện lạ lùng, éo le, bi hài trong cuộc đời: Tràng - một người đàn ông nghèo hèn, xấu xí ở xóm ngụ cư, có vợ theo không về giữa bối cảnh đói khát, người chết như ngả rạ. Chuyện Tràng nhặt được vợ đã nói lên tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của người nông dân nghèo, đen tối và bế tắc của xã hội VN trước cách mạng tháng Tám. Bối cảnh của câu chuyện là nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945 do phát xít Nhật, thực dân Pháp, phong kiến tay sai bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay để phục vụ chiến tranh, khiến từ Quảng Trị trở ra hơn hai triệu đồng bào ta chết đói.

Bà cụ Tứ là nhân vật xuất hiện muộn nhất trong tác phẩm nhưng lại có vị trí quan trọng thể hiện tư tưởng của truyện ngắn. Ngoại hình của bà nhạt nhòa như ánh hoàng hôn, dật dờ như một cái bóng, được nhà văn giới thiệu bằng một câu văn mang giọng điệu nhẹ nhàng: “Ngoài đầu ngõ có tiếng người húng hắng ho, một bà lão từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào. Bà lão vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng”. Gần hơn nữa, cụ Tứ hiện lên với đôi mắt lèm nhèm, da bủng như vỏ chanh, tấm lưng còng hẳn xuống. Qua đó, ta thấy được bà cụ Tứ là một người mẹ nông dân nghèo khổ, từng trải và hiểu đời, mặc dù gia cảnh nghèo, góa bụa, thân phận bèo bọt nhưng bà rất hiền lành, nhân từ và hết mực thương con.

Khi về đến nhà, bà cụ Tứ rất ngạc nhiên vì thấy có một người đàn bà lạ. Tự dưng bà thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Bà cụ không nhận ra đó là ai. Kim Lân đã dựng lên một loạt câu hỏi để diễn tả tâm trạng của bà cụ Tứ: “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong đấy nhỉ? Sao lại chào mình bằng u? Ai thế nhỉ?”… Bà cụ ngạc nhiên đến nỗi người đàn bà kia chào hai lần mà cụ vẫn không trả lời. Nét tâm trạng này là thường tình, tự nhiên, hợp lí bởi người phụ nữ là một người lạ, bà cụ chưa một lần gặp mặt, đồng thời bà cụ không thể tin con trai mình lấy vợ. Trái tim của người mẹ vốn rất nhạy cảm với chuyện riêng tư của con cái khi đến tuổi trưởng thành vậy mà Kim Lân lại để bà cụ Tứ ngơ ngác quá lâu. Phải chăng chính sự quẩn quanh bế tắc của hoàn cảnh đói khát đã đánh mất ở cụ Tứ sự nhạy cảm ấy?

Khi bà lão đã hiểu ra cơ sự rằng người phụ nữ xa lạ kia là vợ của con trai mình, lúc này hai dòng nước mắt bà rỉ xuống từ kẽ mắt kèm nhèm trên gương mặt khắc khổ già nua của bà, đó là những giọt nước mắt xót tủi, mừng vui của một người mẹ hiểu đời. Cụ nói với các con: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...”. Tác giả dùng từ “mừng lòng” nghĩa là thái độ chấp thuận của bà cụ Tứ không hề khiên cưỡng. Cụ nghĩ con trai mình có vợ là nó đã nên người. Bà cụ còn cảm thông với người vợ nhặt: “Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Bà cụ nhìn người đàn bà lòng đầy thương xót. Người ta gặp bước khó khăn đói khổ này mới lấy đến con mình. Qua đó thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng của bà, lòng thương con khi nghĩ đến cảnh chúng nó có nuôi nổi nhau hay không.

Tuy đã mừng lòng chấp thuận, nỗi buồn tủi và thương lo cho con của bà cụ Tứ vẫn rất dữ dội. Bà cụ Tứ buồn vì con có vợ khi gia cảnh nghèo khó đến một mâm cơm cúng tổ tiên cũng không có. Chuyện trăm năm của đời người mà đơn giản đến xót xa, tội nghiệp. Càng tủi phận bao nhiêu, bà cụ lại càng thương con bấy nhiêu. Bà cụ nói với các các con “Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá, không biết nó có nuôi nổi nhau qua trận đói này không”. Bà lão miên man nghĩ đến đời ông lão và đời mình, rồi lại lo cho tương lai các con. Bà thở nhẹ ra một hơi dài, bóng tối trùm lấy hai con mắt… lòng bà cụ cũng tối sầm lại vì những ý nghĩ u ám khổ đau. Bà lão nghẹn lời, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng. Trong suốt tác phẩm, đây là lần cuối cùng bà cụ Tứ rơi nước mắt. Dòng nước mắt ấy là điều đại diện cho một tấm lòng nhân ái, yêu thương con, cùng đó là tình hữu ái giai cấp, một sự cảm thông với người vợ nhặt.

Tác giả Kim Lân đã xây dựng một chi tiết giọt nước mắt đặc sắc, phân tích tâm lí nhân vật bà cụ Tứ một cách sắc sảo. Bên cạnh đó, chi tiết giọt nước mắt đã bao hàm cả giá trị hiện thực lẫn giá trị nhân đạo của tác phẩm: một bên gián tiếp tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít và phong kiến tay sai, phản ánh đời sống vất vả của người lao động trong nạn đói; một bên hé mở vẻ đẹp khuất lấp của con người trong nạn đói.

Giọt nước mắt vốn là một biểu hiện của nhiều sắc thái khác nhau. Ngoài giọt nước mắt yêu thương của bà cụ Tứ trong “Vợ nhặt”, chúng ta còn có giọt nước mắt giả tạo (Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng), giọt nước mắt đau đớn (Lão Hạc)… và đặc biệt là giọt nước mắt đầy nhân tính của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao. Khi được thị Nở nấu cho bát cháo hành, Chí cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và xúc động, vì đây là lần đầu tiên có một người đàn bà đối xử tốt với Chí đến vậy. Chí có những cảm xúc đi từ bâng khuâng, êm ái nhẹ nhàng, đến vừa vui vừa buồn, và có lẽ cuối cùng là có chút gì đó ăn năn… Một con quỷ dữ như Chí cũng phải khóc khi cảm nhận được tình yêu thương nồng ấm đến từ thị Nở. Đây cũng là một biểu hiện của niềm khát khao hạnh phúc gia đình ẩn sâu trong con người thô kệch, xấu xí của Chí.

Chi tiết giọt nước mắt của bà cụ Tứ ở tác phẩm “Vợ nhặt” đạt thành công cả về nội dung và nghệ thuật. Nó điểm tô thêm màu sắc riêng biệt của tác phẩm “Vợ nhặt” để người đọc tìm đến văn học, tìm đến hiện thực, tìm đến các giá trị nhân văn nuôi dưỡng tâm hồn con người thêm đẹp.
 
Từ khóa Từ khóa
bà cụ tứ chi tiết giọt nước mắt kim lân ngữ văn 12 vo nhat
  • Like
Reactions: Tiến 2021
8K
1
1
Trả lời
Giọt nước mắt của bà cụ Tứ trong tác phẩm của nhà văn Kim Lân - đây là chi tiết đắt giá: giọt nước mắt đầy tình thương và lòng nhân hậu.
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.