Nhà Bài học nhân ái của mẹ từ mái nhà thân yêu

Nhà Bài học nhân ái của mẹ từ mái nhà thân yêu

Bài học nhân ái của mẹ từ mái nhà thân yêu – Nguyễn Thanh Dũng

Với tôi thì ngày 26 tháng 8 (âm lịch) năm 1980 trở thành ngày đau buồn nhất trong đời tôi vì đó là ngày mẹ tôi trở về với cát bụi. Dù mẹ tôi mất đã hơn 40 năm nhưng những kỷ niệm đau buồn trong ngày mẹ tôi từ giã cuộc đời luôn in đậm trong tâm trí tôi.

Buổi sáng hôm ấy, mẹ tôi dậy thật sớm để chiên cơm cho cả gia đình ăn. Năm ấy tôi học lớp 11 và học vào buổi chiều nên buổi sáng là thời gian tôi phụ giúp cha tôi làm ruộng. Sau khi ăn cơm xong, các em tôi đi học còn tôi cùng ba tôi đi ra cửa hàng mua phân bón về rải cho lúa. Cha tôi và tôi đang chuẩn bị rải phân thì bà Bảy trong xóm báo tin mẹ tôi đã chết . Cha tôi vội chạy về nhà.Tôi thấy đất trời như suy sụp trước mắt tôi. Tôi muốn chạy thật nhanh về nhà nhưng hai bàn chân tôi như đan chặt vào nhau nên tôi té hoài xuống ruộng làm cho mình mẩy tôi lấm lem bùn sình. Tôi về đến nhà thì thấy nhà tôi rất đông người. Cô bác, bà con đã đến nhìn mẹ tôi bất động trên giường. Tôi nghe lòng mình quặn thắt. Một cảm giác đau đớn mà từ nhỏ đến giờ tôi không bao giờ có. Cái chết của mẹ tôi quá đột ngột làm cho tôi bị một cú sốc quá lớn. Cách đây chưa đầy một giờ, tôi còn thấy mẹ tôi chiên cơm đây mà. Một lúc sau, tôi ra hè ngồi khóc để cho cô bác tính toán việc tổ chức tang lễ cho mẹ tôi. Tôi nghe cô bác kể lại, mẹ tôi lên cơn đau tim, khi ba tôi về nhà thì mẹ tôi đã tắt thở. Bà con đã phân công nhau đến trường báo tin cho các em tôi hung tin này. Biết bao giọt nước mắt của em tôi đã tuôn rơi trên suốt đoạn đường từ trường về nhà. Vừa về nhà, thằng Hiệp, em út tôi ngơ ngác hỏi cha tôi : “ Sao má chết vậy ba? Mới hồi sáng má còn chiên cơm cho con ăn mà”. Câu hỏi ngây thơ của một đứa bé 10 tuổi làm cho nhiều người không cầm được nước mắt.Lúc còn sống, mẹ tôi có tình cảm với mọi người nên hay tin mẹ tôi mất, ai cũng thương tiếc và viếng thăm rất đông. Đám tang mẹ tôi diễn ra trong ba ngày và đó là những ngày mưa bão vậy mà cô bác láng giềng đã cùng nhau vác cát, gánh đá về xây một cho mẹ tôi. Nhiều người trong xóm gác hết việc để lo cho đám tang mẹ tôi. Những đoàn người nối đuôi nhau làm cho con đường làng trơn trợt cũng phải khô lại vì mỗi người đã mang một ít bùn dính vào chân mình. Sự tận tình của bà con, cô bác dành cho mẹ tôi nói lên một điều : Mẹ tôi dù chết vẫn sống mãi trong lòng của mọi người thân. Ngày tiễn mẹ tôi về nơi an nghĩ cuối cùng, có biết bao người đã khóc vì tiếc thương cho mẹ. Sau khi chôn cất mẹ tôi xong thì trời đổ mưa thật to. Có lẻ tạo hóa cũng đã khóc thương cho một người phụ nữ sống trọn cả đời cho chồng, cho con nhưng kiếp sống lại quá mong manh như những hạt mưa rơi. Bởi vì những hạt mưa rất dễ dàng vỡ tan trên những dòng sông hay trên những con đường làng, nơi mà ngày ngày mẹ ra chợ bán từng gánh cải, bó rau kiếm tiền lo cho các con ăn học.

Sau khi học xong cấp ba, tôi học trường Cao đẳng sư phạm Long An. Đi học xa nhà nên cuối tuần tôi về thăm gia đình. Nhiều lần tôi về đến nhà là ra sau hè ngồi khóc một mình. Những giọt nước mắt cứ chảy dài như dòng nước ngầm được khơi đúng mạch. Nhìn bất cứ đồ vật gì trong nhà, tôi cũng nhớ đến mẹ. Tôi thấy vồng rau lang xanh mướt trong vườn nhà, tôi rất đau lòng. Tôi nhớ mẹ từng cắt rau lang bó lại rồi đem bán để có tiền mua quyển tập hay cây viết cho tôi đi học. Nhớ lần mẹ đi bắt ốc trong cái ao bị trượt chân té, tôi ra đỡ mẹ dậy thì mẹ nói : “ Mẹ thấy mấy ngày nay con bệnh cảm nhưng nhà hết thức ăn, mẹ đi bắt ốc đặng đem kho cho con ăn cơm có chất đạm. Lát mẹ sẽ hái sả nấu cho con nồi xông là con sẽ hết bệnh”. Nghe mẹ nói mà tôi ứa nước mắt. Chiều hôm ấy nhờ nồi xông mẹ nấu và bữa cơm có món ốc kho sả ớt mà tôi khỏe rất nhiều. Nhớ những lúc tôi có chuyện buồn hay bị cha đánh đòn thì mẹ an ủi cho tôi và khuyên tôi nên khắc phục những lỗi lầm đã làm buồn lòng cha. Bao nhiêu kỷ niệm cứ ùa về trong tâm trí khiến lòng tôi đau đớn tột cùng.Giờ thì mái nhà xưa vẫn còn đó nhưng suốt đời mái nhà này sẽ lạnh lẽo vì không còn bóng mẹ. Mất mẹ thì tôi như mất nửa cuộc đời của mình. Những lúc vui buồn tôi không biết tâm sự với ai.

Bây giờ thì tôi đã là một nhà giáo. Tôi luôn tâm niệm phải sống thế nào để xứng đáng là con của mẹ. Từ thuở nhỏ, tôi được mẹ dạy nhiều bài học về đạo đức và nhân cách sống ở đời, về lòng nhân ái san sẻ cho những hoàn cảnh khó khăn. Những bài học ấy tuy không văn hoa như trong sách vở dạy ở trường nhưng với tôi, đó là những bài học quí báu đã khắc sâu vào tâm khảm tôi. Những bài học của mẹ giúp tôi luôn tự tin và vững bước trên đường đời và đạt nhiều thành công nhất định cả trong hai nghề dạy học và viết văn. Tôi là thầy giáo dạy toán nhưng có nghề tay trái viết văn. Ngày trước, mẹ tôi rất thương người, mẹ tôi hay làm việc thiện. Biết ai có hoàn cảnh khó khăn là mẹ gửi tiền giúp dù cuộc sống gia đình tôi cũng chỉ đủ ăn chứ không khá giả. Tôi quyết tâm làm theo lời mẹ dạy. Hàng tháng tôi trích ra tiền lương 1 triệu làm từ thiện. Khi có tiền nhuận bút hay giải thưởng thì số tiền sẽ nhiều hơn.Thời gian rảnh, tôi tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. Tôi đi đến những vùng xa xôi để giúp cho trẻ mồ côi, các em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Tôi vừa là nhà hảo tâm, vừa là tình nguyện viên giúp cho các em khuyết tật. Tôi sẵn sàng cõng các em trên vai hay đẩy xe lăn trong những lần các em đi du lịch. Những lúc các em khuyết tật ăn uống, tôi đến bàn ăn để gấp thức ăn cho các em, nhiều em bị khuyết tật ở tay hay khiếm thị, tôi đút cho các em ăn hay lau những giọt mồ hôi các em trên gương mặt. Tôi xem các em như những đứa con của mình và không bao giờ thấy vất vã. Chính sự ân cần của tôi mà tôi được các em quí mến. Mái nhà tôi là nơi các em đến chơi khi rảnh rỗi. Tôi mua một chiếc xe lăn để khi các em khuyết tật đến nhà có xe sử dụng, các em đỡ vất vã mang theo khi đi xe buýt. Mái nhà tôi trở thành mái ấm thứ hai của những em bất hạnh Tôi có kể cho các em nghe là tôi đã học từ mẹ tôi cách sống nhân ái. Tôi nhớ ngày trước có lần nhà tôi chỉ còn hơn 1kg gạo vậy mà biết ở xóm có nhà dì Ba hết gạo, mẹ sớt phân nửa số gạo cho dì nấu cơm ăn đỡ vào buổi chiều. Tôi hỏi thì mẹ nói “Không sao đâu con, chiều nay mỗi người trong nhà mình ăn bớt 1 chén cơm. Con thấy không chỉ cần việc làm nhỏ là mình cũng đã giúp cho một gia đình không bị đói vào buổi chiều hôm nay”. Câu nói của mẹ làm cho tôi nhớ mãi.

Ở trường, tôi được học trò gọi là ông Bụt vì giúp cho các em tập, viết, tiền để các em ăn sáng, mua tặng cho các em chiếc áo mới mỗi độ xuân về hay dạy miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều lúc làm công việc thiện nguyện, tôi nhớ mẹ đến trào nước mắt. Chính mẹ đã soi sáng cho con đường tôi đi để tôi trở thành công dân hữu ích cho xã hội. Tôi hạnh phúc vì mẹ đã dạy cho tôi bài học quí báu “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.

Không còn bao lâu nữa là đến ngày giỗ của mẹ tôi. Tôi sẽ sống trong những ngày đong đầy thương nhớ dâng trào vì nhớ đến mẹ. Nhiều lần giỗ mẹ, tôi trổ tài làm thêm món chiên cơm để cúng cho mẹ mà xúc động bồi hồi. Nhiều lúc tôi đã khấn vái trước vong linh của mẹ “ Mẹ an tâm, con sẽ nguyện tiếp bước con đường thiện nguyện của mẹ. Con tin chắc ở chốn vĩnh hằng, mẹ sẽ hãnh diện vì con. Nếu có kiếp sau con muốn tiếp tục là con của mẹ”.

Từ thuở nhỏ cho đến bây giờ tôi vẫn thích ăn cơm chiên. Một chén cơm chiên được chan thêm ít nước tương luôn là bửa ăn đạm bạc của những người nghèo có cuộc sống còn thiếu trước hụt sau. Sau ngày mồ côi mẹ, mỗi lần ăn cơm chiên là tôi nhớ đến mẹ tôi. Nếu như chén cơm chiên ngày xưa của mẹ chiên cho tôi ăn vừa ngon ngọt vừa thấm đậm tình mẫu tử thì chén cơm chiên ngày nay luôn có hương vị mặn đắng vì nó đã hòa lẫn vào những giọt nước mắt của tôi. Tôi luôn nhớ ngày 26 tháng 8 năm 1980 ngày nào. Đó là ngày đau buồn nhất trong đời tôi: “ Ngày mái nhà thân yêu không còn bóng mẹ”. Tuy nhiên, tôi hạnh phúc vì đã tiếp thu bài học nhân ái của mẹ từ mái nhà thân yêu”.

NGUYỄN THANH DŨNG
( giáo viên trường THCS Gò Đen- Huyện Bến Lức- Tỉnh Long An)

 

Đính kèm

  • BÀI HỌC NHÂN ÁI CỦA MẸ TỪ MÁI NHÀ THÂN YÊU.doc
    61.5 KB · Lượt xem: 1
  • MẸ TÔI NĂM 30 TUỔI.JPG
    MẸ TÔI NĂM 30 TUỔI.JPG
    3.6 MB · Lượt xem: 272
  • Thầy Thanh Dũng làm tình nguyện viên giúp các em khuyết tật trong những lần các em du lịch.jpg
    Thầy Thanh Dũng làm tình nguyện viên giúp các em khuyết tật trong những lần các em du lịch.jpg
    144.2 KB · Lượt xem: 36
  • Nhà thầy Thanh Dũng, mái ấm thứ hai của các em khuyết tật.jpg
    Nhà thầy Thanh Dũng, mái ấm thứ hai của các em khuyết tật.jpg
    88 KB · Lượt xem: 34
  • Thầy Thanh Dũng thăm và tặng quà cho các em khuyết tật ở  xã Long Phụng.jpg
    Thầy Thanh Dũng thăm và tặng quà cho các em khuyết tật ở xã Long Phụng.jpg
    116 KB · Lượt xem: 35
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top