Nhà Cảm nhận bài thơ "Những nỗi niềm con chưa kịp giấu đi..."

Nhà  Cảm nhận bài thơ "Những nỗi niềm con chưa kịp giấu đi..."

Sài Gòn đang bước vào mùa mưa. Những cơn mưa rả rích không ngớt, nối liền từ ngày này sang ngày khác. Nhìn ra bên ngoài khung cửa sổ, bầu trời đã khoác lên mình một màu đen xám xịt. Cơn gió lùa qua mái tóc, từng giọt mưa bắt đầu rơi, rơi đều bên tai.

Nằm trong căn phòng trọ chật hẹp, tôi thấy lòng mình trống trải. Một vầng mây đen phủ lên tâm trạng tôi nỗi buồn sâu thẳm. Khi buồn, tôi tìm cách giết thời gian bằng chiếc điện thoại trong tay mình. Vào facebook, lướt từ trên xuống dưới, ánh mắt tôi dừng lại ở bài thơ vừa đăng cách đây vài phút với tựa đề “Những nỗi niềm con chưa kịp giấu đi.”

Từ trước tới nay, tôi ít khi thể hiện tình cảm của mình ra bên ngoài. Nếu có, chỉ là một khuôn mặt với nụ cười rạng rỡ như người ta vẫn thấy. Còn những cảm xúc riêng biệt khác, tôi luôn cố giấu nó vào sâu trong lòng, tự mình cảm nhận lấy. Và cũng vì thế, tôi rất dễ bị cuốn vào những bài thơ giàu xúc cảm.

Ngay câu đề từ, Nguyên đã nêu lên quan niệm của riêng mình, hoặc cũng có thể, đó chính là cách mà tác giả định hình về mái ấm gia đình:

“Những người không có ai chờ đợi sau cánh cửa căn nhà ấm, thì không cần phải về nhà đúng giờ.”

Sở dĩ được gọi là gia đình vì ở nơi ấy có những người luôn yêu thương ta vô điều kiện. Dù sáng sớm hay tối muộn, căn nhà ấm vẫn luôn có người chờ đợi, trông mong. Là bố, là mẹ, là anh chị em… Mỗi khi bắt gặp bóng hình quen thuộc bước chân qua cánh cổng, từng ấy gương mặt sẽ nở một nụ cười, âm thanh lắng đọng của căn nhà bắt đầu rộn ràng bởi vài câu hỏi thăm. Và nếu như không có ai chờ đợi, bạn cũng không cần bận tâm đến thời gian.

Với những người lưu lạc nơi đất khách quê người, câu nói ấy thật buồn biết bao. Họ trở về nơi ở quen thuộc, một chỗ ở tạm bợ, chào đón họ chỉ là ánh đèn vừa mới được bật lên sau tiếng chạm của bàn tay. Trong phòng không một chút hơi thở ấm áp, họ lại đối diện với chính họ trong gương.

Những câu thơ đầu tiên cất lên, nỗi nhớ nhà đã thấm vào trong từng con chữ. Chúng chở theo cảm giác thân thuộc của tuổi thơ đến bên những người con xa xứ:

“Thành phố nơi con chẳng có một ngày buồn
Kẻ ở người xa, bóng hình, giọng nói
Đêm về mơ, để lệ tràn nóng hổi
Dáng hao gầy, ngày tháng vội phôi pha”


Ngày rời khỏi mái ngói nâu trên sườn đồi thoai thoải, người con mang theo hành trang và dáng hình của bố đến một miền đất mới. Ở nơi đó đèn hoa rực rỡ, không khí nhộn nhịp bủa vây. Vậy mà con chẳng hề vui, chẳng nở nổi một nụ cười. Xung quanh con, biết bao người xa lạ bước qua và con chẳng khác nào một cánh chim lạc lối giữa bầu trời cao rộng. Bố có biết không, mỗi đêm về con lại khóc. Giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên má, ký ức về bố giăng đầy trong mắt con. Giữa đêm khuya, chỉ có tiếng khóc rưng rức của con phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng. Nghiêng nét bút chấm một vài hình ảnh, tác giả đã khéo léo in đậm “dáng hao gầy” của bố trong tâm khảm người đọc.

Những ngày ấm áp không còn nữa, con chưa kịp báo hiếu thì bố đã đi xa:

“Mấy năm qua con đi học xa nhà
Nên Vu Lan không kịp về thăm mộ
Sáng dụi mắt nhìn dòng người trên phố
Trăm ngàn người, chẳng có bố của con”


Đến tuổi trưởng thành, ai cũng phải rời xa mùi khói lam chiều để hòa mình trong dòng người tấp nập nơi hè phố. Những năm tháng xa nhà, con không kịp về thăm mộ, không thể thắp một nén hương trên bia mộ lạnh lẽo để nói câu tâm tình: “Bố ơi! Con về rồi.” Khoảnh khắc ấy, ai nhìn thấy mà không quặn thắt, không đau nhói trong lòng. Lướt qua bao nhiêu khuôn mặt nơi thị thành xa xôi, trong ngần ấy người, “dáng hao gầy” của bố chẳng còn nữa. Chợt nhận ra bố đã đi xa, mắt con lại không kìm được mà rơi lệ:

“Bố ra đi cũng đã chục năm tròn
Ở lại chỉ là hình dung trên di ảnh
Và những ngày quê mình chớm lạnh
Nước mắt trộm rơi, xao xác cả gió mùa”


Thời gian thấm thoát thoi đưa, chớp mắt đã mười năm trôi qua. Ở lại bên con, bố chỉ là “hình dung trên di ảnh”. Mỗi lần nhìn thấy, con lại lén giấu đi nỗi buồn trong lòng. Giữa cái lạnh xao xác gió mùa, một mình con lẻ loi trong ngôi nhà quen thuộc. Bao năm tháng qua, con vẫn chưa quen được với cảm giác không có bố kề cận. Nhìn vật nhớ người, con ước rằng bố vẫn còn đây.

Băng qua hai chiều không gian, tiếng vọng ngày xưa gọi về, tác giả mường tượng lại giây phút chia xa:

“Nhớ năm nào cùng số phận tranh đua
Gánh nặng đường xa, sức người sao chống nổi
Rồi một câu “Tạm biệt con” nói vội
Bố bỏ nhân gian, về cõi vĩnh hằng

Cả đêm dài chưa tìm thấy bóng trăng
Loang loáng trong mắt nâu, là bước đường lưu lạc
Tháng năm qua dần, lòng người đổi khác
Chỉ mình con ngơ ngác với đợi chờ”


Bỏ con lại giữa dòng đời khắc nghiệt, bố mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng. Những ngày tháng nằm trên giường bệnh, bố chống chọi với số phận. Rồi đến một ngày, sức bố không còn, nói câu “tạm biệt con”, bố nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Ở nơi đó, bố vẫn dõi theo con, vẫn âm thầm ủng hộ con trên bước đường đời. Nhưng bố ơi! Cuộc đời này chẳng ai thương con như bố, chẳng ai cho con một cơ hội để làm lại và cũng chỉ có bố mới tận tình dạy bảo. Giờ con lớn khôn thì bố đã đi rồi, để lại “con ngơ ngác với đợi chờ”.

Qua những nỗi niềm chưa kịp nói, Nguyên dẫn người đọc về với khung trời tuổi thơ:

“Góc nhỏ sau vườn ôm mãi những mộng mơ
Thành phố ngoài kia bộn bề, tấp nập
Sáng vội đi, ngụm trà không kịp nhấp
Tối ngẩn ngơ, chẳng tìm thấy lối về…”


Trên mảnh đất quê hương bao nhiêu năm gắn bó, con nhớ mãi góc nhỏ sau vườn. Ở đó, những kỉ niệm về bố còn mãi trên từng nhành cây ngọn cỏ. Rồi giật mình thức giấc, bên tai con vọng đến âm thanh của phố phường nhộn nhịp. Ngày mới về trên con phố dài, con hòa mình vào dòng người tấp nập. Còn đâu những tháng ngày thảnh thơi bên bố, tối đến con lại làm chiếc bóng cô đơn trên lối về.

Bỏ qua tất cả, cái đọng lại trong lòng người đọc chẳng phải là nỗi nhớ nhà da diết hay sao? Tháng năm dần trôi, bạn còn bao nhiêu ngày nữa để ở bên bố mẹ...

“Những người không có ai chờ đợi sau cánh cửa căn nhà ấm, thì không cần phải về nhà đúng giờ.”

Người viết cảm nhận: [Trần Hàn]
 
Sửa lần cuối:
638
2
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.