Nhà  Chú Hoàn

Chú Hoàn của tôi là một đứa trẻ gầy gò,xanh xao. Thường bị những cơn đau chết đi sống lại hành hạ. Nhớ về chú tôi thường nhớ về một người có nụ cười thật hiền để cổ vũ và an ủi tôi mỗi khi bị bố đánh những trận đòn thừa sống thiếu chết.

Cả tôi và chú Hoàn đều là những đứa trẻ cô đơn, bị khinh khi bởi xuất thân của chính mình. Nếu như tôi là đứa con được tao ra bởi mối tình lầm lỡ của mẹ và người bạn học cũ mà sau này vì lý do nào đó người ấy và mẹ tôi rẽ hướng ngược đường khi một mầm sống đang dần tượng hình trong bụng mẹ. Mẹ vội vã kết hôn với người đàn ông mà mình không yêu, để lấp liếm cái sai lầm của một thời tuổi trẻ nông nổi. Khi tôi sinh ra, chưa kịp hưởng bầu sữa ngọt ngào của mẹ đã được ông bà ngoại ôm về nuôi nấng. Những ngày thơ ấu của tôi thường phải len lén chạy trốn khi người mà tôi gọi là bố lảo đảo, chân nam đá chân chiêu, đưa đôi mắt đỏ ngầu lên tìm kiếm"cái của nợ đời” của ông. Không thấy tôi thì thôi, hễ mà thấy tôi là ông lại lè nhè cái điệp khúc:

- Mày là con chó cái. Chính mày đã phá hủy cuộc đời tao. Sao mày không chết đi cho rảnh nơ?

Lần đầu nghe những lời này tôi còn khóc rưng rức vì tủi thân nhưng càng về sau tôi càng trơ lì và không thể khóc được nữa.

Phải tôi là con chim nhỏ bơ vơ lạc lõng, không có nổi cái tổ để tránh bão. Còn chú Hoàn là con ngoài giá thú của ông nội tôi. Sự quan tâm của ông nội dành cho chú cũng giống như một sự chắp vá khi có khi không. Điều làm tôi nhớ nhất trong những ngày thơ ấu của tôi chính là các buổi tụ họp gia đình khi nhà có giỗ. Chú Hoàn ngồi co rúm ở một góc nhỏ, mệt mỏi, nặng nề và chịu bao ánh mắt lườm nguýt của các cô chú khác của tôi:

- Thằng hãm tài. Ai làm gì mày mà cái mặt mày nhăn như khỉ ăn ớt thế kia.
Hoàn thường im lặng không nói, không phân trần gì cả. Nhưng nhìn vào mắt chú tôi thấy một màn nước mỏng cố giữ nơi khóe mắt. Hẳn là chú muốn khóc nhưng lại không thể khóc. Còn tôi, đến tận bây giờ mỗi khi nhớ về ánh mắt ấy của chú tôi vẫn bị ám ảnh. Giá mà tôi dũng cảm hơn. Có lẽ tôi sẽ kể cho mọi người nghe về căn bệnh ung thư mà chú Hoàn đang mắc phải. Giá mà tôi dũng cảm hơn. Tôi sẽ nói cho mọi người biết không phải Hoàn nhăn nhó mà là do căn bệnh quái ác hành hạ khiến chú bị đau. Nhưng khi ấy tôi là một đứa hèn nhát. Tôi im lặng nhìn chú bị tiếng bấc tiếng chì mà không dám lên tiếng bênh vực. Có đôi lần chú Hoàn cho tôi xem những bức tranh mà chú vẽ. Rồi bằng giọng hỉ hả, vui tươi chú”thuyết trình” cho tôi nghe về bức tranh đó:

- Linh có biết đây là ai không?

Khi tôi tò mò lắc đầu thì Hoàn phá lên cười: đó là mẹ cả, là bố là anh Hùng, anh Hà, chị My, Chị Trang,mẹ Hoàn, bố Hoàn và cả Linh với Hoàn nữa. Đây là gia đình của Hoàn...

Tôi ngước lên nhìn Hoàn:

- Họ đối xử với chú như vậy mà chú không giận sao?

Hoàn rơm rớm nước mắt rồi lại mỉm cười ngay sau đó:

- Không Hoàn không giận. Họ là người thân của Hoàn mà.

Tôi lắc đầu. Họ không phải là người thân của tôi. Đây ngàn vạn lần không phải là gia đình tôi. Làm sao tôi có thể quên được những tiếng xì xào, chì chiết” con của nợ,đồ con hoang” mà họ đã ném vào mặt tôi. Tôi càng không thể quên được có những đêm tối om như mực, tôi ôm gối sang xin bố mẹ cho ngủ cùng thì mẹ hết nhìn tôi bối rối, khó xử lại quay sang nhìn bố ra chiều như van lơn. Còn bố ông quắc mắt nhìn tôi:
- Ngủ cùng cái gì mà ngủ cùng. Cút về giường ngủ cho tao.

Thế là tôi đành ôm gối trở về giường ngủ một mình. Nước mắt tủi thân cứ chảy ra tưng giọt mặn chát. Tiếng thút thít lúc đầu còn nho nhỏ về sau vỡ òa nức nở và làm bố tôi điên tiết. Ông vớ lấy cái chổi, quật túi bụi vào người tôi vừa đánh ông vừa gầm lên những tiếng chát chúa:

- Mày có im đi không? Cái con chó cái này mày có im đi không?

Bố tôi càng đánh càng hăng. Ông vớ lấy bất cứ thứ gì trong tầm tay rồi trút xuống người tôi những trận đòn thù nghiệt ngã như thế. Cho đến khi ông thấm mệt.

images (1).jpeg


Có đôi khi tôi tự hỏi”tại sao mẹ lại không thương tôi, không bảo vệ tôi hay chỉ đơn giản là dũng cảm ôm tôi chạy thoát khỏi nơi địa ngục trần gian này? Nhưng hỏi cũng chỉ là để hỏi mà thôi. Tôi mãi mãi không thể trả lời được những câu hỏi ấy. Còn mẹ tôi mãi mãi không bao giờ đủ dũng cảm để dứt áo ra đi.

Nhưng tuổi thơ tôi cũng có những lúc thật ngọt ngào dễ thương khi tôi nói chuyện với chú Hoàn. Chú thường ngồi nghe tôi kể về ước mơ đi du lịch vòng quanh đất nước của tôi. Còn chú, ước mơ của chú nhỏ bé lắm,bình thường lắm nhưng mãi đến tận cuối đời chú vẫn không thể hiện thực hóa ước mơ của chính minh”các anh chị không ghét Hoàn nữa”.

Giấc mơ ấu thơ ngừng lại vào một ngày mưa buồn. Có lẽ ông trời cũng xót xa cho một thân phận trẻ thơ bất hạnh . Ngày hôm đó, mẹ chú đón tôi về chơi với chú. Chú yếu lắm rồi không ngồi dậy được nữa. Nhưng nhìn tôi ánh mắt chú vẫn ánh lên niềm vui không che giấu. Khẽ đưa tay vẫy tôi lại gần chú thều thào bảo:
- Chú để dành cho Linh từ hôm qua đấy!
Tôi nhìn tay chú thì ra là 3 chiếc kẹo"đầu ông sư" mà bọn trẻ con hồi ấy vẫn thích mê. Tôi cắn một nửa đưa cho chú một nửa ý bảo ăn cùng nhưng chú lắc đầu tỏ ý bảo tôi ăn hết đi.
Thấy hai chú cháu chơi với nhau bà xuống bếp bảo sẽ nấu chè đậu đỏ cho tôi và chú. Có lẽ vì chú quý tôi nên bà cũng quý tôi lắm. Sau này bà thương yêu, giúp đỡ tôi với một tình cảm bao la rộng lớn mà cả cuộc đời tôi ghi khắc trong tim .
Quay trở lại với buổi chiều mưa ngày hôm đó đang nằm nghe tôi nói chuyện chú bỗng khép mắt như đang ngủ. Nào tôi có biết gì đâu tôi cứ tưởng chú tôi chỉ ngủ thôi. Thế là, tôi trườn qua người chú kéo gối nằm vào phía trong và đưa tay ôm ngang người chú từ từ chìm vào giấc ngủ. Khi tôi tỉnh dậy tôi nghe tiếng khóc vang dội khắp căn nhà nhỏ. Nhìn vào bên trong giường chú nằm tôi thấy, người ta phủ lên mặt chú tôi một mảnh vải màn trắng. Tôi ngơ ngác nhìn quanh như muốn hỏi"có chuyện gì đang xảy ra?" cụ cố nhìn tôi đôi mắt già nua đục mờ thi nhau chảy ra những giọt lệ thánh thót , xót xa:
- Chú con đi rồi con ạ

- Đi rồi là đi đâu? Chú vẫn nằm kia mà.

Cụ cố khóc lặng :
- Chú con chết rồi Linh ơi!

Nghe vậy tôi òa lên khóc như xé vải . Tôi nhớ đến bàn tay nhỏ nhắn gầy guộc xanh xao vẫn xoa bóp cho tôi mỗi lúc tôi đau đớn. Nhớ đến giọng nói thì thầm , nhẹ nhàng vẫn vang lên bên tai tôi như an ủi, dỗ dành :
- Cố lên Linh ơi!

Ngày đưa tang chú, tôi nhìn mọi người xung quanh, thấy ông nội thở dài. Lòng tự hỏi: ông thở dài xót xa cho đứa con đoản mệnh hay thở phào vì vứt bỏ một gánh nặng mà mình trót đeo mang?

Hơn 20 năm trôi qua, chú Hoàn đã đi sang một thế giới khác. Ở nơi đó không biết chú đã tìm được một tổ ấm mà chú hằng mơ ước, khát khao. Còn tôi, đã đi qua đủ bão tố, đã nếm đủ mọi dư vị vẫn ngày ngày tự hỏi lòng tôi: Nhà tôi ở đâu?

Đôi lần tôi tưởng tượng nếu mẹ tôi kết hôn với bố đẻ tôi thì liệu tôi có một gia đình hạnh phúc? Nhưng rồi tôi gạt ngay cái ý nghĩ viển vông ấy đi vì nếu như thế tôi sẽ không được biết chú Hoàn của tôi...
 
Từ khóa Từ khóa
dan toc ho chi minh khat vong lich su nghe thuat nghệ thuật lập luận nhân dân ta tuyên ngôn độc lập văn học yeu nuoc độc lập
1K
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.