Hơi thu nhạt dần trong tầng không. Cái khô lạnh của xứ Bắc xa xôi lẫn vào trong gió. Đông về, ẩn trong khí thu đương còn sót lại. Đông đến, người người nhà nhà tranh thủ đi mua vài ba chiếc áo len, áo bông ấm phòng những ngày rét đậm. Vài người háo hức, mong được cầm trên tay trái bắp nướng nóng hôi hổi trong những đêm lạnh dạo trên phố, thèm sa vào một cái lò bắp nướng, khoai nướng. Những đứa bạn thân tay bấm những dòng tin nhắn hẹn nhau những kèo lẩu cay nồng, hơi nóng nghi ngút phả vào mặt. Những người yêu đông thường mong đông đến với những xúc cảm lạ kì. Mà cũng phải thôi, ở cái đất hơn nửa năm phủ bởi cái nắng gay gắt, cháy cả mặt đường thì chút hơi lạnh hiếm hoi đó như một thứ phép màu mới mẻ diệu kì khiến người ta trông ngóng không thôi.
Những người yêu đông thì mong đông, háo hức chờ đông... Còn những người bị cơn hen dai dẳng bám lấy đời mình chỉ biết trút tiếng thở dài khe khẽ, lặng lẽ đi mua thuốc để những lần cổ họng bất chợt nghẹt điếng lại còn có cái mà lo. Những người như thế coi đông là thứ độc dược chết người. Đông đến nhiều khi kèm theo là tiếng thần chết vẫy gọi. Khi khí lạnh tràn vào buồng phổi, bóp nghẹt khí quản, trí óc ngưng lại, điếng người vì thiếu khí, chỉ biết chới với nắm lấy bình thuốc, xịt vào vòm họng, nặng nề hít rồi thở ra từng hơi. Nhiều khi trải qua cơn hen trong những ngày đông lạnh lẽo vậy, lòng người lại nảy ra suy nghĩ muốn rời bỏ thế gian, bởi lẽ đến việc thở- thứ cốt yếu của sự sống còn khó nhằn thì những việc khác chẳng thể giản đơn. Nhất là những người thân đã mang bệnh mà không ai gần gũi ở bên quan tâm, chăm sóc, thì lại càng dễ sinh ra nhiều nỗi tủi thân. Ta chợt nhận ra chỉ có mình ta giữa ngày đông quạnh quẽ, phải tự lo trong những cơn đau không người kề cạnh. Nhói lòng.
Đông đến, là tiếng xương khớp rên than đau nhức. Theo tháng năm, những kiếp người còn mòn chứ đừng nói đến xương khớp, da thịt. Cứ trở đông, khớp xương co lại vì lạnh, cái nhức ăn sâu vào cốt tủy, không thể chạm vào để thỏa cơn đau, chỉ có thể xoa xoa bóp bóp cho dịu bớt. Những đau nhức âm ỉ không cách nào chữa dứt. Bao nhiêu thuốc thang đổ vào cũng chẳng chữa nổi căn bệnh tuổi già.
Đông đến, ta dễ bắt gặp dáng hình cha mẹ hay ông bà ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ như chính cuộc đời họ, trong một xó tối căn nhà, tay đấm đấm bóp bóp đầu gối, mặt nhăn lại, thỉnh thoảng thở dài. Nhiều lúc ta thấy thương cho họ, dành hết nửa đời trai trẻ, xuân thì phơi phới đổi lấy những cơn đau nhức dai dẳng tuổi xế chiều, chỉ để chăm lo cho ta. Và kìa đông đến, là những cơn tai biến bất ngờ ập đến. Cái lạnh cắt và da, ăn vào thịt, làm co mạch máu não khiến nửa đời còn lại chỉ biết ngồi thừ một chỗ. Sau những cơn tai biến, có người nằm liệt, khắp các cơ không thể cử động, phải cậy nhờ người thân. Lại có những người vĩnh viễn nằm dưới nền đất lạnh. Rồi kèn trống thê lương inh ỏi những ngày rét mướt. Buồn thương không thể tả. Trên báo đài lại cất giọng thống kê những ca tai biến tăng vọt, bữa cơm gia đình của những nhà có cha mẹ già yếu bỗng thêm gánh lo.
Đông đến... Những kỉ niệm bên đông vẫn đấy, vẫn xuyến xao, vẫn rung động. Nhưng đông đến, những con người ốm đau, bệnh tật lại nghĩ suy hoài, lại lắng lo không ngớt. Và có những người trong cơn gió lạnh căm ngày đông, đã không còn được đón một cái đông nữa. Đông là mùa bệnh, dường như chúa Đông chẳng ưa loài người. Ngài tạo ra khí trời khắc nghiệt để gieo vào da thịt, cốt tủy con người những mầm bệnh. Bao lần đông đến rồi đông dời gót ngọc nhường chỗ cho nắng xuân ấm áp. Nhưng rồi, đông đã lấy đi một phần sức khỏe, hoặc cả một phần đời người ta yêu, ta thương, ta kề cạnh. Nhiều lúc tôi nghĩ đâu cần phải đến xuân ta mới già thêm một tuổi mà đông đã lấy mất nó rồi.
Đông đến... Người bạn hay cười đùa của tôi đã mất vì cơn hen. Người bà ngày thường vẫn buôn chuyện đầu xóm của tôi đã mất vì tai biến và mang theo cái đau nhức tuổi già hóa thành cát bụi. Mỗi khi đông đến, tôi lại nhớ đến họ, như một lời nhắc nhở phải trân trọng những ai đang cạnh bên. Kì thực, đông không buồn đến thế, đông có phải mùa bệnh đâu, đông là mùa để ta yêu thương, ta quan tâm và chăm sóc nhau. Giữa cơn gió lạnh ngày đông, ta trao nhau những câu hỏi han, giữ sức khỏe; ta tặng nhau những chiếc khăn choàng cổ, những chiếc áo bông ấm; ta dành thời gian cạnh bên những người thân để chăm lo cho bệnh tình của họ. Đông dạy ta cách ngoảnh đầu nhìn lại cuộc sống của bản thân và yêu thương hơn những ai đang ở cạnh.
Mùa đông. Ảnh: sưu tầm pinterest
Những người yêu đông thì mong đông, háo hức chờ đông... Còn những người bị cơn hen dai dẳng bám lấy đời mình chỉ biết trút tiếng thở dài khe khẽ, lặng lẽ đi mua thuốc để những lần cổ họng bất chợt nghẹt điếng lại còn có cái mà lo. Những người như thế coi đông là thứ độc dược chết người. Đông đến nhiều khi kèm theo là tiếng thần chết vẫy gọi. Khi khí lạnh tràn vào buồng phổi, bóp nghẹt khí quản, trí óc ngưng lại, điếng người vì thiếu khí, chỉ biết chới với nắm lấy bình thuốc, xịt vào vòm họng, nặng nề hít rồi thở ra từng hơi. Nhiều khi trải qua cơn hen trong những ngày đông lạnh lẽo vậy, lòng người lại nảy ra suy nghĩ muốn rời bỏ thế gian, bởi lẽ đến việc thở- thứ cốt yếu của sự sống còn khó nhằn thì những việc khác chẳng thể giản đơn. Nhất là những người thân đã mang bệnh mà không ai gần gũi ở bên quan tâm, chăm sóc, thì lại càng dễ sinh ra nhiều nỗi tủi thân. Ta chợt nhận ra chỉ có mình ta giữa ngày đông quạnh quẽ, phải tự lo trong những cơn đau không người kề cạnh. Nhói lòng.
Đông đến, là tiếng xương khớp rên than đau nhức. Theo tháng năm, những kiếp người còn mòn chứ đừng nói đến xương khớp, da thịt. Cứ trở đông, khớp xương co lại vì lạnh, cái nhức ăn sâu vào cốt tủy, không thể chạm vào để thỏa cơn đau, chỉ có thể xoa xoa bóp bóp cho dịu bớt. Những đau nhức âm ỉ không cách nào chữa dứt. Bao nhiêu thuốc thang đổ vào cũng chẳng chữa nổi căn bệnh tuổi già.
Đông đến, ta dễ bắt gặp dáng hình cha mẹ hay ông bà ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ như chính cuộc đời họ, trong một xó tối căn nhà, tay đấm đấm bóp bóp đầu gối, mặt nhăn lại, thỉnh thoảng thở dài. Nhiều lúc ta thấy thương cho họ, dành hết nửa đời trai trẻ, xuân thì phơi phới đổi lấy những cơn đau nhức dai dẳng tuổi xế chiều, chỉ để chăm lo cho ta. Và kìa đông đến, là những cơn tai biến bất ngờ ập đến. Cái lạnh cắt và da, ăn vào thịt, làm co mạch máu não khiến nửa đời còn lại chỉ biết ngồi thừ một chỗ. Sau những cơn tai biến, có người nằm liệt, khắp các cơ không thể cử động, phải cậy nhờ người thân. Lại có những người vĩnh viễn nằm dưới nền đất lạnh. Rồi kèn trống thê lương inh ỏi những ngày rét mướt. Buồn thương không thể tả. Trên báo đài lại cất giọng thống kê những ca tai biến tăng vọt, bữa cơm gia đình của những nhà có cha mẹ già yếu bỗng thêm gánh lo.
Đông đến... Những kỉ niệm bên đông vẫn đấy, vẫn xuyến xao, vẫn rung động. Nhưng đông đến, những con người ốm đau, bệnh tật lại nghĩ suy hoài, lại lắng lo không ngớt. Và có những người trong cơn gió lạnh căm ngày đông, đã không còn được đón một cái đông nữa. Đông là mùa bệnh, dường như chúa Đông chẳng ưa loài người. Ngài tạo ra khí trời khắc nghiệt để gieo vào da thịt, cốt tủy con người những mầm bệnh. Bao lần đông đến rồi đông dời gót ngọc nhường chỗ cho nắng xuân ấm áp. Nhưng rồi, đông đã lấy đi một phần sức khỏe, hoặc cả một phần đời người ta yêu, ta thương, ta kề cạnh. Nhiều lúc tôi nghĩ đâu cần phải đến xuân ta mới già thêm một tuổi mà đông đã lấy mất nó rồi.
Đông đến... Người bạn hay cười đùa của tôi đã mất vì cơn hen. Người bà ngày thường vẫn buôn chuyện đầu xóm của tôi đã mất vì tai biến và mang theo cái đau nhức tuổi già hóa thành cát bụi. Mỗi khi đông đến, tôi lại nhớ đến họ, như một lời nhắc nhở phải trân trọng những ai đang cạnh bên. Kì thực, đông không buồn đến thế, đông có phải mùa bệnh đâu, đông là mùa để ta yêu thương, ta quan tâm và chăm sóc nhau. Giữa cơn gió lạnh ngày đông, ta trao nhau những câu hỏi han, giữ sức khỏe; ta tặng nhau những chiếc khăn choàng cổ, những chiếc áo bông ấm; ta dành thời gian cạnh bên những người thân để chăm lo cho bệnh tình của họ. Đông dạy ta cách ngoảnh đầu nhìn lại cuộc sống của bản thân và yêu thương hơn những ai đang ở cạnh.
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: