Nhà Tổn thương nào cũng được chữa lành bằng sự yêu thương

Nhà Tổn thương nào cũng được chữa lành bằng sự yêu thương

Một buổi sáng bình yên, tôi bị đánh thức bởi những ánh nắng len lỏi xuyên qua khung cửa sổ. Nó cứ nghiễm nhiên mang tới ánh sáng chói lóa khắp phòng, khiến đôi mắt tôi chẳng thế nào lười biếng mà nhắm nghiền mãi.

Xa phố thị ồn ào, tôi cho phép mình được nghỉ ngơi sau những ngày bận rộn vắt kiệt sức sống với hàng đống deadline trong công việc. Khác với bạn bè thích đi du lịch, mỗi khi bị cuộc sống nhấn chìm trong mớ hỗn loạn tôi lại thích về nhà hơn, đơn giản tôi muốn nghỉ ngơi, ăn cơm mẹ nấu. Đắm mình trong hương vị quê hương, nơi tôi được lớn lên trong tình yêu thương, nơi mà tôi thấy mình lúc nào cũng chỉ như một đứa trẻ chứ không phải là thằng nhóc to xác luôn cảm thấy bị tổn thương bởi những vết sẹo vô hình mà người đời vô tình hay cố ý tạo thành trong tâm hồn tôi.

Bước ra ban công tầng hai tôi duỗi tay, duỗi chân làm mấy động tác giãn cơ cho khỏe người sau một giấc ngủ say ngon lành. Sẵn tiện đó cũng chăm tưới mấy cây trồng yêu quý của ba, biết ba quý mấy cây hoa này mà nhiều loại quá chỉ biết tưới chứ không biết hoa gì, đâu đó tôi nghe thêm cả tiếng chim hót. Rồi tôi cười tủm tỉm cứ nghĩ mình là nàng bạch tuyết trong truyện cổ tích, được thiên nhiên ưu ái tặng cho mình một bản nhạc êm tai cùng với khung cảnh thần tiên đầy màu sắc. Tôi vui vẻ đón nhận ngày mới với cảm xúc dâng trào trong tình yêu quê hương to lớn.
Đối diện phía dưới nhà, tôi bắt gặp một quầy hủ tíu nhỏ có hai người phụ nữ đang bận rộn, tất bật. Chị Lộc người chị hàng xóm của tôi với thao tác nhanh nhẹn vừa thái thịt chị vừa chụng hủ tíu, mẹ chị ngồi bên cạnh múc nước lèo cũng nhanh chẳng kém gì chị. Vì còn sớm nên người mua chưa đông lắm chứ đến bảy giờ hơn thì có lẽ hàng hủ tíu nhà chị là đông nhất vì nhà chị bán vừa ngon vừa rẻ. Mẹ tôi bảo, má của chị Lộc bán hủ tíu từ thời con gái giờ truyền lại cho con. Mẹ tôi nói nhiều lần chị Lộc không muốn mẹ cực nên chị muốn bán một mình, cho mẹ chị nghỉ ngơi. Nhưng bác chẳng muốn vì nhớ nghề đã quen dậy sớm ở không cũng buồn, có nồi hủ tíu vừa bán vừa thăm hỏi bà con cũng thấy vui hơn.

Từ ban công tầng hai tôi chăm chú nhìn chị Lộc bán hủ tíu, đột nhiên chị hướng lên nhìn vào tôi khiến tôi giật mình. Nhưng sau đó thì hai chị em nhìn nhau khẽ một nụ cười như thay cho lời chào hỏi. Chị mặc một bộ đồ bông giản dị, mái tóc đen dài không cầu kỳ son phấn chị còn trẻ nhưng ra dáng phụ nữ trải đời, đôi mắt chị đẹp lắm nhưng đẹp theo kiểu buồn. Ẩn sâu trong sự an nhiên của hiện tại là quá khứ mà tại thị trấn nhỏ này ai cùng lứa với tôi trở lên đều biết.

Chị Lộc từng bị công an bắt vì tội gây thương tích cho người khác. Quay ngược lại thời gian, lúc chị mười lăm tuổi cái tuổi dậy thì khó bảo. Nhưng khác với chúng tôi chỉ nổi loạn trong tầm kiểm soát của ba mẹ vì sợ đòn roi và những tờ giấy hạnh kiểm chốn học đường. Còn chị lại khác, chị được xem như chị đại của trường: hết đánh lộn, đến trốn học, ăn cắp tiền của mẹ…. Không còn là chị gái nhỏ với bộ váy hồng xinh xắn đứng đối diện nhà tôi. Chị cắt tóc ngắn rồi nhuộm một màu đỏ sáng chói, chọn những bộ quần áo kệch cõm luôn tỏ thái độ mình là người không dễ chơi, cao ngạo với gương mặt hung hãn. Nhà trường hay ba má chị từ nói chuyện nhẹ nhàng tới đòn roi đều không thể nào khiến chị thay đổi trở lại như xưa. Đỉnh điểm chị bị đuổi học vì nhà trường không chịu nổi chị, chị xăm trên bắp tay trái của mình một chữ “hận” to đùng khiến ba chị tức tới mức mà đánh tới tấp vào chị, má chị khuyên ngăn nói lời dịu nhẹ khóc hết cả nước mắt khi thấy ba con đối đầu nhau. Hôm đó chị không khóc cũng chẳng đáp trả lại như ngày thường.

Sáng hôm sau chỉ biết má chị vừa khóc vừa hỏi tất cả mọi người trong xóm có thấy chị đâu không, lúc đó chắc mỗi người cũng tự có câu trả lời cho chính mình “ Con Lộc nó bỏ nhà đi bụi”. Không liên lạc được với chị, hoàn toàn không một dấu vết chẳng ai biết được chị đi đâu hay làm gì. Chỉ có mẹ chị chiều nào cũng ngồi trước nhà đợi dáng hình con gái thân thuộc trở về nhà. Bẵng đi một thời gian cũng gần hai năm phía xa xa có một người phụ nữ tiều tụy với cái bụng bầu to tướng, mọi người truyền miệng nhau: “Con Lộc con bà hai về rồi, nó có bầu nữa không biết con của ai”. Bác hai trong nhà nghe tiếng, nước mắt giàn giụa lao ra khỏi nhà mà không kịp mang dép vừa ôm vừa khóc như vừa tìm được đứa con bị ai bắt cóc mấy chục năm trời. Chị Lộc cũng vậy ngày trước cứng rắn bao nhiều giờ như đứa trẻ nhỏ bị bạn bè bắt nạt mà ôm mẹ khóc cho nỗi buồn vơi đi. Mẹ chị không hỏi gì về việc chị vác bụng bầu về, chỉ có ba chị luôn dành ánh mắt lạnh lùng cho con gái. Mẹ chị sợ chị lại bỏ nhà ra đi lần nữa nên lúc nào cũng kề bên chị hết, bà cũng biết mẹ bầu mệt như thế nào nên chăm chị vô cùng kỹ lưỡng. Khác với vẻ ương bướng ngày trước giờ chị Lộc như con người mới tóc chị dài ra chỉ mỗi màu đen, chị cũng chọn mặc những bộ đồ bông rộng thoải mái, lúc nào cũng dạ thưa với ba mẹ đàng hoàng. Có lẽ mang trong mình sinh linh bé nhỏ chỉ mới hiểu được tình cảm gia đình trân quý thế nào, ngoài kia người đời ghẻ lạnh nhưng ba mẹ lại sưởi ấm con tim chị bằng tình yêu bao la.

Khi đứa trẻ chào đợi ông ngoại không còn lạnh lùng mà yêu thương nâng niu đứa trẻ vô cùng như cục vàng, đứa bé là món quà đáng yêu mà ông trời gửi tặng để chữa lành những mâu thuẫn của hai cha con. Bác hai thương chị Lộc bằng hành động, bác là đàn ông nên không dễ dàng bộc lộ cảm xúc của mình chỉ lặng thầm mua món này món kia về cho con gái bồi bổ, chị Lộc biết chứ chị biết hết nên chị cứ lén khóc và hối lỗi về những sai lầm ngày xưa của mình. Lúc chị về người trong xóm đồn thổi khắp nơi : “Con Lộc nó quen thằng nào trên mạng rồi bỏ nhà đi sống thử, không bà ơi nó lên thành phố rồi cặp ông nào có vợ nên bị đánh ghen bỏ về xóm, nghe đâu bị người ta cưỡng hiếp đấy mấy bà …”

Hàng trăm câu chuyện lớn nhỏ được thêu dệt chị đều bỏ ngoài tai, có lẽ chị đã trải qua nhũng chuyện tồi tệ nên đôi mắt chị mới buồn đến vậy chẳng còn ương bướng, nổi nóng đuổi đánh chửi bới khắp nơi. Giờ đây trong mắt chị tràn ngập tình yêu thương cho con và ba má mình. Chị hay giúp đỡ hàng xóm, chở các cô lớn tuổi đi chợ, ngày rằm chị vào chùa phụ nấu đồ ăn, cùng tập thể dục với mẹ, đôi khi thấy chị còn hay nhổ tóc ngứa cho bác trai… Có lẽ nhờ tình yêu thương, nhờ tình cảm gia đình cũng như những cú ngã cuộc đời đã giúp chị tỉnh ngộ quay đầu kịp lúc, bỏ lại quá khứ sau lưng giờ đây người ta đón nhận chị Lộc với con mắt thiện cảm và quý mến. “ Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”

Quay lại hiện tại, đến giờ dọn dẹp thấy có đứa trẻ đáng yêu với hai gò má bánh bao chạy ra vừa cười vừa nói “ mẹ với bà ngoại bán xong rồi hả, lát mẹ vô chơi với con nha”. Chị khẻ mỉm cười rồi đặt nụ hôn trên trán đứa trẻ, thấy bác hai mẹ chị cũng xúc động, giờ đây những giọt nước mắt của cả gia đình chị Lộc là nước mắt của sự hạnh phúc và an nhiên. Chị đặt tên con là Hiếu với hàm nghĩa là hiếu thuận. Đặt tình thân lên đầu, yêu quý và sửa chữa những sai lầm ngày xưa.

Sau bao cú vấp ngã chị trở lại nhà, nơi mà chị nhận ra mình vẫn còn được yêu thương dù trước đó chị đã từng là một người tồi tệ. Nhà không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi chữa lành những vết thương.

truyện ngắn Tổn thương nào cũng được chữa lành bằng sự yêu thương- văn học trẻ.jpg

Nguồn ảnh : Internet
- Trương Nguyễn -

 
579
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top