Baivanhay Bài văn phân tích truyện ngắn " Một đám cưới" của nhà văn Nam Cao theo chương trình mới - Bài viết số 4

Baivanhay  Bài văn phân tích truyện ngắn " Một đám cưới" của nhà văn Nam Cao theo chương trình mới - Bài viết số 4

26B78708-DDA9-4140-923C-F81F6DBABF24.jpeg


Lê – ô – nốt Lê- ô – nít đã từng nói: “ Mỗi tác phẩm nghệ thuật phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”. Ngòi bút của một nhà văn phải không ngừng đổi mới, sáng tạo cả về hình thức và nội dung, đào sâu vào các tầng chiều sâu trong cuộc sống của con người, để từ đó cho ra đời những tác phẩm vừa có sức nặng về nghệ thuật văn chương, vừa in hằn giá trị hiện thực củ cuộc sống. Truyện ngắn “Một đám cưới” của nhà văn Nam Cao là một tác phẩm như vậy. Với ngòi bút hiện thực, soi xét vào chiều sâu của con người qua những hành động trong cuộc sống thường ngày, Nam Cao đã thực sự thành công xuất sắc trong việc sáng tác “ Một đám cưới” lấy đề tài là người nông dân nghèo, để từ đó thể hiện triết lí và tư tưởng sâu sắc, thể hiện qua cách kể chuyện nhanh nhưng sâu lắng, nhân vật thực tế như bước ra từ lớp ngôn từ.

Nam Cao là một nhà văn tiêu biểu của nên văn học Việt Nam thời kì trước năm 1945. Các tác phẩm của ông như là bức gương soi rõ không một vết mờ đục hoàn cảnh và thực tế xã hội của Việt Nam. Ông thường lấy đề tài là người nông dân hoặc trí thức tiểu tư sản vào trong các tác phẩm của mình. Những nhân vật được ông khắc họa đều rất chân thực, tưởng như bước từ cuộc đời mà vào trang sách. Ông đã để lại cho nền văn học Việt Nam nhiều tác phẩm tiêu biểu, khắc họa rõ xã hội và cuộc sống cực khổ của những người nông dân, tác phẩm của ông như là một bức tranh được vẽ bằng ngôn từ về cuộc sống con người và xã hội Việt Nam thời kì trước năm 1945. Nhờ đó, ông đã góp tên tuổi của mình như là một ngòi bút tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam thời kì trước Cách mạng tháng Tám.

Tác phẩm “một đám cưới “ được nhà văn viết trong thời kì xã hội Việt Nam trong giai đoạn đen tối, chịu sự áp bức của chế độ nửa phong kiến thực dân, nơi mà sinh mạng và giá trị của con người bị đẩy tới bần cùng, có khi còn không bằng con vật. Tác phẩm “Một đám cưới “ là câu chuyện xoay quanh nhân vật Dần – một cô bé phải đi ở đợ cho nhà bà Chánh Liễu. Cô đi ở được hai năm thì mẹ mất. Sau khi chịu tang mẹ, vì cuộc sống quá khốn khó, bố Dần quyết định gả cô làm vợ cho người khác. Dù trong thâm tâm không hề muốn, nhưng cô vẫn phải nghe theo lời bố. Đám cưới của cô chỉ có vài ba người ở bên nhà trai và nhà gái đến để đưa dâu. Bản thân cô thì chỉ mặc đúng một bộ quần áo rách nát, cũ kĩ. Nhan đề của tác phẩm là “ Một đám cưới’, vốn là một hoạt động, sự kiện truyền thống của con người Việt Nam. Đám cưới là ngày trọng đại, là một ngày vui của con người. Nhưng qua ngòi bút của Nam Cao, đám cưới lại là một nguyên cớ cho sự đau khổ, một sự việc được nhà văn dung để khắc họa sự đau khổ của con người, cái đói nghèo của cuộc sống, từ đó tác giả có những triết lí và tư tưởng sâu sắc.

Điều đặc sắc đầu tiên trong truyện ngắn Một đám cưới của tác giả Nam Cao là đề tài người nông dân nghèo khổ trước Cách Mạng được nhà văn lấy cảm hứng và sáng tác.Người nông dân Việt Nam trước Cách Mạng chính là nạn nhân của một chế độ nửa thực dân phong kiến thối nát cùng những sự bại hoại về đạo đức của con người.Nhà văn đã sống cùng những con người ấy và cảm nhận mọi vang động của những tiếng kêu đau khổ và khẩn thiết từ người nông dân đang bị bủa vây bởi vô số những thứ xấu xa và tệ hại của cuộc sống,từ đó Nam Cao đã thu nhận và đưa hình tượng cua một người nông dân,một con người vô tội những lại phải chịu đựng vô vàn sự khổ đau trong cuộc sống qua nhân vật Dần trong tác phẩm.Sự đau khổ của Dần chính là nỗi đau đớn mà người nông dân phải gánh chịu:sự dày vò về thể xác và đau đớn,bứt rứt về tinh thần,cùng với đó là cảm giác đánh mất chính bản than khi bị bủa vây bởi những sự khổ đau.

Bên cạnh một đề tài thực tế,nhà văn Nam Cao còn nhập hồn cho tác phẩm bằng bức tranh hiện thực phản ánh xã hội đương thời.Nếu nói một tác phâm văn học là một bức tranh khắc họa xã hội đương thời bằng ngôn từ thì tác phẩm Một đám cưới chính là một bức tranh vô giá.Qua câu truyện,người đọc đều hiểu rõ bối cảnh và xã hội thối nát cùng chế độ phong kiến thực dân đã vô cùng hủ bại,không làm được điều gì khác ngoài bóc lột đến tận cùng xương tủy của nhân dân.Nhân vật Dần trong tác phẩm chính là đối tượng phải hứng chiu toàn bộ nhưng sự khổ đau ấy.Cái đói và cái nghèo được sinh ra từ một chế độ thối nát đã cướp đi những hạnh phúc của người nông dân và kết quả cuối cùng mà họ nhận đươc là một cuộc sống cùng số phận thê thảm không hơn không kém.Chính những hiện thực xã hội đã thôi thúc tác giả cầm bút mà cất lên tiếng kêu thay cho những con người bất hạnh,và cũng để dựng lên cái hồn cốt của một tác phẩm giá trị.

Qua giá trị hiên thực mà nhà văn khắc họa trong tác phẩm,tác giả bày tỏ sự thương cảm sâu sắc với người nông dân nghèo.Nhà văn đã nói thay cho những kiếp người đang phải sống mòn,đã cất lên những tiếng kêu đau khổ,mở hồn đón lấy mọi vang động của cuộc đời.Mỗi câu chứ trong tác phẩm đều bộc lộ sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn với người nông dân.Bên cạnh đó,nhà văn còn lên án,tố cáo một xã hội thối nát,nhiễu loạn mà nguyên do chính là từ chế độ nửa thực dân phong kiến đã tước đoạt đi những điều tốt đẹp trong xã hội.Tiếng nói của nhà văn Nam Cao là tiếng nói đồng cảm với người nông dân và tố cáo mạnh mẽ những điều bất công,ngang trái trong cuộc sống. Ngòi bút của Nam Cao cất lên những tiếng kêu đau khổ cho những con người cùng khổ. Nhà văn thấu cảm sâu sắc nỗi bất hạnh ghê gớm mà những người nông dân phải gánh chịu. Vì vậy, các tác phẩm và nhân vật trong tác phẩm của ông luôn thực tế, rất có hồn, không chỉ phản ánh đúng thực trạng xã hội lúc bấy giờ mà còn là lời đau thấu, đồng cảm của nhà văn dành cho con người. Đó cũng chính là cốt lõi của một tác phẩm chân chính và là giá trị thực sự của một ngòi bút hiện thực như Nam Cao.

Qua một tác phẩm chân chính, một nhà văn giá trị bao giờ cũng gửi gắm thông điệp và triết lí nhân sinh cho bạn đọc. Với ‘một đám cưới”, Nam Cao thể hiện những triết lí nhân sinh sâu sắc và vô cùng giá trị. Nhà văn muốn nhắn gửi tới mỗi người đọc về những giá trị trong cuộc sống và hạnh phúc. Nhân vật Dần, trong ngày trọng đại nhất của mình là ngày cưới cũng chỉ mặc cái quần và cái áo đã cũ nát. Cuộc sống và giá trị con người bị đẩy xuống mức bần cùng. Từ đó, ta lại càng hiểu rằng chính mỗi con người phải biết trân quý và nâng niu cuộc sống của chính mình. Bên cạnh đó, tác phẩm như là lời nhắc nhở mỗi con người về một giai đoạn lịch sử đen tối không thể nào quên, từ đó mỗi người đều phải biết giữ lấy những đạo đức cơ bản và sống yêu thương, đồng cảm với những người cùng khổ, những con người bị xã hội đẩy xuống mức bần cùng, không chỉ là trong giai đoạn đen tối ấy mà còn hiện hữu ở trong chính cuộc sống hiện tại của con người.

Bên cạnh những giá trị nội dung,những phương diện nghệ thuật cũng là nhân tố giúp cho tác phẩm Một đám cưới trở thành một tác phẩm giá trị,mà tiêu biểu chính là nghệ thuật xây dựng nhân vật Dần.Nhà văn đã đặc biệt khéo léo khi chọn lựa hình tượng người nông dân để nhào nặn một nhân vật đại diện cho chính tầng lớp ấy.Xuyên suốt tác phẩm,Dần luôn phải chịu những điều bất hạnh.Ngay khi nhỏ tuổi,Dần đã phải đi ở nhà bà Chánh Liễu.Chỉ sau 2 năm,Dần mất mẹ.Chỗ dựa tinh thần đã mất,Dần vẫn phải sống trong nghèo đói.Hơn cả thế,nhà của Dần vẫn còn nợ tiền bà thông gia,chính điều này khiến Dần phải bị gả cho con trai nhà bà ấy.Từng chi tiết đều dồn ép nhân vật vào đến bước đường cùng,khiến họ dần mất đi cả chỗ dựa tinh thần và vật chất.Dù không muốn nhưng Dần vẫn phải đi làm vợ cho người khác.Đây đâu chỉ là số phận của một người nông dân nghèo,mà còn là số phận của một người phụ nữ trong chế độ xưa.Cuộc đời lênh đênh chìm nổi,số phận bất hạnh,Dần,như bao người phụ nữ khác,không thể làm chủ cuộc sống của chính mình.Thân phận ấy đâu chỉ có Nam Cao thương cảm,mà chính Nguyễn Du đã từng viết trong những câu tuyệt mệnh:

“ Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Nhân vật Dần đã phải chịu tới 2 cái khổ là cái khổ của người nông dân và cái khổ của một người phụ nữ.Qua những nỗi khổ ấy,người đọc lại càng thấy rõ những giá trị mà tác phẩm chứa đựng thông qua nhân vật này.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ của câu truyện và lời kể của chính tác giả cũng góp phần khiến tác phẩm trở nên đặc biệt. Xuyên suốt câu truyện, Nam Cao luôn kể và miêu tả bằng một giọng kể rất lạnh lùng, tưởng như không có chút tình cảm nào dành cho nhân vật. Nhưng thực chất, đó chỉ là bề nổi của lớp ngôn từ. Nhà văn luôn dành một tình yêu tha thiết, một niềm thương cảm và đồng cảm cho số phận của những con người bị xã hội thối nát dày vò, hành hạ. Ngôn ngữ kể của nhà văn không hề hoa mỹ, từ ngữ rất giản dị, đi thẳng vào vấn đề, miêu tả sâu sắc chiều sâu tâm lí của nhân vật. Đối với một ngòi bút hiện thực như Nam Cao, lối kể chuyện này rất phù hợp và lột tả chính xác hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Những kiếp người sống lầm than, nhân vật đau khổ đều hiện lên một cách sinh động qua lời kể và ngòi bút của nhà văn. Không có một chút lãng mạn, bay bổng hay trữ tình nào xuất hiện trong tác phẩm. Tất cả đều rất thực, rất sâu sắc, điều đó khiến cho những nhân vật của nhà văn như bước ra từ chính lớp ngôn từ in trên trang giấy mà đi vào cuộc sống, tiến cả vào tâm thức của người đọc, sống mãi cùng với thời gian.

Mỗi nhà văn đều sẽ rời bỏ cõi tạm của con người để vào cõi yên lặng. Nhưng những tác phẩm nghệ thuật của họ vẫn là minh chứng, là những giá trị mà họ để lại cho cuộc sống. Dường như mỗi tác phẩm nghệ thuật đều mang chút hồn của nhà văn. Với nhà văn Nam Cao, dù ông đã đi về cõi vĩnh hằng nhưng tác phẩm “ Một đám cưới” của ông vẫn là minh chứng cho sức sống trường tồn, vĩnh cửu của một tác phẩm nghệ thuật cũng như giá trị của nhà văn đó mang lại cho cuộc sống. Đó cũng là lí do mà Nam Cao được liệt vào danh sách những cây bút tiêu biểu, sáng láng trong nền văn học Việt Nam thời kì trước năm 1945.

Bài viết của Trần Minh Dương - -CTV Văn Học Trẻ​
 
Từ khóa Từ khóa
nghị luận văn học phân tích văn học
  • Like
Reactions: Vanhoctre
432
1
0

Địa phương TOP

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.