Nhà Tăm cá

Nhà Tăm cá

Chạng vạng.

Gió từ bên kia sông thổi nhẹ, mặt nước khẽ xao động. Ông Cư đội cái nón tơi, xách bình điện cùng chiếc cần tre một đầu bịt lưới thép chui ra khỏi mui thuyền. Bà Có vặn khẽ chiếc đèn dầu, ánh lửa dần bé lại chỉ bằng hạt đậu.

- Ông đi đấy à? Có sớm quá không?

Ông Cư với tay lấy chiếc áo mưa vắt trên chiếc sào tre, thong thả mặc vào.

- Đêm nay rằm, trăng tròn thế này cá sẽ đi kiếm ăn rất đông. Bà gọi thằng Đen dậy đi.

Đen ngủ một mạch suốt từ chiều đến giờ. Nghe ba nó bảo sẽ đi rà cá sớm nên Đen tranh thủ chợp mắt đặng đêm nay còn thức đến khuya. Nó hiểu những đêm trăng thế này là thời điểm mà bất cứ hộ dân chài nào như nhà nó cũng đều mong đợi. Số cá bắt được trong một đêm như thế đôi khi nuôi sống được gia đình cả tháng trời sau đó. Đen ra sau đuôi thuyền, vốc nước sông rửa mặt. Lạnh ngắt. Nó tỉnh hẳn, quay vào trong, vớ lấy chiếc khăn lau mặt rồi mở nồi cơm nguội. Cá rô kho khế hồi trưa vẫn còn thừa một ít. “Làm bát cơm chắc bụng, đêm hôm khuya khoắt lỡ gió lạnh ập tới còn chịu nổi”. Đen thầm nghĩ rồi múc cơm ra bát.

Ông Cư tháo dây thừng đằng mũi thuyền, cuộn lại thành bó lớn rồi ném xuống ghe. Chiếc ghe nhỏ đậu sát mạn thuyền, làm bằng nhôm mỏng mà ông vẫn thường dùng để đi bủa lưới, rà cá hằng ngày. Gia đình ông sống trên chiếc thuyền lớn, cột dây vào gốc cây trên bờ để neo thuyền mặc cho nước sông vỗ dập dềnh, lênh đênh không lúc nào ngớt. Ông Cư bước xuống ghe, sắp đặt dụng cụ đâu vào đấy rồi ngồi xếp bằng ở đầu mũi ghe hút thuốc. Sóng vỗ ì oạp, thân hình ông Cư lắc lư nhè nhẹ theo chuyển động của chiếc ghe. Đốm đỏ nơi đầu lọc điếu thuốc lá cũng như chòng chành theo, chực chờ mất hút vào bóng tối.

Bà Có ngồi trên thuyền, miệng lẩm nhẩm tính tiền hàng rồi thở dài.

- Chợ búa dạo này ế ẩm quá ông ạ. Hồi sáng mớ cá diếc tươi xanh như thế mà ngồi suốt mấy tiếng chả có ma nào ngó.

Ông Cư im lặng, nhả khói thuốc vào khoảng không trước mặt.

- Gần trưa, chú Ba Tàu có ghé thuyền mua ít tôm. May còn dư khoảng hai lạng, tôi vớt ra bán luôn.

- Thế à? Không phải ba nó để dành mớ tôm ấy làm mồi nhậu hay sao? – Bà Có lại hỏi.

- Thì cũng tính thế, mà chú ấy nài quá nên tôi bán luôn. Dăm ba chục nghìn mua gạo ăn trước, rượu chè không có tính sau.

Ông Cư lặng lẽ đáp. Gần tuần nay, cả nhà ông phải ăn dè từng bữa. Thức ăn cũng toàn tôm cá còn thừa sau mỗi lần ông Cư đi bủa lưới trở về. Phần lớn, bà Có mang ra chợ bán để mua gạo và các nhu yếu phẩm khác dùng trong gia đình. Sắp mùa mưa bão, chẳng làm ăn được, không tích trữ bây giờ e rằng mấy tháng tới khó sống.

- Ông nghe gì về vụ tái định cư chưa đấy?

- Vẫn đang trên giấy tờ. – Ông Cư trả lời cụt lủn.

Câu hỏi của vợ quặn lên trong lòng ông nỗi lo sợ mơ hồ, sự bất an của một người đã gắn bó gần như trọn cuộc đời mình trên sông nước. Hai tháng trở lại đây, chính quyền địa phương thông báo về việc giải tỏa khu vực sinh sống của các hộ dân vạn đò trên sông Hương. Với chính sách đưa thành phố trở nên văn minh hiện đại, hòa vào xu thế hội nhập chung của đất nước, các cấp lãnh đạo ban hành công văn về các phường xã trên địa bàn tỉnh. Tinh thần chung là sẽ giải phóng toàn bộ hệ thống sông ngòi của thành phố, không để tình trạng neo đậu tàu thuyền bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường.

Gia đình ông Cư là một trong vài chục hộ dân sống định cư trên thuyền ở khúc sông Bồ, một nhánh của sông Hương. Dân vạn đò ở đây đa phần làm nghề cá, suốt ngày bủa lưới, thả câu, rà điện. Một vài hộ nhỏ lẻ nạo vét lòng sông, hút cát sỏi dưới đáy mang tới các công trường xây dựng bán kiếm lời. Đằng cuối bãi, nhà bà Chút là hộ duy nhất đi vớt rác, chai lọ trên sông rồi đem bán đồng nát. Lời lãi chả được mấy đồng mà ngày nào hai thằng con trai của bà cũng dậy từ rất sớm, chèo ghe đi vớt rác đến tối mịt mới về. Chừng ấy người chen chúc sống cơ cực, bí bách trên khúc sông Bồ nhuộm màu xám đục như nước hến, màu hỗn tạp của rác rưởi, rong rêu, cánh bèo và hằng hà sa số những thứ không tên khác.

Ông Cư ném mẩu thuốc lá xuống sông, đầu lọc vừa chạm nước đã tắt ngúm, nổi lềnh bềnh. Ông xốc lại tấm áo mưa, gài nút bên sườn rồi quay đầu vào mui thuyền gọi.

- Mày làm gì trong đấy mà lâu vậy Đen? Nhanh lên con.

- Dạ. Con ăn nốt bát cơm rồi xong ngay đây. – Tiếng thằng Đen vọng ra.

- Mày lấy mái chèo và cái gàu múc nước nghe.

- Gàu chỗ nào vậy ba? – Đen ló đầu ra khỏi mui.

- Cái thằng này! Gàu nhét ở góc hồ tôm ấy.

Nó hiểu liền. “Hồ tôm” ở đây là một chỗ sau bánh lái, quây lại bằng hai mảnh gỗ chặn hai đầu, bên trên gác ngang nhiều thanh tre tạo thành một chỗ chứa tôm cá. Đen trùm áo mưa, làm theo lời ba rồi mau chóng xuống ghe.

- Mày chèo chầm chậm, tao xem chừng cá diếc, cá chép nãy giờ lượn lờ hơi nhiều đấy. – Ông Cư bảo.

Đen thưa vâng rồi ngồi ở đầu ghe bên kia. Nó đặt gàu múc nước xuống bên cạnh. “Kiểu này đêm nay sẽ có mưa rồi đây”. Nó thầm nghĩ. Nước mưa với nước sông bắn vào ghe sẽ đọng lại dưới đáy, nó phải dùng gàu múc cho bằng hết, chỉ chừa lại một ít cho tôm cá bắt được thả vào đấy.

Thằng Đen khua nhẹ mái chèo xuống mặt sông, cánh tay của nó đều đặn nhịp nhàng nhấn từng cú quạt nước về phía sau. Chiếc ghe thong thả tiến lên trước di chuyển sát bờ sông bên phải. Ông Cư chỉnh lại mối nối bình điện và cần tre, móc chặt dây điện nơi lưới thép đề phòng luồng điện chưa đủ mạnh.

Trăng lên, vằng vặc giữa bầu trời tối đen như mực, rực rỡ đến mức tỏa sáng cả một vùng không gian xung quanh nó. Tiếng ếch nhái vẳng ra từ đám lau lách ven bờ, thỉnh thoảng tiếng quẫy nước đánh “roạt” nghe chừng một chú trê lớn đâu đây. Ông Cư thả nhẹ chiếc cần xuống, đèn pin gắn trên đầu chiếu sáng cả mặt nước. Thằng Đen chăm chú theo dõi. Toàn lũ cá con và rong rêu, chưa thấy cá lớn xuất hiện. Rà cá hoạt động dựa trên nguyên tắc sử dụng dòng nước làm môi trường dẫn điện. Chiếc cần một đầu bịt lưới thép dẫn điện từ bình ắc-quy truyền trực tiếp xuống nước. Phạm vi ảnh hưởng của điện trong bán kính khoảng một mét trở lại. Cường độ dòng điện không cao, chỉ dừng ở mức khiến tôm cá bị tê liệt nếu rơi vào vùng ảnh hưởng của lưới điện. Một cú rà nữa của ông Cư, lần này hai chú cá bống tượng phơi bụng trắng hếu, thân nổi lên mặt nước. Ông Cư nhanh chóng vớt cá ném vào trong khoang ghe.

Đen bất giác buột miệng hỏi.

- Có ai rà cá bị điện giật chết chưa ba?

Ông Cư vớt một đám tôm càng xanh vừa nổi lên mặt nước, đoạn đáp.

- Chưa mày ạ. Hầu hết nếu chạm phải chỉ bị tê nhẹ như kiến bò thôi. Điện không đủ mạnh để giật chết người.

Thằng Đen gật gù. Là con út trong nhà, anh hai nó đi Sài Gòn làm ăn. Biền biệt suốt cả năm trời, nhiều lúc chỉ về nhà dịp Tết sum họp qua loa rồi lại đi. Đen hiểu được cảnh nhà nghèo khó, vất vả. Mới học lớp tám trường trung học cơ sở gần nhà, hằng ngày sau buổi sáng lên lớp thì buổi chiều nó thường theo ba đi bủa lưới, rà cá. Sinh ra trên sông nước, Đen biết bơi từ năm lên bảy. Ấy là một lần, ông Cư chẳng nói chẳng rằng bế nó ném thẳng xuống sông. Nó khóc thét, quẫy đạp dữ dội dưới mặt nước. Đợi cho nó dường như ngộp thở, đuối sức, ông Cư mới nhảy xuống ôm con trai lên thuyền. Sau lần đó, cứ mỗi khi thằng Đen không để ý, ông Cư lại bế nó ném xuống sông. Cứ quẫy đạp như vậy, cơ thể nó nảy sinh bản năng sinh tồn rồi biết bơi lúc nào không hay.

- Suỵt!

Ông Cư chợt ra hiệu cho con trai im lặng. Phía trước ghe, cách tầm hai mét, bọt khí nổi lên liên tiếp tạo thành đám dày đặc. Là tăm cá. Đám tăm đùn lên, vết tăm tròn nhỏ chỉ bằng hạt đậu xanh, chậm chạp cày theo vệt dài dưới nước. Đen nhẩm đếm. Ít nhất phải vài chục tăm như thế, lúc dịch chuyển ra xa khi lại vào gần. “Cá chép”. Kinh nghiệm theo ba đi rà cá mấy năm trời giúp nó nhận biết ngay đây là tăm của cá chép. Giống này ăn mồi chậm chạp, kiếm được rong rêu hay cá bé, chúng không vội vã mà từ tốn thưởng thức. Ông Cư di chuyển chiếc cần lại gần đám tăm. Đèn vụt sáng. Chỉ tầm bốn năm giây sau đó, bốn chú cá chép to bằng bàn tay nổi lên mặt nước, mang cá phập phồng hít lấy hít để không khí. Ông Cư vớt cá ném vào khoang. “Bộp, bộp”. Tôm cá đã kha khá, chen chúc bơi lội trong vũng nước dưới đáy ghe. Vài ba con rạm nhỏ đen thui bò lổm ngổm, tìm cách trốn thoát. Thằng Đen vẫn từ tốn khua mái chèo đẩy ghe đi chậm chạp. Liếc thấy con trai bình thản, vững tay chèo, ông Cư mừng thầm trong bụng. “Cái thằng! Mới tí tuổi đầu mà già như ông cụ non”. Những lúc đi bủa lưới, rà cá, ông Cư luôn tin tưởng ở Đen – người bạn đồng hành suốt những đêm dài trên sông. Ông hiểu nó đến chân tơ kẽ tóc. Năm thằng Đen lên chín, ông dạy nó chèo ghe. Những buổi đầu, tay chèo của nó còn vụng về, chưa biết cách điều hướng ghe trên mặt nước. Ông Cư thường kiên nhẫn giải thích cho nó hiểu về nguyên tắc di chuyển của ghe khi dùng mái chèo, cách khua nước và sử dụng lực cánh tay ra sao. Nó chăm chú nghe rồi thực hiện. Có lần, nó bực mình vì không làm được như lời ba nói. Hậm hực suốt cả ngày trời, Đen bỏ ăn nằm khóc trong thuyền. Ông Cư vào ôm con, vỗ về rồi động viên nó cố gắng.

Ngày tháng thấm thoắt, Đen dần thành thạo kĩ năng điều khiển ghe. Chẳng mấy chốc, đám thiếu niên đồng trang lứa ở khúc sông đều nhìn nó với ánh mắt ngưỡng mộ. Thằng Đen chèo ghe xuất sắc không kém gì người lớn. Nó điềm tĩnh và chín chắn lạ lùng so với tuổi. Hiếm khi ông Cư thấy nó lỏng tay chèo khiến ghe găp nguy hiểm, nhất là vào mùa lũ khi mà dòng nước bạc chảy xiết, lòng chảo xoáy nhiều trên sông. Năm ngoái, vì ham rướn người theo cú tung lưới, ông Cư suýt chút nữa rơi thẳng xuống dòng nước lũ. Cũng may thằng Đen nhanh trí, lâm nguy bất loạn, nó đâm thẳng con sào tre xuống đáy sông ghim chặt vị trí chiếc ghe tại chỗ. Nước làm ghe xoáy tròn, mượn lực đẩy giúp ông Cư giữ thăng bằng trở lại. Ông thở phào hú vía, nhìn theo chiếc lưới trôi xa theo dòng lũ.

Đêm dần về khuya.

Một chú cá lóc nhỏ bằng ba ngón tay chụm lại quằn quại trên mặt nước rồi nằm im bất động. Ông Cư lại vớt cá cho vào khoang. Đen dùng gàu múc bớt nước ra khỏi đáy ghe. “Cá nhiều quá”. Phần lớn là cá diếc, cá chép, cá rô phi và tôm càng. Soạt! Lại một tiếng quẫy rất to vang lên gần đó. Ông Cư khẽ gọi.

- Mày lại nhìn nè?

Thằng Đen gác nhẹ mái chèo xuống ghe rồi chầm chậm bước tới, cố gắng nhẹ nhàng hết mức tránh gây ra tiếng động. Nó nhìn theo hướng tay ba chỉ. Lớp tăm cá đùn lên rất dày, bọt khí tròn nhỏ cày theo vệt chạy dài về phía trước. Không giống như tăm cá chép, đám tăm này sát lại thành từng cụm lớn liền nhau và nổi lên rất nhanh, nhìn kĩ thì thấy bùn đất quặn lên dưới mặt nước chỗ bọt khí.

- Bọn này lạ nhỉ? Giống gì vậy ba?

Ông Cư trầm ngâm, tay cầm chắc chiếc cần hướng đèn về phía đám tăm cá.

- Cá trê đấy. Cá lớn chứ chẳng chơi.

Đen sực nhớ. Ba nó từng kể về cách nhận biết các loài cá khi quan sát tăm nổi lên mặt nước. Cá trê thích sống dưới đáy, rúc sâu vào lớp bùn. Ổ cá trê thường gồm cả một đại gia đình. Bọn chúng ăn mồi rất nhanh, khi ăn thường sâu và say mồi. Những lúc này, điều cần thiết là phải bình tĩnh không nóng vội. Chờ thời điểm thích hợp xuất một đòn là hốt trọn cả ổ cá.

Ông Cư đặt nhẹ chiếc cần xuống bên cạnh, hướng đèn pin chiếu ánh sáng nhàn nhạt về chỗ đám tăm cá. Ông ngước mắt nhìn thằng Đen, ra hiệu ngồi im bất động. Màn đêm yên tĩnh, vây lấy hai bóng người ngồi trên ghe. Gió thổi lướt qua, vành nón tơi của ông Cư đung đưa nhè nhẹ.

Bụp!

Chậm rãi mà dứt khoát, chiếc cần tre tiến tới từ phía sau khua nhè nhẹ rồi dừng hẳn chỗ tăm cá. Rất nhanh! Bọt khí đùn lên trên mặt nước dồn dập, thằng Đen có cảm giác như đang nhìn một nồi nước sôi. Bong bóng liên tiếp xuất hiện, nổi lên rồi vỡ ngay tức thì.

- Lũ này rất khỏe, lớp da lại dày nên chắc sẽ lâu hơn một chút. – Ông Cư nói.

Đèn chiếu sáng rõ, nước xoáy hòa lẫn với bùn đất, rong rêu. Bọn trê đang vùng vẫy dưới đáy, mặt sông xao động dữ dội tựa hồ có cả đàn cá đông đúc cùng nhau quẫy nước. Sóng tròn lan tỏa, vòng này nối tiếp vòng kia đẩy ghe của hai ba con ông Cư dập dềnh theo. Thằng Đen dùng mái chèo khua nước ngược chiều sóng, cố giữ ghe thăng bằng để ông Cư dí điện. Gần một phút sau, sóng êm dần và bọt khí cũng ít hẳn. Lần lượt, từng con trê đen trũi to xấp xỉ cẳng tay người nổi lên trên mặt nước. Năm, bảy, chính xác là mười một con.

- Trúng đậm rồi! Nguyên một ổ mày ạ. – Ông Cư thích chí reo.

- Để con lấy cái vợt lưới – Thằng Đen nhanh trí đáp.

Lần này gặp cá to, trọng lượng lớn nên chiếc cần nhỏ không đủ độ bền chắc để vớt lên ghe. Vợt lưới dùng để lấy rong rêu mở đường mỗi khi gặp những đoạn sông khó đi. Lưới vợt đan dày và khỏe, chịu được sức nặng. Ông Cư nhanh chóng đưa bầy cá vào khoang, thả chung với tôm cá bắt được từ ban đầu. Đen phụ ba múc thêm ít nước sông đổ vào ghe, lấy nơi cho cá bơi sau khi điện hết tác dụng. Ghe nặng dần, lặc lè tiến về phía trước. Hai tay thằng Đen giờ cũng đã mỏi.

- Mình nghỉ tí đi ba. Con đuối quá.

Ông Cư gật đầu.

- Ừ! Mày cho ghe vào dưới tán sung sát bờ nhà ông Tám. Trú một lát, tao nghe chừng sắp mưa.

Nó khua nhẹ mái chèo, chiếc ghe từ từ trôi vào bên dưới tán sung. Cành sung rậm rạp xòe rộng che cả một góc mặt nước. Ông Cư đặt cần xuống bên cạnh, với tay lấy bao ni-lông mang theo trong hốc mui ghe. Một chai rượu trắng nút bằng giấy than. Bụp! Ông Cư tháo nút tu một ngụm dài rồi khà một tiếng rõ lớn.

- Làm tí đi mày! Ấm người lắm đấy.

Nghe ba bảo, thằng Đen bước tới đón lấy chai rượu. Nó biết uống từ năm lớp bảy. Không phải hư hỏng bê tha gì, sau mỗi buổi đi làm nghề ban đêm thì một ngụm rượu nhỏ sẽ làm nóng cơ thể chống lại cái buốt của sương muối và hơi nước sông độc địa. Rát cháy cổ họng, rượu thấm dần qua khoang ngực nó trôi xuống dạ dày. Một cảm giác nóng bừng bốc lên, xương cốt như giãn ra. Thằng Đen đưa trả chai rượu, ngồi xuống cạnh ba.

6627

Tăm cá
- Kì Phong -

Mặt sông loang loáng. Ánh trăng rải đều khắp một vùng rộng lớn trông như tấm kim loại khổng lồ. Đêm bỗng chốc sáng rực, những hang hốc tối tăm hai bên bờ thoáng hiện lên rồi lại chìm vào bóng tối. Bên kia sông là nơi mà dân vạn đò quanh đây hay goi là “khu bộ đội”. Cũng dễ hiểu khi phần lớn dân cư bên ấy toàn là người trong quân ngũ, sinh sống và làm việc theo lối con nhà binh. Đen nhớ có một lần đã cùng với anh hai sang bên ấy xem chọi gà. Người ở đó hiền lành, tử tế và rất tôn trọng pháp luật. Bất chợt có tiếng trống vang lên. “Cắc cắc cắc, tùng tùng tùng”. Đêm nay đêm cuối Trung Thu, các đoàn lân đang đi từng ngõ, vào từng nhà để múa trừ tà kiếm tiền treo thưởng. Đen lặng lẽ nhìn sang, tưởng tượng trong đầu cảnh ông địa bụng bự đang phe phẩy chiếc quạt, trêu chọc chủ nhà và trẻ con.

Ông Cư thong thả cất chai rượu vào bao ni-lông gói lại, đoạn cất tiếng hỏi.

- Năm nay mày không đi chơi lân hả Đen?

- Không ba ạ. – Nó đáp.

- Tao nhớ năm ngoái mày còn đi một hội với thằng Toản, thằng Bê chơi lân chung với bọn con nít xóm trên nữa mà.

- Dạ. Tụi nó giờ cũng nghỉ luôn rồi. Năm nay con thấy Trung thu không vui nữa, chán hơn mọi năm ba ạ.

- Vậy à? Thằng Đô trong ấy không biết dạo này sao rồi? Cái thằng thế mà tệ. Năm dài đằng đẵng thế mà nó đi suốt chẳng một lời hỏi han gì ba mẹ, em út ở nhà.

Đen cúi đầu nín thinh.

- Thôi ba ạ. Anh hai chắc cũng khổ lắm, có con ở với ba mẹ rồi.

Nói đoạn nó cười hì hì, trơ hàm răng sún mất một cái bên góc hàm phải. Ông Cư nhìn thằng con út rồi mỉm cười đáp lại. Ông hiểu rõ tấm lòng của thằng Đen. Suốt từ bé đến giờ, nó chưa bao giờ vòi vĩnh ba mẹ bất cứ điều gì. Cho thì nó nhận, không thì thôi chứ tuyệt nhiên không xin xỏ, làm mình làm mẩy như những đứa trẻ khác. Nó lớn trước tuổi, hiểu rõ cảnh nhà nghèo khó thiếu thốn trăm bề nên chỉ biết lặng lẽ cố gắng phụ giúp gia đình. Ngày đi học, chiều giúp bà Có làm việc vặt trên thuyền, tối lại theo ba đi bủa lưới, rà cá. Những hôm cuối tuần, nó còn theo chân mẹ ra chợ bán cá. Bà con ở chợ ai cũng khen thằng Đen hết lời. Dù vất vả, cơ cực nhưng được thằng con hiếu thảo như vậy ông bà Cư cũng thấy vơi bớt phần nào nỗi nhọc nhằn. Tính nó gần giống ông Cư. Thâm trầm, ít nói, phần nhiều lấy việc làm, hành động để giãi bày suy nghĩ.

- Ngày mai tao có việc về chợ Bao Vinh. Mày ăn bánh trung thu không? Ba mua cho. – Ông Cư hỏi.

- Tiền đâu mà mua hở ba? Con không ăn đâu. – Thằng Đen rành rọt.

- Thôi đừng chối mày ạ! Thèm chảy nước miếng lại còn làm bộ. Tao còn ít tiền bán tôm đây, khỏi lo con nhé.

- Dạ. Con nói thật mà ba. Nhưng nếu ba đã nói vậy thì con xin ạ. – Nó lém lỉnh đáp.

Ông Cư bật cười. Thằng Đen cũng nhìn ba nó, mắt híp lại hạnh phúc. Hai bóng người một già một trẻ lay động trên mặt sông. Đêm thăm thẳm vô cùng, chiếc ghe khẽ lắc lư vì một con sóng bất chợt. Rút bao thuốc lá bên trong túi áo, ông Cư thắp một điếu rồi rít một hơi dài. Nhìn thằng con đang soi đèn pin xem cá trong khoang, ông trộm nghĩ về vụ giải tỏa của chính quyền. Dù chưa chắc chắn, nhưng ông hiểu rõ sớm hay muộn điều đó cũng sẽ đến. Rồi đây cả nhà ông sẽ sống ở đâu? Biết làm gì để kiếm tiền khi mà vật giá ngày một leo thang. Cuộc đời ông gắn liền với sông nước, với ghe thuyền. Mỗi ngày trôi qua với ông Cư chìm ngập trong mùi tôm cá, mùi mồ hôi của dân vạn đò. Đó là cuộc sống của ông, linh hồn và mạch máu của ông gắn bó với nó từ lúc mới lọt lòng mẹ.

Nhưng còn thằng Đen? Thế hệ của nó không lẽ cũng phải suốt đời bủa lưới giăng câu như ông hay sao? Ông Cư cay đắng nghĩ. Phận mình nghèo đã đành, đến con mình cũng như thế thì tội nghiệp quá. Xã hội bây giờ thay đổi, hiện đại hơn ngày trước rất nhiều. Nghề cá bấp bênh quá rồi cũng đến lúc bị nhấn chìm mà thôi. Phả khói thuốc vào bóng tối, ông Cư nhìn mặt sông lấp loáng ánh trăng. “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Vợ chồng ông phải cố gắng để thằng Đen được đi học. Với con nhà nghèo, chỉ có ánh sáng tri thức mới cứu vớt và giúp cuộc đời thoát khỏi cảnh vất vả, cơ cực mà thôi.

Thằng Đen chợt hỏi.

- Mình đi tiếp chứ ba?

- Thôi mày ạ! Đêm nay vậy là đủ, về nghỉ sớm thôi con.

Nó chống mái chèo vào bờ đẩy ghe lùi về phía sau, hai cánh tay khua nước nhẹ xoay chiếc ghe quay đầu ngược trở lại. Ông Cư ném mẩu thuốc lá, chỉnh lại chiếc nón trên đầu. Mưa rơi lất phất. Những giọt đầu tiên rắc hạt li ti trên mặt sông. Ghe trôi chầm chậm, nhịp chèo đều đặn của thằng Đen đẩy nước lùi dần về phía sau.

Ngay chỗ mặt nước ba con ông Cư vừa rời đi, một đám bọt khí lại xuất hiện.

Ảnh : Sưu tầm
Nguồn : Pixabay
Tác giả : Kì Phong
Bài dự thi viết chủ đề Nhà 2021

 
Sửa lần cuối:
923
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top