Tháng Ba, hoa xoan nở tím những con đường làng. Những bông hoa bé xíu, li ti như những hạt bụi giăng mành trên tán lá, rồi tạo thành từng chùm giống như chiếc ô màu tím, dịu dàng, e ấp đong đưa cùng nắng sớm. Tháng Ba, hoa bưởi vườn nhà nở rộ, len lỏi trong gió toả mùi thơm ngào ngạt. Tháng Ba, cây lúa đương thì chổ mã, bụng ứ đòng đòng béo ngậy, đủ làm lũ nít thèm thuồng, mê đắm. Tháng Ba, với biết bao rộn ràng, hứa hẹn về một mùa vụ mới bội thu, no đủ... Cũng là lúc người dân quê tôi bước vào mùa vụ thuốc lào với bao háo hức, hăng say.
Tôi không rõ nghề trồng thuốc quê tôi có từ bao giờ và do ai truyền lại. Chỉ biết từ khi sinh ra đã thấy nó hiện diện và song hành cùng tôi theo năm tháng. Cây thuốc lào với lũ trẻ quê tôi cũng gần gũi, quen thuộc như cây lúa, cây ngô vậy. Chỉ có điều cây lúa thì thơm, cây ngô thì ngọt, còn cây thuốc thì cay xè, hăng xịt. Trẻ con chúng tôi không lấy làm thích thú. Nhưng người lớn thì rất xem trọng và nặng nợ ân tình.
Trồng cây thuốc lào bấp bênh lắm, ai cũng bảo thế, có vụ làm ra mà chẳng có người mua hoặc bị lái buôn ép giá, có vụ gặp cơn mưa đá lá thuốc rách tả tơi. Tôi đã từng chứng kiến những khuôn mặt người nông dân thẫn thờ ngoài đồng nhặt nhạnh những chiếc lá lành còn sót lại. Thế mà người dân quê tôi vẫn bám trụ, vẫn không từ bỏ. Có lẽ bởi từ bao đời nay vẫn thế!
Với bản tính cần cù chịu khó, họ cứ thuận theo tự nhiên, nương theo quy luật đất trời mà trồng trọt mà tìm kế sinh nhai. Cây thuốc cũng như cây lúa, cây khoai hay các cây hoa màu khác, đã bao đời làm bạn với người dân quê, góp phần đem lại cuộc sống đủ đầy, nuôi nấng và chấp cánh cho bao ước mơ được bay cao, bay xa ra khỏi luỹ tre làng, thoát khỏi cảnh chân lấm bùn đen mà thành danh lập nghiệp. Cây lúa, cây thuốc qua bao thế hệ vẫn cứ vươn mình lớn lên và sẽ luôn hiện hữu, đồng hành cùng với tuổi thơ của những đứa trẻ vùng quê.
Như là mặc định, như là thói quen. Mùa nào thức ấy, đến vụ người dân quê tôi lại rục rịch, khấp khởi làm đất, bón phân rồi ươm cây thuốc. Nhà nào cũng trồng độ vài trăm đến vài nghìn cây để hút, để bán. Mùi thuốc lào theo từ ruộng về đến nhà, quanh quẩn trong sân, len lỏi trong từng miếng ăn giấc ngủ và làm nên cái nếp sinh hoạt từ lúc nào cũng chẳng ai hay.
Cơi trầu, điếu thuốc, ấm trà nghiễm nhiên trở thành những vật dụng không thể thiếu trên bàn khách của mỗi gia đình. Rồi tự bao giờ việc hút thuốc trở thành thói quen, thành tập quán không thể từ bỏ. Tôi nhớ những ngày hè, lũ trẻ chúng tôi đi chăn trâu ở triền đê. Thấy các bác nông dân làm đồng, tranh thủ lúc nghỉ lao, lên bờ ngồi hút thuốc, khói thuốc quyện vào gió, vào nắng, vào cỏ, vào đất bốc lên ngai ngái mà quyến rũ đến lạ kỳ. Các bác nông dân sau khi rít một hơi thuốc thì tươi tỉnh, khoan khoái lắm. Cứ như được tiếp thêm năng lượng cho cái bụng đói meo rỗng tếch vậy.
Nói về việc trồng thuốc, vào khoảng tháng 11 âm lịch, trời rét và mưa dầm, những ngày mưa bụi bay như màn sương phủ trắng cánh đồng, cỏ cây lên xanh mơn mởn, cây trái trong vườn nảy lộc đơm hoa. Cũng là thời kỳ gieo hạt giống, khi cây thuốc đã lên khỏi mặt đất 2 lá, người ta sẽ bốc đất bùn dưới ao lên, rồi ươm cây thuốc xuống. Ươm đến khi cây lên khoảng 3, 4 lá, là mang đi trồng. Thuốc phải được trồng ở ruộng chân chua, nhiễm phèn thì mới cho năng suất cao và khi hút mới thấy êm ái, phê pha.
Vừa hay, đất quê tôi thuộc vùng nhiễm phèn, do được cộng hưởng nguồn nước lợ của con sông Ghép và nguồn nước mặn của con sông Giáp mà thành. Tiếng lành đồn xa, thuốc lào Quảng Xương nhanh chóng xây dựng được thương hiệu của riêng mình, được giới sành thuốc ưa chuộng và thu mua với giá cao.
Trồng xong thuốc là vào Tết. Mưa xuân dầm dề, tiết trời mát mẻ, thuận lợi cho cây thuốc lên nhanh. Bón hai, ba đợt phân, cứ thế thuốc lên tốt tươi, mướt mát, đợi cây cao tầm đầu người, ra chừng 15 lá, người dân bẻ ngọn, ngắt những cái chánh mọc ra từ nách lá, để cây tập trung dưỡng chất nuôi lá, đợi ngày thu hoạch.
Trên cánh đồng thuốc ngút ngàn, xanh non mơn mởn, người lớn, trẻ con, mỗi người một việc, cùng nhau chăm bón. Trông nhộn nhịp mà yên bình đến lạ. Cảnh tượng ấy không hiếm hoi nhưng lại đẹp vô cùng. Có lẽ, mai này khi những đứa trẻ đó lớn rồi đi xa, mùi thuốc cũng sẽ vấn vít và theo chân chúng nó. Và có lẽ, khi đến những chốn thị thành hoa lệ, sẽ có lúc đứa trẻ đó nhớ đến thắt lòng cái mùi ngai ngái, cay nồng của thuốc, nhớ đến vô cùng những giọt mồ hôi rơi trên cánh đồng ngày hôm ấy.
Trồng thuốc nghe thì nhàn hạ nhưng kì thực cực khổ và nhiều công hơn các cây hoa màu khác. Cây thuốc ra chánh rất nhanh, ngắt hôm nay ngày mai lại thấy mọc, nên cứ phải ngắt bẻ liên tục. Mỗi lần ngắt chánh nhựa thuốc chàn ra bám vào tay đen xì, nhớt nháp. Mùi thuốc ngai ngái sộc vào mũi cay xè thốn đến tận óc. Chưa hết, thời kì này, những chú sâu thuốc, rệp thuốc cũng sẽ tranh thủ cắn lá. Người dân phải chăm sóc rất kĩ càng. Phun thuốc thôi chưa đủ, phải kết hợp với việc bắt bằng tay. Với những con rệp bám kín dưới mặt lá, phải dùng bột nếp nấu cho dẻo quánh, rồi phết vào cái que tre, lật từng lá, lăn mồi bột nếp cho con rệp dính vào. Ngồi cả buổi trời, lúc đứng lên cái lưng đau điếng, mặt mày say sẩm.
Nắng tháng Ba mệt nhoài, oi ả, ngồi trong rõng thuốc, mùi phân bón của đất xông lên, quyện với mùi ngai ngái của cây thuốc, nắng trên đầu dội xuống, hơi nước dưới đất bốc lên tạo thành cái mùi hỗn hợp khó tả. Thật sự chỉ muốn lăn ra vì đói và say thuốc. Không ít lần tôi phải chạy lên bờ ruộng nghỉ ngơi, lấy sức rồi mới làm tiếp được.
Khi thuốc đã đủ già, lá từ màu xanh chuyển sang vàng nhạt, thân lá dầy dặn, dồm dộp, sờ thấy dam dáp là thu hoạch được. Lựa ngày nắng dáo, người dân bẻ lá thuốc mang về nhà để thái.
Nắng đầu mùa chao chát, gắt gay. Gã mùa hạ hằn học dội xuống mặt đất những cơn lũ nắng xối xả như muốn đốt cháy vạn vật. Đàn gió cũng như sợ hãi trước cơn thịnh nộ của nắng nên rủ nhau chạy trốn đi đâu mất. Cây cối im lìm ủ rũ chịu trận, cả bầu không gian hầm hập nóng như một chiếc lò nung khổng lồ, ngột ngạt. Vậy mà, trên cánh đồng thuốc ngút ngàn, người dân quê tôi vẫn thoan thoát bẻ lá thuốc, tiếng trò chuyện vẫn vang lên lảnh lót. Những khuôn mặt đỏ bừng bừng, những giọt mồ hôi bỏng cháy ướt đẫm lưng áo, những đôi mắt cay nhòa vì nắng theo tôi cả vào trong giấc ngủ.
Vụ thuốc lào gối cùng mùa gặt lúa nên từ tờ mờ sáng đến mù mịt tối người dân quê tôi cứ quần quật với bủa vây công việc. Những chiếc lá thuốc lào được hái và xếp gọn trong lòng tấm vỏ bao xi măng rồi bó lại thành từng bó chở về trên chiếc xe kéo, xe thồ dựng la liệt trên khoảnh sân nhỏ trước cửa bếp, mùi ngai ngái đắng sộc vào cánh mũi, vào huyết quản khiến tôi nôn nao, khó chịu.
Tối đến, các bác hàng xóm kéo nhau sang rọc thuốc hộ. Cái rọc lá thuốc được làm bằng lọng tre bánh tẻ, uốn một hình cong vòng cung, buộc vào hai đầu cái dây cước là được một cái móc. Đặt cuống lá thuốc vào cái móc tuốt một đường, lá thuốc rẽ ra làm hai. Sau đó xếp lá thuốc vào hai cái vè tre gọi là đôi vè thuốc. Phải chọn loại tre thật già và thẳng tắp, đường kính khoảng 50mm, dài tầm 2m. Hai que đặt cách nhau 40cm, sau đó xếp lá thuốc vào cho đến hết chiều dài của que. Mỗi người một đầu, ập lại cuộn tròn, rút que ra là xong một cuộn thuốc, người ta gọi là vè thuốc.
Tối hôm rọc thuốc chủ nhà sẽ nổ một ít bỏng gạo, chiên thêm bánh xèo, cùng một ấm nước đường chanh để mọi người lót dạ. Dưới ánh trăng quê êm đềm, mọi người vừa làm vừa chuyện trò rôm rả. Những câu chuyện vui, buồn thật đơn sơ, mộc mạc mà giàu nghĩa, giàu tình. Những tiếng hát, những lời chêu chọc, đối đáp cất lên ngọt lịm, đủ để xua tan mệt mỏi, đủ để mọi người thấy trân quý, gần gũi nhau hơn. Tất cả đều giản đơn và chân thành đến vậy! Càng về khuya tiếng ve sầu trên những cây ổi, cây mít càng dâm dan da diết. Hương ổi, hương bưởi bay theo gió thơm ngào ngạt, thật khoan khoái, dễ chịu, làm ấm lòng người đến lạ.
Trăng lên xế đỉnh đầu, những ngôi sao đổi ngôi vụt sáng lấp loáng qua sân nhà, cuộc rọc thuốc cũng vừa xong. Mọi người chào nhau ra về, kết thúc một ngày dài mệt nhọc.
Thuốc vè xong, ủ khoảng 3 ngày cho màu lá chuyển vàng, rút bớt nước thì mang ra thái. Mặt trời còn chưa ló rạng, gà mới gáy canh ba là mấy bác thợ thái đã vác cái cầu thái trên vai gọi nhau í ới. Họ đi sớm để thái phơi cho kịp nắng. Cái cầu được làm bằng gỗ xoan lượn hơi cong, đặt vừa cuộn thuốc lên, một con dao mác dài, to bản thật mỏng và sắc như nước. Bác thợ ngồi trên cái ghế cao vừa đủ, đưa dao thái phăng phăng, những sợi thuốc nửa vàng nửa xanh nhỏ như sợi chỉ được văng ra vun thành đống. Lúc này thợ phơi thuốc sẽ dùng tay vỗ mạnh cho thuốc bẹp xuống, rồi dùng chân giẫm nhẹ xung quanh đống thuốc để lấy xuân, lấy màu. Sau đó dùng đũa phơi thuốc đánh nhịp nhàng, thoan thoát cho thuốc dàn mỏng ra cái phên đan bằng nan tre, rồi mang đi phơi hai bên ngõ xóm.
Ông mặt trời thức dậy sau một đêm dài ngon giấc, hào phóng rải những vạt nắng vàng óng ả xuống nhân gian. Đàn gió cũng háo hức gọi mời nhau nhảy nhót, nô đùa. Phên thuốc ban sáng còn ướt nhèm thì giờ được hong khô, thơm phức. Dưới cái nắng đầu hè giòn dã, tươi xanh, những sợi thuốc lên màu vàng ruộm, đỏ au như những con tôm luộc. Mùi se se, ngai ngái của thuốc, luẩn quẩn trong gió, vấn víu trong nắng dễ chịu vô cùng.
Nhưng chẳng may thái phải ngày mưa, việc phơi thuốc vất vả vô cùng. Thuốc gặp mưa coi như bị hỏng, sẽ đen xỉn và khó lên màu. Để cứu nguy, người dân quê tôi phải lập giàn giáo để đặt phên thuốc lên trên, rồi nhóm củi sấy. Công đoạn này cực nhọc và đòi hỏi kinh nghiệm. Thợ sấy phải căn lửa làm sao để thuốc không bị cháy, không bị khê và không bị thâm. Kì thực, để thu được mẻ thuốc hoàn hảo cũng cần lắm công phu và nhiều tâm sức.
Khi sợi thuốc đã khô queo, dậy mùi thơm đặc trưng, phơi thêm hai, ba nắng khô giòn, rồi phơi sương một đêm là được. Từng phên thuốc được gấp gọn gàng, sau đó cuộn tròn thành từng bánh, rồi cho vào bao nilon bảo quản. Để thuốc không bị ẩm mốc và thơm lâu người dân quê tôi ủ lên trên một lớp lá mò đã được phơi khô. Cuối cùng cột chặt miệng bao, để nơi cao ráo, đợi người đến thu mua.
Xong vụ, để bày tỏ lòng biết ơn, sự giúp đỡ của bà con chòm xóm cũng là để tổng kết mùa thuốc đã xong xuôi, trọn vẹn. Người dân quê tôi sẽ nấu bữa cơm tươm tất, đủ đầy những món ngon, bổ dưỡng cùng với rượu bia để thết đãi mọi người. Trong bữa cơm quê dân dã mà trọn vẹn nghĩa tình, mọi người được phép bung xoã, được phép say mèm. Người dân quê, họ sống giản đơn, bộc trực như cái cách họ đối đãi với nhau. Họ chưa từng đặt nặng khái niệm về hạnh phúc, nhưng rõ ràng trong tâm hồn thuần nông chân chất, với nụ cười cởi mở, đôn hậu ấy, họ đang sống hết mình với những phút giây hạnh phúc đơn sơ mà thấm đượm nghĩa tình.
Xong vụ. Người dân quê tôi chẳng kịp nghỉ ngơi mà bắt tay vào mùa vụ khác. Cuộc sống cứ xoay vần bên thửa ruộng bên những vật nuôi. Bao ước mơ, bao khát vọng về cuộc sống đủ đầy họ gói gém, họ đặt cược vào những bao thuốc còn mới tinh tươm, còn thơm mùi nắng.
Xong vụ. Thương lái tứ phương kéo về thu mua thuốc. Tiếng rao bán, mời chào " Ai... Thuốc lào không..." vọng vào làng quê yên tĩnh, vọng mãi vào ký ức tuổi thơ tôi.
Cây thuốc khi đặt cùng những cây cao lương mĩ vị khác thì vị thế thật khiêm cung, hèn mọn. Cũng như trong mắt những đứa trẻ thị thành, nó vô danh, vô thực. Nhưng với những đứa trẻ lớn lên từ ruộng đồng, từ thiếu thốn thì nó lại là cả một miền kí ức khó quên, là một thứ mùi vị quê nhà rất riêng mà thời gian không thể nào gột rửa. Mùi của thuốc, vị của thuốc chưa quen thì thấy nôn nao, khó chịu, nhưng đã lỡ quen rồi thì sẽ bị nhớ, bị mê và khó lòng dứt được, chẳng phải vậy mà người ta gọi thuốc với cái tên thi vị là cỏ thương nhớ, cỏ tương tư? Biết đâu một ngày, khi ghé về xứ Quảng, lang thang về miền khói thuốc, bắt gặp ruộng thuốc lào đang thì xanh mởn, lữ khách sẽ bị cái mùi se se, ngai ngái ấy làm cho vấn vương, làm cho thổn thức? Và chúng ta, trong cuộc sống khắc nghiệt đầy toan tính này, sẽ có lúc cần phải sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn, lúc đó hãy nhắm mắt lại, để mặc hồn được phép phiêu linh, trôi dạt... Tôi tin ai trong chúng ta cũng sẽ có cho riêng mình một miền cỏ thơm, một khoảng trời riêng để mà thương nhớ để mà neo đậu.