Cây sầu riêng của ba không biết được trồng từ bao giờ. Chỉ biết hơn hai mươi năm nay nó chưa từng nở một nụ hoa. Ai ngờ tết này sầu riêng lại ra hoa nhiều đến thế.
Còn nhớ, năm tôi lên mười, cây sầu riêng đã cao gấp hai lần một người lớn. Khắp vườn, hơn trăm cây đều trổ nụ đầu mùa chỉ riêng nó là im ỉm. Rồi những mùa trổ bông đã đi qua, các cây sầu riêng trong vườn đều bị ba chặt hạ do ảnh hưởng của cơn bão số năm quái ác. Riêng nó vẫn dửng dưng với thời tiết mưa bão, úng ngập. Nó không ngã, không chết, không rụng lá và cũng không ra hoa. Nhiều lần má kêu ba chặt nó rồi trồng vào đấy vài cây bưởi xanh để tết còn có trái cây trưng cúng ông bà. Thấy tôi buồn buồn, lần lựa mãi mà ba không nỡ đốn. Nó vẫn đứng sừng sững ở một góc sân vườn. Từ đó, nó thành nơi duy nhất cất giữ kỉ niệm tuổi thơ tôi.
Năm ấy, cô bé hàng xóm từ thành phố chuyển về quê sinh sống. Em nhỏ hơn tôi năm tuổi. Tôi gặp em vào một buổi chiều tan học. Khi ấy, em có cặp mắt tròn, mái tóc xoăn bồng bềnh, làn da trắng hồng. Đặc biệt nét mày dài và cong cong như được thợ điêu khắc tỉ mỉ khắc lên từng sợ mày tinh tế và thanh tú. Thế là từ đó tôi có bạn chơi chung. Chúng tôi cùng trải qua một tuổi thơ với nhiều kỉ niệm gắn bó. Sáng đi học, chiều lại rủ nhau ra cây sầu riêng ở góc sân vườn để chơi đồ hàng. Có hôm còn dựng chồi lá chuối để chơi trò cô dâu chú rể. Cũng có khi giận nhau, mỗi đứa chọn một góc riêng của bóng cây sầu riêng rồi lầm lũi chơi một mình. Dường như cây sầu riêng cũng biết chúng tôi buồn nên mỗi khi như thế, lá sầu riêng lại rụng rất nhiều như thể cố tình giãn hoà cho hai đứa.
Thời gian trôi nhanh, mới đó tôi đã là cậu học sinh tốt nghiệp lớp mười hai. Em cũng đã là cô gái mới lớn. Cũng vẫn đôi mắt to tròn, gương mặt thanh thoát dịu dàng, em bẽn lẽn hơn xưa và thường tránh mặt tôi. Cũng từ ngày đó, mỗi lần nhìn ra góc sân nhà, tôi thấy cây sầu riêng cô độc giống như tôi.
Bận rộn chuyện học hành, giảng đường đại học làm tôi không có thời gian về quê thăm nhà, thăm cây sầu riêng. Nghe má kể em vẫn thường sang nhà phụ nội. Khi thì may cúc áo, khi thì têm miếng trầu, khi thì đọc sách cho nội nghe. Mỗi lần như thế, em lại đi lanh quanh gốc sầu riêng để nhặt những chiếc lá vàng vừa rụng như lúc nhỏ. Mỗi lần như thế, nội hay hỏi nhớ thằng Thanh rồi phải không. Em không đáp mà bẽn lẽn nhìn ra góc sân rồi hỏi nội sao cây sầu riêng không trổ hoa.
Bốn năm đại học trôi nhanh, tôi nhận nhiệm vụ xa nhà. Hôm tôi từ giã gia đình đi Hoàng Sa, em có qua nhà đưa tiễn. Ánh mắt em rười rượi phảng phất một điều gì khó nói nên lời. Suốt buổi em chỉ quanh quẩn bên nội. Tôi thì bận tiếp đãi khách nhưng trên vai tôi luôn cõng theo mắt em. Lúc ra xe, mọi người không kìm được nước mắt. Em không khóc. Giọng nhẹ nhàng mà như đanh nói với tôi rằng em đợi cây sầu riêng trổ bông. Tôi cười với em nhưng chưa kịp nắm lấy bàn tay bé nhỏ thì xe đã lăn bánh lên đường.
Hai năm nhập ngũ, tôi chưa lần về thăm quê. Thỉnh thoảng tôi và em có liên lạc với nhau qua điện thoại. Hai đứa nói không nhiều. Câu chuyện chỉ xoay quanh cây sầu riêng.
Thời gian trôi nhanh, đã mấy lần mùa sầu riêng đi qua. Đời lính đảo chỉ có nắng gió bầu trời và sóng biển. Những cuộc gọi đường dài cứ thưa dần. Hoàng Sa thành quê hương. Tôi, ba mươi tuổi vẫn là người lính bám biển, chưa yêu ai và chưa dám hò hẹn với ai bởi đặc thù công việc của mình. Và cũng bởi công việc đặc thù mà tết này tôi mới được về phép sau nhiều năm ăn tết ở đảo. Nội đã không còn. Góc sầu riêng có đến hai đứa trẻ ôm không giáp. Rễ cây bám đất vươn dài ra khắp một khoảng sân rộng. Theo thói quen lúc nhỏ, tôi đi vòng gốc cây để nhặt lá làm tiền. Lần này, tôi nhặt được một đài hoa. Tôi cẩn thận gói vào giấy kĩ lưỡng định khoe với em nhưng em đã không còn đợi hoa sầu riêng nở giống như tôi.
Sửa lần cuối: