Cảm xúc về bài thơ "nhà mình" của tác giả Huỳnh Bảo Trân

Cảm xúc về bài thơ "nhà mình" của tác giả Huỳnh Bảo Trân

[Dự thi NHÀ - Cảm xúc sau khi đọc bài thơ "Nhà mình" của tác giả Huỳnh Bảo Trân - Nguyễn Hải Liên

Từ 6 tuần nay thói quen của tôi khi lướt Facebook là tìm đọc các sáng tác hay được đăng trên cuộc thi sáng tác văn học nhà và hôm nay tôi bắt gặp bài thơ "Nhà Mình" của tác giả Huỳnh Bảo Trân.

Trước hết, Huỳnh Bảo Trân thu hút tôi bởi chính thể thơ mà cô ấy thể hiện: ngũ ngôn vần tréo. Một thể thơ khó viết và có nhạc tính. Và chúng ta hãy cùng đọc khổ một của bài thơ:

Nhà mình đơn sơ lắm
Không lộng lẫy cao sang
Nhưng đủ để sưởi ấm
Cho những trái tim vàng

Phải khẳng định Huỳnh Bảo Trân rất yêu thương những thành viên trong gia đình mình. Hai câu thơ đầu của khổ một tác giả giới thiệu về nhà mình:

Nhà mình đơn sơ lắm
Không lộng lẫy cao sang

Để rồi niềm hạnh phúc vỡ òa khi tác giả viết hai câu thơ kết khổ một:

Nhưng đủ để sưởi ấm
Cho những trái tim vàng

Đọc đến đây tôi muốn chúc mừng tác giả vì tuy sống ở ngôi nhà " đơn sơ", "không lộng lẫy cao sang" nhưng nó đúng là một tổ ấm. Tôi thấy niềm tự hào không che giấu của tác giả khi bạn giới thiệu những thành viên trong gia đình mình là " những trái tim vàng".

Chúng ta tiếp tục đọc khổ thơ thứ hai của bài thơ:

Nhà mình yên bình thật
Nhưng mấy ai nhận ra
Toàn lúc cô đơn nhất
Mình mới chạy về nhà

FB_IMG_1631886972412.jpg


Bạn đưa ra một triết lý làm bừng tỉnh trái tim của biết bao người "nhà mình yên bình thật" nhưng chẳng mấy ai nhận ra để lúc cô đơn nhất thì mới chạy về nhà. Động từ chạy được tác giả sử dụng một cách vô cùng chính xác và có chủ đích. Có phải chăng ý tác giả muốn nói những lúc cô đơn nhất giống như một cơn bão và nhà là nơi hầu hết mọi người muốn chạy về để trú ngụ khi những cơn bão đời ập xuống? Nhà luôn là một cái tổ ấm êm nhất cho mỗi chúng ta.

Phải nói thật lòng rằng ở bài thơ này Bảo Trân không sử dụng quá nhiều hình ảnh thơ ấn tượng nhưng sự giản dị trong ngôn từ, cách thể hiện cảm xúc chân thành là cách để tác giả khiến độc giả chú ý đến bài thơ và đọc tiếp khổ thơ thứ ba và thứ tư của bài thơ:

Nhà mình luôn ở đó
Luôn có ba mẹ chờ
Mình luôn là đứa nhỏ
Ham vui và dại khờ

Nhà mình thiếu nhiều thứ
Nhưng không thiếu tình thương
Ngoài kia có nhiều thứ
Phức tạp và khó lường

Ừ đúng rồi Bảo Trân ơi! Dù bạn có đi muôn nơi khắp chốn thì " nhà mình " luôn ở đó và ba mẹ luôn bao dung chúng ta, ấp ủ và chở che cho chúng ta. Dù ở ngoài đời "mình" có lớn khôn thế nào thì với ba mẹ mình vẫn luôn là đứa trẻ ham vui và dại khờ. Chỉ với khổ thơ này thôi Bảo Trân đã làm nổi bật và rực sáng tình yêu thương vô bờ bến của ba mẹ dành cho đứa con của mình. Cũng qua hai khổ thơ này tác giả nêu được một thực tế hiển nhiên nhà mình thiếu nhiều thứ nhưng không thiếu tình thương và ở ngoài xã hội có nhiều thứ nhưng " phức tạp và khó lường". Mạch thơ lại tiếp tục với khổ thơ thứ năm:

Nhà mình thật may mắn
Vì có mẹ có ba
Ở ngoài con hẻm vắng
Trẻ mồ côi khóc oà

Nhịp thơ ở khổ thơ thứ năm chùng xuống khi tác giả nói đến sự may mắn của bản thân mình và liên hệ đến những đứa trẻ mồ côi đang nức nở khóc òa. Tuy nhiên ở câu một của khổ năm tôi thấy có vẻ như tác giả đang ép vần nên chữ " nhà mình" ở đây không chính xác lắm. Nếu tác giả thay chữ " nhà mình" bằng chữ " và mình" thì câu thơ sẽ thuyết phục hơn.

Và chúng ta hãy xem cách Bảo Trân kết thúc bài thơ của mình:

Bước ra đời mới biết
Không đâu bằng nhà mình
Người ta chỉ toan tính
Chẳng có ai chiều mình

Ở khổ thơ thứ 6 này có vẻ như tác giả đã lặp lại ý của khổ thơ thứ tư của bài thơ nhưng sự lặp lại này là một sự choàng tỉnh cần thiết của người trẻ để họ biết ở ngoài xã hội đầy mưu mô toan tính và " không đâu bằng nhà mình".

Tôi kết thúc bài bình thơ của mình ở đây. Cảm ơn tác giả Huỳnh Bảo Trân vì những cảm xúc mà bạn mang lại cho tôi.
 
427
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top