Dự thi  Cô liêu

Tham gia cuộc thi viết văn tháng 12: “Người lính trong tim tôi”

CÔ LIÊU

Ông Linh ngồi bên ấm chè trên chiếc phản gỗ mít vàng ươm giữa nhà, vừa nhấp ngụm nước chè đặc sánh vừa điều chỉnh chiết áp chiếc đài bán dẫn, có lúc ông nhấc cả chiếc đài lên áp vào tai. Ngoài trời oi bức, tiếng ve trong vườn cứ như át đi tiếng phát thanh viên rè rè phát qua chiếc loa đài.

Ngoài sân Liêu đang kê cây chuối mới chặt ngoài vườn về thái cho lợn, thi thoảng lại giỏng tai lên nghe chút tin tức từ chiếc loa của bố chồng ậm ẹc ở trong nhà. Mấy ngày nay tin chiến thắng trên các mặt trận được thông báo liên tục, nghe đâu quân ta đã áp sát Sài Gòn.

Đúng lúc này tiếng loa chợt vang vang và nghe rõ nét, ngoài sân Liêu vẫn nghe thấy bập bõm “…Tin chiến thắng…Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng….lúc 11 giờ 30 ngày hôm nay lá cờ giải phóng đã được cắm lên nóc dinh Độc Lập…toàn bộ quân Ngụy Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng….”…

Ông Linh vội vàng tụt xuống phản không kịp xỏ dép chạy bổ ra sân:

- Bà nó ơi, chiến thắng rồi, mình chiến thắng rồi, hết chiến tranh rồi, thắng Chung chắc cũng sắp về rồi bà nó ơi….

Liêu giật mình, con dao phay thái chuối chợt xiến nhẹ vào ngón trỏ tay cái, máu tứa ra, Liêu không cảm thấy đau, đưa tay lên mồm ngậm mà nước mắt ứa ra, nước mắt trôi qua khóe môi lẫn với máu từ ngón tay mằn mặn trong miệng Liêu. Vậy là cuối cùng cuộc chiến cũng đã kết thúc, anh Chung ơi, anh ở đâu mau về với mẹ con em, cả nhà chờ mong giây phút này lâu lắm rồi. Liêu mong chờ, Liêu hy vọng vì mới đây thôi anh ấy còn viết thư về cho mẹ con Liêu bảo rằng đang tham gia vào một cánh quân tiến đánh đến sào huyệt cuối cùng của quân Ngụy Sài Gòn, sau chiến thắng anh sẽ về với mẹ con cô. Liêu cứ từng ngày, từng giờ ngong tin chiến thắng. Từ ngày cưới nhau vợ chồng gần gũi nhau chỉ tính trên đầu đốt ngón tay, sau mỗi chiến dịch, sau mỗi trận đánh, sau mỗi đợt chỉnh quân anh chỉ kịp đảo qua nhà một chút rồi lài đi, Liêu chưa kịp bén hơi chồng, chưa kịp ôm chặt tấm thân săn chắc của chồng thì anh lại lên đường nhận nhiệm vụ mới. May mà anh còn để lại cho Liêu một đứa con gái làm bầu bạn. Nhiều đêm Liêu ôm con ngủ mà thèm, mà nhớ anh quay quắt, thèm cái cảm giác vợ chồng gần gũi nhau, thèm một hơi ấm đêm đông lạnh giá có hơi ấm của chồng ở bên xua đi cái cảm giác cô quạnh…Nhiều đêm Liêu trằn trọc, Liêu thở dài, Liêu âm thầm khóc, nước mắt làm ướt cả mái tóc xơ rối của đứa con gái rúc đầu vào ngực mẹ ngủ.

Năm ngày…

Mười ngày….

Một tháng….

Thời gian cứ chầm chậm trôi đi, mỗi lần thấy bóng dáng người mặc quân phục đi qua trước ngõ là Liêu lại thấy hồi hộp, lại dáo dác ngóng trông, lại nuôi niềm hy vọng. Mỗi lần thấy nhà hàng xóm đón nhận người thân từ chiến trường trở về, bên ấy hân hoan cười nói vui bao nhiêu, bên này Liêu buồn bã, sùi sụt bấy nhiêu nhất là khi đứa con gái thi thoảng lại bám gấu áo mẹ hỏi “Bố sắp về chưa hả mẹ?”, Liêu chỉ biết ôm con vào lòng an ủi “Chắc bố bận chưa về kịp, bố cũng sắp về rồi con ạ”. Tội nghiệp con bé, lớn lên cũng mới chỉ gặp mặt bố có vài lần cơ bản qua lời kể của mẹ và ông bà, không biết trong nó hình ảnh bố còn lưu đọng lại được bao nhiêu.

Ông bà Linh cũng mong tin con không kém gì con dâu, mỗi lần đi hỏi thăm tin tức của Chung đều nhận được cái lắc đầu không biết. Chiến trường rộng lớn, mỗi người một đơn vị, việc biết nhau chỉ là hãn hữu, ông Linh cũng đã từng tham gia những trận chiến trong kháng chiến chống Pháp, tham gia trận Điện Biên Phủ nên ông biết điều ấy, nhưng dù sao vẫn cứ nuôi một niềm hy vọng là có ai đó cùng làng, cùng xã biết tin Chung.

Một ngày, sau bao ngày mong ngóng Liêu cũng thấy có bóng quân phục đi vào ngõ nhà mình, đang làm cỏ vườn Liêu buông cuốc hớn hở chạy ra, nhưng rồi lại chưng hửng khi thấy đó không phải là chồng mình, là một sĩ quan mang quân hàm thiếu tá với chiếc ba lô lưng lửng sau lưng.

- Chị cho hỏi đây có phải nhà ông Linh?- Người sĩ quan thấy Liêu ra bèn đừng lại hỏi.

- Vâng, anh hỏi bố tôi có việc gì không ạ?- Liêu ngờ ngợ hỏi.

- Tôi là Quân, tôi cùng đơn vị với anh Chung.

- Mời anh vào nhà, anh có tin gì của anh Chung ạ? Em là vợ anh ấy…

Liêu hỏi mà chợt có một cảm giác chẳng lành xộc đến, sống lưng chợt thấy gai gai. Liêu dẫn Quân vào trong nhà gặp bố mẹ chồng rồi tiếp nước và ngồi nghe tin tức của chồng từ Quân.

Lấy trong ba lô ra con búp bê nhỏ nhắn xinh xắn Quân đưa cho con bé Lan, Lan thích lắm bèn ôm chạy đi chơi. Lúc này Quân mới ngước cặp mắt buồn buồn lên nhìn ông Linh rồi nói:

- Bác ạ, cháu với anh Chung ở cùng đơn vị, chúng cháu đã sát cánh bên nhau chiến đấu qua nhiều trận chiến ở các chiến trường, anh Chung là người chỉ huy tài giỏi, có năng lực và quyết đoán, dũng cảm và gan dạ, đơn vị ai cũng quý mến. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh chúng cháu nằm trong cánh quân hướng Đông bắc tiến về giải phóng Sài Gòn. Quá trình tiến công gặp phải tuyến phòng ngự Xuân Lộc, tại đây địch quyết tử thủ để chặn đường tiến công của ta vào Sài Gòn vì đây là cửa ngõ tiến vào Sài Gòn. Đơn vị chúng cháu đã thiệt hại lớn ở trận đánh này, cho đến ngày cuối cùng, ngày 21 tháng 4 năm 1975 khi ta phá tan phòng tuyến cuối cùng của địch ở Xuân Lộc buộc các lực lượng của địch phải rút lui về Sài Gòn lập phòng tuyến mới bọn Ngụy quân đã sử dụng máy bay vận tải C130 của Không lực Việt Nam cộng hòa để thả một quả “bom nhiệt áp” CBU-55, loại vũ khí phi hạt nhân một cách tàn bạo nhất trong kho vũ khí mà Mỹ viện trợ xuống khu vực của đơn vị cháu đang đứng chân chờ tiếp nhận bổ sung lực lượng và phương tiện, nó đã đốt oxy trong một vùng rộng lớn và làm hại nhiều người dân và quân của ta ở đó, trong đó có anh Chung, đang chỉ huy đơn vị, cháu may mắn thoát chết là nhờ anh Chung phân công cháu đi tiếp nhận quân và vũ khí chưa về kịp. Để kịp chiến dịch, đơn vị chỉ để lại một bộ phận ở lại thu dọn chiến trường và làm công tác chính sách, sau ngày toàn thắng chúng cháu có trở ra tìm thì một số đồng đội không biết được chôn cất nơi đâu, trong đó có anh Chung, anh em thu dung cho biết có một số được người dân đem đi chôn cất nhưng chưa tìm ra. Cho đến hôm nay đơn vị mới cử cháu về báo tin cho bác và gia đình biết tin, cháu rất đau lòng khi phải về báo tin cho gia đình biết tin này, cháu xin chia buồn nỗi đau cùng gia đình trước mất mát to lớn này. Còn đây là giấy báo tử và những huân huy chương mà anh ấy được tặng cho những cống hiến của anh ấy đối với tổ quốc.

unnamed.jpg

Quân lấy trong ba lô ra tờ giấy và hai cái huân chương chiến sỹ vẻ vang ra trân trọng đưa cho ông Linh. Bà Linh và Liêu gục xuống phản, Luân- con út ông Linh- vội vàng chạy lại day nhân trung cho mẹ và chị dâu một hồi mới tỉnh. Hai người đàn bà chỉ biết ôm nhau mà khóc.

Từ đấy Liêu lầm lũi nuôi con với ánh mắt lúc nào cũng đượm buồn.

Ngày chú út Luân lấy vợ, Liêu xin với bố mẹ chồng ra ở riêng ở cuối làng. Gàn mãi con dâu không được, ông bà Linh cất cho mẹ con Liêu một ngôi nhà ở cuối làng ngay bên trên con ngòi dẫn nước tưới tiêu cho xã. Đêm đêm nằm ôm con nghe tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng ễnh ương ì oạp ngoài bờ ngòi Liêu thấy buồn thật buồn, nhưng đêm mưa gió ì ùng, tiếng những hạt mưa rơi lộp bộp trên những tàu lá chuối càng làm tăng thêm nỗi buồn bã trong lòng. Nhiều lúc Liêu định nghe lời bố mẹ chồng đi thêm bước nữa cho đỡ cô quạnh, nhưng nghĩ đến con Liêu lại gạt bỏ đi cái ý nghĩ ấy và cặm cụi làm ăn nuôi con Lan khôn lớn. Những đêm hè oi bức nằm không Liêu lại thấy nhớ, thấy thèm cái cái giác được ân ái với chồng, thi thoảng nó cứ lặp đi lặp lại khiến Liêu bức bối, nhiều đêm Liêu phải vục dậy ra giếng múc nước dội ào ào cho vợi đi cái cảm giác bức bối nóng nực trong người.

*******
*****
Mười năm sau ngày giải phóng.

Một ngày bà Linh ra nhà Liêu thăm con và cháu, dạo này bà ít thấy mẹ con Liêu vào chơi, thi thoảng chỉ có con Lan hay vào cho bà ít tôm tép nó bảo kéo vó ở ngòi bắt được. Bằng trực giác của người đàn bà bà Linh cảm nhận ở Liêu có sự đổi thay khang khác, không dám nhìn thẳng vào mắt bà, thi thoảng lại giấu bà ra nhà tắm với những tiếng nôn ọe kìm hãm, bà chợt nhớ có đợt con bé Lan vào xin bà mấy quả sấu tàu về cho mẹ, nó bảo mẹ cháu dạo này thích ăn chua. Bà bèn gọi Liêu vào, bảo:

- Con nhỡ với ai rồi phải không?

- Con…con…con không có gì đâu mẹ….Liêu lảng tránh ánh mắt và câu hỏi của mẹ chồng.

- Con cứ nói thật ra đi, mẹ không trách gì con đâu, dù gì thằng Chung cũng đã mất chục năm nay rồi.

Liêu gục đầu vào vai bà Linh nấc lên thổn thức:

- Mẹ ơi con khổ quá, con cũng không định làm gì có lỗi với anh ấy đâu, con cũng muốn ở vậy nuôi cháu Lan khôn lớn. Nhưng cái người đàn bà trong con nhiều khi nó cứ đòi hỏi một cách vô cớ, nhất là mỗi lần con nhớ đến anh ấy, nhớ về những đêm anh ấy ở bên con, cho dù ngăn ngủi nhưng cũng đã đem lại cho con biết bao nhiêu là hạnh phúc, con thèm những giây phút ấy, nhưng rồi con cũng tự kìm hãm lại được bản thân mình, con không muốn làm điều gì khuất tất sau lưng mẹ và có lỗi với anh ấy, những đêm bức bối quá con vẫn ra giếng để giội nước cho bớt nỗi khát thèm. Mỗi lần như thế con có cảm giác như có người đang lén nhìn con, cũng thèm khát con, nhưng chỉ là cảm giác. Cho đến một hôm cái Lan vào chơi ngủ lại với mẹ trong ấy, con ở nhà một mình, cái cảm giác ấy lại ập đến, con lại ra giếng như mọi khi, vừa mới kịp cởi quần áo ra chưa kịp dội nước thì một bóng người ập đến ôm chầm lấy con. Không hiểu sao lúc ấy con không kháng cự, nỗi khát khao đàn bà trong con được thỏa mãn, được khỏa lấp, được an ủi và lấp đầy. Cho đến khi mọi cái qua đi con mới nhận ra đó là tay đánh dậm thường xuyên qua quãng ngòi này….Mẹ, mẹ tha lỗi cho con mẹ nhé, con không cố tình muốn thế đâu….

- Bây giờ con định thế nào?- Vừa vuốt mái tóc Liêu bà Linh vừa hỏi.

- Khi biết mình có thai có những lúc con muốn bỏ nó đi, nhưng nghĩ lại nó có duyên đến với mình bỏ nó đi con lại thấy tội, mà giữ lại thì….con sợ mang lại điều tiếng cho bố mẹ, cho gia đình nhà mình.

- Nếu con muốn giữ lại mẹ không cấm, làm đàn bà mẹ biết, mẹ biết con cũng chịu khổ nhiều khi phải ở như thế này, thôi cứ sinh nó ra cho con Lan có chị có em, nếu cần hai mẹ con về trong nhà mà ở để mẹ và các em chăm sóc cho. Con con sẽ vẫn là cháu của bố mẹ….

Liêu chỉ biết ôm lấy bà Linh mà khóc.

thumb.jpg

Ngày Liêu sinh thằng Mạnh, làng trong xóm ngoài cũng không thiếu điều ra tiếng vào, cũng bởi một điều Liêu là vợ liệt sỹ. Liêu bỏ qua mọi điều tiếng, cùng với đó sự chở che, bao bọc của nhà chồng để nuôi con khôn lớn. Thằng Mạnh lớn lên luôn coi ông bà Linh là ông bà nội của nó, không ai nói cho biết gốc gác thật của nó, mặc dù dân làng có điều ra tiếng vào nhưng cũng không ai biết bố nó là ai, trừ mẹ nó và ông bà Linh.

Cũng từ ngày thằng Mạnh sinh ra người ta không thấy tay đánh dậm dọc theo con ngòi xuất hiện nữa, không ai biết hắn đã đi đâu.
Và mọi người trong nhà vẫn luôn dò tìm tin tức về nơi anh nghỉ của Chung, nhưng cho đến nay vẫn có một đầu mối nào cho thấy điều đó. Trên bàn thờ vẫn chỉ có tấm hình đen trắng mờ nhạt của Chung hồi trẻ, tấm bằng Tổ quốc ghi công và mấy chiếc huân huy chương gắn trên đó treo trang trọng trên tường nhà. Liêu vẫn đau đáu nỗi niềm tìm được mộ chồng để đưa về quê nhà.

Lan lớn lên đi lên thành phố làm công nhân rồi lấy chồng ở luôn trên đó. Mạnh quanh quẩn ở nhà với Liêu chăm sóc mẹ làm bạn với ruộng đồng.

Ngày Mạnh lấy vợ sinh đứa con đầu lòng cũng là lúc Liêu phát hiện ra mình bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Hai chị em Lan chạy đôn đáo chữa bệnh cho mẹ mà không thể nào níu giữ Liêu ở lại trên cõi đời này, trước khi nhắm mắt về với chồng nơi chín suối, Liêu chỉ nhắc hai con cố gắng tìm được mộ bố đem về chôn bên cạnh mẹ cho mẹ đỡ cô đơn, rồi đi.

******
*****
Mẹ, chúng con đã tìm được bố về với mẹ rồi đây, giờ đây bố đã được về bên cạnh mẹ, chỉ tiếc là trước khi mẹ về với bố bên ấy mẹ chưa thỏa được nỗi niềm của mình. Hơn bốn mươi năm chúng con mới tìm được bố về bên mẹ, mong rằng ở nơi ấy bố với mẹ được mãi mãi bên nhau.

Trong nghĩa trang, hai nấm mồ nằm sát bên nhau, những làn khói hương lững lờ cuốn theo gió tỏa mùi thơm trầm trầm, hai chị em Lan vừa chắp tay vừa lầm rầm khấn vái.

Bằng vào những thông tin ít ỏi, nhờ mấy người em họ làm bên quân sự và mạng xã hội với nguồn thông tin rộng rãi, chị em Lan đã tìm ra được nơi bố nằm xuống trong một nghĩa trang của một ngôi làng gần nơi bố mất. Họ đã đưa bố về đúng vào ngày giỗ, xin phép ông bà không đưa bố vào nghĩa trang liệt sỹ mà để nằm gần mộ mẹ theo như ý nguyện của mẹ trước lúc lâm chung.


HẾT
Nguyễn Công Đức
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa Từ khóa
chiến dịch hồ chí minh cô liêu người lính trong tim tôi sài gòn tin chiến thắng
  • Like
Reactions: Vanhoctre
938
1
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.