"Khả năng khơi dậy chất người" và "khích lệ con người" trong "Chí Phèo"

"Khả năng khơi dậy chất người" và "khích lệ con người" trong "Chí Phèo"

Đề: "Một tác phẩm văn chương đích thực bao giờ cũng ẩn tàng trong đó cái khả năng khơi dậy chất người trong con người và khích lệ con người vượt lên chính nó". Chứng minh qua tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao

*Đây là phần chứng minh làm sáng luận điểm, đã lượt bớt phần giải thích, bàn luận và mở rộng

Lại trở về với Chí, nhà tù thực dân không những tạo ra một thằng Chí kệch cỡm, thích chửi người mà còn là một thằng lưu manh giở thói ăn vạ. Mà lạ ở chỗ, hắn ăn vạ cái tên làm đời hắn khổ. Hắn chửi dân làng Vũ Đại vậy mà lại chỉ tử tế với mỗi mình Bá Kiến. Chí khù khờ trước thực tại rằng Bá Kiến đã đẩy hắn vào chỗ ngục tù, khiến hắn vỡ mộng đời, trở nên tha hóa và giờ thì lão đưa tay “thương anh khốn khó”. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, khi người ta không thể sinh tồn như một con sói thì chỉ có thể trở thành con chó ngoan dưới chân người khác mà thôi, và Chí đã chọn vế thứ hai, hắn trở thành tay sai của Bá Kiến. Nhục nhưng đủ tiền cho hắn thỏa sức uống rượu. Và với hắn, thế là đủ. Nhưng nếu Nam Cao chỉ viết văn để miêu tả một thằng Chí lưu manh và đê tiện thì làm sao người đọc có thể động đậy những tình cảm, sự xúc động cho một kẻ như thế? Cái “khơi dậy chất người” ở “Chí Phèo” là bi kịch đời Chí. Đâu phải tự dưng mà Chí trở nên xấu xa đến đê tiện, hắn cũng từng là anh nông dân hiền lành với những ước mơ giản đơn như bao người: “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”. Nhưng đời đâu có để hắn yên. Đời làm hắn khổ và cái mong ước bình dị, dễ dàng ấy với hắn nay xa vời quá. Hắn chỉ có thể mơ sau những cơn mê man vì rượu và lần nữa được đánh thức bởi Thị Nở, hay nói đúng hơn là bởi bát cháo hành của Thị. Bát cháo ấy trước hết là một chi tiết lạ. M. Gorki từng nói: “Chi tiết là hạt bụi vàng của tác phẩm” và vì thế nhiều nhà văn cố vắt óc nghĩ ra những chi tiết có tấm vóc thật vĩ mô đến nỗi xa rời bức tranh hiện thực vẫn đầy những gam màu xám. Nhưng Nam Cao thì đi ngược hướng ấy, ông chọn một chi tiết rất quen thuộc trong đời sống con người: Một bát cháo hành. Đó nào đơn thuần là một bát cháo ăn cho giải rượu, giải cảm mà còn khơi dậy trong nó một thứ tình người thiêng liêng- thứ mà Chí chưa từng được nếm thử. "Đôi khi bạn yêu mến một người nào đó bởi vì người ta thật lòng yêu mến bạn" (Nguyễn Nhật Ánh). Mà Chí thì chưa yêu ai bao giờ vì chẳng một ai yêu hắn. Người ta cho hắn tiếng mắng, tiếng chửi chỉ có Thị là cho hắn tình thương làm sưởi ấm trái tim hắn và hắn nhận ra rằng: “Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây kẻ thù?”. Đời Chí có lẽ ăn nhiều bát cháo hành nhưng làm hắn rơm rớm nước mắt chỉ có thể là bát cháo của Nở. Giọt nước mắt ấy là biểu hiện của chất người. “ Một [người] qua một giọt nước mắt có thể nhìn thấy xa hơn là qua kính thiên văn” (Lord Byron). Qua giọt nước mắt của Chí, người ta thấy sâu trong đó là một anh nông dân hiền lành với một ước mơ bình dị của một đời chân chất. Nguyễn Ngọc Tư từng tâm sự với báo giới rằng: "Tôi nghĩ nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang theo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt". Khi Chí rơi lệ, ta không còn thấy một thằng lưu manh chuyên rạch mặt ăn vạ trong ngươi mắt của thói đời nữa mà bắt gặp được bóng dáng một con người trong hành trình được gọi thức, trở về với bản tính nguyên sơ như cách ông Diểu trong "Muối của rừng" (Nguyễn Huy Thiệp) được tắm mình dưới cơn mưa xuân với thân thể và tâm hồn trần trụi nhất . Và người ta nhận ra con quỷ kia cũng từng là người, chỉ là trái tim thiện lương của hắn bị mài mòn đi từng chút mà thôi. Bát cháo hành không chỉ là bát cháo mà còn là tình người nóng hổi. Không những "khơi dậy chất người" trong Chí mà còn "khơi dậy chất người" trong tâm hồn những kẻ dõi theo trang giấy, "cho ta những tình cảm ta chưa có, luyện những tình cảm ta sẵn có". Và đôi khi thứ ta cần không phải là những món quà xa xỉ, đắt giá mà chỉ là những bát cháo hành như thế để vực mình dậy trước những cú ngã sõng soài trên đường đời. “Bát cháo hành” giờ đây đã không còn là một chi tiết nằm im lìm, phẳng lặng, đầy vô tri trên trang giấy mà trở thành một chi tiết bất hủ để nói về tình thương giữa người với người. Và cứ mỗi lần nhắc đến nó trái tim của độc giả lại thấy rung động, đồng cảm thay cho số phận của Chí, một người thèm khát sự lương thiện mà những vết mảnh chai hằn sâu trên mặt thì không sao xóa được. Điều ấy chứng tỏ sự thành công của Nam Cao trong việc “khơi dậy chất người” trong sáng tác của mình. Ông cũng mang lại một góc nhìn mới về cái khổ của những người nông dân trong những năm trước Cách mạng tháng Tám. Đó không chỉ là nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền như chị Dậu hay lão Hạc mà còn là sự day dứt trong lương tâm khi không thể trở lại làm người dân lương thiện.

Nhưng "Chí Phèo" không chỉ dừng lại ở việc khiến nhiều thế hệ độc giả rơi nước mắt trước trang sách thôi đâu. Nó còn là lời thôi thúc con người đấu tranh cho cái thiện, cho hạnh phúc đời mình, là sự "khích lệ con người vượt lên chính nó". Người đọc thấy hình ảnh một anh Chí sau yêu dễ mến và hiền lành khi trong anh sống dậy những mơ ước thời trẻ đầy tươi sáng và mong đợi. Mà không những Chí, cả Thị Nở cũng thế. Có lẽ với một người như Thị, đó cũng là lần đầu tiên rung động và biết đâu trong hình hài không mấy xinh đẹp đó đã luôn ấp ủ một ước mơ về tình yêu lứa đôi như bao cô gái khác? Thị yêu Chí với lòng yêu của một người làm ơn và lòng yêu của một người chịu ơn. Kẻ ác như Chí thì chẳng ai thèm yêu. Người xấu như Thị thì chẳng ma nào ngó đến. Ấy thế mà hai con người đó yêu nhau và sưởi ấm nhau. Người đọc thấy cũng mong ngóng, mơ ước cho mình một mái ấm riêng và thấy đỡ nhiều nỗi tự ti nếu bản thân còn nhiều khiếm khuyết bởi họ nhận ra rằng ai cũng xứng đáng có được hạnh phúc. Có lẽ cái tên "Đôi lứa xứng đôi" mà Nhà xuất bản Đời mới- Hà Nội tự ý sửa đổi không chỉ để chạy theo "mốt" văn học lãng mạn viết về tình cảm nam nữ bấy giờ mà còn có thể bởi chính biên tập tòa soạn với tư cách độc giả cũng bị rung động khi thấy chuyện tình kì lạ nhưng đầy hơi ấm tình người này chăng? Không chỉ thôi thúc con người đi tìm tình yêu đích thực, Chí Phèo còn là kim chỉ nam dẫn lối con người đấu tranh cho hạnh phúc đời mình qua hình ảnh thằng Chí đi tìm lương thiện bằng việc giết Bá Kiến- kẻ gây ra mọi đau khổ đời Chí trong cơn vô thức. Chủ đích ban đầu của Chí chưa bao giờ là giết tên cường hào làng Vũ Đại ấy. Sau khi nhận lại cái ngoáy đít đầy phũ phàng của Nở, trong đầu hắn chỉ nghĩ đến việc đên nhà Thị, "để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó". Chính Nam Cao lúc này cũng đã tự hỏi: "Cái gì đã làm hắn quên rẽ vào nhà Thị Nở?". Theo thuyết phân tâm học Freud, hiện tượng tinh thần của con người được chia làm ba loại: ý thức, tiền ý thức và vô thức. Học thuyết đó quan niệm nhân cách của cá nhân là cảnh tượng về một cuộc chiến dai dẳng, giữa một bên là những thôi thúc nguyên sơ và không thể chấp nhận được, đang mong muốn được diễn tả, một bên là các lực lượng cố tìm cách từ chối hoặc ngụy trang các thôi thúc đó. Ở Chí đã xảy ra một cuộc chiến mãnh liệt trong phần vô thức mà hắn đã cố gắng dồn nén và chỉ bộc lộ một phần qua tiếng chửi cùng những hành vi kệch cỡm. Cuộc đầu tranh dai dẳng ấy được đẩy lên cao trào bởi sự phản bội của Thị, dẫn đến chuỗi hành động sau này (giết Bá Kiến, tự sát giành lương thiện). Muốn ác phải là kẻ mạnh nhưng Chí không phải kẻ mạnh, hắn chỉ liều nhờ vịn vào rượu. Hết rượu, hắn chỉ là anh nông dân hiền lành và thèm khát lương thiện. Người đọc nhìn vào một Chí phèo khao khát được trở về với dáng dấp một người dân lành đến nỗi phải vùng dậy đấu tranh ấy và họ thấy bản thân mình cũng nên làm một cuộc Cách mạng tinh thần như thế. Bởi vì một thằng như Chí còn muốn lương thiện, tội gì những người như ta lại không thể sống lương thiện và có ích cho đời? Chí tuy không thể sống đời lương thiện được nhưng người đọc thì có thể viết tiếp mơ ước ấy và điều đó tạo thành "sự khích lệ con người vượt lên chính nó".
 
  • Chi_Pheo.jpg
    Chi_Pheo.jpg
    47.8 KB · Lượt xem: 755
  • Like
Reactions: Phong Cầm
2K
1
1
Trả lời
Đề này mình làm đã lâu, nay đọc lại và sửa một ít để đem lên chia sẻ với mọi người. Hi vọng không có quá nhiều sai sót.
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.