Vẻ đẹp của người lính Trường Sơn đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật khắc họa rõ nét qua bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Ở đó, hình ảnh những chiếc xe dù không có kính nhưng vẫn chạy bon bon cùng với trái tim đầy quả cảm của người cầm lái đã tạo nên một tác phẩm đặc sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật.
Ôn tập kiến thức cơ bản tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” - Phạm Tiến Duật
Câu 1. Trình bày hiểu biết của em về tác giả Phạm Tiến Duật?
Trả lời
- Năm sinh : 1941 ;
- Năm mất : 2007;
- Quê quán : Huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ;
- Ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định lên đường nhập ngũ ;
- Năm 1970, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ, Phạm Tiến Duật được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam ;
- Chiến tranh kết thúc, ông về làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam ;
- Ông sống ở Hà Nội, là Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam ;
- Những đóng góp chủ yếu của ông cho văn học là tác phẩm thơ ;
- Phần lớn thơ được sáng tác trong thời kỳ ông tham gia quân ngũ ;
- Thơ của ông được các nhà văn khác đánh giá cao và có nét riêng như: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung và có cái “tinh nghịch” nhưng cũng rất sâu sắc;
- Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc thành bài hát trong đó tiêu biểu nhất là “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” ;
- Những tác phẩm chính:
+ Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970) ;
+ Ở hai đầu núi (thơ, 1981) ;
+ Vầng trăng và những quầng lửa (thơ, 1983) ;
+ Thơ một chặng đường (tập tuyển, 1994).
Câu 2. Trình bày hoàn cảnh sáng tác của “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”
Trả lời
- Giai đoạn cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ đang diễn ra vô cùng ác liệt, hàng vạn sinh viên tình nguyện gác bút nghiên để cầm súng ra chiến trường chiến đấu bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Khi đó, tuyến đường Trường Sơn được coi là con đường huyết mạch nối tiền tuyến với hậu phương, chính vì vậy, nơi đây ngày đêm đều phải hứng chịu bom đạn phá hoại của kẻ thù.
- Bài thơ được viết năm 1969, trong thời kì cuộc chiến tranh chống Mĩ đang diễn ra ác liệt, lấy cảm hứng từ hiện thực những chiếc xe tải ngày đêm vận chuyển nhu yếu phẩm chi viện cho miền Nam ruột thịt trên tuyến đường Trường Sơn bị bom giật, bom rung khiến chúng đều không còn cửa kính, Phạm Tiến Duật đã sáng tác bài thơ này.
Câu 3. Ý nghĩa nhan đề “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”
Trả lời
- Xe không kính tức là xe hỏng, không có kính, không hoàn hảo, là những chiếc xe không đẹp, không đảm bảo tiêu chí an toàn cho người sử dụng. Hình ảnh “xe không kính” là hình ảnh trung tâm xuyên suốt cả bài "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", một phát hiện thú vị thể hiện sự am hiểu, gắn bó với đời sống chiến tranh của tác giả.
- Tác giả đã tìm thấy, phát hiện, khẳng định cái chất thơ, cái đẹp nằm ngay trong hiện thực đời sống bình thường nhất, thậm chí trần trụi, khốc liệt nhất, ngay cả trong sự tàn phá dữ dội, ác liệt của chiến tranh.
- Cách đặt nhan đề tự nhiên thể hiện sâu sắc phong cách thơ Phạm Tiến Duật: tinh nghịch, sôi nổi, tràn đầy niềm tin vào cuộc sống và chiến đấu.
Câu 4. Viết một đoạn văn trình bày của cảm nhận của bản thân về tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”?
Đoạn văn mẫu
Phạm Tiến Duật (1941 - 2007) là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, thơ của ông chủ yếu viết về hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tiêu biểu là bài thơ " bài thơ tiểu đội xe không kính" ra đời năm 1969 khi cuộc kháng chiến của quân và dân ta đang diễn ra ác liệt. Qua việc khắc họa hình ảnh độc đáo những chiếc xe không kính nhà thơ làm nổi bật tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Trước hết nguồn cảm hứng của bài thơ bắt đầu từ hình ảnh độc đáo: hình ảnh những chiếc xe không kính, những chiếc xe không kính của Phạm Tiến Duật là hình ảnh thực, thực đến mức trần trụi. Nhưng kì diệu thay, những chiếc xe không còn nguyên vẹn ấy vẫn kiên cường vượt qua mọi thử thách mưa bom, tiến về miền Nam yêu dấu, những chiến sĩ lái xe đã tạo nên sức mạnh ấy. Ngoài sự ác liệt của chiến tranh, các chiến sĩ còn phải chịu nhiều gian khổ bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết, những câu thơ trên đầy ắp chất sống hiện thực ở chiến trường, hiện thực đầy gian khổ nhưng các chiến sĩ đã bình thường hóa cái gian khổ ấy, chấp nhận nó như một tất yếu vẫn đùa vui, tếu táo: "Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha." Một tâm hồn đáng yêu sôi nổi làm sao? Đó còn là bản lĩnh kiên cường của những người chiến sĩ, vẻ đẹp ấy còn được tác giả khắc họa bằng giọng thơ trẻ trung như lời nói của miệng "Không có kính, ừ thì có bụi", , gian khổ là vậy nhưng qua cách nhìn của những người lính thì vô cùng nhẹ nhàng, bởi lòng dũng cảm đã trở thành cốt lõi, bản chất người lính trong cuộc chiến đấu. Bốn câu thơ cuối bài đã hoàn thiện bức chân dung tuyệt vời của người lính lái xe bởi ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam và lòng yêu nước nồng nhiệt của họ. Trái tim là hình ảnh hoán dụ, là hình ảnh yêu nước nồng nàn, trái tim của ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam thân yêu, trái tim dũng cảm, trái tim ấy có sức mạnh vô biên, mạnh hơn mọi nỗi nguy nan. Chúng ta mãi yêu mến, tự hào về họ - những con người đẹp nhất trong thời đại Hồ Chí Minh.
Các bạn có thể xem thêm các bài viết cùng chủ đề: TẠI ĐÂY