Cốt truyện chương hồi - quen mà lạ

Cốt truyện chương hồi - quen mà lạ

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Chúng ta đã nghe rất nhiều về kết cấu chương hồi , tiểu thuyết chương hồi giống Thủy Hử , xuất hiện trong Văn học cổ điển Trung Quốc. Mỗi lần kể được tính bằng một hồi tiểu thuyết, cho nên câu cuối mỗi hồi của trường thiên tiểu thuyết thường là câu nói đầu môi: "Muốn biết việc sau thế nào, hãy nghe hồi sau phân giải". Giữa tiểu thuyết thường có các từ "lại nói về", "các vị xem sách"... Nhưng nay, các bạn cùng Văn học trẻn tìm hiểu loại Cốt truyện Chương hồi, nghe tới thì quen thuộc bởi chữ Chương hồi này, nhưng lạ tại sao gắn với cốt truyện, và nó có gì khác với "Thủy Hử" và những tiểu thuyết trung đại khác.

5397

Khái niệm

Cốt truyện chương hồi (episodic plot) là kiểu cốt truyện được tạo thành bởi một loạt các các chương hoặc các câu truyện có sự kết nối với nhau bởi cùng địa điểm, nhân vật hoặc cốt truyện nhưng lại được tách ra bởi những tình tiết, mục đích hoặc hoàn cảnh riêng. Thực tế, các chương hoặc các tập truyện có thể được xáo trộn đi và được đặt lại theo một trật tự khác nếu muốn bởi lẽ không hề có một cấu trúc mở đầu, giữa hay cuối sách một cách tổng thể nào cả. Trong một vài trường hợp có thể nhận thấy một chút cảm thức về thời gian giữa các chương vì nhân vật lớn lên hoặc thay đổi sau mỗi chương hoặc mỗi câu chuyện, hoặc có lẽ thời gian trôi qua theo mỗi một nhân vật hoặc một địa điểm và chúng ta nhìn thấy "những mùa thay đổi" trên nền của cốt truyện chính. Cuốn sách có nét tương đồng với những cuốn sách kiểu như “hạt giống tâm hồn”. Những cuốn sách này có một kết cấu tổng thể nhưng mỗi chương cũng có một câu truyện riêng biệt để minh họa cho cấu trúc ấy. Kết cấu kiểu này hoặc là được dẫn dắt bởi cốt truyện hoặc là được dẫn dắt bởi nhân vật, ta nên nhớ rằng một “địa điểm” cũng có thể được coi là một nhân vật nếu như nó trở thành trung tâm của một chương nào đó. Nếu câu truyện được dẫn dắt bởi nhân vật, ta sẽ thường thấy ít nhất một nhân vật xuất hiện trong tất cả các chương, nhân vật này có vai trò như một người “lái” các tình tiết trong mỗi câu chuyện. Nếu câu chuyện được dẫn dắt bởi tình tiết, ta sẽ thấy những nhân vật, địa điểm hay cốt truyện tương tự nhau trong mỗi chương nhưng lực lượng chủ đạo để “lái” cốt truyện lại là những sự kiện ở trong chính từng câu chuyện một.

Cấu trúc chương hồi được kể theo trình tự thời gian, thường ở ngôi thứ ba. Kiểu cấu trúc này phát huy hiệu quả tốt nhất khi nhà văn muốn khám phá tính cách các nhân vật, bản chất tự nhiên của nhân vật.

Tiêu biểu cho kiểu cốt truyện này là bộ truyện Kính vạn hoa. Bộ truyện gồm năm mươi bốn tập, mỗi tập lại chia thành mười chương đều đặn như nhau, xoay quanh câu chuyện của nhóm nhân vật chính Quý, Hạnh, Long. Các sự kiện diễn ra hàng ngày của nhóm bạn được kể một cách tuần tự với các biến cố nảy sinh song cách kể chuyện khéo léo, gây bất ngờ trong các tình huống khiến câu chuyện không trở nên nhàm chán. Qua đó, tính cách các nhân vật được bộc lộ rõ ràng, đồng thời, thế giới trẻ em đa dạng của lối suy nghĩ, hành động, tâm lí, tính cách được thể hiện. Năm mươi bốn tập truyện là năm mươi bốn câu chuyện riêng lẻ xoay quanh trung tâm là ba nhân vật chính: Quý, Hạnh, Long. Ta có thể liệt kê tóm tắt cốt truyện của một số tập truyện tiêu biểu như sau:

Tập 1. Nhà ảo thuật: Nhà Long nghèo, trong khi em gái Long lại rất thích con gấu bông to ở cửa hàng Sao Mai, Long cần có một trăm nghìn để mua về cho em gái vì Long rất thương em. Để giúp bạn, Quý ròm đã làm ảo thuật, mở buổi biểu diễn các tiết mục như lấy mãu vẽ tranh, làm lửa cháy khắp căn phòng bằng nước, thu tiền của trẻ em trong xóm để giúp cho Long. Tuy nhiên, trong quá trình diễn ảo thuật, lũ trẻ trong xóm sợ quá chạy nháo nhào làm đổ chiếc bàn, lửa cháy lên chiếc drap Quý mượn trong phòng anh Vũ. Bà đã giúp che giấu nhưng anh Vũ vẫn biết và Quý bị bắt chép phạt. Quý rất sợ anh mắng và vứt đồ thí nghiệm của mình đi, nhưng nhờ giúp giải đáp các câu hỏi cũng như dạy chị Ngần – người yêu anh Vũ vài trò ảo thuật cho buổi picnic mà Quý đã được anh bỏ qua mọi chuyện.

Tập 2. Những con gấu bông: Vì không có tiền mua gấu bông cho bé Oanh trong khi đó có một con gấu gần giống con gấu trong cửa hàng Sao Mai ở công viên Đầm Sen, để có nó, bạn phải chơi trò chơi ném phi tiêu và phải trúng năm lần liên tiếp. Long về nhà luyện ném phi tiêu hàng ngày cho nhuần nhuyễn, tuy thất bại không lấy được phần quà là con gấu nhưng Long lại giúp được các chú công an bắt cướp nhờ tài ném bóng của mình. Việc làm của Long được lên ti vi và tất cả mọi người đều biết được nguyên do ném bóng giỏi của Long. Sau hôm ấy, các chú công an mang đến nhà Long một con gấu bông, người phụ nữ lấy lại được sợi dây chuyền cũng cảm động tặng cho Long một con gấu bông và cả ông chủ quán ném phi tiêu cũng tặng con gấu bông cho Long. Long có hẳn ba con gấu bông để tặng cho em gái mình.

Tập 3. Thám tử nghiệp dư: Ba người bạn đến Vũng Tàu chơi nhà cô Tư – cô ruột của Quý. Lúc đến chùa Phật nằm tham quan, những người bạn phát hiện trên bức tường có bài thơ kì lạ giống như một câu đố kèm hình chim hải âu. Nhóm bạn đã lần theo thông tin bài thơ nói để đến Bạch dinh, tìm được mảnh giấy dưới mỏm đá dẫn đến bức tượng Chúa trên mũi Nghinh Phong và cuối cùng các tín hiệu đã chỉ dẫn đến căn nhà hoang kì bí. Thì ra, những ám hiệu mà nhóm bạn trẻ tìm được là trò chơi mật thư của nhóm Hải Âu với nhóm các bạn trẻ du khảo của nhóm Mèo Rừng.

Tập 4. Ông thầy nóng tính: Quý thấy Long học quá kém môn Toán, trong khi nó lại học rất tốt. Điều đó khiến nó áy náy và nảy sinh động lực phải kèm cho người bạn thân của mình học khá lên bằng được. Nhưng vì tính nóng nảy của mình, Quý đã chẳng giúp được cho Long khá hơn, chỉ tốn thêm thời gian, mặc dù Quý đã hứa rất nhiều lần sẽ kiềm chế tính nóng nảy của bản thân. Long học khá Toán hơn hẳn, nhưng công lao lại nhờ Hạnh, nhờ cách chỉ bảo nhẹ nhàng, tận tình và kiên trì đã giúp Long khá lên. Quý nhận ra điều đó và thấy xấu hổ. Nó đã quyết định về dạy lại bài Toán cho em gái và sẽ không cáu gắt với em nữa.

Tập 5. Xin lỗi mày, Tai To: Mẹ Hạnh mang về chú cún ba màu đặt tên là Tai To, cả nhà ai cũng yêu mến Tai To, trừ Tùng. Cậu ra sức trêu chọc, hành hạ chú chó nhỏ và bị mọi người xung quanh lên án. Vì sợ cậu bé sẽ tập thói quen hành hạ kẻ yếu thế hơn mình nên bố của Hạnh đã cho Tai To cho một người bạn nuôi dưỡng. Nhà Tùng bị trộm, cậu bé bị hai tên trộm trói lại, bịt ghẻ vào miệng, Tai To trốn về đến nhà đã sủa ầm ĩ khiến mọi người trong khu phố đến kịp thời. Vì cứu cậu chủ, Tai To bị đá què chân, nhưng đổi lại, từ đó Tùng đã yêu quý Tai To giống như mọi người trong nhà.

Tập 6. Người bạn lạ lùng: Do vô tình làm hỏng đồ chơi của bé Diệp, người bạn lạ lùng đã phải giao đấu võ với Tiểu Long. Nhìn bên ngoài, người bạn này giống hệt con trai từ cách ăn mặc đến sở thích võ thuật, đá bóng, chơi game và cũng cừ khôi không kém. Nhưng đó lại là cô gái tên Văn Châu. Nhóm ba người bạn trong quý trình tìm hiểu giới tính thật của người bạn cũng đồng thời biết được hoàn cảnh của Văn Châu, và họ đã kết bạn thân thiết với nhau.

Tập 7. Bí mật kẻ trộm: “Kẻ trộm” ở đây là một cậu bé đánh giày mồ côi cha mẹ và có một đứa em nhỏ đang bị bệnh. Thương em, một lần cậu bé mò vào nhà ông của Văn Châu trộm mền thức ăn, bị ông phát hiện và ông bảo cậu bé cứ sau 10 giờ đêm đến nhà, ông sẽ cho đồ ăn. Hạnh rất quý mến ông của Văn Châu và phát hiện sự việc ông ăn bốn, năm bát cơm mỗi bữa rất bất thường. Cô đã nói với nhóm bạn và Văn Châu đã theo dõi ông. Phát hiện ra sự việc, nhóm bạn nhỏ đã quyết định giúp đỡ cậu bé nghèo thay ông đưa cơm và trả lại con chim sáo Út Cưng cho cô em gái ốm bệnh mà Hạnh, Long đã mua ở đầu truyện.

Tập 8. Bắt đền hoa sứ: Quý theo Long về quê Long chơi, vừa đến đầu làng đã gặp cảnh ba đứa lớn ăn hiếp một đứa nhỏ, Long và Quý đã ra tay giúp đứa nhỏ chạy thoát. Ai ngờ, lại đắc tội với Tắc Kè Bông – đứa con riêng của dì Năm Sang. Tắc Kè Bông luôn gây khó dễ cho Tiểu Long, đặc biệt là từ khi biết Tiểu Long có võ. Nhưng Tiểu Long lo ngại vì việc mình đánh nhau sẽ gây ảnh hưởng đến quan hệ của người lớn, nên nó nín nhịn, thậm chí giả vờ đánh thua Tắc Kè Bông, chịu sự sai khiến của kẻ thắng cuộc. Trước khi về thành phố, Tiểu Long đã giúp Tắc Kè Bông thoát được trận đòn nhừ tử của Dế Lửa, từ đó Tắc Kè Bông mới nhận ra được sự háo thắng vô nghĩa của mình từ trước đến nay. Nó âm thầm kết lại vòng hoa sứ gửi lại cho Long, Quý mà trước đây nó đã dẫm nát, thay cho một lời xin lỗi.

Tập 9. Con mả con ma: Trên đồi Cắt Cỏ được đồn có ma khiến tất cả lũ trẻ đều không dám bén mảng đến căn nhà hoang trên đồi. Nhưng đó là chuyện mới hai, ba tháng nay mới xảy ra. Quý ròm sau khi vào căn nhà hoang, nó tự nhát mình, bịa chuyện hù dọa lũ trẻ nhưng cũng dọa cả chính mình, nhất là sau khi nghe chị Cam, chị gái Dế Lửa và các câu chuyện truyền tai của Lượm, Tắc Kè Bông nói thêm về căn nhà ma đó. Tuy sợ, nhưng tính sĩ diện vẫn cao hơn hết thảy, Quý ròm bắt Tiểu Long đi bắt ma cùng mình. Để yên tâm hơn, Quý ròm còn gọi điện cho Hạnh để hỏi câu bùa chú tránh ma. Buổi tối thứ bảy đến, Quý, Long và Lượm lên đồi, Long và Quý đã phát hiện ra sự thật về căn nhà ma. Thì ra đó chỉ là sản phẩm của chị Cam và anh Sơn đồn thổi lên và tạo hiệu ứng ma bằng chất hóa học để cho người làng sợ không dám lên, còn anh Sơn an tâm hẹn hò với chị Cam mà không lo bị phát giác chuyện anh ta đã có gia đình. Quý ròm đã làm một bài vè dạy trừ quỷ cho lũ trẻ để nhắc nhở ngầm anh Sơn, quả thật chuyện ma quỷ đã biến mất, Quý ròm được mọi người phong làm pháp sư.

Tập 10. Cô giáo Trinh: Cô giáo Trinh bị mất trộm giáo án và sổ điểm, nhóm bạn đã nghi ngờ do Quới Lương làm và quyết định điều tra. Quới Lương vì nghĩ cô Trinh chơi khăm mình đã đánh cắp đồ, trong đó có cuốn sổ nhật kí lớp của cô. Khi đọc những dòng trong đó, biết được tình cảm của cô, biết cô quan tâm mình từ lâu và ngầm giúp đỡ gia đình mình, Quới Lương đã khóc vì ân hận và quyết định đến trả lại giáo án, sổ sách cho cô đồng thời nói lời xin lỗi chân thành.

Tập 11. Theo dấu chim ưng: Mạnh từ Vũng Tàu lên nhà Quý ròm chơi, nó thấy bọn thằng Tùng, Đạt, Nghị đều có ba lô thêu hình chim ưng. Mạnh cảm thấy đằng sau hình chim ưng đó ẩn chứa bí mật nào đó của bọn thằng Tùng và quyết định tìm hiểu. Lôi kéo được Quý ròm và Tiểu Long cùng vào cuộc, ba đứa trẻ đã khám phá ra băng đảng bảo kê đảng Chim Ưng của Dũng cò và băng đảng đô-mi-nô chuyên trấn lột của Bò Trổng, Bò Lục, Bò Tứ. Nhờ Văn Châu cùng vào cuộc, bốn đứa trẻ đi tìm băng trấn lột để giải quyết nạn trấn lột học sinh trường Họa Mi. Thì ra Dũng cò chính là thủ lĩnh của cả băng nhóm, chính nó sai ba tên còn lại đi trấn lột còn bản thân thì đi thu tiền bảo kê. Không ngờ hơn nữa, Dũng cò chính là em họ của Văn Châu, đã từng bị đuổi học vì tội lập băng đảng bảo kê trong trường. Văn Châu đe dọa đứa em ngỗ nghịch và hứa chắc chúng sẽ không tiếp tục chuyện này nữa.

Tập 12. Tiền chuộc: Dũng cò là con nhà nghèo, nhưng nhà nó bỗng giàu có nhờ tiền bán nhà, cả nhà đều lao vào ăn chơi, chơi mãi cũng sạch bách. Đang ăn tiêu sướng, bỗng trở về với “máng lợn”, nó bị ám ảnh bởi tiền và liên tục làm ra những việc sai trái như cho vay nặng lãi, trấn lột, bảo kê để rồi bị đuổi học. Nhưng Dũng cò vẫn không sửa sai, đảng Rồng Xanh bị vỡ, nó liên kết với băng Đô-mi-nô lập ra đảng Chim Ưng, bị bà chị họ Văn Châu phá đám, nó ức lắm, quyết không trả sổ liên lạc cho hai đứa trẻ mà chúng đã trấn lột cho bõ tức. Đám bạn tìm gặp và nhờ được Bò Lục thuyết phục Dũng cò cho chuộc lại cuốn sổ. Nhờ có mưu mẹo của Quý ròm và Mạnh đóng giả công an cứu nguy đúng lúc, nhóm bạn đã tránh được việc đụng độ vũ khí mà vẫn giữ lại được hai trăm ngàn tiền chuộc.

Tập 13. Khu vườn trên mái nhà: Ba mẹ Hạnh xây dựng một khu vườn nhỏ trên mái nhà, để mấy chậu hoa và chậu tre, chanh, ổi trên đó. Hạnh và Tùng rất háo hức khi mấy cây ra hoa và ngóng lũ chim đến hót. Ba Hạnh đã mua một đôi chim vàng anh về treo dưới bụi cây để cả nhà có thể nghe tiếng chim. Tùng ra oai với các bạn nên đã thả lũ chim ra từ bên nhà hàng xóm cho giống với chim tự nhiên đến vườn chơi, ai ngờ đôi chim bị Hưng sún ở tầng dưới bắt mất. Vốn hai mẹ con Hưng sún ác cảm với khu vườn vì sợ nó sẽ sập xuống phía dưới nhà nó gây tai nạn, nhưng sau khi biết về lợi ích của cây xanh, nó lại đâm quý khu vườn và trả lại đôi chim cho Tùng. Và cũng nhờ nghe Tùng miêu tả lại, Hưng sún đã được 8 điểm bài làm văn tả khu vườn. Hưng sún cũng thuyết phục mẹ mình nên giữ lại khu vườn có ích ấy. Hai gia đình đã quyết định lập khu vườn chung.
Tập 14. Thủ môn bị từ chối: Đội bóng lớp 8A4 luôn là đội bóng mạnh với các chân sút và thủ môn Tần. Tần bị ghẻ, cả lớp xa lánh, cả những đứa cùng bàn vốn thân thiết với nó như Hiền Hòa, Dưỡng, không ai dám ngồi cùng bàn, chỉ trừ có Quý ròm, Hạnh, Long. Nhóm tứ quậy của Lâm còn bày trò trêu chọc, châm biếm cái đầu ghẻ của Tần bằng hình vẽ và câu thơ trên bảng, bị thầy Hiếu phạt đứng suốt hai tiết Toán, vì thế Lâm đâm oán thằng Tần ghẻ. Sắp có trận đấu bóng chung kết với lớp 9P2, Lâm và Hải quắn gây sức ép phải đổi thủ môn, nếu không hai đứa sẽ không tham gia để trả thù Tần. Dưỡng sợ ghẻ cũng đồng tình giơ tay theo phe Lâm, Tần biết chuyện, buồn ghê gớm nên cũng quyết định không tham gia trận đấu. Đỗ Lễ thay thế Tần làm thủ môn đã để lọt 3 quả vào lưới khiến đội bóng 8A4 có nguy cơ thua. Lâm, Hải, Dưỡng đã hết sức hối hận và nói Tiểu Long cho Tần vào thay thế, nhờ có Tần, đội bóng 8A4 không để lọt thêm quả nào và giành chiến thắng. Kết thúc trận bóng, Lâm, Hải, Quới Lương đã nằm đè lên người Tần, mặc kệ con vi rút ghẻ và nói lời xin lỗi. Dưỡng cũng đã hết sợ Tần khiến Tần vô cùng hạnh phúc.

Tập 15. Thi sĩ hạng ruồi: Lan Kiều làm thơ hay, có bài đăng báo Khăn quàng đỏ, thậm chí được nhà báo về phỏng vấn, chụp hình. Quý ròm mạnh miệng nói làm thơ dễ, ai chả làm được. Như để chứng minh, Quý lấy biệt danh thi sĩ Bình Minh liên tục làm bài thơ hai chữ, lục bát, bốn chữ vần luật chính xác gửi lên tòa báo nhưng đều không được đăng. Tòa soạn đáp trả thư xin góp ý của Quý trên mặt báo khiến cả lớp biết trong lớp có một thi sĩ Bình Minh, viết thơ con cóc. Lâm còn tự nhận mình là thi sĩ Hoàng Hôn, giễu nhại lại những bài thơ của Quý, khiến nó vừa tức vừa xấu hổ. Nhỏ Diệp biết chuyện Quý ròm làm thơ, nó đã định trêu chọc anh trai một hồi, nhưng khi biết được vụ thi sĩ Hoàng Hôn “làm nhục” anh nó, nó thấy thương anh ghê lắm, lên tiếng bênh vực thi sĩ Bình Minh. Điều đó khiến Quý ròm cảm động lắm, quyết định giúp em giải Toán. Quý đã phổ thơ những công thức Toán để nhỏ Diệp dễ nhớ hơn. Những bài thơ đó được Diệp, Hạnh, Long hết lời khen ngợi. Còn Quý ròm, sau chuyện này, đã công nhận tài năng của Lan Kiều, làm thơ không phải dễ và từ bỏ ý định làm thi sĩ.
Tập 16. Balo màu xanh: Quý, Long, Hạnh xuống nhà cô Tư (cô của Quý ròm) chơi, nhưng vừa xuống xe, chiếc balo Quý cầm đã bị một tên trộm trộm mất, cả ba nhanh chóng đuổi theo rồi mất dấu tên trộm trong ngõ hẻm. Ở ngõ hẻm có để lại dòng thơ – câu đố của nhóm Hải Âu để lại báo với ba bạn trẻ là chiếc balo bị mất chỉ là trò đùa của nhóm Hải Âu. Ba bạn trẻ lần theo dấu vết được để lại để tìm đến trụ sở nhóm đã đợi sẵn ở quán kem Bốn Mùa. Tuy nhiên, chiếc balo lại mất tích một lần nữa khi thành viên có nhiệm vụ trộm chiếc balo cho biết anh đã bị giăng bẫy ngã và bị cướp mất chiếc balo ở ngay khúc quặt vào hẻm. Và cuối cùng, thủ phạm lấy chiếc balo không ai khác chính là Mạnh – con cô Tư, đã được Hạnh cũng như nhóm Hải Âu suy luận ra.

Tập 17. Lọ thuốc tàng hình: Mạnh tình cờ cứu giúp cô bé Mèo Con. Nó đưa cô bé về nhà mình ủi đồ rồi mới đưa Mèo Con về nhà. Đúng lúc ấy Quý, Hạnh, Long đi chơi về, Mạnh sợ bị cái miệng anh Quý ròm sẽ trêu nó muốn chui xuống lỗ nên đã giấu Mèo Con vào trong phòng rồi tìm cách đuổi mấy anh chị tránh đi. Quý ròm nghi ngờ hành động của Mạnh nên đã cùng Hạnh, Long bày mưu, nói dóc là có lọ thuốc tàng hình khiến Mạnh mắc bẫy. Mạnh tưởng mình đã vô hình nên dẫn dụ đám bạn đi xa khỏi nhà. Trong khi đó, Hạnh lén quay trở về, phát hiện ra mọi chuyện, đã dẫn Mèo Con trở về. Khi Mạnh về phòng, không thấy Mèo Con đâu, mà mẹ nó “vẫn nhìn thấy nó”, nó mới biết mình bị lừa. Dì của Mèo Con dẫn Mèo Con đi theo Hạnh đến nhà cảm ơn. Mạnh đã rất xấu hổ khi nhớ lại mấy hành động trong lúc “tàng hình” của mình.

Tập 18. Cuộc so tài vất vả: Đêm trước khi về Sài Gòn, nhóm ba người bạn và Mạnh đã có cuộc gặp gỡ và so tài với những người bạn trạc tuổi ở nhóm Lửa Hồng. Trong phần thi ảo thuật, Quý ròm phải dùng mẹo mới giữ hòa đám bạn. Sang phần thi dùng hành động diễn tả công việc, phần so tài tưởng là điểm mạnh của cả nhóm, nhưng trước những công việc lạ hoắc như thuê giữ chỗ, thuê vai thì nhóm Quý ròm đã thua. Được Xảo, Nở tiết lộ về nhóm Lửa Hồng, đó là nhóm của trẻ em khó khăn, cơ nhỡ, và những công việc kì lạ kia chính là việc mà các bạn nhỏ đã từng làm để sống qua ngày, nhóm Quý ròm càng thêm bội phục “đối thủ”.

Tập 19. Cú nhảy kinh hoàng: Bắt gặp một đôi diễn viên đóng thế đóng cảnh tự đốt quần áo rồi nhảy từ trên cầu xuống sông, Quý ròm nhận ra giọng nói đó chính là một trong hai anh của Tiểu Long. Quý ròm, Tiểu Long sau nhiều lần thăm dò, kiếm tìm, xác nhận đã biết diễn viên đó chính là anh Tuấn. Dù đã hứa không đi đóng thế, song Tiểu Long vẫn biết anh mình lén đi. Tiểu Long và Quý ròm đã theo dõi và tình cờ tìm được nơi anh Tuấn đóng cảnh tiếp theo. Dù rất muốn ngăn anh đóng cảnh mạo hiểm nhưng Tiểu Long đã để anh đóng nốt. Anh Tuấn vì muốn mua cho mẹ chiếc máy giặt cũ đã đi làm thêm kiếm tiền, và khi đã kiếm đủ, anh hứa từ giờ sẽ không làm công việc nguy hiểm khiến người thân lo lắng nữa.

Tập 20. Anh và em: Nhỏ Diệp ốm, Quý ròm đã lo lắng không yên. Quý ròm mua trả tất cả những gì đã “trấn lột” của em trước đây. Nó tình nguyện chép bài, giảng bài, đọc truyện cho em gái và lũ bạn của nhỏ Diệp nghe. Thậm chí, cả chiếc máy ảnh nó mê tít, Quý ròm cũng bấm bụng đưa cho em khi thấy gương mặt buồn bã của em gái. Nhỏ Diệp khỏi bệnh, Quý ròm lại trở về con người trước kia, bằng cách khiến cho việc sử dụng chiếc máy ảnh rắc rối, khó khăn trong mắt nhỏ em, Quý ròm đã lấy lại được chiếc máy ảnh và khi nào cần, Quý ròm sẽ trở thành nhiếp ảnh gia đi chụp cho nhỏ Diệp.

Qua một vài ví dụ tiêu biểu trên ta có thể thấy mỗi tập truyện là một sự kiện, một biến cố và đã được các nhân vật “giải quyết” xong trong thời lượng mười chương của tập truyện ấy. Vì vậy, thứ tự của các tập truyện không quá quan trọng, bạn đọc có thể đọc tập nào trước cũng vẫn sẽ hiểu được nội dung. Chính vì lí do đó, ban đầu, truyện Kính vạn hoa có bốn mươi lăm tập, và một thời gian rất lâu sau tác giả mới viết tiếp tập bốn bảy Người giúp việc khác thường (tập bốn bảy viết trước tập bốn sáu, và có thể tập bốn sáu có thể được viết sau cả những tập khác). Ở tập bốn năm, Nguyễn Nhật Ánh đã tuyên bố kết thúc tập truyện dài Kính vạn hoa ở đây vì sau bảy năm ròng rã, nhà văn đã cảm thấy mệt và mất dần cảm hứng, ông muốn dừng lại để chuyển sang viết tác phẩm khác với đề tài và phong cách khác (là Chuyện xứ Langbiang Tôi là Bêtô) cho dù độc giả nhỏ tuổi không đồng tình. Và khi được hỏi là bộ truyện này viết tiếp sẽ có tất cả bao nhiêu tập thì nhà văn đã trả lời “tôi cũng không biết nữa. Điều đó tùy thuộc vào thời gian, sức khỏe, cảm hứng của tôi, và sự đón nhận của bạn đọc. Điều đó trên thế giới đã có nhiều tiền lệ. Thậm chí, để chấm dứt loạt sách về thám tử Sherlock Holmes, nhà văn Conan Doyle quyết liệt đến mức cho nhân vật chính của mình rơi luôn xuống vực. Thế nhưng trước yêu cầu của độc giả, còn quyết liệt hơn ông, ông buộc phải viết tiếp loạt sách này bằng cách cho Sherlock Holmes sống lại”. Và chính tác giả cũng thừa nhận “Kính vạn hoa là bộ truyện liên hoàn nhưng độc lập. Liên hoàn vì xuyên suốt trong bộ truyện cũng là những nhân vật đó. Còn độc lập vì mỗi tập là một tác phẩm hoàn chỉnh, xây dựng trên một cốt truyện riêng biệt. Độc giả của tôi rất nhiều em đọc Kính vạn hoa không theo thứ tự nào hết, có khi đọc cuốn 38 trước, rồi đọc qua cuốn 7 rồi tới cuốn 25, tóm lại kiếm được tập nào trước thì đọc tập đó nhưng hứng thú vẫn không bị ảnh hưởng. Tập Người giúp việc khác thường này cũng vậy, hoàn toàn không có vấn đề gì với độc giả lần đầu đọc Kính vạn hoa.” (Trả lời trên báo mạng Thanh niên online do Giang Khê thực hiện năm 2007). Các tập truyện của Kính vạn hoa được viết theo dòng thời gian từ cuối năm lớp 7 đến đầu năm lớp 10 của các nhân vật chính. Do đó, một số chi tiết, tên gọi thường được sử dụng lại trong truyện, hoặc chi tiết nhỏ trong tập này được phát triển trong tập khác như tập 21. Tướng quân và 32. Bên ngoài cửa lớp. Một số câu chuyện có thể kéo dài lên 2 tập (hoặc các tình tiết được sử dụng liên tục trong 2 tập liền kề) như tập 1. Nhà ảo thuật và 2. Những con gấu bông; tập 8. Bắt đền hoa sứ và tập 9. Con mả con ma; tập 11. Theo dấu chim ưng và 12. Tiền chuộc; tập 48. Kẻ thần bí và tập 49. Bạn gái. Ngoài ra, còn có một số tập mà một trong 3 nhân vật chính vắng mặt (nhất là các tập viết về thời gian nghỉ hè của các nhân vật) hoặc các nhân vật chính như Long, Quý, Hạnh chỉ đóng vai trò phụ. Điển hình như tập 1. Nhà ảo thuật, tập 5. Xin lỗi mày, Tai To, tập 13. Khu vườn trên mái nhà, 8. Bắt đền hoa sứ, 9. Con mả con ma, 27. Phù thuỷ, 28. Mùa hè bận rộn, 29. Hoa Tỉ muội, 30. Quán kem, 46. Người giúp việc khác thường, 47. Ngủ quên trên đồi và 50. Cửa hàng bánh kẹo. Qua bộ truyện, bạn đọc sẽ không thấy một mâu thuẫn nổi bật, một sự kiến lớn nào suốt bộ truyện, mà qua mỗi tập, qua mỗi cuộc phiêu lưu của nhóm ba người bạn, người đọc sẽ nhận ra rõ tính cách các nhân vật, cùng họ kết thêm những người bạn mới, khám phá thêm những câu chuyện mới trong cuộc sống của các nhân vật Quý, Hạnh, Long và yêu mến thêm những người bạn trong trang sách.

Cần phân biệt kiểu cốt truyện chương hồi mà tiêu biểu là tác phẩm Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh với tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc. Tiểu thuyết chương hồi ra đời vào cuối đời Nguyên, đầu đời nhà Minh, phát triển rực rỡ vào thời Minh – Thanh, được đặc trưng bởi các chương, các hồi. Đầu mỗi hồi sẽ có những phân mục là một hoặc hai câu thất ngôn dự báo tình tiết của hồi, cuối mỗi hồi thường có câu chuyển “muốn biết… ra sao, hồi sau sẽ rõ”. Tiểu thuyết chương hồi cũng có tình tiết rất phức tạp, câu chuyện dài, nhân vật đông đảo. Và đương nhiên, người đọc phải đọc trình tự, lần lượt tác phẩm mới có thể biết được diễn biến cốt truyện ra sao, phát triển tâm lí, đường đời của nhân vật như thế nào. Tiểu thuyết chương hồi có điểm giống các truyện có kiểu cốt truyện chương hồi ở chỗ: thường được kể ở ngôi thứ ba theo chiều tuyến tính. Nhưng truyện có kiểu cốt truyện chương hồi lại không cần đọc các tập một cách lần lượt bởi các tập độc lập với nhau, không gắn kết với nhau bởi một cốt truyện chung (mỗi tập lại có một cốt truyện riêng) mà bởi hệ thống nhân vật cũng như gia đình, thầy cô, bạn bè, đặc điểm tính cách, thói quen… của các nhân vật.

Kiểu cốt truyện chương hồi có bản chất tương tự với những bộ phim sitcom truyền hình, ví dụ như bộ phim 5S online (đang được chiếu trên VTV3 Đài truyền hình Việt Nam), mỗi tập là một câu chuyện mới xảy ra quanh nhóm bạn ở văn phòng 5S, sẽ luôn có một tình huống mới, hoặc một nhân vật mới xuất hiện trong mỗi tập, qua đó mà người xem hiểu rõ về tính cách của mỗi nhân vật, trở nên quen thuộc với họ hơn và cùng khám phá những điều mới xảy ra với họ qua mỗi tập phim. Hay ta nhận thấy sự tương tự về kiểu cốt truyện này trong các tập truyện tranh Doreamon, Spider man…; truyện trinh thám hoặc phiêu lưu như Sherlock Holmes của Arthur Conan Doyle, Don Quixote của Miguel Cervantes, Candide của Voltaire, Huckleberry Finn của Mark Twain. Mỗi tập truyện là một hành trình mới, một khám phá mới, một câu chuyện mới xoay quanh các nhân vật chính. Kính vạn hoa cũng vậy, độ dài của tác phẩm này nói riêng và các truyện khác có cùng kiểu cốt truyện chương hồi nói chung là phụ thuộc vào cảm hứng của người viết. Thậm chí, bộ truyện còn có thể kéo ra vô tận nếu tác giả luôn có các ý tưởng mới, sáng tạo tình tiết mới hấp dẫn được người đọc. Chính bởi đặc thù của kiểu cốt truyện chương hồi mà các tập truyện Kính vạn hoa có thể kéo dài ra không có giới hạn, biết đâu, khi nào đó Nguyễn Nhật Ánh lại có hứng thú để tiếp tục bộ truyện dài này, thì các tập truyện không dừng lại ở con số năm mươi tư.

- Phong Cầm -
Bản quyền thuộc Văn học trẻ

Có thể bạn quan tâm :
Cốt truyện tâm lí
Cốt truyện lắp ghép
 
Từ khóa
chương hồi cốt truyện cốt truyện chương hồi lí luận văn học thiếu nhi nguyễn nhật ánh
936
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top