Dự thi Trần Văn Thọ- Người đi tìm chiếc lá diêu bông có thật

Dự thi  Trần Văn Thọ- Người đi tìm chiếc lá diêu bông có thật

Trần Văn Thọ- Người đi tìm chiếc lá diêu bông có thật.


Sau bao hồi tìm kiếm một cái tên, một phong cách cho xứng đáng với mong cầu tiếp nhận, Trần Văn Thọ vẫn là sự ưu tiên. Tiếng thơ ấy có tư duy, nhưng được viết nên từ một trái tim giàu cảm xúc.

Lớp lang chữ nghĩa nếu gói lại trong cái nhịp bốn mùa thì quả thật không có gì để nói. Hoặc giả nếu kĩ hơn, sâu hơn là đưa ra vài câu suy tư cho người ta thấy đó là triết lý thì cũng chẳng ăn thua gì, rồi sẽ nhanh trở về con số 0 của sự rỗng tuếch. Thứ nghệ thuật chân chính cần là một tư tưởng, dù không quá mới mẻ nhưng hễ nói ra là phải để lại hậu vị. Kiểu nào cũng được, miễn là khi đóng lại trang sách người đọc cảm thấy khó chịu, có gì day dứt, đồng điệu trong lòng. Với tâm hồn thơ này, ông luôn trăn trở về những góc khuất của cuộc đời, nói trắng ra là sự phủ nhận ngay trước mắt mà từ lâu con người hiểu nó, biết nó, thấy nó nhưng không sao đối diện. Mùa hạ này ông cho ta được chiêm ngưỡng bốn bức chân dung, đậm có, nhạt có, nhưng tất cả đều làm nên một tổng thể cân xứng với mạch cảm xúc, phong cách "lâu đời" của mình.

Gọi ông là "Người đi tìm chiếc lá diêu bông có thật" đều có nguyên do của nó. Trước hết, điều này bắt nguồn từ một ý thơ của Hoàng Cầm. Nhà thơ kể về cuộc đi tìm chiếc lá diêu bông khắp nẻo thôn lề hẻm của chàng trai trẻ, chỉ mong được nhân vật "chị" gọi là chồng. Để rồi sau cùng, cả hai đều mang cho mình sự tiếc nuối và hụt hẫng. Bởi lẽ chiếc lá này làm gì có thật mà lại đi tìm! Quay về cõi thơ Trần Văn Thọ, tôi thấy có những nhìn nhận của ông về cuộc đời, về sự sống trước mắt tựa hồ như một lá diêu bông. Rằng nó là thứ tình đẹp đẽ, nó cũng là một động lực để con người ta kiếm tìm nhưng chao ôi nó toàn đầy cay đắng. Hơn thế, nó không còn là mộng mị, dối lừa, nó có thật bằng những trả giá đớn đau. Ở đây pha một chút hơi hướng của Thiền tông, Phật Giáo. Không biết tác giả có thấy điều này không, hay do sự cảm nhận chủ quan của tôi mà đã vượt thoát ngoài tư duy của người thơ chín.

Có thể chia ra thành hai mạch tư duy chính. Một bên là lý trí, một bên là con tim. Một bên ắp đầy cái mặn mòi của sự từng trải. Còn bên kia lại chứa đựng câu hỏi dài về nghệ thuật, thơ ca. Nhìn chung, những điều trên đã đan cài vào nhau rất nhuần nhuyễn, chỉ là tôi tách bạch một khoảng không rất nhỏ để ta có cái nhìn rõ ràng hơn trong một bài bình luận ngắn về thơ ông.

1. "Em" làm anh khắc khoải.

Bất cứ một bài thơ nào, một tác phẩm nào được xướng lên trên cuộc sống, đều phải đi qua bể chứa của cảm xúc. Nói như Nguyễn Du đó là "lời tơ than", nói như Nguyễn Đăng Mạnh đó là "hơi thở nồng". Nhưng vì đâu mà nghệ sĩ lại có được sự thăng hoa ấy? Có lẽ anh ta đã có một cuộc chạm trán với vẻ đẹp quanh mình, những hình ảnh chỉ vừa bằng chiếc kim sáng nhưng đã cuốn lấy hết tất cả hồn anh. Rồi lòng anh rung rinh lên thành từng mảnh tình nho nhỏ, nghĩ về "em" và đau cũng vì "em". Cái hay trong thơ Trần Văn Thọ là mỗi vẻ đẹp của thiên nhiên đều gắn với một sự suy tư đa chiều, đều dung dưỡng cho mình những nỗi trăn niềm trở trên lối về của ước mơ. Vậy là, mùa hạ đã cuốn chiếu đi vào trang thơ ông bằng những cảm hứng riêng tư của mình. Một thứ khắc khoải độc nhất mà đứa con miền Trung nuôi nấng nó từ lần đầu biết "yêu".

Nhân vật "em" xuất hiện xuyên suốt trong các sáng tác của ông, không riêng gì những bài thơ được trình làng trên Văn học trẻ. Vậy "em" là ai? Theo tôi, "em" chính là người con gái, cũng là hóa thân của vẻ đẹp cuộc đời, và là những cơn đau, những thương tổn, những cuộc tình mà ông đã nhận ra nó là một phần giá trị.

Trước hết, ta nói về thân phận người tình qua "em". Đàn ông là cái giống nòi chung thủy dễ sợ, yêu ai là yêu hết lòng, và chỉ có "em" mới có thể khuấy động những suy nghĩ của lòng anh! Nên thành ra phái nữ gán ghép cho chúng tôi cái chữ đào hoa mà nói ra thì thật tội lỗi! Âu đành vậy. Trần Văn Thọ luôn ưu tiên viết về một con người trước đã. Có lẽ, trong quá khứ hay cả hiện tại, nhân vật "em" để lại quá nhiều những tình cảm thẩm mỹ khiến ông chẳng thể nào ngừng suy tư. Và hơn hết, phải là một người đặc biệt mới có thể để lại thương nhớ như vậy. Người ta vẫn thường hay bảo, nhà thơ chỉ yêu cảm xúc chứ không yêu con người. Nhưng nếu đối tượng kia không mang lại tình cảm thì vấn đề cảm xúc nó sinh ra từ nơi nào? Do đó, yếu tố trực cảm của sự đối diện là có tác động qua lại, cũng như việc em yêu anh, mới có thể làm anh khắc khoải.

Mùa hạ đến, anh thấy mình nhỏ bé đến nỗi như đã hòa vào khung trời của nó. Để rồi nhà thơ thốt lên một cách nhẹ nhàng:

" Anh lặng lẽ như một cơn mưa nhỏ

Qua vườn em thành vệt nhớ muộn màng

Tiếng chim hót rơi trên cành phượng đỏ

Mới ngọt ngào thoáng chốc đã mênh mang"
( Dòng sông khát)

Cơn mưa này đúng kiểu mùa hạ. Nhưng cái "lặng lẽ" kia thì có chút gì là lạ. Bởi dẫu mưa có nhỏ đến thế nào nó cũng rơi một cách vang động, tức là có tiếng, có âm thanh. Nhưng khi nói về sự lặng lẽ, là đã phủ nhận hoàn toàn sự có mặt của cơn mưa. Giờ đây nó như chỉ là sự tưởng tượng hư không, hay nói về nó là để gợi nhớ đến "vườn em"? Phải, cái đòn bẩy này hơi vụn về, nhưng biết làm sao khi đó là lời thực tình của người đàn ông đang muốn thổ bày bộc lộ! Còn nhớ khu vườn Vĩ Dạ trong thơ thi sĩ họ Hàn sao mà đau thương quá, đến đó rồi không nỡ sẽ rời đi vì sợ dưới đất kia làm đau một trái tim người. Nhưng ở đây, ta muốn rời khỏi nó cho thật nhanh chóng để những "lặng lẽ" kia tan biến lẹ làng. Tình đơn phương cuối cùng gói lại trong hai chữ "muộn màng" mà thôi! Cũng bởi "em" chưa thấy đôi chân của anh trên cuộc đời của em, cũng bởi anh khờ khạo không chứng minh tình anh dành cho em rõ nét, nên những lầm tưởng, ngỡ ngàng xảy ra là điều dễ hiểu. Có một hạ buồn đi qua cơn mưa thành vệt nhớ, biết trách ai ngoài chính bản thân anh? Khi nắng thì chứa chan còn anh thì lặng lẽ…

Cành phượng rực đỏ chưa được tỏa sắc bao lâu thì chính tiếng chim đã chiếm lấy tâm hồn bạn đọc. Nghe tiếng chim hót trên cành mà ông thấy được nó như sắp "rơi" rồi! Từ thính giác chuyển sang thị giác rất nhịp nhàng, không để ý thì thấy đây là một cảm nhận về ngoại cảnh của mùa hè. Một mùa hè xưa cổ đệm đàn bằng tiếng chim hót cùng tông màu nóng chủ đạo như ở thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh. Nhưng mùa hè ấy còn có hương vị rất riêng của nó. Phải đến thời đại bây giờ, ta mới được nếm thử cái "mới ngọt ngào thoáng chốc đã mênh mang" nó tiếc nuối đến cỡ nào. Như thế, mượn cảnh vật mùa hè để giãi bày một nỗi tự sự về những điều mới- cũ, những chuyện ngọt ngào đấy rồi bỗng chốc buồn mênh mang là đặc trưng trong thơ Trần Văn Thọ. Nhân vật "em" vừa bật chiếc đèn xanh làm anh ngỡ rằng sẽ tiến sâu vào làm nên hạnh phúc, nhưng đành ngậm ngùi dừng chân vì đã hiểu ra được những rơi rụng trong em. Anh đành ôm nỗi tương tư thầm kín đi hết quãng đường đời phía sau, rồi những mùa hạ qua là những lần trái tim anh như thấy mình thật nhỏ bé.

Nỗi khắc khoải về tình em còn được nhà thơ thể hiện qua vết xước ở trong tim:

"anh nhặt nhạnh niềm vui trên nhành cỏ xước"
( Mưa trái mùa)

Đàn ông là vậy, đau đấy nhưng chịu đựng âm thầm, chỉ có anh biết, chỉ mình anh hay. Ở bên ngoài anh luôn tươi cười vui vẻ bằng việc phải cố "nhặt nhạnh niềm vui", nhưng sự mạnh mẽ này anh chỉ có thể đắp bù cho những "nhành cỏ xước". Cõi lòng anh đã bị tổn thương, đã không còn bình thường như trước. Anh không trách em vì anh đã tự làm đau mình khi lựa chọn yêu em. Cái ta cần lưu tâm là ở một tình yêu cao thượng của người đàn ông. Còn ai mà chẳng có yếu đuối, sai lầm. Dĩ nhiên đó cũng nằm trong cái yếu đuối, sai lầm cho phép. Và còn nữa:

" Chiều hạ buồn đếm cánh phượng rơi

như nỗi niềm vương trên lối nhỏ"
( Mưa trái mùa)

Đọc thơ Dư Thị Hoàn, có một lối nhỏ đã làm tê lạnh trái tim em:

"Có lối nhỏ chia đôi thảm cỏ

Em thả bước chán chường

[...]

Biết làm sao bây giờ

Chính lối này đưa em tới anh"

Quay lại với "lối nhỏ" trong Trần Văn Thọ, ta cũng thấy có nhiều điểm tương đồng về cái nghịch lý: biết là đau nhưng vẫn cố chấp lao đầu. Ông muốn khái quát lên thành một lý lẽ của tình yêu:

" gom góp chân tình thành mênh mang nỗi nhớ

em có về chiều mưa trái mùa không?"
(Mưa trái mùa)

Câu hỏi này là điểm mấu chốt của nỗi khắc khoải về "em". Bởi mọi điều anh đã gom góp, đã mênh mang trên năm tháng sầu tư của số phận. Anh can đảm lắm khi dám hỏi em rằng:" em có về chiều mưa trái mùa không?". Tại sao phải là chiều- mưa- trái- mùa? Mỗi từ đều có nỗi tâm sự chơi vơi, nói đúng hơn là cái chết của tình yêu không lời hẹn ước, chỉ biết mong mỏi rồi tuyệt vọng, hy vọng rồi bất lực đến phũ phàng. Chiều tàn, mưa tạnh, trái ngang,...như tình em là không bến bờ hạnh phúc. Nhưng anh vẫn luôn dõi đợi chờ, mưa trái mùa chẳng là gì so với cái bất tận của trái tim anh thức nhận yêu em:

"Rồi anh cũng sẽ trở thành dĩ vãng

Mà dòng sông vẫn khao khát mưa chiều"
( Dòng sông khát)

Những hình ảnh mang đầy khắc khoải trở đi trở lại trong nỗi suy tư. Lúc này như thể anh đã biết yêu lấy mình, "anh sẽ trở thành dĩ vãng", nên đã buông bỏ một chút tình cô quạnh dành cho em. Nhưng thứ tình ấy vẫn "khao khát", vẫn nhung nhớ, vẫn hướng về em. Cơn mưa chiều là nỗi buồn dâng đến cao điểm. Nó được đem ra trước ánh sáng lịm tắt để người ta chiêm ngưỡng chứ không còn giấu mình trong những góc tối đêm khuya.

"Em có còn trắc ẩn

Tháng Tư về hay chưa?"
( Em còn nhớ tháng Tư)

Dù sao, "em có còn trắc ẩn" hay không thì tháng tư vẫn sẽ về và hong khô đi những buồn vui, cực khổ. Tháng Tư là em, là cuộc đời mình. Không thể nào tránh khỏi chuyện được mất, sống còn, cách tốt nhất mình có là sống tốt những ngày còn lại phía sau. Anh vẫn là anh, yêu chung tình đằm thắm. Em là vẫn em, người con gái anh may mắn gặp gỡ trong cuộc đời mình.

Người thơ kể ra tình cảm của mình bằng một tư duy có chừng mực. Ông biết dừng lại để nói cho thật sâu sắc, cho trọn vẹn với trải nghiệm mình trầy trật khổ đau mà có được. Hiện nay ta đã thấy quá mỏi mệt với những sự ôm đồm, dàn trải mà không có chỗ để vịn vào. Thành ra tác phẩm thì nhiều nhưng gom lại chẳng còn được bao nhiêu là tâm huyết, từ đó nó ảnh hưởng đến phong cách sáng tác, nó làm loãng đi đặc điểm nhận dạng trên văn đàn. Nỗi khắc khoải về "em" của Trần Văn Thọ chỉ chừng ấy nhận xét thôi, cũng đủ giúp ta khai phá thêm được nhiều tầng bậc khác của một tư duy thơ có chiều sâu tư tưởng.

2. Em, Anh, Nghệ thuật.

Sau người con gái anh yêu, là nghệ thuật. Ấn tượng nhất để tôi nói về Trần Văn Thọ là qua bài "Đọc thơ em". Nhưng chỉ xin nói một ít, vì vấn đề lý luận này nó nằm ở việc tiếp nhận. Mỗi người sẽ có cái nhìn đa chiều trong việc bén duyên với nghệ thuật. Cũng như việc hình thành phong cách, thì cá tính sáng tạo là phần nhỏ trong muôn vàn thứ tạo nên phong cách của một nhà văn lớn, không ai giống ai, sự đồng dạng lại càng không thể.

Với ông, thơ ca là nơi để trở về:

" Sau những khúc quanh đời giông bão

đọc thơ em như một cách tìm về"
( Đọc thơ em)

Cái ngôi nhà nghệ thuật có sức che chở diệu kỳ đến vậy sao? Tôi từng nghe một bài văn ngắn của nước Đại Việt làm khiếp sợ cả vạn đại quân phương Bắc, cũng từng thấy Phùng Quán, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên xem thơ là bà mẹ diệu hiền. Để rồi đến với ông, sự chủ động không cho phép ngoại cảnh xô đẩy, ông đã tự "tìm về". Cái lối nói đàn ông quá độ! Biết là giông gió, thử thách, trái ngang, biết là cuộc đời đâu toàn hạnh phúc, nên người ta cần một bờ vai để nương tựa cho sống sót qua nỗi tuyệt vọng của nỗi lòng. Ai cũng cần yêu thương. Ở nghệ thuật, nó yêu thương người thơ một cách khác:

" Ai bảo dính vào duyên bút mực

Suốt đời mang lấy số long đong"

(Nguyễn Bính)

Viết văn làm thơ là chịu cái long đong của sự khổ hạnh. Nhưng khi được cầm bút, cái cảm giác được giãi bày những trăn trở, ứ đọng tự lâu của mình ra ngoài thì còn gì tuyệt vời hơn thế. Nguyễn Tuân đã từng muốn chết khi cả đêm trời ông không thể viết ra một câu văn nào cho hay cả. Hàn Mặc Tử sẽ ra sao nếu không có thơ ca làm nơi trút muộn phiền, đau đớn của xương da? Rồi cái chết? Quy Hòa sẽ đón lấy một vong nhân mòn mỏi cảm xúc chứ không phải một kiệt xuất Thơ Mới đến bây giờ vẫn vang động hồn thơ. Tìm về, để là chính mình. Cũng như cách nói:

" Mốt mai lỡ lạc bến mê

Vịn thơ em để anh về bình minh"
( Đọc thơ em)

Bắt nguồn từ đất sâu, từ mưa gió, thơ ca nghệ thuật vẫn sẽ tồn tại với cuộc đời mãi mãi. Đây là một trong những cách khẳng định như vậy:

" Những câu thơ cũng đến ngày hỏa táng

Tro tàn thơ còn âm ỉ lời yêu"
( Dòng sông khát)

Tàn thơ sẽ được nhen lên thành mặt gương để soi chiếu tâm hồn lộng lẫy. Tiếng yêu ấy là nỗi buồn, niềm vui của muôn kiếp con người. Những giá trị bền vững của nghệ thuật chân chính sẽ còn lại đó, ít nhất là trong trí nhớ con người. Do đó, Trần Văn Thọ đã phần nào thể hiện nỗi khắc khoải về cái nghiệp mình mang. Một câu hỏi vô hình hiện ra trước mắt như ba trăm năm trước của Nguyễn Du:

" Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như."

Khép lại nỗi lòng ấy, chùm thơ về hạ năm 2022 của ông đã để lại một dư vị ngọt ngào trong tôi. Tôi mãi nhớ về nó, nhưng không phải để dặn lòng buồn mãi như ông. Tôi sẽ khắc khoải, sẽ luyến lưu, và sẽ tập sống mạnh mẽ để dành tình yêu cho người yêu hiện tại. Và hơn hết, là viết ra nhiều những trang văn có giá trị, bằng cảm xúc, bằng tư duy, bằng những thăng hoa mẫn cảm ở trái tim mình.

Vậy là, hình hài chiếc lá diêu bông đã được khai phá. Trần Văn Thọ vẫn đang đi tìm những điều có thật nơi cõi sống mênh mang. Hãy đón chờ các tác phẩm sau này ông có, để mình thêm một lần khắc khoải những muộn phiền đồng điệu từ tấm lòng ông.

Screenshot_20220726-124656_Unfold.jpg
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
lá diêu bông làm thơ trần văn thọ viết văn
3K
12
21
Trả lời
Tấn Huy giỏi thật, đọc bài cảm thấy anh Thọ như một nghệ sĩ lớn còn Tấn Huy là một người tri âm nghệ thuật. Rất tuyệt
 
  • Like
Reactions: Vanhoctre

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.