Bài giảng Danh y Lê hữu Trác

Bài giảng Danh y Lê hữu Trác

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Tiểu Sử , Sự nghiệp, danh xưng Hải Thượng lãn ông, giai thoại về Lê Hữu Trác, di sản Y học của danh y Lê Hữu Trác - tác giả "Vào phủ chúa Trịnh" (skg 11)

1. Tiểu sử Lê Hữu Trác

Danh y Lê Hữu Trác (1720 – 1791) là người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, Tỉnh Hải Dương (nay thuộc tỉnh Hưng Yên, huyện Yên Mỹ). Ông sinh nhằm ngày 12 tháng 11 năm 1720 (tức năm Canh Ngọ). Theo nhiều tài liệu cổ ghi chép lại, ông có tên gọi khác là Lê Hữu Huân (theo “Hải Dương phong vật chí”) nhưng đến nay, người đời vẫn quen thuộc gọi ông với cái tên Hải Thượng Lãn Ông.

Danh xưng Hải Thượng lãn ông

Nhiều người cho rằng, đại danh Hải Thượng Lãn Ông (có nghĩa là ông già lười ở Hải Thượng) là sự kết hợp giữa hai chữ cái đầu tiên của tên tỉnh và tên phủ (Tỉnh Hải Dương, Phủ Thượng Hồng), còn chữ “lười” ám chỉ sự chán ghét công danh, không màng mưu lợi, quyền chức của vị danh y này. Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động vì nạn tranh giành quyền lực của các tập đoàn phong kiến dưới thời Vua Lê - Chúa Trịnh. Ông thấu hiểu nỗi cơ hàn của người dân lao động nghèo khổ trong cảnh giặc dã, đói rét bệnh tật. Với chí khí của “trai thời loạn” Ông cũng muốn bứt mình ra khỏi “chốn thư song” để “hẹn hò bay nhảy, giao du khắp chốn để tìm bạn đồng tâm” Ông đã từng học binh thư, luyện võ, đăng lính. Thuộc dòng dõi trâm anh nên ông được cử làm tướng cầm quân đánh giặc” Mưu tính việc quân cơ tới đâu thắng tới đó” lập được nhiều chiến công. Thống soái của Chúa Trịnh nể tài ông, bao phen tiến cử, nhưng chán ghét cảnh binh đao, ông tìm mọi cách để từ chối và nhân lúc người anh mất, ông lấy cớ” Trên thì mẹ già đã bảy tuần, dưới gối còn vài ba cháu côi cút” bèn dứt khoát cởi tên cởi giáp” trở về quê nuôi mẹ dạy cháu và học nghề thuốc. Lúc này ông đã ngoài 30 tuổi. Trong khi các nhà nho trong đời chỉ dùi mài kinh sử để làm bước thang danh vọng thì đối với ông” Trường đời danh lợi đã gửi cho nước trôi mây nổi từ lâu. Quay về Hương Sơn làm nhà dưới rừng quyết chí học tập nghề y” Rồi ông được thầy thuốc Trần Độc (làng Trung Cần, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) chữa bệnh và dạy cho nghề thuốc.

Xem thêm: Tác giả Lê Hữu Trác (tóm tắt ngắn nhất về Lê Hữu Trác)
Tổng hợp các bài viết về tác phẩm "Vào phủ chúa Trịnh"

2. Danh y Lê Hữu Trác và di sản Y học

Cuộc đời và con đường đến với Y học


Danh y Lê Hữu Trác là người con út trong gia đình có 7 anh em. Chính vì vậy, người trong gia đình thường gọi ông là Cậu Chiêu Bảy. Gia đình ông vốn nổi tiếng bởi truyền thống đỗ đạt khoa bảng, rất nhiều người làm quan to trong triều đình. Trong đó cả 6 người anh của ông đều thi đỗ khoa cử, tiến sĩ. Cha của ông là Lê Hữu Mưu, thuở trẻ đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, được nhà vua phong chức Ngự sử, tước Bá. Chú là Lê Hữu Kiều cũng là Đại triều thần của nhà Lê.

Ngay từ nhỏ, Lê Hữu Trác đã bộc lộ tài năng thiên bẩm trong việc học hành, tinh thông sách sử nên được cha cho lên Kinh kỳ theo học. Tại đây ông nổi tiếng với trí tuệ hơn người thi đậu liền Tam trường. Ông còn cùng các bạn học lập hội “Thi xã” bên Hồ Tây để hằng ngày đối thơ, xướng họa. Tính cách ông hào sảng, thích giao du nên không chỉ được bạn đồng niên mà cả chúa Trịnh cũng hết lòng yêu quý. Tuy nhiên, không lâu sau đó vào năm ông 19 tuổi, cha ông mất (năm 1739) nên phải về nhà chịu tang, vừa lo kế nghiệp gia đình vừa lo hậu sự cho cha.

Một năm sau đó (tức 1740), giữa thời buổi loạn lạc, Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn tranh giành quyền lực, muôn dân lầm than, bạo loạn xảy ra khắp nơi ông đã quyết định gác lại sách vở, luyện tập võ thuật và binh thư, xung phong vào quân ngũ. Chỉ ít lâu sau, ông nhanh chóng nhận ra đây không phải là lẽ sống mà mình theo đuổi nên dù đã được đề bạt nhiều lần, ông kiên quyết từ chối. Cho tới năm 1746, sau khi người anh cả mất tại quê mẹ là huyện Hương Sơn, Nghệ An (nay là Hà Tĩnh) ông đã viện cớ xin rời khỏi quân ngũ về chăm mẹ già và các cháu nhỏ mồ côi.

Bước ngoặt của cuộc đời danh y Lê Hữu Trác xảy đến khi ông mắc trận ốm nặng. Dù đã được người nhà săn sóc và đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng đến 2, 3 năm vẫn không có tiến triển. Sau đó có người mách, ông nhờ người đưa tới nơi của thầy thuốc tên Trần Độc ở xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An). Trần Độc vốn thi đỗ cử nhân, xong từ chối vinh hoa chốn quan trường để về quê chữa bệnh. Tiếng lành đồn xa nên ông được rất nhiều người trong vùng tín nhiệm.

Trong suốt 1 năm chữa bệnh tại đây, Lê Hữu Trác thường hay nghiên cứu sách y học “Phùng thị cẩm nang” của Trung Hoa. Với trí thông minh và khả năng hiểu sâu sắc vấn đề, ông nhanh chóng nắm bắt được chân lý trong sách và nhen nhóm đam mê học về y thuật. Trần Độc nhận thấy sự tinh thông và quyết tâm của ông, nên bày tỏ mong muốn truyền nghề.

Ở tuổi 30, danh y Lê Hữu Trác trở lại quê mẹ ở Hương Sơn, khước từ lời mời của chúa Trịnh quyết ở lại đây chuyên tâm chữa bệnh cứu người, lấy tên Hải Thượng Lãn Ông. Tuy nhiên tại đây neo người bầu bạn, lại không có nhiều thầy giỏi để ông học hỏi, Lê Hữu Trác quyết định lên kinh đô học tập, mong tìm kiếm thêm kiến thức y học mênh mông.

Sau khoảng thời gian học tập, ông trở lại quê mẹ để chữa bệnh cứu người. Với tài năng học rộng, chẩn bệnh giỏi, bốc thuốc hay, lại không màng tới tiền tài danh lợi, ông đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người dân. Có người bệnh nhiều năm không khỏi ông cũng chữa được. Chỉ qua một thập kỷ miệt mài cống hiến, tên tuổi của ông nhanh chóng vang danh khắp vùng Hương Sơn và đến tận kinh thành.

Không dừng lại ở đó, Hải Thượng Lãn Ông còn mở thêm Hội y nhằm quy tụ các danh y từ khắp nơi đến để bầu bạn, tâm sự và chia sẻ kiến thức, học hỏi lẫn nhau. Ông cũng mở các lớp dạy y, đào tạo thế hệ thầy thuốc trẻ. Các lớp học của ông thu hút rất đông học viên tới theo học. Là một người thầy thuốc đồng thời cũng là một người thầy giáo, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác luôn căn dặn với học trò như với chính mình về nhân cách của người thầy thuốc chân chính. Trước hết, ông đề cao tính y đức, sau là tuân thủ 8 chữ “Nhân – Minh – Đức – Trí – Lượng – Thành – Khiêm – Cần” (nhân ái – sáng suốt – đức độ – tốt bụng – chân thành – khiêm tốn – cần cù). Bên cạnh đó, đặc biệt tránh lười nhác, keo kiệt, vụ lợi, dối trá, ngu si, bất nhân, sân si, thất đức.

Năm 1782, khi đã 62 tuổi, ông nhận lệnh Chúa Trịnh hồi kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Vốn được lòng Trịnh Sâm, ông bị không ít ngự y trong thành ghen ghét. Hải Thượng Lãn Ông vốn không hề nảy sinh thù ghét, chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và mau chóng thoát khỏi chốn kinh thành. Tuy nhiên không lâu sau đó, Trịnh Sâm lâm bệnh, Trịnh Cán ốm yếu dai dẳng. Ông đành miễn cưỡng lên chữa bệnh. Dù đã được chữa khỏi nhưng do tuổi cao sức yếu, chỉ ít lâu sau Trịnh Sâm băng hà, con trai là Trịnh Cán lên kế vị. Nhân lúc triều đình đang có người tiến cử thái y mới, Hải Thượng Lãn Ông viện cớ tuổi già thoái lui về quê.

Y đức

Nói đến Hải Thượng Lãn Ông trước hết là nói đến y đức. Như chúng ta biết từ sau Cách mạng Pháp năm 1789, một trong những việc làm đầu tiên của trí thức tiến bộ là năm 1792, phục hồi chủ nghĩa nhân văn Hippocrate. Họ bắt buộc sinh viên Đại học y khoa ra ngành nghề phải giơ tay trước mặt các thầy, đọc lên “lời thề Hippocrate” (Serment d’Hippocrate), hứa sẽ trong sạch, tuân theo suốt đời, bằng không sẽ đáng cho đồng nghiệp khinh bỉ, người đời nguyền rủa. Ai ai cũng biết là từ ấy đến nay, lời thề đó được lấy làm cơ sở cho y đức mà bác sĩ phải thuộc lòng. Một tạp chí y khoa Pháp Concours Médical, khi nghiên cứu những điểm của Hải Thượng Lãn Ông từng nêu lên trong “Y huấn cách ngôn”, đã khẳng định ở “Y huấn” ngoài những điểm giống như “Lời thề Hippocrate”, còn có phần đầy đủ hơn để đi sâu vào lòng người.

Khái niệm y đức của Hải Thượng Lãn Ông thật giản dị: "Đã hiến thân cho nghề thuốc thì phải biết quên mình để dồn hết tâm lực vào trước thuật, trước là cứu người, sau là đúc kết để dựng nên ngọn cờ đỏ thắm giữa y trường". Ngay từ ngày ấy ông đã rất "hiện đại", nói như ngôn ngữ ngày nay là chữa bệnh và nghiên cứu khoa học!. Rộng hơn, ông phân tích mối quan hệ thầy thuốc – người bệnh "Thầy thuốc là người có nhiệm vụ bảo vệ sinh mệnh người ta. Lẽ sống chết, điều phúc họa đều ở trong tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không thoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước học nghề y".

Trong mọi nghề khác, học là thành tài song trong ngành y, sự học chỉ là một phần và điều làm nên tên tuổi, tài năng là tự tu dưỡng với 8 chữ răn mình: Nhân - Minh - Đức - Trí - Thành - Lượng - Khiêm - Cần (tức là lòng yêu thương, sự sáng suốt, đức độ lòng tốt thiện, hiểu biết, thành thực rộng lượng, khiêm tốn, cần cù), đồng thời ông cũng đề ra 8 tội cần phải tránh: một là “lười biếng”, hai là “ tham”, ba là “bất nhân” bốn là “bủn xỉn”, năm là “lừa dối”, sáu là “hẹp hòi”, bảy là “thất đức”, tám là “dốt nát” . Y học mang trong nó những thiên chức cao cả nhưng y học cũng là một nghề và người hành nghề thì cũng là những con người cụ thể. Vì thế, từ thực tế, ông kịch liệt phê phán những người lợi dụng ngành y để mưu lợi "hoặc bắt bí người ta trong đêm mưa gió khó khăn... bệnh dễ thì kêu là bệnh khó, bệnh khó thì dọa là bệnh chết, dối mình, dối người để mưu cầu lợi cho mình. “Đối với kẻ giàu sang thì sốt sắng để mong được lợi, đối với người nghèo khó thì lạnh nhạt, thờ ơ..." Tấm lòng ngay thẳng, chí khí thanh cao không luồn cúi công danh phú quý, nịnh hót kẻ giàu sang luôn luôn được coi trọng. “Ngay cả khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi chớ có mưu cầu quà cáp, vì nhận quà của người ta thường sinh ra nể nang huống hồ đối với kẻ giàu sang tính khí thất thường, mình cầu cạnh dễ bị khinh rẻ”. Trong quan hệ với phụ nữ, Hải Thượng rất nghiêm túc, tế nhị tôn trọng và tràn lòng nhân ái. Điều khuyên thứ ba của Y huấn là: “Đối với đàn bà, con gái, goá phụ, ni cô, phải có người nhà đi theo bên cạnh mới bước vào buồng mà khám bệnh; để tránh mọi sự nghi ngờ, dù cho là con hát, gái điếm cũng vậy, phải đứng đắn xem họ như người tử tế, chớ nên đùa cợt mà mang tiếng bất chính”.

Con người thầy thuốc là vậy mà con người xã hội trong ông cũng là tấm gương lớn về nhân cách. Hải Thượng Lãn Ông là hiện thân của tấm lòng cương trực, chí khí thanh cao, không màng công danh phú quý, không nịnh hót kẻ giàu sang. Khi ông 62 tuổi, vào năm Cảnh Hưng 43 (1782), ông nhận được lệnh chúa Trịnh triệu về kinh xem mạch kê đơn cho Thế tử Trịnh Cán. Việc trên đòi đâu dám chống và từ quê mẹ, ông thượng kinh. Chúa Trịnh Sâm gặp ông, tiếp một buổi khen "hiểu sâu y lý", ban thưởng cho ông 20 suất lính hầu và bổng lộc ngang với chức quan Kiểm soát bộ hộ để giữ ông lại. Nhưng ông giả ốm không vào chầu, sau lại viện cớ tuổi già mắt hoa, tai điếc thường ốm yếu để được trọ ở ngoài. Bọn ngự y ghen tỵ với Lãn Ông, không chịu chữa theo đơn của ông nên Thế tử không khỏi, ông biết thế nhưng không hề thắc mắc với bọn thầy thuốc thiếu lương tâm này, mặt nữa ông không thật nhiệt tình chữa, để sớm thoát khỏi vòng cương tỏa của quyền thần, danh lợi. Thế nhưng với dân, với đồng nghiệp, với học trò, Hải Thượng Lãn Ông lại là một con người khác. Ông là một tấm gương mẫu mực cho thuật xử thế: "Khi gặp người cùng nghề cần khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ khinh thường, đối với người cao tuổi thì nên cung kính; đối với người có học thì nên tôn thờ như bậc thầy; đối với người cao ngạo thì nên nhún nhường; đối với người non nớt thì nên dìu dắt; giữ lòng như vậy là điều phúc lớn".

Di sản Y học

Trong lịch sử y học Việt Nam, ông là người đặt nền móng xây dựng y thuật với cuốn Y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển đề cập từ nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, thương khoa, truyền nhiễm, cấp cứu đến y đức, vệ sinh phòng bệnh, phương pháp nuôi dưỡng, thậm chí cả chế biến các món ăn dưỡng bệnh. Có thể nói Y tông tâm lĩnh là tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam. Để có được di sản cụ thể này, từ việc kê đơn bốc thuốc, thăm khám bệnh hàng ngày, ông đặc biệt chăm chỉ ghi chép để tổng kết, đối chiếu, so sánh và từ đó tổng kết thành bài học lớn. Đặc biệt ông đã chép một quyển “Âm án”, là những sai lầm thất bại trong thời gian hành nghề y để cho đời sau thấy đó mà tránh. Ông nói “Nghề thuốc là nhân thuật, thầy thuốc phải lấy việc giúp người là việc hay. Cứu được một mạng thì hoa chân múa tay để biểu dương cho người biết; lỡ có thất bại thì lại giấu im đi, ít có người không dấu cái điều xấu của mình mà dám đem sự thực nói với người khác. Riêng tôi dám nói là thoát khỏi cái thói đó chăng”. Y thuật của ông có giá trị lâu dài bởi ông chịu nghe đồng nghiệp, kể cả học trò và tiếp thu kinh nghiệm của người xưa một cách có chọn lọc, linh hoạt, sáng tạo, không hề rập khuôn máy móc. Từ đó ông có quan điểm về nhận định bệnh tật và phương pháp điều trị sáng tạo phù hợp với đặc điểm phong thổ, khí hậu và đặc điểm của con người Việt Nam.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Tuy nhiên, nhà văn cũng như thầy thuốc, đều thuộc khái niệm “nghề lao động trí óc tự do”, làm kỹ sư cho tâm hồn và kỹ sư cho thân thể, nên chắc có nhiều điểm tương đồng về đạo đức hành nghề. Năm 1783, ông viết xong tập Thượng kinh ký sự bằng chữ Hán tả quang cảnh ở kinh đô, cuộc sống xa hoa trong phủ Chúa Trịnh và quyền uy, thế lực của nhà chúa - những điều Lê Hữu Trác mắt thấy tai nghe trong chuyến đi từ Hương Sơn ra Thăng Long chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán và Chúa Trịnh Sâm. Tập ký ấy là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá gồm vỏn vẹn 29 bài thơ, hầu hết là thơ 8 câu. Thơ Hải Thượng toàn thuộc loại “tức cảnh sinh tình”, phảng phất mùi đường thi. Nhưng không phải với giọng chán đời, cô đơn, mà là lời lẽ của một người nhập thế, lo cho đời, cho người, tìm thú vui trong hành động . Tiếng thơ trung thực từ cõi lòng là Tình, nhưng cũng là quan niệm riêng về cuộc sống, là nhân sinh quan, dù là người thời xưa hay thi sĩ thời nay.

-Việc chi mà phải nện chày?
Lòng thanh niềm tục là tiêu lòng tà

- Hết mình chữa trị cho người ta
Ngoài ra tất cả đều là mây trôi!

-Học y mấy chục năm trời
Đông qua hạ lại chẳng rời sách hay
Công danh là bệnh khó thay
Giữ mình đạo đức ngày ngày khoẻ vui.

-Mình đã hại người, chẳng hiểu ra!
Nhìn nhau càng thấy bao xót ra,
Tuy cười tình bạn mà rơi lệ,
Hai mắt xuân tàn vẫn thấy hoa!
Cuộc sống anh em xin kết nghĩa,
Kiếp sau mong ước được chung nhà.
Ta không phụ bạc mà thành phụ
Ai biết làm sao xin giúp ta!

Cả cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là cả một tấm gương sáng chói về tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Đương thời Chúa Trịnh ban ân tứ cùng dụ rằng “Lê Hữu Trác là một người siêu thoát trên tất cả mọi điều tục lụy ta cũng không muốn làm phật ý người”. Người đời sau suy tôn ông bằng danh hiệu cao quý “ Đại Y Tôn Việt Nam”. Ông thật xứng đáng là người đã “ dựng ngọn cờ đỏ thắm” trong nền Y học nước nhà.
Danh y Lê Hữu Trác chính là người thầy vĩ đại truyền cảm hứng không nhỏ tới các thế hệ trong tương lai. Đồng thời để lại kho tàng y học vô giá, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của y học nước nhà. Mong rằng qua bài viết trên đây, bạn đọc đã có thêm những hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp của vị Thánh Y này.
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
danh y lê hữu trác di sản y học lê hữu trác tiểu sử lê hữu trác y đức
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top