Dự thi Phượng Trắng - Tấm

Dự thi Phượng Trắng - Tấm

Tấm
Tấm
  • Thành Viên 27
Những ngày cuối đông, cũng là ngày kết thúc học kỳ I.

Khác với mùa thu, sân trường rộng rãi, sạch sẽ , không một cọng rác, không mẩu giấy vụn. Học sinh háo hức, nhộn nhịp đón chào năm học mới. Chứ vào mùa đông, gió thổi mạnh, sân trường đầy lá rụng. Chưa kể những ngày mưa lất phất, lai dai, mây đen kéo đến xám xịt cả bầu trời, nước chảy đầy đường, ướt át. Sân trường cũng vắng vẻ, chẳng còn những cô cậu học sinh túm năm tụm ba. Ngôi trường im lặng đến ngỡ ngàng, chỉ có tiếng gió khẽ thổi những chiếc lá rụng trước sân, và trong lớp học, tiếng phấn nhẹ nhàng viết bảng, lời giảng của thầy dịu dàng như tiếng mưa bay.

Kết thúc buổi học, các cô cậu học trò cầm trên tay bài thi cuối kỳ, người vui vẻ, người buồn rầu, có thể thấy rõ nét mặt ngây ngô dễ đoán của trẻ thơ qua những điểm số.

Nhi cũng vậy.

Khuôn mặt bầu bĩnh suy tư trầm ngâm, đôi lông mày khẽ nhíu lại bởi số sáu có chút chướng mắt. Nét mặt càng khó coi hơn khi cô bé nhìn sang bài thi của Phượng, số mười tròn trĩnh và lời nhận xét gần như hoàn hảo của giáo viên. Nhi không vui, em buông lời gắt gỏng:

“Tao cấm mày bép xép với bố chuyện bài thi đấy” – Nói rồi, Nhi cất bài thi của mình vào cặp. Có vẻ em rất bực nên tờ giấy bị dồn vào một góc trông nhăn nhúm, sau đó liền đeo balo về nhà.

Phượng vội vàng đuổi theo.

Trời đã ngừng mưa nhưng con đường làng vẫn ướt, đường đất đỏ nên gặp mưa rất trơn, một vài chỗ còn trũng nước. Phượng nhìn hai hàng cây bị gió thổi cong, nghiêng hẳn về một phía, không cẩn thận vấp phải hòn ngạch bên đường và ngã nhào xuống mặt đất.

Chân em xước vài chỗ nhỏ, chiếc quần vải đã cũ nay thêm một lỗ thủng ở đầu gối rất to, để lộ một mảng da trầy xước đỏ ngầu. Trời lạnh nên vết thương càng buốt nhưng em chẳng để tâm, bởi em còn lo lắng cho đôi sandal duy nhất của mình đã bị đứt quai sau cú ngã vừa rồi, sợ rằng chẳng thể dùng nó để đi học được nữa.

Nhi nghe tiếng “uỵch” liền ngoảnh lại, em thấy Phượng bị ngã, quần áo lấm lem, mặt còn dính ít bùn bẩn. Lại nhìn chiếc áo phao vàng mẹ mới mua cho mình, Nhi không do dự, quay mình đi tiếp như chẳng hể quen.

Đông, trời nhanh tối, gió thổi cũng ngày càng mạnh, cuốn trôi theo cả những chiếc lá vàng khô chẳng còn sức chống chọi với tiết trời lạnh giá. Bước chân Phượng chậm rãi vì mỗi lần di chuyển khiến vết thương em đau. Còn Nhi, mái tóc em mềm mại bay theo chiều gió, thi thoảng lại ngân nga một vài câu hát du dương. Hai đứa trẻ cùng sống dưới một mái nhà nhưng con đường về mỗi người một đoạn, Nhi đi trước, Phượng lẽo đẽo theo sau. Nếu ai không biết còn tưởng rằng chúng chỉ là người dưng qua đường.

Bố Phượng mất sớm, nhà lại nghèo nên mẹ phải tha phương cầu thực. Đành lòng gửi Phượng ở nhờ nhà bác – là ông Mai, bố của Nhi, tính khi nào ổn định sẽ đón bé lên sống cùng. Nhưng thấm thoát cũng hơn năm rồi...

Về đến nhà, Nhi thấy trên bếp có món sườn chua ngọt mà mình thích, liền ăn vụng một miếng sau đó cười toe toét khen ngon. Bà Mai thấy Nhi vui vẻ, nét mặt có chút chiều chuộng, đưa Nhi bộ quần áo và bảo cô bé đi tắm nước nóng mà mình vừa pha, trời mùa đông nên tắm sớm một chút.

Phượng thấy vậy, nỗi nhớ mẹ trong em lại ùa về. Ánh mắt em buồn, đôi hàng mi cong ủ rũ. Nhưng rồi, bà Mai thấy trên người Phượng bùn đất bẩn thỉu, lại nghĩ em lười biếng đứng im một chỗ. Bà quát:

“Còn không mau vào giúp tao xách xô nước cho con Nhi nó tắm, nhanh nhanh cái chân còn ăn cơm” - Vừa nói, một tay bà chống nạnh, tay kia chỉ vào mấy cái xô xếp cạnh vại nước sau nhà.

Phượng vội tháo balo cất gọn trong buồng rồi nhanh chóng làm theo. Đã gần mười tuổi nhưng em rất còi, trông dáng chỉ tầm mấy em nhỏ vừa lên sáu mà thôi. Đôi tay em gầy guộc, gồng mình xách xô nước từ ngoài trum vào nhà, bước chân khệnh khạng không tránh khỏi việc nước sóng tràn ra nền đất. Bà Mai tức giận, chẳng nỡ bảo cháu lấy một câu cẩn thận còn buông lời mắng mỏ: “Xách có xô nước cũng chẳng xong”.

Cho đến khi tiếng còi xe máy kêu inh ỏi ngày một gần, bà Mai biết chồng về liền gọi Phượng lên nhà dọn cơm.

Bà xới ba bát đầy, chỉ chừa lại cho Phượng bát vơi. Thấy vậy, ông Mai xẻ nửa phần cơm của mình cho Phượng, nhẹ nhàng nói:

“Đang tuổi phát triển, cháu ăn nhiều vào” – Xong, còn gắp cho em thêm miếng sườn.

Bà Mai không vui nhưng cũng không nói gì, bới tung đĩa sườn gắp hai miếng nhiều thịt nhất bỏ vào bát của Nhi. Phượng biết ý, cầm muôi chan ít canh. Sau đó ăn thật chậm để từng hạt cơm lấp đầy chiếc bụng trống rỗng. Bữa cơm đó Phượng không gắp thêm dù chỉ là một cọng rau, khi còn miếng cơm cuối cùng, em mới gắp miếng sườn trong bát cho vào miệng, nhai kỹ cả xương để cảm nhận hương vị thịt vừa thơm vừa mềm hiếm có này.

Sau bữa cơm, cả nhà bà Mai ngồi xem tivi vui vẻ. Ông Mai ôm Nhi vào lòng, giúp cô bé bấm gọn từng chiếc móng tay. Bà Mai ngồi cạnh gọt trái cây, vừa gọt vừa kể xấu về mấy bác hàng xóm.

Sau vườn, ánh đèn hơi tối do nguồn điện yếu. Thi thoảng gió thổi mạnh quá khiến chiếc bóng đèn đung đưa, chiếu xuống dưới sân bóng hình nhỏ bé nhanh nhảu múc từng gáo nước trong bể, rửa sạch từng chiếc bát rồi cẩn thận cất chúng lên chạn. Có lẽ nước lạnh nên bàn tay Phượng đỏ au, thi thoảng nhịn không được em đưa tay lên miệng hít hà để giữ chút ấm.

Khi việc nhà đã gọn, Phượng xuống bếp lấy ít nước nóng để tắm nhưng nước trong nồi đã cạn, bếp cũng tắt từ lâu. Có lẽ mọi người trong nhà đã dùng hết mà không đun thêm cho em chút nước ấm nào.

Trời hôm nay rất lạnh, người lớn ra đường còn phải mặc ba lớp áo. Lại lất phất mưa nên khí trời càng buốt hơn. Vì chiều nay bị ngã xuống bùn nên không thể không tắm được, Phượng tặc lưỡi, xách xô nước lạnh vào buồng. Từng gáo nước dội xuống là một lần như vết dao cứa vào từng thớ thịt. Cảm nhận được cái lạnh tê tái, Phượng nổi hết gai ốc, người không ngừng run cầm cập. Nhanh chóng mặc quần áo và chạy vào phòng cuộn mình trong chiếc chăn bông ấm.

Đêm đó, Phượng nhớ mẹ vô cùng, nhớ những tháng ngày mẹ còn bên cạnh quan tâm, chăm sóc. Ngay cả trong giấc ngủ, em cũng mơ thấy dáng mẹ từ xa vội về đón mình. Dưới gốc cây bưởi trước cửa nhà, mẹ thắt cho em hai bím tóc xinh xinh, và đôi bàn tay to chai sạn theo năm tháng bao bọc lấy bàn tay nhỏ của em nắm thật chặt.

Vì giấc mơ đó, trong đêm khuya tĩnh lặng, em ôm lấy chiếc gối khẽ mỉm cười thật tươi.

***

Đã nhiều ngày trôi qua, Phượng không nhận được cuộc điện thoại nào từ mẹ.

Tối đó, sau khi cơm nước xong xuôi, Phượng nói với ông Mai:

“Hôm nay mẹ có gọi cho cháu không bác?”

“À, chiều nào mẹ con cũng gọi nhưng lúc ấy con chưa đi học về. Mẹ có gửi cho con ít tiền mua đồ ăn vặt đây này.”

Nói rồi, ông lấy trong ví tờ năm mươi ngàn, nhét vào tay Phượng. Bà Mai tỏ ý không hài lòng liền cầm đĩa hoa quả trên bàn cất vào buồng trong.

Hôm sau, khi tiếng chuông tan học kết thúc, Phượng nhanh chóng thu dọn sách vở vào trong cặp rồi chạy một mạch về nhà. Nhi chưa bao giờ thấy Phượng gấp gáp như thế nhưng em cũng không để tâm, ung dung xách balo về nhà, giữa đường còn tạt vào hàng bánh chuối.

Thấy Phượng, bà Mai ngạc nhiên:

“Sao mày hớt hải vội vàng thế, cái Nhi đâu?”

“Dạ, cháu… có việc nên chạy về trước. Chị Nhi đi… sau ạ” - Nói rồi, Phượng tìm quanh nhà, thấy ông Mai đang tưới cây sau vườn liền chạy tới. Để lại bà Mai với khuôn mặt không hài lòng ở phía sau.

“Bác ơi, nay…mẹ cháu gọi chưa…ạ?” - Phượng thở hổn hển.

“Mẹ con lại vừa tắt máy xong. Mà sao người nhiều mồ hôi thế, gặp phải cơn gió lại ốm ra bây giờ” – Nói rồi, ông Mai kéo Phượng vào nhà, lấy khăn lau người cho bé.

Thấy Phượng có chút buồn, lại nhìn chiếc áo em mặc đã bạc màu từ lâu, ông bảo tiếp: “Mẹ vừa gửi tiền cho bác, có hỏi Phượng thích gì thì bác đưa đi mua. Tối ăn cơm xong bác đèo lên chợ vải, mua lấy cái áo phao như chị Nhi mặc cho ấm. Quần áo con cũng cũ hết cả rồi.”

Phượng nghe vậy, rơm rớm nước mắt: “Bác ơi, mai bác bảo mẹ gọi muộn một tí cho con nghe giọng mẹ, con nhớ mẹ lắm, nửa năm nay mẹ chưa về thăm con rồi. Con cũng không cần áo mới đâu, bác bảo mẹ giữ lấy…dành tiền rồi... đón con lên, con muốn ở với... mẹ”

Càng nói, Phượng càng không kìm được nước mắt. Ông Mai ôm Phượng vào lòng, khẽ vỗ về lên đôi vai run rẩy. Tay Phượng bấu chặt vào lớp áo mỏng, cố ngăn bản thân không khóc thành tiếng nhưng nước mắt chẳng chịu nghe lời, thuận theo tự nhiên mà chảy xuống đôi má ửng hồng nứt nẻ.

Tối đó, ông Mai mua cho Phượng chiếc áo phao màu đỏ, màu giống như tên của em – một loài hoa mang trong mình sắc màu rực rỡ, gọi ấm áp những ngày nắng về.

Bà Mai thấy vậy, nét mặt không vui. Nhưng lần này bà không im lặng nữa, bà làm to chuyện, quát tháo chồng:

“Sao ông mua cho con Phượng cái áo đắt thế? Nó nhỏ người, mặc lại đồ con Nhi là được. Ông biết năm qua nuôi nó ăn học tốn thế nào không? Mẹ nó được mấy lần tiền gửi về? Hả? Ông nói tôi nghe”

“Bà nói bé cái mồm thôi” – Ông Mai sợ nói chuyện to tiếng, Phượng nghe được lại buồn. Liền kéo bà Mai về phòng nhưng bà không chịu.

“Tôi làm cái gì sai mà phải bé? Ông xem cái nhà này có khá khẩm gì không mà còn nuôi ăn học thêm một mạng người?”

Vừa nói, bà vừa hất tay ông Mai. Hai người giằng co một hồi, nhưng sức đàn ông làm sao bà chịu nổi. Bà ngã nhoài ra sau, không may chạm phải bàn uống nước, cốc chén rơi xuống nền đất vỡ vụn.

Bà ấm ức, chẳng thèm đứng dậy mà ngồi bệt dưới dất khóc hu hu.

Ở ngoài, Nhi và Phượng chứng kiến tất cả.

Nhi thương mẹ, đôi mắt em ngân ngấn nước. Lại nghĩ vì Phượng mà bố mẹ lúc nào cũng cãi nhau. Em đẩy Phượng thật mạnh khiến cô bé ngã đập đầu xuống nền đất. Lớn tiếng nói:

“Tao ghét mày”

Phượng biết, vì mình mà gia đình ông Mai luôn bất hòa nên lúc nào em cũng cố gắng chăm chỉ làm việc nhà, đi chợ nấu cơm, dù bà Mai và Nhi có gắt gỏng hay làm điều gì quá đáng em đều cam tâm nhẫn nhịn.

Người ngoài nhìn vào đều thương Phượng, Phượng không được sống cùng mẹ, chịu sự ghẻ lạnh của bác dâu, việc nhỏ đến việc nặng em đều phải làm hết.

Nhưng còn Nhi? Cô bé cũng luôn phải chứng kiến những tháng ngày bố mẹ cãi vã, không đồng lòng.

Người ngoài kia có lẽ không ai hiểu, nhưng Phượng thì biết cảm giác đó của Nhi tồi tệ đến mức nào. Vậy nên chưa bao giờ em ghét Nhi cả.

Phượng vào phòng mở ngăn kéo tủ, chiếc áo mới tinh vẫn còn nguyên mùi mới, em đem đưa cho ông Mai, nhẹ nhàng nói:

“Bác ơi, cháu còn nhiều áo lắm. Bác mang trả cho người ta nha bác, cháu không dùng đến đâu”

Nhìn đứa cháu gái hiểu chuyện, ông Mai bất lực, vào phòng đóng sầm cửa. Bà Mai thấy thế liền giật chiếc áo trên tay Phượng, cất gọn vào túi treo lên xe để mai sang trả người ta.

Ngoài trời sương xuống ướt hết cả những chiếc áo quần hồi chiều giặt chưa kịp cất. Trong căn phòng Phượng lặng lẽ nhặt từng mảnh sứ vỡ vụn, do không cẩn thận nên bị cứa vào tay. Một dòng máu đỏ dính trên mảnh vỡ, Phượng liền nhớ đến mẹ từng nói rằng:

“Với mẹ, con chính là bông hoa phượng đẹp nhất, đỏ nhất của mùa hè năm 2012”

Còn Phượng, chưa bao giờ em thấy màu đỏ đáng ghét như lúc này.

***

Hôm nay, Phượng định trốn hai tiết học cuối cùng để về nhà sớm nhưng vừa mới đến cổng trường đã bị giáo viên bộ môn bắt gặp.

Thế rồi, cô giáo gọi điện nói chuyện với bà Mai. Biết tin, bà đến trường xin lỗi cô giáo qua loa cho xong chuyện, sau đó lôi Phượng về nhà đánh cho một trận.

Có lẽ cơn bực tức dồn nén trong người đã lâu, bà dùng roi mây đánh Phượng không thương tiếc. Chiếc roi vừa dẻo vừa mỏng, cất lên cao như xé gió rồi vút vào người Phượng kêu liên tục “chát… chát”. Vừa đánh bà vừa chửi:

“Cái thói ở đâu trốn học, mày giống mẹ mày hay giống ai? Có biết tao nuôi mày tốn kém thế nào không mà mày đi bôi tro trát trấu vào mặt tao thế này”

Nhi không thích Phượng nhưng thấy Phượng bị mẹ đánh cũng xót em, liền cầu xin tha cho em vì mới vi phạm lần đầu. Nhưng bà Mai đâu có chịu, chỉ là con của em chồng nên bà đâu coi là máu mủ, hà cớ gì phải dày công chăm sóc. Được đà, bà càng đánh.

Qua ba lớp áo nên Phượng cũng ít cảm thấy đau, nhưng chẳng may chiếc roi trượt qua mặt nên má em có vết xước, tóc tai bị kéo trông rối xù.

Ông Mai về đến nhà, thấy tiếng mắng chửi cùng tiếng khóc ầm ĩ từ đầu ngõ, ông liền chạy vội vào giằng lấy chiếc roi trong tay bà Mai, tức giận bẻ gãy làm đôi rồi hỏi tại sao bà lại làm như thế. Bà liền kể ông nghe mọi chuyện, còn cố tình thêm mắm thêm muối. Hai người cãi qua cãi lại, sau cùng bà Mai không chịu được nữa, hét lớn:

“Mẹ nó đứt ruột đẻ ra còn bỏ đi lấy chồng, vậy hà cớ gì tôi không máu mủ lại phải thương?”

Chát! Một âm thanh bất ngờ khiến người nghe nhói lòng.

Đó là lần đầu tiên ông Mai đánh vợ. Và Phượng, em hiểu rằng thì ra vốn dĩ chẳng có cuôc gọi nào từ mẹ cả. Mẹ đã có hạnh phúc mới và chẳng cần em bên cạnh nữa rồi.

***

Thoáng cái, trời đã sang tháng ba.

Hôm qua, khi trời còn oi ả, nóng bức đến ngột ngạt mà sáng nay thức dậy Phượng đã thấy cái chớm lạnh của “rét Nàng Bân”. Một cái rét rất đặc trưng, mang theo cả âm thanh, sắc màu, hương vị của tháng ba vào đó. Chúng theo những cơn gió hanh hanh luồn qua cửa sổ, và mang theo cả những hạt mưa lấm tấm, lành lạnh phía sau mình.

Khi còn nhỏ, Phượng chỉ biết tiết trời giá lạnh là nét đặc trưng của mùa đông. Sau này đi học, em mới biết thì ra “rét Nàng Bân” – cái rét cuối cùng lại trú ngụ trong mùa xuân muôn hoa đua nở. Cho đến bây giờ, em mới hiểu có thứ còn lạnh hơn cả gió trời, nó chẳng nằm trong mùa nào cả, nó ở trong tim mình và xuất hiện ở những mảnh đời cô đơn.

Ngày đó, Phượng không tin những điều bà Mai nói là thật. Em khóc suốt, nhịn đói cả mấy ngày. Sau cùng, ông Mai đành bắt xe đưa Phượng lên Hà Nội. Đến khi tận mắt thấy mẹ mình đang vui vẻ nắm tay một người đàn ông. Và trong bụng mẹ tồn tại một sinh mệnh mà trước kia mẹ thường nói với Phượng đó chính là minh chứng của tình yêu bất tận.

Mẹ vẫn vậy, dáng người nhỏ nhỏ và mái tóc dài đen nhánh, khi cười để lộ má lúm trông rất duyên. Một tay mẹ nắm lấy người đàn ông bên cạnh, tay còn lại mẹ ôm bụng chở che như trước kia mẹ thường ôm Phượng vào lòng.

Phượng không đành lòng để ai đó cướp đi người từng yêu thương em nhất, em khẽ gọi “mẹ ơi”. Đôi chân nhỏ bé muốn chạy đến bên mẹ và ùa vào lòng mẹ nhưng ông Mai đã ngăn em lại:

“Con để mẹ đi, ở đó mẹ sẽ hạnh phúc. Người đàn ông đó sẽ chăm sóc mẹ con và yêu thương mẹ con thật lòng” - Nói rồi, ông Mai cũng không kìm được nước mắt. Ông biết lời mình vừa nói với đứa cháu nhỏ còn tuổi vô lo vô nghĩ cay độc đến nhường nào. Làm gì có đứa trẻ nào chấp nhận được một điều rằng chúng là rào cản hạnh phúc của mẹ mình đâu.

Cứ thế, trên dòng đường tấp nập, nhộn nhịp, giữa thành phố Hà Nội xa hoa, tráng lệ. Có hai con người chất phác đến từ một làng quê, họ ôm nhau khóc mặc kệ những ánh mắt tò mò của người đi đường.

Tiếng gõ cửa đưa Phượng trở về thực tại, Nhi đem cho Phượng ít khoai lang sấy bà Mai mua hồi chiều nhưng lúc về đến nhà bà dấu luôn vào ngăn tủ. Trước kia Nhi không thích Phượng, vì Phượng mà gia đình em lúc nào cũng cãi nhau. Nhưng từ khi biết Phượng bị mẹ bỏ đi lấy chồng mới, hiểu được cảm giác không có bố mẹ sẽ cô đơn thế nào. Vậy là thi thoảng có gì ăn ngon em lại mang cho Phượng một ít, mỗi lần bà Mai mắng Phượng em cũng dành lời khuyên ngăn. Chỉ là Nhi tính tình lười nhác nên việc nhà em chẳng đỡ đần Phượng tí nào. Nhưng như vậy thôi Phượng đã vui lắm rồi, mái nhà cũng vì thế mà bớt đi lạnh lẽo.

Sáng sớm, ông Mai trở đồ xong cho khách thì gặp hàng bánh rán, liền mua bốn chiếc đem về cho Phượng và Nhi. Bà Mai thấy vậy đưa cho Phượng một chiếc, còn lại nhét vào tay con gái mình, nói:

“Sáng cái Phượng ăn cơm nguội rồi, ba cái bánh con cầm ăn nha”

Ông Mai không hài lòng nhưng sáng sớm ông không muốn đôi co, đành quay xe đi làm. Nhi thấy vậy lấy trong túi một chiếc bỏ vào túi của Phượng:

“Con ăn không hết đâu mẹ ạ”

“Không hết thì ra chơi con ăn” – Nói rồi, bà định lấy lại chiếc bánh nhưng Nhi nắm lấy tay mẹ.

“Đến lúc ấy bánh hết ngon rồi. Người nó thì gầy nhom thế kia mẹ để nó ăn còn có sức học bài. Vừa rồi con đạt điểm chín là nó dạy con đó”

Nghe vậy, bà Mai cũng không biết nói gì hơn, liền đi vào bếp.

Sáng đó, màn sương mỏng tan nhẹ nhàng những vấn vương, tạm biệt những tháng ngày mà bầu trời xám xịt cùng cơn mưa rì rào rả rích. Sau bao ngày, cuối cùng trời hôm nay đã dần quang mây, vén màn u tối nhường chỗ cho muôn sắc tinh khôi rạng ngời.

Trên con đường làng Nhi và Phượng vẫn cùng nhau đi học. Chỉ là hôm nay có một thứ tình cảm trở nên tươi đẹp hơn những ngày khác…

Nhi ngoảnh mặt lại, thấy Phượng lẽo đẽo theo mình cách tầm hai mét. Phượng nhìn chị không hiểu chuyện gì cũng dừng lại theo.

Hai đứa trẻ nhìn nhau, chẳng ai biết chúng đang nghĩ gì.

Nhi cau mày, hai tay nắm chặt quai đeo balo, lớn tiếng nói:

“Sao mày cứ lù dù đằng sau thế, chạy lên đây xem nào”

Phượng nghe như tiếng mật thoảng qua tai, ngọt ngào hơn cả dư vị cây kẹo kéo. Em miệng cười ngây ngốc, hai tay lên gần chiếc miệng chúm chím, nói lớn:

“Chị ơi, đợi em với”

Người ta thường bảo, sau mưa sẽ thấy cầu vồng, giá lạnh đến mấy rồi cũng qua đi để nhường chỗ cho muôn vàn ấm áp. Riêng Phượng, trong thế giới thiếu tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ, có lẽ em đã tìm được vài tia nắng nhỏ len lói một góc trong trái tim tổn thương này.

Bầu trời xanh ngát trên cao, đám mây trắng như bông trong mắt trẻ thơ cũng trở nên nhiều hình dáng. Trên con đường đến trường, Phượng tưởng tượng đám mây như những nụ hoa sữa, Nhi lại bảo giống như những chiếc bánh gato nhiều tầng.

Khi lớn lên, chúng ta thường hy vọng được quay lại thời ấu thơ không muộn phiền, không ồn ào, không náo nhiệt... Chỉ muốn bình yên và ùa vào lòng mẹ, bên gia đình, người thân. Thế nên, tôi hy vọng rằng cả Phượng, cả Nhi, cả những đứa trẻ trên khắp thế giới này đều được lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình. Tình yêu đó sẽ theo những đứa trẻ cho đến khi chúng trưởng thành, và rồi những con người trưởng thành ấy sẽ gom yêu thương lại dành cho thế hệ sau, tiếp nối nhau để tạo ra một cuộc đời muôn vàn màu sắc.

Để sau này, mỗi lần nghĩ lại, chúng sẽ nhận ra năm tháng ấy mình đã hồn nhiên, ngây ngô đến nhường nào.
 

Đính kèm

  • tr.jpg
    tr.jpg
    6.4 KB · Lượt xem: 201
536
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top