Gió Nồm trong các tác phẩm "Mùa hè của tôi" là gì?

Trong một số tác phẩm trong “Mùa hè của tôi” vừa qua, các bạn để ý thấy các tác giả thường đề cập tới Gió Nồm, ví dụ như trong bài Hây hây gió nồm – A Kha có đoạn:

“Hôm nay nghỉ làm, hắn nằm cả buổi sáng trong phòng. Đến gần trưa hắn phải mò ra ngoài kiếm gì đó bỏ bụng. Hoặc không phải ăn trưa thì cũng ra ngoài nếu không muốn bị hấp chín. Hắn ra đến cây si. Gió nồm đã nổi. Mát lành và thanh sạch.”

Hoặc trong bài “Mùa hè yêu dấu mãi” – Hiền Trần cũng viết:

“Mùa hạ về trên tuổi thơ tôi là những chiều gió nồm mát rượi, cùng bọn bạn lăn lông lốc giữa các vồng khoai lang.”

Vậy Gió Nồm là gió gì?​

Gió Nồm (còn gọi là gió Nờm) là gió từ biển thổi lên. Theo các ngư dân ở các vùng biển miền Trung, thì gió Nồm là gió phía Nam, cũng có thể là gió Đông Nam, là loại gió mùa mát mẻ.

Gió Nồm thường xuất hiện từ tháng Giêng đến tháng Tám Âm lịch hàng năm, nhưng mùa hè thường xen kẽ gió Nồm với gió Nam.

Cần phân biệt với gió nam là đó là gió đến từ phía Tây Nam, là gió thổi từ phía núi lùa ra biển, phía Lào ra biển, một loại gió nóng bức, thường xuất hiện vào mùa hè, nên còn gọi là gió Lào.

Gió Nam phất lộn gió Nồm
Ai về Quỳnh Tự ăn tôm thì về..

(Ca dao xứ Nghệ)

Gió Nam rồi lại gió Nồm
Gió chi độc địa, khiến bên nớ mở mồm không ra.

(Ca dao Thừa Thiên - Huế).

Các loại gió Nồm​

Trong gió Nồm cũng có các loại là Nồm non và Nồm ngang; Nồm Nam và Nồm Đông. Nồm non là loại gió dịu êm (thường từ tháng Hai đến tháng Tư), Nồm ngang là loại gió Nồm thổi khá mạnh (từ tháng Năm đến tháng Sáu). Nồm Nam là gió phía Nam; Nồm Đông là gió phía Đông Nam. Trong Việt Nam tân tự điển, Thời thế Saigon xuất bản năm 1952, Thanh Nghị giải thích: “Nồm: phương Đông - Nam; gió từ phương Đông – Nam thổi lại”.

Trong Đại tự điển chữ Nôm, Vũ Văn Kính viết chữ Nồm có 5 chữ Nồm, nhưng đáng chú ý có 2 chữ Nồm: 南 (phong + Nam); 南 (Đông + Nam); tức vẫn xem Nồm là gió phía Nam hoặc gió phía Đông Nam.

Trong Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 178, ngày 24/11/1932, có in nội dung hai bức thư, một của ông Trần Văn Tìa, và một của nhà báo, nhà thơ nổi tiếng Phan Khôi. Vào ngày 8/10/1932, ông Trần Văn Tìa, người Thạnh Hưng, Bạc Liêu, viết thư hỏi ông Phan Khôi:

“Tại sao gió hướng Tây thổi đến, người ta gọi là gió nam? Còn gió hướng Nam lại gọi là gió Nồm? Gió chướng bên phía Đông thổi qua là tiếng đã thường nghe. Duy có hai tên gió nói trên đây không trùng với tên hướng, bởi vậy mỗi khi nghĩ đến mà cắt nghĩa không xuôi thì trí chẳng toại chút nào
”.

Trong bức thư đề ngày 11 tháng 10 năm 1932, nhà báo, nhà thơ Phan Khôi trả lời câu hỏi của ông Trần Văn Tìa như sau:

Xứ ta (nhứt là Trung kỳ) kêu bằng gió nam đó không phải là gió hướng Tây như ông nói đâu, mà thật ra là gió Tây Nam. Từ Tây Nam sang cho nên nó đem hơi nóng sang, thành ra gió nam xứ ta thì nóng. Phía Tây Nam của xứ ta là một dải lục địa lớn (un grand continent), trong đó có mấy cái sa mạc (désert), cho nên gió đem khí nóng sang là phải; sách địa dư cũng nói gió lục địa là gió nóng. Tây Nam mà tục ta lại quen kêu là gió nam, có lẽ là tại lúc đầu người mình không biện (?) biệt phương hướng cho thật rõ, tưởng là gió chánh nam cho nên nói nghiêng Nam mà bỏ Tây đi đó thôi. Còn gió Nồm là từ Đông Nam thổi sang chớ không phải chánh nam như ông nói. Đông Nam của xứ ta là biển. Gió biển cho nên hễ Nồm thì mát. Kêu bằng “Nồm”, có lẽ chữ “Nồm” ấy do chữ “Nam” mà ra. Gió Nồm, tức là gió Nam vậy”.

Nồm – gió hay là là thời tiết?​

Cần phân biệt về cách hiểu từ Nồm ở phía Bắc và phía Nam. Nếu như ở miền Nam và miền Trung thì khi gọi Nồm, là chỉ gọi trong cụm từ “gió Nồm” mang không khí mát mẻ, đến mức như Hồ Xuân Hương miêu tả về sự tận hưởng loại gió này của một cô gái ngủ ngày:

“Trưa hè hây hẩy gió Nồm Đông/Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng”, thì ở phía Bắc, Nồm hình như có hai loại Nồm. Nồm có khi chỉ một hiện tượng thời tiết khá đặc biệt, thường diễn ra cuối đông và đầu xuân, hơi nước trong không khí bị ngưng tụ, đọng sương, gây ẩm ướt, như cách giải thích của các tác giả trong Từ điển tiếng Việt phổ thông đã nói trên kia (vì thế người phía Bắc rất sợ nồm); Nồm cũng có lúc ám chỉ gió Đông Nam, như trong nghĩa câu tục ngữ của Thái Bình: “Nồm ngoài nước ngọt, chảy bọt mồm ra”.

Trong Tự điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, các tác giả chỉ giải thích đại khái: 1. Nồm: gió Nồm (nói tắt); rồi trích dẫn: Mai mưa, trưa nắng, chiều nồm. Và, nói thêm nghĩa thứ 2: Đó là: “Trạng thái của thời tiết và ẩm ướt ở miền Bắc Việt Nam vào cuối mùa đông sang đầu mùa xuân.

Gió Nồm, một đặc sản của mùa hè, cũng giống như Gió Bấc - đặc trưng khi đông tới. Nếu gió nồm được đón chờ bao nhiêu thì gió Lào lại bị "ghét bỏ" bấy nhiêu. ^^ Hi vọng bài viết cung cấp thêm cho bạn những kiến thức hữu ích.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa Từ khóa
các loại gió nồm gió bấc gió hướng tây gió lào gió lục địa là gió nóng gió nam gió nồm là gì mùa hè của tôi trạng thái của thời tiết
1K
2
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.