Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)Đọc đoạn trích:
Những ai tự hào với kết quả công việc của mình và luôn cố gắng tạo ra trải nghiệm ngày càng ý nghĩa hơn cho người thưởng thức là những người luôn thành công trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ngay cả một nhân viên phục vụ ở tiệm bán thức ăn nhanh cũng có thể được xem là thành công khi anh ta dốc hết sức mình cho công việc: vừa nhận đơn đặt hàng qua điện thoại, vừa tươi cười với thực khách, vừa nhanh tay đóng gói thực phẩm khách mua về...
Bất cứ việc gì cũng đòi hỏi chúng ta phải thật sự chú tâm, giống như những nghệ sĩ trên sân khấu. Nếu bạn làm vì niềm vui, sự phấn khởi, vì những thử thách mà công việc ấy mang đến cho bạn và lòng tự hào về những gì làm được, bạn sẽ không ngừng phát triển bản thân. Nếu làm việc chỉ vì danh tiếng, tư lợi bạn sẽ dậm chân tại chỗ. Suy cho cùng, sự khen tặng, ái mộ mọi người dành cho bạn rồi cũng tan biến đi khi cảm giác mới lạ trong họ không còn nữa. Còn nếu bạn muốn lặp lại những việc tương tự chỉ để nhận lấy những lời khen cũ rích thì bạn sẽ chẳng có động lực nội tại nào thúc đẩy bản thân tiến bước xa hơn.
(Trích 10 quy luật cuộc sống – Dan Sullivan Catherine Nomura,
NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 49-50)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo đoạn trích, ai sẽ là người luôn thành công trong bất cứ hoàn cảnh nào?
Câu 3. Dựa vào đoạn trích, hãy cho biết những yếu tố tạo nên động lực nội tại để thúc đẩy con người tiến bước xa hơn trong công việc.
Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/chị?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải có tinh thần trách nhiệm trong công việc.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và tâm trạng nhân vật Phùng được nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện trong đoạn trích sau:
Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy: trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.
(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu,
Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.70)
_ Hết _
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂUĐÁP ÁN
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
Câu 2.
Người luôn thành công trong bất cứ hoàn cảnh nào là:
+ những người tự hào với kết quả công việc của mình
+ luôn cố gắng tạo ra trải nghiệm ngày càng ý nghĩa hơn cho người thưởng thức.
Câu 3.
Những yếu tố tạo nên động lực nội tại để thúc đẩy con người tiến bước xa hơn trong công việc:
+ Niềm vui, sự phấn khởi
+ Những thử thách mà công việc mang đến
+ Lòng tự hào về những gì làm được.
Câu 4. HS rút ra một thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân. Có thể theo gợi ý sau:
Tình yêu đối với công việc là động lực để con người đạt được thành công.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
HS lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được vấn đề cần nghị luận. Có thể theo hướng sau:
Tinh thần trách nhiệm trong công việc là phẩm chất quan trọng của mỗi người được thể hiện thông qua cách làm việc cụ thể. Tinh thần trách nhiệm trong công việc giúp con người có thái độ làm việc hăng say, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành các nhiệm vụ, công việc được giao; tạo ra động lực thúc đẩy con người hoàn thiện bản thân; đóng góp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Câu 2.
HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo được các yêu cầu sau đây:
* Giới thiệu khái quát tác giả Nguyễn Minh Châu, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận.
* Phân tích vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và tâm trạng nhân vật Phùng:
+ Vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa xuất hiện trong tình huống: Sau nhiều ngày “phục kích”, nghệ sĩ Phùng vẫn chưa chụp được bức ảnh nào. Điều kì diệu của nghệ thuật đã bất chợt đến với Phùng vào một buổi sáng, khi anh nhìn thấy một chiếc thuyền buồm trên mặt biển xa.
+ Vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa: trong cảm nhận của Phùng, đó là cảnh đắt trời cho quý giá, hi hữu; là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ... một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích – vẻ đẹp nguyên sơ, thuần khiết, lí tưởng, thánh thiện.
+ Tâm trạng nhân vật Phùng: cái đẹp đã đem đến cho Phùng xúc động mãnh liệt, niềm hạnh phúc ngập tràn, anh thấy bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Trong giây phút thăng hoa của cảm xúc, người nghệ sĩ còn như phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức... khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn – sự giác ngộ, nhận thức về sức mạnh kì diệu của cái đẹp nghệ thuật đối với con người.
+ Vẻ đẹp của chiếc thuyền và tâm trạng nhân vật Phùng được thể hiện qua một tình huống đặc sắc; nghệ thuật kể chuyện ở ngôi thứ nhất với ngôn ngữ kể kết hợp miêu tả chân thực, sinh động, giàu hình ảnh, cảm xúc; biện pháp so sánh giàu sức gợi...
* Đánh giá:
+ Vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa qua cảm nhận và tâm trạng nhân vật Phùng cho thấy sự đam mê nghệ thuật, tư chất nghệ sĩ và trái tim hướng thiện của người nghệ sĩ chân chính.
+ Vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và tâm trạng nhân vật Phùng còn cho thấy quan niệm của Nguyễn Minh Châu về cái đẹp và nghệ thuật: cái đẹp phải gắn liền với cái thiện; nghệ thuật chân chính phải bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống.