Một bài thơ hay giúp cho việc dạy và học tốt hơn tác phẩm Truyền Kiều của Nguyễn Du - Trương Văn Hà

Một bài thơ hay giúp cho việc dạy và học tốt hơn tác phẩm Truyền Kiều của Nguyễn Du - Trương Văn Hà

Bài thơ “Đố và giải Kiều” của tác giả Hoàng Hiếu Nghĩa (xã Quảng Hoà, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) đăng trên Tập san “Sống mãi sự nghiệp trồng người” do Hội Khuyên học tỉnh Quảng Bình phát hành cách đây mấy năm đã được rất nhiều đồng nghiệp giảng dạy Ngữ văn ở Quảng Bình đón nhận. Đọc bài thơ “Đố và giải Kiều” của tác giả Hoàng Hiếu Nghĩa, tôi nhận thấy nó thực sự bổ ích đối với những ai đang giảng dạy môn Ngữ văn bậc phổ thông, vì vậy xin mạn phép được cung cấp để quý bạn đọc gần xa cùng tham khảo, có thể vận dụng giúp cho bài giảng Truyện Kiều đạt kết quả tốt hơn và thực sự hấp dẫn học sinh. Sau đây là nội dung bài thơ:​
“Vợ dạy Văn, chồng dạy Văn
Đêm thanh bàn chuyện Thúy Vân, Thúy Kiều
Người đố đặt ra đủ điều
Ai mà thắng cuộc được chiều lòng nhau
- Truyện Kiều anh đã thuộc làu
Đố anh đọc được bốn câu hết Kiều ?
- Lắng nghe cho kỹ em yêu
Nếu anh giải được em chiều anh nha:
TRĂM NĂM TRONG CÕI NGƯỜI TA
CHỮ TÂM KIA MỚI BẰNG BA CHỮ TÀI
LỜI QUÊ CHẮP NHẶT DÔNG DÀI
MUA VUI CŨNG ĐƯỢC MỘT VÀI TRỐNG CANH
-Khoan khoan em sẽ chiều anh
Một câu có bốn chẽ MÌNH câu nao ?
- Đời Kiều trải lắm gian lao
Bèo trôi, sóng vỗ, bão gào lênh đênh
Oan kia theo mãi với tình
MỘT MÌNH MÌNH BIẾT, MỘT MÌNH MÌNH HAY
- Xin chàng chỉ hộ điều này
Hai câu chỉ đủ vần xoay bốn mùa ?
- Khen thay em giở đủ trò
Để ánh nát óc lần mò mới ra
SEN TÀN CÚC LẠI NỞ HOA
SẦU DÀI, NGÀY NGẮN, ĐÔNG ĐÀ SANG XUÂN
Câu lục chỉ mùa chuyển vần
Sen tàn mùa hạ, cúc tàn cuối thu
- Hai câu có năm chữ CHO
Giải đúng em tặng một bồ nụ hôn !
- Niềm vui chợt đến dập dồn
Anh xin trích dẫn ngọn nguồn em nghe:
LÀM CHO CHO MỆT CHO MÊ
LÀM CHO ĐAU ĐƠN Ê CHỀ CHO COI
- Bây giờ anh sẽ hôn thôi
Đừng như con bướm đậu rồi sẽ bay
- Xin anh nói rõ cho hay
Toàn NHO nếu có câu này ở đâu ?
- Truyện Kiều trên ba ngàn câu
Toàn NHO chỉ có hai câu chẳng ngờ:
HỒ CÔNG QUYẾT KẾ THỪA CƠ
LỄ TIÊN, BINH HẬU, KHẮC KỲ TẬP CÔNG
- Toàn NHO anh đã giải xong
Toàn NÔM liệu có hay không chăng là ?
- NÀY CHỒNG, NÀY MẸ, NÀY CHA
NÀY LÀ EM RUỘT, NÀY LÀ EM DÂU
- Đọc Kiều suốt mấy canh thâu
Có hoa tô điểm sắc màu câu thơ
Có bao nhiêu cặp xin chờ
Đố chàng giải được cho vừa mới thôi ?
- Bốn cặp lục bát nàng ơi
Mỗi câu đều có hoa phơi rõ ràng:
1. CÁCH HOA SẼ DẶNG TIẾNG VÀNG
DƯỚI HOA ĐÃ THÂY BÓNG CHÀNG ĐỨNG TRÔNG
Đã mang lấy kiếp má hồng
Mười lăm năm ấy đau lòng hợp tan
2. THỀ HOA CHƯA RÁO CHÉN VÀNG
LỖI THỀ THÔI ĐÃ PHỦ PHÀNG VỚI HOA
Trông người mà ngẫm đến ta
Biết đâu thân phận con ra thế này
3. ANH HOA PHÁT TIẾT RA NGOÀI
NGÀN THU BẠC MỆNH MỘT ĐỜI TÀI HOA
Hoạn Thư bạc ác tinh ma
Bắt về Vô Tích bẻ hoa tức thì
Nơi Quan Âm các thầm thì
4. RỈ TAI HỎI LẠI HOA TỲ TRƯỚC SAU
HOA RẰNG BÀ ĐẾN ĐÃ LÂU
Rõ ràng bốn cặp có màu tám HOA
- Truyện Kiều có lắm chữ HOA
Câu nào nhiều nhất khiến ta nao lòng
Chàng mà giải đáp em thông
Thì em vui lắm sẽ bồng anh ngay ?
- Xin em nghe kỹ câu này:
HOA SAO HOA KHÉO ĐOẠ ĐÀY BẤY HOA
- Anh dã giải hết rồi mà
Còn câu nào nữa cứ là ra tay !
- Trong Kiều có một thợ may
Xin chàng chỉ rõ người này tên chi ?
- Từ Liêu Dương, Kim quay về
Qua thăm vườn Thúy buồn thê cảnh tình
Hỏi ông, ông mắc tung đình
Hỏi nàng, nàng dã bán mình chuộc cha
Hỏi nhà, nhà đã dời xa
Hỏi VƯƠNG QUAN với cùng là THÚY VÂN
Đều là sa sút khó khăn
MAY THUÊ, VIẾT MƯỚN KIẾM ĂN LẦN HỒI
THỢ MAY đúng THÚY VÂN rồi
VƯƠNG QUAN cam phận là người VIẾT THUÊ
- Chồng em giỏi quá, giỏi ghê

Lý lẽ đanh thép ai chê được rày

Đàn Kiều có mấy loại dây
Để cho thiếp khỏi suốt ngày băn khoăn?
- SO DÂY VẦN VŨ, DÂY VĂN
BỐN DÂY TO NHỎ THEO VẦN CUNG THƯƠNG
Bốn dây phân loại hai đường:
DÂY VĂN, DÂY VŨ tỏ tường chưa em?
- Tối mai ta lại đố thêm
Ngủ ngon anh nhé, mai lên giảng Kiều !

* Ghi chú: Các câu, từ, chữ thơ in hoa là câu trích trong Truyện Kiều

Sau khi có bài thơ này trong tay, theo tôi, trong quá trình giảng dạy Truyện Kiều của Nguyễn Du, giáo viên chúng ta có thể có nhiều cách để góp phần làm cho Truyện Kiều thực sự thu hút học sinh. Sau đây, tôi xin mạnh đề xuất hai cách như sau để quý đồng nghiệp cùng tham khảo:

- Cách thứ nhất: Từ bài thơ “Đố và giải Kiều” của tác giả Hoàng Hiếu Nghĩa với câu chuyện trong đêm giữa hai vợ chồng cùng giảng dạy Ngữ văn, giáo viên có thể đầu tư thêm một chút thời gian cải biên lại thành nội dung giáo viên đố Kiều học trò. Đối với cách này, nếu khéo léo và biết cách vận dụng, chúng ta có thể chỉ cần cải biên lại một số câu là bài thơ sẽ phù hợp với ngữ cảnh chúng ta đang giảng dạy Ngữ văn trên lớp. Ví dụ đối với lời đố thứ nhất của người vợ: ““Vợ dạy Văn, chồng dạy Văn/Đêm thanh bàn chuyện Thúy Vân, Thúy Kiều/Ngươi đố đặt ra đủ điều/Ai mà thắng cuộc được chiều lòng nhau/ Truyện Kiều anh đã thuộc làu/Đố anh đọc được bốn câu hết Kiều?”, giáo viên có thể cải biên lại thành câu thơ phù hợp như sau: “Cô dạy Văn, thầy dạy Văn/Ngày xuân bàn chuyện Thúy Vân, Thúy Kiều/Đố cả lớp rất nhiều điều/Ai mà giải được sẽ nhiều điểm cao/Truyện Kiều ta đọc từ lâu/Đố em đọc được bốn câu hết Kiều ?”…

- Cách thứ hai: Dựa vào các lời đố của người vợ đối với người chồng được thể hiện trong bài thơ, giáo viên có thể ra một số câu hỏi cho học sinh về nhà tìm hiểu, sau đó nộp đáp án vào tiết học Truyện Kiều trên lớp cho giáo viên. Ví dụ giáo viên đố học sinh: “Em hãy tìm trong Truyện Kiều của Nguyễn Du những câu thơ viết hoàn toàn bằng chữ Nho và những câu thơ viết hoàn toàn bằng chữ Nôm ?”…

Bài thơ “Đố và giải Kiều” của tác giả Hoàng Hiếu Nghĩa đã cung cấp cho chúng ta nhiều điều thú vị về Truyện Kiều của Nguyễn Du mà có khi đọc và giảng dạy tác phẩm văn học nổi tiếng này chúng ta chưa có dịp đề cập đến. Nhưng những phát hiện của tác giả đã cho chúng ta hiểu thêm về những điều hết sức thú vị mà Nguyễn Du đã muốn thể hiện trong tác phẩm. Ngoài hai cách mà tác giả xin mạnh dạn đưa ra, rất mong nhận được những đề xuất của quý vị của độc giả gần xa.

 
Từ khóa Từ khóa
dạy văn nguyen du truyen kieu
748
6
3
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.