Nhà Một trăm năm ngọn cỏ hóa mây trời

Nhà  Một trăm năm ngọn cỏ hóa mây trời

C
Cỏ Phong Sương
  • CLB VHT thành viên 23
Tôi lớn lên dưới mái nhà tranh gầy guộc liêu xiêu thơm mùi khói cơm chiều lửa đỏ, câu hát à ơi men theo vách thời gian đổ bóng xuống lời ru khi mẹ tôi tuổi đã xế chiều.

Có những trưa hè nắng như thiêu như đốt, tôi chân đất đầu trần, nghe tiếng í ới gọi nhau sau rặng tre mà trốn mẹ trốn cha rong chơi cùng lũ bạn. Bãi mía nương dâu làm nơi để trốn tìm, đuổi bắt. Chơi chán thì rủ nhau đi đào trộm củ sắn củ khoai... Chỉ một lúc thôi là mặt đứa nào cũng đen nhẻm và lem luốc với củ khoai hay bắp ngô nướng vội, tiếng cười trong trẻo rộn vang đan vào những lọn tóc đã ướt nhẹm, bết đầy bụi đất lẫn mồ hôi. Chẳng đứa nào bảo đứa nào, nhưng giây phút đó chúng tôi chỉ muốn nhảy ào xuống dòng sông tắm mát để xua đi cái bụi bặm và nóng nực của trưa hè.

Con sông quê yên bình bỗng chốc trở nên náo nhiệt khi bọn con gái cổ vũ, reo hò cho những đứa con trai tinh nghịch lộn nhào những vòng santo đủ kiểu trước khi vươn những cánh tay dài sải mình trên sóng nước. Chúng tôi thi nhau ngụp lặn và mất hút dưới lòng sông tươi mát, mặc kệ tiếng gọi vang dội cả khúc sông của những ông bố bà mẹ với chiếc roi dài và to tổ bố, hứa hẹn những trận đòn nảy lửa sắp xảy ra.

Rồi những buổi chiều hè trên triền đê lộng gió, chúng tôi ngồi vắt vẻo trên lưng trâu nơi đồng vắng, thả những cánh diều giấy bay cao, xa tận cuối chân trời. Tiếng sáo diều dập dìu cùng mây gió, như tiếng lòng của những đứa trẻ thơ khát khao về một tương lai đủ đầy, tươi sáng. Chẳng ai nói, chẳng ai hay, nhưng mặt đứa nào cũng rạng ngời hạnh phúc, ước mơ cha giờ đây tiếp nối cuộc đời con.

Khi nắng vàng chỉ còn loang lổ trên mặt dòng sông, những đàn chim mỏi cánh chao nghiêng bay về tổ ấm, đó cũng là lúc chúng tôi lững thững dắt trâu về. Bản đồng dao nhỏ dần vì đứa nào cũng phần nhiều thấm mệt. Khói cơm chiều bảng lảng trên mái rạ khiến chiếc bụng sục sôi với điệu nhảy tango vì cơn đói cồn cào.

Sau bữa cơm tối, tôi nằm trên chiếc võng đung đưa để nghe bà kể chuyện. Những câu chuyện cổ tích từ trong sách vở, hay câu chuyện về những năm kháng chiến chống giặc lẫy lừng của ông cha theo hơi nồng của miếng trầu phả vào tâm hồn suốt cả tuổi thơ tôi. Cứ thế, bà vừa gãi lưng cho tôi vừa phe phẩy chiếc quạt mo mà tưởng như dịu mát cả đêm hè. Dưới ánh trăng vàng như rót mật, tôi nhắm mắt lim dim rồi chìm vào giấc ngủ trong câu hát ru ầu ơ ví dặm của bà.

“Ầu…ơ
…Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học mẹ đi trường đời… Ầu ơ.”


Vào mùa gặt, khi trời vẫn còn thấm đẫm giọt sương đêm, lũ trẻ chúng tôi lại tíu tít gọi nhau nhảy nhót lên chiếc xe thồ lạch cạch nối đuôi nhau ra đồng từ buổi sớm. Trên xe lỉnh kỉnh nào nước, nào khoai và cơ man là bánh. Chỉ nhìn thôi mà nước miếng cũng đã chảy thành dòng.

Chúng tôi chạy khắp cánh đồng để chơi trò rượt đuổi, nô đùa không biết chán. Chỉ khi ông mặt trời bắt đầu hắt những ánh nắng chói chang xuống ruộng lúa vàng ươm đang nứt toác vì khô hạn, và những bó lúa được chất lên chiếc xe thồ đầy ú ụ, thì chúng tôi mới lại nhảy phốc lên xe để theo về tuốt những bó lúa bằng máy tuốt đạp chân.

Những bàn chân chai sần của cha của mẹ cứ thoăn thoắt đưa lên đưa xuống nhịp nhàng và bó rơm được ném vun vút chất thành từng đống, nhiệm vụ phơi rơm dĩ nhiên là của những đứa con nít chúng tôi. Bước chân dịu êm hơn khi mặt đường làng được phủ đầy những sợi rơm vàng óng, chú trâu đủng đỉnh nhai những cọng rơm còn xanh mát hương vị của đồng quê sau lũy tre làng.

Tất cả những kỉ niệm đó như những thước phim cũ kĩ được cất giấu trong nhà kho kí ức, dẫu có thể bị phủ mờ bởi lớp bụi của thời gian nhưng chẳng bao giờ mất được. Bởi vậy mà mỗi lần đọc bài thơ “Chăn trâu đốt lửa” của cố thi sĩ Đồng Đức Bốn lòng tôi lại rưng rưng bồi hồi khó tả, tuổi thơ xưa, nay có dịp được ùa về.

“Chăn trâu cắt cỏ trên đồng
Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.”


Tôi chỉ được ở bên mẹ ngót nghét những tháng năm của tuổi thơ khờ khạo, đến khi chập chững lên mười cũng là lúc mẹ đi bước nữa, tôi rời nhà vào cô nhi viện, cứ thế rồi đằng đẵng xa quê cho tới tận bây giờ.

Có lẽ vì tôi quá mẫn cảm nên những đêm đầu lên thị trấn, trong giấc ngủ chập chờn, tôi vẫn thường bị đánh thức bởi âm thanh của những cô lao công quét rác:

“Đêm con nằm nghe tiếng chổi tre
Mà nước mắt chảy dài trên má
Con muốn đổi thân quen thành lạ
Để rồi vào lớp học ngày mai”


Suốt thời niên thiếu mẹ và bà đã luôn có mặt ở đó, dịu dàng dung chứa tuổi thơ tôi. Bây giờ bà không còn, mẹ có gia đình mới, khiến những bước chân phiêu bạt của tôi khi trở về quê cũng chông chênh đến lạ. Mãi đến khi mái đầu đã điểm sương với tâm từ đủ lớn, trên vai đã thôi mang giỏ chất đầy ưu phiền của phàm phu tục tử như những ngày trẻ dại chập chững vào đời…Tôi mới đủ tự tin trở về trong một chiều thu man mác, những mong được ngồi bên hiên nhà nghe lại câu hát à ơi vọng từ xưa cũ.

Như gốc cây khô bị người tiều phu đốn ngã, tôi bần thần tựa mình vào hàng cau trước cổng, nơi từng ngóng mẹ đi làm đồng về cuối mỗi buổi chiều hôm. Mẹ tất bật lo toan cơm áo gạo tiền chỉ để cuối chiều nhìn thấy nụ cười ấm trên môi của đứa con thơ vẫn còn ngờ nghệch. Người đánh đổi cả cuộc đời bằng những vết đồi mồi trên gương mặt đã sạm đen vì rám nắng, nếp gấp thời gian hằn sâu trên vầng trán và những vết chân chim nơi khóe mắt thâm quầng, những mong tương lai con là ngày mai tươi sáng. Có yêu thương nào đáp đền được hết sự hi sinh…

Nhớ những ngày trời mưa tầm tã, tôi ngồi bên bậu cửa lần nhổ những sợi tóc sâu đã bạc sờn vai mẹ… Giờ tóc trắng thôi bay mà nước mắt rưng rưng loang lổ cả chiếc áo nâu sòng. Gió thu không thổi nữa, chiếc lá vàng cũng chẳng cố nổi để đừng rơi.

Bà dẫu có là người của muôn năm cũ, nhưng tất cả những kí ức về người sẽ chẳng mờ phai. “Cõi trầm luân nghìn trùng ở cả hai nghĩa đen và bóng. Giá có thể yểu mệnh để gặp lại người, con sá gì những năm tháng phù du…” – Toại Khanh

Tôi bây giờ chỉ như người lữ khách của quê hương với đôi chân mải miết lang thang qua bao miền sơn khê phảng phất mùi cỏ dại. Chọn núi non làm nhà, chim muông làm bạn, thứ hành trang cho một cuộc phù sinh là y bát trong tay đã thấm đẫm những câu chuyện đời, chuyện đạo. Dẫu vậy, vẫn xin gửi niệm thương bất tận tới quê hương trong suốt cuộc hành trình, dù không vẹn tròn nhưng đẹp lắm, vì mình đã từng có mặt cho nhau.

Núi sáng nay mưa…


5457


Ảnh minh họa: Sưu tầm Internet

Tác giả: Cỏ Phong Sương
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
lời ru mái nhà tranh mẹ tôi
3K
17
15
Trả lời
Một bài viết trong trẻo như lời hát ru của bà nhưng lại có một vết cắt nhỏ mang lại nỗi buồn sâu, hằn lên trái tim tác giả và khiến cho độc giả nức nở theo từng con chữ...
 
Đọc bài viết của tác giả mình cảm thấy rất đỗi bình yên. Có những kí ức tuổi thơ vui vẻ, có tình thương của bà và mẹ, có nỗi buồn man mác theo mình qua từng câu chữ... Mong được đón đọc những tác phẩm nhẹ nhàng và an nhiên như vậy.
 
Mình tìm đọc bài này sau khi đọc lời bình của bạn Xuân Hòa vì thấy hấp dẫn quá, không thể cưỡng lại nổi mà phải đọc ngay. hihi
Đọc những lời thơ, lời văn mộc mạc và giản dị của tác giả mà mình như hòa vào cùng với tuổi thơ vui tươi hồn nhiên ấy. Dù thế hệ gen z chúng mình chỉ biết đến mạng xã hội và những trò chơi trong điện thoại máy tính mà thôi.
Ngay cái tiêu đề "Một trăm năm ngọn cỏ hóa mây trời" cũng đủ hấp dẫn mình rồi chứ chưa nói tới việc đọc cả bài. Cách dùng từ của tác giả cũng khiến mình hâm mộ quá, đẹp và đầy màu sắc như một bức tranh. Dẫu giản dị nhưng đầy tính nghệ thuật trong câu từ, đọc cảm giác như một bài thơ đang trải dài, tươi mát.
Cảm ơn tác giả đã tưới tẩm tâm hồn mình với nhiều cảm xúc đẹp đến không ngờ. Cũng cảm ơn bạn Xuân Hòa đã có một bài cảm nhận tuyệt vời đến vậy, để mình có dịp được biết đến bài của tác giả Có Phong Sương.
 
Đọc mà khoé mắt cay, quá đỗi bình yên, quá đỗi nhẹ nhàng, nhưng sao lại có chút xót xa đến thế… Quá khứ bên gia đình luôn là điều gì đó khiến con người ta thổn thức mỗi khi nhớ về. Nhà sao mà xa, nhưng chỉ cần hướng về Nhà, dù đau thương, hay là hạnh phúc, đều giúp ta vơi nặng lòng cuộc sống thực tại. Có Nhà, đã là quá đủ đầy rồi…
 
  • Love
Reactions: Cỏ Phong Sương
Lâu lắm rồi mình mới đọc được bài tản văn xúc động đến như vậy. Có lẽ do mình là thế hệ gen z, được sinh ra trong những năm 2000 khi đất nước đang trong thời kì phát triển, nên những hình ảnh về tuổi thơ mà tác giả đã viết trong tản văn mình chưa có dịp được trải nghiệm qua, nhưng không hiểu sao đọc những lời văn dịu dàng và dung dị ấy mình lại thấy bồi hồi khó tả. Hẳn tác giả là một người có nội tâm vô cùng phong phú và sâu sắc mới có thể dùng những lời văn, lời thơ ngọt ngào và đầm ấm để ghi lại những hồi ức tuyệt vời cho những độc giả như mình có dịp được đọc và sống với lại tuổi thơ. Dẫu chỉ là ngôn ngữ, nhưng nó cũng sinh động vô cùng.

Đọc phần cuối tác phẩm mình có cảm giác nghèn nghẹn nơi cuống họng cứ như mình là nhân vật chính vậy. Dẫu mất mát đau thương giữa cuộc đời đầy bi lụy.....nhưng tác giả đã tưới tẩm, chuyển hóa tâm thức của mình hướng tới những hạt giống thương yêu của một người tu sĩ. Phảng phất trong đó là một người có tình cảm sâu nặng với quê hương, với mẹ, với bà và với ngôi nhà mà tác giả đã gửi gắm cả một tuổi thơ sống động của mình ở đó.... <3

Cái tài của tác giả có lẽ là đứng trên cương vị của một người tu sĩ, nên đọc đến câu từ nào cũng cảm thấy an nhiên, tự tại. Mong sẽ được đọc nhiều hơn những tác phẩm như thế này, để thấy cuộc đời còn lắm đỗi bình yên.
Tài KhônCảm ơn bạn Tài Khôn gửi những lời nhắn dễ thương tới tác phẩm của Cỏ ạ. Hi vọng Tài Khôn sẽ luôn đón đọc và ủng hộ những tác phẩm của mình trong thời gian tới. Yêu thương ^^

Một bài viết trong trẻo như lời hát ru của bà nhưng lại có một vết cắt nhỏ mang lại nỗi buồn sâu, hằn lên trái tim tác giả và khiến cho độc giả nức nở theo từng con chữ...
Cảm ơn bạn đã đồng cảm với Cỏ, những lời yêu thương mà bạn nhắn gửi tới tác phẩm của Cỏ cũng khiến Cỏ nức nở theo rồi. Trân quý ^^

Tôi rất thích bài viết này, biết đến một cách tình cờ trên FB và tìm đến. Tôi đã viết một bài cảm nhận riêng cho tác phẩm. Cám ơn tác giả đã mang tới một bức họa của non nước, của tình người.
Cảm ơn bạn đã dành tâm huyết để đọc tác phẩm của mình, cũng như chia sẻ với mình những lời cảm nhận thật tuyệt vời. Qua cách viết của bạn mình cũng nhận thấy được bạn là người có chuyên môn cao về mảng lý luận. Mong nhận được những lời chia sẻ của bạn ở những tác phẩm tiếp theo ạ. Trân quý ^^

Đọc bài viết của tác giả mình cảm thấy rất đỗi bình yên. Có những kí ức tuổi thơ vui vẻ, có tình thương của bà và mẹ, có nỗi buồn man mác theo mình qua từng câu chữ... Mong được đón đọc những tác phẩm nhẹ nhàng và an nhiên như vậy.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ cảm nhận khi đọc tác phẩm này của Cỏ. Hi vọng nhận được sự ủng hộ từ bạn trong những tác phẩm tiếp theo ạ. Trân quý ^^

Mình tìm đọc bài này sau khi đọc lời bình của bạn Xuân Hòa vì thấy hấp dẫn quá, không thể cưỡng lại nổi mà phải đọc ngay. hihi
Đọc những lời thơ, lời văn mộc mạc và giản dị của tác giả mà mình như hòa vào cùng với tuổi thơ vui tươi hồn nhiên ấy. Dù thế hệ gen z chúng mình chỉ biết đến mạng xã hội và những trò chơi trong điện thoại máy tính mà thôi.
Ngay cái tiêu đề "Một trăm năm ngọn cỏ hóa mây trời" cũng đủ hấp dẫn mình rồi chứ chưa nói tới việc đọc cả bài. Cách dùng từ của tác giả cũng khiến mình hâm mộ quá, đẹp và đầy màu sắc như một bức tranh. Dẫu giản dị nhưng đầy tính nghệ thuật trong câu từ, đọc cảm giác như một bài thơ đang trải dài, tươi mát.
Cảm ơn tác giả đã tưới tẩm tâm hồn mình với nhiều cảm xúc đẹp đến không ngờ. Cũng cảm ơn bạn Xuân Hòa đã có một bài cảm nhận tuyệt vời đến vậy, để mình có dịp được biết đến bài của tác giả Có Phong Sương.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ cảm nhận khi đọc tác phẩm này của Cỏ. Hi vọng nhận được sự ủng hộ từ bạn trong những tác phẩm tiếp theo ạ. Trân quý ^^
 
  • Love
Reactions: Cỏ Phong Sương
May mắn thay vì đọc được những dòng viết tâm tình của bạn. Có lẽ với vốn trải nghiệm trên cả con đường đời lẫn đạo mà phong ngôn của bạn có sức hấp dẫn thật đặc biệt. Dù là văn xuôi nhưng rất nên thơ, vừa sôi nổi bởi cảnh lại vừa dịu êm bởi tình. "Có yêu thương nào đáp đền được hết sự hi sinh…" là câu mà mình tâm đắc nhất, ngắn gọn nhưng đủ đầy với chủ đề "Nhà". Cầu chúc bạn ngày càng phát triển từ tâm. Cảm ơn bạn!
 
May mắn thay vì đọc được những dòng viết tâm tình của bạn. Có lẽ với vốn trải nghiệm trên cả con đường đời lẫn đạo mà phong ngôn của bạn có sức hấp dẫn thật đặc biệt. Dù là văn xuôi nhưng rất nên thơ, vừa sôi nổi bởi cảnh lại vừa dịu êm bởi tình. "Có yêu thương nào đáp đền được hết sự hi sinh…" là câu mà mình tâm đắc nhất, ngắn gọn nhưng đủ đầy với chủ đề "Nhà". Cầu chúc bạn ngày càng phát triển từ tâm. Cảm ơn bạn!
Thiện ĐứcDạ. Cỏ cảm ơn bạn đã bớt chút thời gian để đọc và dành tình cảm yêu mến cho tác phẩm của Cỏ ạ. Cỏ cũng thấy tên của bạn có một điều gì đó rất đỗi gần gũi thân thương, chắc là mình có điểm chung chăng? Mến chúc bạn có một buổi chiều tối an yên ạ. Trân quý ^^
 
Chúc mừng tác giả đã giành giải nhé. Hi vọng sẽ được đọc nhiều tác phẩm mới của bạn.
 
  • Love
Reactions: Cỏ Phong Sương
Đây là lần đầu tiên tôi đọc và bình luận nghiêm túc bài văn của tác giả. Trên thế gian thì tình cảm cha mẹ dành cho con luôn là điều thiên liêng và đẹp nhất. Trải qua hàng ngàn năm đây vẫn là chủ đề được nhiều tác giả khai thác, khai thác vì nó đẹp, nó thiêng liêng. Dù đọc các tác phẩm kinh điển như Hãy Chăm Sóc Mẹ của Kyung-sook Shin, Người mẹ của Macxim Gorki hay những bộ phim như Mother của đạo diễn Park Chan Wook, The preparation của Cho Young-jun và cả những bài hát về mẹ đều luôn lấy đi nước mắt của người nghe, người xem và người đọc. Tác phẩm của tác giả chỉ là một bài tản văn ngắn, nhưng nó gợi nhớ trong tôi những kỉ niệm, những khung trời của riêng mình vì có lẽ chúng tôi không cùng cảnh ngộ. Nhưng tình cảm dành cho mẹ chúng tôi đồng điệu. Một bài văn đưa tôi về tuổi thơ, để tôi sống chậm lại giữa thế gian đầy vội vã. Quan trọng hơn hết là ngày hôm nay tôi có thể gửi một tin nhắn cho mẹ và nói:” con yêu mẹ nhiều lắm”.
Định dùng một bài thơ của ngài Minh Đức Triều Tâm Ảnh để thay đoạn kết, nhưng có lẽ sương khói đã làm tôi quên đành dùng tạm bài thơ của ngài Viên Minh dù có thể tôi hiểu sai ý của ngài. Nhưng tôi từng đọc ở đâu đó rằng một tác phẩm văn chương ra đời tự nó sẽ có đời sống của riêng nó, nên đành mạn phép dùng thơ của ngài làm đoạn kết:
“Mẹ ơi, con thưa nhé!
Con muốn mãi muôn đời
Là đứa con nhỏ bé
Vòi vĩnh mẹ, mẹ ơi!
 
  • Like
Reactions: Viet Phong

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.