Chia Sẻ Vua quan nhà Nguyễn - đối tượng phản ánh của thơ ca trào phúng Nam Bộ nửa cuối thế kỉ XIX

Chia Sẻ Vua quan nhà Nguyễn - đối tượng phản ánh của thơ ca trào phúng Nam Bộ nửa cuối thế kỉ XIX

Triều Anh
Triều Anh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Tiếp theo chủ đề Thực dân Pháp đối tượng phản ánh của thơ ca trào phúng Nam Bộ nửa cuối thế kỉ XIX. Hôm nay Triều Anh xin mời bạn đọc cùng tiếp tục tìm hiểu thêm một đối tượng phản ánh của thơ ca trào phúng Nam Bộ nửa cuối thế kỉ XIX. Đó chính là vua quan triều đình nhà Nguyễn.


Cuối thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn bất lực, bạc nhược đã dâng đất đầu hàng thực dân Pháp. Sau khi Pháp đặt xong bộ máy cai trị, xã hội Việt Nam đã có nhiều biến đổi từ chính trị, kinh tế và cả đời sống văn hóa. Hình thái xã hội thay đổi, kéo theo lớp người mới được hình thành. Họ tham sống sợ chết, tham bả vinh hoa, tham quyền thế và tiền tài mà chịu chữ đầu Tây. Lớp người này xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành bọn chó săn khát máu của thực dân Pháp. Với hành động phản quốc đớn hèn của bọn sợ Tây, đầu hàng Tây, các nhà nho yêu nước đã công khai lên tiếng tố cáo, phê phán bằng những dòng thơ đậm chất trào phúng. Hàng loạt những nhà thơ như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Thủ Khoa Huân, Huỳnh Mẫn Đạt, Học Lạc, Nhiêu Tâm...đều lên tiếng tố cáo những ông quan triều đình nhà Nguyễn nhu nhược bất tài từ kinh thành cho đến các thôn ấp.


Xem thêm
Diện mạo thơ trào phúng Nam Bộ nửa cuối thế kỉ XIX
Diện mạo thơ trào phúng Nam Bộ (phần 1)
Các nhà thơ trào phúng Nam Bộ nửa cuối thế kỉ XIX
Các công trình nghiên cứu thơ trào phúng Nam Bộ nửa cuối thế kỉ XIX

Một trong những nhà thơ sớm lên tiếng bất bình phải kể đến Phan Văn Trị. Ông là tác giả có nhiều bài thơ đả kích, chỉ trích hành vi hèn nhát, bạc nhược của triều đình nhà Nguyễn. Cử Trị từng cười thẳng vào mặt các ông quan triều đình trong bài Mất Vĩnh Long: Tan nhà cám nỗi câu li hận/ Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa/ Gió bụi đòi cơn xiên gió ngã/ Ngậm cười hết nói nỗi quan ta. Cảnh khốn cùng đến phải tan nhà nát cửa, biệt ly, sầu hận mà người dân phải chịu đều do sự nhu nhược, đớn hèn không dám cùng nhân dân đánh Tây của quan ta. Vì vậy bốn câu cuối trong bài Mất Vĩnh Long người đọc thấy rõ tấm lòng đau đáu của tác giả trước an nguy của đất nước của nhân dân. Bài thơ còn là lời bất bình của Cử Trị đối với quan quân triều đình. Ở một bài thơ khác, Phan Văn Trị cũng đã viết: Muỗi hỡi! Thân mi sướng mọi điều!/ Thiếu chi chi nữa lại còn kêu?/ Giường ngà chiếu ngọc từng nương dựa/ Má phấn môi son cũng ấp yêu/ Béo miệng chẳng thương con trẻ dại/ Cành hông nào đoái chúng dân nghèo/ Ngày nào miễn gặp cây xơ quất/ Xử tội nhà ngươi mắt chẳng nheo! (Con muỗi). Phan Văn Trị đã mượn hình ảnh con muỗi hút máu người để lên án hành động vô nhân tính của bọn Kí lục, Thông ngôn, Chánh học,...Chúng là những Hợp Cương, Tổng Ca, Hợp San, Tổng Trinh, Thủ Nho, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Trực, Nguyễn Văn Nguyện,...dựa hơi Tây mà “béo miệng” “cành hông”. Nhà thơ đã dõng dạc tỏ rõ sự phản kháng mạnh mẽ của mình bằng ý muốn dùng cây xơ quất để xử tội bọn bán nước hại dân.

Giống như Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa đã nói lên tiếng nói mỉa mai của mình trước quan nhà Nguyễn đớn hèn vô tích sự: Ai khiến thằng Tây tới vậy cà? Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba/ Hẳn hòi ít mặt đền nợ nước/ Nháo nhác nhiều tay bận nỗi nhà (Ai xui Tây đến). Từ khi Tây đến, cuộc sống an nhàn của nhân dân bỗng chốc dậy phong ba. Đất nước lâm nguy, nhân dân rơi vào cảnh lầm than, ly hận. Đây là lúc “những trang tuấn kiệt” phải trả thù nhà đền nợ nước, đem lại cuộc sống bình an cho nhân dân. Thế mà chỉ thấy có “ít mặt”. Còn những tay “bận việc nhà” vì lý do như mẹ già, con thơ nên không thể cùng chiến tuyến với dân cứu nước thì nhiều vô số kể. Từ “nháo nhác” được dùng rất đắc địa đã tố cáo bản chất hèn nhát, sợ sệt trước uy vũ của “tàu thiết tàu đồng”. Bọn chúng không ai khác hơn là bọn quan triều đình, ngày lo mặc ấm, tối ngủ chăn êm nhưng thật vô tích sự.

Có phần mãnh liệt hơn Phan Văn Trị và Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Hữu Huân trong bài Mang gông đã thẳng thắn phê phán hành vi phản quốc của một bộ phận ông quan: Thắng bại, dinh hư trời khiến chịu/ Phản thần đéo hỏa đứa cười ông. Trước khi bị hành hình, Nguyễn Hữu Huân đã làm bài thơ tuyệt mệnh này để tỏ rõ ý chí kiên cường và thái độ bất hợp tác với giặc. Hơn thế, ở hai câu cuối, người anh hùng Nguyễn Hữu Huân đã lên án và khinh miệt, chửi thẳng mặt bọn phản quốc theo giặc cam tâm làm trâu ngựa cho Pháp mà giày xéo quê hương.

Thể hiện rõ thái độ phê phán triều đình phong kiến nhu nhược, Huỳnh Mẫn Đạt viết: Dãi dầu giúp kẻ khi soi tối/ Giúp nước vui người buổi khát trưa/ Rường cột miếu đường không xứng mặt/ Chống ngăn bờ cõi cũng bừa bừa (Cây dừa). Tác giả ví mình như cây dừa - loài cây đặc trưng của miệt vườn Nam Bộ. Cây dừa không chỉ có bề ngoài ưa nhìn mà còn có rất nhiều trái ngon. Đặc biệt, dầu dừa còn là chất đốt thắp sáng cho người dân khi tối trời. Qua việc miêu tả cây dừa, Huỳnh Mẫn Đạt đã tỏ rõ mong muốn “dãi dầu giúp kẻ khi soi tối”, được góp phần tài hèn sức mọn của mình cho đất nước nhân dân. Thế nhưng, người Nam Bộ lúc bấy giờ còn phát hiện ẩn ý của nhà thơ được thể hiện qua câu 7, 8: Rường cột miếu đường không xứng mặt/ Chống ngăn bờ cõi cũng bừa bừa. Gỗ cây dừa rất xốp, không thể dùng để làm rường cột cho nhà ở hoặc miếu đường nhưng có thể dùng để làm bờ giậu để chống ngăn chó mèo,...Lời thơ chỉ là nêu công dụng của gỗ cây dừa. Vậy mà Huỳnh Mẫn Đạt lại dùng các từ “rường cột”, “miếu đường”, “bờ cõi” thì thật là có gì đó bất hợp lí. Cũng từ điểm bất hợp lí này, ta hiểu thêm một tầng nghĩa nữa được ẩn giấu dưới sau lớp nghĩa tả cây dừa. Tác giả tự nhận mình là tài hèn sức mọn, không đủ sức làm nên “rường cột miếu đường”, ông “chưa xứng mặt” để làm chuyện lớn lao. Nhưng nếu để “chống ngăn bờ cõi” thì cũng “bừa bừa”. Hóa ra Huỳnh Mẫn Đạt đang vạch trần bản chất vô tích sự của vua quan bất tài; đồng thời thể hiện rõ mong muốn được dùng tài hèn sức mọn mà bảo vệ nước nhà trong cơn li loạn. Ý muốn này đã cho ta thấy rõ quan niệm đứng hẳn về phía nhân dân mà phản đối hành động lần lượt cắt đất cầu hòa của vua quan triều đình nhà Nguyễn. Vì vậy bài thơ là lời oán trách, chế giễu của tác giả đối với triều đình. Dám nói lên tư tưởng của mình như thế khi vẫn còn làm quan tại triều, cho thấy một Huỳnh Mẫn Đạt khí khái, bản lĩnh ngay cả trong cuộc sống, sự nghiệp làm quan và trong thơ

Cùng phản ánh bản chất của bọn vua quan triều đình nhà Nguyễn nhu nhược bất tài, Bùi Hữu Tú viết: Hồ ly mi ở rất vô nghì/ Ngọc đế rơi đầu lỗi tại mi!/ Hiển hích Trung tôn ngồi ngủ gục/ Linh thiêng Hộ pháp đứng từ bi/ Ông Tiêu lè lưỡi coi lên lạ/ Chú Ác vinh tay ngó rất kỳ/ Bắc đẩu ở kề không tiếp cứu/ Nam tào hầu cận chẳng linh chi (Hồ Ly). Mượn chuyện hồ ly vào chùa ăn quả trên bàn phật, Bùi Hữu Tú có dịp phơi bày toàn bộ bản chất của các vị thánh thần tiên phật ở cõi trời. Từ Ngọc Hoàng đại đế đến Nam Tào, Bắc Đẩu thực ra chỉ là phỗng đá mà thôi. Bởi phò trợ Ngọc Hoàng là Trung Tôn thì đã “ngồi ngủ gục”, còn Hộ pháp hai bên thì chỉ đứng “từ bi” (không can thiệp hay trách phạt). Hàng loạt các vị thánh thần tiên phật khác như ông Tiêu, chú Ác, Bắc Đẩu, Nam Tào theo hầu cận Ngọc Hoàng cũng chỉ ngó mắt trông mà lắc đầu lẽ lưỡi, tuyệt nhiên “chẳng linh chi”, không giúp ích được gì cho Ngọc Hoàng. Đến đây, có thể thấy, bài thơ Hồ Ly của Bùi Hữu Tú mang giá trị trào phúng rất cao. Thông qua hình tượng Ngọc Hoàng và các vị tiên phật thánh thần ở cõi trời, tác giả đã phơi bày sự bất lực đến bù nhìn của vua quan triều đình nhà Nguyễn. Trước nạn ngoại xâm, chúng chẳng được tích sự gì, chỉ như “ông phỗng đá” cứ mặc cho “non nước đầy vơi”.

Một bài thơ khác khuyết danh tác giả được làm trong giai đoạn này cũng thể hiện rõ thái độ phê phán triều đình nhà Nguyễn bỏ mặc nhân dân trước họa ngoại xâm: Muôn dê bao sá loài Hồ lỗ/ Một tưởng hàng vương, một nghiến răng (Tô Vũ, khuyết danh). Bài thơ lấy tích Tô Vũ chăn dê để nói lên tâm sự của tác giả trước thời cuộc. Mượn chuyện Tô Vũ, tác giả khuyết danh ẩn ý nhắc đến thời điểm nguy nan của đất nước. Thực dân Pháp đã đánh chiếm Nam Kì lục tỉnh, người thì ẩn nhẫn chờ thời, kẻ đang tâm bán rẻ lương tri đi làm tay sai cho giặc. Nhiều sĩ phu yêu nước giữ vững “lòng son” với đất nước nhân dân như Tô Vũ thà chịu chăn dê chứ không đầu phục Hung nô. Đây cũng là ý chí, quyết tâm của những người yêu nước lúc bấy giờ. Hai câu cuối của bài thơ giúp người đọc nhận rõ quan niệm của các sĩ phu trước thời cuộc. Họ thà chọn “chăn dê” sá chi sự hung hăng tàn ác của loài “Hồ lỗ”/ Pháp. Mỗi khi tưởng đến chuyện “hàng vương” họ cũng “một nghiến răng”. Hành động “nghiến răng” đã tỏ rõ thái độ không thuận, “không phục” trước quyết định đầu hàng giặc của Tự Đức. Nói cách khác, tác giả đã vạch trần bản chất yếu hèn nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn trước thực trạng đất nước lâm nguy.

Góp thêm tiếng nói đả kích các ông quan, Học Lạc đã dũng cảm gọi cả tên họ, danh phận của những kẻ tham quan. Theo lời dẫn của Huỳnh Mẫn Chi, năm 1945, sau khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương, một nhóm nhà báo từ Sài Gòn - Gia Định xuống Cai Lậy - Mỹ Tho gặp ông giáo Nguyễn Văn Nhã. Trong buổi gặp gỡ ấy, các nhà báo đã được nghe một số bài thơ trào phúng rất thú vị. Ông giáo Nguyễn Văn Nhã khẳng định là do Học Lạc sáng tác. Vì bài thơ đã chửi thẳng tên tuổi của các ông quan nên đành không đề tên tác giả. Nếu quả thực, Ông thượng Nguyễn là của Học Lạc, đọc xong thơ, ta càng thấy bản tính không biết sợ của nhà thơ. Học Lạc viết: Nghĩ thương ông thượng Nguyễn Kim Tri/ Khôn khéo không ai dám sánh bì/ Gói bánh bon chen bưng dưới chợ/ Trồng trầu tái mót bán trong ty/ Bề nhà đầy đủ cho vừa vợ/ Việc nước hư nên chẳng thiết gì/ Cái án họp binh nên xẻ thịt/ Đành ăn hối lộ lại tha đi!. Nguyễn Kim Tri chính là quan Tổng đốc phủ Định Tường. Ông ta nổi danh là một kẻ hà tiện và khét tiếng tham ô. Thay vì cung phụng chiều chuộng thương yêu vợ con hết mực, hắn đã bắt họ phải làm việc như kẻ ăn người ở trong nhà. Buộc vợ con phải gói bánh đem chợ bán. Hắn ta còn bắt lính thay vì ngày đêm rèn luyện võ nghệ, giúp đỡ dân lành thì phải trồng trầu ngay tại nơi làm việc để có thêm thu nhập. Cặp mắt tinh đời của Học Lạc còn quan sát thấy Nguyễn Kim Tri chỉ có tài bắt nạt vợ, ngoài ra “việc nước hư nên” hắn đều chẳng quan tâm đến. Để minh chứng cho lời nói của mình, Học Lạc đã chỉ ra minh chứng: “Cái án họp binh” nên xử thật nặng tội thì chỉ cần có đưa hối lộ là quan Thượng “lại tha đi”. Câu kết nghe như là thật tình kể về một vụ xử án của quan Thượng Nguyễn, thế nhưng bằng ngòi bút trào phúng bậc thầy, Học Lạc lại tố cáo, vạch trần thêm một cái tội của Nguyễn Kim Tri - tội ăn hối lộ, một trong những trọng tội của xã hội lúc bấy giờ.

Một bài thơ khác cũng được ông Nguyễn Văn Nhã cho là của Học Lạc, đó là bài Vịnh quan hùng dõng Nguyễn Công Nhàn (Quan hùng dõng). Bài thơ có nhan đề về một vị quan hùng dõng, thế nhưng khi đọc thơ, ta mới thấy cách nói ngược của quán ngữ Nam Bộ được Học Lạc vận dụng hiệu quả: Có quan hùng dõng Nguyễn Công Nhàn/ Hùng dõng nhưng ngài cũng ít gan/ Giặc tới Bến Tranh run lập cập/ Tàu vô cửa Tiểu chạy bò càng!/ Mưu thần trước biết ngăn sông chặn/ Kế giữ sau toan đóng cửa hàng/ Thất thủ muốn liều cho rỡ tiết/ Ngặt vì con, vợ bận chưa an. Bài thơ có kết cấu như một truyện cười của văn học dân gian. Câu thơ mở đầu chắc đã làm cho quan Hộ đốc Nhàn ưỡn ngực lên vì tự đắc. Thế nhưng ông chưa kịp khoe khoang với mọi người thì Học Lạc đọc luôn một tràng các câu thơ trái ngược với biểu hiện “hùng dõng”. Trong lúc quan quân cùng nghĩa quân và nhân dân dũng cảm đánh giặc thì Hộ đốc Nhàn lại “run lập cập” mà “chạy bò càng”. Lẽ ra với chức Tổng đốc phủ Định Tường (Mỹ Tho), hắn phải hùng dũng điều binh khiển tướng cùng chung sức bảo vệ từng tấc đất ngọn rau của quê hương xứ sở. Vậy mà, dù đã bày mưu lắp sông ngăn bước tiến của giặc, Nguyễn Công Nhàn “hùng dõng” đến mức sợ hãi mà bỏ trốn. Đọc đến đây, người đọc mới vỡ lẽ về một ông quan “hùng dõng” thứ thiệt. Chính vì sự “hùng dõng” của hắn mà quân ta thua trận thảm bại.

Thẳng thắn lên tiếng tố cáo bọn “quan tay sai”, Phan Văn Trị đã đi đầu trong cuộc bút chiến với Tôn Thọ Tường. Vốn bản tính ranh ma xảo quyệt, tên họ Tôn đã thanh minh, biện minh cho hành động theo Tây của mình là “bất đắc dĩ”, là “vì nước vong thân”. Vì vậy ở các bài Tôn phu nhân quy Thục, Từ Thứ quy Tào và 10 bài Tự thuật hắn đã tung hỏa mù nhằm lấy “vải thưa che mắt thánh” để tranh thủ sự ủng hộ của người dân. Hiểu được sự gian xảo của Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị đã quật cho hắn những đòn quyết liệt thích đáng. Trong bài thơ Tôn phu nhân quy Thục, tác giả đã phản đòn bằng cách dùng lại tích em gái Tôn Quyền sang nhà Thục. Việc dùng lại điển tích này chủ đích Phan Văn Trị ca ngợi tấm gương nữ lưu hào kiệt, từ đó dạy cho Tôn Thọ Tường một bài học “vỡ lòng”: Hai vai tơ tóc bền trời đất/ Một gánh can thường nặng núi sông/ Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết/ Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng! (Tôn phu nhân quy Thục, Họa thơ Tôn Thọ Tường). Sau khi khẳng định Tôn phu nhân là một tấm gương tốt đẹp về hành động vì nghĩa vong thân, Phan Văn Trị đã mượn lời vị nữ lưu này dạy dỗ Tôn Thọ Tường phải Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng. Câu thơ cuối đã thể hiện rõ hàm ý phê phán hành động bán nước hại dân của Tôn Thọ Tường. Lần khác, họ Tôn biện bạch việc theo Tây chẳng qua là giống với Từ Thứ quy Tào. Phan Văn Trị cũng dập lại luận điệu xảo trá của hắn bằng bài thơ Hát bội, một đề tài không ăn nhập gì với chuyện “quy Tào” của hắn. Nhà thơ đã ví Tôn Thọ Tường như phường hát bội: Đứa ghẻ ruồi, đứa lác voi/ Bao nhiêu xiêm áo cũng trơ mòi (Hát bội). Hai câu thơ đã vạch rõ bộ mặt gớm ghiếc của bè lũ tay sai bán nước Tôn Thọ Tường. Dù hắn có che đậy bằng bao nhiêu xiêm áo đẹp thì bản chất “ghẻ ruồi” “lác voi” làm cho chúng càng xấu xa. Cuối bài thơ, Phan Văn Trị viết: Hèn chi chúng nói bội là bạc/ Bôi mặt đánh nhau cú lại thoi (Hát bội). Quả thật đây là ngón đòn hiểm mà Phan Văn Trị dành riêng cho Tôn Thọ Tường. Nhà thơ đã vạch trần bản chất “bội là bạc” của tên bán nước hại dân vô liêm sỉ. Bởi chỉ có những kẻ như hắn mới “bôi mặt đánh nhau”, “gà nhà đá gà nhà” mà thôi. Ngoài Tôn phu nhân quy Thục - Họa thơ Tôn Thọ Tường và Hát bội, Phan Văn Trị còn họa lại 10 bài Tự thuật của Tôn Thọ Tường. Nhà thơ đã xông trận bằng việc xuất khẩu thành thi 20 bài họa. Với những bài họa này, Phan Văn Trị đã chỉ ra những giả dối trong luận điệu của Tôn Thọ Tường, từ đó vạch trần bản chất phản bội, xảo trá đã ăn sâu trong đầu hắn: Đáy giếng trông trời trương mắt ếch/ Làm người như vậy cũng rằng là (Tự thuật 6A). Tiếp theo phát pháo mở màn cho cuộc bút chiến giữa các nhà nho yêu nước và Tôn Thọ Tường, nhiều nhà thơ trào phúng cũng đã tấn công trực diện vào đại diện bọn bán nước hại dân. Trước đòn tấn công tập thể của các nhà thơ trào phúng Nam Bộ lúc bấy giờ, Tôn Thọ Tường bẽ mặt mà lộ nguyên hình là một tên nho học cam tâm làm quan cho giặc, phản nước hại dân.

Có thể nói, cười vua nhu nhược bất tài và cười quan sợ giặc, theo giặc là hai tiếng cười phổ biến nhất của thơ trào phúng Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX. Bằng các tác phẩm thơ trào phúng, các nhà nho yêu nước đã châm biếm, đả kích không khoan nhượng, không e dè, không kiêng nể giai cấp thống trị đớn hèn. Những ai trong bộ máy cai trị của triều đình nhà Nguyễn có can dự vào việc “bó gối xin hàng”, xuôi tay đầu Tây để thêm danh thêm phận đều được các tác giả trào phúng lột mặt nạ, vạch trần bản chất nhu nhược, vô tích sự, phản quốc hại dân. Vì thế đối tượng châm biếm của họ rất đa dạng. Có khi là ông vua nhu nhược bất tài, có lúc lại là các ông quan hèn nhát sợ giặc mà đầu hàng giặc. Vì thế, ta có thể khẳng định rằng các bài thơ có đối tượng phê phán là các ông vua, ông quan đương triều và bọn tay sai bọn bán nước hại dân đã làm phong phú thêm, hoàn chỉnh, sinh động thêm nội dung thơ trào phúng của văn học trào phúng Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX nói riêng và văn học trào phúng thế kỷ XIX nói chung.
............................................
Triều Anh​
 
Từ khóa
thơ ca trào phúng thơ trào phúng nam bộ thơ trào phúng phan văn trị đối tượng phản ánh của thơ trào phúng
370
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top