Dự thi Tình cô - Xuân Vũ

Dự thi Tình cô - Xuân Vũ

Xuân Vũ
Xuân Vũ
  • Thành Viên 19

Mỗi năm cứ đến 20 -11 là lòng tôi lại bồi hồi nhớ về cô Vân và câu chuyện của thằng Phong – đứa bạn thời cấp 2 của tôi hơn 10 năm về trước.

-Về chỗ bây ơi, “Vân trừng” giá đáo!

Tiết toán nào thằng Phong cũng nói câu này với một chất giọng đầy bỡn cợt. Nó đang nói về cô Vân – cô chủ nhiệm lớp tôi và đồng thời là giáo viên môn toán. Cô Vân là một trong những giáo viên có tiếng của ngôi trường cấp 2 tại huyện nghèo này. Cô là một người phụ nữ truyền thống, làm việc lúc nào cũng nghiêm túc và chưa từng cười lấy một lần với học sinh. Lối dạy học của cô khô khan mà cho điểm lại còn khó. Dần dần đứa nào trong lớp cũng đâm ra chán, tôi không biết chúng nó chán cô Vân hay chán môn toán, hay là cả hai.

- Ê, theo tụi bây điều gì làm tụi mình sợ cô Vân đến vậy.

- Tao thấy cái cách gọi tên học sinh lên bảng trả bài của cô là đáng sợ nhất - Nhỏ Lan cận nói

- Tuổi nào bằng cái đề kiểm tra bả cho lần trước - Thằng Long bàn sau tiếp lời

- Đôi mắt của bả mới là điều tao ghét nhất - Thằng Phong lạnh lùng lên tiếng đặt dấu chấm hết cho cuộc thảo luận này.

Đúng vậy, Phong là thằng ghét cô nhất trong lớp, nói đúng hơn là nó vừa ghét vừa sợ cô như cách con người ta đối đầu với kẻ thù của mình vậy. Nó quậy lắm, là học sinh cá biệt của trường. Ngồi trong lớp chẳng bao giờ chịu học, một là nói chuyện, hai là chọc phá thầy cô bằng cách đặt biệt danh cho từng người. Giờ ra chơi thì mang cậy gậy tự chế ở nhà lên gây gổ, tụ tập đánh nhau với đàn anh lớp trên. Nó là gió – một con người tự do đến phiền phức. Nó cứ tung hoành như vậy, bị cô nhắc nhở thì vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện rồi lại ngựa quen đường cũ. Ba má nó li hôn từ khi nó 8 tuổi, hình như mẹ nó bỏ nhà đi theo một lão già giàu có nào đó tít ngoài Hà Nội, để nó ở lại vùng quê nghèo với người cha lạnh lùng, nghiêm khắc.

Một hôm nó đi học muộn phải trèo cổng sau, bị cô Vân bắt được mắng một trận giữa sân trường. Nó thấy bực. Một lần khác nó trả thù cô bằng cách chọc lủng lốp bánh xe, hại cô phải dắt bộ cả một đoạn đường dài. Đến hôm sau, bị bảo vệ trường báo cáo lại, thằng Phong bị cô mắng thậm tệ: “Người không học như ngọc không mài. Em cứ như vậy thì sau này làm được gì cho đời hả Phong?”. Nó ghét cô từ đó. Ngày thi giữa kì năm lớp 8, thằng Phong cúp học đi đánh nhau với mấy anh lớp 9 trường bên. Vì không liên lạc được với gia đình, hết giờ thi, cô Vân đạp xe giữa trưa nắng tìm đến nhà nó để hỏi thăm. Bố nó biết chuyện liền đùng đùng nổi giận, đợi nó về liền đánh mắng thậm tệ: “Sao mày không xéo đi cùng con ả lăn loàn đó đi, thằng ăn hại!” . Biết cô báo cho cha, rồi còn chứng kiến cảnh tượng nó bị đánh, hiểu hoàn cảnh nhà nó, lại còn nghe cha mình nhục mạ mẹ, nó ghét một cách cô cay đắng.

“Lúc đó bả nhìn tao như một thằng mồ côi ven đường vậy. Tao ghét cái ánh mắt thương xót của bả.” Thằng Phong từng nói vậy khi chúng tôi cùng đi câu cá ở sông. Trong thâm tâm, nó coi thường tất cả người lớn, ghét thầy cô, ghét cả mẹ cha mình. Nó chẳng tin vào bất cứ ai, chỉ đơn độc mà sống cho tới cái ngày đó.

Ngày hạ tháng 5, vào lễ bế giảng nó lại cúp học đi xuống phố. Bất ngờ nó thấy một dáng người quen thuộc, là mẹ nó, người mẹ đã bỏ nó cách đây 6 năm trước. Nó mừng quá liền lao xe vụt đến, vừa chạy vừa la lên thật to “Mẹ, mẹ ơi”. Không may, vì không chú ý, Phong đâm vào một chiếc xe ba gác trên đường làm cả người bổ nhào vào cây cột điện gần đó. Chân nó rách một đường dài, xương tay hình như cũng gãy, đầu nó dần choáng đi rồi ngất hẳn. Đúng hôm đó, cô Vân cũng lên phố mua giấy gói tập làm quà cho học sinh nên phát hiện và gọi cấp cứu đưa nó lên bệnh viện tỉnh. Bác sĩ bảo ngoài những chấn thương ngoài nó còn bị rách một bên phổi, cần phẫu thuật ngay lập tức. Cô bỏ luôn bữa tiệc cuối năm hôm đó và ngồi chờ ngoài phòng bệnh suốt 7 tiếng đồng hồ. Đôi mắt cô đỏ hoe, vầng trán sướt mồ hôi, hai tay cô cứ đan chặt vào nhau, miệng lẩm bẩm kinh Phật mong trời phù hộ cho nó. Đôi mắt cô không còn vẻ nghiêm khắc, không còn trừng trừng mà chỉ còn vẻ đăm chiêu buồn rõ. Phẫu thuật thành công, nó được đưa về khoa hồi sức. Trong cơn mê man, nó thấy toàn thân đau nhức, tay chân như muốn đứt lìa. Một bàn tay dịu mát nhẹ xoa đầu nó. Hình như là mẹ nó, mẹ nó cuối cùng cũng quay về. Nó chợt nhớ về những hồi ức xa xôi tưởng chừng đã sớm bị chôn sâu vào lãng quên từ lâu. Đó là khi mẹ cha còn yêu thương nó, chủ nhật đưa nó đi dạo phố rồi cho nó chơi đu quay ở trung tâm. Đó là đôi bàn tay mẹ âu yếm chăm nom nó mỗi khi bị bệnh, đôi bàn tay băng bó vết thương cho nó mỗi khi nó đi đá banh bị té. Không thể nào sai được, đó là đôi bàn tay ấm nóng, dịu dàng, hiền hòa đó. Nó mỉm cười hạnh phúc rồi lại lịm dần trong cơn đau. Mẹ nó ở đây rồi.

Sáng hôm sau, nó tỉnh dậy hẳn. Bệnh nhân xung quanh phòng liền hỏi thăm và an ủi nó:

-Nhóc tỉnh rồi hả, đi đứng kiểu gì mà tai nạn nặng ghê.

- Mẹ cháu đâu rồi ạ

- Phải cái cô dáng người thấp, đeo cặp kính dày cộm nói giọng Huế đúng không? Cổ đi mua cháo cho con rồi. Đúng là mẹ thương con ghê, qua giờ cổ lo cho con mà khóc riết, ai dỗ cũng không nổi hết!

Nó giật mình bàng hoàng, cổ nghẹn ứ lại không nói nên lời. Mẹ nó cao lắm còn là dân Hà Nội chính gốc nữa mà. Người mà ông chú đó nói là ai, là cô Vân sao? Tim nó như bị xé toạc ra. Đau, đau quá. Lòng nó đau, đau hơn cả cái chân gãy của nó, hơn cái vết cắt sau lưng vì phẫu thuật nữa. Không phải cô ghét mình lắm sao, cô đâu quan tâm mình như vậy, cô phải thù mình lắm chứ, sao lại... Dáng người nhỏ nhắn bước vào từ cánh cửa đã chấm dứt mọi suy nghĩ viển vông của nó. Đúng là cô rồi!

-May quá, em tỉnh rồi. Con cảm ơn ông trời. – Cô nhìn nó đầy dịu dàng

Nó thấy lạ lắm. Cổ họng nó tắt nghẽn lại rồi, nó không nói được câu gì cả. Liệu có phải tác dụng phụ của thuốc không mà sao nó lại thấy khó chịu đến vậy? Cô Vân đút cho nó từng muỗng cháo nóng hổi. Nó cố ăn nhưng không được, nước mắt cứ chực trào ra từ khóe mắt, cả mặt nó lem nhem, miệng vẫn mím chặt. Cô Vân nhìn nó đầy xót xa. Nó không thấy ánh mắt ấy đáng ghét như trước, không phải là ánh mắt trừng trừng nhìn nó mỗi khi làm sai, cũng không phải là ánh mắt tội nghiệp cô bố thí cho nó. Đó là đôi mắt của tình thương, là đôi mắt của người mẹ.

-Cô thương em lắm Phong. Cô xin lỗi vì đã không thể dạy dỗ em thật tốt.

Hình như cô Vân hiểu được những gì nó thầm nghĩ, cô nói ra hết những khúc mắc nó vướng bận bấy lâu. Cô ôm lấy nó vào lòng như người mẹ vỗ về cậu con trai bé bỏng. Tim nó quặn thắt lại, lòng nó như bị ai đâm vào. Thằng Phong chầm chậm mở miệng ra, run rẩy:

-Cô...cô... ơi... Con thương cô lắm.

Đợt đó nó nằm viện hơn 2 tháng và được cho về nhà đúng lúc vào năm học mới. Thằng Phong đổi tính hẳn, nó không còn là đứa ngỗ nghịch như xưa. Ngày đầu tiên đi học lại, nó mang sách toán ra đọc trước sự ngỡ ngàng của chúng bạn. Ngày thằng Phong lần đầu tiên nộp bài tập đúng hạn dù sai hơn một nửa đã khiến thầy cô cả khối phải giật mình. Hôm thi giữa kì nó được 8 điểm toán, một số điểm kỉ lục của nó từ trước tới giờ, hôm đó người cha nổi tiếng nghiêm khắc đã cười thật tươi và khen ngợi nó. Cả lớp đều nghĩ hôm gặp tai nạn nó bị đập đầu đến mất trí nên đổi tính nhưng hơn ai hết nó, cô Vân và tôi hiểu rõ nguyên do.

Ngày tốt nghiệp cấp 2, nó chạy đến ôm cô mà thổ lộ bằng hết tâm tư: “Con cảm ơn cô vì ngày hôm ấy đã cứu mạng con và cho con cảm giác được yêu thương một lần nữa. Cảm ơn những bài học của cô. Con cũng xin lỗi cô vì những dại khờ bồng bột khi xưa. Xin lỗi vì đã vô tâm mà phớt lờ tình cảm cô dành cho con. Con yêu cô lắm, cô chính là người mẹ thứ hai của con...”

Cô không nói gì mà cười thật dịu hiền, cái nụ cười như một người mẹ hãnh diện nhìn đứa con của mình trưởng thành vậy. Hai cô trò ôm lấy nhau thật lâu dưới gốc phượng già. Trong vòng tay ấy thằng Phong lại khóc thêm lần nữa.

Không chỉ riêng bản thân nó mà cả tôi cũng nhận ra tình cảm đáng trân quý của cô – người đưa đò thầm lặng. Tôi hiểu rõ cô khó là vì muốn học sinh nên người , nghĩ lại thì nhờ nỗi sợ cô mà hồi đó tôi giỏi toán hơn hẳn. Cô Vân và câu chuyện đặc biệt của Phong luôn là một hồi ức đáng nhớ của tôi. Giờ đây dù tất cả chúng tôi đã không còn liên lạc với nhau. Nhưng nhân ngày 20/11 sắp tới con vẫn mong cô luôn vui vẻ hạnh phúc, mong những chuyến đò cô đưa sẽ dẫn dắt thế hệ mai sau nên người.

Hết.


tình cô- văn học trẻ.jpg
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
cuộc thi cô giáo tôi
1K
7
4

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top