Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân được viết năm 1948 đã thể hiện được tình yêu quê hương đất nước sâu đậm của Ông Hai. Đó là tình cảm vừa nồng nhiệt và chân thành mà ở bất kì thời đại nào thì tinh thần yêu nước ấy vẫn mãi được lưu giữ và tiếp nối qua bao thế hệ con người Việt Nam anh hùng.
Ôn tập kiến thức cơ bản tác phẩm “Làng” - Kim Lân
Câu 1. Trình bày hiểu biết của em về tác giả Kim Lân?
Trả lời
- Tên thật: Nguyễn Văn Tài;
- Năm sinh: 1920;
- Mất năm: 2007;
- Quê quán: Huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh;
- Ông chuyên viết truyện ngắn;
- Tác phẩm đăng trên báo: Tiểu thuyết thứ bảy; Trung Bắc chủ nhật,…
- Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001;
- Những tác phẩm tiêu biểu: “Vợ nhặt”, “Làng”, “Nên vợ nên chồng”,…
- Phong cách sáng tác: Ông thường viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn một người con của đồng ruộng.
Câu 2. Trình bày hoàn cảnh sáng tác của truyện ngắn “Làng”?
Trả lời
- Truyện được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp;
- Đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.
Câu 3. Ý nghĩa nhan đề truyện ngắn “Làng”?
Trả lời
Làng là một danh từ chung chỉ một đơn vị hành chính ở các vùng quê. Tên gọi làng đã trở nên rất gần gũi của mỗi người đặc biệt là người nông dân. Nhan đề Làng mang ý nghĩa khái quát và không chỉ bất kì làng quê cụ thể nào.
Câu 4. Tóm tắt tác phẩm “Làng”
Trả lời
Ông Hai là một người nông dân rất yêu làng và tự hào về làng Chợ Dầu của mình nhưng vì chiến tranh và hoàn cảnh gia đình nên ông phải rời làng đi tản cư. Sống trong hoàn cảnh bó buộc ở nơi tản cư, ông Hai luôn bứt rứt nhớ về cái làng Chợ Dầu. Một hôm ra phòng thông tin nghe ngóng tin tức như mọi khi ông bỗng nghe được từ một người đàn bà tản cư tin làng Dầu “Việt gian theo Tây”. Tin dữ đến bất ngờ khiến da mặt ông “tê rân rân”, cổ họng ông lão nghẹn ắng hẳn lại”, ông “lặng đi tưởng như đến không thở được” rồi chỉ biết cúi gằm mặt xuống mà đi về. Về nhà, ông nằm vật ra giường mấy ngày không dám đi đâu, hoang mang lo lắng, ai nói gì cũng tưởng họ bàn tán về làng mình. Khi mụ chủ nhà có ý đuổi gia đình ông đi nơi khác, ông chớm có ý định quay về làng nhưng rồi ông lại xác định “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Không biết tâm sự cùng ai nỗi đau khổ trong lòng, ông trò chuyện với đứa con nhỏ một lòng ủng hộ cụ Hồ. Khi chủ tịch xã lên cải chính làng Dầu không theo Tây, ông sung sướng đi khoe với tất cả mọi người, khoe cả tin làng ông bị Tây đốt nhẵn.
Câu 5. Viết một đoạn văn trình bày của cảm nhận của bản thân về tác phẩm “Làng”?
Đoạn văn mẫu
Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân được viết năm 1948 đã thể hiện được tình yêu quê hương đất nước sâu đậm của Ông Hai. Đó là tình cảm vừa nồng nhiệt và chân thành mà ở bất kì thời đại nào thì tinh thần yêu nước ấy vẫn mãi được lưu giữ và tiếp nối qua bao thế hệ con người Việt Nam anh hùng. Ông Hai cũng như bao người nông dân quê từ xưa luôn gắn bó với làng quê của mình.Ông yêu quí và tự hào về làng Chợ Dầu và hay khoe về nó một cách nhiệt tình, hào hứng. Ở nơi tản cư ông luôn nhớ về làng, theo dõi tin tức kháng chiến và hỏi thăm về Chợ Dầu. Tình thế của ông càng trở nên bế tắc, tuyệt vọng khi bà chủ nhà có ý đuổi gia đình ông với lý do không chứa người của làng Việt gian. Trong lúc tưởng tuyệt đường sinh sống ấy, ông thoáng có ý nghĩ quay về làng nhưng rồi lại gạt phắt ngay bởi “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ là “cam chịu quay trở lại làm nô lệ cho thằng Tây”. Tình yêu làng lúc này đã lớn rộng thành tình yêu nước bởi dẫu tình yêu, niềm tin và tự hào về làng Dầu có bị lung lay nhưng niềm tin và Cụ Hồ và cuộc kháng chiến không hề phai nhạt. Ông Hai đã lựa chọn một cách đau đớn và dứt khoát: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù!”. Dù đã xác định thế nhưng ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm của mình đối với quê hương. Bởì thế mà ông càng xót xa, đau đớn… May thay, tin đồn thất thiệt về làng Chợ Dầu được cải chính. Ông Hai sung sướng như được sống lại. Đó là một niềm vui kỳ lạ,thể hiện một cách đau xót và cảm động tình yêu làng, yêu nước, tinh thần hy sinh vì cách mạng của người dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Qua nhân vật ông Hai, ta càng hiểu thêm về vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: Yêu làng, yêu nước và gắn bó với kháng chiến. Có lẽ vì thế mà tác phẩm “Làng ” xứng đáng là một trong những truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại.
Các bạn có thể xem thêm các bài viết cùng chủ đề: TẠI ĐÂY
- Từ khóa
- kim lân làng truyện ngắn làng