Dự thi Thuốc

Dự thi  Thuốc

Linh Ann
Linh Ann
  • Thành Viên 33
“Khụ! Khụ! Khụ” Bà Lan khó nhọc ho cả một cơn dài. Bàn tay nhăn nheo đấm nhè nhẹ vào vùng ngực hy vọng cơn ho qua đi. Cái bệnh này đã thành mãn tính mấy năm nay, ngày đêm hành hạ bà, nhất là những hôm nào trái gió trở trời thì nó lại càng nghiêm trọng. Hết thuốc tây, thuốc ta, thậm chí đến cả thử nuốt con thạch sùng như đồn đãi bà Lan cũng làm cốt sao cho mình có thể khỏi ho, ấy thế mà bệnh tật vẫn cứ quấn lấy người, quanh năm chẳng dứt.

“Mẹ, nước ấm của mẹ đây! Nay trời trở lạnh, lại thêm mưa xuân ẩm nữa!”

Chị Hiền - con dâu bà Lan bước vào phòng đem theo một cốc nước rồi ngồi xuống bên cạnh mẹ chồng, đưa tay vuốt lưng cho bà. Chị mắc tật khó ngủ đã khá lâu, hễ bà Lan ho, chị cũng đâm mất giấc.

“Nay con đi chợ, nghe mấy bà làng bên nói có thầy lang chữa được bách bệnh. Thuốc của thầy toàn thuốc nam từ lá cây rừng thôi, hiệu nghiệm lắm. Có khi mai mẹ với con đi xem thử, tiện con cũng xem luôn bệnh mình.”

Bà Lan uống ngụm nước ấm, lại ho thêm mấy cơn liền nữa. Mặt bà đỏ ửng cả lên. Hơi thở cũng phải cố sức mà giành lấy. Mãi mới cắt được cơn, bà xua tay:

“Mẹ già rồi, bệnh này cũng chẳng chữa nổi. Nói nhẹ cũng không nhẹ, nói nặng cũng không nặng. Con cứ đi khám cái bệnh của con mà cắt thuốc. Chứ mẹ thì...”

Nói câu này còn dở dang, lại một tràng ho không dứt kéo đến khiến bà Lan lại một phen lao lực. Chị Hiền cũng chẳng biết làm gì, thở dài buồn bã ngồi bên.

Nay đã là tháng Chạp rồi. Cơn gió đông thổi qua nụ đào bên ngoài vườn báo Tết đã rất gần. Cơn gió đông ấy với nhiều người là niềm hân hoan, nhưng với người yếu lại là nỗi lo lắng cho cơn bệnh. Tuổi già, cơ thể thích ứng không nổi với sự chuyển biến của đất trời, cứ thế ốm, nhẹ thì sổ mũi nhức đầu, nặng thì sốt rét, ho triền miên đêm ngày. Rồi với những người chẳng có được sự đoàn viên ngày Tết thì gió thật se sắt lòng.

“Nhưng mà mẹ cũng không thể để thế này được, chữa ho không khỏi thì thêm thuốc bổ cho cơ thể có sức. Tết đến nơi rồi.”

“Tết... Tết của nhà người ta, Tết nhà mình, năm nào cũng vò võ có hai mẹ con, có gì vui chứ?”

Bà Lan nói xong một câu, nhịn xuống cơn ho mà thở dài. Khóe mắt nhăn nheo của bà cụ cứ thế rưng rưng giọt nước mắt rỉ xuống làn da đồi mồi già nua năm tháng.

Chị Hiền mím môi không dám nói thêm câu nào. Lòng mẹ chồng chị đau, lòng chị cũng đau như vậy. Chồng chị mất đã tám năm, chị còn mắc u xơ tử cung, bà Lan khuyên đi lấy chồng mà chị chẳng dám. Lấy vào rồi thì sao chứ? Không phải lại vẫn “cây độc không trái” sao? Có khi lại còn chuốc khổ vào người. Nghĩ vậy nên chị ở lại nhà chồng, coi bà Lan như mẹ đẻ, cứ thế hai mẹ con nương tựa qua ngày.

“Nhưng mà...” Vẫn là một câu lấp lửng, nghèn nghẹn. Chị Hiền không nói ra được, đành thôi quay đi. Nhìn lên trên bàn thờ, ảnh bố chồng, chồng vẫn ở đó cùng với ông bà tổ tiên chị lại thắt lòng.

“Kể giá mà có tiếng trẻ con... cũng vui mẹ nhỉ?” Mãi sau cùng chị Hiền lại nói, rồi nhìn xuống cái bụng phẳng lì của mình. Gần bốn mươi tuổi rồi, chẳng còn son rỗi gì nữa, nhưng khao khát làm mẹ vẫn cháy bỏng.

“Ừ. Nếu mà được, mày cứ kiếm thằng nào, xin nó đứa con thôi cũng được, chẳng ai dị nghị gì đâu. Nhưng mà...” Bà Lan nói xong lại thở dài. Bệnh con dâu bà cũng biết lâu rồi, chỉ là lòng vẫn hy vọng. Con người ta lạ lắm, còn nghĩ có ngày mai thì còn ôm mơ ước, cho dù hy vọng chỉ mảnh như sợi chỉ.

Chị Hiền không nói nữa, chị đỡ mẹ chồng nằm xuống rồi vén lại cái màn cho bà.

“Thôi, mẹ cố ngủ đi. Mai rồi con lại cắt thuốc bổ, được tí nào hay tí ấy.”

“Haiz...”

Chị Hiền về buồng bên, vẫn thỉnh thoảng nghe tiếng mẹ chồng trở mình. Chị biết bà không ngủ, mà chị thì ngủ sao được nữa.

“Soạt!” Đột nhiên, chị nghe thấy bên ngoài có tiếng động.

“Ai?” Chị Hiền ngồi bật dậy.

Tháng Chạp còn gọi là tháng Củ Mật (thủ mật), trộm cắp hoành hành, sợ là có người tới trộm gà, qua nay xóm trên mấy người kêu mất, không lẽ nay lại tới nhà chị?

Chị Hiền trộm nghĩ. Bà Lan dường như cũng nghe thấy. Bà ho một tràng lại hỏi:

“Sao đấy con? Bật cái đèn lên trước, đừng có liều ra, lỡ cái...”

Chị Hiền nghe mẹ chồng, giật cái công tắc bật đèn ngoài vườn lên. Căn nhà vốn nhỏ, lối nhà ngói ngày xưa, sân cũng bé vì đã xây lâu lắm, lại không có tường bao cao, người muốn vào nhấc cao chân tí là được. Chị với lấy cái cán sào góc nhà lăm lăm đi ra sát cửa.

“Oe... oe...” Đột nhiên có tiếng trẻ con khóc váng. Cả bà Lan lẫn chị Hiền giật nảy mình.

“Không lẽ có ma?”

Bà Lan đổi sắc. Mồ hôi lấm tấm trên trán. Già rồi, người ta lại bảo già mà thấy người âm là dễ chẳng sống được mấy nỗi nữa. Nỗi sợ cứ thế quặn trong ruột bà.

“Để con ra xem.” Tiếng trẻ con vẫn cứ thế khóc. Mà tiếng thật lắm, không giống như ma quỷ gì.

Chị Hiền mím chặt môi, mồ hôi lạnh sống lưng nhưng vẫn đánh bạo bước. Phía sau, bà Lan cũng mon men tới tự lúc nào.

“Cô Hiền!” Đột ngột có tiếng phụ nữ khiến chị Hiền và bà Lan giật nảy mình lùi lại.

Ngay trước bậc thềm, một cô gái trẻ măng đang bế đứa bé đỏ au trên tay, tã còn chưa quấn mà bọc trong cái áo khoác.

“Thim! Sao lại là cháu?”

Dưới ánh đèn Rạng Đông đỏ đỏ, con bé Thim mặt tái xanh tái ngắt, mồ hôi đầm đìa, tóc phủ xuống.

“Cô cứu cháu!”

Chị Hiền kinh động không tin nổi, trong lòng cũng hiểu đến tám phần. Bà Lan còn sợ hơn, bà mở cánh cửa rộng ra, vươn tay kéo vội con bé Thim vào.

“Mày vào đây?”

Thim bước vào trong nhà, tới cái giường con của Hiền sát đó mà ngồi xuống, còn chị Hiền vội vã tắt điện ngoài vườn đóng cửa lại.

“Cháu xin cô cứu cháu.”

Bất ngờ con bé Thim quỳ xuống. Đứa trẻ vẫn ở trên tay. Thim là đứa nhỏ ở đầu làng, đang là sinh viên đại học. Hồi con bé còn nhỏ, Hiền cũng hay giúp mẹ nó trông nó, sớm cũng coi Thim không khác gì con mình, chỉ là khi Thim lớn rồi, đến bố mẹ đẻ còn không gần thì nhớ gì đến một người chỉ trông trẻ hồi nhỏ?

“Này là thế nào?” Hiền run rẩy nói. Nhìn tình cảnh này thì đứa trẻ trên tay kia đến chín phần là con của Thim, thậm chí còn là mới đẻ ra chứ chưa lâu la gì.

“Hu hu... Cháu trót dại, có thai với bạn trai, lâu nay cháu không dám về, cứ nói dối lần là bận học, không ngờ, nay vốn định trốn về nhờ cô giúp thì lại sinh. Cô ơi! Mẹ cháu không thể biết chuyện này được, xin cô cứu cháu, cháu cũng không nuôi được, cô ơi!” Con bé Thim cứ thế khóc. Nước mắt vỡ òa tức tưởi.

Tuổi trẻ vốn luôn có sai lầm, nhưng lỗi lầm này có giá đắt quá.

Chị Hiền còn hoang mang lắm. Chị đau lòng thay đứa trẻ chị từng chăm bẵm, cổ họng nghẹn ứ lại, nước mắt cũng nối nhau mà tràn ra.

“Mày gan lắm Thim ơi!” Bà Lan đột ngột nói. Bà vuốt ngực cho khỏi ho, thân thể thì yếu, nhưng rõ ràng đang sáng trí lắm, lại còn rất bình tĩnh.

“Mày đẻ ở đâu? Có ai biết không?”

“Cháu chửa nhỏ, nên đẻ rơi, cháu tự lấy kéo cắt rốn cho con bé.”

Hiền tái mặt, bà Lan thì bặm môi vào, cuối cùng không nhịn nổi vẫn ho liền một tràng thì mới nói được.

“Hiền, con đi lấy chậu nước ấm, tắm cho con bé đi. Còn Thim, nằm ra đây tao kiểm tra xem có vấn đề gì không rồi lát nữa thay đồ. Người đẻ kẽ mả, chuyện đã rồi, nhưng mày không cẩn thận băng huyết là chết.”

Hiền và Thim ngoan ngoãn làm theo. May thay, Thim không sao, đứa bé dù nhỏ nhưng trộm vía khỏe mạnh.

Xử lý xong mọi việc cũng đã ba giờ sáng, gà gáy sớm. Bà Lan tựa vào thành giường rồi nói:

“Vậy là mày muốn cô Hiền nuôi hộ mày phải không?”

“Dạ.”

Từ đầu đến cuối, bà Lan thu xếp thỏa thuận với con bé Thim, vẻ như bà quyết tâm lắm. Thim còn có cả một tương lai phía trước, con bé còn quá trẻ. Sau này có thể Thim sẽ nghĩ đến ngày hôm nay, quay về nhận con đẻ mình, nhưng ai mà nghĩ được xa đến thế, còn bà thì sống được mấy năm nữa? Vui ngày nào biết ngày đấy mà thôi. Chị Hiền cũng không phản đối. Bản năng của người phụ nữ mách bảo chị đây là duyên số.

Lo liệu cho con bé Thim xong thì mấy ngày sau hàng xóm cũng nghe tin chị Hiền nhận nuôi đứa trẻ ở viện bảo trợ. Người làng cũng hiểu cảnh nên ai cũng mừng, tới thăm hỏi. Người cho hộp sữa, người cho ít tiền, không khí trong gia đình cũng nhộn nhịp hẳn. Cả bà Lan và chị Hiền y như vừa tìm được nguồn sống của đời mình. Nụ cười nở trên môi, lòng người cũng hân hoan trở lại. Có câu: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, không hiểu sao, từ hôm có bé Na, chị Hiền không mất ngủ nữa, bà Lan dù còn ho nhưng cũng chẳng ủ ê nằm trên giường mòn mỏi chờ ngày qua ngày. Cả ngày bà ngồi bên cạnh cái nôi, nhìn con bé ngủ.

Ngày ba mươi, bà Lan thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, vái lạy một hồi. Chị Hiền sắp mâm cơm cúng. Bàn thờ bày biện đầy đủ nhang đèn, hoa quả, bánh trái, khác hẳn mọi năm. Bé con ngoan ngoãn nằm im trong nôi, thỉnh thoảng miệng lại nún sữa mơ.

Ngoài kia, hoa đào khoe sắc, tiếng nhạc rộn ràng. Xuân thật ấm.

ảnh st

Truyện ngắn - Thuốc - Linh Ann.jpg
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
bà ru cháu gia đình lời ru
  • Like
Reactions: Phan Hoa
1K
1
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.