Mùa Tết sum vầy, đậm đà tình thân của người Việt

Bich Khoa
Bich Khoa
  • CLB VHT thành viên 33
Với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa,... Theo quan niệm, đây là khoảng thời gian trời đất có sự giao hòa và con người trở nên gần với thần linh. Tết Nguyên Đán xưa là dịp để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,... và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ý nghĩa của ngày Tết

Bên cạnh đó, đây còn được coi là ngày “làm mới”, ngày để mọi người có thể hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm và gác lại mọi điều không may mắn trong năm cũ. Do vậy, vào dịp Tết, nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, sắm sửa, trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp.

tet-nguyen-dan-la-gi-nguon-goc-va-y-nghia- Vanhoctre.com forum.jpg

Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian cả gia đình cùng sum vầy,
trao nhau những món quà ý nghĩa với mong ước cả năm đủ đầy.​

Và cũng là dịp mọi người làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn. Trong dịp Tết, các gia đình thường tụ họp chúc Tết nhau, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tạ ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ trong suốt một năm qua.


Ngày Tết quê tôi

Gió đẩy cửa khóm hoa lài mới nở,
Lay cành hồng chạm vỡ giọt tinh khôi,
Nhụy đầu bông lung linh như mời gọi,
Cánh bướm tình say mật ngọt trinh nguyên.

Nắng là lượt về giăng mành chỉ thắm,
Bên hiên nhà bông bưởi trắng đu đưa,
Con chìa vôi líu lo chuyền cành mận,
Chín thơm lừng quả ổi của miền quê.

Nồi bánh tét nhà ai hương nếp mới,
Nhịp chày đều mẹ quết trọn yêu thương,
Áo xanh, đỏ rộn ràng bay trong gió,
Buổi chợ tình hò hẹn khách bốn phương.

Mỗi cung bậc đều gây thương, để nhớ,
Chốn yên bình như giấc ngủ nằm nôi,
Mỗi mùa xuân đều bồi hồi, bổi hổi
Khúc điệu tình của ngày Tết quê tôi.

TUYẾT BĂNG
 
Từ khóa Từ khóa
chuyển giao năm cũ và năm mới con nguoi mùa màng bội thu mưa thuận gió hòa người việt nam tet tết nguyên đán trời đất van hoa ý nghĩa của ngày tết
1K
3
5
Trả lời
Khi làn gió xuân nhè nhẹ mơn man mái tóc người đi đường cũng là khi Tết đến. Tết - cứ nhắc đến Tết là nhắc đến quê hương, là nhắc đến sự ấm cúng bên mâm cơm gia đình, là nhớ đến sự khởi đầu của một năm mới với biết bao hi vọng, ước mong đẹp đẽ.

Trên con đường làng quen thuộc, các bác, các chị hối hả sắm sửa mọi thứ. Còn nỗi mong gì hơn mong mỏi của trẻ con. Đứa nào đứa nấy hớn hở, xúng xính khoác trên mình bộ quần áo mới. Chúng háo hức đón chờ những bao lì xì đỏ tươi và từ cái miệng hồng hồng xinh xắn thốt ra những lời chúc đầu Xuân quý hơn vàng ngọc. Hai bên đường, những cành đào, cành quất cùng bao loài hoa tươi tắn bày la liệt như muốn tô điểm làm Thiên Nhiên cựa mình sức sống. Kẻ bán, người mua, hai từ "tấp nập" cũng chẳng đủ! Hoa cúc vàng tươi rực rỡ hệt như đã gom lại chút nắng vàng rực rỡ còn sót lại của mùa đông lạnh lẽo vừa trôi đi. Những cây bích đào duyên dáng, e lệ với hàng trăm, hàng vạn lộc non, mầm biếc tựa vô vàn ngọn nến lấp lánh ẩn hiện dưới Đất Trời... Hoa nào cũng đẹp, hoa nào cũng xinh!


Quyện hòa trong làn khói bếp, hương thơm của bánh chưng như thúc gịuc mọi người nhanh chân trở về sum họp bên mái ấm gia đình.

... Mùi hương trầm phảng phất càng làm con người ta phải lay động. Và đối với những kẻ xa quê lâu ngày thèm muốn lắm cái hơi ấm gia đình thì sức lay động của nó lại càng mãnh liệt hơn.

Tết hội tụ những nét đẹp văn hóa truyền thống và phong tục tập quán đa dạng, đặc trưng đến từ khắp mọi nẻo đất nước Việt Nam mà các nước khác không nơi nào có được. Ta không lạ lẫm gì với mâm ngũ quả thờ tổ tiên, gói bánh chưng xanh thơm nức mùi gạo nếp, chúc Tết đầu xuân, các nghi lễ cúng giao thừa với tấm lòng tuyệt đối kính cẩn,...

Tết đến, vạn vật đâm chồi nảy lộc. Tết đến, vạn vật hãnh diện vươn mình đón ánh bình minh rực sáng. Trăm hoa cùng đua nhau khoe sắc trong vườn. Những chú chim - những nhạc sĩ không tên đã bay về, mang theo hơi ấm của mùa xuân, chúng cùng ca hát và hòa nên bản giao hưởng tuyệt đẹp điểm xuyết cho cảnh sắc đang ngày một đổi mới.


Cảm nhận Tết từ Học Sinh
 
  • Bóng quê.jpg
    Bóng quê.jpg
    711.6 KB · Lượt xem: 10
Lang thang Tết muôn nơi. Giờ đến Tết ở Khánh Hòa cả nhà nhé.

Cái thú nhất ở quê là đi chợ Tết. Năm nào tôi cũng cùng mẹ chen chúc trong những phiên chợ Tết. Ngoài ti tỉ thứ cho Tết, mẹ không bao giờ quên mua bó mùi già để chiều 30 Tết đun nước thơm cho cả nhà tắm tất niên, không quên bớt lại một nắm để sáng sớm mùng một Tết đun nồi nước rửa mặt ấm áp, thơm phức. Thiếu đi nước mùi già là thiếu một phần mùi hương Tết.

Tết quê của ngày xưa không thể không nhắc đến đánh đụng heo. Sang thì 2 nhà, bình thường 4 nhà chung nhau con heo nuôi cả năm để dành Tết mổ thịt. Khi chúng tôi lớn một chút, bố mẹ không đụng heo nữa, cứ trước Tết hơn nửa năm, bố mua con heo cỡ 5 - 6kg cho chúng tôi nuôi để Tết mổ thịt. Mẹ sẽ lựa những miếng thịt ngon nhất để gói bánh chưng. Buổi tối, mấy anh em trải chiếu ngồi chơi tam cúc, canh nồi bánh chưng. Chập tối, đứa nào cũng xung phong thức canh nhưng rồi tất cả đều lăn ra ngủ từ lúc nào cho đến khi bố mẹ đánh thức vớt bánh. Dù bánh mới vớt ra còn mềm xèo nhưng mùi nếp thơm quyện mùi lá dong vẫn kích thích chúng tôi bóc thử, chia nhau góc bánh nóng hổi.

Đêm giao thừa, nhìn mâm ngũ quả với cặp bánh chưng, lọ hoa lay ơn đỏ rực trên bàn thờ tổ tiên cùng mùi nhang trầm thoang thoảng đã thấy hương vị Tết tràn ngập mọi nhà. Sáng mùng một, những đứa trẻ háo hức được mặc quần áo mới, chờ người lớn mừng tuổi đầu năm. Ngày ấy, chẳng có những đồng tiền mới cáu như bây giờ. Mỗi lần đi chợ, mẹ sẽ lọc mấy đồng tiền còn phẳng phiu, khá mới để dành mừng tuổi. Sau khi cúng Tết xong, trẻ con xúng xính bộ quần áo mới theo ông bà, cha mẹ đi chúc Tết khắp làng trên, xóm dưới.

Ngày Tết quê tôi giờ đã ít nhiều thay đổi nhưng nếp xưa thì vẫn còn. Mỗi năm, tôi vẫn thích về quê đi chợ Tết. Vẫn thương nhớ nắm mùi già còn thơm hồn năm cũ. Vẫn nhớ phiên chợ Tết đầu xuân, mẹ luôn mua gói muối nhỏ, mớ rau cần nước về xào bún, dặn dò câu “gừng cay, muối mặn” và mong chúng tôi cần cù, chăm chỉ học tập, làm việc với hy vọng những điều tốt lành đến trong năm mới.

Theo báo Khánh Hòa
 
  • Tết Khánh Hòa - BichKhoa blog.jpg
    Tết Khánh Hòa - BichKhoa blog.jpg
    128.9 KB · Lượt xem: 8

Tết quê nghèo​


Nhà nghèo, xóm nghèo. Nhưng khi ấy, nhà tôi đứng đầu nghèo nhất xóm! Mưa dột ngay chỗ nằm, giữa khuya phải lui cui dậy đốt đèn, chèn lại mái nhà hoặc tìm tấm ni-long che trên nóc mùng tránh dột. Gió chướng về thông thốc, xộc vào mái nhà như muốn lục tìm và bới tung sự nghèo nàn trong gia đình tôi ngày ấy. Mẹ đi ra đi vào thở dài: Sắp tết nữa rồi...

Những ngày giáp Tết, mắt mẹ trũng sâu bởi lo toan cái Tết cho đàn con nheo nhóc, háo ăn vì nghèo. Giáp Tết, bọn trẻ chúng tôi lân la hết nhà này đến nhà khác để xem người ta làm mứt, phơi hành phơi kiệu, quết bánh phồng trong sự thèm thuồng. Tết đến với gia đình tôi rất dài, bởi mẹ không thể cùng lúc chuẩn bị các thứ cho gia đình trong một vài hôm, mà phải kéo dài cả tháng. Hôm thì mẹ mang về chục trứng, hôm lại dăm ba ký hành, hôm thì vài gram củ kiệu, hôm khác thì vài trái dừa dùng để kho thịt... Hàng xóm khi ấy cũng thương tình nghĩ đến lũ trẻ nghèo chúng tôi, nên ai có gì giúp nấy, cốt chỉ để xuân về cả xóm đều vui.

Nhà tuy nghèo nhưng không lúc nào mẹ lại để cho chúng tôi đón Tết trong sự buồn bã. Áo quần mới may mẹ mang về bảo chúng tôi mặc thử. Tôi biết mẹ rất vui khi thấy con mình được quần áo mới mặc trong 3 ngày Tết để không tủi với đám bạn trong xóm. Ngày Tết mà, mọi thứ đều mới, nhưng sao chỉ có mẹ vẫn bộ quần áo sờn nát cũ kỹ ngày nào còn bươn chãi nơi ruộng đồng, bạt phết vì màu phèn của miền quê nghèo lam lũ. Dường như tất cả những gì sung sướng nhất, tốt đẹp nhất mẹ đều nhường cho đàn con của mình.

Ngày Tết, ngày của niềm vui và hy vọng, nhưng riêng tôi sao vẫn thấy điều gì đó cay cay nơi khóe mắt của mình. Có lẽ vì thương mẹ, vì nghĩ đến mẹ, suốt một năm tảo tần nuôi con, vậy mà 3 ngày Tết mẹ cũng còn vất vả chịu đựng. Tuy nghèo, nhưng trong nhà ngày Tết mẹ vẫn lo lắng nào là nồi thịt kho tàu, dưa hành, củ kiệu, bánh mứt mẹ làm đầy đủ chưng lên bàn thờ tổ tiên ông bà, và mâm cơm đầy cúng cha. Thế đó, cảnh đón Tết nhà tôi là vậy. Nó xen lẫn cả niềm vui và chút buồn đọng lại. Nhưng xuân về Tết đến, mẹ bảo không được buồn mà phải vui lên, như thế mới gặp nhiều may mắn.

Chiều 30 Tết, gia đình tôi rước ông bà trong tình cảm mẹ con chan hòa. Bàn ăn tươm tất được dọn lên, mẹ khấn vái ông bà trong làn khói nhang nghi ngút. Rước ông bà xong, gia đình được quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Lũ chúng tôi ăn như rồng cuộn, vì đồ ăn ngon mà, với lại đâu phải lúc nào cũng có dịp may mắn để thưởng thức món ngon như vậy. Chỉ 3 ngày Tết thôi. Cho nên tôi và thằng út ăn quá chừng, ăn đến nỗi mẹ bảo coi chừng mắc nghẹn. Đêm giao thừa đến, anh em chúng tôi chạy đi khắp xóm, được ăn ké mâm cơm giao thừa của nhà giàu và chạy ù về khoe với mẹ được ăn bánh phồng, bánh tráng của bà ba đầu ngõ, được dì Tư bên sông cho quà kẹo mang về.

Những ngày Tết, trẻ con trong xóm nghèo xúng xa xúng xính áo quần mới. Mấy đứa con nít chạy lăng xăng, nhí nha nhí nhố từ nhà này qua nhà kia, hạt dưa bánh mứt cứ bày ra đó, ai thích cứ dùng. Xóm nghèo nhưng tình nghĩa thì không nghèo. Tết đến xuân về, không khí ấm áp vui tươi trong tình làng nghĩa xóm. Những lời chúc của trẻ con, của người lớn chúc nhau, nghe mà thật ấm lòng!

Nguyễn Huy Cường
Báo Đồng Tháp
 
  • Like
Reactions: Hoàng Văn Thạnh
Nhớ tết quê

Mười năm ăn tết xa quê, tôi vẫn nhớ như in những ngày tôi còn ở bên cha mẹ và các em.

Nhớ những ngày gần tết, chị em tôi lo phụ mẹ cha dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ chăn màn, lau chùi bàn ghế. Chiều hai tám tháng Chạp, chúng tôi sẽ xúm xít vây quanh bên mẹ phụ lau lá dong, xem mẹ gói bánh. Cái chính là để khi mẹ gói xong còn ít đỗ xanh thừa sẽ nài nỉ mẹ nấu chè khoán ăn chơi. Mẹ lúc nào cũng chiều lòng lũ con bằng một nụ cười hiền dịu.

Nhớ nhất là ngày hai chín, ba mươi, khi mọi việc đã yên bề đâu đấy, mẹ sẽ dẫn chúng tôi ra chợ để mua cho mỗi đứa bộ quần áo mới, dép mới. Có lẽ, cả một năm, đó là lúc chúng tôi mong chờ nhất.

Chúng tôi líu ríu đi theo mẹ, ướm thử quần áo, giày dép. Để khi về, khuôn mặt đứa nào cũng rạng rỡ, đôi mắt đứa nào cũng hấp háy niềm vui. Về đến nhà là vội vàng mang đồ ra thử lại. Thử hoài, thử mãi, chẳng muốn cởi ra. Đối với bọn trẻ con như tôi những ngày nghèo khó, bộ quần áo mới ngày tết là cả một gia tài tuổi thơ dịu đẹp. Cho đến bây giờ, nhớ lại, niềm vui đó vẫn đong đầy như thể vừa mới hôm qua.

Tôi nhớ cả những ngày đầu năm đi chúc tết. Đi đến nhà ai cũng rộn ràng những lời chúc may mắn, an lành cho cả năm. Ngày ấy, mọi người chúc tết nhau bài bản lắm, hay lắm cơ. Tùy người già hay trẻ mà có những lời chúc cho phù hợp.

Đối với những ông bà già thì chúc: “Năm mới, cháu chúc ông bà thêm một tuổi mới, luôn dồi dào sức khỏe, sống lâu trăm tuổi”. Với những cô dì chú bác thì ngoài chúc sức khỏe, hạnh phúc còn them: “làm ăn thuận buồm xuôi gió, tấn tài tấn lộc…”. Còn những em bé đang còn đi học thì người lớn sẽ chúc: ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành…

Sau ba ngày tết đi thăm người thân, chúng tôi sẽ được tham gia, đi xem những lễ hội ở làng. Các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, đi cầu thùm, đánh cờ người, kéo co… được tổ chức từ ngày mồng năm cho đến hết tháng Giêng và thu hút hầu hết dân làng đến xem. Rồi cả hội chùa cũng diễn ra trong không khí xuân vui nhộn. Người người đi về trẩy hội, du xuân, đến trước cửa thiền thành kính thắp nén hương cúi mình trước điện Tam bảo cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe, bình an.

Lại một tết nữa cận kề, lại một tết nữa tôi xa quê, lòng cứ mong ngày về. Về ăn tết quê để được thấy mình nhỏ lại giữa đất trời quê hương hiền hòa, ấm lòng người con xa xứ. Về để được làm nũng với chính tuổi thơ bên cha mẹ, được sống lại lần nữa với những kí ức dịu ngọt tết quê.

Và về để thêm một lần gom góp cho mình những kỉ niệm những tết xưa, rồi cất giữ làm của riêng để nuôi dưỡng, ru vỗ tâm hồn bớt xao xác nhớ thương khi không có dịp trở về.

Trương Thúy - GiacNgo
 
  • cho-tet-que-toi.jpg
    cho-tet-que-toi.jpg
    197 KB · Lượt xem: 7

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.