Chia Sẻ Chính Hữu nói về hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Đồng chí”

Chia Sẻ  Chính Hữu nói về hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Đồng chí”

Bài thơ “Đồng chí” sáng tác vào năm 1948. Bài thơ được đánh giá là tiêu biểu của thơ ca kháng chiến giai đoạn 1946 – 1954, nó đã làm sang trọng một hồn thơ chiến sĩ của Chính Hữu. Đặc biệt bộ đội rất thích bài thơ “Đồng chí”, bài thơ được chép vào sổ tay, ngâm ngợi ở nhiều đêm văn nghệ của đơn vị… Sau đó được đồng chí Minh Quốc phổ thành bài hát trong 1 đêm trăng, ca sĩ Quốc Hương hát nhiều lần bài hát này khắp các quân khu.

Chính Hữu nói về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đồng chí.png


Chính Hữu nói về hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Đồng chí”

“Vào cuối năm 1947, tôi tham gia chiến dịch Việt Bắc. Địch nhảy dù ở Việt Bắc và hành quân từ Bắc Cạn lên Thái Nguyên. Chúng tôi phục kích từng chặn đánh, truy kích binh đoàn Beaufre. Khi đó tôi là chính trị viên đại đội. Chiến dịch vô cùng gian khổ. Bản thân tôi cũng chỉ phong phanh trên người một bộ áo cánh, đầu không mũ, chân không giày. Đêm ngủ nhiều khi phải rải lá khô để nằm, không có chăn màn, ăn uống rất kham khổ vì đang trên đường hành quân truy kích địch. Tôi cũng phải có trách nhiệm chăm sóc anh em thương binh và chôn cất một số tử sĩ. Sau trận đó, tôi ốm, phải nằm lại điều trị. Đơn vị cử một đồng chí ở lại chăm sóc tôi. Trong khi ốm, nằm ở nhà sàn heo hút, tôi làm bài thơ “Đồng chí”… Đó là lời tâm sự viết ra để tặng đồng đội, tặng người bạn nông dân của mình.

Bài thơ "Đồng chí" được làm sau bài thơ "Ngày về". Tôi thấy lúc này làm thơ cao xa quá là vô trách nhiệm với những người cùng chiến đấu và hi sinh với mình. Trong bài thơ "Đồng chí", tôi muốn nhấn mạnh đến tình đồng đội. Suốt cả cuộc chiến đấu chỉ có một chỗ dựa dường như là duy nhất để tồn tại, để chiến đấu là tình đồng chí, tình đồng đội. "Đồng chí" ở đây là tình đồng đội, không có đồng đội tôi không thể nào làm tròn được trách nhiệm, không có đồng đội tôi cũng đã chết lâu rồi. Bài "Đồng chí" là lời tâm sự viết ra để tặng đồng đội, tặng người bạn nông dân của mình. Bài thơ viết có đối tượng. Tôi hiểu và quý mến người đồng đội của tôi nên tiếng nói thơ ca giản dị và chân thật. Tuy nhiên "Đồng chí" không phải là bài thơ nôm na. Trước Cách mạng, tôi có làm một ít thơ. Trong thơ, tôi cố gắng để nói cái cần nói, không nói dài, nói thừa. Tôi mong có được sự hàm súc, cô đọng của lời thơ, và hình ảnh thơ phải mang tính tạo hình.

Tôi là lính của Trung đoàn Thủ đô. Tôi vào bộ đội ngày 19 - 12 - 1946. Bước vào cuộc kháng chiến, tuổi trẻ nhiều lúc bốc men say. Bài "Ngày về" phản ánh một mặt khía cạnh của tâm trạng tôi và bài "Đồng chí" cũng phản ánh một mặt của tình cảm tôi. Bài thơ được làm nhanh. Tôi làm để tặng bạn. Tôi không phải là nông dân và quê hương tôi cũng không phải trong cảnh "nước mặn đồng chua” hoặc đất cằn cỗi sỏi đá. Cái tôi trong bài thơ có những chi tiết không phải là tôi mà là của bạn, nhưng về cơ bản thì là của tôi. Tất cả những hình ảnh gian khổ của đời lính thiếu ăn, thiếu mặc, sốt rét, bệnh tật... bạn và tôi đều cùng trải qua. Trong những hoàn cảnh đó, chúng tôi là một, gắn bó trong tình đồng đội. Viết về bộ đội nhưng thơ tôi thiên về khai thác đời sống nội tâm, tình cảm, ít có những chuyện đùng đoàng, chiến đấu. Tôi làm bài "Đồng chí" cũng là tình cảm chân tình tự nhiên không có sự gò ép, gắng gượng nào và nó cũng nằm trong tư duy thơ ca quen thuộc của tôi.

Bài thơ có những hình ảnh cô đúc như "đầu súng trăng treo". Tôi thấy có bạn phân tích hình ảnh "đầu súng" là tượng trưng cho người chiến sĩ đang bảo vệ quê hương và "vầng trăng" tượng trưng cho quê hương thanh bình. Tôi không nghĩ thế khi viết, còn hình tượng thơ có thể gợi cho người đọc nghĩ thế là tùy ở các bạn. Vấn đề đối vối tôi đơn giản hơn. Trong chiến dịch nhiều đêm có trăng. Đi phục kích giặc trong đêm trước mắt tôi chỉ có ba nhân vật: khẩu súng, vầng trăng và người bạn chiến đấu. Ba nhân vật quyện với nhau tạo ra hình ảnh "đầu súng trăng treo". Lúc đầu tôi viết là "đầu súng mảnh trăng treo" sau đó bớt đi một chữ. "Đầu súng trăng treo", ngoài hình ảnh bốn chữ này còn có nhịp điệu như nhịp lắc của một cái gì lơ lửng chông chênh trong sự bát ngát. Nó nói lên một cái gì lơ lửng ở rất xa chứ không phải là buộc chặt, suốt đêm vầng trăng ở bầu trời cao xuống thấp dần và có lúc như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng đối với chúng tôi như một người bạn; rừng hoang sương muối là một khung cảnh thật. Rừng mùa đông ở Việt Bắc rất lạnh, nhất là vào những đêm có sương muối. Sương muối làm buốt tê da như những mũi kim châm và đến lúc nào đó bàn chân tê cứng đến mất cảm giác. Tất cả những gian khổ của đời lính trong giai đoạn này thật khó kể hết nhưng chúng tôi vẫn vượt lên được nhờ ở sự gắn bó, tiếp sức của tình đồng đội trong quân ngũ. Cho đến hôm nay, mỗi khi nghĩ đến tình đồng đội năm xưa, lòng tôi vẫn còn xúc động, bồi hồi.

“Trong bài thơ Đồng chí, tôi muốn nhấn mạnh đến tình đồng đội. Trong suốt cả cuộc chiến đấu, chỉ có một chỗ dựa dường như là duy nhất để tồn tại, để chiến đấu là tình đồng chí, tình đồng đội. Đồng chí ở đây là tình đồng đội. Không có đồng đội, tôi không thể nào hoàn thành được trách nhiệm, không có đồng đội, có thể nói, tôi cũng chết lâu rồi. Bài Đồng chí là lời tâm sự viết ra để tặng đồng đọi, tặng người bạn nông dân của mình (…) Tôi ko phải nông dân và quê hương tôi không phải trong cảnh nước mặn đồng chua hoặc đất cày sỏi đá. Cái tôi trong bài tơ có những chi tiết không phải là tôi mà là của bạn, nhưng về cơ bản thì là củtooii (…) Chúng tôi là 1 gắn bó trong tình đồng đội”.

(Trích "Nhà văn nói về tác phẩm", NXB Văn học, Hà Nội, 1994)​
 
Từ khóa Từ khóa
chính hữu hoàn cảnh sáng tác bài thơ đồng chí đồng chí
1K
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.