Xuân Quỳnh – Cánh chuồn trong giông bão

Tình yêu là sức mạnh chở che, gắn bó, nhưng cũng mỏng manh như cách chuồn báo bão, mỏng mảnh như màu khói, dễ vỡ như một thứ bình pha lê. Và nhan sắc cũng mong manh, cũng bạc vô cùng. Làm sao một người đa mang cái cõi lòng không yên đó chẳng phấp phỏng lo âu cho đặng! Sợ nhất là vì một lý do nào đấy, đôi tay trong tay kia bỗng buông lỏng, bỗng rời nhau ra, mọi dấu hiệu "trở chứng" đều khiến Xuân Quỳnh hoang mang nghi ngại: "Mùa thu nay sao bão mưa nhiều - Những cửa sổ con tàu chẳng đóng - Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm - Em lạc loài trước sâu thẳm rừng anh"

nữ sĩ Xuân Quỳnh.jpg


1. Khắc nghiệt và yên lành

Đúng là Xuân Quỳnh viết rất nhiều về cỏ, về hoa dại, về cát... Nói về những thứ nhỏ nhoi, trơ trọi và quên lãng ấy, với Xuân Quỳnh, âu cũng là tự hát về cái thân phận mình, cái kiếp mình. Vậy mà tôi cứ thấy hình ảnh chuồn chuồn báo bão ám vào thơ Xuân Quỳnh mới da diết làm sao! Cánh chuồn bé bỏng mỏng manh ấy bay ra từ ẩn ức của một đứa trẻ côi cút, chơ vơ giữa cõi trần ai đầy bất trắc, trôi nổi vô định này. Nó quá nhạy cảm với bão tố, mang tin bão về, để rồi chẳng tìm đâu ra một chốn nương náu chở che:

Chặn bốn phía những cỏ cây tội nghiệp
Trái đất này sẽ nhận chìm trong mưa
Không tìm đâu một chốn nương nhờ
Mỏng manh thế làm sao chịu nổi
Chuồn chuồn ơi báo làm chi bão tới
Trời bão lên rồi mày ở đâu?


Có lẽ thế, thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời.

Mọi nhãn quan thơ ca thường có xu hướng phân lập cái thế giới sống động này thành các đối cực. Tùy thuộc từng tạng người, tạng thơ mà cặp đối cực nào sẽ nổi trội lên, giành lấy quyền quán xuyến. Và thế giới nghệ thuật được sáng tạo trong thơ, xét đến cùng, là sự tương sinh, tương khắc của các đối cực ấy. Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hoá khôn cùng của chúng. Ở đó, trái tim thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhoài giữa biến động và yên định, bão tố và bình yên, chiến tranh và hòa bình, thác lũ và êm trôi, tình yêu và cách trở, ra đi và trở lại, chảy trôi phiêu dạt và trụ vững kiên gan, tổ ấm và dòng đời, sóng và bờ, thuyền và biển, nhà ga và con tàu, trời xanh và bom đạn, gió lào và cát trắng, cỏ dại và nắng lửa, thuỷ chung và trắc trở, xuân sắc và tàn phai, ngọn lửa cô đơn và đại ngàn tối sẫm...

Cõi đời vốn đã đầy cay cực, xáo động, Xuân Quỳnh lại sinh đúng vào những năm tháng không yên, bản thân, ngay từ trứng nước đã đa mang một cõi lòng không yên định, đầy những lo sợ không đâu như một thứ nghiệp dĩ. Thế mà, người đàn bà ấy lại coi hạnh phúc là yên lành và suốt đời cứ cố kiếm tìm, vun trồng, gìn giữ cái yên trong một thế giới đầy nắng nôi dông bão, trong một thời buổi cơ hồ chẳng có chút nào yên. Có phải đó vừa là nguyên uỷ làm nảy sinh quan niệm và ước nguyện của hồn thơ này, lại vừa là thực tại mãi mãi lưu đày đời thơ này?

2. Anh chờ em cho em vịn bàn tay

Sinh ra đã chịu đựng nỗi chơ vơ, côi cút, rồi trên mỗi bước đường đời, mặc cảm côi cút cứ truy đuổi sát gót như một thứ bóng đè lên cuộc đời người phụ nữ này. Vì thế, có thể thấy rằng: cuộc đời và thơ Xuân Quỳnh là một nỗ lực vượt thoát nỗi chơ vơ định mệnh đó. Cũng vì thế, luôn thường trực ở hồn thơ này, một khao khát đến khắc khoải: khao khát được gắn bó và chở che. Dĩ nhiên, ở một người bản tính đôn hậu, chuyện ấy là song phương: vừa được gắn bó với đời, vừa được đời gắn bó; vừa che chở người, vừa được người che chở. Đó là nội dung hệ trọng của hạnh phúc theo quan niệm của Xuân Quỳnh. Và đời chị là hành trình kiếm tìm một hạnh phúc như thế. Chị phải trở thành thi sĩ của tình yêu, phải đặt kỳ vọng vào tình yêu, điều ấy dường như là tất yếu. Bởi vì tình yêu là cứu tinh và cũng là cứu cánh của thi sĩ. Lại cũng tất yếu: tình yêu với Xuân Quỳnh, trước nhất, cao nhất và sâu xa nhất, không thể là gì khác hơn một "sự gắn bó giữa hai người xa lạ"- "Rằng tình yêu không thể tách rời - khi đó em là máu thịt anh rồi - nếu cắt đi anh sẽ ngàn lần đau đớn". Chị nghiệm ra bản chất gắn bó máu thịt ấy ở mọi chốn, mọi thứ trong thế giới này, ở cả sóng và bờ, đồi đá ong và cây bạch đàn, con đường và bàn chân, đường ray và con tàu, tình yêu và thơ ca... mà đậm nhất là ở thuyền và biển: "Nếu từ giã thuyền rồi - Biển chỉ còn sóng gió - Nếu phải cách xa anh - Em chỉ còn bão tố"... Thế nghĩa là, còn thiêng liêng hơn cả những thủy chung, những duy nhất, tình yêu với Xuân Quỳnh là niềm khát khao được gắn bó với con người và cõi sống này. Dĩ nhiên, trước tất cả là gắn bó với người thương, người thân.

"Chất keo" của mối gắn bó đó không có gì khác hơn trái tim và bàn tay. Đây là những hình ảnh trở đi trở lại đầy ám ảnh trong thơ chị. Nó là hiện thân sống động của quan niệm về tình yêu Xuân Quỳnh. Chị đặt niềm tin vào một trái tim thiết thực, biết khước từ mọi biến hoá cao sang hoa mỹ, dẫu có thành vàng, thành mặt trời... Điều ước duy nhất của trái tim kia là: được làm chính nó! Để "làm sống lại những hồng cầu đã chết - biết rút gần khoảng cách của yêu tin", và thiêng liêng hơn là, để gắn bó trở thành vĩnh viễn - "biết yêu anh cả khi chết đi rồi". Còn bàn tay sinh ra là để tuân theo ý nguyện của trái tim đó (Bàn tay em). Trong tình yêu, những nụ hôn ngây ngất, những vòng ôm ghì riết, những ánh nhìn đắm đuối... những cuồng nhiệt hưởng thụ ái tình và tuổi trẻ cứ việc mê hoặc những cây bút thơ tình nào khác. Còn chị, Xuân Quỳnh chỉ chọn cho mình một cử chỉ tay trong tay. Vì sao ư? Đó không hẳn là tình tự, đó là biểu tượng của gắn bó, nương tựa lẫn nhau của cái tôi Xuân Quỳnh với một cái tôi khác để mà vượt qua, để mà trụ vững trong cõi đời đầy bất trắc, đầy những chảy trôi, phiêu dạt sắc sắc không không này:

- Đường tít tắp không gian như bể
Anh chờ em cho em vịn bàn tay

- Bàn tay em trong tay anh xiết chặt

- Thấy anh về cuống quýt nắm tay nhau
Cỏ dưới chân gió thổi trên đầu
Trái tim đập sau lần áo mỏng

- Tay ấm trong tay - chồi non lại biếc

- Tay ta nắm lấy tay người
Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua


3. Chất thơ từ tổ ấm

Tôi nhớ, trước câu thơ "Căn phòng con riêng của chúng mình - Nước trong phích hoa trong bình gốm cũ", ai đó đã "cười nụ" xem nó như một thứ thơ "chưa sạch nước cản". Cũng có phần nào ngộ thật! Nước lại chả trong phích, hoa lại chả trong bình! Ấy thế mà chỗ khác người, hơn người của Xuân Quỳnh, xem ra, lại chính là ở đấy! Những câu thơ rất không đâu kia, một người khác khó lòng viết nổi. Nó thuộc về một cảm nhận riêng đối với một chất thơ mà Xuân Quỳnh tỏ ra mẫn cảm và giàu có hơn ai hết: chất thơ từ tổ ấm! Gọn hơn, nó là cảm giác thơ về đời sống thường nhật của Xuân Quỳnh. Nếu định tìm ở các câu thơ như vậy những trau chuốt, hoa mỹ, sẽ vô tình đánh mất đi nhịp rưng rưng không chút mơ hồ của một trái tim đang bao bọc, quấn quýt với mọi đồ vật, thân thuộc đơn sơ thôi, nhưng mà thuộc về cái tổ ấm, thuộc về cái cõi bình yên có thật của mình, của riêng mình! Nhịp đập ấy là âm hưởng, là hơi thở đảm bảo sự sống cho cả những câu thơ rất đỗi... không đâu của thi sĩ này! Nó thuộc về cái tính linh của Xuân Quỳnh. Bởi vì, ai chẳng có tổ ấm, nhưng đã mấy ai phát hiện ra nguồn thơ từ tổ ấm như thế!

Ai đã đọc thơ Xuân Quỳnh không thể không thấy cứ thấp thoáng ẩn hiện suốt đời thơ của người đàn bà này hình ảnh một mái che với những biến thể khác nhau của nó. Khi là vòm cây, là mái phố, mái nhà, căn phòng, khi là căn hầm, nhà ga, bầu trời xanh... Thậm chí, hình ảnh người yêu qua thi cảm của chị, nếu có gì khác người, thì chính là nó đã được đồng nhất với bầu trời - "Bầu trời xanh hơn cả lúc nằm mơ - Và hạnh phúc trong bàn tay có thật - Chiếc áo mắc trên tường - Màu hoa sau cửa kính - Nồi cơm reo trên ngọn lửa bếp đèn - Anh trở về - Trời xanh của riêng em" (Bầu trời đã trở về)... Đó là những hiện thân khác nhau của cùng một hình hài chung nhất, thiêng liêng nhất: tổ ấm.

Hiện diện thường trực và phong phú trong cảm thức thơ ca Xuân Quỳnh, tổ ấm là biểu tượng sống động của gắn bó - chở che. Với người khác, yêu có khi chỉ cần được giao cảm với đời, chỉ cần ghì riết lấy sự sống trong vòng tay vồ vập ham hố cuống quýt của mình, dù chỉ trong khoảnh khắc. Còn với Xuân Quỳnh, hạnh phúc yêu đương nhất thiết phải thành hạnh phúc gia đình, phải kết thành tổ ấm. Tổ ấm mới là mối hàn bền chắc gắn kết từng cá nhân nhỏ nhoi riêng lẻ vào nhau và vào với cuộc đời mênh mông vô tận. Tổ ấm là con thuyền thả trên sự trôi chảy để mà chống chọi, vượt qua cái bấp bênh vô định của dòng đời, là chốn yên lành có thật giữa cõi đời đầy khắc nghiệt này.

Có phải tổ ấm nào cũng là con thuyền chắc chắn trên dòng chảy kia không? Cho dù không, Xuân Quỳnh vẫn khát khao, vẫn đặt vào đó kì vọng của mình. Đó không chỉ là sự lựa chọn của một ý thức. Đó còn là tiếng gọi da diết thường trực từ huyết quản của một thân phận từng chịu bất hạnh vì nỗi mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, gia đình bị phá vỡ và cái tổ ấm đầu đời do mình gây dựng cũng bị chia lìa. Đó là ẩn ức, là cơn khát vô hình khôn nguôi của một con chim không tổ. Vì thế, nhìn cuộc đời qua tiêu điểm tổ ấm, đã là cái nhìn rất Xuân Quỳnh. Cứ xem hình ảnh nhà trên mỗi chặng đường thơ Xuân Quỳnh, đủ thấy chị đang viết về chiến tranh hay hoà bình, hiện tại hay tương lại, nhọc nhằn hay sung sướng, khắc nghiệt hay yên lành... Cũng chỉ có Xuân Quỳnh mới lập nên sơ đồ và lịch sử một cõi sống mà nhà mình là trung tâm của thế giới, là kết quả cuối cùng của cuộc tiến hoá trên mặt đất trường cửu này: "Hàng trăm năm đã nên bãi sa bồi - Hàng ngàn năm đã nên làng nên xóm - Hàng vạn năm đã nên thành phố lớn - Qua bao đời thành phố có nhà tôi". Và cũng chỉ có hồn thơ thiết tha với sự sống yên lành bình dị nơi tổ ấm, mới có cảm nhận về hoà bình kì thú thế này :"Cái nôi thôi mắc cửa hầm - trắng tinh cái tã xanh trong bầu trời". Đúng thế, lẽ nào đó không phải là lá cờ đuôi nheo, lá cờ hiệu chân chính và tin cậy nhất của sự sống chúng ta?

*

Nếu ngôi nhà là trụ sở của sự sống, thì con cái là trái tim của tổ ấm. Trở thành thi sĩ của tình yêu là một tất yếu, Xuân Quỳnh cũng tất yếu thành nhà thơ viết cho con trẻ. Chị sẽ viết bằng sự bao bọc chở che: "Con thức ban ngày mẹ chở che con - Đêm con mơ mẹ làm sao che chở - Trong giấc mơ chỉ mình con bé nhỏ - Chỉ mình con chống chọi với quân thù". Chị sẽ viết Cổ tích về loài người và giải thích lại về nguồn gốc thế giới mà trong đó, ra đời đầu tiên trên thế gian là lũ trẻ, kế đó mới là cha mẹ, ông bà... tất tật đều sinh sau, và vì lũ trẻ mà sinh ra, chị sẽ viết bằng cái lôgic riêng của tình mẫu tử "Con yêu mẹ bằng con dế" sâu sắc mà ngộ nghĩnh...

*

Ấy thế mà cứ y như tự mâu thuẫn, chính con người ấy còn đa mang một khát vọng khác cũng không kém phần ám ảnh: "Nỗi khát vọng những phương trời chưa tới". Tuy không phải máu xê dịch giang hồ, nhưng Xuân Quỳnh cũng đã sáng tạo ra một loạt hình tượng để kí thác vào đó cái khát vọng đi xa của mình. Có thể thấy biết bao thiết tha của thi sĩ đã gửi vào những con đường, biển, sóng, gió, mây... mà đặc biệt là con tàu: "Em khác chi con tàu - chạy về xa tít tắp"... Đến miền đất nào cũng chân thành gắn bó cũng cứ "vơ vào": "Bốn phương đâu cũng quê nhà - Như con tàu với những ga dọc đường". Đến đâu cũng miệt mài gia đình hóa con người, quê hương hoá cảnh vật để mong biến tất cả thành Dải đất thuộc về tôi... Tuy nhiên, mỗi khi cất bước ra đi, cũng lập tức bị lo âu dày vò. Bởi rời tổ ấm cũng là rời "nơi che chở những người thương mến nhất", là dấn thân vào cái bấp bênh, diệu vợi, khắc nghiệt, là phải kiếm tìm gắn bó, chở che. Vì thế, con tàu nhằm phía trước lao đi, còn nỗi nhớ cứ ngược chiều quay lại... Cứ thế, nếu đời người có thể qui vào cái dòng kế tiếp tuần hoàn giữa ra đi và trở lại, thì một phần lớn thơ Xuân Quỳnh đã được viết bằng cái tâm thế bất định "Khát khao đi hồi hộp mỗi khi về" của cánh chuồn mỏng manh và mệt nhoài này. Và tất nhiên, người đàn bà ấy chỉ tìm thấy yên ổn thật sự khi bước chân vào tổ ấm của mình. Nói thơ Xuân Quỳnh nhất quán một nữ tính là vì lẽ đó. Nữ tính ấy luôn dẫn dắt chị đến với chất thơ của tổ ấm như là sự mách bảo bên trong, như sự sắp đặt tự nhiên thành một số phận thơ, một cá tính thơ vậy.

4. Phấp phỏng và lo âu

Càng ngày tôi càng tin rằng: nỗi day dứt vào bậc nhất trong suy cảm trữ tình của con người bao đời nay là day dứt về chuyện còn - mất của những gì với mình là quí giá thiêng liêng. Người càng giàu tiên cảm, giàu dự cảm lo âu về mất mát rủi ro, thì day dứt càng ám ảnh hơn, dày vò hơn. Càng hy vọng nắn nót gìn giữ bao nhiêu, càng nơm nớp lo âu bấy nhiêu. Vì thế, trong nhiều hình dung về một thi sĩ, tôi vẫn muốn đinh ninh rằng: một nhà thơ trữ tình từ trong máu là người gắng gỏi đến hao mòn, kiệt sức để cố níu giữ cái mình hằng tôn thờ mà đang có nguy cơ bị tuột mất, bị huỷ diệt. Đó là nhà thơ của cái đẹp lâm nguy.

Và, lắm khi nhìn một mẹ gà xòe cánh ấp ủ bầy con bé bỏng trong ổ rơm, cái đầu chẳng chịu yên, cứ nghiêng ngó mọi phía, đôi tai và đôi mắt mải lắng những tiếng dữ vọng từ xa đến như bóng diều quạ đang rình rập đâu đây, tôi cứ nghĩ đến Xuân Quỳnh. Bởi cứ thấy đây là hình ảnh của lo âu. Phải, lo âu phải là bản năng, phải là phẩm chất hàng đầu của một người mẹ, lo âu là mẫu tính. Mà Xuân Quỳnh cả lo quá, nó như một thứ "giời đày". Suốt một đời rặt những lo toan: lo bom đạn, lo bão giông, mưa nắng, lo tổ ấm chẳng được yên lành, lo cách trở diệu vợi, lo không được gắn bó, không được chở che, lo mất tình yêu, lo mất tuổi trẻ và nhan sắc... Chả nhẽ, phải khi chẳng còn gì để mất, người đàn bà này mới chấm dứt lo âu?

Nhưng còn gì kinh khủng hơn, khi một người đàn bà tuyên bố: chẳng còn gì để mất! Không chỉ vì thế tức là đã mất tất, mà còn vì tất cả đã trở nên vô nghĩa, trở nên đê tiện, đểu giả... Thật may, thơ Xuân Quỳnh chưa bao giờ là tiếng lòng của người đàn bà không còn gì để mất. Mọi phá phách, cay nghiệt, mọi bất mãn, bất cần... đều xa lạ với thơ chị. Xuân Quỳnh thực sự là một người đàn bà suốt đời kiếm tìm vun trồng và gìn giữ. Gìn giữ cẩn trọng đến mức nơm nớp, khắc khoải. Từ thời Chồi biếc(1963), khi tiếng thơ vừa mới dậy thì, đầy sôi nổi cũng đầy nông nổi, ngỡ chỉ đắm say và tin tưởng, nào ngờ đã gợn lên rồi cái bóng lo âu. Cứ tưởng lời cả quyết "Nếu phải cách xa anh - Em chỉ còn bão tố" là quá tự tin, ai dè đó chỉ là giọng cả tin của một người cả lo, của một cõi lòng chỉ chợt nghĩ đến bão tố thôi là đã run lên, hoang mang, nơm nớp rồi! Càng về sau lại càng quá! Đến nỗi mọi biến động nhỡn tiền, dù vô tình thôi, hư thoảng thôi cũng khiến chị động lòng: "Vừa thoáng tiếng còi tàu - Lòng đã Nam đã Bắc", "Em lo âu trước xa tắp đường mình - Trái tim đập những điều không thể nói". Ngay như trước một cảnh rất thường: "Cuối trời mây trắng bay - Lá vàng thưa thớt quá", mà câu thơ cứ như một tiếng kêu bất giác rên lên, như một niềm thảng thốt. Là chiếc bóng không thể nắm giữ, cũng không thể lìa bỏ, lo âu cứ phơ phất một điệu hồn ở ngay trong những câu thơ không đâu nhất, hay ấn tượng nhất của thi sĩ này:

Cát vắng sông đầy cây ngẩn ngơ
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa
Tên mình ai gọi sau vòm lá
Lối cũ em về nay đã thu


Có thể nói, nếu mỗi thi sĩ đích thực bao giờ cũng có một điệu hồn riêng, thì lo âu, đó mới thực là điệu hồn Xuân Quỳnh. Điệu hồn ấy, Xuân Quỳnh đã phổ trọn vẹn vào những tiếng thơ da diết nhất của mình. Nó là phần tinh chất nhất của giọng điệu thơ Xuân Quỳnh. Nó đã ngân lên đây đó ngay từ những tiếng thơ đầu đời, càng về sau càng rõ nét, nổi trội.

*

Hóa ra, hạnh phúc của một người đàn bà phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố: nhan sắc và tình yêu. Kẻ thù truyền đời của họ, vì thế, là sự lạnh nhạt của "đối phương" và của thời gian. Trong mọi điều khắc nghiệt, đây là điều khiến người đàn bà Xuân Quỳnh bận lòng nhất. Tình yêu là sức mạnh chở che, gắn bó, nhưng cũng mỏng manh như cách chuồn báo bão, mỏng mảnh như màu khói, dễ vỡ như một thứ bình pha lê. Và nhan sắc cũng mong manh, cũng bạc vô cùng. Làm sao một người đa mang cái cõi lòng không yên đó chẳng phấp phỏng lo âu cho đặng! Sợ nhất là vì một lý do nào đấy, đôi tay trong tay kia bỗng buông lỏng, bỗng rời nhau ra, mọi dấu hiệu "trở chứng" đều khiến chị hoang mang nghi ngại: "Mùa thu nay sao bão mưa nhiều - Những cửa sổ con tàu chẳng đóng - Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm - Em lạc loài trước sâu thẳm rừng anh". Đã day dứt về còn - mất, dứt khoát không tránh khỏi sự dày vò của thời gian. Nhưng khi người đàn bà nghe "Những năm tháng đi về trên mái tóc", và kêu lên "Như không hề biết đến tàn phai" thì đó không còn là cảm giác thời gian nữa. Se xót hơn, đó chính là ám ảnh tàn phai. Lo âu về sự lạt phai của ái tình và tàn phai của nhan sắc, có lẽ là nỗi niềm trăn trở nhất, day dứt nhất, khiến thi sĩ phấp phỏng lo âu nhất trong hai tập thơ cuối đời - Tự hát (1984) và Hoa cỏ may (1989). Với nỗi niềm ấy, Xuân Quỳnh là người đàn bà của muôn thuở!

*

Điều đáng quý ở con người ấy là càng cả lo, cả nghĩ bao nhiêu, càng gắn bó với con người và cuộc đời bấy nhiêu. Chừng như chị đã thấy trước được rằng đời sống thật khắc nghiệt, bất ổn, số phận con người thật ngắn ngủi, tất cả chỉ là thoáng chốc, tấc gang. Cho nên chị đã lẳng lặng hi sinh để mong đem lại cho người thân, người thương của mình một chút bình yên, một chút ngọt ngào mà mình chắt chiu dành dụm được trong cuộc sống nhọc nhằn này. Với bản tính ấy, làm sao Xuân Qùnh có thể quẳng gánh lo đi mà vui sống được. Những ngày nằm chữa bệnh tim sau tai nạn đổ xe, cả thầy thuốc và người thân đều khuyên chị đừng xúc động lo âu làm gì. Không phải Xuân Quỳnh không biết như thế là có lợi. Và có lẽ chị đã thử đôi lần. Nhưng khốn nỗi, lo âu trở thành cái tôi Xuân Quỳnh mất rồi, làm sao có thể lìa bỏ được cái tính linh trời định đó của mình. Và, phải khi tai hoạ phũ phàng ập xuống quá bất ngờ, người đời mới thấy rằng những dự cảm lo âu suốt một đời người, một đời thơ ấy sao mà linh nghiệm, trớ trêu. Xuân Quỳnh nào có lo xa, lo hão gì đâu!


(Chu Văn Sơn)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa Từ khóa
cánh chuồn báo bão chất thơ từ tổ ấm chu văn sơn người phụ nữ đa cảm thơ xuân quỳnh tình yêu mỏng manh xuan quynh xuân quỳnh tự hát
1K
2
3
Trả lời

Cách nhìn khác về thơ Xuân Quỳnh​

Xuân Quỳnh.png

Khi đưa ra “cách nhìn khác” về thơ Xuân Quỳnh, nhà lý luận phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã cho rằng, lâu nay người đọc không hiểu hết Xuân Quỳnh trong cái sự tưởng đã hiểu hết. Khi đó, người ta chỉ đọc Xuân Quỳnh một chiều - chiều sáng, chiều lặng, trong nhiều chiều mâu thuẫn đối lập biện chứng của bà. Người ta đọc thơ bà dưới góc độ tính nữ, nữ tính và gần đây thậm chí là nữ quyền.

Theo ông Nguyên, thơ Xuân Quỳnh thường được định vị và bị trói vít vào chữ “NỮ” từ phái tính của nhà thơ. Đó là cái đọc đã bị điều kiện hóa trong một sinh quyển đời sống và văn hóa của một xã hội nam trị và nam quyền. “Hãy nghĩ xem Xuân Quỳnh, người con gái hai mươi tuổi đã nghĩ về lá vàng và chồi biếc, về sự rơi rụng và mọc lên, hai mươi mốt tuổi đã ví mình như “lòng thuyền đau rạn vỡ” giữa lòng biển cả, hai mươi lăm tuổi đã thấy mình là sóng “dữ dội và dịu êm” trên mặt nước và dưới lòng sâu.

Ba bài thơ: “Chồi biếc” - 1963, “Thuyền và biển” - 1963 và “Sóng” – 1967, ở ngay bước đầu vào văn chương của Xuân Quỳnh đã báo hiệu một cuộc đời, một số phận, một con người không yên ổn. Vậy mà lâu nay nó đã chỉ được/ bị đọc bằng cách đọc tình yêu nhìn từ phía người nữ. Một cách đọc êm đềm và an toàn, như không đúng với Xuân Quỳnh”, nhà lý luận phê bình Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh.

Từ trước đến nay khá nhiều nghiên cứu ở Việt Nam về thơ Xuân Quỳnh đều nhấn mạnh chất “nữ tính” trong những sáng tác của nhà thơ.

Song chất “nữ tính” ấy thường được nhấn mạnh ở những điều mang tính chất “truyền thống”: Tình mẫu tử với tấm lòng yêu thương con trẻ qua những sáng tác dành cho tuổi thơ, tình yêu say đắm, cuồng nhiệt, ẩn chứa nỗi xót xa và lo lắng, chở che, phảng phất vẻ cam chịu. Khi đó, hình ảnh của Xuân Quỳnh là một phụ nữ luôn gắn với những tính từ: “hy sinh”, “dịu dàng”, “nữ tính”…

Ở một bài viết đầy tâm huyết, TS Hồ Khánh Vân (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) đã đặt câu hỏi: “Ai khiến Xuân Quỳnh nữ tính?”.

Để có thể “nhìn khác” về thơ Xuân Quỳnh, nhiều nhà nghiên cứu Khánh Vân cho rằng cần thay đổi tư duy tiếp nhận. Tất nhiên, sự thay đổi này không phải là phủ nhận về việc “tính nữ là một thực thể, một phẩm chất trong thơ Xuân Quỳnh” mà những nghiên cứu trước đó đã chỉ ra.

“Xuân Quỳnh viết thơ từ vị thế người nữ là đương nhiên vì bà là một phụ nữ. Nhưng tiếng thơ của bà được cất lên trước hết và chủ yếu trong tư cách một con người có ý thức về bản thân mình.

Đọc thơ Xuân Quỳnh tôi muốn đọc ở góc độ con người “phi phái tính” này”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã chia sẻ cách đọc thơ Xuân Quỳnh của mình như thế và ông minh chứng: “Ngay cả cách nói nhún như hạ mình trong tương quan đối lập, và ở đây nữa: Anh là mặt trời - em là hạt muối, là rong rêu, là ngọn cỏ dưới chân, là hạt bụi vô tình trên áo, thì cũng chỉ để khẳng định con người mình ở một công việc nội trợ được mặc định là của nữ giới: “Nhưng nếu chiều nay em chẳng đong được gạo/ Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn” (Thơ vui về phái yếu).

Câu thơ đọc lên bật cười (thì nhà thơ đã gọi là “thơ vui” mà lại) nhưng cho thấy vị thế đồng đẳng của phụ nữ với đàn ông”.

Đồng tình với nhà thơ Inrasara từng đề xuất việc thay đổi tư duy tiếp nhận văn học nữ, ““cắt đuôi hậu tố [hay tiền tố] “nữ” để không bị vướng vào những định kiến, những sức ì trong sự sáng tạo của nữ giới cũng như trong tiếp nhận sáng tác của các nhà văn, nhà thơ nữ”, TS Hồ Khánh Vân đặt các câu hỏi khi “nhìn khác” về thơ Xuân Quỳnh: “Quỳnh chỉ có tính nữ? Giá trị trong thơ Quỳnh chỉ do tính nữ tạo ra? Ngoài tính nữ, thơ Quỳnh còn có những đặc tính, những giá trị nào khác? Hơn nữa, tính nữ của Quỳnh phải chăng chỉ là những đặc tính quen thuộc, truyền thống? Và cuối cùng, nữ tính trong thơ Quỳnh cũng như trong thơ của các nhà thơ nữ có đối lập với nam tính?”.

Trong quá trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó, bà Vân phát hiện thấy sự không thống nhất và tự mâu thuẫn của những diễn ngôn phê bình thường nhận định thơ Xuân Quỳnh “tràn đầy nữ tính” song lại trong sự kết hợp hai phạm trù đối lập: Đằm thắm mà vẫn mạnh mẽ, nhẹ nhàng mà rạo rực say mê. Rõ ràng hai phạm trù này hàm chứa các đặc tính nam tính lẫn nữ tính.

Vì thế, bà Vân cho rằng, hầu hết các nhà phê bình, nhà nghiên cứu đều xác lập khái niệm tính nữ theo tinh thần nhị nguyên luận, việc đặt tất cả các đặc tính đối lập này vào không gian tính nữ Xuân Quỳnh càng trở nên phi logic.

Ở Xuân Quỳnh, phong cách chủ đạo mang tính nữ, nhưng điều làm nên nét đặc sắc của Quỳnh, khiến thơ Quỳnh gây ấn tượng mạnh mẽ, lôi cuốn người đọc chính là: Đi cùng những đặc trưng tính nữ truyền thống tương hợp với tâm thức, sự kỳ vọng của cộng đồng theo khuôn mẫu nữ tính, Xuân Quỳnh còn giàu chất sáng tạo và chuyển biến độc đáo.

Đó là, lý tính đi dọc theo cảm tính, tư duy logic phối quyện trong xúc cảm; lối tư duy thơ thường gắn liền với động thái khám phá các hiện tượng đời sống, con người và khám phá chính mình và đồng thời là những ngây thơ, trong trẻo, hồn nhiên trong sự trải nghiệm, thấu hiểu, già dặn. Vì vậy, đọc thơ Xuân Quỳnh, người ta rạo rực với xúc cảm và bừng tỉnh với những ngẫm nghĩ.

Xuân Quỳnh không chỉ đào sâu vào thế giới bên trong của người phụ nữ, thế giới của tình yêu mà còn trải rộng trên trang thơ hơi thở cuộc sống, bức tranh nhân tình thế thái, hiện thực đời sống rộng lớn, hành trình lịch sử dài dặc của dân tộc.

“Nếu người đọc biết tự tiết chế sự mặc định giới tính của chủ thể sáng tạo, lọc đi từ trường lan động từ giới tính của chủ thể sang giới tính của văn bản, chúng ta sẽ có những bài thơ phi giới tính, hoặc hơn nữa, siêu giới tính. Đó là thơ từ cái nhìn của con người (không còn nhận thức mình là nam giới, nữ giới hay những giới khác) mà là con người theo nghĩa tròn vẹn, tự do, bình đẳng: Con người đối diện với thế giới, không bị chi phối bởi những nhãn mác, những định kiến, những ràng buộc giới tính”, TS Hồ Khánh Vân nói.

“Lại con đường đỏ rực dưới cây xanh
Đi như lao, như lửa cháy trong mình
Nhịp thơ bạn bỗng bồi hồi nhịp đập
Những sườn dốc rồi những vòng cua gấp
Băng trong đời, như bạn đã từng quen

(…)
Những cánh buồm nâu vật vã sóng triều
Những bãi dứa che đảo đèn hoang dại
Những lớp bạch đàn trên đồi ong trơ trụi
Bao vui buồn, có bạn lắng nghe ra”


(Người đi cùng đường - bức chân dung bằng thơ” được nhà thơ Bằng Việt viết tặng Xuân Quỳnh cách đây mấy mươi năm)

<Trích bài viết của Bình Thanh - Báo GD Thời đại>​
 
  • nữ sĩ Xuân Quỳnh.jpg
    nữ sĩ Xuân Quỳnh.jpg
    34 KB · Lượt xem: 12
Sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: Vanhoctre

Nữ sĩ Xuân Quỳnh - yêu cho đến hết và đến chết​

Xuân Quỳnh (1942-1988), là một nhà thơ nữ Việt Nam. Bà được xem là nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều bài thơ tình được nhiều người biết đến như Thuyền và Biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa…

Bà tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942 tại làng La Khê, xã Văn Khê, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành. Xuân Quỳnh, một cô gái nghèo khổ lớn lên giữa một thời kì đất nước phải đương đầu với vô vàn khó khăn về kinh tế, về chiến tranh… Nhưng Xuân Quỳnh, khác nào một cây xương rồng kiên cường và kì diệu trên sa mạc, đã vắt kiệt sức mình để nở những bông hoa quý cho cuộc đời.

Xuân Quỳnh bước vào làng thơ rất sớm và ra đi cũng vội vã bất ngờ, để lại những hẫng hụt, mất mát cho những người yêu thơ. Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng chị đã kịp để lại một gia tài mang một giá trị, một ý nghĩa nhất định, là một đóng góp cho nền vãn học Việt Nam hiện đại: “Từ khi xuất hiện cho đến khi vĩnh biệt cuộc đời, quá trình sáng tác của thơ Xuân Quỳnh là một chặng đường đi lên không đứt đoạn. Hồn thơ của chị ngày một đa dạng và không ngừng được thử thách qua thời gian, với nhiều loại chủ đề khác nhau. Trong đó có những bài thơ tình yêu đã đạt đến đỉnh cao”.

Đến với thơ một cách hồn nhiên như để ca hát về đời mình, thơ Xuân Quỳnh đã thể hiện rõ nét phong cách, bản sác riêng của chị. Chị là người đã “đem chính mình, chính cuộc đời mình ra làm thơ” “ ...chị trở thành nhân vật văn học của chính thơ chị”. Chính vì vậy mà thơ chị hấp dẫn bao bạn đọc - bởi cái vẻ phong phú và chân thực của những trạng thái xúc cảm, những tình cảm được khơi nguồn từ những mối quan hệ trong cuộc sống. Cũng vì điều khác lạ này. mà khi nói về Xuân Quỳnh, Vương Trí Nhàn nhận xét: “Xuân Quỳnh đã có được điều cần thiết nhất đối với một tác giả thơ: một cách nghĩ và một cách nói của riêng mình”.

Khi bàn về thơ, Xuân Quỳnh từng tâm sự: “Người ta làm thơ đầu tiên là để tự thể hiện, là một hành động khẳng định, rồi là một hành động khai sinh, đáp ứng yêu cầu sáng tạo, nhu cầu nối liền mình với đồng loại, với các sự vật vũ trụ, với thế giới”. Nét nổi bật của hồn thơ Xuân Quỳnh là sự dung dị, hồn nhiên, tươi tắn, nồng nhiệt và chân thành, vừa giàu trực cảm vừa lắng sâu suy tư.

Riêng thơ tình yêu- mảng đặc sắc của hồn thơ Xuân Quỳnh- tình điệu của thơ bao giờ cũng sôi nổi, mãnh liệt mà tự nhiên, chân thành, đằm thắm của một trái tim phụ nữ trong tình yêu. tình yêu với nhà thơ là cái đẹp, cái cao quý. Tình yêu tượng trưng cho sự khao khát tự hoàn thiện mình. Với Xuân Quỳnh thơ với tình yêu cùng ra đời, cùng sống và cùng “yên nghỉ”:

Ơi trời xanh xin trả cho vô tận
Trời không xanh trong đáy mắt em xanh
Và trong em không thể còn anh
Nếu ngày mai em không làm thơ nữa
Cái tôi yêu của nhà thơ, người phụ nữ có sự trải nghiệm rất chân thành:
Không sĩ diện đâu nếu tôi yêu được một người
Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm
Tôi sẽ yêu anh dẫu vạn lần cay đắng


Đó phải chăng là phẩm chất của tình yêu và cũng là phẩm chất thi ca? Xuân Quỳnh được xem là người viết thơ tình hay nhất trong nền thơ ca hiện đại Việt từ sau 1945.

Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn thiết tha gắn bó với cuộc đời, với con người, khao khát tình yêu, trân trọng hạnh phúc bình dị đời thường. Khát vọng sống và khát vọng yêu mãnh liệt gắn liền với những dự cảm về sự bất trắc của tình yêu và cuộc đời. Nên Xuân Quỳnh lấy tình yêu làm mái ấm chở che, làm cứu cánh :

Đó là tình yêu em muốn nói cùng khát vọng
Nguồn gốc của muôn vàn khát vọng
Lòng cốt để duy trì sự sống
Cho con người thực sự người hơn


Nhưng đời đâu lặng tờ mà đầy sóng đầy gió. Tình yêu chốn nương thân của tâm hồn cũng chỉ là “ Những cánh chuồn mỏng manh ’’, nên hồn thơ Xuân Quỳnh mãi hoài khắc khoải âu lo :

Em âu lo trước xa tắp đường tình
Trái tim đập những điều không thể nói


Cũng vì thế mà Xuân Quỳnh luôn trân trọng niềm hạnh phúc có thật trong đời, và nghĩ “Chỉ có sóng và em” thôi :

Chỉ riêng điều được sống cùng nhau
Niềm sung sướng với em là lớn nhất
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim chẳng đập vì anh


Thơ tình Xuân Quỳnh mang gương mặt đời thường mà có sự thăng hoa lớn lao là thế chăng?

Một điểm đáng trân trọng nữa đối với con người và thơ Xuân Quỳnh đấy là vẻ đẹp nữ tính, thiên nhiên nữ tính. Không phải ngẫu nhiên mà luôn đi – về trong thơ Xuân Quỳnh là hình ảnh những người vợ, người mẹ với một tâm hồn mẫn cảm, hồn hậu nhân ái và chịu thương chịu khó . Mẹ trong thơ Xuân Quỳnh là những hình ảnh hoài niệm, lồng trong hình ảnh quê hương qua tình cảm tinh khôi sâu lắng :

Tháng xuân này mẹ có về không
Con thắp nén hương thơm ngát
Bờ đê cỏ ướt
Lá tre xào xạc đường làng
Sông Nhuệ đò sang
Hoa xoan tím ngõ
Cánh cò trắng xóa
Như lời ru của mẹ bay về


Với bà, Xuân Quỳnh nhìn bằng con mắt trẻ thơ hồn nhiên, nhưng xiết bao yêu kính :

Nắng ở xung quanh bình tích
Ủ nước chè tươi cho bà
Bà nhấp một ngụm rồi khà
Nắng trong nước chè chan chát.


Với chồng, tiếng thơ Xuân Quỳnh ân cần, nhỏ nhẹ và đằm thắm :

Sao không cài khuy áo lại anh
Trời lạnh đấy, hôm nay trời rét


Xuân Quỳnh là người đàn bà yêu cho đến hết và đến chết. Cho nên chị không giữ lại cái gì cho riêng mình. Yêu cho đến lúc chết đi vẫn yêu, “Biết yêu anh cả khi chết đi rồi" - (Thơ “Tự hát” – Xuân Quỳnh).

Theo Tiếng nói giáo viên​
 
  • Like
Reactions: Vanhoctre

Tôi tự hỏi liệu sẽ có người phụ nữ thứ hai như Xuân Quỳnh hay không?”​

80 năm trước, vào đúng ngày 6.10, tại làng La Khê (Hà Đông, Hà Nội), nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã ra đời. Để rồi chỉ hơn 20 năm sau đó, bà tỏa sáng với một loạt tác phẩm nổi bật trên văn đàn. Thi ca của Xuân Quỳnh đã mang lại rung cảm cho nhiều thế hệ độc giả, đặc biệt là những người phụ nữ. Dù đã qua đời hơn 30 năm nhưng tác phẩm: Thuyền và biển; Sóng; Thơ tình cuối mùa thu; Tiếng gà trưa; Tự hát… vẫn luôn còn vẹn nguyên giá trị.
Ở đời sống riêng, Xuân Quỳnh cũng để lại nỗi nhớ thương với những người bà từng gắn bó.

Nhà văn Lê Minh Khuê khẳng định: “Chị Quỳnh là người phụ nữ đặc biệt đến mức không dễ gì quên được. Đã hơn 30 năm từ ngày chị ấy đi nhưng tôi luôn nghĩ chị vẫn ở quanh đây thôi, rất sống động và hiện hữu”.

Gặp chị Xuân Quỳnh là có tiếng cười

Những năm thập kỷ 70 – 80, ba cây bút nữ xuất sắc của nền văn học Việt Nam một thời: Lê Minh Khuê, Xuân Quỳnh, Ý Nhi từng là những người bạn thân thiết tại NXB Hội Nhà văn. Tại đó, họ không chỉ gắn bó về nghề nghiệp mà còn chia sẻ với nhau mọi điều trong đời sống. “Tôi thích chị Quỳnh trong đời sống hàng ngày, thích lắm. Đó là một người phụ nữ rất phụ nữ – chị sống không vì mình mà vì tất cả mọi người, chị hi sinh tất cả cho những người xung quanh, không bao giờ toan tính thiệt hơn”.
Với nhà văn gạo cội Lê Minh Khuê, ký ức về Xuân Quỳnh là ký ức về những ngày thanh xuân rạng rỡ tiếng cười, ở đó, nụ cười của Xuân Quỳnh lấp lánh như ánh mặt trời, lan tỏa sự ấm áp tới tất cả mọi người xung quanh: “Chị Quỳnh cười đẹp lắm! Có những người rất đẹp nhưng vẻ đẹp của họ vô hồn, còn chị Quỳnh thì khác. Mắt chị đẹp, long lanh, ngân ngấn nước. Mỗi lần chị cười, gương mặt chị bừng sáng và cuốn hút. Cũng bởi vậy, chị cuốn hút mọi người, cả nam lẫn nữ, ai cũng thích nguồn năng lượng tích cực từ chị”.

Là một người đàn bà ngập tràn sự lãng mạn trong thi ca, thế nhưng, ở ngoài đời, ấn tượng lớn nhất về Xuân Quỳnh với những người xung quanh dường như lại là sự thông minh và hài hước. Trong hồi ức của nhà văn Lê Minh Khuê, khi nhà thơ Xuân Quỳnh xuất hiện thì không gian xung quanh không bao giờ thiếu vắng niềm vui: “Tôi lúc nào cũng đi cùng chị Quỳnh để được… cười. Chị Quỳnh có tài kể chuyện, kể chuyện gì cũng khiến mọi người cười lăn cười bò, chỉ một câu ngắn thôi đã phác họa được một con người.

Ở trong những năm tháng ấy, tôi chưa bao giờ thấy chị tiêu cực hay chán nản. Chị cũng có những nỗi buồn, nhưng luôn vượt qua, thậm chí còn động viên, khích lệ mọi người. Cũng chính chị là người động viên tiếp khi đôi lúc tôi chán nản trong việc cầm bút. Chị đọc tác phẩm của tôi và nâng tôi dậy. Chị bảo: “Mình phải làm việc Khuê ạ, không viết thứ này thì viết thứ khác”.

Xuân Quỳnh giỏi về nghề, nhưng chưa bao giờ tỏ ra khác biệt: “Xuân Quỳnh có một trí tuệ rất đặc biệt mà người khác khó có thể biết nó sâu tới nhường nào. Tôi luôn nghĩ, nếu ở một giai đoạn khác, ở một xã hội bớt vất vả thì chị còn làm được nhiều thứ và để lại cho hậu thế nhiều hơn nữa”.

Ở Nhà xuất bản, Xuân Quỳnh và Lê Minh Khuê đã trở thành cặp bài trùng: “Thi thoảng chị Quỳnh lại chia cho tôi chút bánh, chút quà. Mọi người bảo chuyện Xuân Quỳnh kể mà không có Lê Minh Khuê “tung hứng” thì bớt vui. Đi đâu không có nhau chúng tôi cũng thấy thiếu”.

Có ngoại hình nổi trội và được nhiều người đàn ông ngưỡng mộ nhưng Xuân Quỳnh chưa bao giờ để ý tới điều đó. “Phụ nữ thường rất nhạy cảm và thích sự tán dương. Thế nhưng, Xuân Quỳnh không khi nào để ý tới ánh mắt của người khác giới. Toàn bộ thời gian chị lo cho người chị yêu thương, cho gia đình và chăm chút với những người xung quanh. Chị yêu con trẻ, yêu một cách tha thiết, chân thành. Với mọi người, chị không bao giờ diễn cũng không bao giờ lợi dụng sự yêu quý của họ để đạt được mục đích nào đó. Dù có vẻ ngoài rất đẹp nhưng chị vẫn sống giản dị, thuần khiết, vì mọi người và hi sinh tất cả”.

Từng tới thăm gia đình Xuân Quỳnh trong căn nhà 6m2 của họ tại tập thể 96A Phố Huế ngay lúc nữ thi sĩ vừa sinh con trai Lưu Quỳnh Thơ, nhà văn Lê Minh Khuê vẫn nhớ tới những tình cảm nhà viết kịch Lưu Quang Vũ dành cho vợ: “Đó là những ngày đầu năm mới Âm lịch. Căn nhà của họ không có đồ đạc gì nhiều, chỉ có sách và chỗ ngủ. Thế nhưng, ở một góc, tôi thấy anh Lưu Quang Vũ đặt những bông hoa nhỏ. Họ sống trong tràn ngập những khó khăn nhưng vẫn luôn lấp lánh tình yêu thương. Tình cảm ấy khiến tôi cảm phục”.

Không chỉ lãng mạn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cũng là một người hài hước: “Anh Vũ ít nói thôi nhưng những gì anh ấy nói ra cũng luôn khiến người khác phải bật cười. Tôi nghĩ, chính sự hòa hợp đó khiến họ vượt qua được những khó khăn tầm thường của vật chất, để tạo nên một thứ tình cảm cao đẹp và dung dị tới vậy”.

Vụ tai nạn kinh hoàng vào năm 1988 đã cướp đi gia đình của hai cây bút tài năng Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ: “Ngày hôm ấy, tôi khóc rất nhiều, tôi không tin được rằng mình đã mất đi một người bạn lớn. Tới giờ, tôi vẫn thương chị đã sống ở một giai đoạn quá nhiều vất vả. Xuân Quỳnh là người đàn bà mà tôi nghĩ rất lâu trong cuộc đời mới có một người như thế và tôi luôn tự hỏi sẽ có người thứ hai như thế hay không?”.

Nhà thơ Xuân Quỳnh sinh ngày 6.10.1942. Bà ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ độc giả với những bài thơ được nhiều người biết đến như: Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa… Nhà thơ Xuân Quỳnh mất ngày 29.8.1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương, cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi.

Ngày 5 và 6.10.2022 vừa qua, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Báo Nông thôn Ngày nay và gia đình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ tổ chức đêm thơ – nhạc – kịch “Hoa cúc xanh” để kỷ niệm 80 năm ngày sinh của bà.
KHÁNH YẾN
Theo Dân Việt​
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.