Baivanhay “Tôi nghĩ nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang theo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt”

Baivanhay “Tôi nghĩ nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang theo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt”

Đề bài: Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng phát biểu: “Tôi nghĩ nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang theo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt”. Anh/chị nghĩ như thế nào về biểu tượng của nghề viết mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã nói ở trên? Bằng những trải nghiệm văn học, hãy làm rõ suy nghĩ của anh/chị về vấn đề nêu trên.
Bài làm
Nhà văn Nguyễn Tuân trong tác phẩm “Võng ngô đồng” từng viết: “Mỗi khi đặt bút lên tờ giấy trắng trong tinh khiết, tôi cảm thấy sung sướng vô vàn, sung sướng đến chảy nước mắt ra”. Và ông luôn đau đáu “tưởng như mình có thể chết nếu mất đi quyền viết”. Văn chương hay nghề viết cao quý đến thế có lẽ cốt cũng bởi cái tình, cái khát vọng bộc lộ, giải bày cảm xúc xuất phát từ tấm lòng nhà văn. Bởi thế nên, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư-một nhà văn trẻ thời hiện đại từng có phút chiêm nghiệm về nghề viết rằng: “Tôi nghĩ nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang theo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt.
Viết văn, nói như nhà thơ Nekrasov: “Nếu những nỗi đau khổ từ lâu bị kiềm chế, nay sôi sục dâng lên trong lòng thì tôi viết”. Văn chương khởi phát từ tấm lòng, từ “giọt nước mắt” chảy trong lồng ngực tác giả. Giọt nước mắt chính là hiện thân cho những giá trị cảm xúc, đó có thể là nước mắt đau đớn, là nước mắt đồng cảm, là những vui buồn, những vỡ òa trước phận đời hẩm hiu, trước những hiện thực ngang trái. Giọt nước mắt là sự phản chiếu, là sự minh chứng cho năng lực xúc cảm của tâm hồn tinh tế nơi người cầm bút. Khi ví nghề viết như biểu tượng của giọt nước mắt, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư muốn nhấn mạnh bản chất giàu xúc cảm, giàu tình yêu thương của người viết trước nỗi thống khổ của loài người.

“Giọt nước mắt”... là những rung cảm tinh tế của một tâm hồn nhạy bén trước những hỉ nộ ái ố trong cuộc đời, đó là sự khúc xạ hiện thực thông qua lăng kính văn nhân. Văn chương được ví như loài cây, đâm chồi từ mảnh đất màu mỡ mang tên cuộc sống. Để cây “văn” ấy lớn lên, ra hoa, kết trái, buộc người thợ phải chăm bón từ thứ nước đặc biệt-chính là nước mắt. Nước mắt từ đâu? Mảnh đất nuôi dưỡng con người đầy rẫy những khổ đau, đầy những oan trái bất công, liệu rằng một nhà văn chân chính có thể nhắm mắt làm ngơ trước những số phận khốn cùng? Thiên chức nhà văn chính là lượm nhặt cảm xúc của mình nơi cuộc sống, để rồi anh ta đau, anh ta thấu, dằn vặt khôn nguôi đến khi cảm xúc dâng trào, đó là khi anh ta “khóc”- nước mắt không trào ra bên ngoài thì cũng chảy đầy trong tim và rồi anh ta viết. Như “Andecxen dã lượm lặt những hạt trơ trên luống đất của những người dân cày, ấp ủ chúng nơi trái tim ông rồi gieo vào những túp lều, từ đó lớn lên và nảy nở những đóa hoa thơ đẹp, chúng an ủi trái tim của những người cùng khổ” (Pautopxki)



Nhà văn Heinrich Boll từng khẳng định rằng: “Tác giả tôi không sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh trong sạch phát hiện cái dơ bẩn quanh mình, để rồi lên tiếng mắng chửi cái dơ bẩn ấy. Tác giả tôi sống trên đất đã làm nên anh ta, đau nỗi đau của đất đã làm nên anh ta”. Chỉ khi người nghệ sĩ hòa mình vào hiện thực với những tình cảm chân thành như thế, tác phẩm của anh mới thực sự chạm đến trái tim độc giả. Rung cảm trước những kiếp người lầm than chính là phẩm chất quan trọng làm nên cái tài của người nghệ sĩ. Mọi xúc cảm đối với người cầm bút viết nên trang đều khác lạ so với người bình thường. Bất kể là yêu, ghét, buồn, vui, hận thù hay thương cảm đều đến độ mãnh liệt. Bất kể viết về cái gì, nhà văn cũng thâm nhập vào đối tượng với một con tim nóng hổi, với một tấm lòng rộng mở, biết ngạc nhiên dù là một vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống. Cho nên khi một tấm lòng nhà văn đã thờ ơ, nguội lạnh, tâm hồn khép kín trước cuộc sống thì khi ấy tài năng nghệ thuật cũng biến mất. Nghệ thuật sinh ra để vì con người, nghệ thuật vị nhân sinh, vậy nên, tác phẩm nghệ thuật nào cũng cần thể hiện sự đồng cảm với nỗi đau của con người. Bởi nói như Nam Cao: “Sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân”. Chỉ khi tình cảm trong tác phẩm đủ lớn, đủ sâu thì trái tim của cả nhà văn lẫn bạn đọc mới “hòa chung một nhịp”, để người đọc có thể tin rằng, dù cuộc đời khốn khó đến đâu, văn chương cũng không bỏ rơi con người. Thử hỏi nếu Victor Hugo không đau nỗi đau của thời đại, của những kiếp người lầm than giữa chốn cạm bẫy, dối lừa và khổ đau của xã hội nhiễu nhương Pháp nửa đầu thế kỉ XIX thì làm sao ông có thể viết lên tuyệt tác bất hủ “Những người khốn khổ”? Thử hỏi nếu đại thi hào Nguyễn Du, không đau đớn, không trào “nước mắt” trước phận đàn bà trong xã hội phong kiến bất công thì làm sao lại có những trang Truyện Kiều lừng lẫy? Tất cả là vì “văn chương ấy được viết nên từ huyết lệ” (Lâm Ngữ Đường)



Giữa xã hội nhố nhăng, giữa những nghịch lí mà bọn cường hào ác bá tạo nên, Nam Cao đã đau đớn cho phận làm người của Chí Phèo. Bằng bút lực của mình, Nam Cao đã thay lời muốn nói, đã gián tiếp tố cáo một góc của xã hội đen tối- nơi mà những tên như Bá Kiến thỏa sức ức hiếp dân lành, đẩy những con người lương thiện đi đến bước đường lưu manh, sống người không ra người, thú không ra thú. Mọi nỗi đau của Nam Cao, dường như biểu lộ rõ nhất thông qua giọt nước mắt của Chí Phèo khi bị Thị Nở cự tuyệt. Khi lòng tràn đầy phẫn uất và tuyệt vọng, Chí đã uống, nhưng càng uống lại càng tỉnh, càng uống thì men rượu lại gợi ra hình ảnh “bát cháo hành”- đó là nỗi ám ảnh, là nhát dao khắc sâu thêm nỗi đau của hắn. Chính vì thế, Chí Phèo “ôm mặt khóc rưng rức”. Đó là lần đầu tiên trong tác phẩm Chí Phèo khóc, và đó là biểu hiện rõ ràng nhất của nhân tính, giọt nước mắt là “miếng kính biến hình vũ trụ” khẳng định bản chất tốt đẹp của con người. Chí Phèo vật vã đau đớn, thấm thía nỗi đau không cùng khi nhận thức bi kịch đời mình: bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Thông qua ngòi bút hiện thực sắc lạnh, Nam Cao đi sâu vào cái bi, cái tệ nạn trong đời sống con người thời đại nhưng ông không hề bôi nhọ con người mà trái lại nhà văn đặt trọn niềm tin của mình vào con người, thể hiện một tấm lòng đau người, đau đời tha thiết. Cũng từ đó, ta nghiệm ra rằng nhà văn đã đắm mình rất sâu vào cuộc sống để “thấu thị” tâm tư xúc cảm của loài người, để mượn ngôn từ cứu rỗi thế gian nhơ bẩn, để đau trước cái hiện thực tàn khốc và cuối cùng là để bênh vực những kiếp người “đang cùng đường tuyệt lộ, bị cái ác hay số phận đen đủi dồn đến chân tường” (Nguyễn Minh Châu)



Còn nhớ, Thạch Lam từng viết: “Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ”. Nhà văn chân chính không chỉ dừng lại ở lòng thấu cảm trước nỗi đau của con người mà hơn thế, họ còn đau cho những những con vật được tạo hóa ban cho sự sống. Như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong tác phẩm “Muối của rừng”, ông đã mượn nhân vật chính trong tác phẩm là ông Diểu để gián tiếp nói lên lòng thương cảm, nỗi xót xa đối với muông thú nơi hoang dã- những sinh linh nhỏ bé, đứng trên sợi dây sinh tử mỏng manh vì sự tàn nhẫn của con người. Ông Diểu sau khi bắn được con khỉ đực, và đối diện với ánh mắt của nó đã cay đắng hiểu ra rằng “hóa ra ở đời trách nhiệm đè lên từng sinh vật quá nặng nề”, thể hiện một sự thức tỉnh của lương tâm con người. Nỗi niềm đau đớn, xúc cảm của tác giả, được bộc lỗ hết thảy qua ánh mắt của cặp vợ chồng khỉ, ánh mắt của chúng như đang cầu khẩn, van xin một con đường sống, ánh mắt tố cáo những hành vi tàn phá thiên nhiên của con người.

Vượt ra khỏi nền văn học Việt Nam, ta cũng không khỏi cảm kích trước trái tim nhân hậu của nhà thơ Nhật Bản Matsuo Basho khi ông bày tỏ niềm thương xót đến những phận đời bơ vơ, giữa tiết trời mùa đông lãnh lẽo:

“Mưa đông giăng đầy trời

chú khỉ con thầm ước

có một chiếc áo tơi.”

Chỉ với 17 âm tiết ngắn gọn, cùng những khoảng lặng đặc trưng của thơ Haiku, nhà thơ Basho đã vẽ lên một chân trời mơ ước, một khát vọng êm ấm. Ông mượn mưa để nói về hiện thực khắc nghiệt của cuộc đời. Quý ngữ “mưa đông” gợi ra khung nền khắc nghiệt, mưa là đói, là khổ, là lạnh, là rét. Giữa phông nền mưa rơi đó, chú khỉ con là hiện thân cho con người, cho người nông dân Nhật Bản, cho những em bé nghèo đang rét co ro, với “thầm ước” về một “chiếc áo tơi”- áo tơi nghe thật bình dị, đáng thương làm sao! Hình ảnh “chiếc áo tơi” tuy nhỏ bé nhưng đó lại là vấn đề thật lớn, là một khát vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn, ấm nó hơn. Và tôi tự hỏi nếu nhà thơ Basho không quan sát, không động lòng, không đau đơn, không xúc cảm cho những phận đời cơ nhỡ thì làm sao ông có thể khắc lên một bầu trời đầy những hoài bão cho họ?



Qua đó ta có thể thấy rằng, nhà văn chân chính, dù ở đâu, dù họ là ai, dù cuộc sống họ như thế nào thì thiên chức cao quý nhất của họ vẫn là thấu cảm với đời, đau nỗi đau của đời, và truyền tải những xúc cảm đó đến với người đọc. Thật đúng khi nhà văn Elsa Triolet từng nói: “Nhà văn là người cho máu”, là người chấp nhận cái đau để viết lên tuyệt tác có nhiều giá trị cho đời. Hơn thế, “giọt nước mắt” của nhà văn không chỉ thể hiện sự đồng cảm với con người thời đại, với những mảnh đời bất hạnh mà nó còn mang sức mạnh cảm hóa con người, hướng con người đến những giá trị chân-thiện-mĩ. Tuy nhiên, không phải chỉ có những điều đau thương mới khiến nhà văn thấu cảm, mà đó còn là những niềm vui, niềm hân hoan trước cuộc đời muôn màu. Ngoài ra, về phía người đọc, ta cũng cần soi rọi mình qua tác phẩm, để hoàn thiện bản thân hơn, để nhận thức được những điều tốt-xấu, và biến cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn, có ích hơn.

Nhà văn Hemingway từng nói rằng: “Tất cả các tác phẩm nghệ thuật đều có sự bất tử của riêng nó. Bởi vì đó là sản phẩm bền vững của lao động và trí tuệ con người. Rồi mai này các tranh tượng có thể tiêu tan, đền đài có thể sụp đổ, chỉ có những tác phẩm nghệ thuật chân chính mới có khả năng vượt ra định luật băng hoại của thời gian để tồn tại vĩnh viễn”. Để tác phẩm nghệ thuật tồn tại vĩnh cữu tất cả chính là nhờ cái tâm tinh tế của nhà văn trước mọi thăng trầm của thời đại. Quả không sai khi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư phát biểu: “Tôi nghĩ nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang theo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt”.



NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT

Lớp luyện thi HSG Trung tâm Duy Thanh

Giải Nhất HSG Thành phố môn Ngữ văn (2021 – 2022)
#suutam
1667021812732.png
 
Từ khóa
llvh nlvh tình cảm nhà văn đồng cảm
  • Like
Reactions: Trần Thùy
998
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top