Baivanhay Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ để nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện

Baivanhay  Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ để nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện

Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ để nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện.
Suy nghĩ của anh chị về ý kiến trên.
(Đề chọn học sinh giỏi quốc gia THPT môn Ngữ văn 2014)
**
“Văn học là nhân học”- M.Gorki đã từng đưa ra định nghĩa về văn học như thế. Văn học rộng lớn , có lẽ, còn hơn cả thế giới thực tại này, vì nó còn có chiều sâu, chứa đựng trí tưởng tượng, tình yêu, một thế giới không thực tại, hay ta còn có thể gọi là thế giới của óc tưởng tượng con người. Tuy vậy, một tác phẩm văn học được coi là chân chính khi nó hướng tới con người, dù nó diễn tả cái xấu, cái ác cũng chỉ để nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện. Đã có nhiều tác phẩm văn học tồn tại theo năm tháng, được công chúng đón nhận, vinh danh, truyền đạt lại cho thế hệ sau đã minh chứng cho ý kiến đó.

Cái đẹp, cái lương thiện bao giờ cũng là đích tới cuối cùng, là thiên đường trong lòng mỗi người hướng tới. Nhưng xã hội con người luôn song song tồn tại cả những điều ác, điều xấu xa. Văn học, với nhiệm vụ cao cả của nó, phản ánh cuộc sống chân thực, muôn màu, ghi lại những câu chuyện cuộc sống bằng nhiều góc độ, nhiều phong cách.

Cả một vệt văn học viết về tội ác của loài người như Có được là người của Primo Levi, Không số phận của Kertész Imre, Nhật ký Anne Frank của Anne Frank, Đêm của Elis Wiesel… Rất nhiều cuốn sách trong series này đã được coi là kiệt tác văn chương của nhân loại và được tôn vinh một cách xứng đáng. Kertész Imre được giải Nobel văn học, Elis Wiesel được Nobel hoà bình… Trước hết phải khẳng định rằng những tác phẩm như Đồi gió hú, Anh em nhà Karamazov, Có được làm người… là những kiệt tác của văn học và chủ để chính trong những tác phẩm đó là bạo lực, sự tàn ác của con người. Cái ác được phơi bày ở đủ mọi góc cạnh, nhà văn miêu tả cái ác tỉ mỉ, có lúc trần trụi để con người khiếp sợ với nó và cảnh báo về những hoàn cảnh tương tự có thể xảy ra. Yêu thương bằng hận thù như Heathcliff sẽ chẳng có kết cục tốt đẹp gì. Phóng đãng, đồi truỵ mất hết tình cha con như Fiodor Pavlvitr rồi cũng phải chịu một cái chết bi thảm, hoặc anh chàng Raskolnikov trong Tội ác và hình phạt cũng của Dostoivesky, giết người và đâu được yên thân: sống trong một nỗi sợ hãi và giày vò khủng khiếp… Nhà văn đưa ra cái các và những biểu tượng của nó để thấy rằng cái ác dù có dữ tợn và khủng khiếp thế nào nó cũng chẳng thể trường tồn, nhất định nó sẽ bị trả giá bằng một cái giá rất đắt. Văn học viết về cái ác chính là để đấu tranh với nó, đưa nó ra ánh sáng và kéo người ta đến cái thiện. Viết về cái ác để rèn luyện con người đi trên con đường chông gai hướng đến cái thiện. Cái ác chẳng thể trường tồn, cái đẹp mới là bản thể nâng đỡ con người đi tới tận cùng. Nói về cái ác suy cho cùng cũng chỉ để khẳng định cái đẹp, cái thiện lương.

Minh chứng trong văn học Việt Nam, rõ ràng và quen thuộc nhất chính là Chí Phèo của Nam Cao. Tác phẩm nói về một anh nông dân tên Chí, từ khi sinh ra đã nhận sự bất công, mẹ bỏ rơi, lớn lên trong sự bao bọc của dân làng mà lớn. Anh Chí thiện lương, nhút nhát làm công cho nhà Bá Kiến bị Bá Kiến đánh ghen, vu oan vào tù ngục. Từ đó, Chí trở thành Chí Phèo, tha hóa thành kẻ nát rượu, say khướt ngày đêm, rạch mặt ăn vạ. Chí Phèo gặp Thị Nở, cuộc đời cứ ngỡ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn thì Thị cũng từ chối hắn. Hắn giết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời. Đọc xong tác phẩm, ta thấy đầu tiên là cuộc đời trượt dài tha hóa của anh Chí thiện lương. Điều gì đã làm anh Chí, kẻ đã từng bị vứt bỏ lớn lên, bị bà ba dụ dỗ cũng không thay đổi, vậy mà biến thành một kẻ khác biệt hoàn toàn? Chính là chế độ thực dân nửa phong kiến, nhà tù thực dân chỉ được nhắc tới lướt qua, không một dòng miêu tả, nhưng nhìn vào kết quả cuối cùng – Chí Phèo, đã để người ta biết nó đáng sợ tới mức nào. Những kẻ chức sắc trong làng, chuyên bắt nạt kẻ yếu, chân chất, còn kẻ vô lại thì chúng nhún nhường, biến thành tay sai. Xã hội tồi tệ, toàn điều bất công, người dân một cổ hai tròng. Trong cảnh xấu xa ấy, lại “lòi” ra một Thị Nở xấu “vô đối”: “Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi: có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra”, tính nết đã vậy, còn dở hơi. Nếu như Chí Phèo xấu do chế độ, năm tháng khắc lên người hắn thì Thị Nở là một kiểu hoàn toàn ngược lại, hai con người giao thoa với nhau ở một điểm, bùng cháy ngọn tình dữ dội, sau đó lại tách ra hai hướng tách biệt. Nam Cao đã tạo nên hai “kẻ xấu” trong làng Vũ Đại, một kẻ xấu từ trứng nước, một kẻ xấu bởi quá trình, đều trở thành cái ô nhục, cái đáng vứt bỏ của xã hội. Cũng chính vì vậy, hai con người ấy cũng khao khát tình yêu, khao khát hơi ấm hơn bất kì ai. Miêu tả cái xấu xa, cái gớm ghiếc nhưng người đọc lại nhớ đến Chí Phèo ở câu nói: Ai cho tao lương thiện? Chỉ vài ngày bên thị Nở đã làm một kẻ ác trở nên thiện lương ư? Không, chính là bởi cái thiện lương, cái đẹp vẫn luôn tồn tại trong con người Chí, giống như hạt mầm cây béo tốt ngủ đông, chỉ chờ mùa xuân về đánh thức là nó nảy mầm bén rễ. Tuy nhiên, mầm nảy rồi mà không ai chăm sóc, không nơi bấu víu, nó đành chết mà thôi. Kẻ ác thực sự lại là kẻ không có vẻ ngoài xấu xa, thậm chí còn là kẻ có địa vị. Nhát dao cuối đâm chết cả Bá Kiến lẫn Chí Phèo giống như nhát dao công lí tiêu diệt cái xấu, dù nó không thể tiêu diệt hoàn toàn cái ác đó.


4781

Cuộc đời này, cái ác không bao giờ biến mất hoàn toàn, nhân chi sơ tính bản thiện (Mạnh Tử) nhưng cũng ý đó lại nói nhân chi sơ tính bản ác (Tuân Tử). Miêu tả cái ác không phải là sở thích ý muốn của nhà văn mà vì nó là một phần hiện hữu của thế giới. Người ta nhìn thấy cái ác ở khắp mọi nơi: chiến tranh, bạo lực gia đình, giết người... Không ai muốn cái ác nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển cùng với xã hội loài người. Văn học, do vậy, không chỉ toàn cái đẹp, nhưng dù khi người ta viết về cái ác, cái xấu thì cũng là để thể hiện khát vọng với cái đẹp, cái thiện.

Con người đã sống và không ngừng đấu tranh cho cái đẹp, cái thiện và điều này đã thể hiện rất rõ trong văn học – người thư kí của cuộc đời.
 
Từ khóa Từ khóa
bài văn hay cái ác cái thiện văn học là nhân học văn học về cái ác đề học sinh giỏi
10K
0
2
Trả lời

Đề văn: Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm khát vọng về cái đẹp, cái thiện.​

Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.​


Đây là câu 12 điểm xuất hiện trong đề thi HSG Quốc gia 2014

Bài làm cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau:​

a) Về hình thức và kĩ năng

Người viết cần xác định đây là đề nghị luận văn học để triển khai bài làm đúng kiểu văn bản. Người viết cần phát huy đồng thời hai năng lực: nắm bắt và làm sáng tỏ một vấn đề lí luận văn học, cụ thể là một vấn đề quan trọng trong chức năng của văn học chân chính (hướng thiện và hướng mỹ); cảm nhận và phân tích được khát vọng hướng về cái đẹp, cái thiện thể hiện ở việc phản ánh cái xấu, cái ác trong một số tác phẩm văn học.

b) Về nội dung

– Làm rõ nội dung, ý nghĩa của nhận định
+ Cần xác định được thế nào là “cái ác”, “cái xấu”, “cái đẹp”, “cái thiện” và những biểu hiện sinh động của nó trong đời sống và trong văn học.
+ Cản trình bày được mối quan hệ biện chứng giữa đối tượng được phản ánh (cái ác, cái xấu) và mục đích hướng tới của văn học chân chính (cái đẹp, cái thiện).
+ Cần thấy đây là một nhận định đúng đắn, thể hiện rõ bản chất, ý nghĩa của việc sáng tạo nghệ thuật, nhận định này đồng thời còn có ý nghĩa đối với việc định hướng người đọc khi tiếp nhận tác phẩm văn học nói chung, đặc biệt là những tác phẩm mà nội dung chủ yếu để cập đến cái xấu, cái ác.

– Làm sáng tỏ nhận định qua một số tác phẩm văn học
+ Cần lựa chọn được một số tác phẩm tiêu biểu (trong nước hay nước ngoài) và phân tích được những biểu hiện cụ thể của cái xấu, cái ác trong mỗi tác phẩm.
+ Từ đó, người viết cần làm nổi bật được khát vọng của nhà văn: thông qua việc miêu tả cái xấu, cái ác, hướng người đọc đến với cảm hứng nhân văn cao đẹp.
+ Cần nêu bật những độc đáo về nghệ thuật trong việc thể hiện cái xấu, cái ác ở từng tác phẩm.
Có thể chấp nhận cả những bài làm có cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm riêng và có hệ thống ý riêng, nhưng với điều kiện phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.

Bài văn HSG - Bài đạt giải nhất kì thi quốc gia 2014 với 18/20 điểm​

Hê-minh-uê từng tâm sự: “Tôi quý hơn cả là những bản thảo vứt đi của mình. Bởi có chúng, tôi mới nhận ra đâu là những ngôn từ thực sự dành cho tác phẩm của mình”. Ta thấm thía câu nói ấy hơn trong đời sống. Có cái ác, cái xấu, ta mới nhận ra và trân trọng cái đẹp, cái thanh cao. Và văn chương, thế nào là tha thiết với hiện thực, phải chăng là những áng văn không từ chối cái ác? “Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện”. Đó chính là nguyên cớ sâu xa.

Văn học chân chính là thứ văn chương bằng câu chữ đi xây đời. Hai từ “chân chính” xác lập ra một biên giới mà chỉ những cây bút tài năng và bản lĩnh, thực sự tha thiết với cuộc đời mới có thể vượt qua.

Văn học chân chính là những áng văn thơ thực sự có giá trị. Những tư tưởng được kết đọng ở tầng sâu, những tình cảm được nung nấu đến độ bỏng sôi mãnh liệt, những ngôn từ thể hiện một bút pháp tài hoa.

Tất cả những điều đó góp phần làm nên một tác phẩm chân chính. Cái đích hướng tới của tác phẩm ấy phải là con người, là cuộc đời này với bao thật giả, trắng đen còn trộn lẫn, cả niềm vui, niềm hoan lạc và cả nỗi buồn, sự đớn đau. Văn chương chân chính phải phản ánh được trọn vẹn, sâu sắc đời sống. Nhưng không chỉ phản ánh không thôi, từ “phản ánh” cho đến “nghiền ngẫm về hiện thực” là một khoảng cách lớn.

Văn học phải đóng vai trò như “thứ khí giới đắc lực” giúp con người kiến tạo nên thế giới này, ngày một tốt đẹp hơn, ngày một người hơn.

Thế nào là một áng văn chân chính? Đó là khi “nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện”. Trước hết văn chương ấy không từ chối, né tránh cái ác. Bởi đơn giản điều ấy là không thể. Khi mà cái xấu, cái ác vẫn ngày ngày hiện hữu ở quanh ta. Cuộc đời đâu chỉ có những bông hoa mà còn có cả những hàng rào dây thép. Đâu chỉ tồn tại cái dịu dàng, thơ mộng mà còn có cả những dữ dội, đắng cay. Lảng tránh những mảng tối của đời sống là lảng tránh hiện thực. Văn học không phải là thứ thuốc tê, xoa vỗ con người ta quên đi đau đớn, để rồi sau đó nỗi đau càng nhức buốt, khó chịu đựng hơn. Văn học phải hoà chung vào với hơi thở cuộc đời. Vốn dĩ trong đời người, tốt xấu đã luôn đan xen, phức hỗn và không ít dịp tường tranh, khiến lòng người bao phen dậy sóng. Mà chẳng phải “văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm, mà tâm điểm là con người” hay sao? Đời người còn khó khăn, hoang mang với bao câu hỏi về cái xấu và cái ác, lẽ nào văn học hèn nhát xua tay?

Không, văn chương cần nói đến cái ác, cái xấu xa. Thậm chí cần nói về nó thật tỉ mỉ, thật sâu sắc, thật thấm thía như khi nói về cái tốt đẹp. Sự tức giận khi chứng kiến chân lí bị đạp đổ, cái đẹp bị xâm hại, tàn phá cũng thôi thúc nhà văn cầm bút không kém gì cảm hứng ca ngợi cái đẹp. Mà những cái xấu xa luôn đi ngược với cái thiện lương. Chúng giành lấy quyền hiện hữu, choán lấy tâm trí con người, dồn đẩy người ta vào tội lỗi. Chúng đang gào thét giành giật ngoài kia, nếu văn chương không vạch mặt có khi người đời chẳng biết, và bán linh hồn cho nó lúc nào không hay.

Văn chương chân chính phải là tiếng chuông cảnh tỉnh con người trước hố đen tội lỗi, tha hoá. Vậy nên nó nói về cái xấu, cái ác nhưng không phải để ngợi ca mà là để con người thấu tỏ cái bản chất mà tránh xa, mà chiến đấu đẩy lùi. “Khát vọng về cái đẹp, cái thiện” lại hiện hình qua việc lật tẩy bản mặt của cái xấu, trong văn chương điều ấy không xa lạ. Thậm chí nó trở thành phương cách để văn học thực hiện chức năng của nó.

Nếu chỉ toàn ngợi ca cái đẹp, cái tốt, văn chương rất có thể khiến người đọc mỉm cười, hạnh phúc, tin tưởng ở cuộc sống. Nhưng khi mang cái xấu cái ác ra, tác giả gây cho người đọc cái ấn tượng mạnh mẽ, khiến cảm xúc của họ trào sôi. Một khi văn chương tạo ra được ở người đọc cơn sóng lòng dữ dội nghĩa là nó đã bắt ta thôi thờ ơ, thôi hời hợt. Nó bắt ta trăn trở và suy nghĩ. Và từ cái cách mà nhà văn miêu tả cái ác đến thậm tệ, khắc hoạ cái xấu, xấu đến ghê tởm, người đọc tự sẽ cảm nhận được thái độ của người viết ẩn giấu đằng sau. Không, không hề ca ngợi cái ác.

Nhà văn đang phê phán nó, để thế giới này tốt đẹp hơn, đáng sống hơn. Văn học chân chính là vậy, nó không lùi bước trước cái ác mà lật đổ nó bằng ngôn ngữ sắc sảo của mình.
Làm một nhà văn, người đi xây đắp tâm hồn cho con người, có lẽ cần phải tâm niệm được điều ấy. Không để cho văn học chỉ tràn ngập một màu sắc lạc quan tô hồng thái quá, nhà văn rất cần đào sâu vào những vấn đề nhức nhối của xã hội. Nhưng để đi vào con đường tối ấy mà không lạc hướng, người cầm bút phải có cho mình một bản lĩnh vững vàng, một nhận thức sâu sắc về cuộc sống và trên hết là tấm lòng tha thiết, thành thực muốn kiến tạo cuộc đời. Bởi vậy mà không phải nhà văn nào cũng có thể dấn thân vào những góc khuất tối của đời sống và tâm hồn mình để nói lên những lời đanh thép nhưng vẫn chất chứa nghệ thuật văn chương. Nó còn tuỳ thuộc vào phong cách và cảm quan nghệ thuật của người cầm bút.
Ý kiến đã cho ta cái nhìn xác đáng về đặc điểm của văn chương chân chính, đồng thời gợi nhớ những suy ngẫm về cái xấu, cái ác trong văn chương và con đường để nhà văn thể hiện nó trong tác phẩm của mình. Từ đó mà soi vào văn học từ cổ chí kim để nhận ra biết bao áng văn chương chân chính, bao ngòi bút tài năng tha thiết với cuộc đời và con người.

Từ thuở hồng hoang, khi con người mới bắt đầu có những nhận thức đầu tiên về thế giới, người ta đã mang cả cái thiện và cái ác vào trong những câu chuyện kể ngàn xưa. Thần thoại Hi Lạp mở ra cả một thế giới những vị thần ngự trên đỉnh cao mà chi phối cả thế gian. Mỗi cuộc giao tranh của họ làm biến đổi cả thế giới. Thế nhưng dù tôn kính thần linh đến vậy, con người cũng không chỉ biết ngợi ca. Họ cũng nói tới những thói tật, những phần khiếm khuyết của cả người và thần. Con người lắm khi hiếu chiến và ích kỉ, bao nhiêu tai hoạ giáng xuống để trừng phạt những kẻ chà đạp lên hạnh phúc. Thế nhưng hãy nhìn thánh thần kia! Họ chẳng phải cũng quá vô tình khi ăn thịt cả đứa con để bảo vệ ngai vàng trên đỉnh Ô-lympi-a? Chẳng phải họ cũng có thể đấu đá nhau chỉ vì một thỏi vàng, họ cũng có lòng tham?… Thần thánh ấy cũng là hiện thân của loài người. Và tất cả đều có những điều chưa hoàn mĩ, những gót chân A-sin. Nhưng thần thoại trưng ra cái tầm thường của cả người và thánh không phải để ngợi ca hay khuyến khích, cũng không phải để bào chữa cho sự bất toàn của thế gian, mà để làm nổi bật lên hình dáng của những người anh hùng mang khát khao hạnh phúc và công lí, khát khao muôn thuở của loài người. Héc-quyn bị bỏ rơi dưới trần gian, nhưng rồi chàng đã quay trở về để đòi lại công bằng. Trải qua bao cuộc chiến với những vị thần tối thượng, Héc-quyn với sức vóc được con người nuôi dưỡng đã chiến thắng tất cả. Chàng thắng bởi chàng không tàn bạo. Cuối cùng thánh thần cũng chỉ hơn loài người ở sự bất tử mà thôi. Nhưng sự bất tử ấy đôi khi ta không cần tới. Cái ta cần là tình yêu và hạnh phúc trần gian.

Quay về đời sống dân gian Việt Nam với những trang truyện cổ tích màu nhiệm. Ta luôn thấy tồn tại trong thế giới ấy hai tầng lớp. Những người dân hiền lành tốt bụng nhưng lại luôn bị những kẻ xấu hãm hại. Cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác luôn diễn ra quyết liệt với phần thắng dành cho cái thiện. Đó là cách mà nhân dân ta nói tới cái xấu để tôn vinh cái đẹp. Mẹ con dì ghẻ trong truyện Tấm Cám hiện ra thật xấu xa, bỉ ổi khi năm lần bảy lượt ra tay tàn độc với Tấm. Nhưng tác giả dân gian đâu có ngợi khen. Bằng chứng là sự hoá thân trở về của Tấm. Từ một cô gái yếu đuối chỉ biết ôm mặt khóc mỗi khi bị hành hạ đọa đày, Tấm đã mạnh mẽ đấu tranh để giành lại hạnh phúc xứng đáng của mình. Xây dựng hình ảnh xấu xa, ti tiện của mẹ con Cám làm đối trọng với vẻ đẹp của Tấm, tác giả dân gian đã gửi gắm vào đó một cái nhìn nghiêm khắc với cái ác. Kẻ làm điều xấu, điều ác sẽ phải nhận một kết cục bi thảm do những tội lỗi nó gây ra.

Vậy là hầu hết những câu chuyện dân gian đều nhắc tới cái ác, cái xấu, từ hình thức cho đến bản chất của nhân vật nhưng vẫn là hành trang thân thiết của tuổi thơ, dạy cho con trẻ những bài học đầu đời, ươm mầm khát vọng lương thiện nơi tâm hồn thơ trẻ sáng trong. Kho vốn dân gian ấy là một kết tụ của những áng văn học chân chính giàu tính thẩm mĩ mà mỗi người lớn chúng ta, mỗi lần gặp lại đều khám phá và cảm nghiệm ra những giá trị mới mẻ và thấm thía.
Văn học chân chính qua bao thời đại vẫn giữ nguyên lập trường về cái xấu, cái ác. Không bao giờ và không ở đâu cái xấu, cái ác lại được đề cao, trân trọng. Văn chương trung đại đã có biết bao bản cáo trạng bằng thơ đanh thép tố cái tội ác của quân xâm lược như Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi.

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tại vạ.


Những tội ác mà “trúc Lam Sơn không ghi hết” ấy, nghìn đời không thể dung thứ. Và tác giả của áng “thiên cổ hùng văn” đã thể hiện rất rõ thái độ căm hận đối với tội ác quân thù, giống như Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn khi xưa mang mối hận “chưa xẻ thịt, lột da, nuốt gan, uống máu” quân thù. Cái khát vọng bình yên no ấm cho nhân dân, khát vọng tự do cho dân tộc đã được thể hiện qua cách mà các nhà thơ, cũng là những viên tưởng trực tiếp chiến đấu chống ngoại xâm, gửi Bắm trong thơ ca. Cái ác trong văn chương của họ hiện lên làm bất cứ người dân Việt Nam nào cũng phải trào sôi nỗi căm hận quân thù và xót thương cho số phận nhân dân ta,

Không chỉ phơi bày cái ác đến từ ngoại bang, các nhà thơ còn vạch ra căn bệnh của chính quốc dân mình. Như Tú Xương đã không ít lần bày ra cái lồ bịch, nhố nhăng, cái loạn của xã hội nước ta khi bước chân thực dân ùa đến.

Lôi thối sĩ tử vai đeo lọ
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa


Nhà thơ bày ra cái sự đi xuống của nền nếp khoa bảng, tự khắc hoạ nỗi nhục của sĩ tử văn nhân khi trong hội thi của Việt Nam lại thấy bóng dáng của quản xứ, bà đầm. Tú Xương phơi bày cái thực trạng đáng hổ thẹn ấy bằng giọng hài hước, mỉa mai. Ấn sau đó đâu phải là cái đắc ý. Có người dân yêu nước nào lại đắc ý trước cảnh nước mất nhà tan. Sự cay đắng cũng là khao khát của nhà thơ về độc lập và bình yên của đất nước. Tấm lòng tha thiết ấy lại được ẩn sâu đằng sau những vần thơ châm biếm như lời mỉa mai, chế giễu của Tú Xương.

Cho đến thời hiện đại, những nghệ sĩ chân chính tiếp nối dòng văn chiến đấu của cha ông vẫn không ngừng lên án cái xấu và cái ác. Họ đưa vào trong văn chương những bộ mặt “chó đểu” nhất của xã hội. Không còn bị kìm kẹp bởi lễ nghi phong kiến, văn chương hiện đại có thể thoả sức phơi bày những căn bệnh xã hội. Vũ Trọng Phụng đã dựng lên trong trang viết của ông cả một “tấn trò đời”. Tất thảy những gì được dán mác văn minh, tiến bộ đều hoá ra suy đồi, kệch cỡm. Một đám ma to hội đủ tất cả những gì lố lăng bát nháo. Một đám ma mà ai nấy đều vui mừng hí hửng. Không có lấy một giọt nước mắt nhỏ xuống cho người đã khuất mà chỉ có tiếng khóc giả tạo “Hứt!.. Hút!.. Hứt!..” để che giấu một màn thanh toán sòng phẳng. Nó nói lên cái bản chất để tiện của lão Phán, cái thói háo danh đến gàn dở của cụ cố Hồng, cái vô tình bạc nghĩa của đám cháu con. Phải chăng Vũ Trọng Phụng muốn bôi đen cuộc sống? Không, ông chỉ “muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Ông nói lên cái khao khát một xã hội tốt lành lương thiện, nơi người ta sống với nhau bằng những chân giá trị và bằng tình yêu thương. Giọng phê phán nổi rõ trong từng câu chữ của Số đỏ, cái mỉa mai ẩn giấu một nụ cười cay đắng, một giọt nước mắt vị đời.

Tôi biết một nhà văn. Dù người ta gọi ông bằng danh xưng cao quý nào chăng nữa, ấn tượng của tôi về ông đó là kẻ đau nỗi đau của những giấc mộng phù phiếm của Pa-ri. Đó là Ban-dắc. Ông đã dựng lên “tấn trò đời” của xã hội Pháp để người dọc ông không thể dửng dưng. Thử hỏi ai có thể dùng dung cho được trước hình ánh lão Gô-ri-ô, khốn khổ cả đời vì con cuối cùng chết trong đơn độc, chỉ nhận được giọt nước mắt thương vay của một người không cùng máu thịt. Mô tả những sự xói mòn dạo đức xảy ra như cơm bữa như thế, nhà văn gửi gắm cái khát vọng thay đổi xã hội phù phiếm, vô cảm lúc bấy giờ. Đó là lí do cả thế giới tôn vinh ông.

Ý kiến đã nêu lên một nhận xét đúng đắn về văn học. Không từ chối dấn sâu vào cái ác, lột tả nó một cách thấm thía để người đọc có thể nhận ra và khát khao loại bỏ. Nếu văn học chỉ đơn thuần làm lan truyền nỗi buồn, sự tuyệt vọng đến cho người đọc thì quả thực là đáng buồn. Văn học phải là ngọn hải đăng định hướng đến với chân lí.

Dĩ nhiên ta vẫn cần những áng văn đẹp đẽ giúp ta nhận thức về cái hay của thế giới, giúp ta sống lạc quan và yêu cuộc đời hơn. Nhưng văn học, đôi khi cần là thứ thuốc đắng dã tật.
Nhà văn có lẽ đã tìm ra con đường cho nghệ thuật chân chính của mình. Hãy ngụp lặn sâu vào cuộc sống, hỡi những nhà văn. Người đọc hãy hiểu họ và đến với văn chương với tấm lòng chân thực.
 

Bài đạt giải nhì HSG Quốc gia 17/20 điểm - Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện​


Có một câu chuyện kể rằng: Khi một tên trộm đánh cắp được chiếc va-li của một người giàu có, hắn đã thấy trong đó có một quyển truyện. Đọc xong quyển truyện ấy, cảm động với nhân vật trong truyện, ông đã trả lại cái va-li với một lời cảm ơn và đi đầu thú. Câu chuyện có phần hơi phóng đại nhưng cũng thể hiện rất rõ khả năng giáo dục của văn chương: “nâng con người lên”. Nói về chức năng ấy của văn học, có ý kiến cho rằng: “Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện”.

Văn học chân chính là văn học hướng về con người. Nó phải có khả năng làm cho tâm hồn con người trong sáng hơn. Nó “giữ con người không sa xuống thành con vật, nhưng cũng không biến thành những ông thành vô bổ, vô duyên”. Nó phải phục vụ cho chân – thiện – mĩ và hướng con người đến chân – thiện – mĩ. Ai đó đã nói rằng, xét đến cùng, chức năng của văn chương là nhân đạo hoá con người. Vì vậy, nó phải thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện.

Cái đẹp, cái thiện trong văn học có thể hiển hiện rõ ràng ngay trong tác phẩm. Đó là cái đẹp của tài sắc vẹn toàn của nàng Kiều:

Làn thu thuỷ nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai.


Đó cũng có thể là cái đẹp của thiên lương trong sáng và tài hoa trác tuyệt của Huấn Cao, là cái đẹp của bức lụa với “những nét chữ vuông tươi tắn, nó nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người” và cái khí phách “Nhất sinh để thủ bái mai hoa” (Cả đời chỉ cúi đầu bái hoa mai) của Cao Bá Quát, nguyên mẫu hình tượng nhân vật Huấn Cao. Đó là vẻ đẹp “đua tinh hoa với trời đất, tranh tài của tạo hoá” – một Cửu Trùng Đài nguy nga… Đó cũng có thể là những vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn con người. Đó là tình yêu thương con vô bờ bến của một người đàn bà bất hạnh phải mang trên mình ngoại hình khắc khổ và một số phận đau thương (Nguyễn Minh Châu, Chiếc thuyền ngoài xa). Đó là tình người chân thật và khát vọng được yêu thương của một Thị Nở – con người “ngẩn ngơ như những người đàn trong cổ tích” và “xấu ma chê quỷ hờn”, “cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hoá công…” (Nam Cao, Chí Phèo) và một tâm hồn, một lượng tri trỗi dậy của con quỷ làng Vũ Đại. Nhìn vào cái mặt của một con vật lạ…, nó vàng vàng mà nhuốm sạm màu gió, nó vằn ngang vằn dọc không thứ tự biết bao nhiêu là sẹo” kia, ai có thể thấy được một khao khát trở lại làm người lương thiện của Chí. Chỉ có Nam Cao mà thôi. Đó chính là những cái đẹp thể hiện rõ nét trong các tác phẩm.

Tuy nhiên, không chỉ viết về cái đẹp mới là “thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện”, mới là văn chương chân chính. Ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác, văn học cũng nhằm hướng tới cái đẹp và cải thiện. Có thể nhìn bề ngoài, đây là một mẫu thuẫn nhưng khi đi sâu vào bản chất của văn học, ta sẽ thấy mối liên quan của chúng. Khi nói về cái xấu, cái ác nhà văn đâu có: khuyến khích người đọc: hãy ác như nó, xấu xa như nó. Không, không hề có thứ “văn chương chân chính” nào lại khuyến khích con người tội lỗi cả. Văn học nói đến cái xấu, cái ác là để cho mọi người nhìn rõ bản chất của nó, để mọi người phê phán nó, bài trừ nó ra khỏi con người mình. Văn học viết về cái xấu, cái ác là để khơi lên những cảm xúc thẩm mĩ tích cực của con người. Văn học nói về cái xấu, cái ác là để con người tự nhìn nhận lại bản thân và hướng tới việc hoàn thiện mình hơn. Như vậy, cái đích của việc miêu tả cái xấu, cái ác vẫn là để hướng về cái đẹp và cải thiện. Đọc Tấn trò đời của Ban-dắc, ta thấy rõ bộ mặt của xã hội Pháp đương thời – một xã hội mà đồng tiền lên ngôi còn những giá trị tốt đẹp của con người bị vùi dập. Nhưng qua đó, Ban-dắc hướng con người đến một lối sống đẹp hơn, biết coi trọng giá trị con người hơn. Đọc Vua Lia của Sếch-xpia ta thấy căm túc nhưng cũng giật mình soi lại lương tâm. Liệu đã bao giờ ta sống ích kỉ như vậy chưa? Ta đã báo đáp được gì cho những bậc sinh thành? Và từ đó, ta sẽ hướng tới một cách sống đẹp hơn. Đâu thể sống không tốt với cha mẹ khi mà chính ta căm ghét thái độ sống đó.

Vũ Trọng Phụng là cây bút xuất sắc của nền văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Ông đã bị nhiều người chỉ trích. Họ cho rằng những đứa con tinh thần của Vũ Trọng Phụng chỉ mang tính tố cáo hiện thực xã hội đồng tiền xấu xa, “chó đểu” chứ không hề mang lại giá trị nhân đạo, không hề giúp tâm hồn người đọc trong sáng hơn. Nhưng tôi không cho rằng vậy. Sáng tác của “ông vua phóng sự đất Bắc” đã bóc trần bộ mặt xấu xa của xã hội và qua đó, hướng người đọc đến với những cảm xúc thẩm mĩ tốt đẹp. Đọc Giông tố, ta thấy sao mà căm tức tên Nghị Hách vừa dâm lại vừa đểu, sao mà khinh những nhà nho ra vẻ rất đường hoàng của một người có học nhưng rồi lại chạy theo đồng tiền mà bỏ mặc hạnh phúc của con. Ta thấy sao mà thương, mà giận Long, Mịch – những con người lương thiện bị xã hội đỏ đen kia làm cho tha hoá. Những cảm xúc ấy sẽ là ngọn đèn soi sáng bước chân ta, là biển báo cấm ta đi vào con đường sai trái. Số đỏ – một đỉnh cao trong nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng cũng là một tấm biển như thế. Một ông Tuýp-phờ-nờ luôn vì sự nghiệp Âu hoá nhưng lại cấm tiệt vợ và con ông mặc những sáng tạo của ông. Một tên Xuân Tóc Đỏ “ma cà bông” bỗng trở thành “Đốc-tờ Xuân”, anh hùng cứu quốc,… Cả Số đỏ là một vở hài kịch và mỗi chương lại là một màn kịch rất đắt giá. Hạnh phúc của một tang gia là một trong những màn hay nhất của vở hài kịch về xã hội thượng lưu đương thời. “Hạnh phúc” lại đi đôi với một từ đáng lẽ phải mang sắc điệu buồn “tang gia” đã phần nào vén tấm màn mâu thuẫn. Một đám tang “to”, kết hợp cả “ta, Tàu, Tây” nhưng lại thiếu đi cái quan trọng nhất: tình người, sự tiếc thương cho người mới mất. Một ông Văn Minh đắn đo xem phải xử trí sao với Xuân Tóc Đỏ – “gây hai cái tội nhỏ và một cái om to” (làm cho ông cụ già “đáng chết” phải chết!). Một bà Văn Minh, ông “Phán mọc sừng” suy tính kiếm ăn. trên xác chưa lạnh của người đã chết. Một cô Tuyết muốn chứng minh cho mọi người biết mình chưa mất cả chữ “trinh”. Một Xuân Tóc Đỏ đi xe chen vào giữa đoàn người đưa ma để gây nổi bật. Cậu Tú Tân và các bạn lấy đây làm dịp để khoe những chiếc máy ảnh mang từ bên Tây về, “đứng cả lên những ngôi mộ xung quanh chụp ảnh cho đỡ giống nhau”. Tất cả những nhân vật ấy đã làm nên một màn hài kịch cười ra nước mắt, cảnh tỉnh con người trước sự băng hoại đạo đức.

Tuy nhiên, văn chương chân chính không chỉ có nội dung mà còn phải có phương thức thể hiện độc đáo. Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, không có sáng tạo, tác phẩm văn chương sẽ không thể “nằm ngoài các định luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”.

Ý kiến trên đã cho ta một cách nhìn nhận tác phẩm sâu sắc. Đây là một ý kiến đúng đắn, là kim chỉ nam cho những người tiếp nhận. Đừng bỏ rơi tác phẩm vì nó viết về cái xấu, cái ác, hãy rút ra những bài học làm người từ đó.
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.