Cốt truyện lắp ghép - một xu hướng mới trong Văn học hiện đại

Cốt truyện lắp ghép là kiểu cốt truyện thay vì duy trì tính thống nhất trong trình tự thời gian và nhân quả của chuỗi sự kiện gắn với nhân vật chính thì nó tự tan vỡ thành chuỗi, lắp ghép với nhau không theo trình tự sự kiện. Bởi kết cấu cốt truyện lắp ghép là đặc điểm của thi pháp tiểu thuyết hiện đại, một biểu hiện của xu hướng lắp ghép liên văn bản. Kiểu cốt truyện này có cấu trúc lỏng lẻo, lắp ghép, mơ hồ, co giãn, khó tóm tắt, khó kể lại, kết thúc mở. Những mảng hồi ức giữa hiện tại, quá khứ đan xen chắp nối lại với nhau theo dòng hồi tưởng của nhân vật. Cốt truyện lắp ghép là kiểu cốt truyện được tạo nên từ hệ thống các mảng có tính độc lập tồn tại bên cạnh nhau, chắp ghép ngẫu nhiên những mảnh vỡ - những sự kiện phân tán và rời rạc tức là lắp ghép từ những mảng cuộc đời, từng mảng tâm trạng của nhân vật. Những tình huống, cảnh ngộ, biến cố, sự kiện, số phận tưởng như tồn tại độc lập nhưng khi xích lại gần nhau, đặt cạnh nhau, nối kết với nhau lại tạo nên mạch truyện logic, hấp dẫn, chặt chẽ. Sự lắp ghép này khiến cho điểm nhìn của người trần thuật trở nên linh hoạt, mạch kể tưởng như rời rạc, phóng túng nhưng thực chất lại rất chặt chẽ. Ở đó, quan niệm cốt truyện tuyến tính truyền thống bị phá bỏ, tạo nên những mảnh khối tạo ra ma trận và tính đồng hiện ngay trong cốt truyện. Các nhà tiểu thuyết thời kì đổi mới rất có ý thức trong việc sử dụng loại cốt truyện này để tăng sức biểu đạt cho tác phẩm của mình.

Với cốt tuyện lắp ghép, các vấn đề của cuộc sống hiện lên qua những sự kiện và tình huống chứ không thông qua nhân vật như cốt truyện thông thường. Nhân vật trong tác phẩm có cốt truyện lắp ghép không còn đóng vai trò chính thống nữa. Loại cốt tuyện này được tổ chức bằng các sự kiện diễn ra trong quan hệ đa tuyến. Các sự kiện kết cấu với nhau một cách lỏng lẻo, ít liên quan đến nhau vì giữa chúng không nhất thiết phải có quan hệ nhân quả mà chỉ đơn giản là quan hệ tương đồng mô típ. Cốt truyện lắp ghép đòi hỏi cao trong kĩ thuật viết mà người viết phải có khả năng bao quát đời sống để xây dựng tình huống, sự kiện một cách chân thực để biểu đạt bức tranh đời sống một cách có thần thái.

Bài viết này sẽ đi vào phân tích "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của Nguyễn Nhật Ánh để làm rõ biểu hiện của Cốt truyện lắp ghép.

Trong tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh là một sáng tạo tiêu biểu của nghệ thuật lắp ghép. Đó là sự lắp ghép câu chuyện của “thằng cu Mùi” và “ông Mùi” khi đã gần năm mươi tuổi, khi là câu chuyện của quá khứ, nhớ lại tuổi thơ, khi lại là đánh giá của ông Mùi hiện tại. Cách viết đầy ngẫu hứng sáng tạo, đan xen tài tình giữa hiện thực và ý nghĩ, giữa quá khứ và hiện tại, giữa đánh giá của một đứa trẻ tám tuổi với một người lớn bốn tám tuổi.

Tác phẩm gồm mười hai chương, mỗi chương đều có nhan đề gắn với một sự kiện của nhân vật. Phương pháp này giúp tác phẩm có được chiều sâu tư tưởng và vấn đề đặt ra trong cuộc sống được soi chiếu dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Ta có thể liệt kê hệ thống sự kiện theo chương trong tác phẩm như sau:

Chương 1. “Cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt”, đây là nhận xét của một cậu bé tám tuổi khi một ngày tiêu biểu của cậu bé luôn bắt đầu bằng việc ngủ nướng cần mẹ gọi dậy, ăn bữa sáng mà cậu bé không thích, xếp tập vở rồi vội vã đến trường, luôn chọn ngồi cuối lớp để không bị gọi kiểm tra hoặc trả lời, mong ngóng giờ ra chơi, đánh nhau, về nhà và bị ba mẹ cằn nhằn, vật lộn với giấc ngủ trưa, sau đó lại vật lộn với mớ bài tập về nhà trong sự giám sát của cha và kết thúc một ngày bằng giấc ngủ.

Chương 2. Bố mẹ tuyệt vời: Trò chơi vợ chồng của cu Mùi, vợ là Tí sún, hai đứa con là Tủn và Hải cò hoặc ngược lại cu Mùi và Tí sún làm con, chúng chơi trò giả làm người lớn và hành động ngược lại với chuyện hàng ngày mà chúng phải làm và không thích, làm “cuộc cách mạng” trẻ con nhưng bất thành với những trận đòn để rồi nhận ra chúng nên chấp nhận chuyện không nên nghĩ khác. Ba mẹ tuyệt vời là ba mẹ trong trò chơi giả làm người lớn của lũ trẻ, luôn cho phép chúng làm theo ý mình.

Chương 3. Đặt tên cho thế giới: Những đứa trẻ tiếp tục nghĩ ra trò chơi gọi đảo lộn tên của tất cả mọi thứ mà chúng gọi là trò đặt lại tên cho thế giới, giả dụ như cái chân là cái đầu, cu Mùi là hiệu trưởng, nhưng sau đó chúng nhận ra cũng không nên làm cuộc sống của bọn chúng trở nên khác lạ nữa.

Chương 4. Buồn ơi là sầu: Lí do cu Mùi kiên quyết không chọn Tí sún làm vợ nếu nó có lấy vợ lúc tám tuổi: vì Tí sún úp mì gói rất tệ, nó thích bạn Tủn hơn vì Tủn xinh hơn. Cu Mùi học chú Nhiên nhắn tin cho cô Linh để nhắn cho Tủn và ăn cắp tiền mời Tủn đi ăn uống, việc bắt chước người lớn để lại cho nó trận đòn no. Buồn ơi là sầu.

Chương 5. Khi người ta lớn: “Ông” Hải cò khi này đã là giám đốc một công ty lớn, con Tủn ngày nào đã là bà hiệu trưởng đến gặp “ông” Mùi khi nghi nói ông Mùi định viết cái gì đó liên quan đến thời thơ ấu của “tụi mình” vào lúc tám tuổi, yêu cầu ông Mùi gạch bỏ chi tiết “đáng xấu hổ” liên quan hoặc đổi tên nhân vật.

Chương 6. Tôi là thằng cu Mùi: Lại liên quan đến vụ tin nhắn với con Tủn: cu Mùi đã hiểu tại sao khi gửi tin nhắn đó đi thì nó lại bị đánh, bị cấm dùng điện thoại và không còn được nhắn tin cho con Tủn. Dù buồn, nhưng cu Mùi nhanh chóng kiếm được niềm vui trong chuyện chuyển uống nước bằng ly sang uống bằng chai xá xị, ăn cơm trong thau và sau đó, nó cũng bị bố mẹ buộc phải trở về quy luật cuộc sống.

Chương 7. Tôi ngoan trong bao lâu: Cu Mùi tự dưng ngoan ngoãn khiến ba, mẹ, cô giáo lo rằng nó đã bị ốm hoặc té ngã làm dây thần kinh bất thường. Nó kiếm những điểm mười dễ dàng, học giỏi hơn nhưng cũng mau chán làm học sinh giỏi, đơn giản vì nó không muốn cuộc sống đơn điệu của học sinh giỏi hoặc học sinh dốt và trái tim nó tổn thương trước tình yêu với con Tủn khiến nó không còn muốn ngoan nữa.

Chương 8. Chúng tôi trở thành lũ giết người như thế nào: Tí sún nay đã là mẹ của những đứa trẻ đến, lại về chuyện bản thảo về tuổi thơ, nhưng là để khuyên ông Mùi nên giữ nguyên, không sửa đổi chuyện tuổi thơ. Tiếp tục là chuyện của năm tám tuổi, những đứa trẻ đi khai quật kho báu trong vườn nhà Hải cò, đào xới những gốc cây thành hang, hố, những cây mận quắt lại và chết dần. Bố Hải rất tức giận, mẹ thì đau buồn, còn bà Hải cò thì rên lên “lũ giết người”.

Chương 9. Ai có biết bây giờ là mấy giờ rồi không: Sau sự việc phá hoại một cách vô ý vườn mận nhà Hải cò, Hải ăn trận đòn no, cu Mùi gò má cũng sung vù, Tí sún và Tủn cũng mặt mày nhàu nhò. Lũ trẻ ấm ức phán xét cha mẹ khi trẻ con luôn bị phạt còn người lớn dù làm sai, không giữ lời cũng không hề bị phạt. Chúng tự mở phiên tòa xét xử cha mẹ mình bằng cách đứa này đóng vai cha mẹ của đứa khác và cảm thấy hân hoan khi lấy lại được công bằng. Chỉ tiếc, phiên tòa đó là giấc mơ trẻ con mà thôi, khi trở về nhà, cu Mùi đã được ba đón bằng tiếng quát “Con có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?”

Chương 10. Và tôi đã chìm: Chủ yếu là những suy nghĩ của ông Mùi về chuyện trẻ con – người lớn, lí do mà ông Mùi hiện tại đưa ra để quyết định giữ nguyên bản thảo, in thành sách cho cả thế giới này biết. Giải thích của ông Mùi hiện tại cho con trai về tình yêu, hôn nhân: học yêu cũng như học bơi. Đồng thời lúc nói với con, ông Mùi cũng nhớ lại cảnh ông đã từng nhào xuống sông hồi tám tuổi, cũng từng bị chìm trong tình yêu với con Tủn. Khi Tủn phải chuyển nhà đi, nó hẹn gặp cu Mùi đi ăn chè và khóc, năm hai tám tuổi nó thừa nhận hồi tám tuổi cũng thích cu Mùi. Hai tám tuổi, anh Mùi đã nghĩ mãi về chuyện tại sao con Tủn thích mình nhưng cứ lẵng nhẵng theo Hải cò để anh cu Mùi buồn bã thích Tí sún. Sau này già, ông Mùi không còn thắc mắc nữa, và thừa nhận mình đã chìm.

Chương 11. Trang trại chó hoang: Cuốn sách đã được viết xong. Lại tiếp chuyện từ ngày con Tủn ra đi, cu Mùi đã bắt đầu thấy cuộc sống có mùi vị. Ba đứa trẻ còn lại tiếp tục nghĩ ra nhiều trò để chơi, trong đó có trò nuôi chó hoang. Chúng mở trang trại huấn luyện chó tại nhà Tí sún với mong muốn kiếm được tiền mà không cần xin cha mẹ. Ba của Hải cò mà cu Mùi đã trách mắng về chuyện lấy đồ ăn đem đi, ba của Tí sún thì không nói gì, nhưng lại âm thầm bán tuốt lũ chó vào quán thịt chó. Trang trại chó giải tán.

Chương 12. Cuối cùng là chuyến tàu không có người soát vé: Lại nói về tranh cãi giữa những người ăn thịt chó và những người yêu chó. Theo đúc kết của ông Mùi thì thịt lợn, bò, gà là ngon nhất là lựa chọn sáng suốt nhất, còn chó thì nên để làm bạn với con người và đặc biệt là trẻ con, cũng giống như ngựa để cưỡi, trâu để cày và mèo để bắt chuột vậy. Cu Mùi và hai người bạn coi chó như bạn thân, đó là lí do cho quyết định giải tán trang trại chó hoang dù chúng rất đau đớn. Ông Mùi hiện tại nghĩ ngợi, sầu tư nhiều hơn. Khi cuốn sách xuất bản được hai ngày thì ba người bạn đến, nhưng không phải để mắng giận mà chúc mừng về cuốn sách. Ông Mùi mới vỡ lẽ, chuyện cuốn sách về tuổi thơ xuất bản cũng là ý đồ, niềm ao ước của những người bạn từ thuở thơ ấu. Cuốn sách này chính là vé tàu về tuổi thơ dành cho người lớn, bất cứ lúc nào cũng có thể đi mà không có người soát vé.

Trong những chương về hồi tám tuổi luôn xen kẽ vào đó là những ý nghĩ hiện tại của ông Mùi. Giả dụ như nói về chuyện ăn uống của cu Mùi chỉ thích ăn mì tôm, chán các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, nhưng khi lớn lên ông Mùi cũng giống mẹ mình lúc đó, luôn quan tâm đến các loại chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, trái ngược với ý nghĩ hồi tám tuổi thì chất xơ với chất đạm cũng không khác gì nhau. Nói về sức khỏe, đứa trẻ tám tuổi thì chẳng quan tâm đến sức khỏe của mình, nhưng khi về già thì khác hẳn. Cảm nghĩ về con Tí sún, cu Mùi mặc dù thấy nó là đứa chăm chỉ nhưng không bao giờ nó lấy, vì Tí sún không xinh lắm và không biết nấu mì tôm. Nhưng sau này, lớn lên, cùng là anh cu Mùi, lại tiếc nuối vì mình đã không trân trọng Tí sún, đó là mẫu phụ nữ mà rất nhiều người đàn ông khao khát. Hay khi nhắc đến chuyện chơi trò vợ chồng của lũ trẻ, ông Mùi lại lạc sang suy nghĩ, đánh giá về hôn nhân người lớn…

Trong mạch ngầm của cốt truyện, các nhân vật và sự kiện luôn có quan hệ với nhau theo dòng đời nhân vật chính. Sự kiện này, chương này là cơ sở nối tiếp cho chương đoạn, sự kiện kia, lí giải cho sự kiện kia. Cứ như thế, cốt truyện được phát triển. Ở chương 1, vì thấy thế giới thật buồn chán mà cu Mùi nói riêng và tất cả những đứa trẻ đã tự tạo niềm vui cho mình bắt đầu loay hoay tìm mọi cách thoát khỏi sự buồn chán, vô vị bằng “bảo bối” sẵn có của trẻ thơ - đó là trí tưởng tượng. Với bảo bối ấy, các em chơi trò vợ chồng, bố mẹ, con cái nhưng nội dung của xã hội bé bỏng đó lại không sao chép cuộc sống của người lớn, mà hoàn toàn lật ngược, đảo tung hết mọi trật tự quen thuộc. Với bảo bối ấy, cu Mùi đã tập tành làm một nhà cách mạng tí hon, quyết không gọi con gà là con gà, cuốn tập là cuốn tập, cây viết là cây viết nữa. Ngay đến cả bảng cửu chương, 2 nhân 4 cũng không muốn là 8, mà “phải là cái gì cũng được, miễn là khác đi”. Thậm chí, cu Mùi còn cho rằng, cả chuyện trái đất ngày ngày quay quanh mặt trời cũng là một việc hết sức buồn tẻ mà nếu nó là trái đất, nó sẽ “tìm cách quay theo hướng khác”. Nó quan sát, phân tích cuộc sống chung quanh, đôi khi đưa ra những triết lý sắc bén về các quan hệ trong xã hội, về các khái niệm đối nghịch như con ngoan và con hư, sự đơn điệu và ổn định, sự êm đềm và vô vị, sự giống nhau và tính cá biệt, tri thức và bằng cấp. Nó thử định nghĩa cả tình yêu, thử bắt chước người lớn nhắn tin hẹn hò. Và cuối cùng, đứa trẻ còn phán xét cả những người lớn nữa. Phiên tòa trẻ con xử người lớn đã phản ánh rất thật, rất đúng một đòi hỏi chính đáng của tuổi thơ - đó là sự công bằng. Ở các em, “đòi hỏi sự công bằng” không đồng nghĩa với “vô lễ” - hai khái niệm mà người lớn chúng ta thường nhầm lẫn, cũng như, với các em, “tình thương”và “sự tôn trọng” mà cha mẹ dành cho con cái hoàn toàn không là một. Như vậy, từ chương 1 đã có thể coi là ngọn nguồn lí giải nguyên do dẫn đến tất cả các sự kiện ở các chương 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9, 11. Vì trò chơi vợ chồng- bố mẹ - con cái trong chương 2 dẫn đến trận đòn roi cho tụi nhỏ nên xuất hiện trò chơi mới “đặt tên cho thế giới” ở chương 3; vì trò chơi tiếp theo cũng dẫn đến hậu quả không vui vẻ gì nên cu Mùi lại bắt chước người lớn nhắn tin cho bạn gái trong chương 4…; chương 5 liên quan đến chương 8 và chương 12 về chuyện viết sách và những người bạn khi đã gần năm mươi. Cứ như vậy, các chương rõ ràng không cùng chung một mạch truyện, mà chỉ là các tình huống có tính chất tương đương, thậm chí có chương (như chương 8) đang nói chuyện hiện tại, tác giả lại quay trở lại nói về năm tám tuổi. Các sự kiện, biến cố nằm đảo lộn ở khoảng thời gian khác nhau, đang kể chuyện này có thể sang chuyện khác rồi quay lại kể tiếp, nhưng tất cả các chương, đoạn đều nhất quán xoay quanh cuộc đời anh cu Mùi, từ lúc tám tuổi đến khi bốn tám, nhất là trong khoảng thời gian lên tám. Phương pháp đảo lộn mà vẫn tự nhiên, thú vị khi người kể chuyển đổi điểm nhìn đã giúp tạo nên hiệu quả so sánh và soi chiếu giữa trẻ em và người lớn. Những trò chơi, suy nghĩ của trẻ con dường như bất tận, đa dạng, chúng nhanh giận cũng nhanh quên, và nỗi buồn của trẻ em không bao giờ gắn với từ bỏ. Một đứa trẻ sống trong ngôi nhà của mình cũng tự nhiên và máu thịt như sống trong bản thân mình. Cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra thì đứa trẻ ấy cũng trở về nhà. Chỉ có người lớn mới có thể bỏ nhà ra đi, đó là khi cái “bản ngã” biến thành “tha nhân”. Người lớn tiếp nhận thế giới bằng óc phân tích, còn trẻ con cảm nhận thế giới bằng trực giác. Và người lớn cũng cần biết rằng trẻ con phán xét họ cũng nghiêm khắc như họ phán xét chúng. Cả lời dạy của người lớn dành cho một trò nghịch ngợm của trẻ con cũng gợi nhiều suy nghĩ: “Khi nào rượt đuổi ai hoặc bị ai rượt đuổi, con người mới phải chạy. Còn lúc khác, những người đứng đắn đều đi đứng khoan thai”.

Bằng cách sử dụng cốt truyện lắp ghép, lúc thì nhớ về quá khứ, khi lại nói chuyện hiện tại, lúc là ý nghĩ của cu Mùi lúc tám tuổi đồng thời ông Mùi cũng đưa suy nghĩ của mình về cùng một vấn đề khi đã gần năm mươi, đã giúp cho bạn đọc lớn tuổi cũng như nhỏ tuổi hiểu rõ tâm lí và suy nghĩ “của nhau”, tức người lớn có thể hiểu hơn về những hành động của trẻ con còn trẻ con cũng hiểu và thông cảm hơn cho cha mẹ mình. Người lớn thì cũng đã từng là trẻ con, đã từng làm những việc mà họ khuyên hoặc bắt ép con mình không nên làm, và thực tế nhiều khi họ cũng cảm thấy chột dạ. Giống như ông Mùi nói với con trai rằng phán xét người lớn là không nên, là xấu, nhưng chính ông cũng đã từng phán xét cha mẹ mình. Câu chuyện là tấm vé dành cho người lớn để nhớ về thời thơ ấu của mình, nhắc lại những kỉ niệm đẹp mà ai cũng đã từng trải qua nhưng theo dòng thời gian vội vã mà đã để quên trong một ngăn kí ức. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã kéo các thế hệ lại gần nhau hơn. Đọc nó, những người lớn vô tâm mải miết với cuộc sống cơm áo gạo tiền có thể sẽ dừng bước đôi chút mà ngoái về phía sau, nhớ lại thời thơ ấu, và cùng nhà văn gắng hiểu con em mình để rồi có một phương cách tiếp cận chúng từ một tư thế khác - tư thế của những người bạn - nhằm có thể xóa đi được lằn ranh giữa trẻ con và người lớn mà nhà văn cho là “khó ngang với xóa bỏ ranh giới giàu, nghèo trong xã hội”. Không chỉ vậy, cuốn sách cũng cho độc giả - người lớn có cơ hội hiểu rõ mình hơn bằng cách “chịu đựng” sự phán xét xác đáng của trẻ thơ với một loạt những so sánh về các trò chơi của trẻ con và người lớn. Còn các em, qua cuốn sách, các em “tìm thấy công bằng” cho chính mình, nhìn thấy mình trong tư cách là những người ngang hàng với nhà văn. Ở đây, “ngang hàng” có nghĩa là được trân trọng và thấu hiểu.

Có thể thấy, cốt truyện lắp ghép đã tạo nên một hiệu quả thẩm mĩ đặc biệt, giúp cho những mảnh truyện tưởng như rời rạc lại phát triển một cách logic, hợp lí. Nguyễn Nhật Ánh đã lựa chọn chuẩn xác kiểu cốt truyện góp phần thể hiện sinh động điều ông muốn gửi gắm. Đồng thời nhà văn cũng tỏ rõ tài năng khi sử dụng kiểu cốt truyện này một cách linh hoạt, phong phú trong bút lực dồi dào của ông.

Xem thêm: Cốt truyện tâm lí
Khái lược cốt truyện văn học

- Phong Cầm -
Bản quyền bài viết thuộc về Văn học trẻ
 
Từ khóa Từ khóa
cho tôi xin một vé đi tuổi thơ cốt truyện lắp ghép hệ thống sự kiện nguyễn nhật ánh phá vỡ trình tự quá khứ hiện tại đan xen trẻ em và người lớn văn học trẻ
2K
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.