Dự thi Ngang qua mùa hạ - Phong

Dự thi  Ngang qua mùa hạ - Phong

- Này, Thương Thương, đứng dưới tán lá bàng mát chứ? - Thắng hỏi.

Đã lâu rồi Thương không thấy Thắng nói chuyện với mình một cách đàng hoàng như vậy, tâm trạng Thương khá tốt, cô khẽ mỉm cười đáp lại một cách lịch sự, nhỏ nhẹ:

- Ừ, mát thật.

Thắng lại làm như vu vơ nói:

- Mát vì mưa đấy, cơn mưa nhỏ. Cậu có cảm nhận được không? Chỉ ở tán cây này có mưa thôi, ra khỏi bóng râm, cơn mưa chẳng còn dấu tích, giống như chưa từng xuất hiện. Người ta bảo vì cây bàng cổ thụ trường mình có linh hồn trú ngụ nên luôn tạo ra cơn mưa nhỏ. Lúc thi, cậu mà tới cầu thần cây, đảm bảo may mắn.

Giọng Thắng hơi trầm, kể chuyện xưa một cách chân thực khiến Thương bỗng chốc bị cuốn theo, cô ngẩng đầu lên, quả thực là có những vệt mưa li ti hòa vào tiếng ve rền rã. Mát quá! Thiên nhiên thật kì diệu. Tán lá xanh lúc nào cũng bao bọc con người khỏi cái nắng cháy rát. Thương không thích cái nắng bỏng đó, giống như tụi con gái nói chung, chẳng ai thích nắng cả.

- Có mưa thật này. - Thương giơ tay ra hứng, dường như cái nóng được xoa dịu hẳn.

Thắng nhìn Thương hồi lâu, để cô cảm nhận thỏa sự mát lành này, rồi vừa cười vừa nói, nụ cười mà nếu Thương quay đầu nhìn sẽ biết chắc chắn câu nói của cậu ta sẽ chẳng tốt đẹp gì.

- Đấy là mấy kẻ ngốc trường mình lan truyền cái truyền thuyết ngớ ngẩn ấy. Còn tớ, tớ biết cơn mưa này chả phải do thần thánh nào tạo ra. Nó là nước đái ve đấy. Ha ha ha.

Thắng cười nụ cười khoái trá, còn cố hát một câu trước khi cậu ta đạp xe đi mất trong nắng trưa sau buổi tan trường:

- Trời nhẹ lên cao, hồn tôi dường như bóng mây…

Thương mím môi, đôi mày hơi chau lại, bị cậu ta chơi xỏ bao lần mà cô vẫn ngốc nghếch tin. Đáng ghét thật. Nhưng Thắng vốn không phải là như vậy. Trước đây, cậu ấy rất hiền lành, học tập chăm chỉ, luôn là hình mẫu lí tưởng của Thương, trừ ngưỡng mộ ra có lẽ Thương đối với Thắng còn có một chút thích. Bỗng lên lớp 12, cậu thay đổi hoàn toàn, không còn đi học đủ các buổi học, không tham dự bất kì hoạt động ngoại khóa nào, học hành giảm sút, làn da đen nhẻm, quần áo tùy ý. Cả thầy cô giáo, các bạn và cả chính cô đều cho rằng cậu chỉ là tới tuổi phản nghịch, khuyên bảo dần rồi cậu sẽ lại đúng hướng. Thế nhưng mọi chuyện ngày càng có vẻ tệ hơn.

Lý do, có lẽ Thương đã lờ mờ hiểu được. Lần trước, Thương quyết định đi tìm Thắng, cô muốn biết tại sao cậu thay đổi. Nói chuyện trên lớp không được, cô phải tới tận nhà. Căn nhà ba tầng to đẹp đã đổi chủ, hỏi chuyện hàng xóm thì được biết bố của Thắng do vay nặng lãi đánh bạc mà gia đình cậu phải bán nhà đi, giờ chuyển tới xóm nhỏ ở. Thương lại đạp xe, lần mò tìm tới. Còn chưa xác định được đâu mới là nơi ở mới của Thắng thì đã thấy tiếng người ta cãi nhau ầm ĩ.

-Bảo chồng chị mau mà trả nốt tiền nợ cho em đi, em nói thật với chị, em phải đi vay lãi để cho anh nhà mượn, chỗ quen biết em nể lắm đấy mới giúp. - Giọng một phụ nữ nói, nghe cũng biết chẳng thật tình gì.

- Đ…m mày, không trả tiền đừng trách bọn tao ác - Tiếng người đàn ông, nghe dữ dằn hơn, kèm tiếng cái xô bị đá lăn lốc nghe chói tai.

Thương nghe thấy giọng của Thắng, gầm lên như con thú hoang:

- Cút, mấy người cút hết đi, ai nợ thì đi mà đòi người đó. Đừng tưởng tôi không biết mấy người cho vay nặng lãi. Giỏi thì kiện đi, giỏi thì giết tôi đi. Còn không thì đợi công an tới làm việc với các người.

- Mẹ xin con, Thắng ơi.


Người đàn bà rú lên tiếng khóc nức nở, chắc hẳn là mẹ Thắng. Tim Thương như thót lại theo từng tiếng mắng chửi, tiếng đồ đạc va chạm. Lần đầu tiên cô gặp chuyện thế này, thế nhưng chân cô không dừng lại, vẫn mon men dắt chiếc xe tới gần căn nhà ấy.

Mấy kẻ vừa trong sân lao ra cổng, vừa đi vừa ngoái lại đe dọa mấy câu: “Cẩn thận đấy”, “Coi chừng bọn tao”, lúc ra khỏi cổng, họ suýt chút va phải Thương khiến cô nép vào hàng rào nín thở. Mồ hôi chảy ra ướt áo, không biết vì sợ hay vì cái nắng hè gắt gỏng. Cái dậu tre cũng chẳng cao lắm, thò đầu có thể nhìn thấy hết phía sân nhà, vì thế Thắng cũng đã thấy được cô, cậu còn chưa kịp buông hết giận dữ, gương mặt có chút lúng túng rồi vội vàng quay đi, bước chân gấp gáp trốn tránh.

Thấy cảnh đó, Thương biết hôm nay cô tới không phải lúc liền dắt xe quay về, lòng trĩu nặng. Cũng từ sau hôm đó, Thắng càng thêm lầm lì, lạnh nhạt với tất cả mọi thành viên lớp, nhất là với Thương. Nếu cô có cố gắng đuổi theo gọi tên cậu, thì cậu ta hoặc là phớt lờ bước nhanh hơn, hoặc là giễu cợt cô bằng mấy câu: Sao, tiểu thư như cậu có gì muốn hỏi sao, nhưng rất tiếc tôi không thích trả lời; “Đừng có kéo áo tôi, không lại bẩn tay cậu bây giờ”, Chúng ta không cùng một thế giới, cũng không hợp làm bạn bè gì cả nên đừng cố nói chuyện với tôi nữa. … Thương cảm thấy rất buồn, cô hiểu cho khó khăn của cậu bạn nhưng vẫn không hiểu nổi tại sao mọi chuyện lại thế này. Cô nói với thầy chủ nhiệm, thầy cũng thở dài nói:

- Thằng bé cố tình làm bài kiểm tra, bài thi giữa kì, tất cả mọi môn vừa tròn 5 điểm. Đâu dễ làm bài vừa đủ điểm đạt như thế. Em thấy sao?

Thầy ngừng một lúc rồi lại nói tiếp:

- Thắng là học sinh rất thông minh, chúng ta cần giúp đỡ em ấy, quan trọng nhất là tâm lí của em ấy lúc này không ổn định. Một phần ở các em nữa đấy.

Thầy nhìn Thương, dù không ai nói thêm nhưng có một sự hiểu ý ngầm giữa Thương và thầy. Dưới sự đeo bám nhiều ngày của Thương, Thắng cũng chịu không nổi mà gắt gỏng:

- Được rồi, cậu muốn giúp tôi phải không? Vậy chiều nay tới nhà phụ tôi gặt lúa đi. Ha, nếu cậu không làm được, thì đừng có suốt ngày đòi giúp tôi nữa. Thật phiền.

Gặt lúa à! Thương mím môi khó xử. Cô đúng thật chưa từng phải làm việc nặng, tuy sinh ra ở vùng nông thôn nhưng chân cô chưa bao giờ dính bùn. Huống gì, bố mẹ Thương là công chức nhà nước cũng chẳng có ruộng để cô cần cấy gặt gì, bố mẹ nói chỉ cần cô học hành cho giỏi là được. Nhưng, nếu không nhận kèo này thì khoảng cách lại gần Thắng có lẽ mãi mãi không thể kéo gần lại được. Nghĩ vậy, cô gấp gáp nhận lời.

- Được! Gặt thì gặt.

Thắng có hơi ngạc nhiên trước thái độ kiên quyết của Thương, nhưng cậu nhếch mép cười, thầm nghĩ để xem tới lúc đó cậu gắng gượng được bao lâu.

- Nhớ tới sớm, ăn trưa xong là tôi phải tranh thủ ra đồng rồi, không có thời gian ngủ trưa gì hết đâu.

- Nhất trí
.

***

Đồng lúa tháng sáu như dải lụa vàng phủ vào đất mẹ, theo làn gió, tấm lụa ấy dặt dìu từng đợt sóng đưa hương lúa thơm vào tận khoang mũi. Thơm quá! Nếu như cái nắng không quá chói lóa, độ ẩm xuống thấp, gió rất khô, cả người bức bối khó thở thì khung cảnh này đáng giá ngồi cả chiều thưởng thức không chán. Ngay lúc này, chính ngọ, nắng chỉ làm người ta thêm uể oải, người ta chỉ khao khát cốc nước đá nằm đung đưa trên chiếc võng dưới tán cây mà thư thả thì sướng. Thắng cả người mặc quần áo dày, nón che đầu đứng trước ruộng lúa cần gặt, cậu hít một một hơi dài có chút ngao ngán. Biết sao được, mẹ cậu vì chuyện nợ tiền một khoản lớn, suy nghĩ nhiều tới ốm, em gái đang học lớp 5, dù chiều nay nó cũng theo ra nhưng sức con bé thì làm gì được nhiều. Hiện tại cả gia đình cậu trông chờ vào vụ lúa này để sống. Ít ra thì đất mẹ cho ta no cái bụng trước đã. Thắng cầm liềm cắt lúa, chiếc tay đưa tới đâu, gốc lúa bị cắt ngọt tới đó, đám rầy bị đánh động nhảy ra ngưa ngứa. Con bé Nguyên thi thoảng mải chơi lại hô hào đầy thích thú: “A, con muồng muỗng béo chưa này anh Thắng ơi”. Nói đoạn, nó nhốt mấy con vật vào cái chai nhựa giắt bên hông.

Vào chính vụ, nhà ai cũng sắp xếp công việc để thu hoạch lúa, thế nên Thắng cũng đành tự lực Cậu ngừng tay lau đi mồ hôi mặn chảy vào mắt cay xè. Bỗng cậu thấy bóng dáng Thương đang đi trên bờ lúa, thấy Thắng nhìn lên cô vẫy vẫy tay, cười tươi rói.

- Tớ tới rồi đây.

Thương mượn đâu bộ đồ dân quân cũ, mặc vào người có vẻ hơi rộng càng làm nước da trắng của cô thêm nổi bật. Thắng trông cô càng thêm mỏng manh hơn thường ngày, tuy vậy, lòng cậu bỗng ấm áp lạ thường.

- Cậu gặt được không đấy? – Thắng giả bộ nghi ngờ hỏi.

- Cậu đừng thách học sinh giỏi toàn khối, không lẽ chuyện này tớ lại không làm được. Hứ.

Thương bỏ lại dép trên bờ cỏ, bước xuống ruộng bắt tay gặt ngay. Chẳng cần ai dạy, cô nhìn Thắng làm thế nào cô làm theo, có điều tốc độ gặt lúa không thể nhanh cho được. Cô thấy đôi tay cháy nắng của Thắng thuần thục gặt sắp hết hàng lúa, còn cô vẫn chưa tới giữa ruộng liền gắng sức hơn. Chẳng ai nói với ai câu nào, tập trung vào công việc. Mỗi lần Thắng ngẩng lên thấy chiếc nón của Thương nhấp nhô liền cảm thấy có thêm động lực, việc gặt lúa đỡ nhàm chán hơn hẳn.

- Anh, chị, ra nghỉ giải lao, mẹ đưa nước ra đồng rồi đó. – Tiếng bé Nguyên hô to.

- Nước chanh đường đá, mau nghỉ chút rồi làm tiếp. – Mẹ Thắng lên tiếng.

Trên nét mặt nhợt nhạt của mẹ, Thắng thấy nụ cười đã mấy tháng nay vắng bóng. Kể từ khi trong nhà xảy ra chuyện, bố cậu để lại món nợ cho mẹ con cậu, cuộc gọi với lời xin lỗi vội vã rồi biệt tích từ đấy. Thắng không hiểu nổi, tại sao bố mình lại từ người cán bộ mẫu mực lại thành kẻ bị xua đuổi phải tha hương, phải chăng cậu chưa từng hiểu về bố, hoặc là bố mẹ chưa từng để cho cậu biết về những mặt trái của cuộc đời. Cuộc sống của cậu trước kia toàn là những êm đềm mà giờ chỉ có thể mơ về nó.

Nắng hè bỏng rát, cái nắng như muốn thiêu rụi những thứ yếu đuối xa rời nguồn nước, xa rời bóng mát chở che. Ngụm nước chanh đá mát rượi trôi qua cổ họng giống như món quà quý giá. Khà! Cả ba đứa trẻ uống vội ngụm nước to thỏa mãn, biết đâu nhiều năm sau, giây phút này lại trở thành một giấc mơ chẳng thể chạm tay.

- Cô cảm ơn cháu nhé. Cháu nhiệt tình quá – Mẹ lấy chiếc quạt nan quạt cho mấy đứa.

- Em sắp rụng tay rồi anh Thắng ạ! – Nguyên nằm soài ra bờ lúa, thở hắt ra.

- Em về trước đi, còn lại anh gặt cho, từ giờ tới tối cũng xong thôi. – Thắng nói với Nguyên, dù miệng than mệt nhưng cái tay nó lắc lắc chai muồng muỗng chắc mẩm nghĩ tới việc nướng chúng lên ăn.

Trên trời, nắng càng to, nền trời càng xanh và cao vợi. Thương bỗng thấy một khóm lúa sót lại giữa những gốc rạ trơ, không phải là cô để sót rồi.

- Ê Thắng, sao cậu lại để lại khóm lúa kia vậy?

Thắng nhìn theo hướng tay Thương chỉ, liền nói:

- À, có một tổ chim sâu ở đó. Lũ chim sâu tới mùa sinh sản hay bện vỏ lúa làm tổ, huống gì, sâu non quanh đó nhiều, vừa hay bắt sâu cho lúa. Nãy tớ gặt lúa tới gần nghe tiếng chíp chíp của mấy con non nên mới không gặt trúng.

- Liệu cây mỏng manh thế kia gió có thổi tung cả tổ của chúng không? – Thương tò mò – Tớ chưa từng thấy chim non, tớ xem được không?

Nhận được cái gật đầu của Thắng, cô chạy tới, mấy chú chim non còn chưa mở mắt thấy tổ lay liền há to cái miệng. Sự dễ thương của chúng khiến Thương vui vẻ, mọi mệt mỏi dường như bị bỏ quên ở đâu mất.

- Để tớ cố định tổ chúng cho chắc chắn hơn. – Thắng lấy cành cây ở đâu cắm xuống ruộng, lấy mấy nhánh lúa làm dây buộc cây lúa nơi có tổ chim vào cành. Như thế, mỗi khi có trận gió to, cái tổ cũng có nơi nương tựa, tạm ổn tới khi lũ chim non lớn hơn.

ngang qua mùa hạ.jpg

(Tổ chim non giữa ruộng, hình ảnh minh họa cho truyện ngắn "Ngang qua mùa hạ" - Minh Phong)​

Vì chuyện tổ chim, cũng có thể vì em gái Thắng đã về, hai đứa dường như mở lòng với nhau hơn. Nửa buổi chiều gặt lúa là những câu cười nói đan xen, cả những lời tâm sự của Thắng về gia đình.

- Cậu thấy đấy, tình cảnh gia đình tớ hiện giờ không được tốt lắm, còn Nguyên đang đi học nữa, chắc tớ không thi đại học đâu.

- Vì sao? Tớ, các bạn và thầy luôn bên cậu cơ mà. Cậu có thể vừa học vừa làm nữa, có rất nhiều cách để kiếm tiền
– Thương nhìn Thắng.

- Tớ … không thể nhờ mọi người mãi được – Cậu lẩn tránh ánh mắt của Thương, cúi đầu nhìn bông lúa vàng trong tay – Tớ không muốn trở thành gánh nặng .

- Chẳng có gì là gánh nặng cả. Với tớ, nếu như không giúp được cậu, hưởng thụ cuộc sống sinh viên vô ưu để cậu với khó khăn riêng mình mới là gánh nặng vĩnh viễn trong lòng tớ. – Giọng Thương run lên, dường như sắp khóc. Cô cố nén lại cảm xúc rồi tiếp tục – Hơn nữa lúa này tớ cũng giúp cậu gặt rồi, cậu cũng đã thành con nợ của tớ, đừng hòng trốn.

Thắng dở khóc dở cười:

- Nào có cái chuyện vô lí thế.

- Chẳng vô lí tí nào. Tớ sẽ giúp cậu gặt hết số lúa, đổi lại, cậu phải giúp tôi phần Hình học không gian đấy. Đề số 31 thầy mới cho, câu 60, nhớ giảng cho tớ.

- Tớ có thể giúp cậu, nhưng không thể hứa với cậu điều gì hết. Thương có biết, gặt xong ruộng lúa này, tớ tính đi gặt thuê lấy công nữa.


Thương trầm ngâm, Thắng cũng không nói. Tới khi gặt xong lúa cũng là khi mặt trời đã lặn, chỉ còn lại những tia sáng đỏ ối cuối trời, loang vết mực vào lòng sông quê phối ra bức tranh tuyệt vời khiến lòng người khoan khoái.

- Ngồi nghỉ chút chứ? Thương hỏi, cô đặt liềm lên một bó lúa đã xén đôi, rạ dày phía dưới, bông lúa và phần rơm phía trên, giờ cô mới biết rằng chiếc liềm gặt với liềm dùng xén đôi thân lúa khác nhau, liềm xén to hơn và có phần thân vuông, dài hơn, không cong cong như trăng non.

- Ừ, nghỉ chút rồi gánh lúa về nữa. Còn nhiều việc phải làm lắm. – Thắng tiện tay lau mồ hôi trên trán bằng áo cánh tay, ngồi cạnh Thương. Cậu thấy đôi tay nhỏ của Thương dộp lên những bọng nước, lần đầu cậu cầm liềm gặt lúa cũng thế. Tay cậu giờ đã có vết chai sạn, nhưng dù gì cậu cũng là con trai mà – Đau không?

- Tớ chẳng biết là làm nông vất vả như vậy
– Cô cười nụ cười nhạt rồi nói – Nhưng ngày kia được nghỉ học, tớ sẽ lại qua giúp cậu.

- Đừng tới nữa, cậu chẳng hợp với việc này chút nào, con gái như cậu vẫn nên học cho chăm chỉ thôi, sắp thi đại học rồi còn gì.


- Cậu cũng biết sắp thi đại học cơ đấy? Từ giờ, cậu làm tớ sẽ làm cùng cậu, cậu học thì tớ học. – Thương chợt nhận ra, ăn vạ có vẻ có tác dụng hơn khuyên nhủ cậu ta nhiều.

- Không được, tớ khác cậu khác, đừng làm chuyện ngớ ngẩn nữa. Chuyện này liên quan tới tương lai của cậu, không đùa được lúc này đâu – Thắng cáu gắt.

- Có gì khác nhau, tớ quyết định là sẽ cùng tiến cùng lùi với cậu rồi.

- Nhưng hoàn cảnh của tớ lúc này không thể, Thương đừng trẻ con nữa. Cậu không trong hoàn cảnh của tớ sao hiểu được. Tớ, chỉ là gác lại ước mơ vài năm thôi. Không sao đâu.

- Nếu giờ cậu không chiến đấu với khó khăn thì vài năm nữa cậu cũng sẽ buông xuôi thôi. Cậu hiểu không?


Thương xòe đôi bàn tay trắng ngần giờ đầy bọc nước hơi hồng lên, nói:

- Đồng lúa thơm muốn thu được hạt ngọc thì phải trải qua bao cố gắng, bao mồ hôi công sức. Tớ sẽ giúp cậu, cậu nợ tớ, nợ thầy thì có sao. Huống gì, khi giúp cậu cũng là lúc tớ được giúp chính mình, trải nghiệm hôm nay giúp tớ yêu hạt cơm nhiều hơn, thương người nông dân hơn. (Và còn thương cậu hơn nữa – đó là lời Thương giữ lại)

- Nhưng… - Giọng Thắng yếu ớt, đôi bàn tay Thương là minh chứng tốt nhất để cậu biết rằng quyết tâm giúp đỡ cậu là thật.

- Có nỗi khổ nào bằng nỗi khổ vứt bỏ ước mơ sao? Tới giấc mơ của cậu, tương lai của cậu bị chà đạp cậu còn chịu được, vậy thì nghịch cảnh có là gì?

Giọng Thương khe khẽ nhưng lại có sức mạnh to lớn đến thế. Hốc mũi Thắng đột nhiên nóng lên. Cậu ngửa mặt lên trời, muốn cho nắng cho gió thổi khô đi mà không được, nước mắt vẫn chực rơi xuống. Thắng lại lấy tay gạt sạch. Cậu không muốn khóc, càng không muốn Thương thấy cậu khóc. Thương cũng vờ như không biết, cô chạm khẽ vào vai cậu, nắm một cái như muốn nói: Cố gắng lên, tớ tin ở cậu, rồi đứng dậy rời đi trước. Lúc này, cô nghĩ cậu nên ngồi một mình.

**

Một ngày lại nắng, nắng vẫn chờ chực làm khô héo những kẻ lang thang cô độc, nhưng ve vẫn kêu rộn ràng khúc nhạc, gió vẫn khẽ vẫy chào trên ngọn cây, vờn trên mái tóc, bóng ai mặc áo dài trắng đạp xe trên đường nhu mì mà cứng cỏi, bên cạnh là một cậu bạn áo trắng xơ vin cẩn thận, nụ cười tràn đầy trên môi.

- Chào Thương Thương, tớ chấp nhận lời thách đấu của số phận rồi. Chúng ta cùng tiến lên nhé.

- Được. Trước tiên là bài toán số 60.


Cả hai cùng cười. Ngoài thứ nhiệt từ nắng, hình như còn có thứ nhiệt tỏa ra từ nhiệt thành tuổi trẻ, của những giấc mơ cháy bỏng muôn đời.



_Tác giả: Phong_
Bài dự thi Mùa hè của tôi - Ngang qua mùa hạ​
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
minh phong mùa hè của tôi ngang qua mùa hạ
1K
10
11
Trả lời
Truyện hay lắm!
Chúc tác giả Minh Phong rất đỗi đẹp trai lọt vào top 5 nhá!
 
View previous replies…
Lâu rồi mới gặp lại nhân vật có tên Thương Thương
 
"Ngoài thứ nhiệt từ nắng, hình như còn có thứ nhiệt tỏa ra từ nhiệt thành tuổi trẻ, của những giấc mơ cháy bỏng muôn đời."
Câu kết truyện rất triết lý, đáng trân trọng để tạo lý tưởng sống.
Xây dựng nhân vật và ngôn ngữ nhân vật rất hay, đáng yêu. Ngôn từ của thời hoa mộng của những lúc chớm "yêu". Của những lần "giận yêu" mà Thương trút lên đầu Thắng. Của những cái nhìn "xót yêu" mà Thắng dành cho Thương khi nhìn bàn tay Thương nổi nước sau một ngày gặt.
Ở tác phẩm này đã được khắc họa chân thực và sống động nhất một thứ tình cảm thiêng liêng làm sao. Nó trên tình bạn mà dưới tình yêu của thời áo trắng.
Tôi thì yêu lãng mạn nên rất thích tác phẩm này.
 
"Ngoài thứ nhiệt từ nắng, hình như còn có thứ nhiệt tỏa ra từ nhiệt thành tuổi trẻ, của những giấc mơ cháy bỏng muôn đời."
Câu kết truyện rất triết lý, đáng trân trọng để tạo lý tưởng sống.
Xây dựng nhân vật và ngôn ngữ nhân vật rất hay, đáng yêu. Ngôn từ của thời hoa mộng của những lúc chớm "yêu". Của những lần "giận yêu" mà Thương trút lên đầu Thắng. Của những cái nhìn "xót yêu" mà Thắng dành cho Thương khi nhìn bàn tay Thương nổi nước sau một ngày gặt.
Ở tác phẩm này đã được khắc họa chân thực và sống động nhất một thứ tình cảm thiêng liêng làm sao. Nó trên tình bạn mà dưới tình yêu của thời áo trắng.
Tôi thì yêu lãng mạn nên rất thích tác phẩm này.
Trầm Từ ThươngTrước nay mình thích viết về đề tài gia đình, cuộc sống. Lần này muốn viết về tuổi trẻ, gắn với mùa hạ, nhẹ nhàng một chút, nhưng bỗng thấy viết về tình yêu, về tuổi trẻ dễ nhưng viết hay và xúc động được mới khó. Dù chưa được xuất sắc nhưng nhờ bình luận của bạn mình thấy tự tin hơn nhiều. Cảm ơn Trầm Từ Thương rất nhiều.
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.