Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2022 (có hướng dẫn đáp án)

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2022 (có hướng dẫn đáp án)​

đề thi thpt quốc gia 2022.png

(Đề thi THPT Quốc gia 2022 sáng ngày 7/7/2022)

Phần 1. Đọc hiểu​


Tuổi trẻ của tôi
mười tám, hai mươi
trong và tinh khiết như nước suối đá
khỏe và mơn mởn như mầm lá
rộng và dài như mơ ước, yêu thương
vươn lên và bền vững như con đường
gắn vào đất, tạc vào mặt đất

Tuổi trẻ như sao trời mát mắt
khi yên bình hạnh phúc ngước nhìn lên
và cháy bùng như lửa thiêng liêng
khi giặc giã đụng vào bờ cõi
dẫu rụng xuống, vẫn chói lên lần cuối
gọi dậy những lớp người
dẫu rụng xuống, bầu trời không trống trải
trong mắt người sao vẫn mọc khôn nguôi…


(Trích “Con Đường Của Những Vì Sao” - Nguyễn Trọng Tạo)

1. Xác định thể thơ: Tự do

2. Chỉ ra những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ trong đoạn thơ

Tuổi trẻ của tôi
mười tám, hai mươi
trong và tinh khiết như nước suối đá
khỏe và mơn mởn như mầm lá


Tính từ: Trong, tinh khiết, khỏe, mơn mởn

3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh sử dụng trong đoạn thơ:

Tuổi trẻ như sao trời mát mắt
khi yên bình hạnh phúc ngước nhìn lên
và cháy bùng như lửa thiêng liêng
khi giặc giã đụng vào bờ cõi


Tác dụng:

Có 2 ý so sánh ở đây: 1/ tuổi trẻ mát mắt như sao trời – khi yên bình

2/ tuổi trẻ bùng cháy như lửa thiêng – khi giặc giã

Sao trời ở trên cao luôn làm đẹp cho những đêm thiếu trăng, tuy ánh sáng của chúng không soi rọi chói lòa như mặt trời, cũng không huyền diệu như ánh trăng song lại đông đúc và lấp lánh lạ kì. Tác giả ví tuổi trẻ như sao trời, vào thời điểm đất nước yên bình, họ lặng lẽ dùng sức trẻ của mình để làm đẹp đất nước, dùng sức trẻ của mình để góp phần tạo nên vẻ đẹp của lao động, của học tập, cống hiến, của những yêu thương.

Khi có giặc tới, tuổi trẻ lại bùng như lửa thiêng, chiến đấu hi sinh thân mình vì tự do của Tổ quốc, không còn nằm yên đó một cách lặng lẽ, êm dịu nữa mà hừng hực khí thế chiến đấu bất khuất, kiên cường, quyết tâm giữ gìn tổ quốc.

So sánh ở đây làm nổi bật ra hai trạng thái của tuổi trẻ khi đất nước yên bình và khi đất nước bị giặc xâm chiếm. Ở mỗi thời điểm họ lại có sức mạnh, có hành động khác nhau và chỉ cần một hình tượng so sánh khiến ta đủ hiểu mà không cần phải diễn tả nhiều. So sánh giúp cho cô đọng được văn bản, gợi hình ảnh một cách cụ thể, sinh động thay cho ngàn lời nói, truyền đi tư tưởng, tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc đồng thời ca ngợi tôn vinh vẻ đẹp, sức mạnh của tuổi trẻ

4. Nhận xét những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh tuổi trẻ được thể hiện trong đoạn trích.

Gợi ý: Nhận xét những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ:

- Đây là những suy ngẫm sâu sắc của tác giả, sự thấu đáo của người từng trải.

- Tuổi trẻ là độ tuổi hồn nhiên, vui tươi, mang trong mình đầy những ước mơ, hoài bão.

- Khi đất nước bình yên, hay khi đất nước bị xâm lăng những người trẻ tuổi ấy không ngại từ bỏ những hoài bão của mình để đứng lên chống lại quân xâm lược

Mẫu:


Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, tại sao nói như vậy? Bởi chỉ ở tuổi trẻ ta mới có được sức khỏe, có được những khát vọng nồng nhiệt mà độ tuổi khác không có được, cho dù tuổi trẻ cũng là tuổi nhiều nông nổi, nhiều sai lầm nhất. Qua đoạn thơ “Con Đường Của Những Vì Sao” - Nguyễn Trọng Tạo, từ con mắt của một người nghệ sĩ với cái nhìn từng trải, thấu đáo đã có những suy ngẫm về con người, về tuổi trẻ và viết lên những vần thơ vô cùng ý nghĩa.

Độ tuổi mười tám đôi mươi giống như cây đã bén rễ sâu vào lòng đất, hấp thụ đủ dưỡng chất mà lớn lên: khỏe, mơn mởn và trong, tinh khiết như nước suối đá rộng và dài như mơ ước, yêu thương. Có thể nói, tác giả đã dùng những từ ngữ đẹp nhất để viết về tuổi trẻ.

Nhìn vào thế hệ tuổi trẻ ta thấy được tương lai của một đất nước, chỉ cần người trẻ có quyết tâm và đồng lòng cống hiến quyết tâm phát triển đất nước, chẳng mấy chốc đất nước sẽ đẹp xinh. Và ngược lại, đất nước nào dân số già đi hoặc người trẻ không chịu học tập, chỉ muốn hưởng thụ thì đất nước ấy sẽ rất khó để phát triển. Vì người già sức lao động sẽ giảm sút và không còn khỏe mạnh như lứa tuổi thanh thiếu niên. Những người trẻ là nguồn lao động dồi dào cho đất nước, họ có sức khỏe tốt, có kiến thức và còn cả một cuộc đời dài phía trước để giúp ích cho nước nhà. Người già, cũng có ý muốn nghỉ ngơi sau những tháng năm đã cống hiến hết mình, đó là quy luật. Tre già, măng phải mọc, nếu măng không mọc thì lũy tre ấy sẽ đợi tàn lụi. Khi đất nước bình yên, chỉ nhìn vào sự học hành khổ luyện, vào những mơ ước được cống hiến và làm nên những điều phi thường đã khiến thế hệ trước yên tâm bởi sự tiếp nối muôn đời. Khi có giặc đến, khi Tổ quốc gọi tên, những người trẻ lại xung phong tới nơi chịu khổ. Nhìn vào bao cuộc chiến đấu, đã bao gương người anh dũng hi sinh dẫu rụng xuống, vẫn chói lên lần cuối/ gọi dậy những lớp người – chúng ta chẳng bao giờ quên được chị Võ Thị Sáu hi sinh khi mới 16 tuổi, chẳng thể mờ đi trong tâm trí những cô gái ở ngã ba đồng lộc, và bao người như chú bé Lượm, Nguyễn Văn Trỗi… Những người ngã xuống chỉ khiến lớp người sau quyết tâm hơn để bảo vệ xây dựng đất nước, không phụ sự hi sinh cho tự do hôm nay. Bởi họ biết khi mình “rụng” thì vẫn còn những “vì sao” khác tiếp nối mình mà tỏa sáng cho bầu trời đêm. Người trẻ không ngại hi sinh, không ngại từ bỏ những hoài bão của mình để đứng lên chống lại quân xâm lược, và hôm nay, chúng ta cũng không ngại những khó khăn trong học tập, trong lao động để xây dựng đất nước

Những vần thơ của Nguyễn Trọng Tạo đã khẳng định những cống hiến của một thế hệ trước đã qua đi, đồng thời gửi gắm niềm tin vào tuổi trẻ bằng con mắt thế hệ đi trước trong mắt người sao vẫn mọc khôn nguôi. Chúng ta, những người trẻ của hiện tại, càng nên cố gắng hơn để xứng đáng với sự hi sinh và niềm tin của thế hệ đi trước.

Phần 2. Làm văn​

Câu 1. Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trong tiếp bước các thế hệ đi trước.​


1. Mở đoạn

- Giới thiệu vấn đề: Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước.

2. Thân đoạn
a. Giải thích
- Trách nhiệm: là việc mà mỗi người phải làm và có ý thức với những việc làm đó.
= >Thế hệ trẻ phải có trách nhiệm trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước
b. Phân tích
* Tại sao thế hệ trẻ ngày nay cần có trách nhiệm tiếp bước các thế hệ đi trước?
- Ông cha ta từ ngàn đời xưa đã gây dựng và giữ gìn đất nước, chúng ta được thừa hưởng nền độc lập dựa trên máu xương của biết bao thế hệ ấy, vì thế chúng ta cần có trách nhiệm phát huy và gây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.

- Đối với thế hệ trẻ, tiếp bước các thế hệ đi trước không chỉ đang góp phần xây dựng nước nhà mà đó còn là cơ hội phát triển bản thân, tích lũy kinh nghiệm, tạo ra cơ hội cho chính mình.
- Trách nhiệm xây dựng, phát triển đất nước là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người.

* Thế hệ trẻ cần làm gì để tiếp bước các thế hệ đi trước?​

- Đối với học sinh, sinh viên, chúng ta cần ra sức học tập, trau dồi bản thân và tích lũy cho mình nhiều kiến thức..

- Không ngại khó khăn, thử thách, dám dấn thân để có nhiều trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
- Có ý thức, biết ơn sâu sắc tới những thế hệ đi trước, những người đã có công gây dựng đất nước.

=> Ý nghĩa: Giúp mỗi người sống có lí tưởng và mục đích, có trách nhiệm về nghĩa vụ và bổn phận của bản thân đối với đất nước, từ đó giúp đất nước ngày càng vững mạnh.

c. Phản đề
- Nhiều bạn trẻ vẫn sống ỷ lại, dựa dẫm, không có ý thức muốn học hỏi, cống hiến cho xã hội.
- Lối sống ích kỉ, chỉ biết đến bản thân và không muốn vươn lên đã kìm hãm sự phát triển của thế hệ ngày nay.

3. Kết đoạn

- Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước là một điều quan trọng.
- Liên hệ bản thân: Là một học sinh, em cần có trách nhiệm với những gì cha ông ta đã gây dựng, phải cố gắng nỗ lực rèn luyện hơn nữa để xứng đáng kế thừa và phát huy các thành quả của các thế hệ đi trước.

Câu 2. Trong truyện "Chiếc thuyền ngoài xa" tác giả Nguyễn Minh Châu có viết:​


Lúc bấy giờ trời đầy mù từ ngoài biển bay vào. Lại lác đác mấy hạt mưa. Tôi rúc vào bên bánh xích của một chiếc xe tăng để tránh mưa, đang lúi húi thay phim, lúc ngẩng lên thấy một chuyện hơi lạ: một chiếc thuyền lưới vó mà tôi đoán là trong nhóm đánh cá ban nãy đang chèo thẳng vào trước mặt tôi.

Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy : trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.( … )

Liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống trọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp giữa mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Gợi ý làm bài:​


I. Mở bài:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

- Tác giả:Nguyễn Minh Châu là cây bút văn xuôi tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Trước những năm tám mươi, ông sáng tác theo khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình, lãng mạn. Sau đó, ông chuyển sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức, triết lí nhân sinh. Là người mở đường tinh anh, cây bút tiên phong trong văn học thời kì đổi mới.

- Tác phẩm: “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những truyện in đậm phong cách tự sự triết lí của Nguyễn Minh Châu, thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời.

* Khái quát vấn đề nghị luận: Phát hiện thứ nhất của nhân vật Phùng, liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

II. Thân bài:​


1. Phân tích đoạn trích – Phát hiện thứ nhất của nhân vật Phùng.

a. Giới thiệu vị trí đoạn trích.
Đoạn trích nằm ở phần đầu tiên của tác phẩm khi nhân vật Phùng sau bao ngày tìm kiếm cũng phát hiện được một “cảnh đắt trời cho”.

b. Phân tích: Phát hiện thứ nhất - về cái tuyệt mĩ, tuyệt thiện:

- Khung cảnh biển buổi sáng trong sương mai hiện lên đẹp đẽ, tuyệt bích như bức họa mực tàu.

- Khung cảnh rộng lớn của biển cả với hình ảnh chiếc thuyền thơ mộng, thanh bình xuất hiện giữa bầu sương mù trắng như sữa lại pha chút hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào.

- Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ.

- Cảm nhận tinh tế cùng với đôi mắt của người nghệ sĩ đã phát hiện ra vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống mà anh cho rằng đây là “cảnh đắt trời cho”. Đó là bức họa diệu kỳ do thiên nhiên, cuộc sống ban tặng cho con người; là sản phẩm quý hiếm của hóa công mà trong đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cũng khao khát được chứng kiến. Chính vì thế người nghệ sĩ cảm thấy bị rung động, hạnh phúc đó là niềm hạnh phúc của sự khám phá và sáng tạo, của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu.

- Trong giây lát, Phùng đã nhận ra được chân lý của sự hoàn mỹ, thì ra đứng trước cảnh đẹp, trước sự toàn bích, hài hòa, lãng mạn của cuộc đời, tâm hồn người nghệ sĩ có thể được thanh lọc để trở nên trong trẻo hơn.

=> Phát hiện đầu tiên của nhân vật Phùng cho chúng ta thấy hình ảnh của một người nghệ sĩ chân chính, một người nghệ sĩ với sự một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, yêu cái đẹp và trân trọng cái đẹp. Đối với anh cái đẹp chính là đạo đức. Thế nhưng cũng từ phát hiện này ta cũng nhận ra cái nhìn của nhân vật Phùng có chút phiến diện, chỉ toàn màu hồng, toàn những điều đẹp đẽ mà chưa mang sự từng trải, cái nhìn đa chiều.

2. Liên hệ với hình ảnh chiếc thuyền chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

- Hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích: là hình ảnh đẹp, bình dị có chút thơ mộng. Đây chính là hình ảnh tượng trưng cho nghệ thuật, vẻ đẹp của cuộc sống.

- Hình ảnh chiếc thuyền phải chống chọi giữa phá: là hình ảnh mang tính hiện thực thể hiện những khó khăn, những góc khuất của cuộc đời.

- Nhìn hiện tượng thì đây là hai hình ảnh đối lập nhau nhưng trên thực tế cả hai con thuyền đều hướng đến giá trị riêng: một giá trị là cái dễ thấy, dễ nhìn, một giá trị thì cần đào sâu, tìm tòi mới có thể phát hiện được. Bởi vậy, người nghệ sĩ đứng trước cái đẹp không chỉ đơn giản là nhìn thấy mà còn cần phải nhìn thấu.

=> Thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống: Nghệ thuật phải gắn liền và bắt nguồn từ cuộc sống, không được xa rời cuộc sống và phải quay trở về để phục vụ cuộc sống. Và đối với người nghệ sĩ cũng cần có con mắt tinh tường, thấu cảm trước mọi sự việc của cuộc đời, để từ đó không chỉ phát hiện ra những vẻ đẹp bề nổi mà còn phát hiện những vẻ đẹp khuất lấp, gai góc của cuộc đời này.

III. Kết bài:​


- Khái quát lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

- Khẳng định vị thế của nhà văn.
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
con đường của những vì sao liên hệ hình ảnh chiếc thuyền nguyễn trọng tạo trách nhiệm của thế hệ ý nghĩa sự hi sinh tuổi trẻ đề thi tốt nghiệp thpt quốc gia 2022
  • Like
Reactions: Lãnh Nguyệt Hàn
3K
1
1
Trả lời
Bài mẫu: Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trong tiếp bước các thế hệ đi trước.

Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết:

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời
...

Đất nước là một khái niệm trừu tượng mà cụ thể, cụ thể ở chính từng con người, ở sự truyền thừa nối tiếp mà những người trẻ chúng ta là yếu tố tiên quyết. Vì vậy, những con người trẻ càng phải hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình để tiếp bước cha anh, giữ gìn những gì mà thế hệ trước đã dùng biết bao mồ hôi xương máu tạo ra, phát triển thêm để ghi dấu ấn lại cho ngày mai.

Trách nhiệm là việc mà mỗi người phải làm và có ý thức với những việc làm đó. Tại sao thế hệ trẻ ngày nay cần có trách nhiệm tiếp bước các thế hệ đi trước? Bởi lòng biết ơn. Mỗi người chúng ta sinh ra đều được lớn lên bình an, hạnh phúc nhờ những gì mà thế hệ trước đã tạo ra không chỉ bởi những người trực tiếp sinh thành mà còn bởi lớp lớp những thế hệ đi trước tạo dựng: truyền thống văn hóa, bầu không khí tự do, công trình xây dựng, cả dòng máu ta mang… Vì lòng biết ơn những gì mà cha ông để lại nên chúng ta phải có trách nhiệm. Và trách nhiệm giúp cho xã hội trở nên bình ổn, phát triển không lụi tàn. Đối với thế hệ trẻ, tiếp bước các thế hệ đi trước không chỉ đang góp phần xây dựng nước nhà mà đó còn là cơ hội phát triển bản thân, tích lũy kinh nghiệm, tạo ra cơ hội cho chính mình. Khi mỗi chúng ta thực hiện trách nhiệm của mình với chính bản thân, gia đình và xã hội, chúng ta cũng giúp cho mình ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, sống có ích hơn và tương lai của bản thân cũng sáng lạn hơn.

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình. Chúng ta thực hiện trách nhiệm của bản thân tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Trước hết chúng ta cần ra sức học tập, trau dồi bản thân và tích lũy cho mình nhiều kiến thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Không ngại khó khăn, thử thách, dám dấn thân để có nhiều trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Đừng ngại khó, ngại khổ, đừng ước mơ cao xa vượt ngoài tầm với, hãy làm những việc nhỏ nhưng thiết thực trước rồi hẵng mơ tới những điều cao vời. Tuổi trẻ là dám ước mơ, nhưng cũng phải dám làm, nếu không sẽ chỉ là điều viển vông. Biết ơn, học tập từ quá khứ, hết mình cho hiện tại để hướng tới tương lai ngày càng phát triển, rực rỡ.

Trách nhiệm xây dựng, phát triển đất nước là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người. Một cây làm chẳng nên non. Xã hội chưa từng phát triển dựa trên sức lực của một cá nhân mà là nhờ sự chung tay, đồng lòng của tất cả mọi người. Vì vậy, không chỉ chú trọng vào tích lũy, phát triển bản thân, mỗi chúng ta cũng cần truyền cảm hứng, vực dậy những người trẻ khác còn đang sa đà, mải mê vào cuộc vui mà quên mất trách nhiệm của họ.

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại, nếu những ước mơ chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi để thực hiện thì bạn tôi ơi đừng ngần ngại mà bắt tay vào thực hiện những gì còn đang dang dở trong tim. Bởi khi đã già hơn, khi đã chẳng còn sức lực và nhiệt huyết bạn sẽ chỉ biết ngồi và tiếc nuối đã quá muộn. Một cuộc đời vô nghĩa. Nhiều bạn trẻ vẫn sống ỷ lại, dựa dẫm, không có ý thức muốn học hỏi, cống hiến cho xã hội. Đừng suy nghĩ là tuổi trẻ chỉ có một lần, nếu không hưởng thụ thì già rồi hưởng thụ cũng vô ích. Kiểu hưởng thụ ích kỉ ấy là một sự vô trách nhiệm, ỷ lại, kìm hãm sự phát triển của thế hệ. Chỉ cần một sự kéo chân, đà phát triển sẽ chậm một nhịp, nhiều kẻ kéo chân thì sự phát triển ấy càng thêm trì trệ, đừng cho rằng riêng mình chẳng ảnh hưởng tới ai.

Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước là một điều quan trọng. Là một học sinh, em cần có trách nhiệm với những gì cha ông ta đã gây dựng, phải cố gắng nỗ lực rèn luyện hơn nữa để xứng đáng kế thừa và phát huy các thành quả của các thế hệ đi trước. Và trách nhiệm ấy càng khiến em cảm thấy tự tin bước tiếp về tương lai, sống ngẩng cao đầu.
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.