Một số đoạn văn dẫn chứng của nghị luận văn học

Một số đoạn văn dẫn chứng của nghị luận văn học

TRUYỆN NGẮN LÀ MỘT LÁT CẮT CỦA ĐỜI SỐNG NHƯNG CÓ THỂ CHỨA ĐỰNG CẢ NHÂN SINH.

Truyện ngắn là một hạt cát mà qua đó ta thấy được cả sa mạc, là giọt nước mà qua đó ta thấy được cả đại dương. Chỉ là một tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, bị giới hạn về hình thức nhưng truyện ngắn vẫn có thể “bật xa” bằng sức chứa lớn về tư tưởng. Nếu tiểu thuyết luôn cố gắng thể hiện bề dày thời gian thì truyện ngắn chỉ dừng lại ở thời gian “sự kiện”. Nếu tiểu thuyết là “một đoạn của dòng đời” thì truyện ngắn là “lát cắt của dòng đời”. Nói như Tô Hoài: “Truyện ngắn là cách cưa lấy một khúc đời sống”. Vì giới hạn về hình thức, người viết truyện ngắn không thể bao quát hết tất cả hiện thực cuộc sống vào trang văn của mình. Truyện ngắn chỉ là “điện áp nhỏ” chuyên thu bắt “những thời khắc đắt của cuộc sống”. Nhưng những điều đó được thu nén lại vào trong các chi tiết nghệ thuật, tình huống truyện, nhân vật điển hình,… và chứa đựng giá trị nhân sinh sâu sắc, tư tưởng lớn của nhà văn. Để rồi tác phẩm trở thành “tòa lâu đài” chứa đựng cả tinh thần thời đại. Chỉ cần “Vẽ một con báo qua mảng lông mà vẫn biết là con báo, qua một con mắt mà truyền được cả tinh thần” (Lỗ Tấn). Như vậy, viết truyện ngắn, thực chất là viết về “nút thời gian” nhưng qua đó nhà văn gửi gắm vấn đề nhân sinh, triết lý sâu sắc.



Muối của rừng – Nguyễn Huy Thiệp


“Muối của rừng” của Nguyễn Huy Thiệp được xem là mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ mà “chỉ liếc qua những đường vân trên khoanh gỗ tròn kia dù trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời thảo mộc”. Tác phẩm kể một câu chuyện giản dị: một ngày đầu xuân, ông Diểu đi săn. Nhà văn không xây dựng nhiều tình tiết hấp dẫn, không tạo những tình huống bất ngờ mà chỉ qua tâm trạng của ông Diểu trong buổi đi săn để thể hiện những suy tư, day dứt của người lao đông đi tìm chân lí. Tác phẩm chỉ thu hẹp trong không gian của một khu rừng trong một ngày đầu xuân. Nơi đó chỉ có ông Diểu và đàn khỉ. Những tưởng câu chuyện chẳng có gì ngoài chuyến đi săn của ông Diểu nhưng thực chất lại chứa đứng giá trị nhân sinh sâu sắc. Nguyễn Huy thiệp từng chia sẻ: “Muối của rừng là cuộc đi săn tìm lẽ sống, lẽ đời… Cuộc sống là cuộc đi săn tìm thói xấu trong bản thân ta để tự mình trục độc, tự mình thoát thân từ khỉ thành người”. Đó có chăng là triết lí mà ông muốn gửi gắm trong thiên truyện ngắn này. Truyện ngắn tuy bị giới hạn về dung lượng nhưng không thể giới hạn được tư tưởng của tác giả. Dù là lát cắt nhỏ của đời sống nhưng nó lại chứa đựng cả nhân sinh. Không chỉ đơn thuần kể về hành trình đi săn của ông Diểu mà hơn thế, tác phẩm muốn nói về hành trình của đời người. Trong khi ông Diểu đại diện cho thế giới văn minh loài người, thì hai chú khỉ là hiện thân của thiên nhiên. Nói về mối quan hệ giữa ông Diểu và con khỉ nhưng sâu xa hơn, tác phẩm muốn hướng đến mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Loài người đang xâm chiếm thiên nhiên một cách tàn bạo như hành động bắn súng vào con khỉ của ông Diểu. “Muối của rừng” thực chất là một cuộc chiến âm thầm nhưng không kém phần dữ dội, quyết liệt giữa con người với thiên nhiên và quan trọng hơn là trong chính nội tâm con người. Với bản tính kiêu hãnh, thống soái, tham danh vọng, đố kị, khi đối mặt với thiên nhiên trong trẻo, đầy tính nhân bản (gia đình khỉ), con người đã hoàn toàn bị đẩy vào một tình thế thảm bại, bi hài khó tránh khỏi. Cái triết lí nhân sinh, cũng là cái thông điệp nhà văn đem đến cho người đọc là: con người chỉ chiến thắng, chỉ nắm giữ được cái thiện – thứ mà con người luôn phấn đấu để kiếm tìm, khi biết tự thức tỉnh và buông bỏ. Có thể thấy, tác phẩm chỉ xoay quanh ngần ấy nhân vật, trong không gian khu rừng thu hẹp nhưng lại có sức chứa lớn về nhân sinh.



Hai đứa trẻ - Thạch Lam

“Hai đứa trẻ” của Thạch Lam chỉ là một lát cắt của đời người, nhưng qua đó, ta vẫn có thể thấy được những giá trị nhân sinh sâu sắc. Lật giở từng trang sách tác phẩm, ta có cảm giác thật tăm tối, ngột ngạt. Bởi lẽ, tác phẩm chỉ thu gọn trong khung cảnh của một phố huyện nghèo trong thời khắc của ngày tàn. Nơi đó, chỉ có những con người tàn: chị em Liên, bác phở Siêu, gia đình bác Xẩm, chị Tí,…Nhưng đó lại là bối cảnh cho những động thái giao thoa, xung đột các hệ giá trị, là nơi chứa đựng những bài học nhân sinh sâu sắc. Tác phẩm không chỉ là câu chuyện của những con người khốn khổ mà là câu chuyện của cả kiếp người ở trong xã hội cũ. Nói cho cùng, câu chuyện mà Thạch Lam là câu chuyện về niềm tin và hi vọng . Người dân phố huyện có còn gì khác đâu ngoài hi vọng về một tương lai khác, một thế giới khác, vui vẻ hơn, đáng sống hơn. Nhưng triết lí nhân sinh của trong tác phẩm của Thạch Lam không dừng lại ở đó. Có một lát cắt rất nhỏ mà ít ai để ý. Không phải Hà Nội, cũng không phải phố huyện. Đó là làng. Nơi đó chỉ xuất hiện thoáng qua cùng với nhân vật cụ Thi điên nhưng lại gợi triết lí sâu sắc. Đó là nơi có sự kháng cự duy nhất trong thế giới bị thực dân hóa ở “Hai đứa trẻ”. Cụ Thi là “kẻ khác” duy nhất trong thế giới khốn khổ của phố huyện. Trong phố huyện nghèo này, con người không hề kháng cự, bởi thế tâm hồn họ không được giải thoát. Cũng như thế, con người trong xã hội cũ vì không biết đứng lên, vùng dậy nên cứ mãi bị kìm cặp, cứ mãi là kiếp người tàn trong bóng tối như thế. Như vậy, tác phẩm chỉ xoay quanh một không gian nhỏ hẹp, tăm tối với những kiếp người tàn những vẫn có thể gợi lên luồng sáng của nhân sinh. Truyện ngắn vượt qua sự giới hạn của dung lượng để có thể chạm đến giá trị lớn lao: sự kháng cự. Chừng nào con người chỉ biết mơ mộng về tương lai, mà không cố gắng vượt lên thực tại thì cuộc sống sẽ cứ mãi nghèo khó mà thôi. Chỉ gói gọn trong vài trang sách, chỉ bắt lấy một khoảnh khắc của đời sống nhưng “Hai đứa trẻ” lại có thể mở ra một thế giới rộng lớn của tư tưởng, nhân sinh.



MỘT TRUYỆN NGẮN HAY LÀ TRUYỆN NGẮN THẤM ĐẪM CHẤT THƠ.

Tolstoy từng thốt lên: “ Tôi không bao giờ hiểu đâu là ranh giới giữa văn xuôi và thi ca”. Tuy là hai thể loại riêng biệt nhưng giữa chúng chưa hề có sự tách biệt nào. Trong thơ, ta vẫn có thể bắt gặp chất tự sự. Hay ngược lại, trong văn xuôi, ta vẫn thấy được chất thơ. Và nói như Pha – đê – ép: “Văn xuôi cần phải có cánh. Đôi cánh ấy chính là thơ”. Và chất thơ đó là vẻ đẹp lãng mạn trong một tác phẩm, là vẻ đẹp bay bổng thơ mộng thoát lên từ đời sống hiện thưc. Nếu hiện thực là những cái vốn có thì vẻ đẹp lãng mạn là ước mơ, là lí tưởng để nâng đỡ con người vượt qua đời sống hiện thực trần trụi, nhàm chán. Văn chương chân chính bao giờ cũng thấm đượm chất thơ như ‘chất nước ngọt ngào thấm trong trái táo” (Pautopxki). Nếu không có chất thơ, văn xuôi chẳng khác nào mảnh đất khô cằn không được người ta tưới tắm. Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi nếu không chứa đựng chất thơ sẽ trở nên thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh. Chất thơ có tác dụng kết nối hiện thực, thể hiện ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của con người thông qua ngôn ngữ, hình ảnh đặc sắc, gợi hình, gợi cảm,… Thậm chí, chất thơ trong văn xuôi còn có tính truyền cảm, cảm hóa lớn, tạo sự rung động trong lòng độc giả. Chất thơ chính là chiếc cầu nối mềm mại đưa văn xuôi thấm vào hồn người êm ái và dịu dàng hơn bao giờ hết.

Cánh đồng bất tận– Nguyễn Ngọc Tư

Đến với trang văn của Nguyễn Ngọc Tư, ta không thể bắt gặp ranh giới tách bạch nào giữa văn xuôi và thơ trong “Cánh đồng bất tận”. Bởi đó là một tác phẩm văn xuôi thấm đẫm chất thơ. Như Đào Duy Hiệp đã khẳng định: “Cánh đồng bất tận là một bài thơ bằng văn xuôi. Chất thơ đó nằm trong sự lặp lại ở các cấp độ từ ngữ, hình ảnh thấm tình người” . Nổi bật trong tác phẩm của chị là một giọng văn mộc mạc, dung dị, đôn hậu đậm chất Nam Bộ. Chính giọng điệu đậm chất thơ ấy đã dẫn dắt độc giả đến với vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên, sinh hoạt của miền sông nước. Đó là những “dòng chảy líu ríu, sáng loáng”, là những con sông “không ngủ, nó thức theo những chiếc tàu rầm rì chảy qua, theo tiếng mái chèo quẩy chách bụp rất đều”. Câu văn êm ả như ru, những dòng sông cuộc đời, những dòng sông thời gian thấm thía tình người. Những dòng sông thơ cứ thênh thang chảy mãi từ ngôn ngữ rất riêng, rất trong trẻo, thấm đẫm chất thơ. Sở dĩ, người ta ví tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư như một bài thơ bằng văn xuôi còn bởi trang văn của chị luôn ngập tràn nỗi nhỡ, niềm thương. Nhà văn ném nỗi buồn vào từng câu chữ, trong hình ảnh cánh đồng. Tất cả nỗi nhớ cứ vang xa, khắc khoải và day dứt. Nó thấm vào ta, lan tỏa quanh ta: từ nỗi nhớ cụ thể, gần gũi đến nỗi nhớ thương lớn lao vời xa về con người, về đồng loại. Đó là nỗi nhớ mẹ, nhớ lớp, nhớ em, nhớ chị, nhớ con người, nhớ bóng người, nhớ một người chở che,… Nếu không có những xúc cảm ấy, có lẽ tác phẩm sẽ chỉ là những trang văn khô cứng, nhạt nhẽo, bằng phẳng mà thôi. Không chỉ vậy, “Cánh đồng bất tận” còn vượt ra khỏi tính chất của một tác phẩm văn xuôi để len lỏi vào tâm hồn của con người, để khám phá những thân phận với những éo le, trắc trở, với nỗi cô đơn, tủi hổ,… Và chính những câu thơ thấm đẫm chất thơ ấy đã khơi lên trong lòng độc giả những nhức nhối, thương cảm sâu sắc. Quả không sai khi nói rằng, “Cánh đồng bất tận” là một bài thơ bằng văn xuôi.



Chiếc lá cuối cùng – O.Henry

“Chiếc lá cuối cùng” của O. Henry được xem là một bài thơ được viết dưới dạng văn xuôi. Nói như Lê Huy Bắc: “Ở những trang viết thành công, O.Henry cũng bộc lộ một chất thơ, chất trữ tình say đắm – cái nhìn hóm hỉnh của mình về cuộc đời”. Có chăng, hình thức văn xuôi của “Chiếc lá cuối cùng” cũng chỉ là lớp ngụy trang cho một bài thơ? Tác phẩm là một bài ca về tình người sâu sắc. Trong một khu trọ tồi tàn, lòng yêu thương giữa người với người vẫn hiện lên một cách cao đẹp. Tác phẩm không chỉ đơn thuần là câu chuyện kể vô vị, nhàm chán về cuộc sống của những họa sỹ nghèo. Mà hơn thế nữa, nó hướng đến ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu thương, sự hy sinh vĩ đại của người họa sĩ già – Bơ men. Vì để cứu rỗi tia hy vọng sống trong Giôn- xin, cụ Bơ men đã hy sinh thân mình giữa bão tuyết để vẽ nên chiếc lá thường xuân cuối cùng. Và chiếc lá ấy – kiệt tác vĩ đại cuối cùng – cũng chính là vẻ đẹp thấm đẫm chất thơ trong tác phẩm này. Sự ra đời của nó đã đánh đổi bằng cả một đời người. Chiếc là xuất hiện một cách chân thật và đẹp bởi nó được vẽ lên bằng tình thương lớn lao, vĩ đại của cụ Bơ men. Bằng giọng điệu nhẹ nhàng, chậm rãi, tác phẩm cứ thế len lỏi, dẫn dắt những cảm xúc sâu lắng vào trong lòng bạn đọc. Cứ ngỡ rằng, truyện ngắn sẽ khiến người đọc cảm thấy nhàm chán, khô khan. Nhưng không, nó gợi trong ta biết bao cảm xúc, biết bao thổn thức, biết bao xót thương,…Nếu truyện ngắn chỉ như những lời kể thuật lại cuộc đời của ai đó, sự kiện trong đời sống thì nó chẳng khác nào một cuốn sách lịch sử. Truyện ngắn những phải đậm chất thơ. Nhưng chất thơ không phải là cái thuần túy đối lập hoàn toàn với văn xuôi mà là cái tỏa sáng trên văn xuôi. Có lẽ vì thế mà “Chiếc lá cuối cùng” tuy thuộc thể loại văn xuôi nhưng chất thơ vẫn có thể bừng sáng trên từng câu chữ.
 
4K
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.