Luôn có những chuyện tốt và chuyện xấu xảy ra, đó là cách mà cuộc sống vận hành...

Luôn có những chuyện tốt và chuyện xấu xảy ra, đó là cách mà cuộc sống vận hành...

Hàng trăm triệu năm về trước, có lẽ xương rồng vẫn còn là một loài cây có lá nhỏ và dẹt như lá trà, nhưng để thích ứng dần với vùng khí hậu khắc nghiệt giữa những dải cát dài nóng bỏng, nó đã tự biến chính mình thành những thân gai nhọn hoắt, vừa để chống chọi lại cái khô hạn dằng dặc, vừa để tự vệ khỏi móng vuốt của những bầy thú khát nước đi lang thang trong sa mạc mênh mông. Bạn nhìn thấy điều gì trong tồn tại của loài cây ấy? Phải chăng là quy luật để sống còn giữa thế giới này? Như những dòng mà Taylor Saint Smith - bé gái 12 tuổi đã qua đời vì bệnh viêm phổi, viết cho chính mình mười năm sau?

“Hãy nhớ rằng đã 10 năm qua rồi kể từ khi tớ viết thư cho cậu. Luôn có những chuyện tốt và xấu xảy ra, đó là cách mà cuộc sống vận hành và cậu phải thích nghi với điều đó”.

Cha mẹ của Taylor đã vô tình tìm ra bức thư này sau khi em qua đời. Bức thư mười hai gửi cho chính mình hai mươi hai. Ở tầm tuổi em, hẳn đó là những lời nói vô cùng “bà cụ non” nhỉ? Mười hai tuổi, người ta chưa đủ chín chắn để nhận xét một điều gì, rằng cuộc sống thế này hay thế khác. Mười hai tuổi, tôi vẫn còn là đứa con nít suốt ngày ôm mẹ làm nũng đòi đi chơi. Có thể đó chỉ là với tôi mà thôi. Mười hai tuổi, thần chết đã lạnh lùng tước mất sự sống mỏng manh khỏi đôi bàn tay của Taylor nhỏ bé. “Luôn có những chuyện tốt và xấu xảy ra, đó là cách mà cuộc sống vận hành”. Tôi không biết tâm thế khi viết những dòng thư trên của Taylor là gì, là tràn đầy hi vọng cho một tương lai tốt đẹp phía trước, hay là khao khát được sống khi nghe tin về căn bệnh viêm phổi quái ác kia, nhưng hẳn rằng, cuộc sống luôn bộn bề những điều không đoán trước. Đó là cách mà nó đã xảy ra với gia đình của Taylor, và với tất cả chúng ta, không ai là ngoại lệ.

Tốt và xấu, đó là hai mặt đối lập tồn tại song song nhau trong cùng một cặp phạm trù, cấu thành hai thái cực của cuộc sống. Nói chung chung thì là vậy, vì cuộc sống không chỉ đơn độc hai màu trắng đen tốt xấu, cuộc sống là cả một bảng màu pha trộn lẫn nhau. Nó rắc rối phức tạp, khó phân tách rạch ròi và không hề nhất thành bất biến. Ta chẳng bao giờ đoán biết được điều gì sẽ xảy ra trong vòng vài phút tới. Có những điều đã được định đoạt từ trước mà không ai có thể phủ nhận, dù nó tốt hay xấu. Cũng có những lúc cuộc sống bất ngờ như một cơn gió đột ngột đổi hướng đi, thổi bay mọi dự định hay nỗ lực phấn đấu của con người. Cách vận hành của cơn gió này chúng ta không thể thăm dò, không thể dự báo chắc chắn hay khẳng định được điều gì, nó không đơn giản và rõ ràng như phép tính 1+1=2, mà là biến x luôn thay đổi không ngừng nghỉ. Trong trận Xích Bích năm xưa, chắc chắn Tào Tháo không thua về binh lực, lại mạnh về quân phí, đánh thủy chiến lợi về hướng gió và dùng hỏa công, nhưng cuối cùng lại bại bởi gió đông đột ngột thổi về, bại bởi suy cho cùng người tính không bằng trời tính! Cứ thế, sống ắt có lúc thịnh lúc suy, thăng trầm, buồn vui không ai đoán định trước được. Nhưng không có những điều bất ngờ này, cuộc sống đồng thời trở nên bình bình nhạt nhẽo, không có gì thú vị, không có những thay đổi bất ngờ, lúc nào cũng là một đường thẳng, như bản đàn chỉ có một âm, buồn tẻ và vô vị.

Có nhạc phổ nào lại thiếu mất những nốt trầm? Giống như cuộc sống không thể lúc nào cũng chỉ toàn là niềm vui. Có những nỗi buồn xảy đến mới có những nốt lặng của đời người, lặng để nghe, lặng để nhìn, lặng mà quý trọng những giây phút của hạnh phúc sướng vui. Và khi những chuyện vui xảy đến, ta mới biết cuộc đời vốn tươi đẹp nhường nào, quý giá nhường nào. “Luôn có những chuyện tốt và xấu xảy ra, đó là cách cuộc sống vận hành và cậu phải thích nghi với điều đó”. Hẳn vậy, có những điều nếu như không thể thay đổi được, không thể đề phòng được, không thể chạy trốn được, thì chỉ còn cách quay lại học cách chấp nhận và chung sống trong hòa bình mà thôi. “Thích nghi”, là tự chủ động thay đổi chính mình cho phù hợp với hoàn cảnh để có thể tồn tại và tự vệ. Như loài xương rồng mạnh mẽ giữa sa mạc, như đôi bàn tay lao động, dáng lưng thẳng tắp của loài người trong quá trình tiến hóa đi lên…
nghị luận xã hội hay
“Thích nghi”, không có nghĩa là chìm đắm, là phụ thuộc, là bị động cuốn theo những ngã xoáy của cuộc đời. Để có thể thích nghi, con người ta còn phải học cách để thức thời nữa. Không phải gió chiều nào xoay chiều ấy, mà là biết đúng biết sai và giới hạn của vấn đề. Có thể chuyện xấu xảy ra đấy, chấp nhận nó rồi, nhìn nhận nó rồi, đồng thời phải biết cách để khắc phục nó, rút ra những bài học mới. “Thích nghi” với một vết thương không phải là ngồi một chỗ chấp nhận cái đau ấy, mà “thích nghi”, là biết đứng lên đi tìm bông băng sơ cứu, và rút kinh nghiệm không để bị ngã lần thứ hai. Cũng như khi một chuyện tốt xảy ra, ngoài việc vui hưởng trong đó, ta cũng cần giữ một cái nhìn tỉnh táo để hiểu xem vì sao nó lại xảy ra, ta thành công như thế nào, là lợi hay là hại. Thắng không kiêu, bại không nản, thẳng thắn chấp nhận những biến cố, sự việc xảy ra trong cuộc sống trước mắt, để tìm ra cho mình những phương cách mới, những con đường mới. Chuyện xấu lúc này chưa hẳn đã thật sự là chuyện xấu, chuyện tốt lúc này không có nghĩa là sẽ tốt lúc sau. Ví như chuyện “Tái ông mất ngựa” đó, mất ngựa chưa hẳn là xui, mà được ngựa chưa chắc là mừng. Và dù tốt dù xấu xảy đến, thì “sinh ra trong nghèo khó không phải là lỗi của anh, nhưng để chết đi trong nghèo khổ thì không thể là lỗi của ai khác được” (Bill Gate). Đời người đã ngắn, cứ mãi đắm chìm trong một cái gì đó, dù là sướng hay khổ, vui hay buồn, mà quên mất việc tiếp tục sống với thực tại, là đang bào mòn, đang phí hoài những tháng ngày có hạn kia. Nếu Bạch Thái Bưởi cứ mãi đau khổ và tự ái vì sinh ra trong nghèo khó và mồ côi, mà không có ý chí làm giàu, không có sự thích nghi vượt trội với hoàn cảnh để vươn lên, thì Việt Nam đã không có một ông vua hàng hải Bạch Thái Bười. Khi được nhận làm con nuôi của một gia đình giàu có, Bạch Thái Bưởi được đi học, được tiếp xúc với văn hóa Tây phương, ông đã nỗ lực học hỏi và tiếp thu nền văn minh tân tiến mới, dám xông pha thử sức kinh doanh, dám đương đầu với các chủ tàu người Pháp và Hoa đang vô cùng phát triển lúc bấy giờ, trở thành một trong bốn người giàu có nhất Việt Nam trong những năm đầu của thế kỉ XX. Đó là cách mà ông đã thích nghi với cuộc sống!

Cuộc sống mà lúc nào cũng êm đềm như ý nguyện thì đã không phải là cuộc sống. Rất nhiều hiện thực còn xa vời hơn mộng tưởng, giống như rất nhiều huyên náo còn cô độc hơn yên tĩnh. Người xưa thường nói “thiên hạ vốn vô sự”, không hẳn là vì cuộc sống không vận hành, mà là dù cuộc sống xảy ra thế nào, thì tâm họ cũng yên bình mà vui hưởng. Quan trọng là cách ta thích nghi với cuộc sống như thế nào mà thôi. Có người khóc, có người cười, có người thở dài, có người lại khoan khoái…nghị luận xã hội

Bức thư của Taylor đối với gia đình em là một sự bất ngờ, có thể là an ủi, có thể càng gợi thêm đau thương, bởi chính sự ra đi của Taylor đã là một mất mát lớn, nhưng sự lạc quan tin tưởng của em chắc rằng sẽ để lại những ảnh hưởng không hề nhỏ bé. Dù thế này hay thế khác, cũng sẽ không tuyệt vọng hay đau buồn, mà học cách nhìn nhận lại cuộc sống từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, và vạch ra cho chính mình những kế hoạch mới, những câu chuyện mới, niềm vui mới… dù cả khi nhịp thở đã ngừng.

Người được nhận bức thư kia là Taylor của mười năm sau, nghĩa là em đã để cho mình một nhịp ngừng sau mười năm để nhìn nhận lại, bằng những trải nghiệm và hiểu biết đã qua, rằng mình đã bị cuộc sống cuốn đi đến đâu rồi, hay tự động thích nghi để tồn tại là chính mình bên trong với những ước mơ và cố gắng.

Nếu tôi cũng đặt bút viết thư cho chính mình mười năm sau, một tôi hai mươi tám, có lẽ sẽ viết rằng: “Không sao đâu, thất bại hôm nay có hề gì, tôi vẫn còn cả một chặng đường dài chưa đi tới, lẽ nào lại chấp nhận bỏ phí mà dừng chân?”

@};-Vũ Thị Hương Ly

Chuyên văn 2011-2014

Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương)
 
Từ khóa Từ khóa
cuộc sống vận hành nghi luan xa hoi thích nghi
  • Like
Reactions: Sen Biển
560
1
2
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.