CHUYẾN TÀU MÙA XUÂN
Hường! mày định ra tết không trở lại Huế nữa, răng mà chất đồ nhiều rứa?
- Ừ! Ăn tết xong tau tới trường thực tập luôn, không vào Huế lấy đồ nữa, chuyển về một thể.
- Nhanh quá mày hi, mới đó mà 4 năm học đại học sắp hết rồi còn một kỳ thực tập và thi tốt nghiệp nữa thôi là xa Huế rồi!
- Thôi ngủ đi bà, mai lên tàu sớm còn nhiều việc phải làm hơi đâu mà tiếc nuối, nhớ vặn đồng hồ kẻo sáng mai trễ đó.
- Nhớ rồi bà.
Trinh vừa nói vừa trùm cái chăn từ đầu đến chân rồi thiu thiu ngủ không nghe tiếng nó nói nữa. Mà thật lạ không hiểu sao cái đêm cuối cùng ở ký túc xá này làm tôi khó ngủ đến thế. Trong phòng 10 đứa thì 8 đứa ở xa về quê ăn tết trong đêm nay. Chỉ còn 2 đứa tôi nhà gần hơn nên sáng mai mới về. Đúng là không khí tết đến với sinh viên xa nhà cũng thật thú vị cứ háo hức trông đợi nao nao thế nào ấy. Gần 10 giờ đêm tôi cố chợp mắt nhưng vẫn không sao ngủ được. Dưới sân ký túc xá tiếng loa gọi í ới “Ai đồng hương Nghệ An lên xe nào?”, “Đồng hương Thanh Hóa lên xe”.
5 giờ sáng Ga Huế chật ních người chủ yếu là sinh viên về quê ăn tết, đem theo nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh. Tôi cũng cố chen mua cho mình vé tàu ĐH 41 Huế - Đồng Hới. Tàu xuất phát lúc 6g ở Ga Huế, nhưng 5h30 khách đã lên hết. Đến giờ tàu chạy, tiếng cô phát thanh viên cất lên quen thuộc: “Hành khách chú ý, hành khách chú ý đoàn tàu ĐH41 đã được lệnh chuyển bánh. Quý khách còn dưới sân ga nhanh chóng lên tàu ổn định chỗ ngồi....”. Dưới sân ga, các nhân viên nhà ga bận rộn chạy đi chạy lại, thổi còi toe toét từ đầu tàu đến cuối tàu, phất cờ hiệu rối rít cả lên, báo hiệu tàu sắp chạy. Rồi bạn bè, người thân đưa tay vẫy chạy theo mạn tàu làm tôi tưởng tượng như đoàn tàu này đang chở những thanh niên xung phong ra mặt trận chứ không phải là tàu chợ.
Chuyến tàu cuối năm, ảnh tác giả
Chuyến tàu hôm ấy người đông kín các toa, tôi cố tìm cho mình một chỗ thật thích hợp nhưng thật là khó, bổng một anh thanh niên nhích người sang bên nhỏ nhẹ:
- Cô ngồi xuống đi, hơi chật một chút
Lúc đầu tôi cũng hơi chần chừ nhưng rồi cũng ngồi vào khoảng trống bên cạnh chứ nếu đứng 2 giờ đồng hồ mà ra đến nhà thì mỏi lắm.
Cô về quê ăn tết à? Anh bắt chuyện.
Răng ăn biết, nhìn cô đem nhiều đồ đạc thế kia
Toàn là áo quần sách vở ấy mà
Nếu tôi đoán không nhầm thì cô là sinh viên
Anh nên làm thầy bói thì đúng hơn. Đúng! tôi là sinh viên sư phạm năm cuối, về quê ăn tết xong là đi thực tập luôn. Nghe giọng anh thì không phải là người Bình Trị Thiên. Anh về quê ăn tết răng không đi tàu thống nhất mà đi tàu này chi cho khổ. Tàu này người ta gọi là tàu chợ chỉ giành cho dân nghèo và sinh viên như tụi em thôi.
Sao gọi là tàu chợ?
Nói là tàu chợ vì trên tàu có những thứ giống như ở chợ, ngoài toa ghế ngồi, còn có toa hành lý để xe máy, xe đạp, toa hàng hóa cồng kềnh chất đầy trên lối đi với tiếng cười nói râm ran của các bà các cô buôn hàng. Toa gà, vịt bốc mùi và những tiếng kêu đặc trưng của chúng... nên mỗi lần ngồi trên tàu có cảm giác như ở chợ. Anh không thấy đó à?. Tàu chợ hay tàu chờ gì cũng đúng vì con tàu này xác lập kỷ lục chạy lâu nhất trong những con tàu chạy trên đường sắt Việt Nam. Bao năm qua mọi thứ đã thay đổi nhiều lắm, chỉ điều duy nhất tàu chợ ĐH41 không đổi tốc độ tàu vẫn chưa đến 30km/giờ. Con tàu chạy lắc lư chậm rãi và cứ khoảng 15 - 20 phút lại dừng một lần đủ làm sốt ruột những ai muốn đi nhanh. Nhưng đã xác định đi tàu này là phải chờ, không nôn nóng, bồn chồn, lúc nào nó đến thì đến. Còn ai gấp việc, muốn đến cho kịp giờ thì không nên đi chuyến tàu này. Anh không nghe tiếng chị phát thanh viên nhà ga cất lên “xin lỗi quý khách chuyến tàu ĐH41 phải đỗ lại đây hơn 30 phút nữa để tránh tàu thống nhất, mong quý khách thông cảm”. Mọi người cảm thấy đó là điều bình thường chẳng có gì bực bội.
Vì vậy 4 năm học đại học ở Huế mỗi lần về nhà tôi đều lựa chọn con tàu này mà không phải phương tiện nào khác. Nhưng có lẽ điều làm tôi thương mến đoàn tàu hơn cả khi nhiều người ví đoàn tàu cứ như một chiếc xe buýt đường sắt, nhẫn nại ghé đủ tất cả các ga trên cung đường, kể cả những ga xép xa xôi và trạm hàng hóa bé nhỏ nhất. Cứ đi khoảng chục cây số lại có một ga, tàu lại dừng. Hành khách lên xuống cũng nhộn nhịp. Chỉ 180km từ Huế đi Đồng Hới nhưng tàu ĐH41 ghé lại 21 ga. Khác với tàu Thống Nhất chạy suốt hành trình Bắc Nam chỉ dừng đỗ đón trả khách ở những ga chính qua các thị xã, thành phố. Và một điều lạ mỗi lần đi tàu này cảm xúc trào dâng lại ùa về dạt dào khó tả. Chuyến tàu lắc lư chậm rãi như tua lại thời gian đời sinh viên của tôi với ấn tượng khắc sâu về những toa tàu bụi bặm, mùi gỉ sét của gờ sắt cũ trên cửa sổ lưới, hình dáng những chiếc ghế gỗ sơn phết mộc mạc, màu của đám khói tàu phả lên nền trời mùa đông những cuộn khối xám lạ lùng. Tất cả mãi không tan đi trong tâm trí... Tôi thấy thú vị khi đi trên chuyến tàu này. Còn anh thì sao?
- Có đi tàu này mới cảm nhận được cái thú vị của tàu chợ như cô mô tả chứ! Anh nói
Tôi mỉm cười rồi lảng nhìn ra ngoài cửa sổ, bên ngoài những hạt mưa xuân rơi lất phất, thỉnh thoảng hắt vào khung lưới của đoàn tàu đọng thành giọt. Đoàn tàu vẫn lăn bánh xình xịch.
Mưa mùa xuân giống như cô gái Miền Trung.
Giống thế nào hả anh?
Mưa gì mà chợt tạnh chợt mưa như dỗi hờn người con gái Huế
Anh cũng thích mưa Huế à?
Không những thích mà còn yêu nữa, có gì đó rất duyên dáng như con gái Huế
Anh quá khen chứ mần răng mà đẹp như con gái quê anh.
Anh cười hóm hỉnh đoạn chỉ ra khung cửa: kìa! nhìn kìa! tạnh rồi đấy.
Tôi nhìn theo tay anh chỉ, quả thật mưa đã tạnh hẳn, trời sáng trong những chiếc lá còn đọng giọt mưa xuân cứ rung rinh rung rinh. Dựa lưng vào thành ghế phóng tầm mắt ra xa, ngắm những đồi núi, bụi cây cỏ hoang dại dọc ven đường, những xóm làng xanh mướt bình yên, những căn nhà ẩn mình trong những khu vườn sương mờ giăng giăng.
- Anh về quê ăn tết hay đi có việc gì?
- Vâng! tôi về quê ăn tết, tôi quê gốc Hà Tây nay là Hà Nội. Tết năm ngoái tôi không được về quê ăn tết với bố mẹ vì bận công trình ở Miền Trung. Năm nay được về, tôi định ghé vào Đông Hà thăm một người bạn rồi sau đó về Hà Nội.
Hèn chi anh đi tàu này.
Mừng cô sắp làm cô giáo tương lai rồi nhé. Khi tôi trở lại Huế không biết còn gặp cô nữa không?
Trái đất tròn mà anh
Thế hẹn gặp cô ở Huế nhé!
Không gian yên ắng chỉ có có tiếng bánh sắt xát trên đường ray giòn giã. Biết làm sao tôi trả lời anh khi phía trước với tôi bao dự định còn dang dở, trước mắt tôi phải hoàn thành khóa thực tập sư phạm và tốt nghiệp ra trường, mà sao vậy nhỉ? Sao anh lại hỏi thế nhỉ?. Bất chợt tiếng loa phóng thanh từ bên duới sân ga vang lên “Chuyến tàu DH 41 sắp vào Ga Quảng Trị, quý khách kiểm tra hành lý để xuống tàu”. Trong toa mọi người nhốn nháo đứng dậy chuẩn bị xuống tàu. Anh vẫn ngồi yên, tôi xách hành lý đứng dậy và chào anh
Em xuống đây rồi, nhà em ở thị xã Quảng Trị, anh tiếp tục đi nhé!
Xuống đây rồi à! để tôi phụ giúp cô chuyển đồ
Cảm ơn anh!
Tôi ngẩn người và bối rối hơn khi anh nhìn tôi có vẻ tiếc nuối với cuộc trò chuyện dang dở.
- Vậy là em vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi đấy nhé! Nhất định tôi sẽ tìm em ở Huế.
Tôi đưa mắt nhìn anh và kịp nhìn thấy anh đưa tay vẫy chào tạm biệt. Đoàn tàu lao đi, cây cối nhà cửa và cả anh nữa dần dần mất hút. Trong đầu tôi vẫn cứ luẩn quẩn hình ảnh người con trai hóm hỉnh vui tính trò chuyện hơn 2 giờ đồng hồ trên tàu. Tôi chất đồ đạc lên xe đạp và đi thẳng về nhà. Chiếc xe chầm chậm đưa tôi đảo mắt phố phường trong những ngày xuân. Hai bên đường những chậu hoa cúc, hoa mai đua nhau khoe sắc nở màu vàng rực. Mùi tết quê đã thoang thoảng đưa. Một mùa xuân nữa lại đến với tôi với bao điều mới mẻ trào dâng.
Đi giữa vườn xuân, ảnh tác giả
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Mùa Thanh Xuân - Tết"
Diễn đàn viết văn - Văn Học Trẻ
Người viết: Lê Thị Thu Thanh
--------------------------------
Tôi xin cam đoan đây là bài viết của riêng tôi. Truyện ngắn này dựa trên một câu chuyện có thật kỷ niệm những ngày tháng sinh viên.
Hãy viết gì đó chia sẻ cùng tôi.
Chân thành cảm ơn !