Hỏi Đáp Những nhà văn ở miền nam giai đoạn trước cách mạng tháng 8 gồm những ai?

Hỏi Đáp  Những nhà văn ở miền nam giai đoạn trước cách mạng tháng 8 gồm những ai?

Vanhoctre
VanhoctreVanhoctre đã được xác minh
  • Thành viên BQT
  • Văn Học Trẻ đến từ Việt Nam
Những nhà văn ở miền nam giai đoạn trước cách mạng tháng 8 ngoài Hồ Biểu Chánh ra còn ai nữa không? Nếu có thì cho mình xin tên và tựa đề một số tác phẩm. Giai đoạn từ 1945-1975 ngoài Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc ra có còn ai nữa không?

Nếu có các bạn cho mình xin tên cũng như tựa đề một số tác phẩm luôn nha. Mình cảm ơn trước ạ.

Bạn @Phiêu Du có hỏi ở chatbox, Ad tiện đăng câu hỏi ở đây để mọi người theo dõi. Sau đây, là câu trả lời từ S.mod @Phong Cầm, nhưng không phải các tác giả, tác phẩm trước tháng 8, 1945.

1633874660011.png


Câu hỏi này phải lục lại tư liệu chứ giờ quả thực không nhớ ra được. Các bạn có tư liệu chia sẻ giúp bạn Phiêu Du nhé.
 
1K
4
3
Trả lời

VĂN HỌC MIỀN NAM GIAI ĐOẠN 1932 - 1945​


Văn học quốc ngữ Nam Bộ hình thành từ cuối thế kỉ 19, cho đến đầu thế kỷ XX vùng văn học này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành bộ phận tiên phong của văn học dân tộc với hàng chục mấy tác gia, hàng trăm bộ tiểu thuyết ngay từ khi các miền khác ở đất nước chưa biết “tiểu thuyết” là gì. Những tên tuổi lớn của văn học quốc ngữ Nam Bộ là: Trương Vĩnh Ký –người viết ký sự quốc ngữ đầu tiên; Nguyễn Trọng Quản – nhà tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên; Trương Minh Ký – nhà văn, dịch giả văn học Pháp đầu tiên; Huỳnh Tịnh Của – nhà văn ngữ văn học quốc ngữ tiên phong; Trần Chánh Chiếu - nhà văn Minh tân; Lương Khắc Ninh – nhà thơ nhà báo duy tân; Hồ Biểu Chánh - nhà tiểu thuyết xã hội-đạo lý cự phách; Trương Duy Toản- nhà văn dã sử võ hiệp; Lê Hoằng Mưu – nhà tiểu thuyết tiên phong và táo bạo; Nguyễn Chánh Sắc- nhà tiểu thuyết võ hiệp, nhà dịch thuật truyện Tàu trứ danh v.v. Những nhà văn ấy và hàng chục nhà văn khác nữa với hàng mấy trăm tác phẩm đã xây dựng nền móng đầu tiên, từ đó mới phát triển ra miền Bắc, miền Trung, tạo thành tòa lâu đài của văn học TK 20, khẳng định sức sống mãnh liệt của dân tộc.

Văn học Nam Bộ 1932 – 1945 là một bộ phận máu thịt của văn học Việt Nam, là một phần của đời sống tinh thần và tâm hồn của người Việt ở Nam Bộ. Tuy nhiên từ trước đến nay, việc nghiên cứu về mảng văn học này chưa được chú ý vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do khó khăn về tư liệu và thói quen thưởng thức. Người ta nói rất nhiều đến những Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Bùi Hiển, Tô Hoài, Vũ Ngọc Phan, Trương Chính, Hoài Thanh…nhưng rất ít người nghe thấy nhắc đến những cái tên như: Hồ Biểu Chánh, Tân Dân Tử, Trần Quang Nghiệp, Phan Huấn Chương, Kiều Thanh Quế, Phi Vân…

Theo thống kê ban đầu, những tác giả có tác phẩm được xuất bản từ 1930 đến 1945 còn lưu lại đến nay lên đến hơn 150 người.

Việt Đông với “Việt Đông văn tập” (cạnh tranh với Tiểu thuyết Thứ Bảy” và “Tiểu thuyết Thứ Năm” ở Hà Nội)

Phi Vân với tập “phỏng (sic) sự tiểu thuyết” Đồng quê đầy ắp chất hiện thực về đất và người Nam Bộ;

Cụ thể, ta có thể liệt kê những tác giả/ nhóm tác giả nổi bật trong các mảng riêng biệt như sau:

1/Sáng tác thơ​

1.1 Nhóm Phụ nữ tân văn:​

Với bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ, trên báo Phụ nữ tân văn số 122 (10/3/1932), Phan Khôi đã tuyên chiến công khai với Thơ cũ. Phụ nữ tân văn được thành lập năm 1929 quy tụ các cây bút Tây học và tiến bộ nhất bấy giờ:

- Phan Khôi, xuất thân từ phong trào Duy tân, tham gia viết báo, trở thành nhà ngôn luận cự phách

- Đào Trinh Nhất, du học ở Pháp từ 1925 mới về Sài Gòn

- Nguyễn Thị Kiêm, tốt nghiệp trường nữ đầu tiên của cả nước – trường Collèges des Jeunes filles Annamites de Saigon/ Trường nữ Trung học Annam Sài Gòn (Nữ sinh áo tím).

Tờ báo trở thành cơ quan đấu tranh cho tiến bộ xã hội, cho nữ quyền và cho nền văn học mới. Phan Khôi trở thành vị chủ soái của nhóm trí thức Phụ nữ tân văn. Nguyễn Thị Kiêm trở thành người phụ nữ cổ xúy cho thơ mới và cho phụ nữ tham gia vào văn học và các công tác xã hội. Quy tụ trong nhóm Phụ nữ tân văn còn có các nhà thơ: Lư Khê (phu quân của Nguyễn Thị Kiêm), Hồ Văn Hảo, Vân Đài, Huy Hà, Nguyễn Hữu Trí, Khổng Dương, Sơn Khanh…

Phan Khôi là người khởi xướng cho Phong trào thơ mới trên Phụ nữ tân văn, nhưng bản thân ông không phải là một nhà thơ. Ông là nhà văn hóa, một học giả nhạy bén và dũng cảm dám công khai tấn công vào thơ cũ, phá vỡ khuôn khổ cũ để đi tìm chân trời mới biểu đạt tự do tình cảm cảm con người. Manh Manh, Hồ Văn Hảo mới thực sự là những nhà thơ mới. Thơ của Manh Manh rất Tây vì đều mô phỏng âm điệu thơ Pháp: Thơ gửi cho em Vân theo điệu Gió chiều, Mộng du theo điệu Sợi tơ lòng... Số câu trong một khổ, số từ trong một câu không giới hạn, có khi ngắn như các bài: Viếng phòng vắng, Canh tàn, có khi rất dài – 8 chân, 10 chân, 24 chân như các bài Hai cô thiếu nữ, Bức thư gởi cho tất cả ai ưa hay ghế lối thơ mới

Hồ Văn Hảo cũng đi theo hướng phá cách này. Trong các buổi diễn thuyết của mình, Manh Manh thường dẫn thơ Hồ Văn Hảo. Hai bài thơ được nhắc đến nhiều nhất là bài Tự tình với trăng Con nhà thất nghiệp.

Bài Con nhà thất nghiệp không chỉ là mở rộng câu thơ, khổ thơ, mà điều quan trọng nhất là mở rộng phạm vi phản ánh của thơ: thơ không phải chỉ có mây gió trăng hoa, mà còn có thể có cả thất nghiệp với cơm áo gạo tiền. Cho đến nay nhìn lại, có thể nói thơ Manh Manh, Hồ Văn Hảo không thật hay, thậm chí nhiều bài còn khá vụng về, ngọng nghịu, nhưng điều đáng quý của họ là ở thái độ sống, thái độ sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Đó là điều lớn nhất mà Manh Manh, Hồ Văn Hảo và cả Lư Khê đóng góp cho phong trào Thơ mới.

1.2 Nhóm Hà Tiên​

Nhóm văn chương này xoay xung quanh Đông Hồ trường Trí Đức học xá.

Bị thuyết phục bởi Nam phong tạp chí, Đông Hồ Lâm Tấn Phác mở trường Trí Đức học xá ở Hà Tiên để dạy tiếng Việt và chủ trương viết văn viết báo bằng một thứ tiếng Việt “chuẩn” như Nam phong tạp chí. Khi phong trào thơ mới bột phát, ông nhanh chóng chuyển hướng sang thơ mới và ủng hộ thơ mới bằng tập Cô gái xuân có khuynh hướng lãng mạn với hồn thơ mới mẻ trẻ trung khác hẳn tập Linh Phượng trước đó. Năm 1935 ông lập ra tờ báo Sống quy tụ khá đông đảo văn hữu Bắc Trung Nam.

Châu tuần xung quanh Đông Hồ có “Hà Tiên tứ tuyệt”: Mộng Tuyết, Trúc Hà, Lư Khê (tất nhiên có cả Đông Hồ).

Nữ sĩ Mộng Tuyết, học trò của Đông Hồ ở Trí Đức học xá, đồng thời cũng là bạn thơ, bạn đời của ông trong một mối tình định mệnh. Mộng Tuyết theo chủ trương sáng tác của Đông Hồ, cô có tập Phấn hương rừng được Tự Lực văn đoàn khen tặng 1939, đồng thời cô cũng góp mặt cùng các nữ thi sĩ hàng đầu của làng Thơ mới: Vân Đài, Hằng Phương, Anh Thơ để xuất bản tập thơ Hương Xuân (NXB. Nguyễn Du, Hà Nội, 1943). Người nữ trong thơ Mộng Tuyết với vẻ bề ngoài kín đáo, e ấp, hay xấu hổ, nhưng bên trong tâm hồn thì thật mới. Cô hay nói về đời sống sinh hoạt thường ngày rất con gái của mình: chải đầu, trang điểm, ngủ mơ, sửa lại áo xiêm…Cô hay ngắm nhìn vẻ đẹp của mình: một cái mũ thời trang, một cái áo mới, một kiểu tóc, gương mặt, vầng trán (Làm cô gái Huế, Em bị cười, Em trả thù…). Tất cả những điều ấy rất xa lạ với thơ cũ, một nền thơ ca trọng đạo lý, trọng chí khí, trọng sự cao nhã. Đọc đến bài thơ Em xấu hổ người ta phải kinh ngạc: chưa có bài thơ nào vừa kín đáo, e ấp lại vừa táo bạo đầy vẻ sắc dục như thế. Tôi nghĩ là sẽ không quá lời khi khẳng định: Mộng Tuyết là thi sĩ tài hoa nhất, có bản sắc nhất trong nhóm Hà Tiên, và là nữ thi sĩ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới toàn quốc. Nói như thế tôi có nghĩ đến Manh Manh, Hằng Phương, Vân Đài, Anh Thơ.

Lư Khê là cháu của Đông Hồ, đồng thời là chồng của nữ sĩ Manh Manh (Nguyễn Thị Kiêm). Với cả hai tư cách như thế nên sáng tác của ông cũng có đặc điểm của các hai nhóm: nhóm Hà Tiên và nhóm Phụ nữ tân văn. Có thể xếp ông vào nhóm Hà Tiên như là một trong “Hà Tiên tứ tuyệt” cũng được, và tập tùy bút Phút thoát trần của ông thì đúng là phong cách Trí Đức học xá – nghĩa là “văn Nam phong”; nhưng đồng thời cũng có thể xếp ông vào nhóm Phụ nữ tân văn cũng được, với hơi hướng “văn Tây” và tư tưởng khai phóng mà mấy bài thơ Riêng tặng K. bạn tôi, Nhủ nhau cho thấy rất rõ.

Trúc Hà viết văn và làm thơ theo đúng phong cách nhóm Hà Tiên. Những sáng tác đầu tay là những tùy bút giàu chất thơ đăng trên Nam Phong tạp chí (Lời cảm cựu, Nam Phong, số 141, tháng 8/1929), sau đó là một số truyện ngắn đăng trên báo Sống. Trúc Hà có dịch bài thơ L'isolement/ Cảnh đìu hiu của Lamartine theo thể song thất lục bát. Về sáng tác, ông có hai bài thơ đáng chú ý là Dưới rèm Giận bức rèm cùng in trên báo Sống. Tuy nhiên đóng góp chủ yếu của Trúc Hà lại ở lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học – một lĩnh vực khá ít người tham gia ở Nam Kỳ. Chúng ta sẽ nhắc đến ông nhiều hơn ở nhóm nghiên cứu phê bình văn học.

1.3 Huỳnh Văn Nghệ với các nhà thơ thập niên 1940​

Cuối thập niên 1930 đầu thập niên 1940 ở Sài Gòn xuất hiện hàng loạt các nhà thơ mới với một phong cách khác: giàu chất hiện thực, thiên về nam tính, cứng cỏi, ngôn ngữ đậm chất Nam bộ, âm điệu trầm hùng…Đó là Khổng Dương với tập Ly tao xuất bản 1940, Sơn Khanh tập Tiếng lòng, 1942 (cả hai đều quê Trà Vinh), Nguyễn Hữu Trí (quê Mỹ Tho?) và Huỳnh Văn Nghệ (quê Bình Dương) có nhiều thơ đăng trên báo Sống. Huỳnh Văn Nghệ ngay từ năm 1940 đã viết những câu thơ hào hùng mà sau này làm nên tên tuổi “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ: “Ai đi về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Rồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Nhớ Bắc).

Cả bốn thi sĩ trên sau 1945 đều theo tiếng gọi của Tổ Quốc mà tham gia kháng chiến chống Pháp. Họ là thế hệ chuyển tiếp giữa thơ lãng mạn và thơ kháng chiến – mà phong cách thơ của họ trước 1945 đã có những dấu hiệu báo trước.

2/ Tiểu thuyết​

2.1. Tiểu thuyết lịch sử​

Từ thập niên 1920 ở Nam Bộ có hàng loạt tiểu thuyết lịch sử được sáng tác và xuất bản. Tân Dân Tử là tác gia nổi bật nhất. Tiểu thuyết của ông chỉ lấy một đề tài là quá trình đấu tranh chống Tây Sơn giành ngôi báu và thống nhất nước nhà. Những tác phẩm ấy in sâu trong ký ức người dân Nam Bộ, vượt qua cả một thời thiên lệch về cách nhìn lịch sử để tái khẳng định mình trong thời hiện đại, trở thành niềm tự hào của văn học Nam Bộ, đó là bộ ba tác phẩm: Gia Long phục quốc (Nhà in Nguyễn Văn Viết, SG, 1917), Gia Long tẩu quốc (Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1930), Hoàng Tử Cảnh như Tây (Nhà in Đức Lưu Phương, SG, 1931).

Bên cạnh các nhà văn viết về lịch sử Nam Kỳ, có một số nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử về dân tộc Việt trước triều Nguyễn, đó là:

- Hồ Biểu Chánh với Nam cực tinh huy (Nhà in Đức Lưu Phương, SG, 1924) viết về Ngô Quyền; Nặng gánh cang thường (Càng Long, 1930) viết về lịch sử thời Lê Thánh Tông

- Nguyễn Chánh Sắt với Việt Nam Lê Thái Tổ, tiểu thuyết lịch sử, 4 tập, Đức Lưu Phương xuất bản, SG, 1929

- Phạm Minh Kiên là nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử với số lượng nhiều nhất - 5 tác phẩm: Loại tiểu thuyết lịch sử có: Vì nước hoa rơi (Nhà in Xưa nay, SG, 1926), Việt Nam anh kiệt - Vì nghĩa liều mình (Impr. Duy Xuân, Sađec, 1926), Việt Nam Lý trung hưng (Việt Nam Lý Thường Kiệt) (Nhà in Đức Lưu Phương, SG, 1929), Lê triều Lý thị (Impr. Nguyễn Văn Viết, SG, 1931), Tiền Lê vận mạt (Tín đức thư xã, SG, 1932), Trần Hưng Đạo (Tín đức thư xã, SG, 1933).

Các nhà văn trên viết tiểu thuyết lịch sử trước hết là nhằm đối phó lại tình trạng truyện Tàu được dịch và xuất bản tràn lan ở Nam Bộ, nhưng quan trọng hơn là qua tiểu thuyết lịch sử, các nhà văn muốn kín đáo nhắc nhở tình tự dân tộc, khơi gợi truyền thống anh hùng và ý chí đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

2.2. Tiểu thuyết trinh thám-vụ án​

Nhà văn viết truyện trinh thám theo kiểu phương Tây đầu tiên có thể nói là Biến Ngũ Nhi với các bộ Mật thám truyện, Kim thời dị sử (Ba Lâu ròng nghề đạo tặc, Chủ nợ bất nhân) nổi tiếng từ những thập niên 1910-1920. Thế nhưng nhà văn trinh thám thành công nhất, viết truyện mà trở thành cự phú là Phú Đức. Những tác phẩm tiêu biểu của ông có: Châu về Hiệp Phố (3 tập, nhà in Xưa Nay, SG, 1926, 1927, 1928); Lửa lòng (Tiếp theo Châu về Hiệp Phố) (nhà in Xưa Nay, SG, 1928); Tiểu anh hùng Võ Kiết (Quảng Nghĩa tùng thơ xuất bản, nhà in Tín Đức thư xã, SG, 1929); Một mặt hai lòng (Nhà in Xưa Nay, SG, 1929); Non tình biển bạc, tiểu thuyết (tiếp theo Một mặt hai lòng), (Nhà in Xưa Nay, SG, 1929); Chẳng vì tình (Quảng Nghĩa tùng thơ, nhà in Thạch Thị Mậu, SG, 1929); Độc địa trăng già (tiếp theo Chẳng vì tình) (đăng trên Công luận báo từ số 1305 (20-6-1929) – 1782 (24-5-1930); Tình trường huyết lệ (Nhà in Xưa Nay, SG, 1930); Một thanh bửu kiếm (Nhà in Xưa Nay, SG, 1930); Kiêm biên bí mật (1931), Căn nhà bí mật (tiểu thuyết, Imp. Nguyễn Văn Viết và Tín Đức thư xã, SG, 1931); Tổng đốc Hồ Cường (tiểu thuyết, SG, 1931); Tôi có tội (tiểu thuyết, Tiểu thuyết Nam Kỳ từ tập 1 đến tập 13, 1935); Tiếng súng đêm mưa (tiểu thuyết, chưa rõ nơi và năm xb); Bà chúa Đền vàng (tiểu thuyết, không rõ nơi và năm xb)…

Cùng phong cách với Phú Đức có Nam Đình Nguyễn Thế Phương nhà văn chuyên viết truyện vụ án. Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm có: bộ ba tiểu thuyết liên hoàn: Bó hoa lài (Phạm Văn Thình xuất bản, SG, 1930) - Túy hoa đình (tiểu thuyết, nhà in Bảo Tồn, SG, 1930) - Chén thuốc độc (Phạm Văn Thình xuất bản, SG, 1932); Vô oan trái (ái tình tiểu thuyết, Nhà in J.Viết, 1931); Khép cửa phòng thu (tiểu thuyết, Phạm Đình Khương xuất bản, SG, 1933); Lửa phiền cháy gan (Phạm Đình Khương xuất bản, SG, 1934); Cô Ba Tràng (Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn, 1933); Khối tình (Tiểu thuyết, Phạm Đình Khương, SG, 1937); Vì một mối thù (Nhà in Bảo tồn, SG, 1938); Tội của ai? (Tiểu thuyết, Phạm Đình Khương xuất bản, SG, 1938) v.v. có thể kể thêm một nhà văn ít nổi tiếng hơn là Phi Long (Ngọc Sơn) với bộ truyện trinh thám Thùng thơ bí mật (Nhà in Xưa nay, SG, 1928).

2.3. Tiểu thuyết xã hội-đạo lý​

Vào đầu thập niên 1930 có hàng loạt những nhà văn viết tiểu thuyết đăng báo, sau đó được các nhà in ở Sài Gòn xuất bản. Truyện của họ không dài, chừng 24 hoặc 36 trang, nếu dài thì có nhiều quyển, mỗi quyển cũng mong mỏng như thế. Truyện thường viết về các đề tài xã hội: người giàu người nghèo, người tân học kẻ hồn hậu quê mùa, thiện ác rõ ràng. Truyện có tình tiết éo le, người nghèo bị bạc đãi, trải qua nhiều nghịch cảnh cuối cùng lại tìm được người thân, gặp nhiều may mắn, cuộc sống giàu sang sung sướng. Nhiều người chạy theo lối sống mới “Tây học”, bị phụ bạc, khinh khi, cuối cùng nhìn ra lỗi lầm, trở lại với mái ấm gia đình, cha mẹ…Có thể kể ra đây hàng loạt các tên như thế: Nguyễn Bửu Mọc, Huỳnh Quang Huê, Đào Thanh Phước, Gabriel Võ Lộ, Nguyễn Bá Thời, Cẩm Tâm, Lê Mai, Elen Anh Hoa…Tiêu biểu nhất cho loại nhà văn này là Việt Đông với “Việt Đông văn tập” ra hàng tuần: mỗi tuần một quyển sách bỏi túi loại “Sách hồng” (Livre rose) 3 xu. Có lẽ Việt Đông văn tập muốn đối lại với nhóm Tiểu thuyết thứ Năm, Tiểu thuyết thứ Bảy đang tràn ngập thị trường sách Sài Gòn như có lần ông đã từng tâm sự.

Các nhà văn ấy tiếp tục một văn mạch Nam Kỳ từ giai đoạn trước mà Hồ Biểu Chánh vừa là người mở đường, người dẫn đường lại vừa là người thành công hơn cả. Tác phẩm của ông không tầm tầm như những người học theo ông vừa được nhắc ở trên, mà có chất lượng cao hơn, chuyên nghiệp hơn, vượt qua được giới hạn là văn hóa phẩm giải trí đơn thuần, có thể trường tồn trong lòng độc giả và có tác dụng hướng đạo cho độc giả. Đứng ngay sau ông, vào những năm 1932-1945 có hai nhà văn có tên tuổi là: Nguyễn Thới Xuyên với Người vợ hiền mà cả Phan Khôi và Thiếu Sơn đều phải tấm tắc khen, sau nữa Phan Huấn Chương với Hòn máu bỏ rơi được in đi in lại trên báo, được tái bản ở Sài Gòn, Hải Phòng và được Đuốc nhà Nam trao giải thưởng.

Nói đến “văn Nam” thì phải nói đến nhóm nhà văn này, nhiều khi in sai chính tả, dày đặc từ địa phương, phần nhiều chân chất, ngây thơ, nhưng chính những tác phẩm ấy làm nên chất Nam Bộ không trộn lẫn đi đâu được, cái chất ấy cũng là một phần của dân tộc và góp phần làm giàu thêm phẩm chất Việt Nam.

Vào đầu thập niên 1940, trong cảnh suy tàn của văn chương và báo chí do Thế chiến thứ Hai đang đi vào giai đoạn quyết liệt, lại xuất hiện một gương mặt văn sĩ khá lạ với những tác phẩm “phỏng (sic) sự tiểu thuyết” viết về những người dân quê Nam Bộ, đó là Phi Vân với tác phẩm Đồng quê. Đồng quê xuất bản năm 1942 thì năm sau – 1943 được giải nhất cuộc thi văn chương của Hội khuyến học Cần Thơ. Sau đó danh tiếng Phi Vân còn nổi như cồn với hàng loạt tác phẩm viết về người dân quê Nam Bộ: Dân quê (1949), Tình quê (1949), Cô gái quê (1950), Nhà quê trong khói lửa…Văn của ông gọn, tươi mới, có tính chất hài hước nhẹ nhàng, vượt ra khỏi cái bóng “xã hội - đạo lý” theo phong cách Hồ Biểu Chánh. Phi Vân sẽ mở ra một giai đoạn mới của văn phong Nam Bộ, hiện đại hơn với những tác giả lớn sau ông: Thẩm Thệ Hà, Dương Tử Giang, rồi Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam…Những nhà văn này sẽ trở thành những nhà văn hàng đầu của văn học Nam Bộ sau 1945.

Tiểu thuyết Nam Bộ 1932-1945 là tấm gương phản ánh đời sống Nam Bộ, từ những làng quê xa xôi, hẻo lánh bên cạnh những tắc, xẻo mới đào đến những thị trấn nhộn nhịp ghe thuyền và nhất là Sài Gòn ồn ã và phồn hoa. Đó là bộ bách khoa thư về đời sống, con người, văn hóa phong tục Nam Bộ trước 1945. Tính chất hiện thực tươi rói, tính chất yêu nước, yêu thích đạo lý, tính chất giải trí và bình dân là những đặc điểm nổi bật của tiểu tiểu thuyết Nam Bộ.

3. LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC NAM BỘ 1932-1945​

Đời sống phê bình văn học ở Nam Bộ phát triển khá mạnh trên báo chí, nhưng ít có người hoạt động chuyên nghiệp. Nổi bật trong số các nhà lý luận phê bình văn học Nam Bộ 1932-1945 là Thiếu Sơn, Phan Khôi, Trúc Hà, Kiều Thanh Quế, Phan Văn Hùm và Ca Văn Thỉnh.

Người thành danh sớm nhất về phê bình văn học là Thiếu Sơn. Thiếu Sơn sinh tại Hải Dương nhưng từ khi vào Gia Gia Định làm công chức sở Bưu điện năm 1927, ông chủ yếu hoạt động văn nghệ ở Sài Gòn. Thiếu Sơn bắt đầu sự nghiệp văn học của mình bằng các bài viết cho tạp chí Nam Phong tạp chí, sau đó là các tờ Tiểu thuyết thứ Bảy, Đại Việt tạp chí, Nam Kỳ tuần báo... Cuốn sách nổi tiếng nhất của ông là Phê bình và cảo luận (Nam Ký xuất bản, 1933). Ông là người đã cùng với Hoài Thanh đứng về phía “Nghệ thuật vị nghệ thuật” tranh luận với nhóm “Nghệ thuật vị nhân sinh” do Hải Triều đứng đầu.

Phan Khôi là nhà nghị luận chính trị, xã hội, văn hóa, học thuật, nhưng riêng về văn chương ông cũng thuộc loại có tiếng tăm, trong đó tập Chương Dân thi thoại (Nguyên danh "Nam âm thi thoại", Huế, in lần 1, Đắc lập, 1936) là tập phê bình văn học tiêu biểu.

Trúc Hà, nhà văn Hà Tiên, thành danh với những bài lý luận phê bình văn học trên Nam phong tạp chí trong khoảng thời gian từ 1927 đến 1933. Sau đó ông viết cho Phụ nữ tân văn (phê bình tiểu thuyết Tố Tâm), Sống (phê bình sáng tác của Nguyễn Lan Sơn, Thế Lữ, Nhất Linh, Tự lực văn đoàn, Thơ mới…), Nam Kỳ tuần báo (phê bình Xuân Thu nhã tập)… Ông có công lớn trong việc giới thiệu và phê bình các sáng tác xuất bản ở Hà Nội cho độc giả Nam Bộ.

Kiều Thanh Quế là nhà phê bình viết khỏe nhất, chuyên nghiệp nhất ở Nam Bộ. Chưa có ai trong văn học Nam Bộ thời ấy viết nhiều với một diện quan tâm rộng như ông. Các tác phẩm nghiên cứu lý luận phê bình tiêu biểu nhất của ông có: Phê bình văn học (NXB. Tân Việt, Hà Nội, 1942), Ba mươi năm văn học (bút danh Mộc Khuê, NXB. Tân Việt, Hà Nội, 1942); Một ngày của Tolstoi (Tủ sách Gió tây, Tân Việt, Hà Nội, 1942), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (NXB. Đời Mới, Hà Nội, 1943), Đàn bà và nhà văn (NXB. Tân Việt, Hà Nội, 1943), Thi hào Tagore (bút danh Nguyễn Văn Hai, NXB. Tân Việt, Hà Nội, 1943), Học thuyết Frued (bút danh Tô Kiều Phương, NXB. Tân Việt, Hà Nội, 1943), Cuộc vận động cứu nước trong Việt Nam vong quốc sử (1945), Vũ Trọng Phụng và chủ nghĩa tả thiệt xã hội (1945)…

Phan Văn Hùm và Ca Văn Thỉnh xuất hiện vào cuối thập niên 1930 đầu thập niên 1940, đóng góp của hai ông chủ yếu trên phương diện nghiên cứu văn học cổ Nam Bộ.

Phan Văn Hùm nổi bật nhất ở những công trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu: Nỗi lòng Đồ Chiểu (Tân Việt xb, 1938); Ngư tiều y thuật vấn đáp (Tân Việt xb, 1953); Dương Từ Hà Mậu (Tân Việt xb, 1964). Bên cạnh đó là những công trình nghiên cứu triết học: Phật giáo triết học (Tân Việt xb, Hà Nội, 1942); Vương Dương Minh: Thân thế và học thuyết (Tân Việt xuất bản, Hà Nội, 1944) và một tập ký nổi tiếng: Ngồi tù khám lớn (Bảo Tồn xuất bản, in lần thứ nhất, Sài Gòn, 1929).

Ca Văn Thỉnh chú tâm nhiều nhất vào việc nghiên cứu “Khổng học ở đất Đồng Nai” - như tên gọi một bài nghiên cứu rất có giá trị của ông trên Đại Việt tập (sic) chí số 22 và 23 năm 1943. Những bài giới thiệu và dịch thuật làm nên tên tuổi của ông (Ngạc Xuyên/ Ca Văn Thỉnh) như một nhà nghiên cứu văn học Nam Bộ trước 1945 là: Nguyễn Thông (Đại Việt tập chí, số 3, 1942), Luận về núi (của Nguyễn Thông, Đại Việt tập chí, số 3, 1942), Câu chuyện yểm quỹ (của Nguyễn Thông, Đại Việt tập chí, 1942), Minh bột di ngư – Một quyển sách hai thi xã (Đại Việt tập chí, số 12, 1943), Bài diễn văn trong buổi lễ Kỉ niệm Nguyễn Đình Chiểu (đọc 27-6-1943 tại Ba Tri, Bến Tre, Đại Việt tập chí, số 19, 1943), Khổng học ở đất Đồng Nai (Đại Việt tập chí, số 22 và 23, 1943), Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại hà và kinh Vĩnh Tế (Đại Việt tập chí, số 28, 1943), Tiểu sử Nguyễn Văn Thoại (Đại Việt tập chí, số 29, 1943).

Hồ Biểu Chánh từ thập niên 1940 trở đi có khuynh hướng làm học giả hơn là văn gia. Mặc dù Đại Việt tập chí của ông khá tai tiếng vì nhận tiền trợ cấp của chính quyền nhưng do ông cũng quy tụ được nhiều cây bút tên tuổi và tích cực như Thượng Tân Thị, Trúc Hà, Ca Văn Thỉnh, Phan Văn Hùm, Trương Vĩnh Tống…nên tạp chí của ông cũng có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu về Nam Kỳ mà các nhà nghiên cứu về sau không một ai phủ nhận.

4. VĂN HỌC YÊU NƯỚC CÁCH MẠNG NAM BỘ 1932-1945​

Nếu tính từ đầu thế kỷ XX ở Nam Bộ có 3 nhóm nhà văn yêu nước cách mạng tiêu biểu :
  • - Nhóm các chí sĩ trong phong trào Minh tân Nam Bộ
  • - Nhóm yêu nước cách mạng có khuynh hướng dân chủ và cánh tả
  • - Nhóm yêu nước cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Nhóm các chí sĩ Minh tân Nam Bộ đã làm ra cuộc vận động cách mạng rầm rộ mở đầu TK.XX với các gương mặt trí thức hết sức đáng kính: Nguyễn Thần Hiến, Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản, Nguyễn An Cư, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Háo Vĩnh, và ở mức độ ít quyết liệt hơn là: Thượng Tân Thị, Sương Nguyệt Anh, Lương Khắc Ninh, Nguyễn Chánh Sắt…Thực chất đấy là phong trào duy tân nhưng người Nam Bộ gọi nó là Minh tân có lẽ là để tránh sự đàn áp của thực dân Pháp. Nhóm văn thi sĩ này sẽ được nói đến nhiều hơn trong các công trình về văn học Nam Bộ trước 1932.

Nhóm yêu nước cách mạng có khuynh hướng dân chủ tư sản và cánh tả xuất hiện từ thập niên hai mươi kéo dài cho đến trước 1945 với các gương mặt nổi bật: Nguyễn Quang Diêu, Cao Hải Để, Bửu Đình, Nguyễn Văn Vinh và mạnh mẽ nhất là Trần Hữu Độ, Nguyễn An Ninh và Nam Kiều Trần Huy Liệu.

Trần Hữu Độ nổi tiếng với các cuốn sách yêu nước, tiến bộ, phê phán sự thống trị của thực dân Pháp như: Cây dù gãy của nước Việt Nam (Imp.Xưa Nay, 1925), Tiếng chuông truy hồn (Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1925), Tờ cớ mất quyền tự do (Réveil Saigonnais xuất bản, 1926), Hồi trống tự do (Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1926)… Trong đó cuốn Hồi trống tự do được Trường Chinh nhắc đến một cách trang trọng trong báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa VN tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 1947. Sau đó Trần Hữu Độ tham gia phong trào Đông Dương đại hội, bị bắt và bị kết án tù. Các tác phẩm trong giai đoạn này chủ yếu là giới thiệu về chủ nghĩa Mác như: Biện chứng pháp (1936), Mười một công thức của Karl Marx làm cơ sở duy vật sử quan (1936), Đế quốc chủ nghĩa (1937)…

Nguyễn An Ninh, con trai của cụ Nguyễn An Khương - dịch giả “truyện Tàu” và là lãnh tụ của phong trào Minh tân Nam Kỳ. Nguyễn An Ninh du học ở Pháp trở về, nổi tiếng với bài diễn thuyết diễn thuyết “Thanh niên cao vọng” tại Hội khuyến học Nam Kỳ, sau đó ông lập ra tờ báo yêu nước là La Cloche fèlée (Chuông rè). Tác phẩm có Dân ước (dịch Contrat Social/ Khế ước xã hội của Rousseaux, 1923), tuồng Trưng Nữ Vương (1928), Triết học Niezsche…

Trần Huy Liệu quê ở Nam Định, nhưng vào Sài Gòn từ năm 1924 hoạt động rất mạnh trong làng báo, làng văn Sài Gòn. Trước khi tiếp thu chủ nghĩa Cộng sản, ông là nhà văn nhà báo yêu nước tiến bộ. Ông cộng tác với tờ Nông cổ mín đàm, Rạng Đông, rồi làm chủ bút tờ Đông Pháp thời báo. Ông dịch và viết nhiều sách về các tấm gương yêu nước, chủ yếu xuất bản ở Cường học thư xã do ông chủ trương.

Sau thế hệ chuyển tiếp ấy là Nhóm yêu nước cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Thế hệ này ngay từ đầu đã tham gia cách mạng dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Đông Dương, đó là: Nguyễn Văn Nguyễn, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo...

Nguyễn Văn Nguyễn quê Mỹ Tho, học trường sư phạm ở Sài Gòn. Tại đây, ông háo hức tìm đến tư tưởng xã hội chủ nghĩa qua sách báo cách mạng và các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc. Năm 1925, ông đi đầu trong phong trào học sinh Sài Gòn chống đế quốc nên bị đuổi học. Ông xin việc ở Công ty xe lửa Đông Dương, gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, ông là đảng viên lớp đầu tiên. Năm 1932, ông nhận án đày ra Côn Đảo. Ở đó ông tham gia thành lập chi bộ nhà tù Côn Lôn.

Năm 1930 ở Sài Gòn có một nhóm trí thức trẻ (19 người) du học ở Pháp bị chính quyền Pháp trục xuất về nước vì hoạt động chính trị và biểu tình tại Pháp. Trong số 19 người ấy có một số tên tuổi quen thuộc: Tạ Thu Thâu, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo, Phan Văn Chánh, Lê Bá Cang…(2). Các trí thức yêu nước cánh tả này phân hóa thành hai phái:

Phái Đệ Tam Quốc tế có: Trần Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Trần Văn Giàu…

Phái Đệ tứ Quốc tế : Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Trần Văn Thạch…

Họ hoạt động rất tích cực xung quanh tờ báo La Lutte (Tranh đấu) và tờ Đồng Nai. Đóng góp chủ yếu của họ là về lĩnh vực học thuật, tư tưởng, và mạnh nhất là ở giai đoạn sau 1945.

KẾT LUẬN

Văn học Nam Bộ là những tư liệu vô giá lưu giữ cho chúng ta ngôn ngữ của người Việt ở Nam Bộ cách đây hàng trăm năm, nó là cứ liệu không gì thay thế để nghiên cứu về tiếng Việt Nam Bộ. Nhà văn Nam Bộ viết văn làm thơ, ngoài những lý do về cảm xúc còn có ý muốn lưu giữ cho cháu con, cho dân tộc một thứ tiếng Việt ngọt ngào, đằm thắm của những người phụ nữ Nam Bộ, một thứ tiếng Việt khỏe khoắn, bộc trực của những người đàn ông Nam Bộ. Văn học quốc ngữ Nam Bộ cũng là tư liệu quý báu để tìm hiểu đời sống, xã hội, phong tục tập quán, tính cách của người Nam Bộ. Việc nghiên cứu văn học Nam Bộ 1932-1945 sẽ làm cho bức tranh văn học Việt Nam 1932-1945 thêm đa sắc và hoàn chỉnh hơn.

(Đoàn Lê Giang)
 
Sửa lần cuối:

VĂN HỌC MIỀN NAM GIAI ĐOẠN 1945 - 1975​

Đặc thù của văn học miền Nam kể từ giai đoạn 1945-1975 "Tuy không đóng góp trực tiếp vào công cuộc chống ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất, nhưng vẫn ít nhiều có giá trị trong việc phản ánh tinh thần của công chúng đương thời, góp phần bảo lưu, phát triển văn hóa Nam bộ trong một giai đoạn lịch sử"

Nền văn học miền Nam từ 1954 đến 1975 thường được gọi là nền "Văn học giải phóng miền Nam".

Văn học "giải phóng" gồm những ai? Phạm Văn Sĩ, tác giả cuốn Văn học giải phóng miền Nam (nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1975) kê khai rất nhiều tên tuổi như: Huỳnh Minh Siêng chính là Lưu Hữu Phước, Trần Hiếu Minh là Nguyễn Văn Bổng, Hưởng Triều hay Hiểu Trường là Trần Bạch Đằng, Nguyễn Trung Thành là biệt hiệu của Nguyên Ngọc, Bùi Đức Ái là Anh Đức v.v... Trên thực tế, những người xuất hiện thường xuyên trên văn đàn miền Nam lúc đó chỉ có Lữ Phương, chủ trương tờ Tin Văn và Vũ Hạnh, một trong những cây bút chính của tạp chí Bách Khoa, có khuynh hướng chính trị đối lập với Võ Phiến.

Về nền văn nghệ kháng chiến ở trong Nam, văn chương trong thành phong phú hơn văn chương ngoài bưng. Nguyễn Văn Sâm giới thiệu 53 tác giả văn nghệ kháng chiến Nam Bộ với những tên tuổi như: Vũ Anh Khanh, Hồ Hữu Tường, Sơn Khanh, Thiết Can, Trúc Chi, Thiên Giang, Tam Ích, Thẩm Thệ Hà, Lý Văn Sâm, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc v.v...

Theo Nguyễn Văn Sâm, từ 1945 đến 1954, thành thị miền Nam vẫn duy trì được một nền văn học chống Pháp, nhờ nhân viên kiểm duyệt ăn hối lộ, cấp giấy phép hoặc bớt cắt xén. Trừ một vài cuốn bị cấm xuất bản như Ngục tối giữa rừng sâu của Sơn Khanh, Bứt xiềng của Thiên Giang, Nam Bộ chiến sử II của Nguyễn Bảo Hoá. Hoặc bị cấm lưu hành như Nửa bồ xương khô, Chiến sĩ hành của Vũ Anh Khanh, và Nam Bộ chiến sử I. Những tác phẩm in ra đều được phổ biến rộng rãi, có những cuốn như Bạc xiu lìn của Vũ Anh Khanh bán rất chạy, trong vòng hai tháng đã bán hết 10.000 cuốn. Tóm lại, theo Nguyễn Văn Sâm, văn chương Nam Bộ trong giai đoạn kháng chiến, mang những tính chất chính sau đây:

1- Tố cáo và buộc tội chính sách cai trị của người Pháp ở Việt Nam

2- Trình bày những đau khổ tinh thần và thân xác của người dân dưới thời Pháp thuộc.

3- Trình bày chế độ lao tù của Pháp ở Việt nam.

Như vậy, có thể nói, thời kháng chiến, văn chương trong thành ở Nam Bộ vẫn nói được những khổ đau của người dân bị trị. Nhưng nền văn học kháng chiến Nam Bộ này đã bị hai phía chính quyền Nam Bắc lờ đi, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc những người sáng giá nhất trong phong trào này, như Vũ Anh Khanh, tập kết ra Bắc, khoảng đầu 1957, vượt tuyến vào Nam và bị tên bắn (?) chết trên sông Máu (theo Viên Linh, Khởi hành, số 116, tháng 6/2006, tài liệu cần được kiểm chứng). Hồ Hữu Tường tháng 3 năm 1955 theo tướng Ba Cụt vào rừng Sát chống lại ông Diệm, bị bắt và bị kết án tử hình, nhờ một nhóm trí thức Pháp trong đó có Albert Camus ký kiến nghị xin ân xá. Sau khi ông Diệm đổ, Hồ Hữu Tường mới được trả tự do.

Tình hình sau khi chia đôi đất nước​

Ngoài việc lưu trữ những tác giả Nhân Văn Giai Phẩm trong ký ức nửa phần dân tộc, miền Nam bảo tồn và phát huy văn nghệ tiền chiến. Tất cả các tác giả và tác phẩm tiền chiến, đều được phổ biến rộng rãi tại miền Nam. Từ nhạc Văn Cao, Đoàn Chuẩn đến văn Nguyễn Tuân, Nam Cao, thơ Xuân Diệu, Huy Cận. Bộ Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan và cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh được giảng dậy trong chương trình trung học. Khi văn nghệ sĩ ở miền Bắc phải chối bỏ các sáng tác tiền chiến lãng mạn của mình, thì ở trong Nam, những tác phẩm ấy vẫn được phổ biến trong lòng người Việt.

Chính nhờ sự bảo tồn nền văn nghệ tiền chiến mà miền Nam đã có cơ sở để phát triển văn học trong thời kỳ chia đôi đất nước. Yếu tố này rất quan trọng, nó giải thích tại sao trong một thời gian khá ngắn, chỉ có 20 năm, trong chiến tranh tàn khốc, mà miền Nam đã tạo được một nền văn học đa dạng, với số lượng tác phẩm văn học, triết học, và dịch thuật dồi dào về phẩm cũng như về lượng.

Miền Nam, như trên đã nói, có truyền thống quốc ngữ lâu đời, và chính tiếng Nam cũng lại là một nguồn ngôn ngữ đa dạng, đầy âm thanh và màu sắc đối với những nhà văn Bắc di cư; nhiều người đã dựa vào kho tàng mới này để làm giàu thêm cho ngôn ngữ văn chương của mình. Tóm lại, nhờ ba yếu tố:

1- Dựa trên nền móng quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX, cộng thêm tiếng Nam như một kho tàng ngôn ngữ mới,
2- Nhờ sự bảo tồn văn học tiền chiến và bảo lưu Nhân Văn Giai Phẩm trong thời kỳ chia đôi đất nước mà miền Nam không bị cắt đứt với quá khứ và hiện tại văn học của cả nước.
3- Nhờ sự nối kết với các trào lưu văn học và tư tưởng nước ngoài.
Mà miền Nam đã xây dựng được một nền văn học đa dạng trong hoàn cảnh chiến tranh và bất ổn chính trị.

Sự tiếp cận với văn hoá nước ngoài

Trong suốt thời gian chia đôi đất nước, mặc dù với những tệ nạn của xã hội chiến tranh, tham nhũng; miền Nam vẫn có một hệ thống giáo dục đứng đắn. Trong nửa đầu thế kỷ XX, trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam, nhờ xuất thân từ các trường Pháp (Albert Sarraut), hoặc Pháp-Việt (trường Bưởi), tại Hà Nội; nên thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, nhiều khi còn thêm kiến thức Hán văn nữa, nhờ vậy họ đã tiếp cận trực tiếp với văn học Tây Phương.

Chương trình Pháp đã đào tạo nên những trí thức văn nghệ sĩ tài năng trong nhiều thế hệ: Cung Trầm Tưởng thiết lập một lối cổ dao, giao hưởng giữa thơ cổ của ta và tư tưởng hiện sinh, trên nền lục bát. Nguyên Sa đem những lối viết rất Tây vào thơ. Lời ca của Trịnh Công Sơn đặt nền trên triết học hiện đại, gói ghém tang thương của lịch sử trong cách lập hình siêu thực. Và trước Trịnh Công Sơn đã có Thanh Tâm Tuyền...

Học đường còn đào tạo một lớp người đọc nữa. Những sáng tác mới, có tính cách khó hiểu hoặc những tác phẩm được gọi là "có trình độ cao", vẫn có người đọc. Ví dụ "Triết học hiện sinh" của Trần Thái Đỉnh, khi ra đời năm 1967, là cuốn sách bán chạy nhất trong năm. Trần Thái Đỉnh và Nguyễn Văn Trung là hai khuôn mặt đã có công lớn trong việc việc phổ thông hoá triết học hiện đại Tây Phương ở miền Nam. Về triết Đông, bên cạnh những sách lý thuyết của Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Đăng Thục..., Nguyễn Hiến Lê là người có công đầu trong việc truyền bá kiến thức đại cương về văn học và phổ biến rộng rãi triết học Đông phương trong quần chúng. Đó là những người đã có những đóng góp lớn trong việc xây dựng nền tảng giáo dục và văn học.

Văn học miền Nam từ 1954 đến 1975

Sau 1954, ở miền Nam có thể phân biệt hai lớp trí thức văn nghệ sĩ:

Thế hệ đầu, gồm những người đã từng hoạt động và nổi danh từ tiền chiến hoặc trước như: Hồ Biểu Chánh, Nhất Linh, Lê Văn Trương, Tam Lang, Nguyễn Vỹ, Đỗ Đức Thu, Vi Huyền Đắc, Phùng Tất Đắc, Vũ Bằng, Tchya Đái Đức Tuấn, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Đức Quỳnh, Đào Đăng Vỹ, Đỗ Thúc Vịnh, Tạ Tỵ, Lý Văn Sâm, Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc, Lê Văn Siêu, Thẩm Thệ Hà, Phi Vân, Phú Đức, ... các nhà thơ như Tương Phố, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bàng Bá Lân, Quách Tấn, …các nhà văn nhà thơ trong thế hệ này không còn sức thu hút như trước mặc dù họ vẫn có mặt trên văn đàn; Nhất Linh với tờ Văn hoá ngày nay và hai tác phẩm giá trị Xóm Cầu MớiDòng sông Thanh Thuỷ, Vũ Hoàng Chương vẫn làm thơ, vẫn được mọi người xưng tụng, nhưng dường như các ông đã bị thời đại và lớp trẻ đẩy lùi vào quá khứ. Đinh Hùng là trường hợp đặc biệt sự nghiệp thi ca bắc cầu giữa thời tiền chiến và chia đôi Nam Bắc, nhưng thơ Đinh Hùng mang dấu vết của thời lãng mạn, trở thành một giá trị "cổ điển".

Sự hình thành nền văn học miền Nam nằm trong tay thế hệ thứ nhì, là những người bắt đầu vào nghiệp giảng dậy, viết biên khảo, sáng tác, ít lâu trước và phần lớn sau 1954. Chính họ là những người đã góp phần xây dựng một nền văn học, khác hẳn tiền chiến, nhiều người đã cập nhật hoặc phổ biến tư tưởng hiện đại của thế giới bên ngoài vào Việt Nam.

Về thơ với Nguyên Sa, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Viên Linh, Hoàng Trúc Ly, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Đức Sơn, Du Tử Lê, v.v....

Về văn, như Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Duy Thanh, Mặc Thu, Mặc Đỗ, Thanh Nam, Nhật Tiến, Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Phan Du, Đỗ Tấn, Nguyễn Mạnh Côn, Sơn Nam, Võ Hồng, Minh Đức Hoài Trinh, Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Đình Toàn, Chu Tử, Viên Linh, Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Vũ Hạnh, Y Uyên, Cung Tích Biền, Duy Lam, Thế Uyên, Lê Tất Điều, Hoàng Hải Thủy, Văn Quang, Nguyễn Thụy Long, Phan Lạc Tiếp, Thế Nguyên, Thế Phong, Diễm Châu, Thảo Trường, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Ngô Thế Vinh, Trần Thị Ngh, v.v...

Về phê bình văn học như Tam Ích, Cao Huy Khanh, Lê Huy Oanh, Đỗ Long Vân, Đặng Tiến, Uyên Thao, Huỳnh Phan Anh, v.v.

Một trong những tác phẩm có tính cách giao thời và chuyển hướng văn học, ở trong Nam là cuốn Nhốt gió của Bình Nguyên Lộc, xuất hiện năm 1950, dưới thời kháng chiến, nhưng không có màu sắc đấu tranh mà lại mang tính cách đổi mới văn học, mở đầu một lối viết truyện, Bình Nguyên Lộc không gọi là truyện ngắn mà gọi là tân truyện (dịch chữ nouvelle của Pháp) và ông có một quan niệm, một định nghiã rõ ràng về tân truyện. Có thể coi Nhốt gió đánh dấu sự cách tân truyện ngắn, trong Nam, thập niên 50; và Giao thừa của Vũ Khắc Khoan (1949), ở ngoài Bắc, là bản kịch phi lý đầu tiên trong văn chương Việt Nam.

Báo chí và văn học

Hoạt động văn học và báo chí ở trong Nam hầu như không bị gián đoạn trong thời kháng Pháp, cho nên có thể nói, miền Nam giữ được một sinh hoạt báo chí và văn học liên tục và tương đối tự do từ cuối thế kỷ XIX cho đến 1975, ngay cả dưới thời Pháp thuộc.

Tự Do là nhật báo đầu tiên của người di cư, quy tụ những tên tuổi như: Tam Lang (Vũ Đình Chí), Mặc Thu (Lưu Đức Sinh), Mặc Đỗ (Đỗ Quang Bình), Vũ Khắc Khoan, Như Phong (Lê Văn Tiến); Nguyễn Hoạt (Hiếu Chân), Đinh Hùng (Hoài Điệp Thứ Lang, Thần Đăng), Phạm Tăng...

Có thể nói, Tự Do là cơ sở báo chí đầu tiên quy tụ những khuôn mặt trí thức di cư, và nó đã làm đúng vai trò của một tờ báo tự nhận là "tiếng nói của người Việt tự do" lúc bấy giờ.

-Về mặt văn học, nhóm Quan Điểm do Vũ Khắc Khoan thành lập với Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ, từ Hà Nội. Vũ Khắc Khoan đã in kịch trên báo Phổ Thông từ 1948: Thằng cuội ngồi gốc cây đa (1948), Giao Thừa (1949), tùy bút Mơ Hương Cảng (1953), và đạo diễn kịch tại nhà Hát Lớn. Nhóm Giao Điểm (tên nhà xuất bản do Mặc Đỗ điều hành) được người đương thời gọi là nhóm "trí thức tiểu tư sản", bởi tác phẩm của họ, trong những ngày đầu chia cắt đất nước, thường có những nhân vật mang nỗi hoang mang, trăn trở của người trí thức tiểu tư sản trước ngã ba đường: theo bên này, bên kia, hay đứng ngoài thời cuộc? Nghiêm Xuân Hồng nghiên cứu triết học. Vũ Khắc Khoan, kịch tác gia, nổi tiếng từ tập truyện ngắn Thần Tháp Rùa (1957) và Mặc Đỗ, nhà văn mà cũng là dịch giả nổi tiếng.

-Nhóm Sáng Tạo, theo Trần Thanh Hiệp, trước tiên, là một nhóm sinh viên hoạt động trong Tổng hội sinh viên Hà Nội, trước 1954, gồm bốn người: Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền và Trần Thanh Hiệp, chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Sau 1954, vào Sàigòn, tiếp tục hoạt động văn nghệ, làm tuần báo Dân Chủ (Trần Thanh Hiệp và Thanh Tâm Tuyền phụ trách phần văn nghệ), rồi tờ Người Việt (tiền thân của tờ Sáng Tạo). Lúc ấy Mai Thảo gửi đến truyện ngắn Đêm giã từ Hà Nội, Thanh Tâm Tuyền đọc, thích và đăng ngay (Xem Trong đất trời nhau..., Thanh Tâm Tuyền, Tạp chí thơ, Cali, số mùa Xuân 1998). Nhóm có thêm Mai Thảo. Sau mở rộng với Lữ Hồ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Quách Thoại. Trên Sáng Tạo, ngoài những tên tuổi kể trên còn thường xuyên thấy: Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu, họa sĩ Thái Tuấn.

Sáng Tạo số đầu ra tháng 10 năm 1956. Sáng Tạo bộ cũ ngừng ở số 27 (tháng 12/58), và bộ mới tiếp tục đến số 7 (tháng 3/62) thì ngừng hẳn. (tài liệu của Viên Linh trong bài Mai Thảo riêng tây, Khởi Hành số 16, tháng 8/1997).

- Bình Nguyên Lộc: chủ trương tờ Nhân Loại từ 1956 đến 1958, rồi từ 1959, tờ Vui sống.

- Bách Khoa ra đời tháng 1/ 1957 và sống đến 1975. Những cây bút nổi tiếng cộng tác thường xuyên với Bách Khoa là Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, Nguyễn Ngu Ý, Vũ Hạnh, Võ Hồng, Đoàn Thêm, Nguyễn Văn Xuân, Bình Nguyên Lộc.... Theo Võ Phiến, trong thời kỳ cực thịnh, tức là khoảng 1959- 1963, mỗi số Bách Khoa bán được 4500 đến 5000, nhưng báo Văn (ra sau) còn bán chạy hơn.

- Tạp chí Văn hoá ngày nay của Nhất Linh ra đời ngày 17/6/1958, được 11 số thì đình bản. Nguyễn Thị Vinh chủ trương tiếp các tờ Tân Phong, Đông Phương, theo chiều hướng Văn hoá ngày nay.

- Tạp chí Đại học, tờ báo của Viện đại học Huế do Linh mục Cao Văn Luận, viện trưởng, làm chủ nhiệm, ra đời năm 1958 ở Huế, và sống đến năm 1964. Trên Đại học, xuất hiện những bài đầu tiên của Nguyễn Văn Trung, người sau này sẽ có ảnh hưởng lớn đến sinh viên và trí thức.

-Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong (1959) và Dương Nghiễm Mậu.

- Thế kỷ XX của Nguyễn Khắc Hoạch (do Thế Nguyên điều hành), (1960).

-Văn học của Phan Kim Thịnh, từ 1962 đến 1975.

v.v...

Đó là những tờ báo xuất hiện dưới thời ông Diệm, thời kỳ mà sự kiểm duyệt còn tương đối khắt khe. Sau khi ông Diệm đổ, báo chí được tự do hơn. Từ năm 1963, bắt đầu một giai đoạn mới, xuất hiện những tờ báo khác.

-Tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng, ra đời ngày 1/1964 và sống đến 1975. Văn do Trần Phong Giao trông nom trong 10 năm, đến 1974 chuyển lại cho Mai Thảo. Văn cũng quy tụ được nhiều lớp nhà văn ở nhiều lớp tuổi, khắp các khuynh hướng từ Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền đến Thế Uyên, Nguyễn Mạnh Côn, Bình Nguyên Lộc... Văn đặc biệt ưu tư đến việc dịch thuật và giới thiệu văn học nước ngoài. Trần Phong Giao cũng là một dịch giả nổi tiếng, thêm Trần Thiện Đạo, sống ở Paris, dịch và viết về những phong trào văn học đang thịnh hành ở Pháp.

- Nguyễn Văn Trung, Thế Nguyên, chủ trương những tờ như Hành Trình (1964-1966, 10 số), Đất Nước (1967-1969, 18 số), Trình Bày (42 số), quy tụ những ngòi bút trẻ, nói lên những vấn đề nóng bỏng của thời đại.

- Nghệ thuật, Mai Thảo, chủ nhiệm, Viên Linh, thư ký toà soạn, số 1 tháng 10/65. Ra được 56 số.

- Giữ thơm quê mẹ của Nhất Hạnh (1965).

- Nghiên cứu văn học, Thanh Lãng chủ nhiệm, Thế Nguyên, thư ký toà soạn, ra được 10 số từ 11/67 đến 11/68. Tục bản tháng 3/1970 đến số 16 (15/6/1972) thì đình bản.

- Tin Văn của nhóm Lữ Phương, Vũ Hạnh.

- Gió mới, Hiện đại của Nguyên Sa.

- Vấn đề và Ý thức của Vũ Khắc Khoan,

- Khởi Hành (1969-1972) báo của quân đội, do Viên Linh làm Thư ký toàn soạn.

- Thời Tập (1972-1975) của Viên Linh.

- Đối diện của Nguyễn Ngọc Lan,

- Thái độ của Thế Uyên

- Đời của Chu Tử, v.v...

(những ngày, tháng, xuất hiện của các báo, chúng tôi ghi theo tài liệu của Võ Phiến, Viên Linh, và Nguyễn Văn Trung).

Các nhóm, các khuynh hướng

Về các nhóm, Viên Linh trong cuốn Chiêu niệm văn chương về Vũ Hoàng Chương, viết: "Các nhà văn xuất hiện thường xuyên, trên nhật báo, qua các nhà xuất bản, nhất là trên các báo định kỳ, và thành từng nhóm. Lý lịch văn chương và sắc thái địa phương của họ rất tương đồng, tùy theo nhóm tạp chí trên đó họ góp mặt. Đa số các nhà văn miền Nam qui tụ trên các tờ tuần báo Đời Mới, Nhân Loại, và nhật báo như Tiếng Chuông, Sàigon Mới (Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Kiên Giang, Lưu Nghi, Thẩm Thệ Hà, Trang Thế Hy...). Các nhà văn gốc miền Trung trên tờ Văn Nghệ Mới, Bách Khoa (Võ Thu Tịnh, Nguyễn Văn Xuân, Võ Phiến, Đỗ Tấn, Vũ Hạnh, Bùi Giáng, Võ Hồng, Nguyễn Thị Hoàng); các nhà văn "di cư" xuất hiện trên các tờ Đất Đứng, Sáng Tạo, và trên các nhật báo như Tự Do, Ngôn Luận (Đỗ Thúc Vịnh, Nguyễn Hoạt, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Sỹ Tế, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền) hay Văn Nghệ (Lý Hoàng Phong, Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn), Hiện Đại (Nguyên Sa, Trần Dạ Từ, Nhã Ca). Tờ Chỉ Đạo, Phụng Sự, Tiền Tuyến quy tụ các nhà văn quân đội hay quân nhân đồng hoá như Nguyễn Mạnh Côn, Mặc Thu, Thanh Nam, Phan Nhật Nam, Thảo Trường..." (Trích Chiêu Niệm Văn Chương, Khởi Hành, Cali, 2000, trang 16-17).

Về các khuynh hướng khác nhau,
  • Khuynh hướng Phật giáo có các tờ Tư Tưởng, Vạn Hạnh với Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hữu Hiệu.
  • Khuynh hướng Thiên chúa giáo La mã có Hành Trình, Đối Diện với Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Diễm Châu, Thế Nguyên.
Tóm lại, sau 1954: tờ báo đẩy mạnh việc đổi mới văn học là tờ Sáng Tạo, ra đời cùng với hai tác phẩm chủ chốt của Thanh Tâm Tuyền: tập thơ Tôi không còn cô độc(1956) và tiểu thuyết Bếp lửa (1957). Tờ báo chú trọng đến việc giới thiệu văn chương nước ngoài là tờ Văn của Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao. Bách Khoa là tạp chí văn học sống lâu nhất và quy tụ những khuynh hướng chính trị đối chọi nhất.

Nhờ hệ thống báo chí phát triển, quần chúng độc giả đông đảo đủ mọi thành phần, các nhà văn nổi tiếng như Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc, Túy Hồng, Nhã Ca, Duyên Anh, Chu Tử, Thanh Nam, v.v... đều sống bằng ngòi bút một cách dư giả. Họ là những người viết chuyên nghiệp. Nhiều nhà văn có nhà xuất bản riêng. Nguyễn Hiến Lê trong 30 năm biên khảo và dịch thuật đã viết được 100 quyển sách trước 75, và 20 cuốn sau 75. Nguyễn Văn Trung, ngoài lượng sách về triết học, văn học, in trước 75, trong những công trình sau 75, có bộ Lục Châu Học, nghiên cứu về văn học miền Lục tỉnh Nam Kỳ, hiện nay chưa in, nhưng những người nghiên cứu trong và ngoài nước vẫn thường sử dụng mà không nói xuất xứ.

Những nhà văn như Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo... cũng đều có những số lượng tiểu thuyết trên dưới 30 cuốn. Về sáng tác, lượng nhiều thì phẩm có giảm, nhưng đó là cái giá mà nhà văn phải trả.

Từ 1963 trở đi, báo chí trở nên đa dạng, tờ Văn có một chỗ đứng riêng biệt trong sự tiếp cận với văn học nước ngoài, và cũng là tạp chí văn học bán chạy nhất thời ấy. Và những tờ như Đất Nước, Hành Trình, Trình Bày... nói đến những vấn đề thiết thân của con người trước chính trị và chiến tranh. Những tờ như Đối Diện của Nguyễn Ngọc Lan chống lại chính quyền...

Về sự lựa chọn tác giả, có thể nói: Lớp trẻ bụi đời thích đọc Duyên Anh. Lớp sống vũ bão thích Chu Tử. Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, phản ảnh lớp phụ nữ tân tiến, nhận thức chính mình qua thân xác. Lớp trí thức thích cách đặt vấn đề của Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng. Lớp trẻ lãng mạn giao thời thích đọc Mai Thảo. Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu là những tác giả khó, đòi hỏi người đọc một trình độ trí thức cao. Quần chúng bình dân thích Lê Xuyên, Tùng Long... Học sinh trường Tây đọc văn chương ngoại quốc qua tiếng Pháp, tiếng Anh. Học sinh trường Việt đọc các tác phẩm ngoại quốc qua bản dịch hoặc phóng tác.
 
Sửa lần cuối:

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.