Dự thi Qua cơn giông

Dự thi Qua cơn giông

Gã biết về những quy tắc làm ăn mày rõ hơn ai hết. Chẳng một kẻ lang thang nào lại phẳng phiu áo quần, thơm tho, béo tốt. Nếu có cơ hội được người ta cho tắm một lần thật sạch, gã cũng xin chối từ vì thơm sạch thì chẳng xin được tiền. Gã đã ngang qua không biết bao vùng đất bằng đôi chân trần. Mỗi nơi cũng chỉ được phép dừng lại một ngày. Xin ăn một lần người ta cho, hai lần người ta đuổi. Làm ăn mày, gã cũng không được có tự trọng. Tất cả chỉ vì cái ăn.​


Nắng hè khô khốc, nhiệt độ cao tới khó thở. Con đường nhựa phía trước như có bóng của hồ nước mời chào gã bước tới vục một ngụm. Chỉ là ảo ảnh thôi, đừng tin, gã nghĩ. Gã đi đầu trần tới thị trấn nhỏ, mong tìm ra vết tích của khu chợ. Khát quá! Lết từng bước, mặt đỏ rực, có lẽ gã đã bị say nắng. Cái nón rách theo gã nhiều năm tháng đã bị mấy tên choai choai cướp mất. Chúng chẳng thèm khát gì cái nón rách ấy, chẳng qua là muốn thấy bộ dạng hèn nhát, cam chịu của gã mà thôi.

Cuối cùng, gã đành chịu thua ông trời, ngồi phệt xuống dưới gốc cây sấu đang trĩu quả non. Móc từ trong cái bố rách trên vai ra một chai nhựa sót lại vài giọt nước. Thôi, vài giọt đủ làm đôi môi thôi khô khốc cũng tốt rồi. Cơn choáng váng khiến gã lăn ra giữa oi ả nắng hè. Vài hình ảnh xưa cũ hiện lên giày vò gã. Dường như gã quay về cái ngày bị mấy tên giang hồ đè ra chặt đứt ngón tay “Lần này là ngón tay, không trả tiền, thì lần sau là ngón chân, cánh tay rồi dần dần tới đầu mày”, tiếng vợ gã khóc thê lương “Tôi xin các anh, nhà cửa chúng tôi bán sạch rồi, chẳng còn gì cả, đợi thư thả có tiền tôi trả cả”. Tiếng nấc nghẹn bất lực trong đêm của vợ gã khi con gái sốt cao. Rồi hình ảnh vợ gã quỳ xuống chân người ta van xin vay tiền, hình ảnh người đàn ông nào đó chở vợ gã cười cười nói nói, a, phải rồi, gã giờ là kẻ ăn hại, què cụt, ai chẳng muốn vứt bỏ, gã mất hết lí trí mà lao vào đấm người đàn ông ấy, đôi mắt vằn lên tia đỏ như con thú hoang mất nhân tính. “Anh Chí, dừng tay, anh đúng là kẻ khốn nạn, đời anh ngoài làm khổ vợ con ra anh còn được tích sự gì không? Đây là anh Hưởng công an huyện về điều tra bọn vay nặng lãi mà anh lại xử sự như vậy, anh khác gì bọn chúng không? Sao anh không cút khỏi cuộc sống của tôi đi?” Bọn chúng, đúng rồi, vợ gã ví gã như mấy thằng côn đồ chỉ biết khát máu, ngoài lợi ích thì chẳng có làm chuyện gì ra hồn. Từ đó, gã bỏ đi biệt tích.

Dự thi mùa hè của tôi (1).png

(Truyện ngắn dự thi Mùa hè của tôi: Qua cơn giông)

Gã ăn mày nằm đó, co quắp, đáng thương, khóe mắt chảy ra hai hàng lệ, miệng ú ớ những câu không rõ nghĩa. Người ta đi ngang qua thấy gã vừa đáng thương vừa đáng sợ. Thương vì gã nằm ở đầu đường xó chợ như cái bóng vật vờ trong đêm tối, sợ vì bộ dạng bẩn thỉu cùng mùi hôi thối bốc ra từ người gã. Do đó, để bày tỏ sự lương thiện của mình, họ vứt vội cho gã mấy đồng bạc như bố thí. Gã tiêu xài lòng thương xót của đồng loại để sinh tồn.

Lẽ ra gã không được ở đây quá nhiều ngày, nhưng cơn bệnh tới nhanh không lường trước, và thật không may đêm đó có cơn giông kéo đến. Mưa vừa rơi những giọt đầu tiên xuống đất, mùi da thịt của đất bị thiêu đốt bốc lên khét lẹt, nồng ẩm bức bối rồi dần dà tươi mát, khoan khoái lạ. Gã dường như cảm nhận được cây cối đang nhảy múa hò reo. Chỉ có gã ướt nhẹp trong đêm tối, cô đơn, lạnh lẽo, chờ đợi lúc đèn đường tắt đi để lần mò trú tạm vào mái hiên ngủ nhờ. Đầu gã vẫn còn mơ màng, cứ khi nào được dịp ốm đau những chuyện quá khứ lại được dịp hành hạ gã.

“Này Chí! Mày có muốn đổi đời không, nhìn xem vợ mày đẹp thế kia, mày không muốn nhiều tiền để mua cho vợ mày cây son cái váy hả? Hừ, mày đúng là hèn”, một thằng bạn rủ rê gã bước chân vào chốn tài xỉu.

Gã vốn hiền lành, chịu khó làm ăn. Quanh năm gã làm ruộng vườn rồi chăn nuôi gà vịt. Nếu chỉ thế thôi thì gã vẫn có cuộc sống êm đềm bên vợ đẹp con ngoan và mảnh vườn thơ, tiếc rằng gã lại giao du với một đám bạn xấu. Gã chần chờ trước lời mời sa chân vào đen đỏ, nhưng thấy bạn bè gã ngày càng mặc đẹp, tậu cả xe sang, khích bác gã trên bàn nhậu, gã đã lung lay.

“Tao nói mày biết, cái trò này có quy luật của nó, mày nghe tao đặt cửa đảm bảo thua ít thắng nhiều”, rồi tai gã được rót vào đủ thứ luật chơi nghe thuyết phục. Bố mẹ gã đặt tên gã là Chí nhưng cái chí của gã lại chẳng đúng chỗ, gã nghĩ nếu không dám thử chơi lớn một lần thì cả đời này gã chẳng biết được cảm giác cầm cọc tiền trong tay là thế nào. Nghĩ vậy, gã quyết theo.

Gã kí tên vào tờ giấy vay nợ mà gã chưa đọc kĩ, để rồi sau này cái chữ kí chết tiệt ấy dồn cả gia đình gã vào nợ nần không lối thoát. Mãi sau này gã mới nhận ra mấy thằng gã coi là bạn đó chỉ coi gã là con mồi ngây thơ, chỉ là một trong hàng trăm ‘thằng bạn’ của chúng. Gã được hưởng cảm giác cầm chục triệu trong tay tiêu xài, đãi vợ con mấy bữa ngon rồi sau đó thua liên tiếp. Càng chơi càng lún, càng sa càng lầy, tương lai sáng lạn như hứa hẹn đâu chẳng thấy, chỉ thấy những ngày buồn dài thất vọng, nuối tiếc.

Kể từ ngày ấy, gã chưa từng có đêm nào mộng đẹp, gã ước gì không cần ngủ mà vẫn sống thì tốt quá.

Sớm hôm sau, vài tiếng chim hót lảnh lót trên cành kéo mí mắt đang nhắm nghiền của gã lên cao. Nắng buông tia sáng hờ hững vào mọi ngõ ngách. Nếu không thấy những vũng nước to chảng, chẳng ai nghĩ đêm qua đã có trận mưa to, sấm chớp đùng đoàng như muốn nhấn chìm vạn vật. Chưa lúc nào gã ao ước nằm trên chiếc giường êm như thế. Mưa cũng khiến gã khoan khoái hơn đôi chút, ít nhất đầu không còn đau như muốn vỡ ra.

“Này, sáng ra đã ngồi trước cửa nhà người ta thế. Ăn mày à, thôi biến đi biến đi. Bố mẹ già tôi còn đếch có đồng nào cho huống gì ông.”

Đó là một người đàn ông tầm 30 tuổi, thân hình đô con, đôi lông mày rậm nhướng lên trông dữ tướng, giọng nói cất lên như sắp đánh người tới nơi. Gã vội bò dậy, né mái hiên nhà người ta, ngồi xuống vỉa hè không xa. Người đàn ông cau có đi vào, một lúc như nghĩ ra điều gì gã lại đi ra vời gã lại:

“Này, lại đây. Đàn ông đàn ang trông cũng có phải mất sức lao động gì đâu mà đi ăn mày. Nay tôi đang thiếu người vặt lạc, vào đây ăn sáng rồi ra vườn đi.”

Giọng điệu người đàn ông ra lệnh, không cho gã được phép từ chối. Sự hèn nhát của gã cũng xui khiến gã nghe theo mệnh lệnh. Gã rón rén vào ngồi cửa nhà, người ta mời vào thật đấy nhưng đừng có tự cho mình là khách kẻo lại ăn đập. Không thiếu lần gã gặp chuyện thế này. Người ta thấy gã bèn sai việc, xong việc lại chửi đuổi gã đi như một con chó. Gã được người đàn ông hung dữ kia cho bát cháo trắng lác đác vụn thịt băm nhỏ. Cái bụng gã thấy hơi cơm liền réo dữ dội, chẳng mấy chốc gã húp tới đáy. Ngon thật!

“Nữa không”, người đàn ông liếc sang gã, hỏi. Gã muốn ăn thêm nhưng lòng sinh nỗi sợ liền lắc đầu. Ấy vậy mà trong bát lại thêm một muôi cháo to.

“Sĩ…. Ăn no đi tí còn làm”, giọng nói có độ ngân như chế giễu gã.

Xong xuôi, hai người đàn ông dẫn nhau ra vườn lạc. Xã Tân Hải ven biển, đất cát rộng, trồng lạc nhiều củ, một vùng lớn đều trồng lạc nom xanh tít ngút mắt. Cả hai ôm thúng, bạt, cái xẻng theo. Người đàn ông trẻ dựng cái bạt nhỏ che nắng bảo gã vào ngồi trong đó, rồi tự mình đi nhổ lạc, gã cũng hiểu ý ngồi vặt củ lạc tươi từ cây lạc nhổ đem tới. Người nhổ, người vặt, chẳng ai nói câu nào, bầu không khí phải tới tận lúc vợ người đàn ông tới.

Anh Thành, nghỉ tay uống nước”, thì ra người đàn ông đó tên Thành.

“Hai đứa đi học rồi chứ”, Thành biết chắc vậy nhưng vẫn hỏi cho có câu chuyện rồi nghỉ tay lại uống nước.

“Đây là….”, ánh mắt thị dò sang hỏi Thành về gã, một kẻ râu ria xồm xoàm trông bẩn bẩn, xấu xấu, nhìn không có chút cảm tình nào.

Thành trông thô lỗ, giọng nói cũng hung dữ nhưng đứng trước câu hỏi của thị lại gãi đầu gãi tai lúng túng trông hiền khô. Không lẽ lại nói với thị rằng trong một phút bốc đồng anh đã thuê gã về vặt lạc. Thành là người tốt bụng nhưng hay xen vào chuyện người khác, cũng vì vậy mà thường đưa về những chuyện không đáng có. Thị đoán được phần nào nên không vui cho nổi. Nhỡ lại rước kẻ cù bất cù bơ chuyên lợi dụng hoặc có ý đồ xấu thì sao? Mặt thị sầm xuống. Gã cũng tinh ý nhận ra vì vậy liền chăm chú vặt lạc.

Ấy vậy mà mọi chuyện cứ tự nhiên xảy ra một cách lạ lùng. Trưa, gã theo hai vợ chồng Thành về ăn cơm. Thành tranh thủ lúc đợi cơm trưa lôi gã ra cạo râu cắt tóc, bắt gã thay bộ đồ cũ của Thành, sau đó trải cái chiếu cũ ra đất để gã nằm nghỉ. Buổi chiều, khi gã còn đang thiu thiu giấc nồng, Thành lại đá vài cái vào chân gã ám chỉ tới giờ làm. Gã lại cun cút ra bóng cây ngồi vặt đống lạc mà buổi trưa nay đã kịp chở về để tránh nóng.

“Quê ông đâu mà phải lưu lạc tận đây?”, Thành hỏi.

“Tôi quê Tuyên Quang, thưa chú”, gã đáp bằng cái giọng lí nhí, khó khăn.

“Tên gì?”

“Tên Chí.”

“Vợ con gì chưa?”

“Rồi.”


Tưởng rằng gã sẽ bị vặn hỏi về tường tận gốc tích nhưng Thành lại chẳng hỏi gì nữa, gã âm thầm thở nhẹ một hơi. Đám lạc sáng nhổ về còn tươi xanh, vừa qua buổi trưa nó đã héo úa, vặt củ lạc lúc cây héo đúng là khó hơn. Lẽ ra thì nhổ tới đâu vặt tới đó thì dễ hơn nhưng giữa đồng tầm này mà ngồi thì người cũng héo mất. Cứ vặt đầy thúng, Thành lại bê đổ ra giữa sân phơi luôn. Nắng thế này phơi hai hôm là nỏ.

Ngày mai tôi còn mấy xào vườn trên xóm 9, ông làm nữa không? Đấy, cứ tiến độ như hôm nay tôi trả hai trăm một ngày công, ăn trưa ăn tối trừ 50 ngàn, còn trăm rưỡi công tối tôi đưa”, Thành nói, vẫn cái giọng cục cằn ấy.

Gã ngạc nhiên lắm, cứ như sợ mình nghe nhầm một câu nói đùa:

Nhiều…. sao nhiều vậy”, gã nghĩ mình được cho một bữa cơm là tốt rồi, ai ngờ còn có tiền công.

“Nhiều gì, ngần này vẫn phải ăn sẻn mới lo được cho con cái”, Thành nói.

Tới cuối chiều, kết thúc ngày làm, gã được đưa cho trăm rưỡi thật. Gã cầm tiền trên tay mà thừ ra, hai tờ tiền một xanh một đỏ, gã vuốt phẳng rồi cuộn lại cất vào túi, vài phút sau gã lại lôi từ trong túi áo ra vuốt phẳng. Những đồng tiền của chính gã. Bỗng dưng gã lại tham lam, nếu… nếu cứ đều đặn thế này gã sẽ kiếm được một món lớn. Có tiền, gã sẽ làm gì bây giờ? Câu hỏi ấy lại khiến gã rơi vào khoảng không vô định. Đời gã chẳng xứng được ví như mây trắng lang thang qua khoảng trời xanh, nó phải là cơn gió Lào xuất hiện như lẽ tự nhiên nhưng chẳng ai chào đón.

“Này, ông Chí, ra đây làm cốc bia nhâm nhi lạc non.” Thành đã mua một ca bia cỡ hai lít về từ lúc nào, đĩa lạc non nóng hổi bốc khói vời gã qua thưởng thức.

Lạc ngọt nhẩy”, Thành nói, tiện tay bốc một nắm dúi vào tay gã. Đây là những củ nhỏ lựa lại không đem phơi, lạc ăn ngọt ngọt bùi bùi. Rồi gã lại nghe Thành nói tiếp: “Bia cỏ Nada đặc sản Nam Định đấy, mà có tám ngàn một lít, mua hai lít còn mười lăm ngàn. Uống mát.

Hai người đàn ông một đĩa lạc, có tí hơi men vào dễ dàng tâm sự hơn. Thành vén áo bụng lên vừa uống bia vừa than trời nóng. Đúng là nóng. Mà cũng vì nóng nên cốc bia thêm cục đá lạnh lại càng ngon.

“Tí ông tắm đi nhá. Đéo ai lại để người hôi rình ra thế. Chắc ở bẩn nó quen vợ bỏ hả”, Thành vừa nói tục vừa nói bỗ bã. Gã không giận. Gã nhận ra đây là một cậu trai lương thiện ẩn dưới lớp vỏ hung dữ.

“Mà nhìn ông tầm chưa tới bốn mươi chứ mấy?”

“38”,
gã đáp.

“Trẻ chán, sao đi ăn mày làm gì?”, Thành hỏi cộc lốc.

Gã chẳng đáp ngay mà uống nốt cốc bia, nhìn lên nền trời xanh đậm, nơi dường như vẫn xanh ngắt chẳng bởi con người buồn đau mà kéo cơn mưa sầu.

“Tôi là thằng khốn nạn, chỉ biết làm khổ vợ con. Không có tôi chắc hai mẹ con họ sống sướng hơn….Giá mà tôi dám chết”, gã nhớ lại cái ngày tồi tệ ấy, gã bỏ chạy, chạy không biết bao lâu, tới khi đôi chân chẳng chịu nổi, gã ngã xuống. Mặc cho người ta hỏi, người ta chửi, gã chẳng buồn nói năng. Cứ thế người ta nghĩ gã là một kẻ điên đi dạt. Thi thoảng gã được cho mẩu bánh mì, nhặt được trái cây thối mất nửa, còn nửa để ăn đã là tốt lắm. Bộ dáng bết bát, ngón tay cụt ngủn, chẳng ai muốn mượn gã làm việc, thế là từ đó gã trượt dài trên con đường ăn mày.

Tối đó, gã nghe loáng thoáng tiếng thị trong bếp trách móc chồng:

“Anh dở hơi vừa thôi, nhỡ đâu ông ta lừa đảo khoắng sạch của cải lúc nào không hay.”

“Trông mặt gã hiền lành chắc chắn người tốt. Vợ tin anh đi”,
Thành nịnh vợ.

Thị nghe gã nói vậy càng gắt thêm: “Người ta xấu hay tốt họ viết chữ tốt lên mặt cho anh biết phỏng?”, “Mà thôi, dù gì nhà cũng có gì đắt giá đâu. Tùy anh.”

Gã biết ý chỉ mượn cái chiếu ra nằm hiên còn dặn Thành khóa kĩ cửa. Thị thấy có vẻ hiểu lầm gã cũng hơi đỏ mặt, nhưng chẳng trách được thị, thời buổi nhiều kẻ lừa gạt, niềm tin của con người dành cho nhau quá đỗi ít ỏi, năm năm lang thang đủ để gã hiểu và đủ biết người như Thành càng hiếm có.

Vầng trăng mỏng đủ soi một khoảng tầng không thơ mộng. Trong mơ, gã dường như gặp lại vợ, nàng trách gã sao bỏ nhà đi bao năm để vợ con bơ vơ những lúc đèn hỏng chẳng ai sửa giúp, lúc có trộm vào nhà chỉ dám nằm yên đợi bọn chúng kiếm chác chán rồi tự bỏ đi. Nàng nói với gã đã chịu không nổi cảnh thiếu thốn bóng người bảo vệ gia đình nên đã có người khác rồi, dặn anh đừng về nữa. Gã đau đớn choàng tỉnh, giấc mơ y như thật, tới giờ tim gã vẫn cảm nhận được cảm giác bóp nghẹt ấy.

Sáng sớm hôm sau, gã theo Thành đi tới vườn lạc mới để nhổ, qua cả tuần đi làm công cùng Thành từ chỗ vườn lạc này tới vườn lạc khác. Hết vụ lạc lại theo Thành đi xới vườn bỏ hạt đậu tương, hạt vừng. Cây đậu tương non lên đốt tay gã lại theo Thành đi sơn tường các công trình.

Tôi bảo, tôi với ông chẳng thông minh gì như người ta thì cứ đi làm công ăn lương thôi, đừng tham mấy cái trò nhanh ra tiền, thứ tiền từ lao động chân chính mới là tiền chắc trong tay. Giờ đầy việc, chả thiếu gì, việc ra tiền to thì khó chứ việc kiếm ăn đủ nuôi gia đình thì miễn sao chăm chỉ cố gắng”. Thành nói với gã trong lúc nghỉ ngơi nào đấy gã cũng không nhớ nhưng nó ghim trong tim gã. Gã là kẻ thấm thía nhất điều này.

Tròn tháng, gã nhận lương, Thành trừ tiền ăn uống thì đưa lại gã năm triệu. Gã liền nhờ Thành chở ra bưu điện gửi về quê cho vợ con. Nhiều đêm qua gã đã nghĩ về giây phút này. Một tháng tuy ngắn nhưng cho gã làm lại cuộc đời dài. Dù vợ con gã ở quê có còn nhớ tới người cha người chồng này không nhưng gã phải hoàn thành trách nhiệm của mình. Chí ít, cuộc đời gã có ích, chí ít gã bù đắp được phần nào những khổ đau từng gây ra. Ai sống trong cuộc đời này chẳng trải qua lỗi lầm, nếu không dám bước qua lỗi lầm ấy, cố nhét mình vào lớp vỏ lạc không gắng sức phá bỏ chồi qua lớp đất dày, cây mầm sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy ánh sáng. Kể cũng lạ, dưới cái nắng thiêu đốt của hè, đám lạc nhỏ bé ấy vẫn tươi tốt nở hoa, giấu trái dưới lớp đất để tìm kiếm cho mình cách bảo vệ đàn con. Gã ghi rõ tên tuổi, địa chỉ người nhận nhưng thông tin người gửi thì giấu nhẹm.

Mồ hôi đổ như ai dội nước mặn vào mặt, chát đắng, cay xè, cả gã và Thành đều hăng say lao động. Thành, vì nuôi vợ con, vì tình yêu gia đình, gã cũng thế. Đàn ông, ai cũng muốn cho vợ con mình được sung sướng, đầy đủ mà chịu đựng cái nóng như ngàn mũi kim châm chích. Cuối tháng gã lại hân hoan ra bưu điện.

Thành từng hỏi gã sao không về. Nhờ lao động, gã tìm lại được sự hữu ích của mình với xã hội, nhưng với nàng, với ánh mắt trách móc nức nở hàng đêm trong giấc mơ của gã, gã lại không đủ dũng khí. Nhỡ quả thực nàng đã có người khác, nếu quả thực nàng đã quên gã, đã không còn mong thấy gã. Chỉ ngần ấy giả thuyết cũng làm gã chùn chân. Vậy nên gã lắc đầu đáp: Chưa phải lúc.

Hôm nay, vẫn là một ngày phượng nở đỏ, ve kêu thưa thớt trên cành, gã đang tắm cho mấy đứa bé của Thành. Đã ở đây hơn hai tháng, chúng đã quen với một bác Chí còn hay gọi bác cụt. Bác chẳng giận trước lời chọc ghẹo của chúng. Tiếng cười hi ha của mấy bác cháu làm đôi mắt người phụ nữ ứa lệ.

“Anh Chí”, đôi môi nàng mấp máy khẽ gọi.

Gã nhìn ra đầu ngõ, nhìn thấy bóng dáng yêu kiều đêm đêm mong nhớ. Gã ngạc nhiên quá:

“Sao, sao mình tìm được tới đây”, gã không thể tin.

“Em tìm tới đây theo dấu bưu điện rồi hỏi han người ta”. Vợ gã nhận được số tiền gửi tới, lần đầu nàng nghi ngờ, lần hai nàng chắc chắn chỉ có gã, giây phút ấy nàng mừng không phải vì số tiền mà vì người gửi. Sau khi chính quyền phá đường dây lừa đảo đánh bạc và cho vay nặng lãi, gia đình nàng may mắn lấy lại được căn nhà, nhưng tìm gã thế nào cũng không thấy. Nàng giận mình lỡ lời, thương gã không biết lâu nay sống ra sao. Nàng biết gã tốt tính chỉ là tin nhầm người, tham nhầm thứ không nên tham.

Hai người cứ lao vào vòng tay ấm của nhớ nhung, khóc cho trôi hết những ngày tăm tối.

Bữa cơm chiều ấy, trên mâm cơm nhà gã đàn ông hung dữ nọ có thêm đĩa thịt gà ngon lành đãi khách, và nhiều hơn vài nụ cười.



Bài dự thi Mùa hè của tôi - Truyện ngắn "Qua cơn giông" - Phong
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
bài dự thi mùa hè của tôi minh phong mùa hè của tôi qua cơn giông
1K
14
18

Nguyên

Thành Viên
23/6/21
47
76
17,999
28
Xu
10,250
Truyện này hay đó bạn hiền ơi, thích gần bằng Thương cánh chim trời rồi :v
 
  • Love
Reactions: Lãnh Nguyệt Hàn
View previous replies…

tranthienthanh

Thành Viên
17/7/22
13
15
3,000
34
Xu
69
Lãnh Nguyệt Hàn là bút danh hay Minh Phong.
Mà Minh Phong này có phải là tác giả truyện Ngang qua mùa hạ?
 
View previous replies…

Lãnh Nguyệt Hàn

Phong Cầm
29/7/21
49
88
18,000
Xu
55,685
Lãnh Nguyệt Hàn là bút danh hay Minh Phong.
Mà Minh Phong này có phải là tác giả truyện Ngang qua mùa hạ?
tranthienthanhCảm ơn bạn đã đi ngang qua và để lại bình luận. Bút danh của mình là Minh Phong, là tác giả của Ngang qua mùa hạ. Lúc đầu lập acc chợt nghĩ tới tên nhân vật Nguyễn Nhật Ánh nên lấy Lãnh Nguyệt Hàn thôi bạn.
 

Trầm Từ Thương

Thành Viên
7/3/22
139
151
43,000
38
Xu
1,302
Cảm ơn bạn đã đi ngang qua và để lại bình luận. Bút danh của mình là Minh Phong, là tác giả của Ngang qua mùa hạ. Lúc đầu lập acc chợt nghĩ tới tên nhân vật Nguyễn Nhật Ánh nên lấy Lãnh Nguyệt Hàn thôi bạn.
Lãnh Nguyệt HànỒ, cả hai truyện của bạn đều hay. Tiếc rằng, mỗi tác giả chỉ nhận được một giải thưởng cao nhất.
Nếu BTC cho bạn lựa chọn tác phẩm nào để ghi trên bảng vàng giải nhất. Bạn sẽ chọn tác phẩm nào.
Bạn hãy cho BTC chúng tôi biết lựa chọn của bạn là tác phẩm nào để BTC chúng tôi đặt in sẵn kỷ niệm chương có khắc tên tác phẩm.

P/s: đây là truyện khoa học viễn tưởng nhé
 

Lãnh Nguyệt Hàn

Phong Cầm
29/7/21
49
88
18,000
Xu
55,685
Ồ, cả hai truyện của bạn đều hay. Tiếc rằng, mỗi tác giả chỉ nhận được một giải thưởng cao nhất.
Nếu BTC cho bạn lựa chọn tác phẩm nào để ghi trên bảng vàng giải nhất. Bạn sẽ chọn tác phẩm nào.
Bạn hãy cho BTC chúng tôi biết lựa chọn của bạn là tác phẩm nào để BTC chúng tôi đặt in sẵn kỷ niệm chương có khắc tên tác phẩm.

P/s: đây là truyện khoa học viễn tưởng nhé
Trầm Từ ThươngBạn còn miếng duyên nào rớt lại không. Mình với bạn không thân để đùa thế. Người ta chỉ vào có thể khen có thể chê nhưng chả ai cà khịa như bạn hết.
 

Trần Hàn

Thành Viên
7/8/21
67
101
33,000
26
Xu
10,564
Nếu được, Hàn muốn được sửa lại câu đầu tiên: "Hơn ai hết, gã nắm rõ những quy tắc đó trong lòng bàn tay. Bởi vì gã là một kẻ ăn mày. Chẳng..."
 

Lãnh Nguyệt Hàn

Phong Cầm
29/7/21
49
88
18,000
Xu
55,685
Nếu được, Hàn muốn được sửa lại câu đầu tiên: "Hơn ai hết, gã nắm rõ những quy tắc đó trong lòng bàn tay. Bởi vì gã là một kẻ ăn mày. Chẳng..."
Trần HànViệc sửa lại câu mở đầu của em anh thấy rất hay, thậm chí là thích nữa. Nhưng anh xin phép đc giữ lại ý của mình nhé. Mong em hiểu. Cảm ơn em đã luôn âm thầm bên cạnh và ủng hộ anh
 

Tài Khôn

Thành Viên
29/7/21
16
20
3,000
26
Xu
0
Truyện hay quá ạ. Nhưng như bạn đã nói ở diễn đàn, có lẽ mình thích tên "vụ lạc mới" hơn là "qua cơn giông". Vì với văn học hiện thực mình thích cái gì đó hiển bày một cách rõ ràng nhất như vậy.
Tuy nhiên tên truyện không ảnh hưởng quá nhiều tới những giá trị nhân văn mà truyện mang lại. Mình đọc rất cuốn hút, và cái kết khiến mình thích thú vô cùng. Nó làm mình nhớ tới mấy truyện ngắn của Nam Cao. Hihi
Chúc bạn đạt giải cao trong cuộc thi nhé ☺️
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Top