Tình huống truyện là sự kiện, là hoàn cảnh, tình thế của câu chuyện. Tình huống này chứa đựng những mâu thuẫn, bất thường, thậm chí là nghịch lý trong cuộc sống của nhân vật. Nhờ tình huống mang những đặc trưng kể trên, người viết có thể tạo nên hoàn cảnh, tình thế cho nhân vật. Thông qua đó, nhân vật bị buộc đưa ra lựa chọn, thể hiện tư tưởng, tâm lý, hành động của nhân vật.
I. Khái niệm tình huống truyện:
Tác phẩm có nhiều sự kiện. Nhưng không phải sự kiện nào cũng là tình huống truyện. Chỉ những sự kiện nổi bật nhất, thể hiện rõ những tình huống éo le, hấp dẫn và lột tả tâm lý, hành động của nhân vật mới được coi là tình huống truyện.
"Tình huống là một khoảnh khắc của dòng chảy đời sống mà qua khoảnh khắc ấy thấy được vĩnh viễn, qua giọt nước thấy được đại dương. Khoảnh khắc rất ngắn ngủi, chỉ trong thoáng chốc, đến và qua thật nhanh. Nó tựa như giọt nước giữa đại dương vô tận, như lát cắt của một thân cây. Nhưng thật kỳ diệu, từ những khoảnh khắc nhỏ ấy, người đọc khám phá được cái vĩnh viễn, cái chân lý của cuộc sống mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm".
Nói một cách khái quát, tình huống truyện là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt trong truyện khiến tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất. Hoặc cũng có thể hiểu: Tình huống truyện là cái tình thế xảy ra truyện, là khoảnh khắc được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết về tình huống truyện như sau: "Tình huống chính là thứ nước rửa ảnh làm nổi hình nổi sắc nhân vật, làm rõ tư tưởng nhà văn, là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người". Và "Tình huống truyện là một lát cắt trên thân cây mà qua đó thấy được trăm năm đời thảo mộc".
II. Phân loại tình huống truyện:
Có 3 loại tình huống truyện thường được các tác giả chú tâm xây dựng, đó là:
1. Tình huống hành động:
Chủ yếu xoay quanh hành động có tính bước ngoặt của nhân vật. Hành động này có chức năng làm thay đổi cảnh ngộ, trạng huống hoặc một đoạn đời của nhân vật.
2. Tình huống tâm trạng:
Chủ yếu xoay quanh tâm trạng, cảm xúc có tính phát khởi, gây biến đổi của nhân vật khi đối diện với tình thế đặc biệt diễn ra trong cảnh huống có liên quan đến bản thân (được đặt ra trong truyện). Loại tình huống này thường gặp trong những kiểu truyện trữ tình, không có cốt truyện, đậm yếu tố lãng mạn mà dòng diễn biến tâm lí nhân vật là hạt nhân cốt lõi làm nên cấu trúc của truyện (loại truyện ít diễn biến, nghèo về hành động, đối tượng chủ yếu mà nhà văn khám phá là thế giới nội tâm tinh tế, là trạng thái cảm xúc mơ hồ của nhân vật trước cuộc sống). So với tình huống hành động, loại tình huống tâm trạng khó nhận ra hơn.
3. Tình huống nhận thức:
Chủ yếu xoay quanh tình thế chứa đựng giây phút “giác ngộ” chân lí của nhân vật (sự nhận thức lại về ý nghĩa thật sự của một vấn đề, một lĩnh vực nào đó trong quan niệm hoặc trong đời sống). Nhà văn đặt nhân vật vào một tình huống đầy bất ngờ, nghịch lí để từ đó nhân vật hiểu ra, vỡ lẽ ra và nhận thức được những vấn đề mà trước đó họ hiểu chưa đầy đủ hoặc chưa hiểu hay thậm chí đã ngộ nhận về nó.
III. Vai trò, ý nghĩa của tình huống truyện:
- Với cốt truyện: Thúc đẩy cốt truyện phát triển, tạo kịch tính.
- Với nhân vật: Thể hiện tính cách, tâm lí nhân vật
- Với chủ đề, tư tưởng tác phẩm: Làm sáng rõ tư tưởng.
=> Tình huống truyện càng độc đáo, kì lạ thì truyện càng lôi cuốn, hấp dẫn người đọc và thể hiện tài năng của tác giả.
Trong các tác phẩm Lớp 12, chúng ta có những tình huống truyện nổi bật và đáng lưu ý như tình huống "nhặt vợ" trong truyện ngắn Vợ nhặt, tình huống nhận thức trong Chiếc thuyền ngoài xa (tác phẩm đã hướng đến giây phút giác ngộ về nghệ thuật và cuộc sống của hai nhân vật Phùng và Đẩu).
(VHT tổng hợp)
I. Khái niệm tình huống truyện:
Tác phẩm có nhiều sự kiện. Nhưng không phải sự kiện nào cũng là tình huống truyện. Chỉ những sự kiện nổi bật nhất, thể hiện rõ những tình huống éo le, hấp dẫn và lột tả tâm lý, hành động của nhân vật mới được coi là tình huống truyện.
"Tình huống là một khoảnh khắc của dòng chảy đời sống mà qua khoảnh khắc ấy thấy được vĩnh viễn, qua giọt nước thấy được đại dương. Khoảnh khắc rất ngắn ngủi, chỉ trong thoáng chốc, đến và qua thật nhanh. Nó tựa như giọt nước giữa đại dương vô tận, như lát cắt của một thân cây. Nhưng thật kỳ diệu, từ những khoảnh khắc nhỏ ấy, người đọc khám phá được cái vĩnh viễn, cái chân lý của cuộc sống mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm".
Nói một cách khái quát, tình huống truyện là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt trong truyện khiến tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất. Hoặc cũng có thể hiểu: Tình huống truyện là cái tình thế xảy ra truyện, là khoảnh khắc được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết về tình huống truyện như sau: "Tình huống chính là thứ nước rửa ảnh làm nổi hình nổi sắc nhân vật, làm rõ tư tưởng nhà văn, là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người". Và "Tình huống truyện là một lát cắt trên thân cây mà qua đó thấy được trăm năm đời thảo mộc".
II. Phân loại tình huống truyện:
Có 3 loại tình huống truyện thường được các tác giả chú tâm xây dựng, đó là:
1. Tình huống hành động:
Chủ yếu xoay quanh hành động có tính bước ngoặt của nhân vật. Hành động này có chức năng làm thay đổi cảnh ngộ, trạng huống hoặc một đoạn đời của nhân vật.
2. Tình huống tâm trạng:
Chủ yếu xoay quanh tâm trạng, cảm xúc có tính phát khởi, gây biến đổi của nhân vật khi đối diện với tình thế đặc biệt diễn ra trong cảnh huống có liên quan đến bản thân (được đặt ra trong truyện). Loại tình huống này thường gặp trong những kiểu truyện trữ tình, không có cốt truyện, đậm yếu tố lãng mạn mà dòng diễn biến tâm lí nhân vật là hạt nhân cốt lõi làm nên cấu trúc của truyện (loại truyện ít diễn biến, nghèo về hành động, đối tượng chủ yếu mà nhà văn khám phá là thế giới nội tâm tinh tế, là trạng thái cảm xúc mơ hồ của nhân vật trước cuộc sống). So với tình huống hành động, loại tình huống tâm trạng khó nhận ra hơn.
3. Tình huống nhận thức:
Chủ yếu xoay quanh tình thế chứa đựng giây phút “giác ngộ” chân lí của nhân vật (sự nhận thức lại về ý nghĩa thật sự của một vấn đề, một lĩnh vực nào đó trong quan niệm hoặc trong đời sống). Nhà văn đặt nhân vật vào một tình huống đầy bất ngờ, nghịch lí để từ đó nhân vật hiểu ra, vỡ lẽ ra và nhận thức được những vấn đề mà trước đó họ hiểu chưa đầy đủ hoặc chưa hiểu hay thậm chí đã ngộ nhận về nó.
III. Vai trò, ý nghĩa của tình huống truyện:
- Với cốt truyện: Thúc đẩy cốt truyện phát triển, tạo kịch tính.
- Với nhân vật: Thể hiện tính cách, tâm lí nhân vật
- Với chủ đề, tư tưởng tác phẩm: Làm sáng rõ tư tưởng.
=> Tình huống truyện càng độc đáo, kì lạ thì truyện càng lôi cuốn, hấp dẫn người đọc và thể hiện tài năng của tác giả.
Trong các tác phẩm Lớp 12, chúng ta có những tình huống truyện nổi bật và đáng lưu ý như tình huống "nhặt vợ" trong truyện ngắn Vợ nhặt, tình huống nhận thức trong Chiếc thuyền ngoài xa (tác phẩm đã hướng đến giây phút giác ngộ về nghệ thuật và cuộc sống của hai nhân vật Phùng và Đẩu).
(VHT tổng hợp)