Soạn văn Soạn văn Vợ nhặt - Kim Lân - đầy đủ, chi tiết

Soạn văn Soạn văn Vợ nhặt - Kim Lân - đầy đủ, chi tiết

Triều Anh
Triều Anh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
"Vợ nhặt" là một trong những truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Kim Lân. Truyện viết về đề tài người nông dân nghèo trong nạn đói 1945. Cùng Triều Anh tham khảo bài soạn sau:

84BDD629-3500-4447-9229-FD7FD0BE3F13.jpeg
Ảnh: sưu tầm

I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả: 1920 – 2007.

- Tên thật: Nguyễn Văn Tài.
- Quê: huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
- Xuất thân: dân ngụ cư, chỉ được học hết bậc tiểu học, vừa làm thợ vừa viết văn.
- Là nhà văn một lòng một dạ đi về với “đất”, với “người” với “thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn. Kim Lân nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2001.
- Sở trường: chuyên viết truyện ngắn và thành công về đề tài nông thôn và người nông dân. Tác phẩm của ông thường đề cập đến cuộc sống của những con người nghèo khổ, thiếu thốn mà yêu đời; thật thà, chất phác mà thông minh, hóm hỉnh.
- Tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (1955), Con chó xấu xí (1962).
2. Tác phẩm Vợ nhặt
a. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

- Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân in trong tập truyện “Con chó xấu xí” (1962).
- Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và bị mất bản thảo. Sau khi hoà bình lập lại (1954), Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.
b. Bối cảnh xã hội của truyện
Đầu năm 1940 phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, nhân dân ta lâm vào tình thế một cổ hai tròng. Ở miền Bắc nước ta Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, trong khi đó Pháp tăng thuế và ra sức vơ vét, bóc lột. Mùa xuân năm 1945 từ Lạng Sơn đến Quảng Trị, nông dân ta lâm vào nạn đói chưa từng thấy trong lịch sử: hơn hai triệu người chết đói thê thảm.
=> Nỗi đau này làm xúc động sâu sắc giới văn nghệ sĩ, bằng tiếng nói riêng của mình Kim Lân đã đóng góp một truyện ngắn thành công: Vợ nhặt. Tác phẩm được hoàn thành khá lâu sau nạn đói, nhưng cảm quan về cái đói, có thể nói thấm đến tận cái nhìn vào cảnh vật.
c. Tóm tắt truyện
Tràng là một người dân ở xóm ngụ cư, làm nghề kéo xe bò chở thuê. Chỉ nhờ bốn bát bánh đúc, anh đã nhặt được vợ giữa những ngày đói, người chết như ngả rạ. Khi Tràng đưa vợ qua xóm ngụ cư, mọi người bàn tán xôn xao. Tràng đưa vợ về nhà ra mắt mẹ. Bà cụ Tứ tuy ban đầu xót xa, ai oán nhưng rồi cũng mừng lòng chấp nhận nàng dâu mới. Sáng hôm sau, cả nhà ăn bữa cháo rau giữa tiếng hờ khóc từ nhà có người chết và tiếng trống thúc thuế dồn dập. Họ vẫn hi vọng vào một tương lai khá hơn, tất cả họ đều hướng đến cuộc sống mới. Trong óc Tràng hiện lên hình ảnh đám người đi phá kho thóc dưới lá cờ đỏ bay phấp phới.
d. Ý nghĩa nhan đề “Vợ nhặt”
- “Vợ nhặt” là một thứ vợ do nhặt được, nhặt một cách ngẫu nhiên, dễ dàng như người ta nhặt một thứ đồ vật.
+ Nhan đề đã tạo được ấn tượng, kích thích sự chú ý của người đọc về giá trị con người. Giá trị con người bị rẻ rúng như cái rơm, cái rác, có thể “nhặt” ở bất kì đâu, bất kì lúc nào.
+ Người ta hỏi vợ, cưới vợ, còn ở đây Tràng “nhặt” vợ. Chính nạn đói khủng khiếp năm 1945 của XHTD nửa PK đã gây ra điều đó. Tuy nhiên, người “vợ nhặt” lại là người đem đến hạnh phúc cho gia đình Tràng.
- Nhan đề “Vợ nhặt” vừa thể hiện thảm cảnh của người dân trong nạn đói năm 1945 vừa bộc lộ sự cưu mang, đùm bọc lẫn nhau của con người. Dù cho con người có ở trong tình cảnh nghiệt ngã nhất, họ vẫn không nguôi khát vọng và niềm tin về hạnh phúc gia đình.
II. Đọc – hiểu văn bản
1. Tình huống truyện

- Tràng là một chàng trai sống ở xóm ngụ cư nghèo mà lại xấu xí, dở hơi, tưởng không thể nào lấy được vợ. Thế mà Tràng lại nhặt được vợ chỉ bằng mấy câu bông đùa “tầm phơ tầm phào” và bốn bát bánh đúc.
- Tình huống nhặt vợ của Tràng diễn ra trong một khoảnh khắc đặc biệt: nạn đói khủng khiếp năm 1945 đang đe dọa cuộc sống từng con người trong mỗi gia đình, mỗi làng xóm và chính Tràng cũng đang trong tình cảnh bấp bênh đó.
- Tình huống Tràng nhặt được vợ đã đem lại sự ngạc nhiên cho nhiều người: Trẻ con và cả người lớn trong xóm ngụ cư; mẹ của Tràng và bản thân Tràng cũng không ngờ được, cứ ngỡ ngàng như không phải.
=> Một tình huống éo le, giàu kịch tính và rất độc đáo.
- Tình huống truyện mà Kim Lân xây dựng vừa bất ngờ lại vừa hợp lí. Nó thể hiện giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
+ Giá trị hiện thực: tố cáo tội ác của thực dân Pháp, phát xít qua bức tranh xám xịt về thảm cảnh chết đói.
+ Giá trị nhân đạo: Tình nhân ái cưu mang đùm bọc lẫn nhau, khát vọng hướng tới cuộc sống và hạnh phúc. Điều mà Kim Lân muốn nói là trong bối cảnh bi thảm, giá trị nhân bản không mất đi, con người vẫn muốn cứ được là con người.
+ Giá trị nghệ thuật: Tình huống đã tác động đến diễn biến tâm trạng và hành động của các nhân vật đồng thời bộc lộ chủ đề tác phẩm. Tràng nhặt vợ còn kích thích sự tò mò của người đọc, buộc người đọc phải suy ngẫm về một tình huống vừa bi thảm vừa cảm động.
2. Bức tranh hiện thực về cảnh ảm đạm, thê lương của nạn đói
a. Cảnh vật

- Không gian
+ Cái đói đã tràn vào xóm ngụ cư. Con đường vì cái đói mà khẳng khiu, gầy guộc. Xóm chợ thì xơ xác, heo hút.
+ Từ những cánh đồng, gió thổi vào ngăn ngắt.
+ “hai bên dãy phố, úp xúp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa”.
- Thời gian
Vào buổi chiều chạng vạng của một ngày, như sự kết thúc đi dần vào đêm tối.
- Không khí
“vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”.
- Âm thanh
“tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết”
=> Khung cảnh nạn đói gợi sự ám ảnh, rợn lạnh đầy âm khí.
b. Con người
- Người sống
+ Trẻ con
Ủ rũ, không buồn nhúc nhích.
+ Người lớn
Đội chiếu lũ lượt, bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma và năm ngổn ngang khắp lều chợ, bóng những người đói dật dờ đi lại như những bóng ma.
- Người chết
“như ngả rạ”, ngày nào cũng có “ba, bốn cái thây nằm còng queo bên đường”.
* Nhận xét: Bút pháp tả thực đến trần trụi, qua những so sánh cụ thể, tạo ám ảnh. Câu văn tả người sống liền kề câu văn tả người chết, hao hao nhau, từa tựa nhau, nhấn mạnh ấn tượng về ranh giới mong manh giữa sống và chết, cõi âm và cõi dương, chỉ chút sơ sẩy là sa vào âm địa. Những con người dắt díu bồng bế nhau hôm nay có thể sẽ là mấy cái “thây nằm còng queo bên đường” ngày mai. Ngòi bút tài hoa của Kim Lân đã khơi lật được mảng hiện thực trần trụi “tối sầm lại vì đói khát” tạo ấn tượng về một cõi dương đậm đặc âm khí. Cả làng quê giống như một đám ma khổng lồ mà bản nhạc huyên luôn ám ảnh, chỉ chực cất lên khi có thêm một ma đói.
3. Vẻ đẹp của người dân lao động trong nạn đói
a. Nhân vật Tràng

- Xuất thân: nghèo khổ sống ở xóm ngụ cư cùng với người mẹ già. Làm nghề kéo xe thóc cho liên đoàn tỉnh.
- Ngoại hình: xấu xí, ngờ nghệch.
+ Hai con mắt nhỏ tí.
+ Mặt thô kệch, hai bên quai hàm bạnh ra.
+ Thân hình vậm vạp, cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước, cái lưng to rộng như lưng gấu.
+ Có tật vừa đi vừa nói một mình. Lời nói cộc cằn, thô lỗ.
=> Gợi liên tưởng về các nhân vật chàng ngốc trong truyện cổ dân gian, hiện thân cho một số phận bất hạnh. Có thể sẽ không bao giờ có được vợ.
- Tính cách, phẩm chất: vô tư thích trêu đùa với trẻ con, có một tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng san sẻ miếng ăn trong lúc đói kém, chấp nhận người vợ theo.
* Diễn biến tâm trạng của Tràng khi chấp nhận người vợ theo:
- Lúc đầu: có sự phân vân, lo lắng: “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bồng”.
- Rồi quyết định đưa người phụ nữ kia về nhà: “chậc, kệ!”
=> Không phải là sự quyết định liều lĩnh mà là một sự cưu mang, chứa đựng tình thương của con người trong cảnh khốn cùng.
- Trên đường về nhà: “mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”.
=> Niềm khao khát hạnh phúc gia đình đã vượt lên tất cả, bất chấp cả cái đói và chết. “Trong một lúc hình như Tràng quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày. Quên cả cái đói và khát đang đe dọa quên cả những tháng ngày trước mặt.” Lúc bấy giờ trong lòng Tràng chỉ có tình nghĩa với người đàn bà đi bên cạnh. Và một cảm cảm giác thật lạ đang “ôm ấp, mơn man,...tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”.
- Việc Tràng mua cho vợ một số vật dụng thiết yếu, mua dầu thắp, chủ động giới thiệu vợ với mẹ để tránh cho người phụ nữ có cảm giác ngượng ngùng, mặc cảm. => Người đàn ông tế nhị, biết trân trọng người bạn đời của mình mặc dù người vợ có được một cách dễ dàng.
- Tâm trạng và hành động của Tràng sau một ngày có vợ: sự ám ảnh về cái đói thoáng chốc bay biến để chỉ còn cảm giác hạnh phúc.
+ “trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”, “việc có vợ còn ngỡ ngàng như không phải”, “hắn thấy thương yêu và gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”, “hắn thấy hắn nên người”, “hắn thấy hắn có trách nhiệm lo lắng cho vợ con sau này”.
=> Bài học nhân sinh: Giá trị của hạnh phúc.
- Ngay trên bờ vực cái đói, khi tưởng như miếng ăn là nhu cầu bức thiết thì tình người, giá trị con người và khao khát được yêu thương vẫn cao quí hơn cả và vẫn không bị mất đi.
- Hạnh phúc làm thay đổi con người. Trong tăm tối khốn cùng, khát vọng được yêu thương giống như một bản năng bất diệt vẫn cháy sáng.
- Đặt nhân vật trong tình huống đặc biệt, một mặt nhà văn lột tả được đời sống khổ cực của người nông dân giữa năm đói, mặt khác khám phá vẻ đẹp kì diệu nơi tâm hồn của họ.
b. Nhân vật Thị - người vợ nhặt
- Xuất hiện trong tác phẩm: không có đến cả cái tên, không nhà cửa, không người thân, không quê quán.
- Là nạn nhân bị cái đói giày vò một cách dữ dội. Cái đói đã làm Thị biến dạng từ ngoại hình đến nhân cách, không còn cả lòng tự trọng.
- Ngoại hình: héo hon, tàn tạ.
+ Lần thứ nhất Tràng gặp: Thị đang ngồi chờ nhặt hạt rơi hạt vãi bên kho thóc, hay chờ người đến thuê làm. Nói năng thì chao chát, chỏng lỏn.
=> Thị vẫn còn tươi tỉnh.
+ Lần thứ hai Tràng gặp: Thị đã biến đổi đến thảm hại khiến Tràng không thể nhận ra: “Hôm nay thị rách quá áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sộp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”
=> Cái đói tàn phá hình hài của Thị.
- Tính cách: liều lĩnh, chao chát, chỏng lỏn.
+ Thị còn trơ trẽn, cố ý gặp Tràng gợi ý để xin ăn và “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc”.
+ Trong cơn đói đang hành hạ, chỉ qua câu nói nửa đùa nửa thật mà Thị đã chấp nhận theo Tràng về nhà.
=> Thân phận trôi dạt, cỏ rác, thành thứ có thể nhặt được. Hoàn cảnh của Thị thật tội nghiệp, đáng thương. Vì đói quá nên liều, sẵn sàng theo không một người đàn ông xa lạ để tìm một chỗ bấu víu, một chốn nương tựa trong những ngày đói.
- Sau khi chấp nhận làm vợ Tràng: Thị hoàn toàn thay đổi trở thành người phụ nữ tinh tế, hiền hậu.
+ Đi bên cạnh Tràng về xóm ngụ cư Thị có vẻ rón rén, e thẹn.
+ Về đến nhà: khép nép, ngượng ngập, chỉ dám “ngồi mớm ở mép giường”.
+ Sáng hôm sau: Thị quét dọn nhà cửa, “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là một người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn có vẻ chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”.
+ Khi ăn bát chè khoán “đắng chát và nghẹn bứ” Thị vẫn “thản nhiên và vào miệng”.
=> Hạnh phúc giúp con người sống đúng với ý nghĩa cuộc sống của mình. Chính cái mái ấm gia đình, chính cuộc sống tuy nghèo khổ nhưng đậm đà tình nghĩa ấy đã thắp sáng trong Thị một niềm hạnh phúc, một niềm tin yêu ở cuộc sống.
c. Bà Cụ Tứ - một mẹ nghèo từng trải đôn hậu.
- Cụ hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình mình, con trai mình trong những ngày tháng bị cái đói hành hạ ghê gớm.
- Khi biết con có vợ theo về, tâm trạng bà cụ diễn biến khá phức tạp, phong phú:
+ Nghĩ đến hoàn cảnh túng thiếu đói khát của gia đình mình, cụ thấy tủi thân, tủi phận.
+ Cụ biết vì đâu mà Thị phải theo con mình “bà lão nhìn người đàn bà lòng đầy thương xót” và nói với vợ chồng Tràng: “chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”.
+ Việc Tràng “nhặt” được vợ vừa là nỗi lo vừa là niềm vui mừng của bà cụ Tứ. Mừng vì người con thô lậu, quê kệch đã có vợ. Lo, vì lấy gì để nuôi nhau, liệu có sống qua nạn đói này hay không. Tuy vậy dẫu sao ở cụ niềm vui mừng vẫn nhiều hơn “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này”. Cụ cố giấu cái lo để động viên các con. Nhưng nghĩ mãi, bà cụ nghẹn lời, nước mắt chảy ròng ròng. Thì ra cho dù bị cái đói, cái chết đe doạ, con người ta vẫn hướng tới tương lai, vẫn khát khao cuộc sống gia đình.
=> Tâm trạng của bà cụ Tứ đã được diễn tả một cách sắc sảo và chân thật, góp phần tô đậm chủ đề của tác phẩm.
III. Tổng kết
1. Nội dung

- Truyện ngắn “Vợ nhặt” thể hiện được thảm cảnh của nhân dân ta trong nạn đói năm 1945 nên mang giá trị hiện thực sâu sắc: Lên án tội ác của Pháp và Nhật đã đẩy dân ta vào cái chết khổ nhục nhất.
- Đặc biệt tác phẩm còn thể hiện được tấm lòng nhân ái, sức sống kì diệu của con người ngay bên bờ vực thẳm của cái chết vẫn khao khát tình thương, khao khát có một tổ ấm gia đình, luôn hướng về sự sống, luôn tin tưởng ở tương lai, mà tương lai gắn liền với cách mạng.
2. Nghệ thuật
- Kết cấu truyện: Truyện mở ra vào một buổi chiều chạng vạng và khép lại trong “ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa”, mở đầu tác phẩm ta bắt gặp một anh Tràng cô độc, kết thúc truyện Tràng đã có một gia đình...
- Dựng truyện: Tự nhiên, đơn giản làm nổi bật hoàn cảnh và tính cách nhân vật.
- Giọng văn: Mộc mạc giản dị.
- Nhân vật: Tiêu biểu cho những người lao động cơ cực nhưng vẫn tươi đẹp tấm lòng nhân hậu trong sáng....
- Tình huống truyện độc đáo.​
 
Từ khóa
bà cụ tứ kim lân nạn đói 1945 ngữ văn 12 nhân vật thị nhân vật tràng triều anh vo nhat ý nghĩa nhan đề vợ nhặt
  • Like
Reactions: Nhii
1K
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top