Văn học và đời sống

Văn học và đời sống

Đề bài:

Chế Lan Viên viết trong bài thơ “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”: “Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn”

Trong bài “Làm thế nào để có tác phẩm tốt?”, Lưu Trọng Lư cho rằng: “Sự sống phải được chắt lọc, phải được trau chuốt, phải được nâng lên, phải được “tập trung” cao độ, nó mới biến thành nghệ thuật, cũng như dầu xanh phải biến thành kén vàng, gạo trắng phải bốc thành men rượu. Sự sống phải được sáng tạo, phải được nâng cao lên đôi cánh của tư tưởng để lại tác động vào lòng người còn sâu mạnh hơn cả sự sống”

Bằng hiểu biết về văn học, anh chị hãy bình luận những quan niệm trên.

Bài làm

Cuộc sống vẫn còn lắm bất công, nỗi đau vẫn hiện hữu bên trong mỗi con người. Có lẽ vậy mà, qua nhiều cuộc bể dâu, sứ mệnh của người nghệ sĩ dường như không thay đổi. Đó phải là người mang cả trái tim và khối óc mà dấn thân vào đời, để rồi vọng lên những lời ca thống thiết vì con người và xã hội. Cho nên, Chế Lan Viên đã nói: “Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn”. Bắt gặp Lưu Trọng Lư, quan niệm ấy lại càng thêm sáng rõ: “Sự sống phải được chắt lọc, phải được trau chuốt, phải được nâng lên, phải được “tập trung” cao độ, nó mới biến thành nghệ thuật, cũng như dầu xanh phải biến thành kén vàng, gạo trắng phải bốc thành men rượu. Sự sống phải được sáng tạo, phải được nâng cao lên đôi cánh của tư tưởng để lại tác động vào lòng người còn sâu mạnh hơn cả sự sống”.

Ở luận đề thứ nhất, Chế Lan Viên đã mượn hình ảnh “vị muối của đời” kết hợp với hành động “biết ơn” cho thấy sự chấp nhận, sự từng trải của người nghệ sĩ khi đứng trước cuộc đời đầy rẫy những mất mát, thất bại và khổ đau. Có thể nói, đứng trước khổ đau thì ai cũng đau khổ, những con người nhạy cảm còn đau hơn gấp bội phần. Thế nhưng, theo Chế Lan Viên chính những nốt trầm của đời sống mới làm nên thi sĩ với đầy đủ tấm lòng và xúc cảm, từ đó thêu dệt “chất mặn” cho trang thơ. Từ đây ta thấy, Chế Lan Viên đang đề cập đến mối quan hệ giữa văn học và đời sống. Văn học phải gần gũi với đời sống, phải là tấm gương soi chiếu hiện thực để rồi lên tiếng, bênh vực và cảm thông với con người. Đồng ý rằng sức sống của một tác phẩm còn phụ thuộc vào tài năng và tâm huyết của người cầm bút hay sự lĩnh hội sâu sắc của người đọc. Nhưng nếu tác phẩm không chọn chất liệu từ đời sống, không lấy cảm hứng từ con người thì tác phẩm ấy cũng giống như cây đàn không có dây, đi vào đời sống mà chỉ chờ ngày tan biến giữa thinh không.

Và nói vậy để thấy, bất kì tác phẩm nghệ thuật nào cũng bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống – khu vườn muôn màu, muôn vẻ, đa dạng và biến đổi không ngừng, có hạnh phúc thì cũng có đớn đau, có ánh sáng của hân hoan thì cũng có phút giây cho tuyệt vọng,... Thế nhưng, khi đi vào trang văn, ta chỉ còn thấy những màu buồn lặng lẽ. Có hay không câu hỏi: “Tại sao văn chương đa phần lại thu nhận đớn đau, sao không phải là gam màu của hạnh phúc?”. Bởi xuất phát từ bản chất của văn chương, tác phẩm nghệ thuật phải là tiếng chuông vọng ra từ đời sống để rồi chất vấn về những bất công, bạo lực mà con người phải trải qua trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chỉ có đau đớn thì mới chạm đến được chiều sâu tâm hồn con người một cách chân thực nhất. Và cũng chính khi đó, con người mới cần đến đôi tay dìu dắt mình bước qua những vực sâu, nghịch cảnh. Như lời tâm sự của nhà thơ Phùng Quán:

“Có những lúc ngã lòng

Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!”

Nhưng nếu nhìn theo góc độ khác, văn chương không thể chỉ là tấm gương phải chiếu, sao chép đời sống. Bởi nghệ thuật bao giờ cũng là sự chắt chiu, nhào nặng những điều tinh túy nhất. Nên nếu người nghệ sĩ chỉ chăm chú khai thác và đưa vào trang văn hết thảy cái ồn áo, phức tạp của đời sống thì đó khác chi chỉ là chiếc máy ảnh chụp lại nguyên si cuộc sống ở bề nổi, mãi mãi chẳng thể chạm đến được chiều sâu số phận con người. Mà nói như Belinxky: “Tác phẩm văn học sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi và trả lời những câu hỏi đó”.

Vì vậy, dường như quan niệm của Lưu Trọng Lư có phần sâu sắc và suy tư hơn. Theo nhà thơ, sự sống nếu muốn trở thành nghệ thuật, phải trải qua một quá trình xây dựng đầy gắt gao, bao gồm “chắt lọc”, “trau chuốt”, “nâng lên” và “tập trung cao độ”. Vì vậy, nó cần nhiều thời gian cũng như tâm huyết, lòng kiên nhẫn của người nghệ sĩ chân chính để có thể từ những nguyên liệu thô sơ của đời sống như “dầu xanh”, “gạo trắng” được chưng cất trở thành “kén vàng”, “men rượu”. Muốn sáng tác được một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, người nghệ sĩ trước hết phải là người có tư tưởng cao cả, có ước vọng lớn lao, mang nỗi bận tâm về nhân thế cùng với sự “sáng tạo” để không chỉ chắt lọc những “vị muối của đời” mà còn phải biến những điều tinh túy ấy trở thành một sinh thể có hồn để “tác động vào lòng người đọc còn sâu mạnh hơn cả sự sống”.

Bởi vậy, với lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút, với thiên chức cao quý của người nghệ sĩ sẽ không cho phép anh buông lơi hiện thực, xa lìa những thứ thuộc về quyền sống của nhân dân. Qua lăng kính nghệ thuật độc đáo của người nghệ sĩ, ta có thể nhìn thấy cả một thời đại đang trôi trước mắt mình. Từ những chuyện vặt vảnh hằng ngày, những cuộc xung đột nội tâm bên trong mỗi nhân vật, Balzac lại có thể phản ánh cả một xã hội tư sản Pháp bị “biến sắc” bởi đồng tiền trong bộ tiểu thuyết lừng danh “Tấn trò đời” đến bi kịch của người trí thức nghèo, có hoài bão, có tài năng và muốn sống có ích bằng văn chương nhưng lại vỡ mộng trước xã hội phong kiến ngột ngạt, tù túng, bóp nghẹt hết ước mơ và lí tưởng của con người trong “Đời thừa” của Nam Cao. Ta còn thấy “vị muối của đời” được “chắt lọc”, “trau chuốt” và “tập trung cao độ” trong thi phẩm “Tây Tiến” của Quang Dũng khi khắc họa lại hình ảnh những người lính trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Có thể nói, hoạt động giữa nơi “rừng thiêng nước độc”, thường xuyên phải đối mặt với những cơn sốt rét rừng khủng khiếp đã bào mòn đi cả tuổi xuân và sức trẻ của người lính, điều này được thể hiện ở những đường nét miêu tả ngoại hình “không mọc tóc” vì thời tiết quá khắc nghiệt khiến cho người lính trụi tóc và làn da xanh xao, yếu ớt khi phải ngày đêm chống trọi với những cơn cuồng nộ của thiên nhiên “quân xanh màu lá”. Ta cũng có thể hiểu người lính đang cạo trọc để thuận lợi cho cuộc chiến đấu hay cái xanh là màu của lá ngụy trang, của chiếc áo lính. Nhưng người ta thường hiểu theo nghĩa thứ nhất, bởi cuộc sống chiến đấu khó khăn, gian khổ vì những cơn sốt rét đã nhiều lần xuất hiện trong thơ ca, điển hình là thơ của Chính Hữu: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi”. Ta thấy Quang Dũng không né tránh hiện thực nặng nề, khô ráp, khóc liệt của chiến tranh mà trái lại còn miêu tả mọi thứ hết sức chân thực. Thế nhưng, bằng sức mạnh tiềm tàng bên trong mỗi người lính, ta thấy họ chủ động trong mọi tình huống và hiện lên trong khí phách ngang tàn, mạnh mẽ, đầy ngạo nghễ trước khó khăn tựa như những chúa tể sơn lâm oai phong, lẫm liệt “dữ oai hùm”.

Những người lính mạnh mẽ, cứng cõi là thế. Nhưng khi phủ bỏ lớp áo bào, khi không phải gồng mình lên mà chiến đấu, họ cũng chỉ là những người lính trẻ giàu lòng yêu thương, không tránh khỏi cảm giác đau đớn, chênh vênh khi phải chứng kiến đồng đội mình lần lượt ngã xuống vì một lí tưởng lớn lao:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Đọc đến đây, ta có thể khẳng định Quang Dũng là nhà thơ của thời đại, là người nghệ sĩ của nhân dân. Bởi hòa chung không khí hào hùng của cuộc kháng chiến, nhìn chung các tác phẩm thơ ít nói đến những mất mát, hi sinh. Thế nhưng Quang Dũng đã khắc họa lại một không khí thê lương, bi thảm trước sự ra đi của nhiều người lính. Hình ảnh nhiều nắm mồ nằm “rải rác” trên đường hành quân gợi lên một không khí xa xôi, lạnh lẽo và đau buồn. Nhịp ngắt 4/3 khiến trọng âm rơi vào từ “mồ” vừa cho ta cảm nhận về khoảng không vời vợi giữa sự sống và cái chết, vừa diễn tả thực tế đau thương nơi chiến trường. Nếu mộ là những công trình được xây dựng đàng hoàng, tử tế thì “mồ” có chi chỉ là nắm đất đơn sơ được người bạn đồng chí thương xót mà vội vàng chôn cất. Đau đớn là thế, nhưng sang đến câu thơ thứ hai “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” lại một lần nữa khẳng định tinh thần quyết tâm, ý chí kiên cường của người chiến sĩ. Biết bao yêu thương và hứa hẹn cho hai tiếng “đời xanh” ấy, thế nhưng vì hòa bình đất nước, vì độc lập dân tộc những chàng trai trẻ sẵn sàng cống hiến cả đời mình.

Hình ảnh “áo bào thay chiếu” là một thực tế được Quang Dũng kể lại: “Tử sĩ nằm xuống không đủ manh chiếu để liệm”. Song để xóa đi cái bi thương, tạo niềm an ủi, trân trọng đối với người lính, tác giả đã phủ lên thi thể của người lính một cái nhìn lãng mạn bằng hình ảnh chiếc “áo bào” cao quý, thường được vua ban cho những vị tướng có công với đất nước. Bằng ngôn ngữ độc đáo, Quang Dũng vừa bày tỏ lòng tự hào, tôn kính đối với những người chiến sĩ đã hi sinh, vừa cho người đọc cảm nhận nỗi đau đớn vô vàn của cuộc đời người lính, tựa như tiếng “gầm” thét vang vọng của núi sông trong nỗi cô đơn, trống vắng “khúc độc hành”. Quả thật, nhà thơ không chỉ khắc họa lại hiện thực khóc liệt nơi chiến trường mà còn sáng tạo, đan cài chất lãng mạn trên cái nền của hiện thực, khiến cho những chất liệu thô sơ của đời sống khi đi vào trang thơ mang đậm giá trị nghệ thuật. Bên cạnh đó, Quang Dũng còn sử dụng nhiều từ ngữ giàu hình ảnh và cảm xúc khiến cho trang thơ chạm vào và làm rung động mạnh mẽ đến trái tim người đọc. Để họ một lần nữa cảm nhận và trân trọng cuộc sống của mình, biết sống làm sao cho xứng đáng với sự hi sinh quên mình của thế hệ cha anh!

Thế nhưng, khi bàn về văn học và đời sống, sẽ ra sao nếu ta chỉ mãi là người đứng ngoài cuộc và đặt ra những yêu cầu cho người nghệ sĩ? Đồng ý rằng văn học phải phản ánh nhưng không được sao chép đời sống, văn học phải cất lên những tiếng chuông cảnh tỉnh và cứu rỗi những kiếp người. Nhưng liệu văn học có làm được điều đó không? Tiếng nói nhỏ nhoi của người nghệ sĩ làm sao vang vọng khắp đất trời? Có lẽ, đây cũng chính là điều khiến cho nhiều độc giả phải day dứt khi đến với “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Trong đó, ta đặc biệt quan tâm đến chi tiết ở cuối tác phẩm – khi Phùng đã hoàn thành nhiệm vụ trở về. Với tư cách của một người nghệ sĩ chân chính, Phùng không thể nào quên những sự thật lấm lem, trần trụi, đau đớn về cuộc sống mưu sinh của gia đình người đàn hàng chài đằng sau bức ảnh nhiệm màu mà ống kính đã ghi lại được. Nhưng còn vị trưởng phòng, những gia đình sành nghệ thuật đang ngày ngày ấp yêu, nâng niu tấm ảnh, có biết về sự thật đó không? Biển người mênh mông, lòng người lại quá hẹp, làm sao Phùng có thể giải thích và những người ngoài cuộc có thể lắng nghe, thấu hiểu? Ta không thể trách họ, cũng không thể trách người nghệ sĩ vì đã chụp được “một cảnh đắt trời cho”, ta chỉ có thể công nhận và tận hưởng vẻ đẹp của nghệ thuật nhưng đừng bao giờ bằng lòng với những gì mình đang thấy bởi “Người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường mù lòa trước những điều cốt tủy” (Saint – Ex).

Nhìn lại bản thân, tôi cảm thấy mình thật may mắn vì đã được tiếp cận với văn học. Bởi những trang sách dù mỏng hay dày, dù cạn hay sâu ít nhiều cũng đều mang hơi thở của đời sống, để khi gấp sách lại mà bước vào đời, tôi có thể chấp nhận và trân trọng hết thảy những hạnh phúc và khổ đau của cuộc đời tôi đang sống. Thế nên người nghệ sĩ chân chính ơi, dẫu biết rằng nghệ thuật và đời sống mãi mãi tồn tại một khoảng cách vô hình và anh chắc cũng đang bất lực trên từng trang viết. Nhưng xin anh đừng bao giờ bỏ cuộc, hãy dấn thân vào đời mà quan sát, chiêm nghiệm, phát hiện những nét đẹp bằng nhịp đập trái tim anh. Đồng thời, cũng đừng quên gia cố, sáng tạo để những khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc đời bất tử trong thơ anh. Về phía bạn đọc, tôi thiết nghĩ ta không nên chỉ lĩnh hội những điều mình nghe thấy. Bằng những trải nghiệm sâu sắc trên dòng đời, những phút giây trầm mặt rồi lại vỡ òa trên trang sách, ta cũng nên đối chiếu với hiện thực, để tác phẩm “nhích gần” hơn với đời sống!

Nói tóm lại, cuộc đời là nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tác văn chương, là con suối mát vẫn ngày đêm âm ỉ, là cánh rừng bạt ngàn những gió cuốn lao xao – đẹp đẽ nhưng cũng ẩn chứa nhiều bí ẩn luôn mời gọi, khơi dậy cảm xúc của các nghệ sĩ yêu văn chương. Dẫu biết rằng giờ đây, đã xuất hiện nhiều máy ảnh ghi lại được tiếng suối, diễn tả cả khu rừng bạt ngàn. Nhưng tôi tin chẳng có thiết bị tinh vi nào có thể chụp lại được nỗi đau, tiếng lòng của một người khi đứng trước cuộc đời ngoài trang văn!​
 
Từ khóa Từ khóa
chế lan viên lưu trọng lư văn học và đời sống
  • Like
Reactions: Vanhoctre
792
1
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.