sáng tác Nhớ hương vị Tết xưa - Nguyễn Minh

sáng tác Nhớ hương vị Tết xưa - Nguyễn Minh

Mùa đông đến, bầu trời u ám sầm sì lầm lì như đang giận dữ ai. Từng cơn gió mùa hun hút lùa khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, ai ra đường cũng co ro trong những lớp áo dày, cổ quấn chiếc khăn to sù. Cây cỏ trong vườn xơ xác, lá vàng rơi lả tả. Thế mà khi Tết đến - xuân về, như có một phép màu nhiệm, trên những cành cây gầy gò xám mốc xuất hiện những chồi non be bé, xanh non như đôi mắt trẻ con he hé nhìn xung quanh đầy ngạc nhiên thích thú. Lác đác đây đó đã có những nụ hoa bé li ti như cúc áo. Thảm cỏ dường như cũng mượt mà và xanh tươi hơn. Tôi ôn lại những kỉ niệm về Tết xưa.

Những ngày rét mướt, mẹ tôi lại tìm những gộc cây mấu mía không chẻ được đốt một đống lửa giữa nhà xua tan hơi lạnh cuối đông, vùi vào đống lửa những củ khoai mập mạp cho đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn. Mùi khoai nướng thơm lừng cả mấy gian nhà nhỏ. Gia đình tôi không khá giả, lại đông anh em. Quần áo mặc thừa nhau hết chứ không được ăn diện, diêm dúa như trẻ con thời nay. Vậy mà mẹ với bao chắt chiu, nhọc nhằn để dành cho mỗi đứa một bộ quần áo mới để mặc vào mùng một Tết, sau đó giặt sạch cất vào hòm, sang năm mặc tiếp. Tuy sang năm quần áo có hơi ngắn nhưng vẫn còn mới. Riêng tôi khâu được mấy cái túi vải để dành đựng tiền mừng tuổi.

Trong tiếng giành nhau ăn chí chóe của bầy con, mẹ tôi ngồi lẩm nhẩm tính xem cần mua những gì cúng ông Công ông Táo, đặc biệt là nồi bánh chưng. Bà bảo: “Tết này các con thích gì?”. Lập tức những cái miệng lem nhem khoai nướng cùng đồng thanh: “Bánh chưng, không cần giò chả”. Mẹ tôi lại chép miệng, thở dài: “Bố mẹ lo vãi máu vãi ruột mà con chỉ thích Tết thôi”. Bố tôi thì xem xét tường nhà để quét vôi lại. Ông lo không biết tháng lương tới có đủ mua gạo và các thứ nguyên liệu nấu bánh chưng, lịch treo tường và mấy tờ tranh treo Tết. Ông giục các em tôi cùng dọn nhà chuẩn bị đón Tết.

Tôi theo mẹ mang chiếc làn con con đi chợ sắm Tết. Đứng bên cạnh mẹ trả giá mà con bé cứ tròn mắt ngắm nghía người đổ về chợ Tết đông nườm nượp với niềm vui ngây thơ trong trẻo. Hàng hóa từ đâu mà nhiều vô kể. Nào là hàng quần áo rực rỡ đủ mọi sắc màu, kiểu dáng bắt mắt. Nào là những món quà hàng tỏa hương thơm mời gọi: bánh rán, bún – phở, xôi chè, bánh cuốn,…Nào là các loại bánh, mứt, kẹo, hoa quả bày la liệt…Thấy đâu đâu cũng nhộn nhịp, màu đỏ hoa đào hòa lẫn màu vàng hoa mai mà tôi cứ thầm ước giá như nhà mình cũng có.

Còn nhớ trước hàng tò he tôi mắt tròn mắt dẹt trước những hình dáng những nhân vật trong truyện Tây du kí: Đường Tăng ,Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng. Bác còn nặn được đủ mọi thứ: con gà trống với bộ lông sặc sỡ, những con rồng đủ cả móng vuốt uốn mình như thật, những hình cô gái, chú bộ đội vai mang súng… Vừa nặn con giống và nhân vật bác lại kể chuyện những điển tích liên quan đến chúng khiến mọi người ai cũng hết lời ngợi khen. Thỉnh thoảng trong tiếng nô đùa của trẻ con vang lên tiếng pháo tép nổ lẹt đẹt.

Mẹ tôi đi chợ về phân công công việc cho từng đứa: đứa lo vo gạo, ngâm gạo, đứa rửa lá dong, lau lá,…trên mặt chúng tôi đứa nào cũng ánh lên niềm vui. Mẹ tôi rửa thịt rồi ướp thịt, thổi đỗ cho bố tôi gói bánh. Mùi nhân bánh chưng, mùi đỗ thổi thơm ngào ngạt hòa quyện trong gió xuân lành lạnh đem lại một hương vị rất riêng của Tết. Bên cạnh rá gạo nếp đã ngâm, rá đỗ đã đồ chín được nắm thành từng nắm nhỏ, bố tôi đặt lạt nhẹ nhàng xuống mặt phản rồi vuốt phẳng phiu những chiếc lá dong đã được mẹ tôi tước sống đặt lên trên. Ông gói bánh chưng nhanh thoăn thoắt với đủ các loại: gạo, đỗ thịt rồi nắn nót gấp các mép lá cho vuông góc lại. Những chiếc bánh chưng đầy đặn vuông vức đã xong. Chỗ thừa còn lại ông gói thành những chiếc bánh bé xíu cho mỗi đứa một cái. Mẹ tôi thì ngồi gói bánh tày hay còn gọi là bánh ống.

Xong công đoạn gói bánh ông xếp bánh vào một chiếc nồi cỡ lớn đặt trên bếp củi có trấu rắc xung quanh. Tôi ngồi canh bếp đợi bánh chín nhìn ngọn lửa liếm lên hông nồi hừng hực ấm áp mà không sao chống được cơn buồn ngủ. Bố tôi bảo: “Ngủ đi, để bố trông cho”. Gần sáng thức giấc tôi vẫn thấy bóng ông đổ dài bên ngọn lửa chập chờn. Bố tôi dỡ bánh, những chiếc bánh chưng còn bốc khói nghi ngút thơm mùi gạo nếp. Tôi và các em háo hức ngồi mở lớp lá của chiếc bánh con con thưởng thức hương vị của gạo nếp, thịt và đỗ xanh béo ngậy.

Đêm ba mươi Tết, thời khắc giao mùa thiêng liêng của thiên nhiên, của lòng người cũng đã đến. Thời điểm tiễn năm cũ và đón một năm mới đến với niềm tin về những điều tốt lành sẽ đến. Đây đó tiếng pháo thưa thớt, đùng đoàng rồi to dần. Cả nhà tôi xúm quanh chiếc đài ga – len nhỏ nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trong ánh lửa bập bùng của những cành củi khô. Tiếng Bác trầm ấm vang lên sao mà thân thương quá.

Sáng mồng một Tết, chúng tôi được mặc quần áo mới theo mẹ vào ông ngoại. Nhà ông ngoại chỉ cách có một cái ao. Vườn nhà ông ngoại rộng lắm: nào là hồng nhung hồng bạch bên cạnh là khóm hoa thược dược đỏ mịn như nhung. Vào đến sân trong là là hai cây đào hồng thắm chen lẫn là vô số nụ giữa những chồi non xanh biếc. Gần sát nhà thờ là hai bồn hoa với hai cành mai rất to làm vàng rực lên khoảng sân rộng. Đi qua sân vườn, tôi vào khấn các cụ ở gian giữa, hương trầm nghi ngút. Tôi ngước nhìn lên ban thờ lòng đầy thành kính, ngắm nhìn những hương án, cây nến, đỉnh đồng. Tất cả đều huyền ảo lung linh sau làn khói hương tỏa nhẹ. Tôi sang chào các ông bà đang hút thuốc têm trầu ở gian bên sau đó vào chào các bác các dì ở nhà ngang rồi ra chơi dưới bóng cây ổi tàu lá nhỏ lăn tăn đứng nghiêng ở góc sân rộng lát gạch bát nhẵn bóng bên cạnh bể nước mưa. Được mừng tuổi chúng tôi sung sướng lắm, tôi cất tiền vào cái túi đã khâu sẵn để dành.

Tết xưa trong kí ức của tôi giản dị, bình thường là như thế đó, chỉ là không khí chuẩn bị đón Tết đầm ấm bên gia đình thôi mà khiến tôi nao nao nhớ. Bây giờ dù cuộc sống có đủ đầy hơn nhưng không thể thấy lại cái không khí thiêng liêng thuở trước. Không chỉ riêng tôi mà ai ai cứ dịp xuân về lại bâng khuâng nhớ về gia đình cũ – nơi tuổi thơ thiếu thốn nhưng chất chứa bao nhiêu kỉ niệm êm đẹp. Tôi mong sao được sum vầy bên những người thân thương mỗi độ xuân về để cùng nhau tận hưởng hương vị ngọt ngào Tết quê nhà.

Nguyễn Minh


Nhớ hương vị Tết xưa - Văn học trẻ.jpg

@Ảnh: Nhớ hương vị Tết xưa - Văn học trẻ. Nguồn: Internet​
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
nguyễn minh nhớ hương vị tết xưa
571
4
4

Đỗ Thị Sen

Thành Viên
5/1/23
11
7
3,000
Thái Nguyên
Xu
115,315
Tết xưa đợi mãi cả năm mới có mấy ngày con cháu quây quần, ăn uống đầy đủ nhất trong năm nên hương vị Tết xưa ấm áp lắm ạ
 

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826
Đối với những người có tuổi, tết xưa mang một phong vị rất riêng. Có thể Tết xưa không có mâm cao cỗ đầy nhưng lại có tất cả mọi điều tốt đẹp!
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top