Nhắc đến Tết, bạn sẽ nghĩ đến điều gì đầu tiên, mua quần áo mới, sắm chậu hoa cúc, lặt lá mai, nhận lì xì, đi chùa đầu năm,... hay tất niên? Không biết bạn thế nào, còn tôi thì chỉ nghĩ ngay đến bốn từ: “Dọn dẹp nhà cửa”.
Mỗi khi Tết đến, tôi cứ đau đầu và nghĩ mãi về việc lên kế hoạch dọn nhà, phải làm cái nào trước, cái nào sau để thuận tiện nhất, phân chia nhiệm vụ từng ngày cho mỗi thành viên và cố gắng xong xuôi tất cả trước hai tám Tết.
Tôi có biết vài gia đình không giống như thế, họ đợi đến hai chín hay ba mươi âm lịch mới tổng dọn vệ sinh, và qua mùng Một là ăn Tết luôn. Tôi có hỏi thì một chị trong nhà ấy nói rằng như vậy đỡ mệt hơn, vì đến ngày đó mọi người đều sẽ rảnh rỗi, không lo đụng việc của ai cả. Do vậy, như một truyền thống, cứ đến đúng ngày là toàn bộ thành viên sẽ tập trung về nhà, làm xong tất cả công việc “dọn dẹp vui đón Tết” trong một lần, như vậy không chỉ tiết kiệm thời gian và công sức, mà còn sang mùng Một nhà sẽ không có lấy một hạt bụi nào.
Nghe chị kể xong, tôi nghĩ: “Cũng đúng thật nhỉ”. Mùng Một nhà sạch bong sáng bóng chắc sẽ thích lắm, nhưng ngẫm lại thì điều đó không thể áp dụng cho hoàn cảnh nhà tôi được.
Lý do lớn nhất là ba mẹ tôi không làm theo giờ hành chính, cả hai là người buôn bán, phải tận chiều tối ngày giao thừa họ mới kết thúc một năm làm việc. Vì vậy, mỗi ngày ba mẹ sẽ tranh thủ dọn một góc chỗ này, rồi mai một góc chỗ kia, dần dần đến Tết là vừa xong. Đến đây nếu bạn thắc mắc rằng sao chưa thấy tôi “động tay động chân” thì tiếp đến là câu chuyện dọn nhà của tôi đây.
Do tính chất công việc của ba mẹ nên cứ đến hai lăm âm lịch là tôi phải bắt tay vào việc lên lịch dọn nhà rồi (như đã nói ở trên). Kể từ ngày đó, sáng mở mắt dậy là não tôi tự động nhắc nhở: “Dọn nhà” đến nỗi tôi chẳng thể yên giấc được, nếu xui xẻo giật mình tỉnh giấc sớm là tôi cứ trằn trọc mãi vẫn không ngủ ngon lại như lúc đầu được. Thêm vào đó, “tư duy dọn dẹp” của tôi rất rõ ràng, có việc phải làm trước và có việc phải làm sau, không thể lộn xộn. Ví dụ như: không được lau bàn TV trước khi phủi bụi trên tường; không được thay ga giường mới trước khi quét bụi hết ngóc ngách trong phòng; phải dọn phòng khách trước rồi mới đến phòng bếp, ban công và cuối cùng mới là phòng ngủ,... Chính vì cái sự “khó” ấy mà hầu như mọi việc tôi đều phải làm chính, và dĩ nhiên là không thể xong tất cả trong một ngày được.
Hơn nữa, tùy mỗi nhà mà lượng công việc cũng khác nhau. Có người nghĩ chỉ cần dọn những chỗ khách thường lui tới là được rồi và bỏ mặc tủ quần áo cả năm không xếp; có người lại ưu tiên dọn dẹp phòng ngủ và đồ dùng cá nhân kỹ hơn hòng muốn mọi thứ của mình phải sạch và mới từ đầu tới chân; có người thì cầu toàn muốn mọi thứ phải sạch đẹp tinh tươm để nhìn cho “sướng con mắt” và được khách khen ngợi; còn tôi, tôi là người theo chủ nghĩa: “Đã làm là phải làm cho tới”, tôi cố gắng dọn dẹp nhiều nhất có thể và làm theo thứ tự ưu tiên như trong kế hoạch.
Hãy để tôi kể bạn nghe một chút về “hành trình” dọn nhà đón Tết của tôi nhé. Đầu tiên là việc lau chùi cửa. Tôi cùng em gái sẽ lau chùi mọi cánh cửa, từ cửa ra vào đến cửa sổ, rồi cửa mỗi phòng đều được hai chị em tôi lau sạch bóng. Tất cả cửa nhà tôi đều làm bằng gỗ, được ba mẹ đầu tư để làm điểm nhấn cho căn nhà, nên hầu như khách nào đến chơi cũng nhìn ngắm chúng một chút, do vậy người lớn rất quan trọng việc lau cửa.
Cả ba mẹ tôi đều nghĩ đó là “nhân vật chính” trong công cuộc dọn nhà của hai chị em, nhưng họ nào có biết vì nhà ở mặt đường lộ, lượng xe qua lại nhiều nên đồ đạc trong nhà, nhất là phòng khách mỗi ngày đều bị bám bụi. Đã thế, trong năm tôi phải đi học xa, ba mẹ thì bận rộn với công việc, em út cũng đi học cả ngày nên việc dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày không được kỹ, vì thế lượng bụi tích cả một năm ròng dày cỡ nào chắc bạn cũng mường tượng được nhỉ?
Đến đây thì ngại quá, mong các bạn đừng nghĩ nhà tôi ở bẩn, bởi mỗi ngày mọi người đều quét nhà, lau nhà cả đấy, chỉ là việc quét dọn không bì kịp với độ bám bụi mà thôi. Thử nghĩ, bạn mới lau nhà sạch sẽ, bốn tiếng sau lại bụi y chang lúc đầu, chẳng lẽ bạn cứ ở nhà mà dọn dẹp hoài sao. Chính vì thế, liền ngay sau việc lau cửa là dọn dẹp phòng khách. Có vài thứ cần dọn như lau chùi bàn học, soạn sách vở không dùng đem bán giấy vụn, lau bụi sô pha cùng bàn trà,... nói chung chỉ cần có bụi là phải lau tất vì đó sẽ là nơi tiếp khách.
Xong xuôi, tôi sẽ dọn sơ qua tủ chén, vì nhà bếp tôi không rành mấy nên mẹ sẽ dọn chính, bạn đừng chê tôi không đảm bếp núc, chỉ vì ba tôi nấu ăn chính trong nhà nên tôi chả có cơ hội thò chân vào bếp. Quay lại với việc dọn dẹp, tiếp đó, tôi sẽ dọn những góc “bị bỏ quên” cả năm ở nhà sau, rồi sắp xếp lại khu vực “thiên đường đồ ăn” trữ Tết.
Kế đến là gì bạn đoán được không, đó chính là phòng ngủ đấy. Tôi cần dọn tủ đồ cá nhân, xếp những quần áo cũ hoặc không mặc nữa thành một bao để đem cho từ thiện; rồi lại xem túi, giày, phụ kiện linh tinh cái nào còn dùng được thì để lại, không thì đem bỏ hoặc cho người nghèo nốt; kế đến là quét và lau tủ, bàn ghế trong phòng.
Cuối cùng, tôi sẽ đem chăn, ga, vỏ gối tất cả các phòng đi giặt, đây là công việc tôi mong chờ nhất, vì đến đây hầu như mọi thứ đã xong cả rồi, hơn nữa, tôi sẽ được đắm mình trong bộ ga giường “hoa lá mùa xuân” mà chỉ Tết mới được dùng, lúc ấy cảm giác mình như công chúa lạc giữa rừng hoa vậy. Nếu bạn thắc mắc, thì đây là quy định mà bà tôi đặt ra (tôi ngủ chung với bà). Tôi không rõ tại sao nhưng chắc vì bộ ga giường kia khá mắc tiền thời ấy (nó đã có khi tôi còn nhỏ), và cũng vì thế mà tôi cảm nhận rõ nét hơn không khí khác lạ, mới mẻ của ngày Tết. Chính vì mỗi năm chỉ dùng một lần mà bộ ga tuy đã dùng nhiều năm nhưng vẫn đẹp như mới, với tôi bộ ga ấy luôn gắn liền với những điều đẹp đẽ của ngày Tết, là một trong những thứ mà tôi mong chờ nhất vào mỗi dịp Tết đến.
Đến đây, chắc bạn đã hình dung được bức tranh “dọn nhà đón Tết” của tôi rồi đúng không? Đúng là việc dọn dẹp nhà cửa ngày Tết rất mệt mỏi, đôi khi làm tôi nổi cáu, nhưng khi thấy mọi thứ sạch đẹp mới tinh tôi sẽ vô cùng vui vẻ và có đôi chút tự hào nữa.
Tết đến thật vui và cũng thật mệt, do vậy tôi luôn phải chuẩn bị sức khỏe và tinh thần thật tốt để vui Tết hết mình.
Mong bạn cũng hãy như vậy - giữ gìn sức khỏe, vui vẻ cả năm.
Mỗi khi Tết đến, tôi cứ đau đầu và nghĩ mãi về việc lên kế hoạch dọn nhà, phải làm cái nào trước, cái nào sau để thuận tiện nhất, phân chia nhiệm vụ từng ngày cho mỗi thành viên và cố gắng xong xuôi tất cả trước hai tám Tết.
Tôi có biết vài gia đình không giống như thế, họ đợi đến hai chín hay ba mươi âm lịch mới tổng dọn vệ sinh, và qua mùng Một là ăn Tết luôn. Tôi có hỏi thì một chị trong nhà ấy nói rằng như vậy đỡ mệt hơn, vì đến ngày đó mọi người đều sẽ rảnh rỗi, không lo đụng việc của ai cả. Do vậy, như một truyền thống, cứ đến đúng ngày là toàn bộ thành viên sẽ tập trung về nhà, làm xong tất cả công việc “dọn dẹp vui đón Tết” trong một lần, như vậy không chỉ tiết kiệm thời gian và công sức, mà còn sang mùng Một nhà sẽ không có lấy một hạt bụi nào.
Nghe chị kể xong, tôi nghĩ: “Cũng đúng thật nhỉ”. Mùng Một nhà sạch bong sáng bóng chắc sẽ thích lắm, nhưng ngẫm lại thì điều đó không thể áp dụng cho hoàn cảnh nhà tôi được.
Lý do lớn nhất là ba mẹ tôi không làm theo giờ hành chính, cả hai là người buôn bán, phải tận chiều tối ngày giao thừa họ mới kết thúc một năm làm việc. Vì vậy, mỗi ngày ba mẹ sẽ tranh thủ dọn một góc chỗ này, rồi mai một góc chỗ kia, dần dần đến Tết là vừa xong. Đến đây nếu bạn thắc mắc rằng sao chưa thấy tôi “động tay động chân” thì tiếp đến là câu chuyện dọn nhà của tôi đây.
Do tính chất công việc của ba mẹ nên cứ đến hai lăm âm lịch là tôi phải bắt tay vào việc lên lịch dọn nhà rồi (như đã nói ở trên). Kể từ ngày đó, sáng mở mắt dậy là não tôi tự động nhắc nhở: “Dọn nhà” đến nỗi tôi chẳng thể yên giấc được, nếu xui xẻo giật mình tỉnh giấc sớm là tôi cứ trằn trọc mãi vẫn không ngủ ngon lại như lúc đầu được. Thêm vào đó, “tư duy dọn dẹp” của tôi rất rõ ràng, có việc phải làm trước và có việc phải làm sau, không thể lộn xộn. Ví dụ như: không được lau bàn TV trước khi phủi bụi trên tường; không được thay ga giường mới trước khi quét bụi hết ngóc ngách trong phòng; phải dọn phòng khách trước rồi mới đến phòng bếp, ban công và cuối cùng mới là phòng ngủ,... Chính vì cái sự “khó” ấy mà hầu như mọi việc tôi đều phải làm chính, và dĩ nhiên là không thể xong tất cả trong một ngày được.
Hơn nữa, tùy mỗi nhà mà lượng công việc cũng khác nhau. Có người nghĩ chỉ cần dọn những chỗ khách thường lui tới là được rồi và bỏ mặc tủ quần áo cả năm không xếp; có người lại ưu tiên dọn dẹp phòng ngủ và đồ dùng cá nhân kỹ hơn hòng muốn mọi thứ của mình phải sạch và mới từ đầu tới chân; có người thì cầu toàn muốn mọi thứ phải sạch đẹp tinh tươm để nhìn cho “sướng con mắt” và được khách khen ngợi; còn tôi, tôi là người theo chủ nghĩa: “Đã làm là phải làm cho tới”, tôi cố gắng dọn dẹp nhiều nhất có thể và làm theo thứ tự ưu tiên như trong kế hoạch.
Hãy để tôi kể bạn nghe một chút về “hành trình” dọn nhà đón Tết của tôi nhé. Đầu tiên là việc lau chùi cửa. Tôi cùng em gái sẽ lau chùi mọi cánh cửa, từ cửa ra vào đến cửa sổ, rồi cửa mỗi phòng đều được hai chị em tôi lau sạch bóng. Tất cả cửa nhà tôi đều làm bằng gỗ, được ba mẹ đầu tư để làm điểm nhấn cho căn nhà, nên hầu như khách nào đến chơi cũng nhìn ngắm chúng một chút, do vậy người lớn rất quan trọng việc lau cửa.
Cả ba mẹ tôi đều nghĩ đó là “nhân vật chính” trong công cuộc dọn nhà của hai chị em, nhưng họ nào có biết vì nhà ở mặt đường lộ, lượng xe qua lại nhiều nên đồ đạc trong nhà, nhất là phòng khách mỗi ngày đều bị bám bụi. Đã thế, trong năm tôi phải đi học xa, ba mẹ thì bận rộn với công việc, em út cũng đi học cả ngày nên việc dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày không được kỹ, vì thế lượng bụi tích cả một năm ròng dày cỡ nào chắc bạn cũng mường tượng được nhỉ?
Đến đây thì ngại quá, mong các bạn đừng nghĩ nhà tôi ở bẩn, bởi mỗi ngày mọi người đều quét nhà, lau nhà cả đấy, chỉ là việc quét dọn không bì kịp với độ bám bụi mà thôi. Thử nghĩ, bạn mới lau nhà sạch sẽ, bốn tiếng sau lại bụi y chang lúc đầu, chẳng lẽ bạn cứ ở nhà mà dọn dẹp hoài sao. Chính vì thế, liền ngay sau việc lau cửa là dọn dẹp phòng khách. Có vài thứ cần dọn như lau chùi bàn học, soạn sách vở không dùng đem bán giấy vụn, lau bụi sô pha cùng bàn trà,... nói chung chỉ cần có bụi là phải lau tất vì đó sẽ là nơi tiếp khách.
Xong xuôi, tôi sẽ dọn sơ qua tủ chén, vì nhà bếp tôi không rành mấy nên mẹ sẽ dọn chính, bạn đừng chê tôi không đảm bếp núc, chỉ vì ba tôi nấu ăn chính trong nhà nên tôi chả có cơ hội thò chân vào bếp. Quay lại với việc dọn dẹp, tiếp đó, tôi sẽ dọn những góc “bị bỏ quên” cả năm ở nhà sau, rồi sắp xếp lại khu vực “thiên đường đồ ăn” trữ Tết.
Kế đến là gì bạn đoán được không, đó chính là phòng ngủ đấy. Tôi cần dọn tủ đồ cá nhân, xếp những quần áo cũ hoặc không mặc nữa thành một bao để đem cho từ thiện; rồi lại xem túi, giày, phụ kiện linh tinh cái nào còn dùng được thì để lại, không thì đem bỏ hoặc cho người nghèo nốt; kế đến là quét và lau tủ, bàn ghế trong phòng.
Cuối cùng, tôi sẽ đem chăn, ga, vỏ gối tất cả các phòng đi giặt, đây là công việc tôi mong chờ nhất, vì đến đây hầu như mọi thứ đã xong cả rồi, hơn nữa, tôi sẽ được đắm mình trong bộ ga giường “hoa lá mùa xuân” mà chỉ Tết mới được dùng, lúc ấy cảm giác mình như công chúa lạc giữa rừng hoa vậy. Nếu bạn thắc mắc, thì đây là quy định mà bà tôi đặt ra (tôi ngủ chung với bà). Tôi không rõ tại sao nhưng chắc vì bộ ga giường kia khá mắc tiền thời ấy (nó đã có khi tôi còn nhỏ), và cũng vì thế mà tôi cảm nhận rõ nét hơn không khí khác lạ, mới mẻ của ngày Tết. Chính vì mỗi năm chỉ dùng một lần mà bộ ga tuy đã dùng nhiều năm nhưng vẫn đẹp như mới, với tôi bộ ga ấy luôn gắn liền với những điều đẹp đẽ của ngày Tết, là một trong những thứ mà tôi mong chờ nhất vào mỗi dịp Tết đến.
Đến đây, chắc bạn đã hình dung được bức tranh “dọn nhà đón Tết” của tôi rồi đúng không? Đúng là việc dọn dẹp nhà cửa ngày Tết rất mệt mỏi, đôi khi làm tôi nổi cáu, nhưng khi thấy mọi thứ sạch đẹp mới tinh tôi sẽ vô cùng vui vẻ và có đôi chút tự hào nữa.
Tết đến thật vui và cũng thật mệt, do vậy tôi luôn phải chuẩn bị sức khỏe và tinh thần thật tốt để vui Tết hết mình.
Mong bạn cũng hãy như vậy - giữ gìn sức khỏe, vui vẻ cả năm.