Bàn luận của em về quan niệm: “Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn!” <Chế Lan Viên>
Dàn ý:
a. Giải thích các từ ngữ then chốt;
"Vị muối" cuộc đời ấy là hiện thực cuộc sống, là những trăn trở, lo âu, buồn phiền, sung sướng, hạnh phúc... Là nhà thơ chân chính, phải lăn lộn ngoài cuộc đời sương gió kia, phải cảm nhận hết nỗi đau, niềm vui, hạnh phúc của con người rồi thổi hồn vào tác phẩm, thơ mới mặn mà, mới neo chặt vào bến hồn người đọc. Tác phẩm phải bắt chặt, phải cắm rễ vào mảnh đất hiện thực mới có thể trở thành dòng suối trong trẻo chảy vào lòng bạn đọc.
"Cái chất mặn" của những vần thơ ấy chính là cái tình của tác giả gửi gắm, là những rung động sâu xa trước hiện thực cuộc sống.....
b. Trình bày quan điểm của người viết:
Nhận định đã phản ánh đúng bản chất của văn học nghệ thuật phải cắm rễ vào hiện thực cuộc sống, phải là những rung động mãnh liệt của nghệ sỹ trước cuộc sống ấy....
Nhưng nếu chỉ là "vị muối của đời" mà không có tài năng, không có con tim nhạy cảm hơn người của nhà thơ thì cũng khó làm nên những vần thơ nóng bỏng. Cái vị muối cuộc đời ấy phải xuyên qua trái tim thi sĩ, thấm nhuần trong tâm hồn thi sĩ thì mới thành những vần thơ bất hủ.
=> Do đó, một nhà thơ vĩ đại phải là một nhà thơ có tài và trên hết, anh phải có vốn sống, phải tắm mình trong bể muối để những nỗi đau, niềm vui, niềm hạnh phúc sáng bừng trong thơ, thế mới trở thành mạch nguồn trong trẻo qua tim người đọc.
c. Dùng lí lẽ và dẫn chứng (trong một tác phẩm cụ thể) để chứng minh:
Làm rõ 2 ý cơ bản:
Vị muối cuộc đời trong bài thơ
Chất mặn trong bài thơ ấy.
d. Vận dụng các ý tìm được để tổ chức thành bài viết theo bố cục của một bài văn nghị luận bàn về một vấn đề văn học.
Nhận xét, rút kinh nghiệm về cách làm bài văn nghị luận một ý kiến bàn về văn học; củng cố kiến thức về vấn đề tiếp nhận văn học.
Bài mẫu
Trong làn gió ru tình, loài hồng kia vẫn đung đưa mình, xao động, khoe sắc hương. Và giữa những câu văn bay bổng, đầy chất thơ của tâm hồn lãng mạn, phóng khoáng Paustopsky, ta nhận ra trong mình có mỹ cảm cao thượng về “bông hồng vàng” mà lão hót rác già Chamette đã dành tặng cho tình yêu bé nhỏ Suzanne. Vậy, thế gian mê đắm cái sinh động, chân thực của cành hồng trước hiên nhà hay cuồng say với những xúc động thẩm mỹ từ vẻ đẹp bất tử của hình tượng nghệ thuật được chưng cất nên từ hiện thực đời sống?
Cuộc đời đa sự luôn tồn tại những nghịch lí, những phạm trù mâu thuẫn đối lập nhau. Như mặt biển phẳng lặng luôn ẩn giấu những đợt sóng ngầm, trong gặp gỡ đã có mầm biệt li, cuộc sống là những phức hợp của khổ đau, hạnh phúc, là những phút giây hân hoan, vui sướng và cũng là những giọt nước mắt thương đau. Tất cả những cung bậc xúc cảm, trạng thái ấy kết tinh nên “vị muối của đời”. Cuộc sống muôn màu với những vấn đề đa đoan của nhân thế, đó là mảnh đất tốt để văn học bén rễ sinh sôi. Công việc của nhà văn là phản ánh và tái hiện đời sống để làm nên “chất mặn” cho trang thơ. Để từ “vị muối” của đời thường ghi tạc trong văn chương, nó làm “mặn lòng” những kẻ đã từng đắm chìm trong trang sách.
Trước khi làm một nghệ sĩ hành hiệp trên văn đàn, tất nhiên nhà thơ nào cũng đã từng là một con người đứng giữa đời sống. Khi mật đời là nguồn dưỡng chất dồi dào để nuôi sống thơ ca, anh phải làm một con ong thợ chăm chỉ cần lao thâm nhập vào thực tế, trải nghiệm đời sống để thấu triệt mọi lẽ nhân sinh. Chính cái bộn bề, phức tạp của đời sống con người khơi dậy trong anh niềm cảm hứng sáng tạo, cung cấp chất liệu thực tế để làm sống động hình tượng nghệ thuật của riêng mình. Từ trường đời lăn lộn đến trang văn, những sóng gió bão táp của số phận như phù sa bồi đắp thêm kinh nghiệm sống lịch lãm, thăng trầm, làm nên “chất mặn” cho những trang thơ, sự sâu nặng trong cái nhìn nghệ thuật độc đáo của người nghệ sĩ về con người và cuộc đời.
Nếu tha nhân có những phút giây yếu lòng, khuất phục trước thương đau, tự tôn cái tôi vị kỷ thì bi kịch thay cho người nghệ sĩ, dù vết thương lòng vẫn còn rỉ máu, trái tim anh vẫn cứ vị tha, đập mãi vì nỗi đau đời, vì những khổ sở vẫn còn tồn tại trên nhân thế. Là người tỉnh táo và bản lĩnh khước từ chén canh Mạnh Bà quên lãng, ngòi bút của thi nhân phải luôn là “thứ khí giới thanh cao đắc lực” phản tỉnh con người, để họ nhận ra “vị muối của đời”, để mà thấm thía, chiêm nghiệm, vượt qua.
Thơ, tự trong bản chất là những xúc cảm đột khởi, thăng hoa mãnh liệt, đồng thời cũng là những triết nghiệm ý vị sâu lắng về đời sống và con người. Phải sống sâu, phải lặn ngụp kĩ vào bể đời, người nghệ sĩ mới kết tinh được “chất muối” tinh quý của cuộc đời để làm nên “chất mặn” cho trang thơ.
Bất kì một người nghệ sĩ nào cũng thoát thai từ một môi trường nhất định. Bất kì một tác phẩm nghệ thuật nào cũng khúc xạ từ những vấn đề trong cuộc sống. Thời đại nào, giọng điệu ấy. Mỗi nhà văn cất bút đều là đứa con cất tiếng của một thời đại xác định. Trên trang văn, người của một thế kỉ đều in đậm những vấn đề mang dấu ấn của thời gian. Từ “bi kịch Eudipe” làm vua của kịch gia vĩ đại Sophocle đã truy vấn sự thật bản nguyên, thuyết thiên mệnh áp đặt lên số phận con người trong buổi bình minh của văn minh nhân loại. Đến “tấn trò đời” bi hài của Balzac đã phản ánh sự lên ngôi của đồng tiền trong xã hội tư sản Pháp. Hay như Lev Tolstoy là tấm gương vĩ đại phản chiếu nước Nga tự cường trong chiến tranh Vệ quốc trước đoàn quân Napoleon trong thiên tiểu thuyết lừng danh “chiến tranh và hòa bình”. Hay Nguyễn Du với mối thương tâm về khúc Bạc mệnh của một kiếp đoạn trường trong lồng sắt xã hội phong kiến Việt Nam tù túng, chật hẹp. Và đến Lỗ Tấn, với con dao nhọn sắc bén ông đã khoan sâu vào những ung nhọt của căn bệnh quốc tính “phép thắng lợi tinh thần” của dân tộc Trung Hoa. Mỗi trang văn đó đều soi bóng thời đại mà nó ra đời, đều thu nhặt những “vị muối của đời” để kết tinh nên “chất mặn của trang thơ”.
Với tiếng bi ca của một trái tim trần, thi sĩ Kobayashi Issa hiểu hơn ai hết về bản chất của cõi tạm phù sinh hư ảo:
“Ta bà một cõi đau
cho dù mùa xuân đó
đang nở những hoa đào.”
Dù sắc xuân đang trong kì nở rộ, dẫu cái đẹp đang trong thời lên ngôi nhưng với tâm hồn tràn đầy xúc cảm, nặng nợ nỗi đau đời và cái nhìn thấu suốt của một thi nhân lịch lãm, Issa thấy trong cái đẹp vẫn có sự xâm lấn của nỗi đau hay là nỗi đau đang dần chuyển hóa, khơi gợi lên trong lòng người những mỹ cảm đầy triết vị. Chính “vị muối” đắng cay của bi kịch đời thường đã kiến tạo nên “chất mặn” của nhận thức về tính biện chứng của quy luật cuộc sống, của tư thế hiên ngang giữa đất trời, chấp nhận và thấu suốt khổ đau. Biển đời không phải là nơi gió dập sóng dồi đọa đày cuộc đời người thi sĩ, mà đấy chính là cái nôi để người cầm bút được sinh thành, làm nên một thi nhân. Ở nơi đấy, có một Issa “bước đi trên mái điện ngục” để ngắm nhìn hoa bay.
Triết gia Aristole vĩ đại đã từng khẳng định: “Nghệ thuật là sự mô phỏng cuộc sống”. Đấy không phải là sự quy chụp nhân sinh trong giới hạn của bốn góc cạnh hay sự sao chép nguyên si bản nguyên đời sống. Hiện thực trong văn chương là khoảng không mở ra thế giới vô cùng, là sự thật đậm đặc, là tinh chất của muối đời đã được “chắt lọc”, “nâng lên”, “tập trung cao độ” mang giá trị tư tưởng cao. Lấy thực tế làm gốc, người nghệ sĩ sáng tạo lại hiện thực, biểu hiện khát vọng và giấc mơ của con người. Dụng công của người phu chữ đèo bòng nợ văn chương là cái nghiệp lao động nghệ thuật, xử lí chất liệu đời sống, chắp cánh tư tưởng cho nguyên liệu thô “dâu xanh”, “gạo trắng”, có thể hóa sinh thành “kén vàng”, bốc lên thành “men rượu”. Để từ đó, hiện thực đời sống được bất tử hóa, không còn chịu lẽ vô thường biến cải nương dâu. Hiện thực mang tính quan niệm, tư tưởng trong văn chương tác động vào lòng người bằng con đường tình cảm, từ thay đổi nhận thức đến biến chuyển hành động, bạn đọc sẽ thay mặc “dâu xanh”, “gạo trắng” để kết tinh nên “kén vàng”, làm nên “men rượu” cho cuộc đời thực.
Trước những cảnh ngộ, bi kịch thoáng qua của cuộc sống, khi quyết định đòi hỏi sự bản lĩnh thì bản năng ích kỉ, vô cảm dễ xâm lấn, trỗi dậy, khiến người ta thờ ơ trước nỗi đau, vết thương của người khác. Nhưng trong không gian thinh lặng của văn học, chỉ còn cuộc đối thoại của bạn đọc với trang sách, tòa án lương tâm sẽ phán quyết, quỷ thần hai vai sẽ chứng ngộ, mọi suy nghĩ, tư tưởng của người đọc đều được suy xét kĩ lưỡng. Khi ấy, tiếng nói của lương tri sẽ lên ngôi. Cộng hưởng với đó là ánh sáng của tầm cao tư tưởng văn nhân soi đường, chỉ lối nên “bông hồng vàng” lấm láp bụi quý của Paustovsky sẽ có sức ám ảnh dài lâu, bền bỉ hơn vẻ đẹp chân thực, sống động của cành hồng trước hiên nhà.
Theo lẽ thường của quy luật sáng tạo, văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Sự thật chỉ có một, như “dâu xanh”, “gạo trắng” của đời thực, loại nào cũng giống nhau. Bằng tài nghệ và sự dụng công của người chưng cất, sẽ đưa ra thành phẩm “kén vàng” và “men rượu” khác nhau. Cũng như bản chất của nghệ thuật là hoạt động sáng tạo mang tính cá thể, là địa hạt của sự độc đáo nên dị bản đời sống sẽ thành hình khác nhau theo cá tính sáng tạo riêng và quan điểm lập trường thời đại mà người nghệ sĩ chịu ảnh hưởng.
Cùng sống trong thời đại nhiễu nhương của xã hội thực dân nửa phong kiến những năm 1930-1945, mỗi người nghệ sĩ bước lên văn đàn với lăng kính nghệ thuật độc đáo đều cho ra những phản chiếu khác biệt về hiện thực đời sống. Như trang văn của Vũ Trọng Phụng đã vạch trần hiện thực xã hội “chó đểu” của lũ người bịp bợm, giả dối với những ảo tưởng về xã hội thượng lưu. Đứng trước “ao đời bằng phẳng” của những phố huyện nghèo tàn tạ, xơ xác, “bóng hoàng lan” Thạch Lam vẫn ngào ngạt hương hy vọng, nâng niu trân trọng những giấc mơ đổi đời, những tâm hồn trong sáng, thơ ngây. Như “củi một cành khô” lạc lõng giữa dòng tràng giang, sống trong hiện thực ấy, Huy Cận thấm thía cảm giác đứng giữa quê hương mà nhớ quê hương. Rạo rực, say mê, cuồng nhiệt hơn cả, Xuân Diệu với cặp mắt xanh non biếc rờn, với niềm giao cảm sâu sắc với đời đã vượt qua được cái bề mặt nổi của hiện thực ngột ngạt tù túng để nhận ra trần thế là một thiên đường ngọt mật và sống đã là một đặc ân.
Với khát khao được khẳng định ý nghĩa của sự tồn tại, giá trị riêng của vân tay nghệ thuật, những gì anh viết ra đều trọn vẹn là những điều anh trăn trở, băn khoăn, trân quý nhất. Đó là mãnh lực đặc biệt để thu hút bạn đọc đến với văn chương. Bởi lẽ, với từng góc độ quan sát, cách cảm, cách nghĩ khác nhau của nhà văn sẽ làm phong phú thêm vốn sống, bồi sâu con mắt tinh đời để bạn đọc phát hiện những chân lí bình dị, những vẻ đẹp khuất lấp trong đời sống hằng ngày. Với lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút, thiên chức của người nghệ sĩ sẽ không dễ dàng cho anh buông lơi hiện thực, xa lìa đời sống, ru mộng con người bằng những giấc mơ đời xa xôi.
Văn chương không nên là tấm gương phản chiếu, sao chép đời sống. Văn chương phải là những lời phản tỉnh, tranh biện về cuộc đời, chất vấn về sự tồn tại của con người, phải đặt ra những câu hỏi trăn trở cho thời đại và nhân loại. Với góc nhìn mới mẻ, độc đáo và những phát hiện riêng của người nghệ sĩ trong quá trình sống giữa cuộc đời, cùng trí tưởng tượng phong phú, người nghệ sĩ kiến tạo nên thế giới của ước mơ, lí tưởng, vươn lên trên hiện thực khách quan, để phá vỡ các giới hạn của sự tồn tại. Bởi thế, chân lý nghệ thuật thống nhất nhưng không đồng nhất với chân lý của đời sống.
Có lẽ, tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh là lời phản biện sâu sắc, gây chấn thương nhất về cái nhìn cũ đầy lòng tự hào về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Với sự đặc tả, “chắt lọc”, “trau chuốt”, “tập trung cao độ” về những mảnh vỡ kí ức của bi kịch người lính Kiên, ta đã nhận ra sự thật tàn khốc, mặt trái của chiến tranh, cái chết đau khổ của những người lính, sự hủy diệt tàn bạo tình yêu và cái đẹp. Bước qua cuộc chiến, tâm hồn của những người lính trở nên dị dạng, méo mó, mãi mãi không thể bình yên, thanh thản, vượt thoát khỏi bàn tay siết chặt của ám ảnh kinh hoàng về chiến tranh. Lịch sử đã sang trang, hòa bình đã ôm trọn bầu trời yên ả nhưng nỗi buồn về một thời khốc liệt vẫn còn mãi vì từ ấy đã có những con người tuyệt tự với cuộc đời. Với góc nhìn cá nhân về thân phận con người đầy tính nhân bản, nhân loại, qua “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, người đọc được dịp đối mặt với chính mình, biết biến cải tư tưởng, biết quý trọng con người, biết sống sao cho xứng đáng để không phụ lòng “những người đáng sống nhất lại mãi nằm yên trong sâu thẳm rừng thiêng”.
Nếu trang văn của anh chỉ mãi chăm chú kí thác những “vị muối của đời”, sao chép nguyên si cái bộn bề, phức tạp của đời sống, thì khác chi tác phẩm anh là một bản ghi chép chân thực của đời sống chẳng tác động, lay chuyển gì trong tâm thức người đọc. Nhưng cũng sẽ là hoài công vô ích như kiếp dã tràng, nếu sự sáng tạo, phóng bút của anh không gắn liền với hiện thực đời sống, xa lạ với những vấn đề thuộc về thân phận con người thì văn chương kia khác gì con tem gửi vào vũ trụ, để rồi im lặng biến mất giữa thinh không. Đời sống muôn màu là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng nghệ thuật, là chìa khóa hữu ích để bạn đọc giải mã mọi hình tượng nghệ thuật phức tạp. Văn chương chân chính luôn đi từ giải thích đúng đắn thế giới đến cải tạo đời sống bằng những sáng tạo nghệ thuật riêng của người nghệ sĩ.
Với bi kịch kiếp sống mòn của người tri thức tiểu tư sản, kết hợp với nguyên tắc điển hình hóa – đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực, Nam Cao đã kết tinh nên “vị muối của đời” để sáng tạo nên hình tượng nhân vật Hộ, điển hình với bi kịch vỡ mộng của một nhà văn và bi kịch vi phạm triết lí tình thương của một con người. Đó không phải là vấn đề của một thời, là trăn trở riêng của một người. Chừng nào hiện thực ngột ngạt, tù túng còn va đập, phá vỡ lý tưởng, còn bóp nghẹt ước mơ cao cả của con người thì chừng ấy vẫn còn tiếp diễn những bi kịch tinh thần như nhà văn Hộ của Nam Cao.
Từ nhận định của Chế Lan Viên ta nhận chân phương thức phản ánh và sáng tạo hiện thực của nhà văn. Nhà văn tài năng không chỉ là người thợ đúc chữ điệu nghệ mà còn ở khả năng quan sát tinh tế, rộng rãi về đời sống, phát hiện và phản ánh những bí ẩn hiện thực khuất lấp, ẩn chìm trong nhân sinh. Từ “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, người nghệ sĩ phải chiêm nghiệm sâu sắc, gia cố thêm tầng sâu tư tưởng để tác động sâu vào lòng người đọc. Đến phiên mình, bạn đọc không chỉ thờ ơ, dựa dẫm vào những bài học ý nghĩa trên trang văn. Bằng những trải nghiệm từ trường đời, phút giây trầm mặc trên trang sách, người đọc phải đọc sâu mạch ngầm văn bản, mở rộng chân trời đón nhận để phát hiện được những bến bờ hiện thực mới mẻ trong nghệ thuật và đời sống.
Cành hồng trước hiên nhà sẽ tàn phai theo năm tháng. Duy chỉ “bông hồng vàng” là được bất tử hóa nhờ vào sự dụng công tài nghệ của người nghệ sĩ. Dù phản ánh hiện thực bằng chuyện đời như con ong chăm chỉ hút mật hay như con tằm rút ruột nhả tơ, giãi bày nỗi niềm riêng thì mối quan hoài thường trực của người nghệ sĩ vẫn luôn là số phận con người và hiện thực đời sống. Bởi lẽ, tất cả nghệ thuật trên Trái Đất đều phục vụ cho nghệ thuật sống của con người.
HUỲNH THANH THẮNG
HỌC SINH 12CV TRƯỜNG THPT NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
NIÊN KHÓA 2016 - 2019